Bài 1
Kb 1, 2 – 3; 2, 2 – 4; Lc 17, 5 – 10
Chủ đề: Đức tin vững chắc phải được biểu lộ qua lòng thành tín trong mọi tình huống.
*Kb 2, 4b: Người công chính thì sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình.
* Lc 17, 6 – 10: Nếu anh em có đức tin … thì khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, hãy nói rằng chúng tôi chỉ làm bổn phận đấy thôi.
Lời Chúa của Chúa Nhật XXVII C Mùa Thường Niên hướng chúng ta về chủ đề ĐỨC TIN, phó thác. Một đức tin kiên vững được biểu lộ qua thái độ thành tín, hoàn toàn tin cậy vào đường lối, cách hành động huyền diệu, lắm khi vượt sức tưởng tượng của chúng ta, mà Thiên Chúa thực hiện trên cuộc đời cá nhân ta lẫn trên cả dòng lịch sử. Tin tưởng khi làm được việc, thành công cũng như khi gặp thất bại, thử thách. Đó là một đức tin luôn cần được Chúa tinh luyện, tăng thêm để nhờ đó các tín hữu tìm được cách ứng xử thích hợp trong mọi nơi, mọi lúc với THÁNH Ý diệu huyền của Thiên Chúa trên đời mình.
Phải chăng Thiên Chúa đòi hỏi, ép buộc chúng ta quá mức? Thật ra, Lời Chúa mời gọi chúng ta nhìn lại 1 sự thật mà khi lìa xa Thiên Chúa, con người đã lãng quên: con người không thể lấy mình làm chuẩn mực cho chính mình được. Thật vậy, trong thân phận phàm nhân yếu đuối, tầm nhìn, phán đoán của con người luôn giới hạn, bất toàn. Cái nhìn phàm nhân luôn cục bộ, bị điều kiện hóa bởi nhiều yếu tố của một giai đoạn lịch sử, hoặc bị “xỏ mũi” bởi những nhu cầu cá nhân trước mắt và nhiều yếu tố nhất thời khác nữa. Vấn đề là chúng ta có nhìn nhận thực trạng bất ưng, muốn chối cũng không được đó của kiếp người hay không? Đồng thời tin rằng Thiên Chúa là Tình Yêu, chỉ có quyền năng của Người mới có thể đưa toàn bộ tạo thành và dòng lịch sử tới chân hạnh phúc vĩnh cửu? Trong niềm tin đó, Lời Chúa hôm nay mời gọi các tín hữu, là những người đã tin vào Chúa rồi, hãy can đảm bỏ đi các dự tính cá nhân nhất thời, các tầm nhìn giới hạn, cục bộ của mình để hiệp thông vào dự tính chung cuộc, vĩnh cửu của Thiên Chúa. Thường thì với cái nhìn giới hạn, bất toàn, con người khi gặp vấn đề thì chỉ muốn giải quyết cho mau xong những trắc trở, khốn cùng, bất hạnh … đang diễn ra trước mắt, miễn sao cho cá nhân mình, phe nhóm mình yên ổn là được. Nhưng đó không phải là đường lối của Thiên Chúa: đối với Thiên Chúa, mọi sự phải phục vụ cho dự tính cứu độ chung cuộc của Người. Dự tính thần linh đó mới đưa nhân loại và tạo thành đến chân phúc viên mãn. Vì thế, Lời Chúa hôm nay mời con người tìm hiểu, biện phân, rồi điều chỉnh dự tính của mình sao cho phù hợp với đường lối chung của Thiên Chúa, được biểu lộ cụ thể nơi từng cá nhân, từng cộng đoàn … cho dù thực tại trước mắt lắm khi đòi buộc các kẻ tin phải nhượng bộ, chờ đợi, chịu những thiệt thòi vì ích lợi chung của lịch sử cứu độ. Như thế, người tín hữu sẽ trở nên cộng tác viên của Chúa, thành chứng nhân cho Tình Yêu cứu độ của Người.
Bài đọc 1 trích lời ngôn sứ Khabacuc than vãn cùng Thiên Chúa: tại sao Chúa lại để dân Chúa rơi vào cảnh khốn đốn cùng cực. Có lẽ hoạt động cùng thời với Giêrêmia, Khabacuc chứng kiến cảnh bát nháo suy đồi các triều vua cuối cùng của đất Giuđa trước khi dân Chúa bị lưu đày Babylon. Thay cho dân, ngôn sứ nói lên nỗi day dứt, bức xúc của dân và của chính mình cho Chúa. Sau các áp bức của vua quan trong nước, tiếp theo là thời lưu đày, ách đô hộ của ngoại bang lại còn tàn bạo hơn. Dân cùng khổ!
Tại sao Chúa cứ im lặng? Chúa cứ để điều ác tác hại trên dân? Tại sao ngôn sứ kêu cứu, xin can thiệp mà Chúa chẳng đoái nghe? Tiếng kêu trách ai oán, uất ức trước việc sự dữ diễn ra khắp nơi, hằng ngày trước mắt , tủi hờn vang vọng lên tới Chúa: Chúa im lặng cho đến bao giờ? Phần thứ 2 của bài đọc 1 là lời đáp trả của Thiên Chúa:
Nội dung đáp trả vẫn chỉ là một lời hứa và một lời kêu mời vững tin vào đường lối Thiên Chúa: Thiên Chúa sắp can thiệp. Với con người thực dụng thời nay nhất là trong 1 xã hội coi nói dối là lẽ sống, là điều kiện tiến thân…thì lời hứa thực chẳng có giá trị gì; Nhưng đối với đức tin của người Do Thái, dân Chúa, thì như vậy là đủ để yên tâm, bởi vì:
-
Đó là 1 lời hứa chắc chắn. Vì Thiên Chúa truyền phải khắc lời đó vào BIA. Cách nói biểu tượng này hàm ý là lời hứa này không thể tẩy xóa, nó sẽ là bằng chứng đến muôn đời buộc Chúa là Đấng Công Chính, Trung Tín phải hoàn tất lời hứa đó.
-
Và theo kinh nghiệm tôn giáo Do Thái, thì sau thời kỳ im lặng, việc Thiên Chúa lên tiếng trở lại là dấu chỉ Thiên Chúa thứ tha và đương nhiên là Thiên Chúa sẽ giải cứu.
Vậy vấn đề là hãy bình tâm lại, tin vào lời Thiên Chúa hứa để đến khi Chúa cho tín hiệu ra tay là chúng ta nhận ra ngay Chúa đang tới và ra đón Người: cũng như trường hợp “Ba Vua” ở mãi tận Phương Đông xa xôi, nhưng đã nhận ra dấu hiệu ánh sao và đến hưởng niềm vui thấy Chúa thực hiện lời Chúa hứa nơi con trẻ GiêSu và bái thờ Hài Nhi.
Còn bài đọc Tin Mừng mở đầu bằng một lời nài xin của các tông đồ “thưa Thầy xin THÊM lòng tin cho chúng con”. Trước những đòi hỏi khó khăn của Đức GiêSu ở đoạn trước: đừng làm cớ vấp phạm, phải sửa dạy anh em, phải tha thứ luôn luôn (17,1-4), các tông đồ thấy đức tin mình còn yếu kém nên xin Đức GiêSu củng cố, tăng thêm đức tin cho họ. Lời xin nhắm vào SỐ LƯỢNG: xin THÊM; Lời đáp của Đức GiêSu lại nhắm vào CHẤT LƯỢNG: “nếu anh em có đức tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này “hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em”. Cách so sánh ngoa dụ trên nhằm mặc khải sức mạnh của lòng tin đích thực. Vậy vấn đề không phải là “xin thêm” mà là tinh luyện, vận dụng đúng mức đức tin đã có là có thể thực hiện được những gì Đức GiêSu đã dạy. Như thế, những gì cần thiết cho đức tin, Thiên Chúa đã ban cho đầy đủ rồi; nhưng Chúa không làm sẵn những “gói mì ăn liền” nhằm giải quyết trước mọi nhu cầu trong mọi tình huống của cuộc sống chúng ta. Trái lại, Chúa muốn chúng ta phải ra sức khai thác những điều cơ bản Chúa đã cho để rồi chính bản thân mỗi người sẽ tìm ra lời đáp thích hợp cho từng trường hợp cụ thể trong cuộc sống, nhờ Chúa Thánh Thần soi dẫn, trợ lực. Do đó đừng đến xin Chúa những giải đáp có sẵn (THÊM đức tin); Nhưng cũng đừng rơi vào cơn cám dỗ, khi giải quyết được một số vấn đề thì đâm ra tự mãn, lên mặt kể công với Thiên Chúa như người con cả kể công với Cha (x. Lc 15,29). Hãy phục vụ Chúa hết mình, nhưng TRONG KHIÊM TỐN. Đó là sứ điệp phần 2 của Tin Mừng hôm nay.
Đối tượng trực tiếp mà Đức Giêsu nhắm tới khi nói dụ ngôn này là các môn đệ (17,1), tông đồ (17,5). Đức GiêSu dùng 1 hình ảnh đời thường cụ thể mà thời đó ai cũng chấp nhận để làm điểm so sánh dạy bài học phục vụ Chúa trong khiêm tốn cho môn đệ:
Vào thời của Đức GiêSu, chế độ nô lệ vẫn còn! Thân phận của 1 nô lệ hoàn toàn tăm tối hoàn toàn không nơi nương tựa. Nếu 1 tên nô lệ, may mắn được 1 người chủ nhân hậu mua về cho làm tôi tớ, ở luôn trong nhà chủ, làm các việc phục dịch thường ngày của 1 tôi tớ và có cơm ăn no đủ, có 1 ổ rơm để ngủ an bình thì đó là hạnh phúc tuyệt vời. Đáp lại, người nô lệ ấy phải ý thức mình hoàn toàn thuộc về chủ. Do đó phải làm mọi việc chủ giao, bất cứ lúc nào mà không được ta thán hay kể công, lên mặt đòi chủ phải biết ơn mình. Giống như tên nô lệ may mắn trên, các tông đồ, môn đệ là những người được Đức GiêSu đưa ra khỏi cảnh dân đen vô danh tiểu tốt, biến họ nên môn đệ, tông đồ cho thông phần quyền năng lớn lao của Người, làm được những điều kỳ diệu (x. Lc 9,1-6: 10,17). Vậy sứ điệp Đức GiêSu gởi cho môn đệ là phải phục vụ Chúa và tha nhân trong khiêm tốn; Đừng vì làm được chút việc rồi tỏ vẻ “ta đây” đối với Chúa (x. Lc 18,28: Mc 10,28; nhất là Mt 14,27; có thể xem gương Agar nữ tỳ của Sara trong St 16, 4-11).
Thực ra Chúa dùng chuyện trần thế để dạy môn đệ phải khiêm tốn…còn PHẦN CHÚA, Chúa không bỏ qua một chút công lao nhỏ bé nào của chúng ta đâu: 1 chén nước lã cho 1 em bé (x. Mt 10, 42), 1 bữa ăn cho người nghèo (x. Mt 25,35), Chúa đều coi trọng. Và phần thưởng Chúa ban lại cho ta không phải là phúc lộc trần gian mà là Chúa
sẽ nâng chúng ta lên ngang hàng với Chúa: “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn…mà phục vụ” (Lc 12,37”; Chúa sẽ gọi ta là BẠN HỮU (x. Ga 15,15); Và ban cho họ Nước Trời (x. Mt 25, 34).
Vậy, một lần nữa, chúng ta nên nhớ, Đức GiêSu không chủ yếu dạy ta cách ứng xử thế để thành công ở đời này, nhưng dạy ta biết tận dụng tất cả những gì Chúa ban trong cõi thế này để xây dựng hạnh phúc Nước Trời. vậy chính trong tư cách là môn đệ, là tông đồ, là bạn hữu, là con Chúa, là thành viên của Nước Trời, mà chúng ta phục vụ vô vị lợi trong an bình, khiêm tốn.
Bài 2
Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con. Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17, 5b – 6)
Điểm qui tụ của các bài đọc Chúa Nhật XXVII C Mùa Thường Niên là ĐỨC TIN. Trong Thánh Kinh, Đức Tin là nguồn gốc và trung tâm của cả đời sống tôn giáo. Con người phải đáp trả chương trình Thiên Chúa thực hiện trong thời gian bằng Đức Tin: trong vườn Eđen, nhân loại (Adam và Eva) vì không tin vào dự tính yêu thương của Chúa nên đã đánh mất đi mọi phúc lộc mà Chúa đã ban cho trong công trình Sáng Tạo. Để hồi phục lại nhân loại Thiên Chúa đi tìm giữa lòng nhân loại tội lỗi đó 1 con người và đào tạo nên “con người của lòng tin”. Đó là Abraham. Rồi bước theo vết chân Abraham là “cha của mọi kẻ tin” (Rm 4, 11), các nhân vật gương mẫu trong Cựu Ước đã sống và chết trong Đức Tin (Dt 12, 2). Các môn đệ của Đức Kitô là những “kẻ đã tin” (Cv 2, 44) và những “kẻ đang tin” (1Tx 1, 7) (ĐNTHTK “Tin”).
Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến thái độ, tâm tình của những người theo Chúa phải có trước Thánh Ý nhiệm mầu, trước cách hành động diệu kỳ lắm khi khó hiểu của Thiên Chúa trong lúc thành công cũng như khi thất bại: đó là tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Lòng tín thác ấy được biểu lộ ra bằng tâm tình cậy trông, kiên trì chờ đợi, tin vào Lời Chúa hứa trong lúc đang còn trong cảnh tối tăm thử thách (bài đọc 1), và bằng thái độ khiêm tốn miệt mài phục vụ trong trường hợp may mắn được thành công (Tin Mừng). Và hoa trái của tín thác sẽ là sự sống (bài 1), là những kết quả diệu kỳ trong công việc (Tin Mừng).
Bài đọc 1 trích lời ngôn sứ Khabacuc, nhân danh đồng bào, phàn nàn Yave về những bất hạnh họ đang gánh chịu. Thiên Chúa trả lời Người sẽ can thiệp vào thời ấn định. Vậy đừng thất vọng, hãy kiên trì chờ đợi trong tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ giải cứu và người công chính sẽ được sống nhờ lòng trung tín của mình.
Tin Mừng thuật lại lời các tông đồ xin Đức Giêsu ban thêm đức tin cho họ để họ có thể đáp trả lại được những đòi hỏi mà Người đã dạy trong giai đoạn 2 của cuộc hành trình lên Giêrusalem (chúng ta đã thấy những nét chính từ Chúa Nhật 21 C và giờ đây Người đòi hỏi thêm các môn đệ đừng làm cớ cho ai vấp ngã và sẵn sàng tha thứ mãi cho anh em xúc phạm đến mình: 17, 1 – 4).
Đáp lời, Đức Giêsu dạy đức tin chỉ cần bằng hạt cải thì cũng đủ để lấp bể dời non. Tiếp đó, qua dụ ngôn người tôi tớ phải luôn tuân lệnh phục vụ chủ, không kêu than đòi hỏi, Đức Giêsu dạy phải phục vụ khiêm tốn khi làm được việc, đừng nghĩ rằng chủ phải mang ơn mình.
BÀI ĐỌC I: Kb 1, 2 – 3; 2, 2 – 4
Có lẽ Khabacuc cùng thời với Giêrêmia và sách mang tên ông được soạn thảo khoảng năm 600 trước công nguyên trở về sau. Đây là thời kỳ nhiễu nhương, bất ổn đầy bạo lực: trong nước thì vua quan ức hiếp dân chúng. Luật Chúa bị coi thường; bên ngoài ngoại bang thao túng, bóc lột và kết thúc với các lần lưu đày 597, 587. Rốt cuộc kẻ chịu thiệt thòi nhất là cộng đoàn dân Chúa. Trước thực tại ấy, ngôn sứ lên tiếng phàn nàn Chúa tại sao lại để bất công như thế xảy ra, và Chúa đã trả lời cho ông (1, 2 – 2, 4). Hiểu ra ý Chúa, Kb can đảm tuyên sấm chúc dữ cho những kẻ áp bức bằng 5 lời “khốn cho” (2, 5 -20). Cuối cùng ông nài xin Thiên Chúa can thiệp cứu dân khỏi thực tại khốn cùng (3, 1 – 19).
Bài 1 hôm nay thuộc về phần 1: cuộc đối thoại giữa ngôn sứ với Thiên Chúa. Ông đặt ra 2 vấn nạn và Thiên Chúa trả lời:
* Vấn nạn 1: Kb phàn nàn tại sao Chúa lại để dân Người chịu nhiều nỗi bất hạnh, áp bức? (1, 2 – 4)
Lời đáp 1: Người sẽ dùng bình lực Kanđê để trừng phạt những kẻ áp bức, bạo tàn (1, 5 – 11)
* Vấn nạn 2: nhưng rồi quân Kanđê còn tàn ác hơn nữa … Kb lại phàn nàn: làm sao Thiên Chúa ghét sự ác lại có thể dùng sự bạo tàn của quân Babylon mà trừng phạt Israel tội lỗi? Dù phạm tội, Issrael vẫn còn khá hơn dân ngoại mà (1, 13) vì Kanđê lộng ngôn coi sức mạnh của nó như thần thánh (1, 11), (1, 12 – 17).
Lời đáp 2: Cuối cùng ra, chính Thiên Chúa sẽ thực hiện công lý, kẻ ác sẽ ngã gục còn người công chính sẽ được sống (2, 1- 4).
Phụng vụ phối hợp vấn nạn 1 với lời đáp 2, bỏ đi phần giữa 1,4-2,1 nói về những điểm có liên quan tới quân Kanđê. Vậy đối tượng bài đọc 1 nhắm tới là Dân Chúa. Phụng vụ mời gọi kẻ tin bền lòng trông cậy, vững tin trong thử thách.
-
Lời phàn nàn của ngôn sứ với Chúa trước những điều dữ dân đang gánh chịu (1,2-3)
*Tại sao kêu cứu mà Chúa không nghe, không đáp cứu (c.2)?
– “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa”:
Cách nói thường gặp (Is 6,1; Gr 12,4; 23,26; 31,22; Hs 8,5; Dcr 1,12; Tv 6,4; 13,2…) diễn tả tâm trạng khắc khoải, thất vọng, hãi sợ trước thực trạng sự dữ đang lộng hành quá sức chịu đựng. Hàm ý vừa nài xin Chúa thứ tha tội phạm, mau can thiệp đưa ra khỏi cảnh khốn cùng quá đỗi mà dân đang chịu, vừa kêu trách tủi hờn uất hận chất vấn Chúa tại sao lại để sự dữ xảy ra quá đáng như vậy, tại sao nghoảnh mặt làm ngơ trước lời kêu cứu, trước nỗi khổ đau của dân. Dù phạm tội đến đâu dân cũng là dân Chúa mà!
-
Con kêu cứu, con la “bạo tàn”…mà Chúa không nghe không cứu.
“Con” tức là ngôn sứ. NGôn sứ đại diện dân bày tỏ nỗi niềm lên Chúa. “Bạo tàn”: có lẽ Kb đề cập đến ách bạo tàn của vua Giơhôgiakim và giai cấp thống trị (x. Gr 22,13.17). Bọn họ không còn coi Luật Chúa là chuẩn mực cho công lý nữa mà là sức mạnh của bạo quyền (1,4)).
* Nỗi khốn cùng của dân hằng diễn ra trước mắt ngôn sứ: “chứng kiến tội ác”, “nhìn cảnh khổ đau”, “cảnh phá phách bạo tàn”, “thấy tranh chấp cãi cọ”. Tại sao Chúa để các điều ấy xảy ra?
những thuật ngữ diễn tả chia rẽ, khổ đau, bất ổn dồn dập xuất hiện ở c.3 cho thấy tình cảnh bát nháo, bất công ở Giuđa thật đã tới mức cùng cực.
-
Lời đáp của Đức Chúa (2,2-4)
-
“Hãy viết lại thị kiến và khắc vào tấm bia…” (2,2)
“Viết lại thị kiến” là dấu chứng bảo đảm rằng lời Đức Chúa phán chắc chắn sẽ ứng nghiệm. Viết để lưu lại cho hậu thế những kỳ công Đức Chúa đã làm cho dân Người.
“Khắc vào bia đá”: xưa kia muốn lưu trữ bản văn, người ta viết văn bản lên đất sét rồi nung, hoặc khắc vào bia đá. Như thế bản văn sẽ không bị xóa nhòa hay dễ dàng bị sửa chữa. (CGKPV)
Vậy lời đáp của Chúa, trước tiên, xác quyết rằng chắc chắn Người sẽ can thiệp cách tỏ tường để tỏ lộ đức công chính của Người đối với Giuđa cũng như chư dân.
-
Thời điểm Đức Chúa thực hiện thị kiến: “vào thời ấn đinh. Nó đang tiến…chứ không làm cho ai thất vọng”(2,3abc)
Điều chăc chắn là Thiên Chúa sẽ thực thi điều Người hứa. Tuy nhiên cách thức, thời điểm vẫn là bí mật, sáng kiến của Thiên Chúa. Con người đừng đòi nắm bắt mọi chi tiết.
-
Thái độ phải có của phàm nhân khi thị kiến chậm đến:
-
Trông cậy: “cứ đợi chờ”
-
Vững tin: “vì thế nào…không trì hoãn đâu”
Đừng quên Thiên Chúa là vô biên, dòng lịch sử thời gian là bao la, đời người là hữu hạn. Chúa thực hiện lời hứa là cho cả nhân loại trong suốt dòng lịch sử chứ không phải cho một cá nhân trong 1 giới hạn là 1 đời người. Vậy hãy trông cậy, vững tin là Chúa công minh, trung tín. Cũng như Abraham, làm sao ông thấy Thiên Chúa thực hiện cho ông lời hứa dòng dõi đông đúc được? Chỉ cần thấy Isaac cưới vợ là đủ rồi; phần còn lại là vững tin và trông cậy thôi.
-
Chúa xét xử công minh: (2,4)
Trong bản văn phụng vụ, đây là câu đáp trực tiếp của Thiên Chúa trước lời phàn nàn của Kb: Thiên Chúa sẽ không dung tha cho kẻ áp bức bạo tàn, bất tín; còn những người công chính đang chịu các gian truân sẽ được giải cứu, được sống nhờ lòng trung tín của mình. Và cụ thể trong dòng lịch sử, các biến cố gần ứng nghiệm lời này là Lưu Đày (587) đối với Giuđa tội lỗi; còn đối với Babylon áp bức bạo tàn thì đó là biến cố năm 538, Kyrus vua Ba Tư xóa sổ đế quốc Babylon; Đối với dân trung tín, họ được giải thoát, hồi hương tái thiết Đền Thờ…
Qua lời đáp này, Thiên Chúa mời dân vững lòng tin cậy vào Chúa. Người là Đấng làm chủ dòng lịch sử, sẽ can thiệp đúng thời đúng chỗ để hướng dẫn mọi sự tới cùng đích mà Người đã ấn định. Đó là điều chắc chắn sẽ được thực hiện.
Tóm lại:
Với thân phận phàm nhân hữu hạn, với suy luận nghèo nàn cục bộ của lý trí nhân loại, Kb và dân Chúa đã cảm thấy hoang mang chao đảo khi đối diện với sự dữ, với những hậu quả khốc hại của tội lỗi, với những thử thách gian lao, những bất công tưởng chừng không sức chịu đựng nổi của cuộc sống. May thay ngôn sứ đã không mất niềm tin vào Thiên Chúa, nên đã can đảm lên tiếng cầu nguyện, tỏ bày tâm sự lên với Người. Và đức tin của ông đã được củng cố nhờ lời khẳng định của Thiên Chúa: Người sẽ can thiệp! kẻ ác sẽ bị diệt còn người công chính sẽ được sống nhờ lòng trung tín của chính mình.
Vậy, Lời Chúa mời gọi kẻ ác hãy lo bình tâm hoán cải và khích lệ người công chính vững lòng tin cậy vào Chúa, tín trung phó thác tất cả cho Người, kiên trì chờ giờ Người ra tay can thiệp tái thiết. Lạy Chúa xin thêm lòng tin cho chúng con ( Tin Mừng).
TIN MỪNG : Lc 17,5-10
Bài đọc Tin Mừng hôm nay là trích đoạn cuối của “giai đoạn 2 trong hành trình lên Giêrusalem” của Đức Giêsu (Lc 13,22 – 17,10). Mở đầu giai đoạn này, có người trong đám đông đi theo Đức Giêsu, hỏi Người rằng “những người được cứu thoát thì ít có phải không?” ( Lc 13,23). Đức Giêsu không trả lời thẳng vào câu hỏi; thay vào đó, Người đưa ra những giáo huấn hướng dẫn đường lối, phương thức để đi vào Nước Trời (đã được suy niệm từ Chúa Nhật 21C – 26C).
Ơn cứu độ được Thiên Chúa trao ban rộng rãi, hạt giống Nước Trời được Thiên Chúa rộng tay tung gieo không so đo tính toán (Lc 8, 4-8), vấn đề là đất đã được chuẩn bị sẵn sàng chưa để đón nhận và sinh trái (8, 11-18), hay là chai cằn, chống đối loại trừ (Lc 13,6-17); Đồng thời cũng đừng quên quy luật tăng trưởng tiệm tiến của công trình sáng tạo trong việc phát triển Nước Trời tại thế (Lc 13, 18-21).
Và phần kết thúc của giai đoạn 2 này (Lc 17, 1-10) Đức Giêsu hướng đến các môn đệ (17,1), đặc biệt là “các Tông Đồ” (17,5: bài đọc Tin Mừng hôm nay). Để thực hiện được các giáo huấn của Đức Giêsu, vai trò môn đệ, đặc biệt là Tông Đồ hết sức quan trọng. Ở đây (17, 1-4), Đức Giêsu nhắc 2 điều cốt lõi trong tương quan với việc nâng đỡ tha nhân đi vào Nước Trời:
-
Với bản thân, người môn đệ đừng là cớ vấp phạm cho kẻ khác (17,1-3a)
-
Nhưng khi tha nhân xúc phạm đến mình thì phải luôn tha thứ (17, 3b-4)
Đứng trước những đòi hỏi nghiêm khắc như thế, những ai muốn theo Đức Giêsu đến cùng tới đỉnh Can vê, cần nghiêm túc xem lại chọn lựa của mình (xem lại 9,51-62); Và các Tông Đồ đã Thưa với Chúa Giêsu “xin thêm lòng tin cho chúng con”. Và câu trả lời của Đức Giêsu (Lc 17,6) là 1 giải đáp thăng hoa cho câu hỏi mở đầu giai đoạn 2 – Vấn đề là CHẤT LƯỢNG của đức tin. Và hoa trái đích thực của đức tin chất lượng là “tinh thần phục vụ trong khiêm tốn” (17,7-10).
Các tông đồ còn nhìn công trình của Đức Giêsu dưới góc cạnh phàm trần, số lượng nên xin Đức Giêsu “thêm” đức tin (tương đương cách nói “ít/nhiều” trong 13,23). Đức Giêsu điều chỉnh lại: vấn đề là CHẤT LƯỢNG. Đó cũng là điều mà Phaolô cảm nghiệm: “ơn Ta luôn đủ cho con” không cần xin thêm gì cả (2Cr 12,9)
-
Sức mạnh của lòng tin (17, 5-6)
-
Lời các tông đồ nài xin Chúa: THÊM lòng tin cho họ
“Tông đồ”: người được sai đi, là chứng nhân. Chính trong tư cách này mà họ cần thêm đức tin. “Chúa”: Đức GiêSu được cầu xin và Người đáp lời với tư cách là Chúa. “Thêm lòng tin”: các tông đồ đã dùng một từ chỉ số lượng để cầu xin một điều phải được định giá bằng chất lượng. Đức GiêSu đã điều chỉnh lại cái nhìn ấy: vấn đề không phải là số lượng nhưng là phẩm chất, chỉ cần một chút xíu đức tin đúng chất lượng thì đã có thể thực hiện được những điều kỳ diệu rồi. Thật vậy đức tin không thuộc phạm trù vật chất để có thể cân đo đong đếm, kiểm chứng bằng giác quan, lý trí. Đức tin là một ân huệ, một mầm sống Chúa trao ban 1 lần khi ta gặp Chúa trong bí tích Thánh Tẩy. Trong mầm sống ấy đã ẩn chứa mọi năng lực của một đức tin toàn thiện. Vấn đề là phải làm cách nào để phát huy tối đa năng lực ấy.
Tuy nhiên lối nài xin ấy cũng nhắc ta một thực tại: tự sức mình, con người không thể đưa đức tin của mình đạt tới mức hoàn thiện được; bởi vì điểm khởi đầu và đối tượng của đức tin là chính Thiên Chúa. Phải nhờ Chúa trợ giúp thì ta mới có thể đưa đức tin của mình tới đỉnh cao, nhờ đó ta thực hiện được những kỳ công mà trí khôn tưởng chừng không sao thực hiện được.
-
Lời đáp của CHÚA: lòng tin bằng hạt cải, có thể bảo cây dâu bật rễ lên và xuống mọc dưới biển. Nó sẽ vâng lời
Đức GiêSu dùng hai hình ảnh đối nghịch nhau về vóc dáng: hạt cải cực nhỏ và cây dâu cực lớn; và một hình ảnh phi lý không thể có được: cây dâu mọc dưới biển, để làm nổi bật sức mạnh phi thường của một đức tin chân chính. Thật vậy “hạt cải” là loại nhỏ nhất trong tất cả hạt giống ( Mt 13,32; Mc 4,31). Còn “cây dâu” Sukaminos là một loài đại thụ rễ rất lớn, có thể sống tới 600 năm. Ấy thế mà chỉ cần một lời của một người có đức tin bằng hạt cải thì cây dâu phải nghe lời bật rễ xuống mọc dưới biển là nơi nếu theo lẽ thường nó không sống được. Dĩ nhiên đây là lối nói ngoa ngữ nhằm làm nổi bật sức mạnh của lòng tin. Đức tin có sức mạnh thay đổi cả môi trường sống. Qủa thế, nếu các Kitô hữu sống trọn đức tin của mình cho dù bên ngoài cuộc đời của họ thật nhỏ bé, thì chắc hẳn cuộc sống của họ vẫn có sức mạnh làm biến đổi tích cực môi trường chung quanh họ, góp phần làm thay đổi bộ mặt thế giới. Cuộc đời của các vị thánh là những bằng chứng.
-
Thái độ phải có trong khi phục vụ Chúa (17, 7-10)
2.1. Phục vụ hết mình không so đo, đòi hỏi, kể công: dụ ngôn tương quan chủ – tớ:
* Đối tượng: vẫn là các tông đồ
* Hình ảnh sử dụng: bổn phận của một người tôi tớ đối với chủ:
– ngoài đồng: phải chu toàn việc chủ giao: đồng áng hoặc chăn nuôi
– về đến nhà: phải lo phục vụ chủ.
Vào thời Luca viết Tin Mừng, thuật ngữ “tông đồ” được áp dụng rộng rãi cho nhiều người: Phaolô và Banaba (Cv 14,2); Anronich và Giunia (Rm 16,7); Timôthê và Sylvanô (1Tx 2,7); Sosthênê và Apollô (1Cr 4,9). Vậy theo nghĩa rộng, đối tượng Luca nhắm tới là những người lãnh đạo cộng đoàn. Họ đã được Chủ ưu ái đặt coi sóc gia nhân nhà Chúa (Lc 12, 42), nếu họ trung tín chắc chắn sẽ được thưởng (Lc 12, 43 – 44). Thưởng là phần của Chủ, ở chương 17 này nhấn mạnh phần của người tôi tớ: không vì làm được chút việc mà đâm tự kiêu, đòi hỏi Chủ này nọ. Tưởng rằng Chủ mắc nợ mình, phải chịu ơn mình.
Doulos dịch sát là “nô lệ”. Vào thời các tông đồ, nô lệ là một sở hữu vật trong tay chủ, chủ có quyền trên y lẫn tài sản, vợ con. Thân phận của y có được nâng cao cải thiện hay không là tùy lòng nhân hậu chủ chứ không do công việc y đã làm được. Việc y phải phục vụ chủ suốt ngày mà không được kêu ca, tính công…là chuyện đương nhiên của thời ấy.
* Chẳng lẽ ông lại biết ơn … sao?
Câu đáp chắc chắn là “không!”. Đức Giêsu đã dùng một tập tục được mọi ngươi thời đó chấp thuận để thuyết phục người nghe. Mọi sự kể cả thời giờ của người nô lệ đều đặt dưới quyền sử dụng của chủ. Khi làm xong một việc chủ trao thì phải luôn sẵn sàng để làm một việc khác. Y luôn là một người lệ thuộc không khi nào vượt qua khỏi thân phận tôi đòi của mình.
2.2. Bài học cho các tông đồ (17, 10)
* Đối với anh em cũng vậy
Khi mô tả thì người chủ ở vị thế chủ động, nhưng trong bài học ứng dụng thì vai trò, phản ứng của người tôi tớ lại được đề cao. Các tông đồ phải bắt chước thái độ thuần phục trong khiêm tốn của người nô lệ đối với chủ. Dĩ nhiên không nên hiểu mệnh để so sánh trên là Đức Giêsu nói chúng ta là nô lệ của Thiên Chúa, nhưng Người chỉ mượn hình ảnh tớ đối với chủ để gợi ý cho ta về thái độ, tâm tình phải có đối với Thiên Chúa sau khi làm được một công việc tốt lành nào đó.
* Khi đã làm tất cả…đầy tớ vô dụng…chỉ làm việc bổn phận…
“Vô dụng” có thể hiểu là “không cần thiết” nghĩa là nếu không có anh ta thì công việc vẫn cứ trôi chảy; cũng có thể hiểu là “không xứng đáng”: sau khi thi hành nhiệm vụ của mình, môn đệ không có quyền đòi hỏi Thiên Chúa cho mình đáng được hưởng lòng nhân từ của Người. (x. CGKPV “Tân Ước” 1995 trang 341 nốt “q”)
Bài học mà Đức Giêsu gởi đến cho ta trong dụ ngôn này là: phục vụ hết mình trong khiêm tốn. Đừng bao giờ vênh vang trước mặt Thiên Chúa như thể chúng ta có quyền đòi Thiên Chúa phải đặc biệt tưởng thưởng cho ta sau khi ta làm xong tốt một vài công việc; Trái lại ta phải luôn ý thức thân phận tùy thuộc của mình đối với Thiên Chúa, sẵn sàng đón nhận và thi hành những mệnh lệnh mới của Thiên Chúa như đó là phương cách tuyệt hảo để thể hiện ơn gọi, con người của mình. Phải ý thức cho đúng vị trí của mình trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đừng ảo tưởng rằng những điều mình làm được là do sức riêng của mình. Các môn đệ Đức Giêsu phải giữ mình đừng kiêu ngạo vì những thành quả tốt đẹp của công việc tông đồ mình làm và phải ý thức tính cách tùy thuộc, vô dụng của mình cho dù cũng đã được Thiên Chúa dùng để thực hiện một số điều tốt đẹp kể cả lớn lao. Thái độ khiêm tốn này vừa đòi hỏi, vừa biểu lộ lòng tín thác vô bờ. Nó chính là sự thể hiện ra bên ngoài cái “đức tin bằng hạt cải” mà đoạn trên đã đề cập tới. Thái độ này giúp ra ý thức đúng vị trí của mình, thân phận đích thực của mình trong tương quan với Thiên Chúa, với kế đồ cứu độ của Người, luôn ngước mắt hướng trông lên Người “như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ” để chạy đến van nài “Lạy Chúa xin thêm lòng tin cho chúng con”.
Tóm lại:
Qua hai dụ ngôn mà thoáng thì có vẻ như không ăn nhập gì với nhau, Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ bài học hãy tín thác trọn vẹn cho Thiên Chúa: tín thác khi gặp khó khăn, khi cảm thấy mình bất lực trước những đòi hỏi của thực tế, của luật Chúa: “xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”; cũng như phải tín thác khi may mắn thành công làm được việc này việc nọ tốt đẹp hữu ích: tất cả đều là hồng ân, “chúng tôi là tôi tớ vô dụng”.
Chỉ cần sống cho trọn vẹn cái đức tin bằng hạt cải mà Chúa thương ban cho ta trong ngày đón nhận hồng ân được làm con Chúa là các môn đệ đã có thể chu toàn được những nghĩa vụ Chúa trao cho và đáp trả được những đòi hỏi lớn lao của cuộc sống, tưởng chừng như vượt quá sức của con người. Tuy nhiên Đức Giêsu cũng cảnh cáo các môn đệ đừng để mình rơi vào trạng thái tự mãn, vênh vang một khi may mắn thành công, bởi vì tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa.
Như vậy, qua Tin Mừng hôm nay, phụng vụ nhắc nhở môn đệ Đức Giêsu hãy coi chừng đừng để mình rơi vào những trạng thái cực đoan trước những biến cố của cuộc sống và những đòi hỏi của Chúa: cảm thấy bất lực, hốt hoảng hoặc ngược lại là tự mãn, công thần.
Thái độ phải có trong mọi tình huống là TÍN THÁC trong khiêm tốn:
-
Lúc gặp khó nguy, bất lực: chạy đến với Chúa khiêm tốn xin Chúa nâng đỡ đức tin còn yếu kém.
-
Khi bình an, thành công tốt đẹp: đơn sơ phục vụ Chúa hết lòng, khiêm tốn nhận ra tất cả đều là hồng ân, luôn phó thác với tâm tình mình là tôi tớ vô dụng chỉ làm tròn bổn phận được trao ban.