CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN – năm A

Bài 1

Xh 22,20-25; Mt 22,34-40
Chủ đề: Giới luật yêu thương: mến Chúa yêu người.

* Xh 22,20-24: Không ngược đãi ngoại kiều không ức hiếp mẹ góa con côi cho vay không lấy lãi.
* Mt 22,37.39b: ngươi phải yêu mến ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi…và yêu người thân cận như chính mình.

“Điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. Đó là chủ đề chính của Lời Chúa Chúa Nhật XXX A. Sống chung là phải có luật; Và Luật là cần thiết để cuộc sống con người được ổn định, trật tự, xã hội có tổ chức, mọi sự được hài hòa hầu mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân loại. Ngoài ra, con người còn có luật tôn giáo, đoàn hội, phe nhóm…Do đó nếu không khéo biện phân, sắp xếp, con người có thể bị “chôn vùi” trong cả đống lề luật, không phân biệt lớn bé, nặng nhẹ dẫn đến nguy cơ lạm dụng luật, vụ luật hoặc luồn lách Luật (x.Mt 23,4), làm luật thành một cái ách không sao gánh nổi (x.Cv 15,10).

Đối với Israel, Luật Giao Ước là Thánh Ý Thiên Chúa ban riêng cho Dân (x.Tv 19,8; 147,19-20). Nhờ Luật, đám nô lệ vừa ra khỏi Ai Cập nô lệ được trở nên DÂN CHÚA (Xh 19,5-6). Thưở ban đầu, Luật Chúa chỉ gồm mười Lời (Xh 20,1-17); Nhưng rồi qua dòng thời gian, họ đã khai triển thành 613 điều khoản bao gồm 248 điều phải làm và 365 điều cấm. Và nguy hiểm hơn nữa là giữa khối khổng lồ các điều răn ấy, họ lại cào bằng giá trị của chúng với nhau đến độ Đức Giêsu phải trách: “các ông đã gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm…coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữa truyền thống của các ông” (Mc 7,8-9).

Lời Chúa hôm nay mời chúng ta về lại với cội nguồn mặc khải để nhận ra cái cốt của lề Luật là gì. Đó chính là giới Luật YÊU THƯƠNG: Giới Luật gồm tóm toàn bộ Lề Luật và các ngôn sứ (Mt 22,40). Nội dung giới luật này được trình bày làm hai vế: MẾN CHÚA và YÊU NGƯỜI. Chúa Nhật hôm nay lưu tâm hơn tới vế hai: YÊU NGƯỜI.

Bài đọc một cụ thể hóa Luật yêu người bằng lệnh Thiên Chúa truyền cho Dân phải yêu thương bốn hạng người bị nhiều thua thiệt trong xã hội thời Cựu Ước:

  1. NGOẠI KIỀU: là những người dân ngoại, thường trú tại Palestin; không có đất đai, không có quyền lợi dân sự cho dù họ là những người tự do chứ không phải là nô lệ. Họ cũng phải tuân giữ luật ngày Sabat và một số lễ hội tôn giáo Do Thái (Xh 20,10b; Đnl 5,14…). Và cho dù họ theo đạo Do Thái đi nữa thì không bao giờ họ thực sự được bình đẳng với quyền dân sự của người Do Thái (Đnl 15,2-3; 23,21).
  1. MẸ GÓA, CON CÔI: Về sinh hoạt dân sự, phụ nữ Israel không có quyền lợi như đàn ông: Không thể làm chứng trước tòa, không được tố tụng hay kháng án, không được thừa kế chồng mình. Trẻ dưới 13 tuổi không có tiếng nói trong xã hội và pháp lý. Mồ côi cũng như góa phụ là những người không còn nơi nương tựa. Do đó họ dễ bị chèn ép, ức hiếp bất công.
  2. HẠNG NGHÈO PHẢI ĐI VAY MƯỢN: Luật dạy không được lấy lời vì Israel là một dân anh em, 12 chi tộc đều là con Giacóp (Đnl 23,20-21).
  3. HẠNG NGHÈO PHẢI CẦM ĐỒ: Nếu họ phải cầm áo choàng thì phải trả lại cho họ trước mặt trời lặn để họ có cái gì đắp ngủ ban đêm.

Phải yêu thương trợ giúp những hạng người đó. Đối với dân Chúa, đó là bổn phận buộc đến từ Thiên Chúa.

Tin Mừng, trong cùng chủ đề giới luật yêu thương, thuật lại lời đáp của Đức Giêsu trước vấn nạn do nhóm Biệt Phái đặt ra để thử Đức Giêsu: “Trong Sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. Đức Giêsu đã sử dụng hai điều khoản riêng rẻ trong sách luật: “Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA của anh em với cả con tim, bằng cả mạng sống, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5); và “Ngươi phải yêu mến đồng loại như chính mình” (Lv 19,18b); rồi nối kết chúng thành một.

Điều mới mẻ và quan trọng mà Đức Giêsu mang đến là nối kết hai đoạn luật ấy thành MỘT, BẤT KHẢ PHÂN LY; đồng thời nâng giới luật YÊU NGƯỜI lên ngang bằng với luật MẾN CHÚA. Điều răn KÉP này là lớn nhất vì nó hồi phục phẩm giá con người và làm cho dự tính sáng tạo của THIÊN CHÚA được hoàn tất: “CON NGƯỜI LÀ HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA” (St 1,27). Điều răn này còn là lớn nhất vì khi MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI, chúng ta góp phần cùng Chúa hoàn tất công trình sáng tạo và cứu độ của Chúa: “Tất cả Luật Môsê và các ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”.

Bài 2

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi…ngươi phải yêu người thân cận như chính mình ” (22,37.39b).

Trong bốn Chúa Nhật liên tiếp XXVI A – XXIX A, phụng vụ đã sử dụng đoạn văn dài liên tục Mt 21,28 – 22,21 để mô tả cuộc tranh chấp giữa Đức Giêsu và các thủ lãnh Do Thái. Đức Giêsu đã “tấn công” họ bằng ba dụ ngôn như là lời đáp trả nghiêm khắc cho lời chất vấn của họ về “cội nguồn quyền bính của Đức Giêsu”. 

Matthêu trình bày Đức Giêsu vào Giêrusalem như vị “Vua-Mêsia” khải hoàn về lại thủ đô để chỉnh sửa lại các sai lầm mà những kẻ nổi loạn (x.Mt 21,38-39; 22,5-6) tạo ra. Bước đầu, với ba dụ ngôn, thực ra Đức Giêsu muốn giúp họ nhận ra những sai trái đã làm trong quá khứ (x.Mt 21,32) để hối hận, tin và được cứu. Tiếc thay, kết quả lại hết sức tiêu cực: thay vì hoán cải, họ lại kết bè kết đảng bày mưu tính kế để “phản đòn” mưu hại Đức Giêsu. Họ đã gài Đức Giêsu vào những tình huống thật tế nhị rồi đưa ra cho Đức Giêsu ba vấn đề hóc búa mà cho đến lúc đó chưa có lời đáp rõ ràng đối với xã hội lẫn tôn giáo vào thời Đức Giêsu: chuyện nộp thuế cho Xêda (22,15-22); chuyện về kẻ chết sống lại (22,23-33); chuyện về thắc mắc giới răn nào trọng nhất (22,34-40).

Tuần trước, Chúa Nhật XXIX A đã sử dụng trích đoạn nói về chuyện có được phép nộp thuế (thân) cho Xêda hay không? Và để gài bẫy Đức Giêsu, các phe nhóm vốn thù nghịch nhau lại bấm bụng liên minh với nhau hòng dồn Đức Giêsu vào thế bí để kết tội  Người. Còn vấn đề thứ hai về kẻ chết sống lại, phụng vụ năm A không sử dụng (sẽ đọc vào năm C: Lc 20, 27-38 Chúa nhật 32C). Và hôm nay, Chúa Nhật XXX A, phụng vụ năm A đọc chủ đề ba: giới răn trọng nhất.

Tin Mừng Chúa Nhật XXX A được mở đầu bằng một mưu tính của nhóm Pharisêu: Trong Tin Mừng tuần XXIX A, họ đã liên minh với kẻ thù của mình là phe Hêrôđê để gài bẫy Đức Giêsu qua một vấn đề mang tính thời sự xã hội chính trị: vấn đề có được phép nộp thuế cho đế quốc Rôma đang thống trị họ: Rồi sau khi thấy một Nhóm kẻ thù khác của họ (tức Nhóm Xađốc) bị Đức Giêsu “làm câm miệng” trong một chủ đề về tôn giáo mà hai phe không ngừng tranh luận, lẽ ra họ phải vui mừng ủng hộ Người thì – Tin Mừng hôm nay, Chúa Nhật XXX A – họ lại tụ họp kết nhóm lại với nhau để tiếp tục “THỬ” Đức Giêsu.

Với tư cách tự do, phương thức giảng dạy và nhất là với giáo lý mới mẻ giải phóng con người ban ơn làm con Thiên Chúa thì các Pharisêu thấy vị trí “bậc thầy” của họ trên dân về tôn giáo, luật Môsê bị đe dọa, nên họ không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để tìm cách hạ phẩm giá Đức Giêsu.

Lần này họ nêu lên một vấn đề mà từ bao đời nay chính trong nội bộ của Do Thái giáo vẫn không ngừng tranh cãi nhau, chưa bao giờ tìm được câu đáp thỏa đáng, thống nhất: “trong Luật Môsê, giới răn nào trọng nhất?” (22,36). Bởi vì vào thời Đức Giêsu, Do Thái giáo có đến 613 giới luật, trong đó gồm 365 điều cấm và 248 điều phải làm. Thật ra, Luật mà Thiên Chúa ban cho Môsê trên núi Sinai chi có 10 Lời; Nhưng rồi theo dòng cuộc sống, nhiều vấn đề thực tế dần dần nảy sinh và con người không ngừng thích nghi bằng cách đặt thêm bên cạnh 10 lời những qui luật phàm nhân tùy nơi tùy lúc để tạm ổn định cuộc sống trong một giai đoạn lịch sử nào đó; Rồi bộ Luật ngày càng nên phức tạp.

Vấn đề thực sự trở nên rối rắm khi các giáo sĩ Do Thái giáo lại quan niệm rằng tất cả các giới răn, từ nhỏ nhất đến lớn nhất, đều có tầm quan trọng như nhau. Chúng ta có thể gặp các tư tưởng đó trong các sách giải thích Luật của Do Thái giáo (x.Sđd 347):

“CŨNG NHƯ AI lỗi phạm MỌI giới răn là cởi bỏ ách Luật, là đoạn tiêu Giao Ước, và ngang nhiên chống lại Lề Luật, THÌ CŨNG THẾ, AI CHỈ lỗi phạm MỘT giới răn là cởi bỏ ách Luật, là chống lại Lề Luật, và đoạn tiêu Giao Ước” (Mekhilta sur l’Exode 6).

“Ước gì giới răn nhỏ cũng được ngươi yêu mến như giới răn lớn” (Sifré sur le Dt 12,28); “Nếu bắt đầu nghe chút ít, cuối cùng người ta sẽ nghe nhiều…đến nổi giới răn ít quan trọng cũng được ngươi yêu mến như giới răn lớn lao” (ibid 13,19); “Nếu lỗi phạm điều luật: hãy yêu mến tha nhân như chính mình, thì cuối cùng người ta sẽ phạm luật: không được báo thù, không được giận ghét, và đi đến chỗ đổ máu tha nhân” (ibid 19,11)

Trong suốt dòng lịch sử Do Thái, các nhà lãnh đạo tinh thần của dân cũng đã nổ lực đưa ra một số đề nghị như là lời đáp tổng kết các giới răn:

  • Theo Tv 15,2-5, gồm 11 điểm: 1/ Sống vẹn toàn; 2/ Luôn làm điều ngay thẳng; 3/ Bụng nghĩ sao nói vậy; 4/ Miệng lưỡi chẳng vu oan; 5/ Không làm hại người nào; 6/ Chẳng làm ai nhục nhã; 7/ Coi khinh phường gian ác; 8/ Trọng ai kính Chúa Trời; 9/ Lỡ thề mà bị thiệt thì cũng chẳng rút lời; 10/ Cho vay không đặt lãi; 11/ Chẳng nhận quà hối lộ.
  • Theo Is 33,15 gồm sáu điều: 1/ Theo đường chính trực; 2/ Hằng ăn nói thẳng ngay; 3/ Của chiếm đoạt không màng; 4/ Tay xua quà hối lộ; 5/ Lời độc địa bưng tai chẳng thèm nghe; 6/ Việc xấu xa bịt mắt chẳng thèm nhìn.
  • Mi 6,18 tóm lại trong ba điều: 1/ Thực thi công bình; 2/ Qúi yêu nhân nghĩa; 3/ Khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.
  • Am 5,6-7 tóm lại trong hai điều: 1/ Hằng tìm kiếm Yavê; 2/ Đừng biến lẽ phải thành ngải đắng, đừng vứt bỏ công lý xuống đất đen.
  • Kb 2,4 tóm tất cả lại chỉ trong một câu: người công chính sống bằng lòng thành tín.
    Tuy nhiên vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ.

LỜI ĐÁP CỦA ĐỨC GIÊSU

Đối với các vấn nạn khác, trong Tin Mừng Matthêu, Đức Giêsu không trả lời trực tiếp, thường thì Người vặn trả lại bằng một câu hỏi hướng dẫn để đối thủ tự tìm ra lời đáp. Riêng về vấn đề hôm nay, Đức Giêsu trực tiếp trả lời ngay.

Tại sao? Vì điều cốt lõi của vấn đề hôm nay không phải là một sự so sánh hơn thua, lớn bé giữa hai điều khoản lề luật pháp lý; Nhưng đây là một mặc khải thần linh, vượt quá tầm trí tuệ của phàm nhân (x.Mt 16,17); Nó là nền tảng cho tất cả đời sống tôn giáo lẫn luân lý đã được Thiên Chúa tỏ lộ từng bước một qua các ngôn sứ và qua toàn thể Luật Môsê, nghĩa là bao trùm toàn thể mặc khải Kinh Thánh, nói rộng ra là liên quan đến toàn vũ trụ.

Câu đáp của Đức Giêsu chỉ là MỘT, nhưng được diễn đạt ra thành ba nhịp theo tiến trình của một “tam đoạn luận”:

  • Tiên đề: yêu mến ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa ngươi hết lòng…(c.37-38).
  • Phản đề: điều răn thứ hai giống như điều răn ấy: yêu người thân cận như chính mình (c.39).
  • Hợp đề: Tất cả Luật Môsê và các ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy (c.40).
  1. Yêu mến ĐỨC CHÚA…

Điều răn một chính là kinh SHƠMA mà người Do Thái trưởng thành nào đều phải đọc hai lần mỗi ngày: “nghe đây hỡi Israel! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em với cả con tim, bằng cả mạng sống, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5).

Đối với người Do Thái, điều răn một được coi là lớn, quan trọng thì ai ai cũng biết, không có gì phải bàn cãi, vì đó là điều mà họ được Thiên Chúa ưu ái bày tỏ riêng cho họ (x.Đnl 4,32-40), và họ vẫn tâm niệm mỗi ngày, phải lập lại cho con cháu mọi nơi mọi lúc, phải buộc vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, phải viết lên khung cửa nhà anh em và lên cửa thành của anh em (Đnl 6,6-9).

Đây là tình yêu mang tính thần linh vì phát xuất từ xác tín cơ bản của tôn giáo độc thần do đích thân ĐỨC CHÚA mặc khải: “Thiên Chúa chúng ta là ĐỨC CHÚA duy nhất”. Tất cả đều phát xuất từ Thiên Chúa và hướng về cùng đích tối hậu là Thiên Chúa bởi lòng tin.

“…hết lòng, hết linh hồn…” đây là cách diễn tả hùng biện tính cách toàn diện, tron vẹn của tình yêu phải có đối với Thiên Chúa. Không cần thiết phải tìm cách phân tích đâu là những phạm vi tương ứng của “lòng”, “linh hồn”, của “trí khôn”, của “sức lực”. Cách diễn tả “hết…hết…” mang ý nghĩa này: tình yêu phải có tính cách toàn diện, nghĩa là phải động viên tất cả toàn thể con người mình. Thực ra chỉ cần một từ ngữ thôi, như “LÒNG” chẳng hạn cũng đủ để ám chỉ toàn thể con người, các tiếng khác thêm vào thuộc về kiểu nói hùng biện (Sđd 353).

  1. Yêu người thân cận NHƯ CHÍNH MÌNH lẫn yêu con người thật (Đức Giêsu có hai bản tính bất khả phân ly):

Điều răn này cũng đã được ghi trong Cựu Ước, Lv 19,18b. Điều cần soi sáng là “như chính mình”. Cách nói đó không nên hiểu là lấy tình yêu đối với bản thân mình làm chuẩn mực cho tình yêu đối với tha nhân; Nhưng nên hiểu là phải yêu tha nhân với toàn thể con người thật của mình cách trọn vẹn, tôi thế nào thì tôi yêu tha nhân hết tình như thế. Vậy cách nói đó tương đương với cách nói “yêu hết lòng, hết…” ở điều răn thứ nhất. Nghĩa là tôi yêu tha nhân cũng bằng tình yêu mà tôi có đối với Thiên Chúa. Điều đó hoàn toàn phù hợp với dự tính sáng tạo của Thiên Chúa: “con người là hình ảnh của Thiên Chúa”. Rồi khi Đức Giêsu nhập thể thì đó là một sự thật trọn vẹn vì yêu Đức Giêsu là yêu Thiên Chúa thật, lẫn yêu con người thật.

3. Tất cả đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy:

Nếu tách rời hai điều răn trên riêng rẽ nhau thì lời đáp của Đức Giêsu không có gì mới mẻ, chỉ là đặt hai điều kế cận nhau. Trong Đức Giêsu, mến Chúa và yêu người là hai mặt của một đồng tiền bất khả phân ly (x.1Ga 2,9-11; 4,20-21). Vì trong Đức Giêsu, hai bản tính Thiên Chúa và loài người bất khả phân ly.

Vậy nét độc đáo trong câu đáp của Đức Giêsu là Người đã nâng giới luật “yêu người thân cận” lên tầm mức ngang hàng bằng với Luật “yêu mến ĐỨC CHÚA”: “điều răn thứ hai CŨNG GIỐNG điều răn ấy (thứ nhất)”. Qua điều răn kép này, Đức Giêsu mời con người cộng tác với Thiên Chúa hồi phục phẩm giá của con người đã được Thiên Chúa tặng ban khi dựng nên con người là hình ảnh Chúa. Nơi Đức Giêsu tình yêu kép mến Chúa yêu người được biểu hiện rõ nét: vì Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là con người thật, nên khi “tôi” yêu Đức Giêsu thì tôi mến Chúa (yêu thiên tính) yêu người (nhân tính) bằng CÙNG MỘT TÌNH YÊU và khi Đức Giêsu yêu tôi thì thiên tính lẫn nhân tính (bất khả phân ly nơi Người) cùng yêu tôi cũng bằng một tình yêu của “con người – Chúa”.

Phần tín hữu: phải yêu mến Thiên Chúa; Yêu Thiên Chúa thì phải yêu Giêsu; Yêu Giêsu thì phải giữ điều răn của Người (x.Ga 14,23-24); điều răn Người là yêu nhau (tức yêu người) như Đức Giêsu đã yêu chúng ta (x.Ga 13,34).

Frère Pierre Đình Long FSC