Bài 1
St 2,18-24; Mc 10,2-16
Chủ đề: Tính duy nhất và bất khả phân ly của hôn nhân Kitô giáo.
* St 2,24: người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt.
* Mc 10,9: sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.
Hôm nay, Chúa Nhật XXVII B Mùa Thường Niên, Lời Chúa đề cập đến một vấn đề luôn mang tính thời sự và quan trọng trong thân phận làm người; Đây là nền tảng của đời sống cộng đồng, xã hội của con người: chủ đề HÔN NHÂN.
Hôn nhân! Chuyện bình thường của đời sống con người của xã hội phàm nhân. Trai gái lớn lên thì lôi cuốn lẫn nhau, tìm gặp gỡ nhau, đưa tới yêu thương, chọn lựa nhau rồi theo các quy định xã hội, dựng vợ gả chồng thành gia đình mới, sinh con đẻ cháu, lưu truyền sự sống cho nhân loại.
Với cái nhìn thuần túy tự nhiên như thế, và nhất là trong bầu khí tục hóa tôn thờ vật chất, hưởng thụ như hiện nay, con người thời đại dễ đi tới một lầm lẫn đáng tiếc, đem lại nhiều nguy hại cho đời sống hôn nhân, gia đình: đó là cho rằng hôn nhân là chuyện tự nhiên, hoàn toàn mang tính nhân loại mà thôi: đó là chuyện riêng của hai con người một nam một nữ chọn nhau, thích nhau rồi sống chung với nhau. Thậm chí có cặp còn coi thường cả các giềng mối luân lý, đạo đức xã hội của hôn nhân, hạ giá nhân phẩm của một con người: coi nhau như một đồ vật dựa trên cảm tính thất thường của mình, thấy hợp thì ở, không vừa mắt thì buông. Đó là căn nguyên của mọi đổ vỡ trong cuộc sống hôn nhân, gia đình, kéo theo không biết bao nhiêu là thảm trạng cho cá nhân của các đượng sự lẫn xã hội.
Và còn tệ hơn nữa, có kẻ còn nhân danh tôn giáo để biện minh cho những cách cử xử sai trái của mình, muốn lôi Thiên Chúa làm bình phong ngụy biện cho lập trường tráo trở của mình như Tin Mừng hôm nay cho thấy: “Thưa Thầy chồng CÓ ĐƯỢC PHÉP rẫy vợ không?”; “ông Môsê ĐÃ CHO PHÉP viết giấy ly dị mà rẫy vợ”.
Lời Chúa hôm nay khôi phục lại giá trị THẦN LINH của hôn nhân: cội nguồn của hôn nhân trước tiên là Ý ĐỊNH YÊU THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA: “con người ở một mình thì không tốt” (St 2,18); Từ nền tảng thần linh đó, một phẩm tính chỉ riêng con người mới có, được hình thành: hai người trở nên một xương một thịt (Mc 10,8) duy nhất dành độc quyền cho nhau; Và sự duy nhất bất khả phân ly ấy được chính Thiên Chúa đứng ra bảo lãnh: điều gì Thiên Chúa phối hợp… (St 2,24; Mc 10,9).
Bài đọc 1 làm nổi bật nét cội nguồn thần linh và tính duy nhất một vợ một chồng, bất khả phân ly của hôn nhân. Thật vậy, đối với sinh vật “con người” mà Chúa đã dựng nên thì Người đã có một ý định “con người sống một mình không tốt” và Thiên Chúa cũng đã có một giải pháp “Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng” (St 2,18). Hình ảnh thi vị Thiên Chúa lấy xương sườn của người nam mà dựng nên người nữ hàm ý vợ chồng là xương thịt của nhau, do đó không thể tách rời ra khỏi nhau mà không làm tổn hại đến sự duy nhất, bất khả phân ly của hôn nhân. Và ý định đó của Thiên Chúa cũng đã được con người đón nhận một cách phấn khởi, mừng vui trong hạnh phúc tràn đầy “đây quả thật là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,24). Thế nhưng sau khi sa vào cạm bẫy của ma quỷ, mối tương quan vợ chồng đã bị rạn nứt, đến độ theo dòng thời gian, luật lệ con người đã đi đến chỗ đồng tình cho phép cắt đứt mối dây hôn nhân chỉ vì không vừa ý nhau, thấy không hợp ý nhau nữa (Đnl 24,1).
Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã HỦY BỎ phá tập tục do các ích kỷ của con người bịa ra đó, Người gọi đó là tập tục “vì lòng chai dạ đá của các ông” (Mc 10,5). Rồi Đức Giêsu đã điều chỉnh lại bằng lời giáo huấn dựa vào dự tính từ ban đầu của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo: Thiên Chúa dựng nên loài người có nam có nữ, là để một nam một nữ sống đời vợ chồng khắng khít với nhau đến độ cả hai nên một xương một thịt (x.Mc 10,6-8). Và Đức Giêsu nhấn mạnh: đó là ý muốn của Thiên Chúa, con người không được quyền đổi thay, “điều gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Qua một lệnh truyền nghiêm khắc, dứt khoát, không chút nhượng bộ như thế, Marcô kín đáo mặc khải Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, Người đến tái lập lại kỷ cương của công trình sáng tạo.
Phần riêng cho các môn đệ, “khi về đến nhà”, Đức Giêsu còn dạy thêm: đã là môn đệ Đức Giêsu, dứt khoát không có vấn đề li dị; li dị đồng nghĩa với ngoại tình (Mc 10,11-12).
Lời Chúa hôm nay mời gọi con người lượng định lại giá trị của hôn nhân dưới ánh sáng của Lời Chúa. Chính khi con người sống hôn nhân một vợ một chồng, bất khả phân ly, con người mới thật sự hạnh phúc vì thể hiện được ơn gọi làm người là “HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA”.
Bài 2
Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm ra con người có nam có nữ… cả hai sẽ thành một xương một thịt… Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly. (Mc 10,6.8a.9).
Lời Chúa của Chúa Nhật XXVII B hướng về chủ đề “hôn nhân”. Điểm nhấn của Chúa Nhật XXVII B là nguồn gốc thần linh của hôn nhân và tính bất khả phân ly, một vợ một chồng của hôn nhân. Lời Chúa cho thấy hôn nhân trong dự tính của Thiên Chúa và cách ứng xử trong thực tế của con người trước dự tính đó.
Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ để họ sống thành cộng đoàn bền vững, cùng với Thiên Chúa tạo nên sự sống mới (sinh con đẻ cái). Họ là hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,26-28). Khía cạnh một cộng đoàn gồm một nam một nữ bền vững được củng cố thêm nhờ St 2,18.21-24: hai người nên một xương một thịt. Như vậy trong dự tính của Thiên Chúa, một nam một nữ, là “xương tôi, thịt tôi” sẽ kết thành một cộng đoàn sự sống bền vững và có khả năng tạo nên sự sống mới.
Thế nhưng khi con người sa ngã, sự dữ, sự xáo trộn xen vào trong các mối tương quan của con người, rồi sự chết xuất hiện (St 3,1 – 4,16), con người bị đuổi ra khỏi Eden, sống xa lìa Thiên Chúa… thì dự tính của Thiên Chúa bị con người làm đảo lộn: ganh tỵ, tranh dành, bạo lực thống trị, kẻ mạnh dần lấn át kẻ yếu, tương quan yêu thương, bổ trợ cho nhau bị thay thế bằng tương quan chiếm đoạt, lệ thuộc…; Và trong khía cạnh hôn nhân: hôn nhân một vợ một chồng phải nhượng bộ trước bạo lực, dục vọng của kẻ mạnh: việc đa thê mau chóng được cộng đồng nhân loại chấp nhận như là chuyện bình thường. Theo St 4,19, Lamek chỉ mới đời thứ năm tính từ Cain, đã có hai vợ.
Càng xa Chúa, con người có cái nhìn càng lệch lạc về hôn nhân. Người ta dần coi hôn nhân như là chuyện riêng tư giữa người nam và người nữ. Thiên Chúa bị đặt ra bên lề. Và một khi đã lãng quên Thiên Chúa thì con người cũng đánh mất luôn yếu tố nền làm con người là một tạo vật vượt hơn mọi tạo vật khác đó là “hình ảnh của Thiên Chúa”. Hôn nhân chỉ còn là một khế ước xã hội giữa hai đối tác ký kết một giao kèo, một hợp đồng; chứ họ không coi hôn nhân như là một sự phối hợp, nối kết hai nhân vị, mà mỗi nhân vị là độc nhất bất khả thay thế. Nếu chỉ là một hợp đồng giữa hai đối tác thì dễ dàng đổi thay đối tác khi thấy không còn hợp nhau, không còn “làm ăn” với nhau được nữa; Do đó li dị, li thư là chuyện đương nhiên và luật pháp và xã hội có thể giải quyết. Còn nếu coi hôn nhân là sự Thiên Chúa nối kết hai nhân vị độc nhất và hai nhân vị đó nhận ra đây là “xương tôi thịt tôi” thì không có vấn đề đổi thay vì mỗi nhân vị đều là “hàng độc” không gì thay thế được, mỗi con người là “duy nhất”.
Như vậy, khi hồi phục giá trị của hôn nhân một vợ một chồng bất khả phân ly chính là hồi phục nhân vị, phẩm giá con người. Trong thực tế, do nhiều lý do và áp lực, phần lớn nhân loại vẫn sống với nhau theo lối sống một vợ một chồng; số người sống đa thê tương đối là ít so với số đông nhân loại chỉ sống một vợ một chồng. Phần lớn những kẻ đa thê là những người giàu có, quyền thế, đủ phương tiện để có thể chu cấp đầy đủ cho các bà và các con. Nhiều vợ (chồng), li dị, đổi vợ (chồng) cũng là dấu chỉ của bất công, bất bình đẳng của xã hội.
Đức Giêsu được Cha sai đến trần gian là để phục hồi phẩm giá nhân loại, làm cho “hình ảnh Thiên Chúa” ngời sáng lại nơi nhân tính con người; Vì thế một trong những điều Người phải quan tâm là trả lại cho hôn nhân giá trị nguyên thủy của nó đúng như ý định của Thiên Chúa khi tạo dựng nên con người. Hơn nữa, Người còn nâng hôn nhân lên hàng bí tích (GLHTCG 1601). Hôn nhân được Đức Giêsu chúc phúc qua sự hiện diện của Người, của Mẹ Người và của cộng đoàn thiên sai (các tông đồ) trong Tiệc Cưới Cana. Hội Thánh coi đó là sự xác nhận tính thiện hảo của hôn nhân và là lời loan báo rằng hôn nhân từ nay về sau là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô (GLHTCG 1613), và còn hơn nữa, hôn nhân kitô giáo còn là biểu tượng của tình yêu của sự kết hợp của Đức Kitô và Hội Thánh (Ep 5,31-32).
Lời Chúa hôm nay nhắc lại cho chúng ta hôn nhân trong dự tính nguyên thủy của Thiên Chúa; thái độ đáp trả lệch lạc của con người trong thực tế; sự nhượng bộ của các thể chế, pháp luật và cuối cùng là sự hồi phục do Đức Giêsu mang tới.
Bài đọc 1: St 2,18-24
Bài đọc 1 trích từ St 2,4b-25. Đây là bản văn thứ hai trong Sách Ngũ Thư nói về công trình sáng tạo. Bản văn nhấn mạnh đến chủ đề “QUAN PHÒNG” hơn là “Sáng Tạo”: trong bối cảnh trời đất đã được dựng nên rồi nhưng chưa có sinh vật (2,4b-6); Thiên Chúa dựng nên “con người” trước tiên, nhưng chỉ mới là một người nam đơn độc, với mục đích là canh giữ và lao động làm đẹp đất đai (2,7-15). Là thọ tạo của Thiên Chúa, con người phải chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa từng bước một (Thiên Chúa không làm nên mọi sự hoàn thiện ngay nột lúc), Thiên Chúa hoàn thiện “con người” đầu tiên: Chúa thấy “Nó” sống một mình không tốt và Thiên Chúa quyết định ban cho Nó một “trợ tá tương xứng” (2,18). Dự tính đó cũng được thực hiện từng bước một:
– dựng nên mọi sinh vật và cho con người làm bá chủ ngang qua việc để con người đặt tên cho chúng (2,19-20)
– dù có tất cả mọi sự rồi, “con người” vẫn thấy thiếu thốn vì chưa có tình người, chưa có “trợ tá tương xứng” (2,20b).
– khi “ con người” đã ý thức được thực trạng của mình như thế rồi, Thiên Chúa mới dựng nên “người đàn bà” từ “xương sườn” của “con người”, rồi mang đến giới thiệu cho “con người”. (2,21-22)
– lúc đó, “con người” mới thấy hạnh phúc trọn vẹn, cuộc đời của mình là “tốt” (so 2,18), ý định Thiên Chúa về “con người” mới hoàn tất. (2,23-24).
Như vậy, sự hiện hữu và hạnh phúc trọn vẹn của nhân loại đến từ Tình Yêu Quan Phòng của Thiên Chúa: từng bước một, Người lo lắng cho nhân loại từng chút để con người đạt được tầm vóc viên mãn của phận làm người. Và yếu tố chính được bài đọc 1 nhấn mạnh ở đây là hôn nhân. Hôn nhân là quà tặng của Thiên Chúa, là sự bổ sung nhau giữa hai nhân vị để hoàn thiện cho nhau theo như ý Chúa.
* Con người ở một mình không tốt (2,18)
Trong dự tính của Thiên Chúa, con người phải là một hữu thể xã hội, phải là cộng đoàn, mặc dù mỗi người được Chúa dựng nên đều là một ngôi vị độc đáo, duy nhất. Tính cách vừa duy nhất vừa cộng đoàn này nơi con người là một phản ảnh diễn tả chân lý “con người là hình ảnh Thiên Chúa”. Thật vậy Thiên Chúa là một cộng đoàn thần linh gồm có ba Đấng, mỗi Đấng là một ngôi vị không lẫn lộn với nhau. Do đó mỗi con người chỉ đạt được nét duy nhất của từng người và đạt tới mức trưởng thành viên mãn như một con người trong cộng đoàn, nhờ sống tương quan tốt đẹp với người khác. Người công giáo – đặc biệt hôn nhân kitô giáo – phải xây dựng cộng đoàn yêu thương này ngay tại thế, nơi môi trường sống của chúng ta; Đó chính là sứ mạng, ơn gọi của chúng ta.
* Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng:
Toàn thể thọ tạo hữu hình Chúa dựng nên, không có cái nào là “trợ tá tương xứng” với con người. Và Thiên Chúa đã phải sáng tạo ra một thọ tạo mới không xuất phát từ “đất” (2,19) mà từ “xương sườn” của “con người” (Adam). Như vậy nam nữ bình đẳng trước Thiên Chúa, có cùng nhân phẩm tương xứng với nhau. Chính khi tôn trọng nhân phẩm của nhau mà con người được lấp đầy lỗ trống mà toàn vũ trụ không lấp nổi.
“Cái trợ tá tương xứng” này là ân huệ Chúa ban, là sáng kiến của Tình Yêu Thiên Chúa giúp con người nên viên mãn. Nhân phẩm con người không phải là sản phẩm phàm nhân do con người ban phát cho nhau. Không quyền lực trần thế nào có quyền đụng tới nhân phẩm con người. Con người khi có được “cái trợ tá tương xứng” thì phải luôn ý thức rằng không phải “cái trợ tá” tự nó lấp đầy được sự thiếu thốn của con người mà là chính Thiên Chúa lấp đầy bằng cách ban cho con người “cái trợ tá tương xứng”.
* Thiên Chúa cho “con người” ngủ mê
Cách nói ngụ ý rằng: không phàm nhân nào chứng kiến tận mắt được hành động của Thiên Chúa. Việc Chúa làm vượt tầm kiểm soát của con người. Con người chỉ nhận biết là Thiên Chúa có hành động nhờ thấy được tỏ tường kết quả của hành động ấy(x.Chúa Nhật XIII B. TIN MỪNG * Chữa lành)
* Yavê Thiên Chúa lấy cái xương sườn (2,22b), phối hợp với c.23 “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”, bản văn muốn nói tới sự đồng bản tính và bình đẳng giữa người nam và người nữ bởi vì cả hai là cùng một xương thịt; Đồng thời cũng cho thấy tính hỗ tương giữa nam và nữ vì cả hai là thành phần của nhau, không ai tự mình là đầy đủ.
Lưu ý, câu 23 không nói “con người” đặt tên cho sinh vật mới là “đàn bà”, nhưng chỉ nhìn nhận sinh vật mới đó chính là “xương thịt tôi”;
Còn cách nói “ngươi sẽ được gọi là…”, theo Kinh Thánh thì c.23b đó phải được hiểu là: Thiên Chúa sẽ gọi nàng là người đàn bà… (dùng động từ ở thể thụ động để tránh gọi tên Thiên Chúa).
Tóm lại nam nữ đồng bản tính, bình quyền. Quyền bình đẳng này phát xuất từ ý Chúa chứ không từ bất cứ một lý do nào khác. Nam nữ bình đẳng trên phương diện bản tính và nhân vị, chứ còn về chức năng, tài trí, vị thế xã hội… tổ chức cộng đồng thì hai người là trợ tá cho nhau và tùng phục nhau tùy trường hợp chứ không cào bằng mọi lãnh vực được.
* Hôn nhân là ý định của Yavê:
Thiên Chúa dẫn người đàn bà đến với con người (2,22b). Thiên Chúa đóng vai “ông mai”. Hôn nhân Công Giáo trước tiên là hoa trái của Tình Yêu Quan Phòng của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc bằng cách trở thành cộng tác viên của Chúa trong việc tác tạo cộng đoàn nhân loại qua việc sinh dưỡng con cái. Do đó, hôn nhân theo kitô giáo chỉ đạt được ý nghĩa và hạnh phúc trọn vẹn trong Thiên Chúa.
Trong các mối tương quan phàm nhân, tình yêu vợ chồng là mạnh nhất, trổi vượt hơn hết kể cả tình yêu cha mẹ, con cái: khi đã trưởng thành và gặp được “xương tôi, thịt tôi” thì đôi nam nữ sẵn sàng lìa bỏ những quan hệ trước kia dù thân thiết đến đâu đi nữa, để tách ra lập một gia đình mới. Căn nguyên của sự lôi cuốn mãnh liệt đó chính là Tình Yêu Quan Phòng của Thiên Chúa: Người đã lấy xương sườn của chàng mà tạo nên nàng; rồi đem nàng đến giới thiệu cho chàng; đồng thời soi sáng cho chàng nhận ra nàng là “xương thịt tôi”. Nhờ đó cộng đoàn cơ bản của nhân loại đã được thiết lập. Đó là nền tảng cho sự tồn tại và triển nở của cộng đồng nhân loại để góp phần hoàn tất công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
* Cả hai nên một xương một thịt:
Cách nói diễn tả tính cách bất khả phân ly của hôn nhân kitô giáo. Đó là điều Thiên Chúa muốn và chúc lành để nó trở nên dấu chỉ cho tình yêu chung thủy không suy suyển của Đức Giêsu đối với Hội Thánh và của Thiên Chúa đối với nhân loại.
TIN MỪNG: Mc 10,2-16
Sau khi tỏ mình cho các môn đệ biết Người là Đấng Mêsia, Đức Giêsu cũng mặc khải luôn con đường Người phải đi để hoàn tất sứ mạng là đường Thập Giá. Hai lần mặc khải Thập Giá, Đức Giêsu đều vấp phải sự chối từ, trốn chạy của đoàn môn đệ. Trong khi đó “Giờ” của Người đã đến gần. Đức Giêsu rời bỏ Galilê và tiến về hướng Giêrusalem, tới miền Giuđa (10,1). Người vẫn tiếp tục sứ vụ rao giảng và đào tạo môn đệ, nhưng việc biểu lộ quyền uy qua phép lạ thì dần dần bớt hẳn (chỉ còn một phép duy nhất chữa anh mù tại Giêricô: 10,46-52). Tin Mừng hôm nay là lời dạy chỉnh sửa đầu tiên của Đức Giêsu tại vùng đất Giuđê bên kia sông Giođan về chủ đề mà mấy người Pharisêu đặt ra cho Người: “chồng có được phép rẫy vợ không?”.
* Họ hỏi để THỬ Đức Giêsu
“THỬ” gợi lại hình ảnh dân Do Thái trong sa mạc không ngừng “thử thách” Yavê và Môsê, xem có Thiên Chúa ở giữa họ hay không dù đã thấy không biết bao nhiêu kỳ công của Người (Xh 17,7; Tv 95,9). Lần này, các Pharisêu lập lại lối mòn của cha ông họ, chống lại Đức Giêsu qua việc dựa vào một điều khoản luật để “thử” Người.
Như vậy qua cụm từ “thử” và “lòng chai dạ đá” = sklêrôkađia (câu 5: dịch sát là “sơ cứng con tim”), Marcô đã dựng lại cả lịch sử chống đối của người Do Thái đối với Thiên Chúa mà chóp đỉnh là việc chống lại Đức Giêsu để hãm hại Người với phương tiện họ dùng là Luật, vốn là ân huệ Thiên Chúa ban để họ trở thành người tự do, dân riêng của Chúa.
Như vậy cũng như xưa kia, Thiên Chúa đã chịu đựng dân Do Thái trong hoang địa để đưa họ vào Đất Hứa, thì nay Đức Giêsu chấp nhận gánh vác nơi bản thân Người tất cả những chống đối, cứng lòng của dân Chúa mọi thời với tấm lòng khoan dung là mong họ hoán cải đón nhận ơn giải thoát.
* Đức Giêsu hỏi ngược lại: “Môsê đã TRUYỀN DẠY GÌ?”
Họ đáp lại: Môsê đã CHO PHÉP viết chứng thư để rẫy vợ
Thay vì trả lời trực tiếp, Đức Giêsu sử dụng lối sư phạm quen thuộc của Người là hỏi ngược lại đối thủ. Mục đích là để đối thủ phải phơi bày tâm can (điều kiện tiên quyết để đón nhận được ơn hoán cải và tha thứ).
Câu hỏi của Đức Giêsu nhấn mạnh vào động từ “TRUYỀN DẠY” = êntêllômai cùng gốc với danh từ “êntole” = “lệnh truyền”, “giới răn” hàm ý đó là một mệnh lệnh, thánh chỉ đến từ Thiên Chúa.
Nhóm Pharisêu lúng túng, vì họ không trả lời được mà phải đáp trệch đi: Môsê “CHO PHÉP” = êpitrêpô là động từ hàm ẩn một ý nghĩa nhượng bộ, chỉ có giá trị giới hạn trong một phạm vi nào đó, trong một giai đoạn, trong một trường hợp cụ thể nào đó thôi (Paroles sur le chemin B p.432/3).
Khi cố ý sử dụng hai động từ khác nhau như thế cho cùng một đề tài, Marcô muốn tố cáo các Pharisêu đã áp dụng sai lạc luật Chúa là bỏ đi lệnh truyền của Thiên Chúa để chạy theo tập tục phàm nhân (x. Mc 7,8-9, hai câu này là riêng của Marcô). Với hàm ý ấy thì tục rẫy vợ đã đến lúc phải hủy bỏ.
* Điều gì Thiên Chúa đã phối hợp, con người không thể phân ly
Trước tiên Đức Giêsu điều chỉnh lại cái sai của “luật Môsê cho phép” bằng lời giải thích tại sao Môsê lại cho phép viết li thư: đó là vì sự cứng lòng của dân (10,5); Đồng thời Đức Giêsu đưa luôn ra giải pháp là phải trở về với ý định nguyên thủy của Thiên Chúa về hôn nhân (10,6) dựa trên nền tảng là chính lời Thiên Chúa nói trong Kinh Thánh (Mc 10,7-8; St 1,27c; 2,24)
Và Đức Giêsu kết luận là không được li dị với hai luận cứ:
– Hai người đã trở nên một xương một thịt (10,8b)
– Đó là ý định của Thiên Chúa: điều gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly (10,9).
Vậy câu đáp dứt khoát của Đức Giêsu là không được rẫy vợ. Người phá bỏ Luật Môsê? Không! Đức Giêsu phân tích giải thích cho thấy Môsê vì sao phải cho phép viết li thư. Vấn đề không phải là sự kiện mà là ý nghĩa của sự kiện; Đồng thời Người nại vào một thế giá còn lớn hơn Môsê và Luật: đó là ý định nguyên thủy của Thiên Chúa khi tạo dựng con người và vũ trụ.
Việc Đức Giêsu dám chỉnh sửa lại điều mà Luật Môsê cho phép làm hàm ý Người trổi vượt hơn Môsê; Và khi lập lại kỷ cương của công trình sáng tạo nguyên thủy, Người kín đáo tỏ mình là Thiên Chúa.
* Ý nghĩa của việc nhượng bộ cho phép trao li thư rẫy vợ
Nghiên cứu tập tục hôn nhân Do Thái cho thấy rằng việc trao li thư là một cách bảo vệ người phụ nữ hơn là để khuyến khích ly dị. Vấn đề là như thế này: khi lấy chồng cô gái có được một số tiền gồm:
– Tiền Mohar = tiền cheo. Đây là số tiền nhà trai phải nộp cho cha cô gái trước khi rước dâu. Số tiền sẽ được hai bên thỏa thuận. Nếu tiền Mohar chưa giải quyết xong và chưa trao trả đủ thì không được rước dâu (lý do chàng rể đến chậm trong dụ ngôn “mười trinh nữ”)
– Của hồi môn: là của cải gia đình cha mẹ ruột cho con gái khi cô lấy chồng.
– Tư trang: vật dụng riêng của cô gái.
Tất cả các món trên thuộc quyền sở hữu riêng của cô gái. Khi về nhà chồng, cô mang theo tất cả, hoặc để lại một phần Mohar cho cha ruột. Người cha có thể làm ăn và hưởng lợi từ Mohar đó, nhưng quyền sở hữu vốn vẫn thuộc về cô gái. Khi cha ruột chết thì phần vốn Mohar đó được trả lại cho cô, hoặc cô có thể xin lại trước nếu gặp túng quẫn.
Còn tất cả những gì cô mang về nhà chồng đều thuộc quyền quản lý của chồng. Chồng toàn quyền khai thác và hưởng lợi từ nguồn vốn đó. Tuy nhiên cô gái vẫn là chủ của số vốn đó. Khi chồng chết, tất cả vốn ấy quy hồi lại với cô và sau đó được để lại cho con của cô. Và nếu thủ tiết, cô còn được hưởng mọi gia sản của chồng.
Trường hợp bị chồng trao li thư: người chồng phải trả lại cho cô toàn bộ số vốn mà cô đã mang theo khi về nhà chồng. Điều này không dễ thực hiện, nhất là đối với những nhà nghèo hoặc bị chết vốn trong công việc làm ăn… Vì thế viết li thư là chuyện bất đắc dĩ.
Vậy Luật buộc phải viết và trao li thư là một phương thức hữu hiệu bảo vệ những quyền căn bản của người phụ nữ. Nó không nhằm ủng hộ, khích lệ cánh đàn ông li dị, bạc đãi vợ. Đây là một tiến bộ lớn trong một xã hội mà nền luân lý còn thô sơ và quá trọng nam khinh nữ (DEB – “Mariage”; Nước Palestin vào thời Đức Giêsu: các thể chế của Cựu Ước I)
* Nền tảng của việc không được li dị:
Đức Giêsu nại vào thế giá của chính Thiên Chúa khi nhắc lại St 2,24, đồng thời cho thêm lời giải thích (Mc 10,8b-9). Vậy Đức Giêsu chính là Thiên Chúa đến tái lập lại kỷ cương của công trình sáng tạo liên quan đến hôn nhân, qua lời tuyên bố: hôn nhân là do Thiên Chúa thiết lập; và là một vợ một chồng loài người không thể phân ly: “điều gì Thiên Chúa thiết lập thì con người không thể phân ly” (Mc 10,9).
Kết:
Trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa muốn con người sống hôn nhân một vợ một chồng, và trong thực tế cho đến ngày hôm nay phần đông nhân loại cũng đang sống như vậy (DEB – “Mariage”).
Một vài thể chế cũng như một số Luật cho phép có nhiều vợ hoặc nhiều chồng, ly dị thật sự chỉ là một sự nhượng bộ trước những đòi hỏi của những phe nhóm có quyền lực muốn đòi hỏi những quyền lợi lệch lạc cho số nhỏ của phe nhóm họ.
Luật cho phép trao ly thư, chấp nhận đa thê, ly dị (cũng như ngày nay một số quốc gia cho phép ngừa thai, phá thai, hôn nhân đồng giới…) là một bước thụt lùi nguy hiểm của đời sống luân lý xã hội; là một bước quay ngược lại với quá trình tiến hóa nhân loại. Thật vậy phải mất bao nhiêu thời gian để nhân loại vượt được từ giai đoạn “bày đàn” sống theo bản năng chưa có luật lệ để tiến lên giai đoạn xã hội luân lý sống theo lý trí… Thế mà nay chỉ trong một “tíc tắc” vì dục vọng một số người ít ỏi lại kéo cả cộng đoàn nhân loại phải quay về với lối sống thời “bày đàn” hành động theo bản năng; nghĩa là để cho bản năng dục vọng của mình làm động lực chỉ đạo thay vì là để cho lý trí, ý thưc, ý chí hướng dẫn cho cả cuộc đời mình.
Một số nhà cầm quyền nhượng bộ để có được sự bình an ổn định trước mắt, để bảo vệ cho cái ghế quyền lực của phe đảng họ. Nhưng đó là cái ổn định ảo, phù du, xây nhà trên cát. Vì ma quỷ là kẻ tham lam, gian dối, “được voi sẽ đòi tiên”… Nếu cứ nhượng bộ riết thì sẽ tới nguy cơ đời sống đôi lứa sẽ trở về tình trạng “bày đàn” như thời tiền sử: cứ thỏa mãn được nhục dục, cái khoái lạc trước mắt là được rồi. Cái xấu lan tràn, tới một mức nào đó mọi sự sẽ đảo lộn: sai thành đúng, đúng thành sai… cả xã hội cứ an tâm sống trong sự giả trá, nguy cơ diệt vong là không sao tránh khỏi.
Đức Giêsu đã can đảm chặn đứng lại dòng chảy của nền văn minh sự chết đó khi tái lập lại hôn nhân một vợ một chồng. Gia đình Ki-tô Hữu phải can đảm cùng với Đức Giêsu, qua đời sống hôn nhân của mình, xây dựng lại NỀN ĐÁ TẢNG cho tòa nhà nhân loại.
Frère Pierre Đình Long FSC