Is 25,6-10a; Mt 22,1-14
Chủ đề: Bữa tiệc cánh chung nói lên tính phổ quát và nhưng không của hồng ân cứu độ.
* Is 25,6: Ngày ấy, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc.
* Mt 21,39.41: Anh em gặp ai cũng mời hết vào Tiệc Cưới.
Lời Chúa của Chúa Nhật XXVIII A, bài đọc một lẫn Tin Mừng đều sử dụng hình ảnh BỮA TIỆC để diễn tả ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành cho những ai tin vào Chúa. Bỏ qua đi những khía cạnh tiêu cực, lạm dụng bữa ăn, say sưa, chè chén… thì cách chung, bữa ăn, nhất là bữa TIỆC là biểu tượng của niềm vui, dấu chỉ của hiệp thông. Những người cùng nhau tham dự một bữa ăn, chia sẻ cùng một lương thực, đồng bàn với nhau tạo thành một cộng đoàn hiệp thông, có chung một sức sống.
Nhìn dưới góc cạnh tôn giáo, bữa ăn còn diễn tả sự hiếp nhất với thần linh, được thông phần quyền năng sự sống của Thiên Chúa: trong việc dâng lễ tế tạ tội cho dân, tư tế phải ăn phần lễ vật được quy định dành cho mình (x.Lv 6,9-10.19.22); Thiên Chúa ban cho các tư tế ăn phần đó để họ được thông phần tha tội cho dân, cử hành lễ xá tội cho dân (x.Lv 10,17)
Lời Chúa XXVIII A còn chú trọng đến TÍNH PHỔ QUÁT và NHƯNG KHÔNG của bữa tiệc cứu độ: bữa tiệc được mở rộng ra đón tiếp tất cả mọi người. Vì thế chính thái độ đáp trả của khách được mời trước thịnh tình của chủ tiệc lại trở thành yếu tố quyết định cho số phận của khách mời có được hưởng trọn vẹn ân phúc do bữa tiệc mang lại hay không.
Bằng những hình ảnh biểu tượng quen thuộc thường được Kinh Thánh sử dụng để diễn tả niềm vui và hạnh phúc nhận loại, bài đọc một trình bày ơn cứu độ như là một sự can thiệp chung cuộc của Thiên Chúa: Thiên Chúa lấy sáng kiến, đi bước trước đến với con người, thiết đãi MUÔN DÂN, không trừ ai; một bữa tiệc thịnh soạn, đặc biệt: tiệc thịt BÉO, BÉO NGẬY, tiệc rượu ngon tinh chế.
“Thịt béo ngậy” là thịt còn nhiều mỡ, đó là thịt chỉ dùng để tiến dâng lên Thiên Chúa (Lv 3,3-5.9-11); còn “rượu ngon tinh chế” gợi lên thứ rượu tuyệt vời do ĐỨC KHÔN NGOAN pha chế mở tiệc đãi khách (x.Cn 9,2.5), ai uống vào sẽ hết ngây thơ khờ dại và tiến bước trên con đường khôn ngoan hiểu biết (Cn 9,6).
Như vậy ngang qua bữa tiệc thịnh soạn thịt béo ngậy, rượu tinh chế, cả nhân loại đã được Chúa cho hưởng, thông phần vào ân phúc thần linh của Người. Bữa tiệc ấy báo trước tiệc THÁNH THỂ sẽ do chính Chúa Giêsu thiết đãi kẻ tin.
Và một khi niềm vui, hạnh phúc của cánh chung đã tới thì khổ đau, chết chóc sẽ không còn; Vì Chúa tiêu diệt vĩnh viễn Tử Thần, Người xé bỏ chiếc khăn tang, lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người. Ngày đó, người người mừng vui vì được Chúa cho hưởng dồi dào ơn cứu độ.
Bài đọc Tin Mừng cũng nói về chủ đề BỮA TIỆC; Tính phổ quát cũng được đề cập đến khi chủ sai đầy tớ “đi ra các ngả đường gặp ai cũng mời hết vào Tiệc Cưới”. Tuy nhiên, điểm được Tin Mừng nhấn mạnh là: thái độ đáp trả phải có của khách được mời để được hưởng trọn vẹn niềm vui, hạnh phúc mà Bữa Tiệc Cưới mang lại. Thật vậy, đây là TIỆC cưới do vua tổ chức.
Khách được mời có hai loại:
* Loại khách được Vua mời trước; Khi sắp đến lúc mở tiệc, Vua lại sai đầy tớ đi nhắc nhở nhiều lần; Thế nhưng tất cả, viện đủ lý do, nhất loạt từ chối đến dự tiệc; lại còn có kẻ xấc xược dám “bắt các đầy tớ của vua hành hạ và giết đi”.
Mặc dù có nhiều chi tiết khá lạ lùng trong dụ ngôn, nhưng rõ ràng cách tổng quát, dụ ngôn gợi lại những gì đã xảy ra trong lịch sử dân Israel. Họ là tuyển dân, được mời sớm vào bàn tiệc Nước Trời; Chúa đã gởi nhiều đợt ngôn sứ đến nhắc nhở, chuẩn bị cho họ; Họ từ chối! Họ giết một số ngôn sứ.
* Còn loại khách thứ hai: bất kỳ ai cũng được mời gọi vào dự tiệc, không giới hạn, không chọn lựa tốt xấu. Các bàn tiệc cũng nhiều đến độ đủ chứa hết tất cả mọi khách mời. Đó chính là hình ảnh báo trước bàn tiệc của Đức Kitô và Giáo Hội mở ra cho toàn thế giới. Mọi người được mời vào bàn tiệc của Chúa.
Tuy nhiên, Matthêu cũng cảnh cáo các Kitô hữu đang được mời vào bàn tiệc hãy coi chừng đừng để bị rơi vào trường hợp như người Do Thái qua một chi tiết lạ lùng ở phần cuối của dụ ngôn: tất cả các khách được mời dù là đột xuất đều “mặc y phục lễ cưới”, chỉ có MỘT NGƯỜI “không có”. Văn mạch cho phép nghĩ rằng anh từ chối y phục lễ cưới. Qua việc từ chối, anh nói rằng mình không muốn thuộc trọn về cộng đoàn. Đây là trường hợp cá nhân: với tự do, mỗi cá nhân có thể từ chối mặc áo cưới, dù Bàn Tiệc Nước Trời không khước từ ai.
Bài 2
“Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới…nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách” (22,8-10).
Tin Mừng hôm nay là dụ ngôn thứ ba tiếp ngay theo sau hai dụ ngôn trước được Đức Giêsu dùng để trả lời cho các thủ lãnh Do Thái, Thượng Tế và kỳ mục (x.Mt 21,23) và Pharisêu (21,45) về vấn nạn mà họ đặt ra cho Người: ông lấy quyền nào mà làm những điều ấy?…”. Đức Giêsu không trả lời trực tiếp cho họ vì họ không chân thành, không chịu hối hận (21,32). Tuy nhiên Đức Giêsu vẫn đối thoại với họ: qua ba dụ ngôn, Đức Giêsu muốn giúp họ nhận ra những sai trái của họ, để rồi HỐI HẬN và tin vào đường lối Chúa (x.Mt 21,32c).
Cả ba dụ ngôn đều quy về một chủ điểm: hãy thực thi đường lối của Thiên Chúa đã được dự tính trước từ muôn đời; Đừng để những ý tưởng, sự việc, tình huống nhất thời, chợt đến làm chúng ta đi trệch, xa rời đường lối, dự tính thường tồn vĩnh hằng của Thiên Chúa.
Tiếc thay con người đã không nghe lời Thiên Chúa: sự bất tuân của nguyên tổ trong vườn Eden như là một mẫu mực. Ở đây trong Mt 21, ba dụ ngôn cho thấy ba cách con người bất tuân lệnh Chúa đồng thời nhấn mạnh cường độ chống đối ngày càng gia tăng. Đồng thời cũng cho thấy cách ứng xử TỪNG BƯỚC một của chủ:
- Dụ ngôn thứ nhất: (21,28-32) chỉ mới là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng: phải tuân lệnh Cha và thế nào là tuân lệnh.
- Dụ ngôn thứ hai (21,33-43) khía cạnh bất tuân trong dụ ngôn thứ nhất đã được khai triển, kèm theo tính bạo lực ngày càng tăng: lúc được chủ giao vườn nho để canh tác thì tiếp nhận tử tế “xin vâng”; Thế nhưng khi chủ sai người đi thu hoa lợi thì thái độ là “không thi hành” và đã biểu lộ hành động bất tuân bằng bạo lực ngày càng tăng: bắt – đánh – giết – ném đá.
Lẽ ra, trước thái độ tàn bạo như thế chủ phải trừng trị ngay như câu đáp của chính các tá điền đưa ra: tru diệt… Nhưng chủ vẫn kiên trì tạm hoãn, áp dụng đường lối biến bạo ác thành hồng ân: “viên đá thợ xây loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình kỳ diệu của Thiên Chúa đang làm trong hiện tại của thời kỳ chúng ta đang sống. Lý do chưa tru diệt: vì KỲ HẠN khi ông chủ vườn nho ĐẾN chưa tới lúc. Lời mời gọi HỐI HẬN vẫn còn giá trị. Mùa hái nho chỉ mới “GẦN ĐẾN” (21,34a).
- Dụ ngôn thứ ba (22,1-14) “ngày chủ vườn nho ĐẾN” đã điểm. Tuy nhiên Matthêu dùng một hình ảnh biểu tượng khác: Tiệc cưới Hoàng Tử đã đến lúc khai mở: mọi sự đã chuẩn bị sẵn sàng, vua sai đầy tớ đi thúc giục khách đã được mời (22,3), không thể chần chờ được nữa cỗ bàn đã dọn xong rồi (22,4). Phải có thái độ dứt khoát, chọn lựa lần này là mang tính quyết định, không thể vãn hồi, số phận được định đoạt dứt khoát. Thật vậy: trong dụ ngôn một, sự không vâng lời chỉ liên quan tới một công việc hôm nay. Ngày mai có thể thay đổi. Tầm cỡ chưa gì nghiêm trọng lắm.
Trong dụ ngôn hai: sự việc chỉ mới là một vụ mùa, mặc dù hậu quả “giết cậu con” quả là nghiêm trọng, nhưng trong đức tin. Ta biết Đức Giêsu đã phục sinh, công trình kỳ diệu ấy Chúa đang còn mở rộng chờ các “tá điền xấu” hối hận, đổi đời gia nhập vào “DÂN MỚI”.
Còn TIỆC CƯỚI trong dụ ngôn ba: là một biến cố quyết liệt chỉ xảy ra một lần trong đời người và thiết lập một giao ước, một mối tương quan vĩnh cửu, trong cuộc đời của hoàng tử và có ảnh hưởng đến vận mạng vương quốc.
Riêng đối với thực khách được mời đợt một chắc chắn họ phải có một tương quan thân tình, ơn nghĩa tối thiểu nào đó đối với Vua, nên họ mới được mời, biết rõ ngày giờ nơi chốn tiệc cưới diễn ra; và khi tới ngày còn được Vua sai đầy tớ đi thỉnh mời nhắc nhở nhiều đợt. Thế nhưng điều gì đã xảy ra trong khoảng thời gian từ lúc được mời cho đến lúc Tiệc Cưới diễn ra, đến độ mối tương quan với Vua gãy đổ: từ thân tình đi đến hờ hững và cuối cùng là thù nghịch đến độ sỉ nhục và giết chết đầy tớ của Vua sai đến nhắc họ. Đây không còn phải là vấn đề vi phạm một quyền lợi nữa, mà là một sự xúc phạm danh dự nặng nề: tội KHI QUÂN ! đáng tru di tam tộc. Sống trong vương quốc của Vua, thọ hưởng mọi phúc lộc do Vua mang đến, thế mà biến cố quan trọng vào bậc nhất của Vua, của Hoàng Tử lẫn của Vương Quốc là việc cưới vợ cho người thừa kế ngai vàng lại bị họ coi thường chẳng màng đến, thì quả thật, thái độ, cách ứng xử ấy không thể chấp nhận được. Một số trong bọn họ còn hành hạ, giết các tôi tớ của Vua. Qua các hành vi ấy, họ đã tự loại mình ra khỏi Vương Quốc; những điều quan trọng của Vương Quốc không còn là gì đối với họ.
Lý do họ từ chối dự Tiệc Cưới: Matthêu đưa ra hai lý do: “kẻ thì đi THĂM TRẠI”, “người thì ĐI BUÔN”. Thật ra hai lý do đó không có gì cấp bách đến độ buộc phải làm ngay, nhất là việc mời dự tiệc đã được Vua báo trước từ lâu. Họ quá coi thường Nhà Vua! Họ coi các công việc thường ngày của nghề nghiệp họ quan trọng hơn một biến cố quan trọng cả đời chỉ có một lần là được vinh hạnh dự tiệc cưới Hoàng Tử, Con của Vua. Họ coi một buổi đi thăm trại (làm lúc nào chẳng được) của họ, một chuyến đi buôn (mà chỉ cần dời lại một buổi là có thể đi dự tiệc cưới được) quan trọng hơn là KẾT NỐI THÂN TÌNH VỚI VUA. Hành vi thiếu suy xét và phán đoán ấy đã cắt đứt tình nghĩa giữa họ với Vua, đã loại trừ họ khỏi Vương Quốc và Matthêu còn đẩy tới mức tối đa là trở thành thù nghịch với Vua.
Phản ứng của Vua đối với đám khi quân: điều đáng ngạc nhiên là TẤT CẢ mọi thực khách được mời đợt một ĐỀU ĐỒNG LOẠT phạm tội khi quân. Vậy vấn đề không phải là một biến cố nhất thời, cuộc bộ mà thực chất là một lập trường rõ ràng, một chính sách đối lập đồng lòng chống đối lại Vua, tẩy chay Tiệc Cưới của Hoàng Tử. Trong mắt họ, Vua, Hoàng Tử, vương quốc không còn tồn tại. Họ muốn thoát khỏi sự bảo bọc che chở của Vua và nặng hơn nữa là muốn lật đổ Vua. Và cách trình bày của Matthêu khiến ta phải hiểu quyết định của họ là CHUNG CUỘC.
Vào lúc lìa đời (cá nhân), vào lúc chấm dứt dòng lịch sử, vào lúc Tiệc cưới Chiên Con khai mở (x.Kh 19,8) thì có HỐI HẬN cũng đã trễ rồi (x.Mt 25,11-12). Đó là ý nghĩa của quyết định lạ lùng của Vua: ngay tức khắc đem quân đi tru diệt kẻ phản loạn. Dụ ngôn thứ hai còn mang nét cảnh cáo vì mùa nho “GẦN đến”; Còn ở dụ ngôn ba, “Tiệc đã dọn sẵn rồi”. Quyết định “tru diệt tức khắc” cho thấy tính chớp nhoáng của thời điểm cánh chung, lúc đó mọi sự hoàn tất trong chớp mắt, mọi chống đối sẽ bị loại trừ. Đó là lời cảnh cáo hướng về THỜI ĐIỂM CÁNH CHUNG.
Phản ứng thứ hai của Vua: mời tất cả mọi người bất kỳ ai vào dự tiệc (x.Mt 22,9-10). Quyết định trên của Vua hướng về THỜI ĐIỂM CÁNH CHUNG; Còn thực tế hôm nay “thời điểm đó” chưa đến, thì dụ ngôn nhắm vào “Ý NGHĨA NGÔN SỨ” của Tiệc Cưới. Dấu hiệu báo trước được Thiên Chúa thực hiện trong dòng lịch sử báo trước rằng “thời điểm cánh chung” chắc chắn có, đó là BÍ TÍCH THÁNH THỂ: bàn tiệc Thánh Thể được mở ra cho mọi người.
Phản ứng thứ hai của Vua (22,8-13) được Matthêu trình bày thành hai nhịp:
- Nhịp một: từ lúc Vua ra lệnh đầy tớ ra các ngả đường mời tất cả những ai gặp được, đưa vào phòng tiệc cưới, chờ đến lúc phòng tiệc đầy người và tất cả khách được mời đều đã ổn định vị trí (22,8-10).
Đó là một giai đoạn mới trong dòng lịch sử cứu độ: giai đoạn Giáo Hội thế chỗ cho dân Israel. Đặc điểm của giai đoạn này là TÍNH PHỔ QUÁT: tất cả mọi người đều được mời không trừ ai. Tất cả đều có thể vào phòng tiệc cưới cách TỰ DO. Giáo hội là “công giáo”, là phổ quát luôn mở rộng cửa để đón tất cả mọi người. Nhưng rồi dụ ngôn lại thêm một đoạn kết gây kinh ngạc: có một sự phân biệt lọc lựa cuối cùng trước khi ăn tiệc.
- Nhịp hai (22,11-13) được bắt đầu với việc “nhà Vua tiến vào quan sát khách dự tiệc”. “Quan sát” không phải để chào mừng, tuyên bố khai tiệc, nhưng là để lọc lựa xem ai không mặc y phục lễ cưới, rồi trừng phạt nặng.
Chi tiết thật khó hiểu! Vì khách mời là những người bị ép vào phòng tiệc từ các ngả đường, họ đang đi làm các công việc thường ngày của họ, làm sao họ có thể có sẵn y phục lễ cưới để mặc vào ngay khi bước vào phòng tiệc?
Chi tiết lạ kỳ thứ hai: chỉ có một người duy nhất không có y phục lễ cưới! Vậy tất cả các khách mời khác tìm được y phục đó ở đâu?
Rồi phản ứng của “kẻ có tội” cúng rất lạ thường: anh ta “câm miệng không nói được gì” (22,12b), không một chút phản kháng biện hộ cho mình. Phản ứng như thế làm người đọc có cảm giác anh ta thật sự có lỗi.
Với những nét bất thường trên, chúng ta nên nhìn nhịp hai này dưới một góc nhìn khác: chuyện không có “y phục lễ cưới” có một ý nghĩa biểu tượng.
“Không có y phục lễ cưới” là dấu chỉ độc đáo giúp nhận ra ngay “kẻ lạc loài” trong đám đông khách mời đang hiện diện. Hay nói cách khác “y phục lễ cưới” là dấu giúp nhận ra ai là khách mời mới của Thiên Chúa, là Giáo Hội của Chúa? Điểm chung của mọi kitô hữu là “chỉ có một CHÚA, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha của mọi người” (x.Ep 4,5-6). Hình ảnh “y phục” cũng gợi lên cách nói của Phaolô: “mặc lấy Đức Kitô” (x.Ep 4,24; Gl 3,27).
Áp dụng vào đời sống kitô hữu của chúng ta thì “khi lãnh nhận phép Thánh Tẩy, chúng ta đã được mặc một áo trắng và linh mục đã chúc chúng ta gìn giữ nó tinh tuyền cho đến ngày ra chịu phán xét trước tòa án của Đức Kitô” (Sđd 331). Một người đã chịu Phép Rửa, đã sống trong Giáo Hội của Chúa, thì không thể thưa với Nguời trong giờ chết rằng con không kịp mặc áo cưới. Đã tin thì phải sống theo lòng tin thì mới được ơn cứu độ (CGKPV “Tân Ước” năm 2008 trang 137 nốt “b”).
Đường vào Giáo Hội (mời vào dự tiệc cưới) tại thế được mở rộng thênh thang ai cũng có thể vào không phân biệt tốt xấu, không đòi điều kiện. Thế nhưng để được vào Nước Trời của thời thế mạc cần phải sống thật niềm tin. Giáo Hội chắc chắn sẽ được Chúa bảo vệ (x.Mt 16,18-19), thế nhưng phần từng cá nhân phải coi chừng “vết xe đổ” của Dân Do Thái. Có nhiều người tưởng rằng cứ được vào phòng tiệc (tức chịu phép Rửa tội) là đương nhiên được hưởng phúc dự tiệc thiên sai vĩnh cửu (tức được vào Nước Trời). Chưa đâu! Phải mặc “y phục lễ cưới” tức là phải sống và làm lớn lên tinh thần Kitô mà người tín hữu đã nhận khi chịu phép Rửa. Ơn cứu độ đã dọn sẵn, nhưng phải chuẩn bị tâm hồn mới đón nhận được.
Frère Pierre Đình Long FSC