Bài 1
Chủ đề: Lòng thương xót Chúa tha thứ, phục hồi tội nhân khổ đau bất hạnh.
-
Gr 31,8-9: Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về … chúng trở về nước mắt tuôn rơi … Ta là một người Cha.
-
Mc 10,47.51.52: Lạy ông Giê-su, xin dũ lòng thương tôi
Xin cho tôi được nhìn thấy
Đức Giê-su bảo: anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu chữa anh
Lời Chúa của Chúa Nhật XXX B mùa Thường Niên mời gọi chúng ta chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi đang quằn quại trong cảnh lầm than cùng khốn, là hậu quả của những tội lỗi do mình đã gây ra. Khi phạm tội, con người chỉ thấy nơi Thiên Chúa là một quan tòa khắc nghiệt, do đó phản ứng tự nhiên, đầu tiên là TỰ Ý tìm lẩn tránh Thiên Chúa. Sự hiện diện của Thiên Chúa trở thành một yếu tố đáng sợ, đe dọa đối với tội nhân (x. St 3,8-10); bởi vì trước nhan Chúa, mọi tội lỗi đều phải phơi bày tất cả ra ánh sáng. Khốn thay “lìa xa Thiên Chúa” (là cội nguồn hạnh phúc) thì con người rơi vào bất hạnh.
May thay, phần Thiên Chúa, Người đã đảm nhận lấy “sự lẩn trốn” của con người làm thành trách nhiệm của Người: nói theo kiểu luan lý là Thiên Chúa xét phạt rồi đuổi con người ra khỏi nhan Chúa; Thiên Chúa biến cái án phạt đó thành phương thế sư phạm, giáo dục giúp con người – khi chịu khổ – tỉnh ngộ, ý thức được những sai trái của mình (Gr 31,19), nhận ra con đường giải thoát là phải trở về cùng Thiên Chúa, nhận ra Thiên Chúa không phải là “thẩm phán khắc nghiệt” mà người Cha, người Thầy từ nhân, thương xót: Tình yêu Chúa vững bền hơn trời đất, đối với Chúa, Dân Chúa mãi trường tồn (Gr 31,35-37).
Sau đó, từng bước, Thiên Chúa tìm cách đi bước trước đến với con người, tạo điều kiện thuận lợi để con người dám gặp Chúa. Và rồi lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa sẽ làm đổi mới vận mạng của tội nhân, bằng cách mời họ đi vào một tương quan mới với Thiên Chúa: Thiên Chúa sẽ là Cha của dân, còn dân – Ephraim – là trưởng tử (bài đọc 1); còn trong Tin Mừng, anh mù sau khi được chữa lành sẽ thành môn đệ đi theo Đức Giê-su trên con đường Người đi. Điều quan trọng là hoán cải đi vào mối tương quan thân tình với Thiên Chúa.
Bài đọc 1 trích từ sách Gr 30 – 31. Hai chương này là lời khích lệ, an ủi con dân vương quốc miền Bắc (thủ đô là Samari) đã bị lưu đày sáng Ninive từ năm 721 (x. Gr 31,5.6.9.15.18-20), Hãy phấn khởi vui mừng. Lý do là Thiên Chúa sắp can thiệp giải cứu dân Người (Gr 31,7b). Đối tượng chính xác được sấm ngôn nhắm tới là “số còn sót lại của Israel”, nghĩa là số ít vẫn bền lòng trung tín, phó thác cho Thiên Chúa bất kỳ hoàn cảnh nào. Sấm ngôn mời nhóm này sống đức tin vào Thiên Chúa: dù biến cố chưa xảy ra ngày, nhưng lời sấm đã vạch ra cho dân Chúa một tương lai tươi sáng, với những việc cụ thể Thiên Chúa sẽ làm để cứu độ dân:
-
Chúa sẽ đưa dân về lại Đất của họ: toàn dân Chúa sẽ được qui tụ về chung hưởng niềm vui sum họp, thống nhất.
-
Niềm vui còn rộng lớn hơn nữa vì những thành phần dân Chúa, theo quan niệm trước đây, bị coi là ô uế, bị Chúa phạt, bị loại trừ không được tham dự tế tự ca mừng Thiên Chúa thì GIỜ ĐÂY, khi Chúa tha thứ đem dân trở về thì “HỌ”, tất cả những kẻ mù, què, người mang thai, ở cữ: “tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo” (Gr 31,8b).
-
Con đường hồi hương từ phía bắc vốn khô càn, sỏi đã băng qua sa mạc, nhờ có Chúa đồng hành sẽ thành quan lộ thẳng băng, đầy suối nước mát. Dân Chúa an toàn thanh thản bước đi không sợ bị chướng ngại nào làm vấp ngã.
-
Nhưng đó chỉ mới là hình thức bên ngoài! Điều quan trọng hơn là mối thân tình giữa Thiên Chúa và dân được nối kết và nâng cao: Thiên Chúa là Cha – Ephraim là con trưởng (31,9).
Còn trong Tin Mừng, lòng thương xót Chúa biểu lộ qua việc chữa lành cho anh mù Batime ở cổng thành Giê-ri-cô. Việc biết Đức Giê-su có mặt đã khơi dậy trong anh mù niềm hi vọng to lớn: anh la to kêu xin Đức Giê-su cứu, xem Người như là Đấng Messia “lạy ông Giê-su, con vua Đavit” (x. CGKPV Tân Ước trang 213 nốt l), kêu cứu Người như kêu xin với Thiên Chúa: “Xin dũ lòng thương tôi” (Tv 25,16; 31,10; 41,5.11). Ban đầu bị đám đông cản trở, anh càng la to lên niềm xác tín của mình “lạy con vua Đavit, xin dũ lòng thương tôi” (Mc 10,48). Đức Giê-su đón nhận niềm xác tín của anh và cho vời anh đến “gọi anh ta lại đây” (10,49a). Đám đông trước đó là vật cản trở giờ trở thành trung gian đưa sứ điệp của Đức Giê-su đến anh mù “yên tâm đi, đứng dậy, Người gọi anh đó!” (10,49b). Nghe lời “tin mừng” đó, anh vứt bỏ ngay cái áo choàng ăn xin biểu tượng của số phận khốn cùng bấy lâu nay của anh, để nhảy chồm về phía Đức Giê-su rồi bày tỏ cho Người khát vọng cháy bỏng đã ấp ủ từ lâu khi được Đức Giê-su hỏi và anh đã được Người chữa lành: phép lạ, quyền năng là từ Đức Giê-su nhưng lòng tin của anh đã làm cho lòng thương xót Chúa trở thành gia bảo cho anh. Và anh đã đổi đời trở thành môn đệ Đức Giê-su “ đi theo Người trên con đường Người đi” (10,52). Lòng thương xót Chúa thì vô biên và luôn sẵn sàng; chỉ cần tin tưởng, mở lòng đón nhận, cuộc đời ta sẽ đổi mới.
Bài 2
-
Lạy ông Giê-su, con vua Đavit, xin dũ lòng thương tôi (c.47)… – Anh muốn tôi làm gì cho anh?… – Thưa Thầy xin cho tôi nhìn thấy được (c.51). – Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh! (c.52).
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi bất hạnh. Khổ đau là hậu quả của tội. Nguyên do chính là vì con người đã tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa là cội nguồn sự sống, cội nguồn hạnh phúc. Vì Thiên Chúa đã dựng nên con người là hình ảnh Thiên Chúa, nên con người chỉ hạnh phúc trọn vẹn, khi quay về, gắn bó với Thiên Chúa. Nhưng khốn thay, khi sa ngã, phản xạ tự nhiên đột xuất từ nơi con người là trốn chạy Thiên Chúa, do đó loài người hoàn toàn bị kiềm hãm, khống chế bởi khổ đau, sự chết mà sức người vô phương tự giải thoát. Trước nỗi khốn cùng đó, Thiên Chúa lại yêu thương, đi bước trước tìm đến với con người, vạch ra cho con người thấy điều sai trái của họ, cho họ thấy hậu quả của tội và thân phận của một con người bị quỷ ma, tội lỗi thống trị sẽ như thế nào. Thoạt nhìn cứ tưởng đó là lời trách cứ khắc nghiệt, một lời kết án. Thực ra đó là cách Chúa phơi bày sự thật và ngay sau đó Chúa biểu lộ tình yêu tha thứ, làm nhẹ bớt đi những khổ đau, giảm nhẹ án phạt, can thiệt làm thay đổi vận mạng của con người, cứu ra khỏi cảnh khốn cùng, từng bước một gỡ bỏ những vết hằn của “bóng đêm” đã in sâu trong con người và đưa nhân loại dần về lại với ánh sáng, giải thoát khỏi bóng đen quá khứ dẫn vào tương quan mới với Thiên Chúa.
Hoa trái của ơn giải thoát chắc chắn là niềm vui. Nhưng là niềm vui nào? Chính yếu không nằm ở chỗ “hết khổ” để rồi tự tung tự tác làm theo ý mình rồi lại rơi vào tình trạng khốn cùng mới tệ hại hơn. Chính yếu là được hồi phục quyền làm con với tất cả những quyền lợi và trách nhiệm của một người con HIẾU THẢO (bài đọc 1); còn trong Tin Mừng, niềm vui chính yếu là “đi theo Đức Giê-su trên con đường Người đang đi”. Đó là con đường Người đang tiến về Giê-ru-sa-lem, lên đồi Gongotha để với Thập Giá, Người DIỆT TẬN CĂN cái ác, cái khổ, cái chết, chứ không phải chỉ là làm lẻ tẻ vài phép lạ cho một số người giới hạn.
Bài đọc 1 trình bày cách thức Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót Chúa cho Giacop, cho “số sót lại của Israel”. Đó là cuộc giải cứu kỳ diệu dân Chúa ra khỏi đất lưu đày và hồi phục cho họ quyền làm con. Còn trong Tin Mừng tầm cỡ nhỏ hơn: chỉ là chữa lành cho một cá nhân, một anh mù. Nhưng việc chữa lành đó là một bước đột phá, mở ra cho anh một chân trời mới: trở thành môn đệ Đức Giê-su “đi theo Người trên con đường Người đi”.
Giải cứu nhà Giacop, chữa lành cho anh mù chỉ là hình ảnh biểu tượng chút xíu loan báo trước sự giải phóng trên Thập Giá mà Đức Giê-su sắp thể hiện nơi chính bản thân Người, trở nên nguồn sống cho toàn thể nhân loại mà mỗi người đều được chữa lành và được mời gọi đi theo Người.
BÀI ĐỌC 1: Gr 31,7-9
Gr 30-31 được gọi là “Sách An Ủi” vì có cùng một giọng văn, tư tưởng như Isaia đệ nhị. Hai chương này gồm một loạt những sấm ngôn miêu tả tương lai tươi sáng của dân Chúa: từ tình trạng đang bị phân tán, khổ sở do tội lỗi, do lưu đày (30,11b-15), họ sẽ được Thiên Chúa phục hồi (30,11a-17)… sẽ được dẫn về lại Palestine và được quy tụ quanh Sion trong những điều kiện tốt đẹp (31,6-14).
Hai chương này có lẽ được soạn thảo lần đầu vào giai đoạn đầu của sứ vụ Giê-rê-mi-a (626 – 587) và nhắm váo Bắc quốc đã bị đi lưu đầy Ninive vào năm 721(x. Gr 31,5.6.9.15-18.20); các cụm từ ám chỉ miền bắc: “Ephraim, con đầu lòng của Thiên Chúa” (31,9.20); “miêu duệ của bà Rakhen” (31,15); “… mong được về lại Samaria” (31,5). Về sau, khi Giê-ru-sa-lem bị phá hủy, những lời sấm này được đọc lại theo hoàn cảnh mới, nghĩa là được áp dụng luôn cho cả Giu-đa nữa (x. Gr 31,3-4.17; 31,23-27.31) và thêm vào một vài yếu tố mới (30,8-9;31,38-40).
Bài đọc 1 trích từ phần Thiên Chúa hồi phục dân: Thiên Chúa sai ngôn sứ công bố lòng thương xót của Chúa đối với dân bằng lời mời gọi họ “reo vui lên” vì Chúa sắp mang lại cho họ ơn cứu độ, cụ thể là đưa họ ra khỏi cảnh lưu đày, quy tụ họ lại về từ bốn phương; kể cả những ai tật bệnh, ô uế cũng hưởng hồng ân cứu độ này. Chúa sẽ an ủi dân, đưa dân trở về quê hương an toàn và tuyệt vời hơn cả là đối xử với họ bằng mối tình “Cha – Con”.
-
“Hãy reo vui, hãy hoan hô, hãy loan tin, hãy ca ngợi, hãy công bố”:
Mời gọi toàn thể Israel vui lên bằng một loạt những lời khích lệ ở dạng mệnh lệnh “HÃY”. Cách diễn tả như là ơn cứu độ đã được thực hiện rồi. Chi tiết này gợi lại hình ảnh cuộc giải cứu khỏi Ai Cập: dân Chúa được lệnh cử hành lễ Vượt Qua ngay khi còn ở trong đất Ai Cập. Điều đó hàm ý rằng một khi Lời Chúa đã phán ra thì chắc chắn phải được thực hiện. Đó là lý do dân Chúa được mời vui lên cho dù cảnh khốn cùng vẫn còn đang trước mắt. Lý do chính để vui là vì Chúa đã lên tiếng. Điều này hàm ý Chúa đã nguôi cơn thịnh nộ, tội đã được tha, mối tương giao đã được nối lại; số phận dân chắc chắn sẽ được đổi thay theo chiều hướng tích cực: cụ thể là Chúa sắp can thiệp mạnh để cứu dân.
-
Yave ĐÃ cứu dân (c.7) mặc dù dân Bắc quốc vẫn còn lưu đày, nhưng các tín hiệu mừng vui đã xuất hiện: cuộc cải cách tôn giáo của thời vua Giôsiyahu (622-609) đang diễn tiến tốt đẹp: ảnh hưởng của ông vua đạo đức này lan rộng đến tận Bắc quốc; trong khi đó quyền lực của đế quốc Assyri, là quyền lực bắt dân Bắc quốc đi lưu đày Ninive, đang suy thoái trầm trọng và đi tới diệt vong vào năm 612. Đó là tín hiệu phấn khởi cho dân Chúa. Tiếc thay vua Giôsiyahu đã lấn sang lãnh vực chính trị quân sự và đã tử trận vào năm 609, thế là cuộc cải cách bị chặn đứng lại. Rồi vì các vua kế tiếp đều là hôn quân và kết quả là kéo theo việc Nam quốc phải rơi vào tay Babylon.
Vương triều Đavit chấm dứt nhưng lời hứa cứu độ của Chúa vẫn còn. Thiên Chúa vẫn âm thầm trung tín thực hiện dự tính của Người nơi “Vị Vua” hậu duệ Đavit mang tên Giê-su, theo cách thức của chính Chúa.
-
Niềm vui được Chúa cứu (c8)
– Cụ thể trước mắt là dân lưu đày cả nam lẫn bắc đều được hồi hương về lại đất hứa khi vua Kyrus, Ba Tư, tiêu diệt Babylon và cho dân hồi cư với rất nhiều dễ dãi và ưu đãi. Kết quả là Đền Thờ Giê-ru-sa-lem được xây dựng lại và khánh thành vào năm 515. Sau đó đến thời Et-ra và Nê-hê-mia thì tường thành bao quanh Thánh Đô cũng được củng cố lại.
– Thành phần được quy tụ để hưởng niềm vui đó là TOÀN DÂN CHÚA không ai bị loại trừ kể cả những người tật nguyền đui què, ô uế như mang thai ở cữ. Lòng thương xót Chúa bao trùm tất cả. Những hạng người tàn tật đui què vốn bị coi là tội lỗi (x. Ga 9,2); những người mang thai, ở cữ bị liệt vào hạng ô uế, không được cùng với cộng đoàn đến thánh điện tôn thờ Thiên Chúa (Lv 12,4) thì nay cũng được quy tụ lại cùng với mọi người hưởng niềm vui cứu độ.
Thế rồi cuộc hồi hương cũng đã được thực hiện, nhưng thực tế cái kết quả không đi tới đâu…: cho tới thời Đức Giê-su giáng sinh, Israel vẫn chỉ là một chư hầu của các đế quốc. Thực tế phũ phàng đó đã khiến cho thành phần Israel còn trung tín, còn tin vào lời Chúa hứa phải làm một cuộc hoán cải tận căn, biến đổi não trạng: họ đã “dứt khoát không mong chờ sự phục hồi vương quốc Đavit bằng một chuyển biến đơn thuần của lịch sử nữa, mà là từ một hành động tối cao của Thiên Chúa: Người sẽ chặn đứng dòng lịch sử và sẽ đánh dấu sự kết thúc của nó. Thế thì Đavit chỉ là một hình ảnh tiên báo triều đại tương lai này, đó sẽ là triều đại Messia” (S. de Diétrich-“Le dessein de Dieu” p.133).
-
Niềm vui chủ yếu: đi vào tương quan mới với Thiên Chúa: CHA – CON (c.9)
Số phận đổi thay được diễn tả qua những hình ảnh cụ thể:
– “Nước mắt tuôn rơi”: khi bị đi lưu đày dân cũng “khóc”. Đó là cái khóc nhục nhằn tủi hổ do tội gây nên, bị Chúa bỏ rơi đánh phạt; còn lần này “nước mắt tuôn rơi” là do nhận ra được tình yêu quan phòng của Chúa luôn trung tín cho dù mình bất xứng; “khóc” là vì sám hối, là vì không ngờ Chúa thứ tha an ủi hồi phục.
– Đường về đầy nước, thẳng băng …: lúc đi lưu đầy con đường dân phải đi được mô tả là con đường sỏi đá khô cằn, họng ráo khô không có được giọt nước; còn con đường hồi hương là con đường đầy nước, thẳng băng … nói lên tình yêu quan phòng của Chúa đã chuẩn bị cho dân con đường về từ lâu và luôn tu sửa để bất kỳ lúc nào dân sám hối quay về là đều hưởng được ngay “con đường đày nước, thẳng băng” (giống như người cha trong dụ ngôn “đứa con hoang đàng, đã chuẩn bị sẵn dép, nhẫn, áo mới cho con để ngay khi con vừa quay về là cha đã có sẵn mọi sự để hồi phục con).
– Cội nguồn mọi niềm vui: được Chúa thiết lập một tương quan mới: tương quan CHA – CON giữa Thiên Chúa với dân. Chi tiết này thật đáng chú ý: người Do Thái, nhất là sau lưu đầy thường hãnh diện vì là dân được Chúa chọn và có quan niệm loại trừ, khinh chê dân ngoại, dân lai. Lời ngôn sứ như một nhắc nhở họ hãy nhìn lại cội nguồn dân tộc của mình và bỏ đi cái nhìn sai lạc ấy. Epharim là con của Giu-se, lại là con thứ, con lai. Ông không thể là người thừa kế di sản dân tộc, dòng họ theo đúng luật Mô-sê (luật này có sau thời Gia-cop, Giu-se, Epharim) vậy mà Chúa đã nói “Epharim là con trưởng của Người”. Qua lời đó, Chúa đón nhận mọi dân tộc vào ơn cứu độ. Mọi kỳ thị loại trừ đều không phù hợp với dự tính yêu thương của Thiên Chúa.
Vậy khi nói “Ephraim là con trưởng” tức là Chúa chọn ông ta là người thừa kế kho tàng cứu độ mà Chúa sẽ thực hiện thời Messia; điều đó có nghĩa là ơn cứu độ không dành riêng cho người Do Thái mà mang tính phổ quát (vì mẹ của Ephraim là người Ai Cập; về sau, Mo-sê được nuôi sống, lớn lên và học thành tài cũng là nhờ một người mẹ nuôi Ai Cập; Đền Thờ được tái thiết, tường thành Giê-ru-sa-lem được xây dựng lại cũng là nhờ một ông vua Ba Tư …). Hình ảnh Epharim là con thứ, được thay thế vị trí thừa kế của anh mình là Manasse cũng là một hình ảnh báo trước người thừa kế đích thực gia tài ơn cứu độ là Giáo Hội hơn là Israel.
Như vậy, phải đọc bài đọc 1 dưới nhãn giới cánh chung: đó là cuộc hồi phục trong Đức Giê-su. Chỉ trong Người và nhờ Người mà tính phổ quát và bình đẳng của ơn cứu độ mới được thể hiện đúng mức.
TIN MỪNG: Mc 10, 46-52
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay kể lại hoạt động cuối cùng của Đức Giê-su ở bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Tiếp theo trình thuật này là việc Đức Giê-su bước vào thành thánh để biểu lộ vinh quang Messia – Thập Giá. Thế nhưng tất cả mọi nỗ lực của Người cho tới giờ phút này dường như thất bại. Đám và kể cả các môn đệ vẫn còn ùn ùn kéo theo Người nhưng bên trong họ chẳng có một chút tâm tình nào của Người. May thay trong giây phút “đá bù giờ” này, Đức Giê-su đã “ghi bàn” hoán cải lòng người qua phép lạ cuối cùng này: chữa lành anh mù. Anh mù được chữa lành này đã được Đức Giê-su khen là có lòng tin; và lòng tin ấy vừa chữa lành thể xác cho anh vừa hoán cải tâm hồn anh: “anh nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi”. Và lần này Người đã cho anh đi theo (khác với lần Mc 5,18-20). Đức Giê-su đã tìm được một môn đệ chất lượng theo được Người trên con đường Người đi. Người mở rộng cánh cửa đón nhận môn đệ là vì giờ đây “con đường Người đi” là Thập Giá đã được mặc khải rõ ràng, không còn sợ lạm dụng.
Phần các môn đệ, cần phải được Đức Giê-su mở mắt đức tin thêm lần nữa để hy vọng rằng các ông đổi não trạng mà “nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi”. Kết thúc giai đoạn mặc khải trực tiếp về Thập Giá mặc dù Nhóm Mười Hai còn u tối nhưng niềm hy vọng đã lóe lên vì đã có được người “nhìn thấy và đi theo Đức Giê-su trên con đường Người đi”.
-
Khung cảnh mở đầu: giới thiệu các nhân vật (c. 46)
“Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám đông ra khỏi thành Giê-ri-kho thì có một người mù ngồi ăn xin…” (c.46b). Băng ngang qua Giê-ri-kho để tiến về Giê-ru-sa-lem gợi lại một tích truyện thời chiếm đất hứa. Giờ đây, Đức Giê-su là Giosue mới đi đầu dẫn đoàn dân về kinh đô. Nhưng trong khung cảnh của trình thuật Tin Mừng hôm nay có hai nét tương phản: một bên là một đám đông lớn và các môn đệ nữa, đang di chuyển theo Đức Giê-su; bên kia là một anh mù cô đơn đang im lìm “ngồi bên vệ đường ăn xin”, hình ảnh một số phận bị bỏ rơi, bị loại trừ, nhưng Macco lại giới thiệu anh ta đầy đủ tên tuổi gốc gác.
Các chi tiết đó chuẩn bị cho đoạn kết: kẻ cô đơn bị loại trừ đó, nhờ Đức Giê-su để mắt tới đã được chữa lành, được hội nhập lại với cộng đoàn và tuyệt vời hơn nữa, anh còn vượt cả đám đông lẫn môn đệ vì đã “đi theo Đức Giê-su trên con đường Người đi”. Đó là điều mà đám đông lẫn các môn đệ cho tới lúc đó vẫn chưa làm được. Lời loan báo trong bài đọc 1 (Gr 3,8) nay ứng nghiệm nơi Đức Giê-su và anh mù.
-
Khao khát và niềm tin của anh mù (c. 47-48b) được khơi dậy khi nghe biết Đức Giê-su có mặt. Sự hiện diện của Người quả là sự hiện diện khôi phục lại sự sống, và là sự hiện diện mang lại ơn cứu độ, giải thoát. Đang từ trong tình trạng cam chịu, bị cô lập loại trừ, ngồi im ăn xin bên vệ đường, nhưng khi biết Đức Giê-su có mặt thì ngay tức khắc, một cách đột ngột, sức sống lại bừng lên giúp anh mù vượt thắng mọi mặc cảm và dám hô to lên kêu cứu. Tiếng hô tràn đầy hy vọng đánh dấu sự có mặt của anh trong tương quan với đám đông, vượt qua mặc cảm tội lỗi tật nguyền, lướt thắng luôn các áp lực thành kiến từ bao đời của xã hội và tôn giáo. Anh có được các điều ấy là nhờ sự có mặt của Đức Giê-su. Nghe biết Đức Giê-su có mặt, anh mù kêu cứu:
-
Lạy ông Giê-su, con vua Đavit… anh ta kêu cứu Giê-su với tước hiệu “Messia – Vua” vẫn đang được truyền tụng rộng rãi trong dân gian. Trong phần đầu của Tin Mừng Macco, Đức Giê-su đã cấm công bố tước hiệu này cho đám đông; nhưng giờ này không cấm nữa vì cuộc thương khó đã được công bố đến ba lần và giờ Thập Giá cũng đang kề bên; rồi khi vào Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su công khai đón nhận lời tung hô của đám đông (11,7-10).
-
Xin thương xót = êlêeson: trong Cựu Ước, đây là lời khẩn cầu ngỏ cùng chính Thiên Chúa (2Sm 12,22; Is 33,2; Am 5,15; Ml 1,9). Đặc biệt gặp nhiều trong các Thánh Vịnh (Tv 51,3; 57,2; 86,3…), qua đó kẻ khẩn cầu kêu xin Chúa cất khỏi mình những khổ đau sầu não.
Dĩ nhiên lúc mở lời kêu xin, anh mù không thể nào nhận ra thần tính của Đức Giê-su ngay lúc đó; nhưng đối với các độc giả của sách Tin Mừng Macco, và nhất là đối với các tín hữu Ki-tô hôm nay thì rõ ràng qua việc dùng từ “xin thương xót”, Macco ngầm bảo rằng Đức Giê-su xuất hiện ở đây như là một vị Thiên Chúa, Người đến biểu lộ và ban phát lòng thương xót thần linh của Người cho nhân loại tội lỗi lầm than đang kêu cứu.
-
Phản ứng của đám đông (c.48a.49b)
-
“Nhiều người QUÁT NẠT để mà anh im đi”. Động từ “êpitimaô” = “Quát nạt”, dịch sát phải là “ban ra môt lệnh dứt khoát”, hàm ý buộc đối tượng phải nghe, không chấp nhận tranh cãi. Trong Tin Mừng Macco, động từ này thường gán cho Đức Giê-su (1,25; 3,12; 4,39; 8,30-33; 9,25) khi nói về lệnh buộc phải im lặng, giữ bí mật thiên sai của Người, hoặc trách ai cản trở con đường cứu độ; chỉ có 3 lần được áp dụng cho phàm nhân, ám chỉ hành vi sai trái, cản trở ơn cứu độ của họ:
– 8,32: Phê-rô trách Đức Giê-su, cản Người đi con đường Thập Giá.
– 10,13: môn đệ rày la người ta, cản đem con nít đến với Đức Giê-su.
– 10,48: trường hợp chúng ta đang suy niệm ở đây.
Lưu ý văn mạch: môn đệ, đám đông đang theo Đức Giê-su nhưng với tâm trạng “kinh hoàng”, “sợ hãi” (Mc 10,32). Họ chưa là môn đệ đúng nghĩa. Vậy ở đây, đám đông được trình bày như là yếu tố cản trở, không cho anh mù đến với Đức Giê-su để sẽ được cứu.
-
Nhưng rồi ngay sau đó (10,49b), đám đông lại đổi hẳn thái độ với anh mù khi Đức Giê-su “dừng lại” truyền gọi anh đến. Các chi tiết này cho thấy tính bất nhất, hùa hơi của đám đông. Theo Chúa, nhưng với tâm trạng sợ hãi, khiến họ mau chóng dễ dàng thay đổi lập trường. Tương tự như thế: khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, họ phấn khích tung hô Người là Messia (11,1-11), nhưng chỉ vài ngày sau chính họ gào lên “đóng đinh nó vào thập giá” (15,11-15).
-
Tin Chúa theo kiểu hùa hơi, xu thời, sẽ không thể nào “đi theo Người trên đường Người đi” được. Phải có một đức tin biệt vị, quyết liệt, kiên vững như anh mù mới được. Trong lần chữa mù trước ở Bet-sai-da, bệnh nhân hoàn toàn thụ động, chỉ hưởng được phép lạ, không đi theo Đức Giê-su được. Còn lần này Đức Giê-su công bố “lòng tin của anh đã cứu anh”: vừa được chữa lành phần xác, vừa được trở thành môn đệ đúng nghĩa của vị Messia – Thập Giá.
-
Đáp trả của Đức Giê-su: cuộc gặp gỡ cứu độ (10,49-52)
-
Đức Giê-su đứng lại và nói “gọi anh ta lại đây”: anh mù có nguy cơ bị mãi trong tình trạng cô đơn của mình vì hành vi quát nạt của đám đông, vì áp lực thành kiến của xã hội lẫn tôn giáo Do Thái: kẻ có bệnh là ô uế, là tội nhân không đến được với đám đông, với Đấng Messia. May thay, người làm chủ tình huống là Đức Giê-su. Yếu tố làm xoay chuyển tình huống là thái độ của Người: Đức Giê-su nghe, đứng lại và lên tiếng hướng về anh mù. Đức Giê-su cắt đứt tình trạng đang cùng chuyển động “ĐI” với đám đông để rồi kết nối với tình trạng bất động, cô đơn của anh mù đang bị loại trừ “ngồi bên vệ đường”. Nhờ đó anh thoát khỏi tình cảnh cô đơn, bất động: anh đứng phắt dậy (dịch sát: nhảy chồm lên) lao về phía Đức Giê-su. Và lời mời của Đức Giê-su, làm anh ta trở thành trung tâm được cả đám đông thay đổi thái độ: săn đón, khích lệ anh.
-
Đức Giê-su đổi mới đám đông: với lệnh truyền “gọi anh ta lại đây”, Đức Giê-su đã hoán cải đám đông, trả lại cho họ vai trò tích cực là thông tin cho anh mù biết có Đức Giê-su hiện diện bằng chính sự ồn ào của họ. Nghe lệnh truyền của Đức Giê-su, đám đông đột ngột thay đổi thái độ với anh mù: từ chỗ “quát nạt”, loại trừ họ đã ân cần mời mọc, khích lệ anh mù đến với Đức Giê-su. Lời Chúa đã xoay chuyển đám đông 180 độ.
Như vậy trước khi cứu anh mù, Đức Giê-su đã cứu đám đông khỏi cái vô tâm ích kỷ của họ trước: họ không còn là rào cản nữa mà được Đức Giê-su biến đổi thành trung gian hướng dẫn anh mù đến với Người. Nhờ vậy tất cả (anh mù, đám đông, môn đệ) trở nên một cùng đến với Đức Giê-su. Vậy là sấm ngôn Gr 31,8 ở bài đọc 1 được ứng nghiệm.
Theo dự tính của Thiên Chúa, Đức Giê-su không loại trừ ai, tất cả đều có thể trở thành công cụ để Người hoàn tất ý Cha. Tiếc thay về phía đám đông, hành vi của họ cũng chỉ là xu thời, ngả theo chiều gió để rồi cuối cùng bị các thế lực thù nghịch của Thiên Chúa lợi dụng, xúi họ đòi đóng đinh Đức Giê-su.
-
Niềm vui của anh mù: anh được đến gần Đức Giê-su, được đối thoại, thân thưa với Người, trình bày cho Người nguyện vọng thẳm sâu của đời mình. Niềm vui ấy được Macco diễn đạt:
– “Vất áo choàng”: tức là vứt bỏ đi tình trạng khốn cùng của mình. Trong Kinh Thánh, y phục tượng trưng cho nhân cách của người mang nó (ĐNTHTK “Y Phục” I,1). Áo choàng là của cải duy nhất của người nghèo (x. Xh 22,25-26), ban ngày dùng nó để đựng của bố thí, ban đêm dùng để đắp ngủ. Vất đi chiếc áo ăn xin hàm ý cái số phận mù lòa, ăn xin từ nay không còn đè nặng trên thân phận của anh nữa. Đổi đời!
“Nhảy chồm lên”: (Cha Thuấn, Nhóm CGKPV dịch là “đứng phắt dậy”) bất chấp tình trạng mù của mình, anh mù dám nhảy chồm lên lao về phía Đức Giê-su như một người sáng mắt. Có thể coi đây là cái nhảy của đức tin được lời mời gọi của Đức Giê-su khích lệ, thúc đẩy, giúp anh ra khỏi tình trạng tê liệt “ngồi lì bên vệ đường” để hội nhập vào đoàn người đang đi theo Đức Giê-su.
– Rồi anh đến với Đức Giê-su, nghe được lời quan tâm săn đón của Người, trình bày cho Người cái khát vọng thâm sâu của mình. Và được Người chữa lành.
-
Đức Giê-su chữa lành: “anh hãy ĐI, lòng tin của anh đã cứu anh” (52a). Đức Giê-su không nói “hãy nhìn thấy” mà lại nói “hãy đi”: “hupagê”. Anh đến với Đức Giê-su trong tình trạng mù với hy vọng được Người cho sáng mắt, Đức Giê-su lại sai anh làm một việc của một người đã sáng mắt rồi: “hãy đi đi” (tương tự như Lc 17,14). Và chắc là anh đã tin vào lời đó nên Đức Giê-su mới khen anh “lòng tin của anh đã cứu chữa anh. Vậy đây không phải là một phép lạ chữa mù thuần túy mà còn là một lời mời gọi dấn thân vào một lộ trình theo Đức Giê-su trên “con đường Người đi”. Anh tin nên số phận anh thay đổi, anh trở nên môn đệ chân chính cùng đi một con đường với Thầy.
-
Đáp trả của anh mù (52b): anh được biến đổi tận căn ngay tức khắc. Anh thấy và “đi theo Người trên đường Người đi”. Đường Người đi chính là đường Thập Giá. Anh trở thành môn đệ của Đấng Messia – Thập Giá. So với thái độ sợ hãi của đám đông, và cả của Nhóm Mười Hai nữa (10,32), anh mù được trình bày như là một người môn đệ kiểu mẫu.
Như vậy Đức Giê-su chữa anh mù, nhưng thật sự Người cũng chữa cả đám đông và Nhóm Mười Hai. Tất cả phải được Đức Giê-su “mở mắt”, hoán cải rồi tin thật vào Người hầu có thể cùng Người đi con đường Người sắp đi khi vào Giê-ru-sa-lem để hoàn tất thánh ý Chúa Cha.
Frère Pierre Đình Long FSC