Hc 35,12 – 14, 16 – 18 ; Lc 18,9 – 14
Chủ đề : Lời nguyện cầu khẩn thiết của những người hèn mọn khiêm nhu được Chúa nhận lời.
* Hc 35,17a : Lời nguyện cầu của người nghèo vượt ngàn mây thẳm.
* Lc 18,13 – 14 : Người thu thuế đấm ngực thưa rằng : Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi… Người này khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính…
Lời Chúa của Chúa Nhật XXX (C) Mùa Thường Niên mời chúng ta tiếp tục suy tư về vấn đề CẦU NGUYỆN : cách cầu nguyện đẹp lòng Chúa và chắc chắn sẽ được nhận lời. Lời Chúa tuần trước nhấn mạnh khía cạnh cầu nguyện kiên trì trong phó thác : cầu nguyện không ngưng nghỉ, không nản chí, cầu nguyện cho đến xong việc mới thôi. Và việc chỉ xong vào ngày Quang Lâm (x. Lc 18,8b). Lời Chúa của Chúa Nhật XXX (C) bổ sung thêm một vài yếu tố mà tín hữu phải có khi cầu nguyện để lời van xin của mình được Chúa nhận lời. Tâm tình tín thác vào lòng thương xót Chúa vẫn là yếu tố hàng đầu : tin Chúa là Đấng xét xử công minh, không thiên vị ai ; tin Chúa yêu thương, nhận lời cầu nguyện của kẻ bất hạnh nghèo hèn, của những ai phục vụ Chúa đang chân tâm cầu nguyện. Và điểm nhấn của Chúa Nhật hôm nay là cầu nguyện với tâm tình KHIÊM CUNG, nhận ra mình bất lực, tội lỗi, không xứng đáng được Chúa nhận lời, chỉ còn một nơi cậy dựa duy nhất là chính Thiên Chúa, là lòng thương xót, quảng đại của Người.
Theo cái nhìn của Cựu Ước, thì khi nhờ các ngôn sứ hay tư tế thỉnh cầu ý Chúa thì người kêu xin cũng phải trả một chút thù lao (x. 1Sm 9,6 – 8) ; để cầu xin ơn tha thứ cũng cần có lễ vật đền tội (x. Lv 5,14 – 26) ; Và sau thời lưu đày sách Huấn Ca còn khuyên : đừng đến trước nhan Chúa với đôi bàn tay không, nghĩa là không có lễ vật (x. Hc 35,1 – 4). Mặc dù vậy, lễ vật hậu hỉ không là yếu tố chính để Chúa nhận lời, Chúa không bị người ta hối lộ (Hc 35,11 – 12). Thiên Chúa vẫn dành nhiều ưu ái cho những người nghèo hèn, chịu nhiều thua thiệt, sống công chính và đang tha thiết khẩn cầu Người, trong tâm tình khiêm nhu phó thác.
Bài đọc 1 trích từ sách Huấn Ca, mở đầu bằng một khẳng định rằng Thiên Chúa là thẩm phán công minh, không thiên vị ai. Chuẩn mực cho mọi phán quyết của Người là CHÍNH NGƯỜI. Từ xác tín cơ bản đó, sách Huấn Ca liệt kê ra một số hạng người mà lời kêu cứu của họ chắc chắn được Chúa đoái nghe. Đó là những người nghèo hèn, bị bách hại, những người bị áp bức, những kẻ mồ côi, những người góa bụa (x. Hc 35,13 – 14), và nhất là những kẻ phục vụ Chúa theo Thánh Ý Người (35,16). Tuy nhiên cần lưu ý :
-
Không phải cái nghèo không phải là yếu tố mang lại ơn cứu độ
-
Yếu tố chính là lòng yêu thương của Chúa, Đấng không thiên vị ai, luôn quảng đại thi ân giáng phúc cho những ai tha thiết van nài, với tấm lòng khiêm tốn, nhận ra mình là tội lỗi bất xứng, chỉ còn một chỗ cậy dựa duy nhất là lòng thương xót của Chúa mà thôi.
Phần thứ hai của bài đọc 1 (35,17 – 18) nhắc lại chủ đề của tuần trước : phải cầu nguyện kiên trì, tín thác. Dù biết chắc rằng Chúa sẽ đoái nhận lời mình kêu xin, nhưng người của Chúa không vì thế mà lơi lỏng việc cầu nguyện, phải luôn bám chặt vào Chúa tới cùng : “Họ sẽ không rời đi bao lâu Đấng Tối Cao chưa đoái nhìn, chưa xét xử cho người chính trực và thi hành công lý (35,18).
Họ là những người mà Kinh Thánh gọi ANAWIM, tức là những “người nghèo của ĐỨC CHÚA”. Họ là những người chỉ có Thiên Chúa là nơi cậy dựa duy nhất, là Đấng Bảo Vệ duy nhất của họ trước mọi nỗi khốn cùng, tinh thần cũng như thể xác, đến từ mọi phía : Xã hội, tôn giáo, người đời. Họ chỉ biết chạy tới cùng Thiên Chúa, bày tỏ nỗi tủi nhục, bất lực của mình, rồi kiên trì khiêm cung chờ lời đáp trả của Thiên Chúa. Chắc chắn họ sẽ được nhận lời ! “Lời họ kêu cầu sẽ vọng tới tầng mây” (35,16b), là nơi Thiên Chúa ngự trị (x. Tv 68,35 ; 104,3…).
Chủ đề hãy cầu nguyện trong tâm tình khiêm nhường, sám hối được Đức Giêsu, trong Tin Mừng XXX (C) Mùa Thường Niên, minh họa bằng một dụ ngôn, với chủ đích thật là rõ ràng : nhằm cảnh cáo “những kẻ tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (x. Lc 18,9). Đây là hạng người kiêu ngạo đến độ tiếm đoạt cả quyền xét xử của Thiên Chúa: họ tự lấy mình làm chuẩn mực luân lý nên mới “tự phụ cho mình là công chính” ; Rồi từ đó tiếm đoạt quyền xét xử của Thiên Chúa “mà khinh chê kẻ khác”. Có hai người lên Đền Thờ cầu nguyện : một người biệt phái và một người thu thuế.
1/ Người biệt phái tự kiêu nên “Đứng riêng một mình” vì tự cho mình là công chính, trong sạch nên không muốn hòa mình với đám dân tội lỗi, nhất là với tên thu thuế đang đứng ở cuối Đền Thờ. Anh ta tâm nguyện rất bài bản : mở đầu bằng lời tạ ơn Chúa. Tiếc thay nội dung lời nguyện của anh ta không có gì là tạ ơn Chúa mà chỉ là lời phô trương công nghiệp của mình để rồi lấy đó làm chuẩn mà khinh chê kẻ khác. Thật ra những việc anh đã làm : “Ăn chay mỗi tuần hai lần” ; “Dâng cho Chúa 1/10 thu nhập” đều là những việc đáng khen và vượt hơn nhiều so với những gì lề luật đòi hỏi. Nhưng tiếc thay, anh ta đã quá tự kiêu, để những thứ đó chiếm đoạt hết con người anh ta đến độ chỉ còn biết có bản thân mình là tốt, không còn có chỗ nào trong tâm hồn anh ta để đón nhận ơn Chúa và đưa tới thái độ loại trừ, kết án tha nhân. Do đó ơn tha thứ, ơn công chính hóa của Chúa không có chỗ để chen vào trong tâm hồn anh ta. Ơn Chúa không có đất để bén rễ trong hồn anh ta.
2/ Còn người thu thuế đứng từ đàng xa, cúi gầm đầu, đấm ngực không dám nói gì hơn ngoài lời “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.
Và Đức Giêsu kết luận : người thu thuế ra về được NÊN CÔNG CHÍNH, còn người biệt phái thì không. Tại sao vậy ? Vì trong hồn của người biệt phái không còn chỗ nào để ơn Chúa hoạt động. Còn người thu thuế chỉ còn một con đường sống là cậy dựa vào lòng thương xót Chúa và mở hết cõi lòng xin Chúa thương xót. Chính lòng thương xót ấy đã tha thứ, biến đổi và làm anh ta nên công chính. Tự cho mình là công chính đến độ dám kể công với Thiên Chúa, xét đoán tha nhân. Đó là một biến thái trá hình tinh vi của tội nguyên tổ. Đó là một “trái cấm” cho nhân loại hôm nay. Hãy đề phòng ! Hãy khiên tốn cầu nguyện với tấm lòng tan nát khiêm cung, Chúa sẽ nhận lời và làm cho ta nên công chính.
Frère Pierre Đình Long FSC