Mt 21,33-43
Ở các thành phố lớn, các đô thị gần khu công nghiệp, chúng ta chỉ nghe nói đến việc cho thuê nhà ở, thuê mặt bằng kinh doanh, buôn bán. Nhưng ở những vùng quê xa xôi, thì các điền chủ lại cho người khác thuê vườn, thuê ruộng để canh tác. Những người thuê đất này được gọi là các tá điền. Tại Israel người ta thường trồng nho, nên các chủ vườn nho cũng cho thuê vườn.
Trong dụ ngôn “Các tá điền sát nhân” theo tin mừng Mátthêu 21, 33-43 hôm nay, Chúa Giêsu cũng dùng hình ảnh vườn nho để gián tiếp trả lời cho các thượng tế và kỳ mục đã hỏi Chúa Giêsu: Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?(Mt 21,23).
Dụ ngôn thuật lại: Sau khi đã trồng nho và chuẩn bị mọi thứ, ông chủ vườn nho giao cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Đến mùa, ông cho đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi, nhưng các đầy tớ bị đánh đập và giết chết. Ông lại sai một nhóm khác, tất cả cũng đều chung số phận. Cuối cùng ông sai con trai mình đến, hy vọng rằng họ sẽ nể con ông, nhưng họ cũng giết người con thân yêu của ông, với ý định chiếm đoạt gia tài đó.
Dụ ngôn có tính chất ngôn sứ: Chúa Giêsu xác định sứ mạng Thiên sai, vai trò Người Con của Ngài-Tương quan của Ngài với Thiên Chúa- Số phận Ngài sẽ gánh chịu. Dụ ngôn cũng nói đến án phạt dành cho dân Do Thái và vương quốc của Thiên Chúa sẽ được chuyển giao cho một dân khác.
Có thể nói, qua dụ ngôn này,Chúa Giêsu đã lược lại tất cả lịch sử ơn cứu độ.
Ông chủ vườn nho chính là Thiên Chúa. Chúa Giêsu mượn lại hình ảnh chú vườn nho trong Isaia 5,1-2. Ông chủ vườn nho chuẩn bị kỹ lưỡng Ông trồng được một vườn nho; xung quanh vườn, ông rào dậu; trong vườn. ông khóet bồn đạp nho và xây một tháp canh. (Mt 21,33).
Vườn nho chính là dân Israel: Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh, chính là nhà Israel đó. (Is 5,7).Việc làm của ông chủ đối với vườn nho chính là tình yêu, ân cần và chăm sóc của Thiên Chúa đối với dân Israel.
Các tá điền là giới lãnh đạo Israel, các thượng tế và kỳ mục.
Các đầy tớ là các ngôn sứ được Chúa sai đến tùy theo từng thời kỳ.
Sự kiện ông chủ sai các đầy tớ đến nhiều đợt nói lên lòng kiên nhẫn của ông và tình thương của ông đối với các tá điền, nhất là ông lại sai chính con một của ông đến. Nhưng sự độc ác của các tá điền càng lúc càng mãnh liệt hơn. Lúc đầu họ đánh đập rồi họ giết và ném đá. Cuối cùng họ còn bắt con của ông, quẳng ra bên ngoài vườn nho và giết đi.
Người con, người thừa kế duy nhất chính là Đức Giêsu, đấng Mêsia. Người con bị quăng ra ngoài chính là Đức Giêsu bị loại ra khỏi thế giới loài người, bị đóng đinh trên thập giá. Ngài tiên báo về cuộc Tử Nạn của Ngài bởi tay các nhà lãnh đạo Do thái giáo đương thời.
Điểm đặc biệt. tính ngôn sứ của dụ ngôn, đó là sự việc không kết thúc với cái chết của người con, nhưng Chúa Giêsu còn nói thêm: Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao?
Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.
Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. (Tv 118, 22-23/Mt 21,42).
Theo kiến trúc Do Thái, tảng đá góc tường có tầm quan trọng quyết định trong việc xây dựng: nền móng, kết cấu ngôi nhà tuỳ thuộc hoàn toàn vào nó. Đặt cố định viên đá góc rồi, phần còn lại của ngôi nhà phải dựa theo góc độ và kích cỡ của tảng đá góc này. Hơn nữa, nếu tảng đá góc này bị lấy đi cả ngôi nhà sẽ sụp đổ.
Người con bị giết, Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, viên đá bị mọi người vứt bỏ, đã trở nên tảng đá góc tường. Chúa chết nhưng đã sống lại và ban ơn cứu độ cho muôn người.
Vườn nho được chăm sóc đặc biệt, có dậu rào xung quanh, có tháp canh, có bồn chế biến nho. Cũng giống như vườn nho của Đức Chúa các đạo binh, được nói đến trong Isaia đoạn 5: Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? (Is 5, 4).Nhưng có điều khác biệt là vườn nho nói trong sách Isaia, khi không sinh trái, đã bị phá hủy, đập đổ tan hoang, thì ngược lại vườn nho trong dụ ngôn hôm nay được trao lại cho một dân khác: Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi, không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.(Mt 21,43). Dân khác kia chính là Giáo Hội của Chúa Kitô. Thiên Chúa sẽ thiết lập một Hội Thánh mới, thay thế cho Israel cũ, quy tụ tất cả mọi dân, mọi nước.
Chúng ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về đoàn dân mới. Chúng ta vui mừng vì được trao phó vườn nho là Nước Thiên Chúa. Chúng ta là “dân mới” của Chúa: Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử, nhờ Đức Giêsu Kitô. (Ep 1,5).
Vườn nho này, là cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chúa trao cho chúng ta quản lý, trông coi. Chúa trao cho ta những tài năng tinh thần, của cải, vật chất, như những nén vàng, chúng ta có bổn phận phải làm ra lợi tức, phải mang lại hoa trái tốt đẹp. Nếu chúng ta không biết sinh lợi, Chúa sẽ cất đi và trao cho kẻ khác.
Thiên Chúa trọng tự do của chúng ta, để chúng ta hoàn toàn tự ý xếp đặt công việc. Thánh Matthêu viết: “Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa” (Mt 21,33). Chúa không ở bên để luôn kiểm soát, canh chừng.
Chúa ban hồng ân, là để chúng ta phục vụ Chúa và tha nhân. Chúa kiên nhẫn chờ đợi chúng ta, để chúng ta có cơ hội hoán cải.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được gia nhập vườn nho Hội Thánh Chúa, cho chúng con được làm dân mới của Chúa. Xin cho chúng con biết chăm chỉ canh tác, chăm bón vườn nho Chúa, biết sử dụng những khả năng Chúa ban để sinh lợi, để phục vụ Chúa và tha nhân.
Nguyễn Đức Lân