Bài 1
Kn 7,7-11; Mc 10,17-30
Chủ đề: Tìm kiếm Đức Khôn Ngoan,
ân huệ nhưng không của Thiên Chúa. Đó chính là Đức Kitô.
* Kn 7,8-9: Đức Khôn Ngoan tôi đã quý trọng,… đối với tôi,… chẳng gì sánh được với Đức Khôn Ngoan.
* Mc 10,21: hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, rồi hãy đến theo Tôi.
Lời Chúa của Chúa Nhật XXVIII B Mùa Thường Niên mời chúng ta suy nghĩ về chủ đề TÌM KIẾM. Đời người là một chuỗi những tìm kiếm không ngừng: tối thiểu là tìm cơm áo để tồn tại. Nhưng khát vọng của con người thì vô biên, không thứ gì nơi trần thế này có thể lấp đầy được “lòng ham muốn không đáy” của con người. Đời người vẫn mãi là một cuộc TÌM KIẾM! Một cuộc tìm kiếm lắm khi làm con người thao thức, bất an, có khi đưa tới bế tắc.
Lời Chúa hôm nay mời những ai tin vào Đức Giêsu hãy bình tâm lại, biện phân xem điều mà con người phải ra công tìm kiếm, khấn xin là gì? Làm cách nào để có được điều ấy? Và một khi có cơ may tìm gặp được thì thái độ phải có là như thế nào?
Lời Chúa, đặc biệt là Tin Mừng còn nhấn mạnh: điều mà con người phàm tục khát khao tìm kiếm và điều mà Thiên Chúa muốn ban tặng để con người lấp đầy được “cái còn thiếu chỉ một điều” của mình lại khác xa nhau. Vậy phải can đảm chọn lựa, đánh đổi, chọn lấy một điều mà thôi giống như con người may mắn tìm được “kho tàng”, “ngọc quý” trong Mt 13,44-46.
Hãy tìm kiếm, nài xin để có được ĐỨC KHÔN NGOAN! Đức Khôn Ngoan vượt hơn mọi giá trị trần thế; Có Đức Khôn Ngoan là có tất cả. Đức Khôn Ngoan đích thực và trọn hảo là chính Đức Giêsu.
Bài đọc 1, trích từ chương 7 Sách Khôn Ngoan, là lời khuyên của vua Salomon, vị vua nổi tiếng là khôn ngoan vô tiền khoáng hậu nhờ được Thiên Chúa thương ban cho ông ơn khôn ngoan hiểu biết theo lời ông khẩn cầu để hoàn thành được sứ mạng cai trị dân Chúa theo đúng đường lối Chúa; Lời xin đó đẹp lòng Chúa nên Chúa ban luôn cho ông mọi ơn huệ khác kèm theo Đức Khôn Ngoan (x.1V 3,10-12).
Bài đọc 1 tán dương giá trị ưu việt, vượt trổi tuyệt đối của Đức Khôn Ngoan so với tất cả những những gì mà người đời cho là trân quý và lao đầu vào tìm kiếm như là lẽ sống, cội nguồn hạnh phúc của mình. Bài 1 chỉ liệt kê ra vài thứ mà người đời mọi nơi, mọi thời đều náo nức tìm kiếm và không ngừng cầu chúc cho nhau. Đó là QUYỀN được biểu lộ qua hình ảnh “VƯƠNG TRƯỢNG, ngai vàng” vốn là hai biểu tượng chóp đỉnh của quyền lực, sang trọng; Đó là TIỀN được diễn tả qua cách nói “trân châu, bảo ngọc, vàng bạc cả thế giới”; Đó là PHÚC – THỌ – KHANG được bài đọc 1 gói gọn trong hai từ “sức khỏe và sắc đẹp”; Đó là DANH VỌNG được đúc kết trong từ “ánh sáng”. Tất cả các điều trân quý ấy so với Đức Khôn Ngoan thì “chẳng là gì”, chỉ là “cát bụi”, “bùn đất”, là thứ chóng qua mau “tàn lụi”. Vậy điều mà con người phải lo tìm kiếm chính là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Làm cách nào để người phàm tìm được Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa? Không phải bằng tự sức phàm nhân! Salomon chia sẻ phương thức làm: phải nguyện xin, kêu cầu Thiên Chúa (Kn 7,7) trong cậy trông xác tín Đức Khôn Ngoan vượt trên tất cả, đáng để ta đánh đổi mọi sự.
Nhưng Đức Khôn Ngoan ấy cụ thể là gì? Tin Mừng cho câu đáp: đó là Đức Giêsu. Điều duy nhất cần phải làm, quan trọng hơn mọi công nghiệp đạo đức, hơn gia tài đồ sộ, danh vọng… đó là “hãy đi bán những gì anh có, bố thí hết… Rồi HÃY ĐẾN THEO TÔI” (Mc 10,21b).
Bài đọc Tin Mừng mô tả chàng thanh niên đến gặp Đức Giêsu là con người mẫu mực theo chuẩn mực phàm nhân, anh có mọi thứ: đạo đức (giữ trọn luật lệ từ nhỏ), giàu có (c.22), đầy thiện chí muốn tiến tới hơn nữa, anh ao ước “được sự sống đời đời làm gia nghiệp (c.17); Cái nguy là anh ta muốn có được “sự sống” ấy một cách SÒNG PHẲNG bằng nỗ lực riêng mình: “TÔI PHẢI LÀM GÌ?”. Anh không cầu xin, không tín thác. Đối với anh, Đức Giêsu chỉ như là một người thoáng qua trong đời anh: anh chỉ xem Người như một nhà tư vấn giúp anh tìm ra một câu giải đáp cho một vấn đề nào đó trong đời anh thôi; Rồi sau đó, anh là người tự giải quyết mọi sự chứ anh không đón nhận Người, bán hết tất cả để đi theo Người làm môn đệ.
Thật ra, Đức Giêsu không hề coi thường những công sức, nỗ lực của con người: bài Tin Mừng nói “Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh và đem lòng YÊU MẾN” (C.21a); Người chỉ gợi ý bổ sung điều còn thiếu “anh chỉ THIẾU có MỘT ĐIỀU”: Trước kia anh chỉ biết “Tôi phải làm gì” để tích lũy cho bản thân để những gì anh làm được trở thành “gia nghiệp” do anh gầy dựng nên. Đức Giêsu bảo anh: những gì anh đã tích lũy không mua được “sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Người dạy cho anh con đường mới: thay vì tích lũy thì hãy cho đi “bán hết rồi đến THEO NGƯỜI”. Đức Giêsu là ai mà đòi hỏi tuyệt đối như thế? Marcô khéo léo mặc khải Đức Giêsu chính là Đức Khôn Ngoan được nói trong bài 1: có Đức Khôn Ngoan là có tất cả (x.Kn 7,11); Phối hợp với câu 10,18 Marcô mặc khải Đức Giêsu là Thiên Chúa.
Vậy, điều mà con người phải ra công tìm kiếm, đó chính là Đức Giêsu, đó là ơn biết lắng nghe lời Người dám từ bỏ mọi sự đến đi theo Người. Trong Người chúng ta tìm lại được tất cả, nhất là được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Bài 2
Thưa Thầy tốt lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?… Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo … rồi hãy đến theo Tôi (Mc 10,17b.21b)
Lời Chúa của Chúa Nhật XXVIII B mùa Thường Niên đề nghị chúng ta suy niệm về một thực tại nhân sinh luôn nóng bỏng của kiếp làm người. Đó là nỗi KHÁT VỌNG và sự KIẾM TÌM đối tượng để lấp đầy những khát vọng đó. Thật vậy, đời người là một chuỗi dài không ngớt những ước mơ và tiếp sau đó là những nỗ lực tìm kiếm phương thức để thực hiện những ước mơ đó. Dù ý thức hay không, ước mơ căn bản của con người lẫn muôn vật là ước mơ được sống. Thật vậy, Thiên Chúa dựng nên con người là để được sống, sống dồi dào và hạnh phúc nên Chúa ban cho Cây Trường Sinh ở giữa vườn Ê-đen. Ước mơ này được khắc sâu trong bản thể nhân loại và nếu nó không được thỏa mãn thì con người sẽ chết. Thật vậy ngay lúc vừa chào đời, mọi khả năng nhu cầu khác chưa hề phát triển thì khả năng tìm của ăn nơi một em bé cũng đã hoạt động: đói thì khóc tướng lên, thế là mẹ phải cho bé bú… và cả cuộc đời là một chuỗi những tìm kiếm liên tục để bảo vệ sự sống, làm sự sống lớn lên và sống sung mãn, dài lâu. Tuy nhiên tất cả mọi đáp trả đều bất toàn, nhân loại vẫn khổ đau và cuối cùng là phải chết.
Khát khao được sống, sống hạnh phúc, trường sinh là ước mơ muôn thuở của nhân loại qua muôn thế hệ mọi thời, mọi nơi. Và con người không ngừng tìm kiếm lời đáp cho ước mơ đó. Nhưng đáp số vẫn xa vời… Vì con người là “hình ảnh Thiên Chúa” nên chỉ trong Thiên Chúa, con người mới có được đáp số cho vấn đề sự sống và hạnh phúc cách trọn vẹn. Chưa tìm được đáp số, nhưng con người không ngừng nói lên những khát khao của mình qua những lời cầu chúc, qua những nỗ lực nâng cao cuộc sống ngày càng tươi vui, chất lượng hơn. Dù ước muốn như thế, nhưng vì xa cách Thiên Chúa và bị tội thống trị, con người lắm phen cũng không hiểu rõ mình thực sự mơ ước điều gì, và cái mà phần lớn nhân loại gọi là “ước mơ” chỉ là sự đáp trả tức thời những nhu cầu trước mắt. những chuyện cổ tích về “điều ước” là một minh họa sống động cho điều nói trên: nếu ai đó đến “phỏng vấn” chúng ta một cách đột ngột: “nếu bạn có được một (hay vài) điều ước thì bạn ước mơ gì?”. Phần lớn trong chúng ta sẽ lúng túng, không tìm ra câu trả lời thỏa đáng, phản ánh trung thực được cái khát vọng thâm sâu của mình. Xa cách Thiên Chúa rồi thì không có câu đáp nào thỏa đáp được “độ sâu của lòng người”. Không một giá trị trần thế nào có thể lấp đầy được hố sâu khát vọng của lòng người. Thế nhưng con người mọi thời vẫn không thôi khát vọng, không ngừng tìm kiếm, vì Thiên Chúa đã dựng nên con người với cõi lòng rộng rãi bao la là để đón nhận chính Chúa. Phải trở về với Thiên Chúa và với dự tính yêu thương của Người thì nhân loại mới tìm được lời đáp thỏa đáng cho những khát khao, tìm kiếm của mình như thánh Âu-tinh đã cảm nghiệm và chia sẻ thật chí lý, sâu sắc: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa và tâm hồn chúng con khắc khoải biết bao cho đến khi được an nghỉ trong Chúa” (ĐGH Benedicto XVI “36 Thánh Tiến Sĩ” trang 155, bản dịch của Học Viện Đa Minh). Đối với thánh Âu-tinh, con người là “một bí ẩn lớn lao” và là “một vực thẳm rất sâu” mà chỉ một mình Đức Ki-tô mới có thể soi sáng và cứu thoát. Trong tác phẩm “Thành Đô Thiên Chúa”, Thánh Âu-tinh nói rõ hơn: “Ngoài con đường này (Đức Giê-su) vốn chẳng bao giờ thiếu vắng cho nhân loại, không ai đã được cứu thoát và không ai sẽ được cứu thoát” (Sách đã dẫn 157). Thật ra những gì Thiên Chúa đã soi sáng cho thánh Âu-tinh khám phá ra được trên đây, đã được Lời Chúa ngỏ cho toàn nhân loại trong Kinh Thánh; và qua lời Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục trao ban ân sủng để chúng ta gặp gỡ được Người. Về phần nhân loại, điều phải làm là đến với Lời Chúa.
Trong tinh thần đó Lời Chúa hôm nay nhắc nhở và mời gọi các tín hữu hãy bình tâm lại, suy nghĩ và biện phân xem điều mà bản thân mỗi người đang khao khát và ra công tìm kiếm đó là gì? Và con đường chúng ta đang đi, phương thức đang sử dụng để tìm kiếm là gì để đạt được điều chúng ta khao khát? Và một khi may mắn thoáng tìm được câu đáp, hướng giải quyết thì thái độ của chúng ta là gì trước lời đáp, giải pháp vừa thoáng tìm ra, vừa được đề nghị cho chúng ta? Trong bài Tin Mừng, một người giàu có đã gặp được “đáp số” là Đức Giê-su nhưng anh ta (chỉ Mt 19, 20.22 mới gọi anh này là “thanh niên”) đã từ chối không tiếp đón “đáp số” do Người đề nghị.
Bài đọc 1: Kn 7, 7-11
Bài đọc 1 trích từ phần thứ hai của sách Khôn Ngoan (x. BDD1, Chúa Nhật XXV B). Kn 6-9 trình bày nguồn gốc và bản chất của Đức Khôn Ngoan, đồng thời cho thấy những phương thức để thủ đắc được hồng ân vô giá đó.
Trong đoạn văn mạch gần 7, 1-14 của bài đọc 1, vua Salomon giải thích nguồn gốc của sự khôn ngoan mà ông được hưởng.
-
7, 1-6 Salomon nhấn mạnh ông cũng chỉ là một người phàm phải chết. Cũng như mọi người, ông cũng được mẹ mình sinh ra, QUẤN TẢ (dấu chỉ giúp nhận ra Hài Nhi Giê-su Cứu Chúa: Lc 2,12) để được nuôi nấng chăm lo.
-
7, 7-11 được chọn làm bài đọc 1, làm câu đáp cho vấn nạn “vậy sự khôn ngoan xuất chúng của Salomon bởi đâu mà có?”; đồng thời cho thấy thái độ của ông đối với Đức Khôn Ngoan.
-
7, 12-14 là kinh nghiệm mà Salomon muốn truyền lại cho hậu thế: tất cả mọi sự khôn ngoan mà ông có được đều là do Đức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan là kho báu vô tận vì giúp con người biết nghe Lời Chúa và trở nên bạn hữu của Người.
-
Tôi nguyện xin, tôi kêu cầu và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết, và Thần Khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi (Kn 7,7): để trả lời cho thắc mắc của người đời “sự khôn ngoan lạ lùng của Salomon bởi đâu mà có?”, Salomon đưa ra lời giải thích về nguồn gốc của sự khôn ngoan lạ thường mà ông đang có; đồng thời cũng nhằm chống lại quan niệm của các vua chúa Ai Cập và Hy Lạp (thời Hy Lạp từ cuối thế kỷ IV đến I trước công nguyên) cho rằng mình xuất thân từ một vị thần nào đó (ở Việt Nam, vua cũng tự cho mình là “thiên tử”, con trời) cho nên vua đương nhiên có được nơi bản thân mình sự khôn ngoan, quyền lực, danh vọng, giàu có thần linh. Ngược lại, Salomon dám nói lên ông cũng chỉ là một phàm nhân. Ông khôn ngoan không do bẩm sinh hay do một vị thần khôn ngoan nào đó sinh ra ông, nhưng là Thiên Chúa đã ban cho ông đúng như lời ông ước nguyện khi ông được Chúa tỏ bày ý của Người “hãy xin, ngươi muốn Ta ban gì cho ngươi?” (1V 3,5). Lời giải thích này rõ ràng vọng lại một kinh nghiệm Salomon được tiếp xúc với Thiên Chúa được ghi lại trong 1V 3,4-14. Ông xin ơn biết lắng nghe để biết biện phân điều phải trái, để phân xử việc dân người (1V 3,9). Điều đó đẹp lòng Chúa và Chúa ban cho ông ơn khôn ngoan, minh mẫn (1V 3,12) còn 2Sb 1,10 thì nói là “khôn ngoan và hiểu biết” để giúp ông cai trị dân. Vậy khôn ngoan là hồng ân của Thiên Chúa và cũng là đối tượng của lòng khao khát cầu xin của con người. Và mục đích của ơn này là để phân biệt phải trái nhằm phục vụ cộng đoàn, hầu dẫn đưa cộng đoàn đi đúng đường lối của Chúa.
-
Đức Khôn Ngoan vượt hơn mọi trân quý (Kn 7,8-10)
Đối với Salomon, mọi thứ trân quý trần gian đều không đáng gì so với Đức Khôn Ngoan: “Vương trượng, ngai vàng, của cải chẳng là chi” (7,8-8); “trân trâu, bảo ngọc” chỉ như là “cát bụi, bùn đất” (7,9). Những thứ đó là những giá trị đến từ bên ngoài con người chúng ta, nhưng được mọi người trọng vọng chạy theo; ai có được chúng sẽ được thế gian nể vì, vì tưởng rằng đã nắm được phúc thọ trong tay. Khi gặp được Đức Khôn Ngoan rồi thì những thứ đó không còn làm chủ, điều khiển được cuộc đời, ý chí, lẽ sống của người khôn ngoan được nữa.
Đức Khôn Ngoan cũng vượt xa những giá trị gắn liền thiết thân với bản thân con người. Nếu thiếu những thứ đó thì dù có được mọi thứ đã nói ở câu 7,8-9 thì cuộc đời vẫn khổ đau, bất hạnh: sức khỏe, sắc đẹp, và ánh sáng. “Sức khỏe”, “sắc đẹp” đúng là gắn liền với thân xác con người. Chúng là những căn nguyên gây nên nỗi niềm buồn vui, sướng khổ của kiếp người. Nhưng còn “ánh sáng”? Đó chỉ là một giá trị bên ngoài thân thể chúng ta thôi mà phải không? Ở đây “ánh sáng” không hiểu theo nghĩa đó. Trong Kinh Thánh (x.Tv 13,4;49,20; G 33,28.30…) cũng như trong văn hóa của Hy Lạp lẫn của các dân tộc đông phương thì “ánh sáng” tượng trưng cho sống lâu, trường thọ: đối với họ, hai cách nói “rời bỏ cuộc đời” hoặc “rời bỏ ánh sáng” có giá trị tương đương với nhau (Monique Piettre – “Comprendre la Parole”, năm B cuốn 3 trang 234).
Như vậy, Kn 7,8-10 giúp chúng ta nhận ra rằng Đức Khôn Ngoan là một hồng ân thần linh, không bắt nguồn từ hạ giới phàm tục. Nó là một quà tặng được trao ban miễn phí, để nhờ đó, con người có thể, ngay ở đời này, có thể hiệp thông tham dự vào cuộc sống thần linh của Thiên Chúa.
-
Có Đức Khôn Ngoan là có tất cả: “cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi…” (7,11). Với Salomon Đức Khôn Ngoan là cội nguồn mọi phúc lộc ông đang có. Thật vậy, mọi phúc lộc khác của Salomon là những ơn Chúa ban thêm vì Salomon chỉ xin ơn khôn ngoan (1V 3,13-14).
Tóm: Bài đọc 1 nhắn nhủ các kẻ tin rằng, điều mà đời người phải khát khao và nỗ lực tìm kiếm là Đức Khôn Ngoan để giúp con người phân biệt được phải trái hầu sống đúng theo ý Chúa. Đó là món quà thần linh miễn phí mà Thiên Chúa sẵn sàng tặng không cho nhân loại. Tuy nhiên phải khẩn cầu, nài xin chứ đừng như tổ tiên xưa đã dại dội nghe lời Rắn đòi tự sức mình cướp giật từ tay Thiên Chúa (biểu tượng bằng việc tự ý hái “trái cấm” mà ăn). Phải quý trọng Đức Khôn Ngoan hơn mọi thứ vì chỉ có Đức Khôn Ngoan mới giúp biện phân ra ý Chúa và ban ơn can đảm thực thi. Không có gì cần thiết hơn là nhìn thế giời này theo nhãn giới của Thiên Chúa, là sống cuộc đời này theo phương thức, mẫu mực mà Thiên Chúa muốn ta phải sống. Khi can đảm sống như vậy, kẻ tin mới dần khám phá ra được và tận hưởng được gia tài và hạnh phúc đích thực mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho con người trong dự tính yêu thương muôn thuở của Người.
Còn trong Tin Mừng, cái đáng ta bỏ mọi sự mà tìm theo là Đức Giê-su.
Tin Mừng: Mc 10, 17-30
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay tiếp ngay sau đoạn được sử dụng trong Chúa Nhật trước. Đức Giê-su đã rời bỏ Galille và đã tới Giu-đê, vùng bên kia sông Giodan (10,1). Tại Giu-đê, Người không chú tâm làm phép lạ nữa, chỉ còn một lần chữa anh mù tại Giê-ri-ko mà thôi, trước khi vào Giê-ru-sa-lem. Người chỉ lo giảng dạy và chỉnh sửa bổ sung cho một số vấn đề mà đạo Do Thái còn lấn cấn… Tất cả đều là để chuẩn bị cho mặc khải chung cuộc là Thập Giá (10,1 – 14,31). Tuần trước, Chúa Nhật XXVII B, Tin Mừng đã đọc đoạn văn nói việc Đức Giê-su hủy bỏ luật ly hôn, rãy vợ; qua đó, Người hé mở một chút dung mạo thần linh của Người: Người tỏ mình là Đấng phục hồi luật hôn nhân nguyên thủy do chính Yave Thiên Chúa lập ra. Tuần này, dung mạo thần linh tiếp tục được hé lộ thêm ngang qua các chi tiết trong Mc 10,17-30 mà chúng ta sẽ suy niệm.
-
Khát vọng của một người giàu có đạo đức (10,17)
Anh này giàu có, đạo đức, đầy thiện chí. Xét theo xã hội và tôn giáo của người Do Thái thì anh đáng được Chúa thưởng và có đầy đủ điều kiện để hạnh phúc tại thế. Nhưng anh cũng đủ sáng suốt để biết mọi sự đó rồi sẽ qua đi, nên anh đang nuôi một khát vọng và đang đi tìm cách để thỏa mãn: anh ta muốn có “sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Anh đã tìm đúng chỗ: anh đến gặp Đức Giê-su.
-
Anh QUỲ xuống trước mặt Người: động từ Gonupêtêô = quỳ diễn tả thái độ của con người trước Thiên Chúa khi nhận ra được lòng nhân hậu của Người trên mình (St 24,26.48.52; Xh 4,31; 12,27; 34,8; 1V 8,54).
-
Anh xưng với Đức Giê-su là “THẦY NHÂN LÀNH”. Agathos = “tốt”, “nhân lành” là thuộc tính của Thiên Chúa, ở câu 18, chính Đức Giê-su đã xác định như thế. Nhưng nhìn dưới khía cạnh phê bình lịch sử, người giàu có đạo đức trên không thể nào nhận ra được Đức Giê-su chính là Thiên Chúa ngay khi ông đến gặp gỡ và đối thoại với Đức Giê-su. Tuy nhiên trong nhãn giới của Macco, qua các phân tích trên, độc giả của Macco có thể nhận ra hậu ý của Macco là muốn tỏ lộ kín đáo Đức Giê-su chính là Thiên Chúa. Ý kiến trên được củng cố thêm nhờ xác nhận của Đức Giê-su ở câu 18b, kèm thêm đòi hỏi tuyệt đối của Người ở câu 21.
-
Dự tính của người đạo đức (10,7) anh đến với Đức Giê-su với lòng khao khát, nhưng anh cũng đã có sẵn trong đầu của anh một dự tính: tôi phải LÀM GÌ để được THỪA KẾ sự sống đời đời. Câu hỏi đó tự nó mâu thuẫn vì:
-
Tôi phải LÀM GÌ …: chi tiết “làm gì” nhấn mạnh đến công sức từ phía con người, thuộc phạm trù tự nhiên sòng phẳng, sức người có thể tự mình đạt tới được qua các việc làm đổi chác tương xứng có thể kiểm chứng được. Đến với Đức Giê-su coi Người chỉ như là một nhà tư vấn khôn ngoan không hơn không kém. Anh chỉ cần nơi Đức Giê-su một hướng dẫn, rồi sau đó anh tự sức giải quyết vấn đề. Anh không muốn đến với Đức Giê-su như một môn đệ sẵn sàng bỏ mọi sự để đi theo Thầy.
-
Để được THỪA KẾ sự sống đời đời: “thừa kế” = kleronomeso làm nổi bật lên nét “nhưng không”, miễn phí của hồng ân sự sống đời đời. Sự sống đời đời là một hồng ân siêu nhiên vượt tầm công sức của con người, không việc làm nào cõi phàm trần có thể đổi mua được sự sống ấy. Thật vậy, động từ “thừa kế” đã nói lên ý đó: tiêu chuẩn để được thừa kế một tài sản nào không phải là công nghiệp mà là tương quan phải có đối với người đang nắm giữ sản nghiệp. Còn nếu muốn nói tới việc phải làm thì việc đó không gì khác hơn chính là phải thực hành đúng những gì mà người chủ sản nghiệp đòi hỏi.
Khi nói “tôi phải làm gì?” rõ ràng là người giàu đã xem “sự sống đời đời” chỉ như là một sự vật mà người ta có thể thủ đắc được bằng một số việc làm đạo đức nào đó theo đúng luật. Đó đúng là giọng điệu của các Pharisieu. Nhưng ở đây đã được Macco phổ quát hóa thành hành vi điển hình chung cho mọi người nhân qua nhân vật một người không có tên tuổi.
-
Câu đáp của Đức Giê-su (10,18-22):
Người kín đáo tỏ mình là Thiên Chúa ngang qua câu chất vấn dạy dỗ người kia: “Sao anh gọi tôi là nhân lành. Chỉ có Thiên Chúa là nhân lành”. Chính trong tư cách của “Đấng Nhân Lành” vừa hé mở ý nghĩa của danh xưng, Đức Giê-su trả lời cho người giàu có: hãy giữ các điều răn , và Đức Giê-su liệt kê ra sáu điều khoản (10,19) và anh ta hãnh diện đáp lại ngay “thưa Thầy, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (10,20). Chắc chắn anh đạo đức thật vì Đức Giê-su đã tỏ ra thái độ trân trọng quý mến anh: “Người đưa mắt nhìn anh và đem lòng YÊU MẾN” (10, 21a). “Yêu Mến” = agapaô, là động từ thường được dùng để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa. Macco lại kín đáo, một lần nữa, cho các thính giả thấy rằng các hành vi quyền năng của Thiên Chúa đang hiện diện một cách hữu hiệu, trọn vẹn nơi con người Đức Giê-su. Rồi chính với quyền năng yêu mến thần linh đó, Đức Giê-su đưa ra đòi hỏi quyết liệt.
-
Anh thiếu chỉ một điều (10,21b)
Lưu ý: khi kể ra các giới răn, Đức Giê-su chỉ đề cập đến các bổn phận của con người đối với nhau ghi trong Thập Giới. Người không đề cập đến phần các giới luật nói về bổn phận của con người đối với Thiên Chúa ( 3 điều răn đầu của Thập Giới). Để rồi giờ đây, Đức Giê-su thay thế các bổn phận ấy bằng chỉ một lệnh truyền có liên quan đến bản thân Người. Một lệnh truyền ngắn gọn, dứt khoát gồm một loạt những động từ ở dạng thức RA LỆNH “hãy đi” (ở hiện tại), “hãy bán”… “hãy cho” (aorist) rồi “hãy đến đây… hãy theo tôi” (hiện tại).
Những gì anh ta tích lũy bấy lâu nay, được anh coi như gia sản quý giá để “mua” sự sống đời đời. Anh đến xin Đức Giê-su tư vấn phải làm gì thêm để tăng số lượng gia sản ấy… thì hỡi ôi! Đức Giê-su bảo anh phải từ bỏ tất cả.
Anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi vì anh có nhiều của cải (10,22): dự tính. phương thức anh vạch ra hoàn toàn bị sụp đổ vì lời “tư vấn” của Đức Giê-su đi ngược hoàn toàn với những gì anh dự tính. Tất cả những gì anh tích lũy được, được coi như là công đức của anh, phần thưởng chính Thiên Chúa ban cho anh, là những thứ làm anh hãnh diện và nghĩ rằng có thể đem ra để “đổi lấy” sự sống đời đời một cách xứng đáng, thì Đức Giê-su lại tư vấn là hãy từ bỏ tất cả, đem cho hết rồi đến theo Ngài tay không.
Vậy điều Đức Giê-su đòi hỏi không phải là một việc làm mà là một tương giao mới phải có đối với Người: tương giao tin tưởng phó thác, thần phục tuyệt đối vô điều kiện, cụ thể là dám đi theo một Giê-su phàm nhân “không có chỗ tựa đầu” NHƯ LÀ theo một vị Thiên Chúa. Và niềm tín thác ấy đạt chóp đỉnh nơi Mc 15,39: “Thấy Đức Giê-su chết như một tử tội như thế, viên sĩ quan tuyên xưng ‘con người này là Con Thiên Chúa’”.
Vậy điều mà con người phải khát khao và hết lòng tìm kiếm chính là Đức Giê-su, là Đấng đang tiến về Giê-ra-sa-lem để hoàn tất cho trọn thân phận làm người mà con người Adam đã từ chối. Điều phải tìm kiếm là biến mình thành môn đệ Đức Giê-su theo Người cho trọn kiếp con người. Đó chính là con đường dẫn đến sự sống đời đời.
-
Bài học cho môn đệ: “Người có của SẼ vào Nước Thiên Chúa một cách khó khăn” (10,23), và Đức Giê-su còn nhấn mạnh thêm bằng một hình ảnh “con lạc đà chui qua lỗ kim” (10, 24b-25). Đọc theo sát nghĩa bản tiếng Hy Lạp thì Đức Giê-su không hề khẳng định dứt khoát “người giàu khó vào Nước Thiên Chúa” mà chỉ nói như bản văn tạm dịch lại ở trên. Xin tạm phân tích:
-
SẼ: chuyện vào Nước Thiên Chúa không diễn ra ngay trong hiện tại mà là trong tương lai. Như vậy, đây là một lời cảnh cáo hàm ý mời hoán cải, chứ không phải là lời buộc tội và rồi kết án.
Đức Giê-su cũng không nói là “không vào được” mà nói vẫn vào được nhưng một cách khó khăn thôi. Khó khăn như thế nào? Tại sao mà khó? Có cách nào để vượt khó được không? Đức Giê-su cho luôn câu đáp (10,27).
-
“Đối với loài người thì không thể được”: “sự sống đời đời” cũng như “Nước Thiên Chúa” là những ân huệ thần linh, thuộc thiên giới, tự sức phàm nhân không thể đạt thấu được. Do đó nếu chỉ sử dụng các giá trị và những phương tiện trần thế vô phương đạt thấu. Các giá trị, phương tiện trần thế chỉ đưa con người đạt tới mức một “siêu nhân”, nhưng vẫn thuộc về hạ giới, chứ không làm “siêu nhân” ấy trở nên “con Thiên Chúa” được.
-
“Nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể”: như vậy phương thức phải dùng để khắc phục cái khó khăn trên là để Thiên Chúa thực hiện dự tính của Người nơi chúng ta (Lc 1,38), là lắng nghe tìm ý Cha rồi đem ra thực hành (Mt 7,21), là để thánh ý Cha thể hiện nơi mình (Mt 6,10).
“Siêu nhân” nếu chỉ cậy dựa vào sức riêng của mình thì vẫn không thể vào được Nước Thiên Chúa không thể “thừa kế” được gia sản thần linh là sự sống đời đời. Nhưng dù chỉ là một con người tầm thường mà thôi mà lại được Vua nhận làm con nuôi, con rể, con dâu thì sao? Vậy điều tưởng chừng là không thể được đối với sức người thì chỉ là một việc làm dễ dàng đối với tình yêu Thiên Chúa muốn nhận chúng ta làm con của Người.
-
Phần phàm nhân bất lực của chúng ta, làm sao vượt khó?
Thiên Chúa đã lường trước cách giải quyết: ban tặng cho nhân loại Đức Giê-su Ki-tô. Trong Người, Thiên Chúa nhận chúng ta làm con nuôi, con dâu, con rể chỉ với một điều kiện là đón nhận và tin vào Đức Giê-su (Ga 1,12; Ga17,3). Thiên Chúa đã nhận chúng ta làm “con” trong Đức Giê-su. Vậy điều quan trọng là dám TỪ BỎ những giá trị, phương thức của một “siêu nhân” (vẫn có giá trị thiết thực trong hiện tại) để đổi lấy ƠN (hàm ý miễn phí) được làm “con Thiên Chúa”.
Như vậy đối với những ai tin vào Đức Giê-su, dù vẫn còn lệ thuộc vào các giá trị trần thế thì chuyện giàu nghèo không còn là đối tượng của khát vọng, của sự tìm kiếm của họ. Điều quan trọng là biết sử dụng những gì mình đang có trong thái độ, tâm tình sẵn sàng từ bỏ, chia sẻ rồi tìm đến với Đức Giê-su để được làm môn đệ Người với một tâm hồn hoàn toàn thanh thản, được giải thoát khỏi mọi bận vướng đối với những giá trị, phương thức phàm nhân nữa.
Đó là một quá trình phải làm lâu dài và tiệm tiến. Một công trình phải làm ngay bây giờ – lúc được nghe hiểu đoạn Tin Mừng này – và kiên trì làm cho đến chết.
Đó chính là từng bước một chúng ta theo Đức Giê-su, cùng với Người khắc phục các khó khăn vượt sức phàm nhân, nhờ phương thức tuyệt vời mà Đức Giê-su sắp đích thân thể hiện trước: đường Thập Giá.
Sau bài Tin Mừng này, Đức Giê-su loan báo Thập Giá lần thứ ba (Mc 10,32-34). Ngay lập tức các môn đệ xin được ngồi hai bên tả hữu của Người trong Nước Thiên Chúa. Đức Giê-su đáp: tốt thôi, cứ vác Thập Giá mà vào.
Khao khát Thập Giá, đi đường Thập Giá! Đó là giấy chứng nhận mà Đức Giê-su cấp cho các môn đệ trung tín theo Người, xác nhận họ là “công dân Nước Thiên Chúa”, được quyền “thừa kế” sự sống đời đời.
Vậy để “thừa kế” được sự sống đời đời, để vào Nước Trời hãy khao khát tìm kiếm Đức Ki-tô, Đức Ki-tô Thập Giá, trong tâm tình như thánh Phao-lô “Tôi coi tất cả mọi sự đều là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giê-su Ki-tô” (Pl 3,8), và là một Đức Ki-tô chịu đóng đinh (1Cr 2,2). Người vừa là phương tiện vừa là cùng đích (Ga 14,6). Ai tin vào Người thì có sự sống đời đời (Ga 3,15.36a).
Frère Pierre Đình Long FSC