CHÚA NHẬT XXVII A THƯỜNG NIÊN

Bài 1

Is 5,1-7; Mt 21,33-43
Chủ đề: Sự bất tín của Israel qua hình ảnh: vườn nho và tá điền làm vườn nho và phán quyết của Thiên Chúa.

* Is 5,2b: Chủ mong vườn nho là Israel sinh trái tốt, Nó lại sinh nho dại.
* Mt 21,39.42: Bọn tá điền bắt lấy cậu con của chủ tống ra ngoài vườn nho và giết đi… Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường.

          Chúa Nhật XXVII A Mùa Thường Niên mời chúng ta chiêm ngắm mối tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Người ngang qua hình ảnh quen thuộc của cuộc sống nông nghiệp ở xứ Palestin. Đó là hình ảnh canh tác vườn nho: Mối tương quan tay ba giữa ông chủ – vườn nho – và các tá điền thuê vườn nho là chủ đề chính của Lời Chúa hôm nay.

          Bài đọc một nhấn mạnh đến tương quan giữa CHỦ và VƯỜN NHO.

          Còn Tin Mừng quan tâm hơn tới tương quan giữa CHỦ và CÁC TÁ ĐIỀN làm vườn nho.

          Cả hai bài đọc đều cho thấy nỗi thất vọng của Thiên Chúa đối với Israel. Dân đã được Thiên Chúa tuyển chọn, dành bao nhiêu ưu đãi, nhưng Dân đã không đáp lại được, cho dù chỉ là phần nào, nỗi khát vọng của Thiên Chúa chờ đợi nơi Dân. Thực trạng đó dẫn đến quyết định của Thiên Chúa thay đổi thái độ, dự tính đối với Israel: Chúa sẽ thu hồi lại những đặc quyền đã dành cho dân và trao lại cho một dân khác biết cách đầu tư sinh lợi.

          Lời Chúa hôm nay báo trước việc Hội Thánh sẽ được thiết lập để thay thế vị trí của Israel trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

          Bài đọc một là một dụ ngôn được viết dưới dạng thi ca. Chính Thiên Chúa là tác giả. Và Chúa nhờ Isaia, ngôn sứ, là bạn thân của Chúa hát lên để chuyển tải nội dung bài ca đến cho dân Giuđa và Giêrusalem biết được những sai trái của họ, cũng như biết số phận mà Thiên Chúa sắp dành cho họ là kẻ bội bạc.

          Nội dung chính của bài ca là: Thiên Chúa có một vườn nho. Vườn nho đó chính là Israel; Còn Thiên Chúa vừa là chủ vườn, vừa là người trồng nho. Thiên Chúa đã tạo cho vườn nho Israel những điều thuận lợi nhất: vị trí đắc địa, đất đai màu mỡ và được cày dọn cẩn thận, giống nho hảo hạng, quý tốt; Rồi ông còn bảo vệ, xây vọng gác canh giữ vườn nho; Rồi khoét bồn đạp nho để chế tạo ra rượu nho ngon khi mùa thu hoạch tới. Ông làm tất cả với niềm háo hức là vườn nho sẽ cho trái ngon, tốt. Thế nhưng, vườn nho chỉ cho ra toàn nho dại. Thất vọng tột cùng, ông chủ nghiêm khắc chất vấn Vườn Nho: “có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi mà tôi đã chẳng làm…thế sao lại sinh nho dại?”

Và quyết định chung cuộc của ông đối với vườn nho thật đáng sợ: phá rào giậu, đập bờ tường, thôi chăm nom vun tưới, dừng nhổ cỏ tỉa cành, bỏ mặc vườn nho bị tan hoang dày xéo.

          Hình ảnh báo trước cuộc lưu đày như là án phạt cho tội bất trung. Tuy nhiên, PHẠT không bao giờ là tiếng nói cuối cùng của Chúa. Đó là lời nhắc nhở mạnh của Chúa nhằm thức tỉnh dân và sau đó là TÁI THIẾT.

          Tin Mừng cũng diễn tả cùng một chủ đề qua mối tương quan tay ba giữa: Chủ – vườn nho – và tá điền làm thuê. CHÌA KHÓA để giúp hiểu các biểu tượng muốn ám chỉ cái gì là câu Mt 21,43: Chủ là Thiên Chúa; Vườn Nho là Nước Trời; các tá điền là Israel đối lại với “một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi chính là GIÁO HỘI”. Đó là tầm hiểu rộng dựa trên TOÀN BỘ LỊCH SỬ CỨU ĐỘ. Nhưng nếu nhìn trên tầm nhìn hẹp hơn: chỉ một giai đoạn lịch sử cứu độ thôi và theo văn mạch Mt 21,23.45 thì cũng có thể hiểu Vườn Nho là Dân Cựu Ước; các tá điền là các thủ lãnh đạo lẫn đời của Israel: Thượng Tế, kỳ mục, biệt phái.

          Hai cách hiểu này đều được, đều qui về cùng một mối là báo trước cái chết cứu độ của Đức Giêsu do bọn tá điền mưu phản gây ra “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi và đoạt lấy gia tài của Nó” (21,38).

          Tuy nhiên, tá điền làm sao chống nổi lại CHỦ. Số phận bọn họ cũng là số phận CHỦ dành cho Vườn Nho trong bài đọc một. Nhưng Tin Mừng không dừng lại ở án phạt mà hé ra một chân trời mới lạc quan được câu 43 nói tới: Vườn Nho, Nước Trời sẽ sinh hoa trái TỐT nhờ MỘT DÂN MỚI. Đó là Hội Thánh.

          Các phản ứng tiêu cực từ phía loài người (thủ lãnh, hoặc Israel, hoặc cả những nét xấu nơi Hội Thánh) vẫn luôn có, nhưng không phá được dự tính yêu thương của Thiên Chúa. Tuy nhiên số phận kẻ phá hoại, bội phản thật đáng sợ.

          Chúa không loại trừ ai, nhưng mỗi cá nhân, phe nhóm có thể tự mình loại mình khỏi ơn cứu độ. Lời Chúa mời gọi hãy hoán cải để trở thành cộng tác viên trung tín, hữu hiệu góp phần CÙNG CHÚA làm VƯỜN NHO SINH TRÁI TỐT, làm NƯỚC TRỜI hiện diện ngay tại thế này.

Và thật là bất ngờ, phương thế mà Thiên Chúa sử dụng để thực hiện công việc đổi mới lạ lùng này là Thập Giá Đức Giêsu: Thực tại này được báo trước trong bài đọc Tin Mừng hôm nay: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường” (Mt 21, 42). Đó m.ới đích thực là phán quyết chung cuộc của Thiên Chúa. Và kết quả chung cuộc là “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi (Mt 21, 43).

Bài 2


Mt 21,33-43

Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa….Bởi đó….: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi (Mt 21, 42a -43).

          Lời Chúa của Chúa Nhật 27A Mùa Thường Niên mời gọi tín hữu khám phá ra Tình Yêu Quan Phòng của Thiên Chúa đối với dân Người. Tình yêu ấy được biểu lộ ra qua hình ảnh biểu tượng “người chủ vườn nho” và “vườn nho” của ông ta. Ông chủ đầu tư hết mình vào vườn nho những mong thu hoạch được những vụ mùa tốt đẹp. Thế nhưng, đáng buồn thay, “vườn nho” không cho được trái ngọt nào. Bài đọc 1 cho thấy sai trái là ở “vườn nho” chỉ sinh ra nho dại; Còn trong Tin Mừng, “vườn nho” bị bọn tá điền gian ác đoạt mất lại còn giết hại tôi tớ và cả cậu con duy nhất của ông chủ. Kết quả là ông chủ trắng tay. Và ông ta đã có phản ứng.

          Lời Chúa hôm nay, cả 2 bài đọc đều nhấn mạnh đến phản ứng của ông chủ. Đó là trọng tâm của Lời Chúa hôm nay. Dung mạo của Thiên Chúa được Lời Chúa tô đậm nét là dung mạo của một Thiên Chúa công minh đang nổi cơn thịnh nộ trước những tác nhân đã gây ra thiệt hại, mất mát cho ông (“Vườn nho” ở bài đọc 1; Và “đám tá điền bất chính” trong Tin Mừng).

          “ Nổi trận lôi đình” huỷ diệt vườn nho mà mình đã tốn bao công sức để gầy dựng (bài 1); “Tru diệt bọn tá điền” (Tin Mừng) phải chăng đó là dung mạo thật của Thiên Chúa? Chắc chắn là KHÔNG.

          Thiên Chúa chỉ có một dung mạo duy nhất: Tình yêu (1Ga 4,8). Người là chủ tể vũ trụ, Đấng điều khiển dòng lịch sử, Người là Đấng sáng tạo mọi loài và có đủ tư cách và quyền năng hướng dẫn mọi loài về đến cùng đích mà Người mong ước. Như vậy thì chúng ta phải hiểu như thế nào về cách nói mang nét dữ dằn, bạo lực mà Kinh Thánh nói về Thiên Chúa: Thiên Chúa nổi giận, Thiên Chúa huỷ diệt?

          Dưới mắt phàm nhân giới hạn của con người, chủ quyền tối cao của Thiên Chúa đối với mọi loài thọ tạo, hiện ra dưới 2 khuôn mặt: một mặt của nộ khí và một mặt của lòng thương xót. Chỉ trong cõi đời đời, chúng ta mới hiểu được rằng 2 mặt này chỉ là một, và sự công thẳng của Thiên Chúa cũng chỉ là một khía cạnh của tình yêu của Người (Dessein de Dieu p.97).

          Thật vậy trong phận giới hạn, ta chỉ thấy trước mắt là án phạt, là cơn thịnh nộ. Nhưng trong ý Chúa, phạt không bao giờ là tiếng nói cuối cùng, đó chỉ là giai đoạn sửa dạy để dẫn dân Chúa về lại đường lối của Thiên Chúa hầu về đến cùng đích mà Thiên Chúa mong ước. Và rồi từng bước một dân Chúa cũng dần nhận ra được Tình Yêu của Thiên Chúa ngay trong án phạt:

“Tôi khẩn nài những ai có sách này rơi vào tay, đừng ngã lòng trước những tai hoạ này và hãy đinh ninh rằng, các hình phạt ấy không phải để huỷ diệt, nhưng cốt để sửa lại giống nòi chúng tôi. Vì những kẻ đã đi theo đàng vô đạo mà không bị bỏ mặc một thời gian lâu, nhưng LẬP TỨC BỊ TRỪNG PHẠT thì đó là DẤU CHỈ MỘT ÂN HUỆ LỚN… Người không bao giờ rút lại lòng thương xót của Người đối với chúng tôi: lấy gian truân mà sửa dạy, đó là dấu chỉ Chúa không bỏ dân Người” (2Mcb 6, 12-16)

Hình phạt là một lời nhắc nhở – “phải trở lại trật tự” – mà Thiên Chúa gửi đến cho kẻ mà Người yêu thương. Sự thinh lặng của Người mới đáng sợ hơn nhiều. bỏ mặc tội nhân ở lì trong tội cho đến khi tội ác tràn đầy (Sđd p. 126)

       Với tầm nhìn đó, đọc kỹ lại bài 1 và Tin Mừng tuần 27A, ta sẽ thấy rằng sứ điệp chính không nằm ở án phạt mà là Thiên Chúa đang tìm cách, trong Đức Giêsu, làm cho Nước Trời (Vườn nho trong bài 1) sinh hoa trái. Thật vậy, Bài đọc 1 là một dụ ngôn được viết theo thể văn thơ ca mô tả tâm tình thất vọng của ông chủ đối với vườn nho của mình và quyết định chung cuộc của ông. Ông hết lòng yêu thương, chăm sóc vườn nho, làm tất cả những gì phải làm mong sao vườn nho sẽ sinh nhiều trái ngọt; Thế nhưng vườn nho đã phụ lòng ông: chỉ sinh nho dại. Do đó ông quyết định bỏ mặc vườn nho cho cỏ dại, không chăm bón, bảo vệ nữa. Kết thúc bài ca, tác giả cho chìa khoá để hiểu: vườn nho chính là nhà Israel. Rõ ràng kết thúc là án phạt. Và sự kiện cụ thể trong lịch sử lả cuộc lưu đày Babylon.

         Tuy nhiên, sau đó là “hồi hương” và cuối cùng Chúa cũng đã làm Dân Chúa sinh trái ngọt là Mầu Nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu. Cuối cùng vườn nho Israel vẫn sinh được “TRÁI NGỌT”.

         Trong Tin Mừng, mối tương quan giữa chủ và vườn nho được chuyển dịch qua chủ và các tá điền thuê mướn vườn nho. Vườn nho cũng được chủ trang bị đầy đủ: Nhưng rồi ông đi xa nên trao vườn nho lại cho các tá điền chăm sóc để tới kỳ chủ sẽ cho người đến thu hoa lợi. Kết quả cũng chẳng thu được gì! Nhưng ở đây do lỗi các tá điền: họ muốn ăn quịt và có mưu đồ chiếm đoạt luôn cả vườn nho. Và họ đã hành động: hành hạ kể cả thủ tiêu các tôi tớ do chủ gửi đến thu hoa lợi theo hợp đồng; rồi cuối cùng trong ảo tưởng mình là chủ vườn nho họ đã âm mưu sát hại luôn người thừa kế, con của chủ. Phản ứng chung cuộc của chủ là tiêu diệt bọn tá điền ác ôn, trao vườn nho lại cho các tá điền khác để hằng năm thu lợi. Bài đọc kết thúc bằng lời Đức Giêsu cảnh cáo nhóm các thủ lãnh Do Thái: họ chính là các tá điền ác ôn; còn vườn nho là Nước Thiên Chúa tại thế.

         Nếu đọc trích đoạn Tin Mừng trên chỉ dưới cái nhìn luân lý thì dễ kết luận rằng sứ điệp chính của bản văn nằm ở c.41: “ông chủ sẽ tru diệt…”. Nhưng coi chừng: c.41 là lời đáp, là giải pháp do các đối thủ của Đức Giêsu đưa ra. Họ trả lời dựa trên luật trả báo “ác giả ác báo”của trần gian. Thật ra sứ điệp chính nằm ở c.42 là giải pháp do chính Đức Giêsu đưa ra. Người báo trước Thập Giá và phục sinh của Người sẽ mở ra đường lối mới: Người trao quyền lại cho Giáo Hội và kết quả chung cuộc là Nước Trời (tức Vườn Nho) sẽ sinh hoa trái (c.43)

BÀI ĐỌC 1: Is 5, 1-7

      Trong bài 1 có nhân vật “TÔI” cần xác định rõ:

  • Trong phần đầu 5, 1-2

              – “Tôi” là ngôn sứ. Vâng lệnh Thiên Chúa hát lên bài ca dụ ngôn về “tương quan trắc trở” giữa “chủ vườn nho” và “vườn nho”.

               – “Chủ vườn” là Thiên Chúa, là “bạn thân của ngôn sứ”.
               – “Vườn nho” là Israel.

  • Chủ ước mong vườn nho sinh trái tốt.

  • Ngờ đâu vườn nho chỉ cho nho dại.

Phần này chỉ mới là lời cảnh cáo, chưa đưa ra án phạt. Phần này trình bày thực trạng trước mắt trong hiện tại của Israel. Đây là lời cảnh cáo Israel đang ở trong tình trạng bất trung.

  • Ứng dụng bài dụ ngôn: Thiên Chúa xét xử dân Chúa (5, 3-6)

    – “Tôi” ở đây là Chủ vườn, là Thiên Chúa. Dựa theo ý nghĩa bài ca dụ ngôn trên, Thiên Chúa lên tiếng, đích thân ra tay xét xử dân bất tín chỉ sinh ra nho dại.

                – Cách xét xử, làm việc của Chúa: trình bày vụ việc ra cho chính đương sự rồi mời chính đương sự phán xử (2Sm 12: chuyện Nathan vạch tội Đavit; trong Tân Ước, Đức Giêsu cũng thường làm vậy: bài Tin Mừng).

                  Phần này báo trước hình phạt lưu đày cho dân bất trung.

       * Ngôn sứ lấy lại lời (c.7): giải thích các chi tiết 2 phần trên theo lối ngụ ngôn.

«««

        Isaia khởi đầu sứ vụ khoảng năm 740 và chấm dứt khoảng 678 (CGKPV “Các sách Ngôn sứ” 1966 trang 29). Bài ca này được ông công bố khoảng 737, cuối thời vua Giôtham cai trị Giuđa (740 – 736), trước khi Giêrusalem bị liên quân Syro – Ephraim vây hãm năm 736. Đây là giai đoạn Assyri đang bành trướng muốn đánh chiếm các tiểu quốc lân bang. Nhóm 11 nước nhỏ chung quanh liên minh lại chống thảm họa này. Giôtham vua Giuđa từ chối gia nhập liên minh nên cuối đời bị hai nước lân bang của liên minh là Syria và Israel (Bắc quốc) vây đánh. Giôtham chết, người kế vị là Akhát (736 – 716) lãnh hậu quả này. Đây là ông vua vô đạo, không tin tưởng vào Thiên Chúa như vua cha, muốn cậy vào sức người hơn Thiên Chúa.

           Được nói vào năm 737, sấm ngôn nhắm trước tiên vào Bắc quốc Israel: cả xứ đang chạy theo tà thần (tội mà sách 2V gọi là “tội mà vua Giarópam, con ông Nơvát đã phạm…: 1V 14, 7-10 so với 2V 14, 24; 15, 9.18.24.28), đúng là “vườn nho” Israel đang sinh nho dại. Khi Bắc quốc mất nước vào năm 721, lời sấm này hướng về Nam quốc Giuđa, thì vị vua đang trị vì là Akhát, ông vua vô đạo được 2V 16, 3-4 tóm lại như sau: “Vua đã đi theo đường lối của các vua Israel, và thậm chí còn làm lễ thiêu con trai mình, theo các thói ghê tởm của các dân mà Đức Chúa đã trục xuất cho khuất mắt con cái Israel. Vua đã tế lễ và đốt hương trên các nơi cao, trên các ngọn đồi và dưới mọi cây xanh”. (xem thêm CGKPV “Các sách lịch sử” 1999 trang 467 nốt m, n, o). Ông tin vào binh mã ngoại bang hơn Thiên Chúa (2V 16, 7-9), trở nên tôi tớ của Assua, không phượng thờ Đức Chúa nữa (16, 10-18).

          Vậy “bài ca vườn nho” này là lời cảnh cáo nghiêm khắc, được báo trước lâu dài mong vua dân tỉnh ngộ, nhưng vô ích. Kết quả 721 Samari thất thủ; 587 tới phiên Giêrusalem: Vườn nho tan hoang.

CẤU TRÚC Is 5, 1-7 và SUY NIỆM

  1. Lời dạo đầu của ngôn sứ giới thiệu nhân vật và cơ sự của bài ca dụ ngôn (5, 1-2).

  * Nhân vật: – ngôn sứ bạn thân mà hát lên bài ca do bạn sáng tác

                    – bạn của ngôn sứ: chủ vườn nho sáng tác một bài ca về vườn nho của mình.

                    – và vườn nho ở trong vị trí thuận lợi: tọa lạc trên sườn đồi màu mỡ.

   * Cơ sự: phần chủ đã làm hết mức: dọn đất, chọn giống, xây vọng gác, bồn đạp nho với ước mơ vườn nho sinh trái tốt.

Đáp trả của vườn nho: lại sinh nho dại

       Bạn của ngôn sứ (ám chỉ Thiên Chúa) có sáng tác một bài ca về vườn nho của mình. Ngôn sứ bạn mà hát lên bài ca do bạn sáng tác. Nội dung của tác phẩm này là những lời người bạn của ngôn sứ than thở về vườn nho của mình và loan báo ý định phá bỏ vườn nho. Do đó đối tượng cần nghe bài hát này phải là vườn nho. Vì tình bạn, ngôn sứ đã nhân danh bạn hát bài này cho vườn nho của người bạn nghe với mục đích là biện minh cho hành động người bạn của mình trong c.5-6 của bài ca.

            Và lý lẽ biện minh nằm ở c.2. Về phần ông chủ, ngôn sứ trình bày tất cả những ưu ái ông đã thực hiện cho vườn nho: chọn vị trí đẹp sườn đồi, đất đai màu mỡ nghĩa là hết sức thuận lợi về mặt thiên nhiên, địa lý; Tiếp đó là đầu tư công sức: cuốc đất, nhặt đá làm mảnh đất nên tươi xốp dễ bén rễ; Rồi bõ công tìm giống nho quý. Sau đó là công trình bảo vệ, xây tháp canh và chuẩn bị luôn đón vụ mùa tương xứng: bồn ép nho. Tóm lại, mọi việc đã sẵn sàng chờ ngày vườn nho cho trái tốt.

          Tiếc thay, phần đáp trả của vườn nho, ngôn sứ chỉ tóm gọn có một câu phũ phàng: “nó lại sinh nho dại”.

  1. Nội dung bài ca: Thiên Chúa nói với và về vườn nho của mình (5, 3-6)

  • Kêu mời Giêrusalem và Giuđa đứng ra phân xử giữa tôi và vườn nho (3)

  • Trình bày tóm gọn cơ sự như ở c.2 bằng một lời chất vấn: “có gì làm hơn được…?…sao nó sinh nho dại? (4)

  • Nói thẳng cho Giêrusalem và Giuđa phán quyết chung cuộc trên vườn nho (5 – 6)

– không bảo vệ vườn nho nữa: chặt phá giậu, đập đổ tường

– không chăm sóc: biến thành mảnh đất hoang, không tỉa cành nhổ cỏ để gai góc mọc um tùm.

          – truyền lệnh mây trời đừng đổ mưa xuống vườn nữa.

        Câu 3: đối tượng mà bài ca tố cáo chính là dân Chúa, vậy mà Chúa lại mời Giuđa và Giêrusalem đứng ra phân xử! Tình tiết này gợi lại cho ta việc Nathan đi hỏi tội Đavit bằng cách đặt ra một câu chuyện nhờ Đavit xét xử, để rồi từ đó kết tội Đavit dựa trên chính lời phân xử của ông (2Sm 12)

         Câu 4: như là một cáo trạng được dọn sẵn (các chi tiết chủ làm cho vườn nho đã được kể rõ trong c.2) để đáp trả chỉ có thể là: kẻ có tội chính là vườn nho. Thật vậy, mọi yếu tố khiến nho dại có thể mọc lên trong vườn đều đã bị chủ loại bỏ: đất đai được dọn kỹ càng; giống là nho quý; kẻ thù không thể vào phá hoại vì đã có tường bao, tháp canh bảo vệ… Nói chung mọi chi tiết đều nhằm nói cho mọi người và nhất là cho dân Chúa biết rằng lỗi sinh nho dại là hoàn toàn ở vườn nho.

         Ý nghĩa của việc buộc tội nhân nhận ra tội mình: để phạt chỉ là chuyện nhỏ, nhất thời; chính yếu là để Thiên Chúa tỏ lòng thương xót, tín trung, tha thứ, hoán cải tội nhân giúp cho vườn nho có cơ may sinh lại nho tốt sau khi bị phạt. Chuyện Đavit là một ví dụ. Và nhìn chung trong suốt dòng lịch sử cứu độ, mọi nỗ lực của Thiên Chúa là nhằm giúp nhân loại và từng người nhận ra cái sai của mình và những hậu quả mà mình đang hứng chịu là hoa trái của những sai lầm ấy. Chân thành nhận lỗi mình, đó là yếu tố cần thiết cơ bản để ơn tha thứ cứu độ của Thiên Chúa có đất và bám rễ nơi con người tội lỗi. Thật vậy sau khi đã sa ngã ở Eđen, con người đâu có nhận tội mình; Những bất hạnh phải chịu chỉ là hậu quả đương nhiên của tội không thể trốn tránh được mà thôi. Mặc dù vậy, Thiên Chúa bản chất là yêu thương tha thứ vẫn công bố ngay ơn tha thứ phục hồi (St 3,15). Tuy nhiên để hồng ân thá thứ ấy trổ sinh hoa trái thực sự nơi con người thì Chúa phải chờ giây phút con người nhận ra cái sai trái nơi mình và sẵn sàng nhận mọi hậu quả. Và khi điều ấy thực sự xảy ra, thì tình trạng cụ thể của con người lúc ấy là gì đi nữa thì cuộc hồi phục thứ tha thành sự tức khắc, vì mọi sự Chúa đã dọn sẵn. Sự kiện minh hoạ tuyệt vời nhất chính là tên trộm lành trên thập giá: “chúng ta chịu như thế này là đích đáng vì xứng với việc đã làm…” (Lc 23,41a), và lúc ấy anh không xin gì ngoài chính lòng thương xót của Đức Giêsu “Lạy Đức Giêsu…(23,42). Kết quả “Vườn nho” ấy đã sinh trái ngọt (23,43).

          Các chi tiết: chủ không chăm sóc để mọc cỏ hoang, không có mưa xuống gợi lại tình trạng trước khi Thiên Chúa can thiệp sáng tạo (St 2,5). Các chi tiết ấy, nhất là cấm mây đổ mưa xuống, rõ ràng loan báo chủ nhà là Thiên Chúa. Và c.7 sẽ nói rõ ra tất cả.

  1. Chìa khoá giải mã bài ca dụ ngôn: lời ngôn sứ (5,7)

  • Vườn nho chính là nhà Israel; là dân xứ Giuđa, cây nhỏ Chủ mến yêu

  • Chủ vườn là YAVÊ các đạo binh

  • Điều Chúa chờ mong: họ sống công bình, làm điều chính trực

  • Sự thật phũ phàng: chỉ thấy đổ máu, nghe tiếng khóc than

Những chi tiết lịch sử giúp hiểu c.7 đã được trình bày tổng quát ở phần “văn mạch”. Giống như trường hợp Nathan- Đavit, ngôn sứ nói lên sự thật, vạch mặt tội phạm, bắt tội nhân phải nhận tội. Ở đây tội được tổng quát hoá: Thiên Chúa muốn công bình, con người lại gây đổ máu; Thiên Chúa mong điều chính trực, con người tạo tiếng khóc than. Nói chung con người không tin vào Thiên Chúa, không tôn trọng đường lối của Người. Vậy vạch tội là giúp con người ý thức lại cái sai của mình; Án phạt là phương thế giúp tỉnh ngộ, thoát cơn mê nhờ đó sẽ hoán cải và ơn cứu độ nở hoa.

  1. TÓM KẾT

       Trong tương quan cứu độ giữa Thiên Chúa và con người thì lòng thương xót, cảm thông, tha thứ của Thiên Chúa trước những yếu đuối của con người luôn vượt thắng. Tuy nhiên có lắm lúc, Thiên Chúa buộc lòng phải mạnh tay ngiêm khắc vạch mặt tội phạm và  kết án nặng: buộc dân Chúa phải nhận tội và lãnh nhận tương xứng những tác hại kinh hoàng do tội mình gây ra nhằm thức tỉnh dân và đưa họ lên một mức cao hơn trong lịch sử cứu độ. Bài đọc 1 hôm nay loan báo một thời điểm đó.

          Qua dụ ngôn về ông chủ và vườn nho của ông được ngôn sứ hát lên, Đức Chúa muốn dân Chúa nhận ra sự bội bạc quá đáng của họ trước tình yêu săn đón quan phòng hết mực của Người; Đồng thời cũng báo trước cho họ thấy hậu quả nặng nề đáng sợ của những lỗi lầm của họ. Tình yêu Thiên Chúa luôn bất biến, thứ tha, nhưng án phạt tương xứng dành cho tội nhân cũng là điều cần thiết để giáo dục; nhất là đối với những tội nhân cứng lòng thì việc chính bản thân y phải đích thân lãnh chịu những hậu quả khốc hại do tội y gây ra là điều hữu ích cho y trong quá trình cải tạo, hy vọng về lại đường tốt. Vì tha thứ không miễn trừ hậu quả, không mị dân.

        Vì vậy sau khi buộc dân phải suy tư nhận ra tội mình, Thiên Chúa loan báo luôn án phạt. Đó là lưu đày. Sứ điệp cho ta hôm nay khá rõ: Tội lỗi chắc chắn sẽ đưa đến hậu quả nếu không sám hối. Dù Thiên Chúa vẫn thứ tha, nhưng Người không miễn trừ hậu quả của tội. Vậy đừng đưa ra chiêu bài tình yêu tha thứ, rồi xuyên tạc ý định của Thiên Chúa mà không chịu ăn năn, sám hối. Hãy coi chừng! Hậu quả sẽ tới tương xứng!

TIN MỪNG: Mt 21, 33-43

         Bài đọc Tin Mừng hôm nay là bài đọc tiếp ngay sau đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật tuần trước. Đó là bài dụ ngôn thứ hai trong loạt ba dụ ngôn mà Đức Giêsu kể ra nhắm thẳng vào các thủ lãnh Do Thái: Thượng tế, kỳ mục (21, 23) và cả các người Pharisêu nữa (21, 45); Tuy nhiên, đám đông dân chúng luôn đi theo Người cũng là đối tượng mà Người nhắm đến (21, 9-11). Đức Giêsu kể ra các dụ ngôn là nhằm thức tỉnh họ, hy vọng rằng họ nghe và “hối hận” (21, 32b), nhận ra các sai trái của mình và tin. Họ đã nghe và đã hiểu đúng ý muốn của Đức Giêsu (21, 31.45). Tiếc thay họ vẫn ở lì trong sai trái của họ: không thức tỉnh, không hối hận, không chịu tin. Trái lại họ còn dấn sâu hơn vào những sai lầm của họ qua âm mưu “tìm bắt Đức Giêsu” (21, 46).

          Bản văn này mang đậm nét NGỤ NGÔN (allégorie), chỉ trong vài hàng tóm lược cực ngắn, tài tình đã phản ánh lại những dạng thức bội phản chính của Israel trong dòng lịch sử cứu độ thời Cựu Ước, kéo dài cho đến Đức Giêsu. Những công trình cứu độ Chúa thực hiện trong dòng lịch sử của Israel dường như thất bại: các sứ giả Chúa gửi đến cho Israel đều bị dân khước từ, đối xử tàn tệ với những cường độ ngày càng gia tăng tàn bạo: đánh đập, giết chết, ném đá (việc bạo hành số một thời Đức Giêsu). Cách diễn tả đó cho thấy sự đối nghịch ngày càng trầm trọng giữa Israel trước đường lối của Thiên Chúa. Và chóp đỉnh của sự chống đối này là âm mưu cố ý phản nghịch; giết người thừa tự – con của chủ vườn- để chiếm đoạt vườn nho. Israel không muốn có một Thiên Chúa mặc khải ở giữa họ, họ chỉ muốn tạo ra một ngẫu tượng về Thiên Chúa theo ước mơ của họ qua việc họ sát hại người thừa kế, Đấng mà Thiên Chúa sai đến với họ, tạo cho họ ân huệ tối hậu để HỐI HẬN và tin. Họ không muốn có Thiên Chúa của các tổ phụ ở giữa họ; Họ muốn biến Đền Thờ thành nơi buôn bán và khước từ những chỉnh sử của Đức Giêsu …thì cuối cùng họ cũng phải lãnh lấy hậu quả khốc hại của ước muốn ấy: Đền Thờ bị hủy diệt vào năm 70 bởi quân Rôma; và cho đến ngày nay (2023), Đền Thờ (dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện giữa dân) vẫn chưa hồi phục. Tuy vậy, Thiên Chúa vẫn trung tín với dự tính cứu độ của Người, vẫn không bỏ mặc dân Người: Thiên Chúa tái thiết từ đống đổ nát của Đền Thờ cũ “Tảng Đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên Đá Tảng góc tường”. Suy niệm về “Đền Thờ” Thiên Chúa, Tin Mừng Gioan cho thấy Đức Giêsu đã xây một Đền Thờ mới là Thân Thể Người (x. Ga2,21). Và còn tuyệt vời hơn nữa, Thánh Phaolô, trên con đường Đamas đã được đích thân cảm nghiệm rằng Đức Giêsu phục sinh đã đồng hóa Người với các tín hữu và ông khám phá ra mầu nhiện thân thể Đức Kitô, nhờ đó mọi tín hữu cũng là “Đền Thờ” của Thiên Chúa (x. 1Cr 3, 16 -17) và nơi “đền thờ” sống động này, Thiên Chúa đã đến cư ngụ và đi lại giữa Dân Người, Người là Thiên Chúa của họ và họ là Dân của Người (x. 2Cr 6,16b).

Dưới ánh sáng trên, chúng ta suy niệm bài đọc Tin Mừng hôm nay:

CẤU TRÚC Mt 21,33-43 và SUY NIỆM

  1. Bối cảnh dụ ngôn (Mt 21,33)

  • Có ông chủ trồng một vườn nho có rào giậu, bồn đạp nho và tháp canh

  • Ông trao vườn cho tá điền canh tác

  • Rồi đi xa

  • “Có chủ nhà kia trồng được một vườn nho…”(21,33): hình ảnh vườn nho được chủ vườn chăm sóc, trang bị đầy đủ mọi thứ để có thể sinh hoa lợi dồi dào nhất là biểu tượng mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Israel dân Người. Bài đọc 1 minh họa rõ nét điều đó: “Vườn nho của Yavê các đạo binh chính là nhà Israel đó…” (x. Is 5,7). Tuy nhiên trong bài đọc 1 thì Yavê đích thân chăm sóc vườn nho; Tiếc thay vườn nho đã không đáp trả lại tương xứng như chủ mong đợi. Và hậu quả là các tai họa không ngừng ập xuống trên Israel và vườn nho bị bỏ hoang (x. Is 5,6) chính là cảnh lưu đày. Còn trong bài đọc Tin Mừng, chủ vườn không đích thân canh tác mà giao vườn nho cho các tá điền. Và mối tương quan chính mà dụ ngôn Tin Mừng nhắm tới không là “chủ vườn- vườn nho” mà là “chủ vườn- tá điền”; Vườn nho chỉ đóng vai trò trung gian làm nổi bật tương giao “chủ- tá điền”.

     Lưu ý là trong bài dụ ngôn Tin Mừng, có vẻ là vườn nho sinh hoa trái tốt nên bọn tá điền gian ác mới nảy ý cướp vườn nho. Vậy các vai ở trong bài dụ ngôn Tin Mừng này ám chỉ những ai? Có thể hiểu 2 cách:

  1. Nếu hiểu theo hướng của bài đọc 1 thì “chủ vườn” là Thiên Chúa, “vườn nho” là Israel. Tuy nhiên bài dụ ngôn Tin Mừng không bận tâm tới kết quả của “vườn nho” mà là cung cách ứng xử bất chính của các tá điền. Họ là những ai? Lịch sử Israel đã cho câu trả lời: Ed 34 vạch mặt họ là các mục tử xấu, những kẻ chỉ biết lo cho bản thân mình, không lo chăn dắt đàn chiên (34, 2-4), thống trị chiên một cách hà khắc, tàn bạo…, không lo bảo vệ, chăm sóc, kiếm tìm chiên (34,5). Đó rõ ràng là các thủ lãnh đạo lẫn đời của dân. Còn trong Tin Mừng, Đức Giêsu nói thẳng đó là các thượng tế, kỳ mục và biệt phái (x.Mt 21,23-45).

  2. Dựa theo lời cắt nghĩa áp dụng của Đức Giêsu: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21,43). Vậy “chủ vườn” là Thiên Chúa, “vườn nho” là Nước Thiên Chúa, còn “tá điền”? Ở đây ta thấy, chủ sẽ thay thế (xem bài suy niệm tuần trước) tất cả bọn tá điền bằng một dân mới (“một DÂN” chứ không là những cá nhân). Như vậy có thể suy đoán rằng DÂN MỚI là Giáo Hội. Thật vậy, trước đó Đức Giêsu đã trao chìa khoá Nước Trời cho Phêrô và Giáo Hội (x. Mt 16,19; 18,18); từ đó có thể coi “các tá điền gian ác” là biểu tượng của “dân CŨ” (đối xứng với Dân Mới) tức là dân Israel cứng đầu cứng cổ, không chịu nghe lời biết bao nhiêu đợt ngôn sứ mà Thiên Chúa gửi tới nhắc nhở dân (so Mt 21, 34-36 với Gr 7, 25-26; Gr 25,4 và 2Sb 36, 14-16).

Như vậy cũng có thể hiểu “các tá điền” là Israel, là “cây vả” bề ngoài xem um tùm xanh tốt nhưng thực chất không cho ra được một quả trái nào (x. Mt 21,19). Tuy vậy chúng ta đừng nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ loại bỏ Israel ra khỏi Nước Thiên Chúa: mọi ngăm đe trong Kinh Thánh đều chủ yếu là lời kêu mời hoán cải; Và mọi sự sẽ trở nên tươi sáng nếu kẻ lầm lạc biết HỐI HẬN (x. Mt 21,29) ăn năn, trường hợp dân Ninivê trong truyện ngôn sứ Giôna là một điển hình.

  1. Cái gút của dụ ngôn: Một chuỗi những ứng xử bất ngờ của cả hai phía (Mt 21, 34 – 39).

  • Sự tráo trở trắng trợn của các tá điền:

– Thời điểm: GẦN đến mùa hái nho

– Hành xử hợp lý của chủ: sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi (34)

– Sự tráo trở của các tá điền: bắt, đánh, giết, ném đá các tôi tớ của chủ (35).

     – Sự nhẫn nại của chủ: sai một số tôi tớ khác đông hơn.
     – Kết quả: bị tá điền đối xử như nhóm trước (36)

          Gần đến:  Trong Kinh Thánh, mùa thu hoạch là biểu tượng của thời cánh chung. Đông từ  êggizo = “gần đến”, nghĩa là thời điểm cuối đã cận kề, nhưng chưa phải là chung cuộc ngay đâu (x. Lc 21, 8-9). Vậy thời điểm phán xét chung cuộc chưa tới tức thời. Do đó, bài dụ ngôn vẫn còn mang tính cảnh cáo chứ chưa là kết án chung thẩm: Thiên Chúa vẫn chờ tội nhân ý thức cái sai của mình và sám hối; vì thế Đức Giêsu mới đặt vấn đề giúp đối thủ tỉnh ngộ (cc. 40-41). Tuy nhiên thời đã GẦN nên không thể chần chừ nữa, phải ra trái nếu không muốn chết khô (Mt 21, 19). Hối cải vẫn còn kịp, nhưng cấp bách lắm rồi. Sứ điệp của dụ ngôn không là án tru diệt mà là lời mời gọi chúng ta hoán cải, trở nên thành phần “của một dân biết làm cho Nước Thiên Chúa sinh hoa lợi (x. câu 43b).

          Sai tôi tớ đến …thu hoa lợi:  Chi tiết này cho thấy, dù đi xa, chủ vẫn còn để mắt điều hành công việc vẫn nhớ rõ thời điểm thu hoạch nên đã sai tôi tớ đến trước GẶP TÁ ĐIỀN, chắc là để lượng giá thành quả hoa màu để mà dựa vào đó mà thu hoa lợi tương xứng. Chủ không phó mặc vườn nho cho tá điền; Hoa trái của vườn nho luôn là mối bận tâm của chủ. Đây là điểm lạc quan cho kẻ tin trước những thực tế tiêu cực: dù Thiên Chúa đã ban cho con người quyền làm chủ vũ trụ, đã trao Nước Thiên Chúa cho Israel, đã trao Lời Chúa, Mình Máu Chúa vào tay Giáo Hội… với tất cả những nguy cơ của phận phàm nhân yếu đuối thì Tình Yêu quan phòng của Chúa vẫn hằng dõi mắt theo sát dòng lịch sử nhân loại để bảo đảm cho Nước Thiên Chúa tại thế chắc chắn sẽ đạt được tầm vóc viên mãn như Chúa mong ước. Tuy nhiên tình yêu Thiên Chúa đã gặp một trắc trở bất ngờ:  

          Sự tráo trở của các tá điền: Điều bất ngờ đầu tiên là các tá điền đã trắng trợn phá vỡ hợp đồng (Giao Ước) bằng một cung cách ứng xử ngày càng đậm nét bạo lực, đầy ác tâm cố ý. Cách diễn tả; đánh giết, ném đá cho thấy sự chống đối ngày càng tăng của bọn tá điền đối với chủ. Lịch sử Israel có nhiều bằng cớ (2Sb 24,21; Dt 11, 37; Lc 13, 34). Lý do chống đối: Muốn loại trừ chủ để chiếm vườn nho (x. câu 38b). Đây rõ ràng là một biến thái của nguyên tội: cơn cám dỗ muốn loại trừ Thiên Chúa, chiếm đoạt quyền Chúa luôn bám sát, thao túng nơi con người và cường độ dường như ngày càng tăng. Chỉ thập giá của Đức Giêsu mới bứt nhân loại khỏi cuồng vọng này được.

          Sai thêm tôi tớ:  Bản văn này trình bày hai lần sai tôi tớ dường như ám chỉ người Do Thái xếp các ngôn sứ thành hai hạng: đầu/cuối (trước/sau) (Giáo Hoàng học viện Pio X Đà Lạt “Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm A Mùa Thường Niên trang 310).

  • Phản ứng lạ thường của chủ (câu 37):

– Giải pháp chung cuộc: “sau cùng”.

– Sai con trai mình đến.

– Mục đích hy vọng các tá điền nể con mình.

  • Chóp đỉnh của tráo trở: bùng nổ gian mưu đã ấp ủ từ lâu

  • Gian mưu, lập luận (38)

  • Hành động (39)

    • “Sau cùng”: Trạng từ này hàm ý đây là cơ may cuối cùng để cho các tá điền sám hối ăn năn (sđđ 310).

Cách ứng xử và suy luận của chủ thật quá lạ thường.  Điều này cho thấy ông quá nhân nhượng và thương yêu các tá điền. Lẽ ra, ông có thể trừng phạt ngay từ lần bách hại các tôi tớ thứ nhất, ông dư sức làm điều đó (x. câu 41). Thế nhưng ông lại chần chừ, thiếu dứt khoát (?) và lấy một quyết định kèm một suy luận dường như ngờ nghệch (?) khiến Con ông phải chết, mất thêm hoa lợi và một số tôi tớ nữa. Thực vậy, cách ứng xử ấy không có trong đời thường của nhân loại, nhưng đó là trọng tâm của dụ ngôn:  Nó mặc khải cho ta trọng tâm của dụ ngôn, đường lối của Thiên Chúa kiên nhẫn đến cùng đối với các tá điền bội bạc (xem thêm CGKPV Tân Ước 2008 trang 135 nốt y). Điều chủ muốn là quy tụ tất cả lại trong tình yêu của ông chứ không phải là trừng phạt, loại trừ. Theo chiều hướng đó, dụ ngôn là một cảnh cáo hơn là một công bố một án trừng phạt, Matthêu muốn tín hữu đọc dụ ngôn để sửa mình, bằng cách đón nhận tình yêu nhân nhượng của Thiên Chúa vẫn còn đang tiếp diễn, kiên nhẫn chờ đợi từng người, từng nhóm hoán cải. Thật vậy, cách ứng xử đó mang tính lưỡng diện:

  • Đó vừa là một nhắc nhở nghiêm khắc nhằm ngăn răn đe: con người không thể loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình được đâu. Thật vậy, nếu xét như một biến cố nhất thời trong lịch sử thì việc con người loại bỏ Thiên Chúa có thể đã xảy ra: Khi ta phạm tội cố ý và nhất là khi đóng đinh thập giá Đức Giêsu. Nhưng xét theo thực tế vĩnh hằng thì điều đó hoàn toàn không thể. Vì cuối cùng với cái chết, khi buông xuôi tất cả, con người buộc lòng phải khuất phục quyền năng Thiên Chúa.

Đó vừa là một lời khẩn khoản kêu mời hãy hoán cải, đón nhận tình yêu khoan hồng của Thiên Chúa. Đối tượng chính yếu được nhắm tới là tín hữu. Một mặt khi ta là tá điền được Chúa trao vườn nho thì hãy tỉnh ngộ, hoán cải đừng tưởng rằng với sức người, đạo đức nhân loại mà ta có thể chiếm được Nước Thiên Chúa (Nguyên tội luôn rình rập nhân loại và mỗi người). Mặt khác, khi ta được Chúa chọn làm tôi tớ đến với tá điền thì kẻ tin hãy kiên nhẫn hành động theo lối của Chúa, chấp nhận thiệt thòi đến cùng kể cả mất mạng như chính Thiên Chúa đã làm đối với Đức Giêsu, trong niềm hy vọng anh em mình sẽ sám hối.

       Gian mưu và hành động (cc.38-39): căn nguyên xúi giục tá điền chống chủ: muốn độc chiếm vườn nho, loại Thiên Chúa ra khỏi đời mình. Đọc lại lịch sử cứu độ, ta có thể thấy: khi con người ở trong tình trạng đầy đủ nào đó, con người bị đặt trước một lựa chọn: Hoặc tưởng mình là tất cả nên không muốn lệ thuộc Thiên Chúa nữa bằng cách phá bỏ lệnh truyền Thiên Chúa, giao ước đã ký kết với Người, muốn tự quyết mọi điều theo ý riêng, loại trừ Thiên Chúa khỏi đời mình: Adam là điển hình; Hoặc càng xác tín hơn vào Thiên Chúa, phó thác trọn vẹn cho Người, dám bỏ tất cả những gì đang có, dẹp bỏ lập luận phàm nhân để chọn Thiên Chúa, làm theo ý Người bất chấp thiệt thòi mất mát có thể có: Apraham là mẫu mực (hiến tế Isaac).

        Về mặt biến cố lịch sử, hai câu ám chỉ cuộc thương khó, tử nạn của Đức Gêsu, “Theo ba văn bản Nhất Lãm, các tá điền lập tức nhận ra kẻ thừa tự không chút ngập ngừng (Mt 21, 38; Mc 12,7; Lc 20,14). Tội ác của họ chẳng phải là hậu quả của một sự lầm lẫn bi đát hay của lòng thiếu tin vào Đấng được sai; Họ hành động với đầy đủ ý thức về sự trầm trọng của việc làm…, dụ ngôn mặc khải sự nặng nề của việc họ từ chối Thiên Chúa trong bản thân của Đấng mà Thiên Chúa sai đến” (GHHV Pio X Sđđ 310)

  1. Phản ứng chung cuộc của chủ: mở gút (Mt 21, 40-43)

  • Đăt vấn đề buộc đối thủ tìm giải đáp: khi chủ vườn nho đến, ông s làm gì…? (40)

  • Giải pháp của đối thủ: báo oán, xiết chặt gút lại: ác giả ác báo (41)

  • Giải pháp của Đức Gêsu: Tái thiết, mở gút:

           – Dựa theo Kinh Thánh quá khứ: … “đá tảng góc tường… công trình của Chúa…”(42)

           – Cho hiện tại: đưa ra chìa khóa để hiểu dụ ngôn(43)

         Khi chủ vườn nho đến: ám chỉ thời điểm tận thế. Cho đến hôm nay, thời điểm hiện tại đó vẫn chưa đến. Thời điểm hiện tại so với dụ ngôn chỉ mới là giai đoạn sau khi Người Con bị giết (và đã Phục Sinh, nghĩa là thấy “công trình kỳ diệu của Thiên Chúa”). Tuy nhiên Đức Gêsu vẫn đặt trước vấn đề là để đối thủ tự phản hồi, ý thức mà nhận ra cái sai của mình và sám hối. Bởi vì đường lối của Chúa luôn là CỨU; “phạt” là điều vạn bất đắc dĩ.

   Giải pháp của thượng tế và kỳ mục đưa ra gồm 2 ý: – tiêu diệt tá điền gian ác;  – Lấy lại vườn nho trao cho nhóm khác để thu lợi.

         Với tầm nhìn phàm tục, họ chỉ có thể đưa ra giải pháp công bằng quả báo: kẻ ác phải đền tội tương xứng. Số phận các tá điền như đã được ấn định: sẽ bị tiêu diệt. Về mặt lịch sử, biến cố năm 70, Giêrusalem bị bình địa được coi như quả báo cho Israel bất trung; Rồi sau đó, năm 135, Giêrusalem bị xóa tên và dân Do Thái bị phát tán khắp nơi trên mặt đất. Tuy nhiên Israel vẫn còn tồn tại và “chủ cũng chưa đến” nên các sự kiện trên chỉ là những đe dọa mang tính ngôn sứ cảnh cáo dân Chúa lo hoán cải trước khi chủ đến. Đó cũng là sứ điệp cho cộng đoàn tín hữu của Mattheu và Giáo Hội chứ không riêng gì cho dân cũ.

         Giải pháp của Đức Giêsu: Người không nói gì đến các tá điền mà chỉ đề cập đến dự tính từ muôn đời của Thiên Chúa đối với Người Con cũng (tảng đá góc tường) và vườn nho:

       – Dựa vào Kinh Thánh, Đức Giêsu đọc được ý định ngàn đời của Thiên Chúa trong ác ý của các tá điền, Thiên Chúa đã biến ác ý ấy thành phương tiện cứu độ: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa…”

       “Đá tảng góc tường” có lẽ chẳng phải là viên đá góc tường của móng dưới, nhưng là viên đá đỉnh góc (clé de voute), viên đá hoàn tất và mặc cho công trình xây dựng ý nghĩa của nó. Viên đá bị thải, nghĩa là Người Con, không tự nâng mình lên vì động từ egenêthê (nghĩa sát chữ: “đã được làm thành”) ở thể thủ động (thụ động thần linh) nên đây là một hành động oai hùng và kỳ diệu của Thiên Chúa (GHHV Pio X 311)

       – Rồi trong hiện tại trước mắt, Đức Giêsu đưa ra chìa khóa ứng dụng để hiểu dụ ngôn: Vườn nho là Nước Thiên Chúa; Chủ là Thiên Chúa; Tá điền là “các ông”, tức Thượng Tế và kỳ mục theo văn mạch, nhưng đó cũng là Israel theo ý nghĩa trong toàn bộ Kinh Thánh như đã chú thích ở trên; và dân khác chính là Giáo Hội của Đức Giêsu. Giải pháp này cũng không nói đến tiêu diệt tá điền, chỉ nói tới lấy lại vườn nho ban cho “một dân biết làm sinh lợi”. Giải pháp này khiến nhớ lại trường hợp tương tự của vua Saolê (1Sm 15, 26-28): Sau khi phạm tội, Saolê chỉ bị Chúa lấy lại vương quyền để trao cho kẻ khác chứ không có ý tiêu diệt Saolê; Nhưng rốt cuộc Saolê bị diệt là vì ông cứ khư khư bám lấy vương quyền, tìm cách tiêu diệt Đavit mà Saolê bị tiêu diệt.

          Vậy sứ điệp chính của dụ ngôn là một lời cảnh cáo hơn là một án lệnh: cửa cứu độ vẫn còn mở rộng cho các tá điền cũ nếu họ hoán cải, không loại trừ họ vẫn có thể là tá điền thành phần của dân mới.

  1. TÓM KẾT

          Qua dụ ngôn, Đức Giêsu muốn thức tỉnh dân Do Thái cứng lòng. Thiên Chúa đã ủy thác vườn nho cho họ qua việc trao ban cho họ Lề Luật và các đặc ân của tuyển dân. Nhưng họ đã bất trung vi phạm Giao Ước, khiến những hồng ân thần linh không sinh trái được, làm phụ lòng Thiên Chúa. Họ còn xử tệ với các ngôn sứ mà Thiên Chúa gửi đến nhắc nhở họ. Và giờ đây họ sắp thực hiện điều bạo ngược chóp đỉnh là giết con của chủ. Như thế án phạt đã treo lơ lửng trên đầu họ khi tội ác của họ đã đong đầy. Tuy nhiên lòng nhân từ của Chúa vẫn còn kiên nhẫn chờ họ: chủ vườn chưa đến hạch tội. Đồng thời giải pháp Đức Giêsu đề ra vẫn còn chừa cho họ một lối thoát: Trước mắt vườn nho được lấy lại và trao cho Giáo Hội của Đức Giêsu. Còn việc tá điền bị tiêu diệt thì đến nay đó chỉ mới là một đe dọa mang tính ngôn sứ, nghĩa là:

  • Đối với Israel, tá điền lẽ ra phải bị tiêu diệt thì sứ điệp là lời mời hoán cải hầu tránh án phạt khốc hại nhất sẽ xảy ra vào ngày chủ đến.

  • Còn sứ điệp chính là nhắm vào dân mới, dân được Mattheu viết cho bài dụ ngôn này: đừng đi vào vết xe của nhóm tá điền bất nhân bất nghĩa, nhưng hãy nỗ lực làm cho vườn nho Nước Thiên Chúa sinh nhiều hoa lợi cho chủ.

  • Như vậy Lời Chúa hôm nay mặc khải cho chúng ta một dung mạo đặc biệt của Thiên Chúa tình yêu: “thiết diện từ tâm”, một thẩm phán “mặt sắt” nhưng bên trong là một “trái tim từ ái” của một người cha xót thương muốn cứu đứa con ngỗ nghịch của mình.

Đồng thời cũng phác họa vài nét cách làm việc, dự tính quan phòng của Thiên Chúa. Người nghiêm khắc là để cho mọi “sản phẩm” của Người đều là “hoàn hảo” (x.Mt 5, 48: hoàn thiện như Cha). Lời Chúa hôm nay cho thấy:

  • Một Thiên Chúa sáng tạo: Người gầy dựng vườn nho

  • Thiên Chúa quan phòng: Người trang bị đầy đủ, an bài mọi thuận lợi để vườn nho sinh trái tốt, năng suất tối đa.

  • Thiên Chúa giáo dục tận căn: mọi thứ nho dại, mọi sai lầm đều phải dẹp bỏ hết (phá hủy, tiêu diệt).

  • Thiên Chúa tái thiết, hoàn thiện: phá hủy không để tận diệt, loại trừ mà để chuẩn bị cho một công cuộc mới. Vườn Nho sẽ được khôi phục và trao lại cho “THỢ” mới: một cộng đoàn = Giáo Hội = Nhiệm Thể Chúa Kitô.

  • Yếu tố quyết liệt và cũng là đường lối chung của Thiên Chúa để thực hiện việc hồi phục, biến đổi: Thập Giá Đức Giêsu

  • “viên đá người thợ xây loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình kỳ diệu của Thiên Chúa”.

  • Thập Giá án phạt, bội phản, đưa tội nhân vào ngõ cụt đã trở nên cửa ngõ mở ra chân trời mới, giai đoạn mới trong chương trình lịch sử cứu độ của Người. Với Thập Giá này “Vườn Nho Nước Trời” sẽ sinh hoa trái tốt. Các tá điền xấu xa cũng vẫn còn hy vọng trở nên những người “biết làn cho Nước Trời sinh trái tốt”.

Những sai lầm thay vì đưa đến án phạt, thì nhờ Thập Giá Đức Giêsu đã trở nên lời mời gọi hãy nhận ra lòng Từ Ái của Thiên Chúa ngang qua vẻ bề ngoài dữ dằn của “thiết diện” để hoán cải trở nên “tá điền tốt”, cộng tác với Thiên Chúa hoàn tất công trình “Vườn Nho Nước Trời” của Người.

                   Đó mới là sứ điệp chính của Lời Chúa hôm nay.

Frère Pierre Đình Long FSC