CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN-năm A

Bài 1

Ed 18,25-28; Mt 21,28-32

Chủ đề: Yếu tố quyết định vận mạng một con người: hoán cải, làm theo ý Chúa trong phút giây hiện tại.

* Ed 18,27: Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm mà thi hành điều chính trực công minh thì nó sẽ cứu được mạng sống mình.

* Mt 21,29-31: Nó hối hận, nên lại đi làm ý Cha…Những người thu thuế và các cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.

Lời Chúa của Chúa Nhật XXVI A tiếp tục mời gọi chúng ta khám phá thêm sự khác biệt được nhấn mạnh hôm nay là sự PHÁN ĐOÁN, ĐÁNH GIÁ về luân lý đạo đức trước một sự việc, một thực tế đã xảy ra và những hậu quả mà cách chung là con người có thể đoán định được.

Sự khác biệt không nằm chủ yếu ở SỰ KIỆN, bởi vì trên lý luận, con người lẫn Thiên Chúa đều nhất trí là có công thì được thưởng và có tội thì phải xét phạt. Thế nhưng vấn đề là dựa trên chuẩn mực nào để đánh giá công tội?

Con người thường dựa trên những gì đã xảy ra và nghe thấy được; Như vậy là dựa trên những sự việc quá khứ mà chính mình đã biết và nhận định được; Còn những gì đang diễn ra hoặc đang dự tính thì nằm ngoài tầm lượng giá, kiểm soát của con người. Những biến cố, hoán cải, những động cơ thúc đẩy hành động thì mắt phàm lại càng khó nhận ra.

Phần Thiên Chúa, Người luôn muốn cho con người được sống  và Người luôn là hiện tại, nên Người chú tâm hơn đến cái biến đổi, đến cái đích mà con người đang muốn hướng về. Chính cái tương quan, cái hoán cải đang có đối với điều thiện (hay ác) ngay trong phút giây hiện tại mới là yếu tố quyết định để luận tội định công.

Trong bài đọc một, Edêkien thuật lại cuộc đối thoại giữa dân Israel với Thiên Chúa: dân trách “đường lối Chúa Thượng không ngay thẳng” vì Chúa ân thưởng kẻ gian ác và trách phạt người công chính. Dân trách Chúa vì họ cho rằng cảnh lưu đày họ đang chịu là hậu quả của tội lỗi thế hệ cha ông. Họ chất vấn Chúa: tại sao cha ông họ ăn nho xanh mà họ phải ê răng? (Ed 18,2).

Quá khứ thì không thể xóa bỏ hay thay đổi được! Điều họ đòi hỏi Chúa là phải ngay lập tức cất khỏi họ các tai ương vốn không là do lỗi của họ trong quá khứ. Đó là đường lối của Dân. Êdêkien theo lệnh Chúa, tới đề nghị cho Dân một lối giải quyết khác, dựa trên hai nguyên tắc: một cũ, một mới.

  • Cái cũ là nguyên tắc LIÊN ĐỚI của thân phận làm người vẫn còn: sai phạm của cá nhân lắm khi cộng đoàn phải lãnh HẬU QUẢ.
  • Cái mới là nguyên tắc TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN: tội của ai thì người đó chịu ÁN PHẠT; công của ai thì người ấy hưởng PHẦN THƯỞNG.

Và yếu tố quyết định vận mạng THƯỞNG hay PHẠT là VIỆC LÀM TRONG HIỆN TẠI chứ không dựa vào những gì đã làm trong quá khứ (Ed 18, 26-28). 

Vậy sứ điệp ẩn trong bài đọc một là: hãy can đảm chấp nhận HẬU QUẢ của quá khứ, đồng thời cố gắng sống công chính trong hiện tại trong niềm trông cậy rằng thái độ công chính của cá nhân trong hiện tại có thể hóa giải những hậu quả xấu của quá khứ và mang lại kết quả tốt đẹp cho tương lai.

Bước sang đoạn Tin Mừng, bài dụ ngôn là một minh họa cho sứ điệp của bài đọc một: ĐỨC GIÊSU phân tích thái độ của hai người con trước lệnh truyền của Cha. Cha sai hai con đi làm vườn nho cho ông: – Đứa thứ nhất ban đầu chống lại lệnh Cha: “con không muốn” nhưng sau đó hối hận và đi làm. – Đứa thứ hai, trước lệnh Cha đã xin vâng rất lễ phép, nghi thức: “thưa ngài, con đây”, thế nhưng rồi lại bỏ ngoài tai lệnh Cha. Từ đó, ĐỨC GIÊSU đưa ra hai kết luận:

1/ Vâng lời không chủ yếu dựa trên lời nói, mà trên hành động; không dựa trên những gì xảy ra trong quá khứ mà TRONG HIỆN TẠI.

2/ Và kết luận ứng dụng nhằm cảnh cáo các thượng tế và kỳ mục: những người thu thuế và gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước họ. Lý do: vì trong HIỆN TẠI, các thu thuế và gái điếm đã bỏ quá khứ tội lỗi, TIN vào sứ điệp của Gioan Tẩy Giả và hoán cải. Cánh cửa cứu độ vẫn còn mở ra cho các thượng tế và kỳ mục: họ chỉ vào SAU thôi với điều kiện là HOÁN CẢI.
Thực ra, Thiên Chúa lẫn con người đều muốn nhân loại được cứu độ. Nhưng ơn cứu độ là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa, từ Thiên Chúa mà đến. Vậy hãy hoán cải, mở rộng lòng đón nhận ĐƯỜNG LỐI của Thiên Chúa.

Bài 2

Mt 21, 28-32

Cha sai hai con đi làm vườn nho. Đứa thứ nhất đáp: “con không muốn đâu”, nhưng sau đó nó hối hận nên lại đi. Đứa thứ hai đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. Ai đã thi hành ý muốn của người cha?

ĐỨC GIÊSU đã vào Giêrusalem! Dân chúng đã đón rước Người như Đấng Mêsia (21, 1-11). Tiếp đó, Matthêu thuật lại một số hoạt động của Người tại Thánh Đô:

    • Trước tiên là thanh tẩy Đền Thờ, trong tư cách là Mêsia, Người hoàn trả lại cho Đền Thờ ý nghĩa, vị trí đích thực của nó (21,12-17);
    • Qua lời nguyền rủa khiến cho cây vả, bề ngoài sum suê nhưng không ra trái, đã phải chết khô (cây vả không ra trái biểu tượng cho Israel cứng lòng), ĐỨC GIÊSU dạy cho các môn đệ bài học về sức mạnh của đức tin (21,18-22). Hai việc làm đầy ngụ ý trên gặp phải sự chống đối của các thủ lãnh Do Thái:
    • Nhóm Thượng Tế và kỳ mục khai mào các chống đối. Họ vặn hỏi ĐỨC GIÊSU dựa vào quyền bính nào mà dám hành động như vậy. Thấy họ không thành tâm, ĐỨC GIÊSU từ chối trả lời trực tiếp (21,23-27);
          Bù lại, bằng một loạt ba dụ ngôn, ĐỨC GIÊSU muốn thức tỉnh họ, giúp họ thức tỉnh ra tình trạng đích thực của họ trong hiện tại tương quan với ơn cứu độ Chúa tặng ban: 1. Dụ ngôn hai người con (21,28-32); 2. Những tá điền sát nhân (21,36-46); 3. Tiệc cưới: nhấn mạnh đến thái độ đáp trả cũng như số phận tương xứng của những khách được mời (22,1-14).
    • Tiếp đến, Nhóm Biệt Phái vào cuộc: họ phối hợp với nhóm Hêrôđê gài bẫy ĐỨC GIÊSU qua một vấn nạn tế nhị trộn lẫn hai lĩnh vực chính trị và tôn giáo qua câu hỏi “có nên nộp thuế cho César hay không?” (22,15-22).
    • Rồi bè Xa-đốc đặt ra cái bẫy về “kẻ chết sống lại” (22,223-33); Nhóm thông luật Pharisêu hỏi về “điều răn trọng nhất” (22,34-40).

Cuộc tranh luận tạm kết thúc với vấn nạn ĐỨC GIÊSU đặt ra về mối tương quan biện chứng giữa Đấng Mêsia với vua Đavit: Đấng Kitô là “con” hay là “Chúa” của vua Đavit?. Họ không trả lời đươc và “không ai dám chất vấn Người nữa” (22,41-45).

ĐỨC GIÊSU chỉnh sửa mọi thành phần dân Chúa. Riêng với đám đông dân chúng, Người giúp họ phân biệt rạch ròi điều này: mặc dù lối sống của thủ lãnh bất xứng, nhưng họ đã được Thiên Chúa trao quyền giảng dạy Luật Chúa nên phải nghe theo giáo huấn của họ và đem ra thực hành, chỉ đừng bắt trước cách ứng xử của họ thôi (23,1-12).

Phần chỉnh sửa kết thúc bằng lời khiển trách các thủ lãnh và thương khóc thành Giêrusalem cứng lòng (23,13-19).

Tin Mừng hôm nay là dụ ngôn một trong phần ĐỨC GIÊSU trả lời cho nhóm Thượng Tế và kỳ mục khi bị họ chất vấn về cội nguồn quyền bính của Người. Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi, ĐỨC GIÊSU vạch ra cho họ thấy những sai trái của họ. Dụ ngôn này hàm ý: để có thể nhận ra được cội nguồn quyền bính của Người, họ phải HỐI HẬN nghĩa là nhìn lại quá khứ và nhận ra mình đã phạm một sai lầm; Do đó lương tâm cắn rứt, ăn năn quyết tâm sửa lại lỗi lầm và tìm mọi cách khắc phục hậu quả và biết theo một hướng sống mới. Thật ra ĐỨC GIÊSU mời họ tỉnh ngộ lương tâm qua một dụ ngôn và khơi gợi ánh sáng giúp họ tự tìm ra câu trả lời. Dụ ngôn này xoáy sâu vào một điểm yếu trong cách sống đức tin của họ. Người Do Thái luôn hãnh diện vì họ là dân riêng của Chúa, dân khôn ngoan vì được Chúa ban cho Lề Luật và Thánh Chỉ (x. Đnl 4,5-8); Thế nhưng họ lại quên mất sứ mạng “anh em phải giữ luật và đem ra thực hành (x. Đnl 4,6.40). Sai lỗi của họ ngày càng trầm trọng đến độ Thiên Chúa phải nặng lời: “dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng còn lòng chúng thì lại xa Ta. (x. Is 29,13; Mc 7,6b-7). ĐỨC GIÊSU đã cố gắng thức tỉnh lương tâm của họ, giúp họ điều chỉnh lại các sai trái. Tiếc thay họ chỉ nhận ra được sai lỗi trên lý thuyết còn “hối hận” thì không. Do đó sứ điệp cứu độ do ĐỨC GIÊSU mang tới không có chỗ trong lương tâm họ.

Người kia có hai con…… điểm đáng lưu ý: ở đây dụ ngôn chỉ lưu ý đến tính cách là CON của hai đứa con. Bản văn chẳng bận tâm đến con thứ hay con trưởng; cũng chẳng bận tâm đến tình trạng luân lý xã hội: là biệt phái, thu thuế hay kẻ tội lỗi….; Cũng không kỳ thị tôn giáo, dân Do Thái hay dân ngoại; lẫn địa vị xã hội… Hai đứa được cha sai đi làm trong tư cách chúng là CON. Và vấn đề là thế nào là làm theo Ý Cha? (21,31a).

Lệnh Cha: này con, con hãy đi làm vườn nho: Dụ ngôn không quan tâm tới cuộc sống, lối sống của hai cậu con trước khi có lệnh đi làm vườn nho của Cha. Cái cốt yếu là thái độ đáp trả trong hiện tại trước lệnh truyền của Cha.

Khi truyền lại luật, Thánh Chỉ của Thiên Chúa cho dân, Môsê luôn nhấn mạnh đến tính HIỆN TẠI của hồng ân, và tính HIỆN TẠI của việc tuân thủ thực hành: “Yavê, Thiên Chúa chúng ta đã lập giao ước này KHÔNG PHẢI VỚI CHA ÔNG chúng ta mà LÀ VỚI CHÚNG TA….” (x.Đnl 5,3) 

Chính thái độ HÔM NAY của từng người trong tương quan với lệnh của Chúa, được biểu lộ qua việc làm chứ không chỉ lời nói, quyết định vận mạng của mình. Êdêkien sau này cũng nhắc nhở dân ngoại như thế trong Ed 33,18-20.

Thái độ của đứa con thứ nhất: Phản ứng đầu tiên là tiêu cực “con không muốn”. Cách nói cộc lốc, ngang bướng, lấy sở thích của mình làm chuẩn mực! Dụ ngôn không giải thích tại sao, nhưng rõ ràng đó là thái độ chống đối ra mặt, không úp mở. Cái sai trái của anh ta quá rõ, không cần gì phải tranh cãi, biện phân. Sai trái nhưng không giả dối. Phải chăng vì đã bộc lộ hết con người thật của mình ra như thế cho nên một khi bình tâm lại, anh ta thấy ngay lầm lỗi của mình và HỐI HẬN.

HỐI HẬN: Đây là yếu tố giải thích sự đột ngột thay đổi thái độ của đứa con từ chống đối trở thành tuân phục. Hối hận là một xung lực nội tâm thúc đẩy một ai đó phải nhìn lại những gì mình đã làm trong quá khứ do bị lương tâm cắn rứt, nhờ đó tỉnh ngộ nhận ra những sai trái của mình, và hàm ý là sẽ quyết tâm tìm cách chuộc lỗi, khắc phục hậu quả.

Đứa con thứ nhất đã nhận ra cái sai trái của mình, nên đã đổi thái độ, lẳng lặng đi làm điều Cha sai bảo.

Thái độ của đứa con thứ hai: anh đáp lại lệnh Cha với một lời lẽ nặng về nghi thức, nghiêng về tương quan “chủ – tớ” hơn là “cha – con”: “êgô kuriê”: “Lạy Ngài, tôi đây”. Xem cha như là “chúa” là “chủ” của mình, do đó không chỉ vâng phục một lệnh truyền, mà còn đặt cả con người của mình _“tôi đây”_ dưới quyền sử dụng của cha như ý Cha muốn. Ấy thế mà hành động của anh lại hoàn toàn trái ngược lại.

Hình ảnh của đứa con thứ hai khiến ta nhớ lại Mt 7,21: tiêu chuẩn để trở nên môn đệ chân chính của Đức Giêsu, nên con thật của Cha là “thi hành ý muốn của Cha Thầy”. Trong Tin Mừng Matthêu, Ý Cha là tất cả; Dù có làm được những việc rất tốt như trừ quỷ, nói tiên tri, làm phép lạ mà không theo Ý Cha thì cũng đều vô ích (Mt 7,22-23). Mà Ý Cha không gì khác hơn chính là tin vào Đức Giêsu, đón nhận Người như là Đấng Mêsia của Thiên Chúa. Điều đó đám dân đen tội lỗi đã làm (x.Mt 21,1-11) còn nhóm thủ lãnh thì không (x.Mt 21,15-16).

Ai thi hành ý muốn của người Cha? Họ trả lời…Đây là lối sư phạm mà Kinh Thánh thường dùng: bằng những câu chuyện dụ ngôn khéo léo, hoặc lối dẫn chuyện tài tình, những người đóng vai chủ thể đã từng bước giúp cho đối tượng của mình tự tìm ra câu đáp cho vấn đề đã được nêu lên. Ví dụ chuyện ngôn sứ Nathan đến hạch tội Đavit trong 2Sm 12: ngôn sứ đã khéo léo dùng một câu chuyện dụ ngôn dẫn dắt Đavit đến chỗ tự động kết án mình; Nhưng chính nhờ tự nhận ra được lỗi mình như thế mà vua được tha thứ. Cũng vậy, ở đây, câu đáp của các thủ lãnh đã đưa họ vào sự thật: họ giống như cha ông họ, chỉ thờ Chúa trên môi miệng (x.Is 29,13) chứ không làm theo Ý Cha. Tiếc thay dù đã được Đức Giêsu giúp nhận ra sự thật, họ vẫn không chịu HỐI HẬN (Mt 22,32c). Điều quan trọng là LÀM THEO Ý CHA (so với Mt 7,22-23) trong hiện tại. Xin nhắc lại dụ ngôn này không quan tâm đến những gì đã làm trong quá khứ cho dù tốt hay xấu; Điều quan trọng là việc làm trong phút giây hiện tại. Điều đó đã được Thiên Chúa đề cập đến rồi trong Ed 33,18-20. Đó chính là đường lối của Thiên Chúa.

Kết luận ứng dụng của Đức Giêsu: “Amen, Tôi bảo các ông “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Trời trước các ông.” 

“proagousin”: tiền tố “pro” cũng có thể dịch là “thay thế” “thế chỗ”. Lối dịch này có ý nghĩa hơn, vì vào trước hay vào sau thì cũng đều được vào. Hơn nữa, đọc tiếp hai dụ ngôn ngay sau của Matthêu và của Luca song song sẽ thấy rõ ý nghĩa “thế chỗ” của “pro” (x.Mt21,43; 22,6-10; Lc 14,24).

Vậy trong phần ứng dụng, Đức GiêSu nói rõ đứa con thứ nhất là biểu tượng hạng người tội lỗi mà hai đại biểu rõ nhất thời đó là thu thuế và gái điếm. Theo tinh thần luật thì hạng tỗi lỗi đừng mong gì được hưởng hạnh phúc thời Mêsia, được vào Nước Trời. Đứa con thứ hai là biểu tượng của hạng người, nhìn theo lề luật ngoan ngoãn, lịch thiệp, ngôn từ lễ phép… Vậy phần thưởng Nước Thiên Chúa gần như là nắm chắc trong tay. Hình tượng đại biểu cho hạng người này là các thủ lãnh của dân. Thế nhưng kết luận của Đức GiêSu làm mọi  người sửng sốt: Hạng người thu thuế và gái điếm sẽ THẾ CHỖ cho nhóm tư tế, thủ lãnh (c.31)

Lý do bị thay thế: Gioan Tẩy Gỉa đã đến, chỉ đường công chính mà họ không tin (c.32a). “Đường công chính” ở đây không gì khác hơn chính là Đức GiêSu. Thật vậy, Người là Đấng được Gioan giới thiệu (Mt 3,1-15), được Chúa Cha giới thiệu là Con Yêu dấu (3,17), hãy vâng nghe lời Người (17,5). Đức GiêSu cũng tự biểu lộ qua cách giảng dạy đầy uy quyền (7,29) kèm theo nhiều phép lạ. Trước những biểu lộ ấy, đám dân tội lỗi đã đón nhận, còn nhóm các thủ lãnh đạo lẫn đời chống đối, tìm giết Đức Giêsu, bẻ cong sự thật (12,14.24; 21,15-16).

Không tin sứ điệp của Gioan dẫn tới không tin vào Đức Giêsu đã là sai; Cái sai còn nặng nề hơn nữa khi CỐ CHẤP, không chịu HỐI HẬN để tin. Điều quan trọng là thái độ công chính trong phút giây hiện tại sau khi hối hận. Vậy Đức Giêsu không nuông chiều kẻ dữ, không chê những ai giữ luật, làm lành; Nhưng Người tỏ cho cả hai biết một CON ĐƯỜNG MỚI mà điểm quy chiếu chủ yếu không còn là LUẬT nữa mà là chính bản thân Đức Giêsu. Đó là cách tuyệt vời nhất để làm theo Ý Cha.

Frère Pierre Đình Long FSC