CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B 

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO. (Mt 28,16-20)

Tháng 10 năm 2020 chủng viện thừa sai Kon Tum mừng kỷ niệm 85 năm thành lập. Chắc hẳn ngay từ khi được xây dựng lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu đã được in đậm trên gian cung thánh của nhà nguyện tiểu chủng viện. Lệnh truyền này đã nhắc nhở bao nhiêu thế hệ chủng sinh, linh mục tại chủng viện và tại giáo phận Kon Tum: Hãy đi giảng dạy cho muôn dân. Cả ba tin mừng nhất lãm đều nhấn mạnh đến lệnh truyền này của Chúa Giêsu trước khi Ngài về trời vinh hiển bên hữu Chúa Cha.

Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em . (Mt 28, 19-20)

     Anh em hãy đi. Chúa truyền lệnh cho các tông đồ ra đi. Sau nhiều năm theo Chúa khắp mọi miền đất nước Israel, được Chúa huấn luyện, thấy những việc Chúa làm, nay Chúa về trời, các ông được Chúa mời gọi  ra đi. Sau những ngày tháng ở lại với thầy, giờ này phải ra đi. Đây cũng là lệnh truyền của Chúa cho Giáo Hội. Ngay sau khi Chúa về trời, các tông đồ đã đi khắp nơi rao giảng. Đặc biệt thánh Phaolô đã đã có những cuộc hành trình rao giảng rất dài, rất khó khăn, mệt mỏi, lao  tù,  đắm tàu, bị xua đuổi .

      Suốt bao thế kỷ các môn đệ của Chúa đều ra đi rao giảng. Miền Á Đông chúng ta cũng may mắn, được rao giảng Tin Mừng. Thánh Phanxicô Xaviê đã đi nhiều nước Á Châu. Những thế kỷ gần đây các nhà Truyền Giáo Tây phương cũng đã đến Việt Nam để rao giảng. Các linh mục Dòng Tên, các linh mục dòng Đa Minh, các linh mục hội Thừa Sai Paris. Trên miền Tây Nguyên đặc biệt các linh mục hội Thừa Sai Paris đã mạnh dạn ra đi đem Tin Mừng cho các sắc tộc thiểu số, dẫu bao khó khăn, hiểm nguy, bắt bớ.

     Đức Thánh Cha Phanxicô còn khuyến khích các môn đệ của chúa Kitô ra vùng ngoại biên để rao giảng, ngài viết: “Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Giáo Hội quan tâm đến việc được ở vị thế trung tâm và rồi rốt cuộc bị vướng mắc vào một mạng lưới của những nỗi ám ảnh và thủ tục” (EG 49).

    Tại Các giáo phận Việt Nam, đặc biệt giáo phận Kon Tum, các vị thừa sai ngoại quốc cũng như các linh mục Việt Nam đã từ lâu đi ra vùng ngoại biên, những nơi hẻo lánh, vùng sâu vùng xa .

Trong cơn đại dịch covid 19 bùng phát lần thứ tư, đặc biệt tại những tỉnh miền Nam và Sài Gòn, các linh mục, tu sĩ, chủng sinh đã bước ra khỏi tu viện, chủng viện để đi ra vùng ngoại biên, tuyến đầu để chống dịch. Các giáo lý viên, giáo dân, thiện nguyện viên cũng đã thực sự bước vào vùng ngoại biên, nơi các bệnh nhân F0, F1 đang khổ đau, trầm cảm, đói khát. Chắc hẳn nhiều bệnh nhân đã nhìn ra khuôn mặt nhân từ của Chúa Kitô và họ đã gặp được Chúa.

      Đẹp thay  bước chân người rao giảng Tin Mừng. Thánh Phanxicô Xaviê được Giáo Hội tuyên xưng làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Các vị truyền giáo ra đi không mỏi mệt, nhưng trước khi đi rao giảng, tâm hồn của các ngài phải đầy Chúa Kitô và giáo huấn của ngài. Các vị luôn kết hợp với Chúa bằng lời cầu nguyện, bằng đời sống hy sinh. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu không ra đi rao giảng được trực tiếp, nhưng thánh nữ cũng được tuyên xưng là bổn mạng các xứ truyền giáo, vì thánh nữ luôn thiết tha cầu nguyện cho các linh mục thừa sai, cho các xứ truyền giáo. Việt Nam chúng ta cũng nằm trong trái tim của thánh nữ. Đã có lúc thánh nữ ao ước được trực tiếp đến sống tại Việt Nam, trong tu viện Cát Minh, Sài Gòn .

     Mục tiêu chính yếu là dạy bảo mọi điều Thầy đã truyền, là rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho các dân tộc, nhưng các vị thừa sai cũng luôn tìm cách cách hội nhập văn hóa, giúp phát triển văn hóa. Việt Nam ta còn có may mắn, nhờ cha Đắc Lộ và các thừa sai khác đã phiên âm, đã hệ thống hóa chữ quốc ngữ. 1000 năm sống dưới sự đô hộ của người Tàu, cha ông chúng ta luôn phải dùng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Những chữ viết tượng hình này khó học và khó nhớ. Chữ quốc ngữ ngày nay dễ dậy, dễ học, dễ phổ biến, nhờ được viết theo mẫu tự Latinh. Điều may mắn này là của riêng Việt Nam, không có nước châu Á hay Đông Nam Á nào có được. Một hồng ân tuyệt vời !

Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Ra đi, rao giảng, nhưng mục đích cuối cùng là làm phép rửa cho muôn dân nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

     Các vị thừa sai giảng dạy và mong muốn rửa tội cho dân chúng. Sau nhiều năm tháng mệt mỏi giảng dạy, rửa tội được những người đầu tiên, các ngài đã mừng vui và cảm tạ Thiên Chúa. Và như ông già Simêon, các ngài có thể ca bài ca Nunc Dimittis. Mãn nguyện với lý tưởng truyền giáo. Đức cha Jean Cassaigne, khi rửa tội cho người K’ho đầu tiên, ngài đã tạ ơn Chúa và nói rằng đây là niềm vui lớn nhất từ khi ngài chịu chức linh mục.

Cuối mỗi thánh lễ, linh mục chủ tế hoặc thầy phó tế, thay lời cho Chúa Giêsu, truyền cho giáo dân hãy ra đi Ite misa est.Thánh lễ kết thúc rồi, anh chị em đã lãnh nhận Mình Thánh Chúa và Lời Thánh Chúa, anh chị em hãy ra đi rao giảng. Việt Nam ta dịch là Thánh lễ đã hết, chúc anh chị em về bằng an hay chúc anh chị em đi bằng an đều làm lệch ý hướng ban đầu. Về bằng an là về nhà làm việc, ngủ hay ăn nhậu?  Đi bằng an là đi đâu? Đi về, không gặp tai nạn, không rủi ro, không bị cướp giật hay về cõi vĩnh hằng?[ ĐC Khảm còn kể: Ở Sài gòn người ta ngại chúc anh chị em về bình an, vì Bình An là một nghĩa trang lớn phía Bình Dương]. Ite là anh chị em hãy đi, hãy ra đi (rao giảng). Misa est– Thánh lễ đã kết thúc rồi.

    Lạy Chúa xin cho chúng con ghi nhớ lời Chúa dạy: lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít và cho chúng con quan tâm đến việc truyền giáo và tham gia làm thợ gặt của Chúa. Cho chúng con biết truyền giáo bằng chính cuộc sống yêu thương, bác ái của chúng con.

                                               Nguyễn Đức Lân