MC, 10,2-16. TÌNH YÊU HÔN NHÂN HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Sau khi tạo dựng vũ trụ vạn vật, Thiên Chúa tạo nên Adam. Thiên chúa trao cho ông quyền thống trị mặt đất và làm bá chủ cá biển chim trời.(St 2,28). Thiên Chúa trò chuyện với ông, chắc hẳn, có khi Ngài còn đi dạo với ông lúc gió chiều hiu hiu (St 3,8), nhưng sao ông vẫn như ra ngẩn vào ngơ thế nào. Rồi một ngày Thiên Chúa tạo cho ông một người trợ tá tương xứng (St 2,18). Vì Thiên Chúa nói: người nam ở một mình không tốt. [Có người khôi hài: nên Chúa cho người bắc 54 vào ở với người nam cho tốt].
Thiên Chúa đợi lúc ông ngủ mới lấy một chiếc xương sườn của ông, lắp thịt vào và làm thành một người đàn bà, dẫn đến với ông. Thức dậy, ông sung sướng la lên: đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi !(St 2,21-23). Ngày nay, nhiều thanh niên kiếm được vợ, cũng nói: tôi đã tìm thấy xương sườn của tôi.
Có một thời bản thánh ca chung kết trầu cau của nhạc sĩ Phanxicô rất hot:
Ngày xưa khi Chúa dựng nên đất trời,
Ngài cũng dựng nên,
dựng nên con người giống hình ảnh Ngài.
Ban cho có đôi, Ngài ban cho có đôi ….
Hai câu dưới, vì dòng nhạc crescendo, nên đã có nhiều người hát thành bán chó có đôi, Ngài bán chó có đôi. Dân Hố Nai mừng quýnh: Một con Bít la (ba lít) đã là phê, nay lại một đôi thì nhậu tới bao giờ?
Về sau tác giả phải sửa lại: Kết nối lứa đôi, Ngài cho sống có đôi…
Đây đúng là cặp đôi hoàn hảo đầu tiên trên thế gian. Vì, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.(St 1,27). Thiên Chúa sáng tạo muôn loài muôn vật, nhưng chỉ có con người, không có loài vật nào khác, là giống hình ảnh Thiên Chúa. Sang thời Tân Ước, Thiên Chúa còn phái Con của Ngài xuống thế làm người, mang hình ảnh và thân phận con người.
Có nam có nữ. Hôn nhân gia đình đầu tiên là có nam có nữ, chứ không phải có nam có nam hoặc có nữ có nữ. Nên, các cuộc sống chung mà họ gọi là hôn nhân đồng tính (Gay hoặc Lesbian), dẫu được một số quốc gia chấp thuận, vẫn là điều nghịch với ý định ban đầu của Thiên Chúa về hôn nhân gia đình.
Trong Tin Mừng Mác cô đoạn 10 hôm nay, người Pharisiêu thắc mắc với Chúa Giêsu về hôn nhân gia đình. Chúa đã nói rõ: Khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ, vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt (Mc 10,6-8). Chúa còn nhấn mạnh: Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly. (Mc10,9) .
Ngày nay đa số các bạn trẻ thường ghi trên thiệp cưới của mình: Xin Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu chúng con hôm nay và mãi mãi, hoặc God is love. Thiên Chúa là tình yêu.(1Ga 4,8) Cũng có người ghi thêm: Ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa.(1Ga 4,16). Khác với các đôi hôn nhân những thập niên cuối thế kỷ trước. Thời đó, đa số các bạn trích dẫn Marco đoạn 10 câu 9 trên, hoặc Mat thêu 19,6. Ngày nay các bạn trẻ không thích, vì cho rằng những trích dẫn này có tính cách gò ép, bó buộc, làm như mất tự do.
Thực ra, đây chính là hồng ân Thiên Chúa cho người Công giáo. Vì hôn nhân Công giáo là hôn nhân nhất phu, nhất phụ, đơn hôn và bất khả phân ly. Đây chính là hình ảnh tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài.
Ngày còn trong tuổi lao động, tôi làm việc trong một cơ quan có khoảng 80 nhân viên, đa số là người ngoài công giáo. 80 nhân viên- trừ ra 30 nhân viên còn trẻ, còn độc thân – mà có đến 8 trường hợp ly hôn. Cá biệt có lần chúng tôi dự đám cưới của một nhân viên, đi theo nhà trai, chúng tôi phải chờ hơn nửa giờ ở ngoài cổng, vì chưa đến giờ tốt, giờ lành mà thầy và gia đình nhà gái đã chọn; thế nhưng chỉ 9 tháng sau thì hai bạn này đã: Sugar you, you go; sugar me, me go (đường anh, anh đi; đường tôi, tôi đi). Ngày nay, theo thống kê, trên thế giới có những nước có tỷ lệ ly hôn tới 50% hoặc 60%.Thật tồi tệ! Thật khủng khiếp!
Các cô có chồng tài xế, tại cơ quan trên, lại càng lo hơn nữa, mỗi khi chồng đi giao hàng hay nhận hàng hoặc công tác dài ngày, 1 tuần đến 10 ngày. Các cô ở nhà lo ngay ngáy, vì chồng về, chẳng thấy lương, thường thấy lậu.
Có một phụ nữ qua đời ở tuổi 45, vì bệnh nan y. Nằm trên giường hấp hối, bà trối lại cho đứa con gái duy nhất: Nếu sau này con có lấy chồng, cố gắng tìm một người công giáo mà lấy. Nó sẽ không bỏ con… Bản thân bà là một single mom. Người phụ nữ đã mất cả một đời lao nhọc, cực khổ, vất vả, có khi là tủi nhục nữa, kết hợp với kinh nghiệm và cảm nghiệm của bao người khác để có được lời trăn trối quý giá cho đứa con duy nhất.
Loài người không được phân ly chỉ là những những biện pháp an toàn, những rào cản vững chắc, cần thiết như những lan can trên cầu. Khoảng năm 2000, chúng tôi có dịp về thăm miệt thứ 9, Mỹ Sơn Thánh Điện (Nhà thờ thánh Micae-thời cha Isidoro Bùi Văn Tăng làm cha sở-) dưới U Minh.[Thời Pháp thuộc, vùng đất này được chia thành những con kênh như bên Kiên Giang và Cần Thơ. Người Pháp gọi mỗi kênh này là một région, première, deuxième… neuvième région, nên người Việt gọi là miệt thứ nhất, miệt thứ hai, miệt thứ tám, miệt thứ chín…].Các miệt cách nhau bằng một cây cầu. Từ phà Tắc Cậu đi vào tới miệt thứ chín, hơn 20 cây số, có khoảng 9 cây cầu, được thiết kế đơn sơ bằng gỗ, chỉ vừa đủ một chiếc xe hơi đi qua, hai bên thành cầu không có lan can. Tài xế những vùng trên đi xuống rất là hồi hộp, vì cảm thấy không an toàn; ngược lại các cầu trên thành phố và thị xã ở miền trên luôn có những lan can, tạo sự an toàn, chắc chắn, tự tin cho tài xế và người qua lại.
Cầu khỉ lắt lẻo, mong manh, nhưng luôn có tay vịn, cây đỡ. Không có những thứ này, mấy ai dám qua cầu khỉ?
Nếu những lan can này là ngăn cản, gò ép, mất tự do, thì đó chỉ có thể là tư tưởng của những kẻ chán đời, thất tình, thua bạc, thua cá độ bóng đá.
Luật Chúa chính là những rào cản, che chắn, nhắc nhở khi ta quên lãng. Giúp ta trở lại ý nghĩa ban đầu của Tình yêu hôn nhân gia đình.
Nhiều phụ huynh khi lo thủ tục hôn nhân khác đạo cho con mình đã phải thốt lên: sao Giáo Hội khó thế? Các cha không đẻ không thương, không thông cảm những nỗi xót xa, những khó khăn của con cái chúng tôi và của chúng tôi. Các phụ huynh đâu có thấy được những ưu tư của Giáo Hội, vì ngại con cái mình rơi vào những trường hợp éo le mà không sống đạo được.
Ngoài trường hợp người đạo gốc ảnh hưởng rất tốt trên người trở lại đạo, để có một gia đình hài hòa, hạnh phúc. Không thiếu những ca Qua sông đấm cò sợ sóng:
Con quỳ lạy Chúa Ba Ngôi,
Con lấy được vợ, con thôi nhà thờ.
Có khi người chồng, sẵn thói gia trưởng, còn phản bội những lời cam kết trước kia, để không cho vợ con giữ đạo, đi nhà thờ, chịu các phép bí tích.
Có nhiều người còn phân bì với các linh mục, tu sỹ hồi tục: sao các ngài được giải lời khấn, mà chúng tôi, những trường hợp Hôn Nhân không hạnh phúc, chúng tôi không được được giải lời thề? Họ đâu biết rằng luật độc thân linh mục, tu sỹ là luật của Giáo hội và Giáo hội có thể buộc hoặc tha, còn luật hôn nhân là luật của Thiên Chúa nên Giáo hội không thể can thiệp.
Tình yêu hôn nhân và gia đình là một đề tài lớn, bao la, muôn thuở, người viết không dám lạm bàn, chỉ xin góp một ý rất nhỏ.
Ngoài những lý do làm cho Lâu Đài Tình Ái sụp đổ, vì xây trên nền cát, như hoàn toàn đặt nền tảng trên sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, địa vị: nhà góc phố, bố làm to, mẹ thủ kho– mà coi nhẹ tình yêu-, còn có những vết nứt nhỏ làm thuyền tình ta đi đang chìm dần.
Một trong những vết nứt đó là vợ chồng thiếu cảm thông, thiếu tha thứ, không biết chín bỏ làm mười.
Trong tập truyện ngắn chuyện cổ tích dành cho người lớn, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể chuyện con ruồi. Ngày đó ông bị bệnh, phải nghỉ dưỡng ở nhà. Buổi sáng bà vợ pha cho ông một ly sữa. Ông uống một hơi hết nửa ly, mới phát hiện con ruồi trong ly sữa. Ông giận dữ, la mắng vợ và cứ xác quyết là ông đã nuốt một con ruồi, sinh vật mà ông rất ghê tởm. Ông kết án vợ là bất cẩn, hậu đậu. Bà vợ xin lỗi, ông vẫn không tha, ông vẫn to tiếng. Vợ cãi lại. Hai vợ chồng cứ thế lôi ra những chuyện cũ, những thiếu sót, sai lỗi của nhau, lỗi nhỏ lỗi to, lỗi mới lỗi cũ, có những lỗi cả hơn 10 năm cũng được đào lên để chì chiết nhau. Cao điểm ông nói không hiểu làm sao đã có thể chung sống với một người hậu đậu như thế bao nhiêu năm và ông quyết định, trong tích tắc, viết đơn ly hôn. Ký xong, ông đưa cho người vợ ký; người vợ không cần xem, ký tên luôn tại chỗ. Sau đó, bà tính đem ly sữa đổ đi và rửa, nhưng ông không cho, ông muốn giữ lại con ruồi để làm chứng, khi ra tòa, rằng bà là người làm ăn cẩu thả, muốn hại chồng. Ông vớt con ruồi ra định gói lại; ông đưa gần mắt, nhìn kỹ, lấy ngón tay gẩy gẩy: đó là một mẩu trà đen.
Đừng tưởng ruồi là vật nhỏ bé, yếu đuối. Ruồi có thể đạp đổ cả một tòa nhà hạnh phúc.
Một câu chuyện khác: một người phụ nữ vừa pha cà phê vừa nướng bánh, nên đã để miếng bánh quá lửa. Khi bày lên bàn ăn, bà đã nói với chồng: em xin lỗi đã để cháy miếng bánh. Người chồng mỉm cười, lấy dao cạo chỗ bánh đen, rồi khen thơm quá. Lời khen chân thực, chứ không phải là nói móc, chửi xéo. Sau khi ăn xong, lúc chỉ có hai cha con, cậu con trai đã hỏi cha: có phải cha thích ăn bánh cháy không? Người cha trả lời: mẹ con vất vả bao nhiêu ngày, cho chúng ta ăn bánh ngon, hôm nay lỡ cháy một tí, có gì phải phiền hà? Cậu con trai đã hiểu ra bài học yêu thương, thông cảm.
Người ta còn kể có một phụ nữ, khuôn mặt hốc hác, mệt mỏi, do nhiều ngày tháng mất ngủ, vì người chồng ngáy quá to. Người phụ nữ buồn bực, có lúc đã nghĩ tới ly hôn, nếu muốn sống và tiếp tục làm việc. Nhưng rồi, cô cầu nguyện với Đức Mẹ và thánh Mô ni ca, bổn mạng giới Hiền mẫu. Dần dần cô đã nhận ra đó là một ơn phúc. Vì khi chồng ngáy, có nghĩa là chồng vẫn còn thở, còn sống; thiếu gì trường hợp, tối còn khỏe mạnh, vui vẻ đi ngủ, sáng ra đã chết cứng. Nhiều khi nửa đêm thức giấc, không nghe chồng ngáy, cô không yên tâm. Nếu lúc trước tiếng ngáy của chồng làm cô căng thẳng, mệt mỏi, bực bội, khó ngủ, thì lúc này cô lại nghe như tiếng ru: Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây. (Huy Cận).
Khi người ta yêu nhau thì:
Yêu nhau trăm sự chẳng nề,
Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
Ta còn nhớ trong ca dao:
Lỗ mũi em những tám gánh lông,
Chồng yêu chồng bảo râu rồng Trời cho…
Đi chợ thì hay ăn quà,
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Phải cảm thông và tha thứ, vợ chồng mới có thể gọi nhau:
Mình ơi! tôi gọi bằng nhà,
Nhà tôi! tôi gọi mình là nhà tôi. ( Bùi Giáng).
Lạy chúa xin giúp chúng con xác tín vào Luật chúa, vì ách của Chúa thì êm ái và gánh của Chúa thì nhẹ nhàng. (Mt 11,30).
Nguyễn Đức Lân