CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN C

Kn 1,22 – 12.2 ; Lc 19,1 – 10

            Chủ đề : lòng thương xót của Chúa : tìm thứ tha, cứu vớt những kẻ tội lỗi hư mất.

            * Kn 12,2 : Chúa xót thương hết mọi người… Những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ, Chúa cảnh báo… để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa.

            *Lc 19,9.10 : Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này… Vì Con Người đã đến để tìm và cứu những gì đã mất.

            Lời Chúa của Chúa Nhật XXXI Mùa Thường Niên hướng về chủ để LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ BỜ CỦA THIÊN CHÚA. Lòng thương xót ấy biểu lộ qua công trình sáng tạo và cứu chuộc hồi phục : dù lỗi phạm của loài thọ tạo có lớn lao đến đâu đi nữa, dù hình phạt trước mắt có nặng nề đến đâu đi nữa thì Thiên Chúa vẫn không hủy diệt, trái lại vẫn duy trì tạo vật, duy trì sự sống bằng Tình Yêu tha thứ của Chúa, kiên trì chờ thời điểm con người hối cải. Chúa có thể thương xót vô bờ mà không rơi vào tình trạng ủy trị là vì Thiên Chúa toàn năng, Người làm được mọi sự, vì mọi loài đều là tạo vật của Chúa, đều thuộc về Chúa. Vậy lòng thương xót vô bờ của Chúa là một biểu lộ của lòng trung tín tuyệt đối của Thiên Chúa : Chúa đã trao ban sinh khí bất diệt của Người trong muôn loài muôn vật, thì không vì bất cứ lý do nào mà Người hủy diệt chúng ; Người chỉ tu chỉnh, loại bỏ những sai trái, sửa dạy từ từ để chung cuộc mà Chúa muốn vẫn là sự sống.

Chính lòng thương xót ấy tạo điều kiện thuận lời cho tội nhân có dịp hoán cải, nhận ra sai trái của mình, được đổi mới và được sống. Lòng thương xót của Thiên Chúa không ngồi một chỗ chờ con người hối cải mà CHÚA ĐI BƯỚC TRƯỚC, tìm đến con người tận nơi đáy thẳm, bùn nhơ của họ, để gặp gỡ họ, tạo điều kiện thuận lợi cho con người hoán cải.

Bài đọc 1 là một suy tư khôn ngoan của các hiền nhân được Chúa Thánh Thần soi sáng, đọc được trong các công trình Chúa đã làm trong dòng lịch sử mà nhận ra Tình Yêu thương xót vô bờ của Thiên Chúa :

Bài đọc 1 mở đầu bằng một lời khẳng định về tính cách bọt bèo, chẳng đáng giá gì của toàn thể vũ trụ trong tương quan với Thiên Chúa : “Trước nhan Chúa, toàn thể vũ trụ ví tựa hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất” (Kn 11,22). Ấy vậy mà Thiên Chúa vẫn trân trọng, xót thương tất cả. Lịch sử nhân loại được tác giả đọc dưới một viễn cảnh đầy khích lệ : Chúa cứu những ai ngay lành và trừng phạt kẻ ác ; tuy nhiên chỉ phạt một cách có chừng mực mà thôi, bởi vì Thiên Chúa thương xót, khoan dung, muốn mọi người ăn năn hối cải để được sống. Chúa luôn trung tín với bản chất của Người là “Đấng yêu mến sự sống”, đã dựng nên và bảo tồn sự sống. Trước những tội lỗi tày đình của nhân loại, như trường hợp của Pharaô Ai Cập, muốn giết hết con trai người Do Thái, hủy diệt Dân Chúa (x. Xh 1,16.22), “lẽ ra người Ai Cập có thể bị trừng phạt nặng nề bằng một tai họa hủy diệt, nếu Thiên Chúa muốn. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ hành động độc đoán, ăn miếng trả miếng, mà hành động theo quy luật sự sống là chính Chúa. Sự toàn năng có thể “làm được mọi sự” của Người bảo đảm tình yêu không thiên vị của Người đối với vạn vật. Chính việc sáng tạo là một biểu lộ của tình yêu ấy và loại trừ khả năng Người ghét bỏ bất kỳ loài nào Người đã sáng tạo. Do đó Thiên Chúa nhìn thấy con người đắm chìm trong tội mà xót thương, tha thiết mong chờ họ ăn năn hối cải ; và nếu như Người có phạt thì tiên vàn chỉ là biện pháp răn đe giáo dục mà thôi” (CGKPV “Các Sách Giáo Huấn” 576 a).

Tóm lại, cội nguồn của tình yêu tha thứ, kiên nhẫn của Chúa là vì Chúa toàn năng làm được mọi điều Chúa muốn ; vì Chúa là “Đấng Yêu Sự Sống” ; vì mọi loài đều là của Chúa ; vì khi tạo dựng Chúa đã đặt “sinh khí bất diệt của Người trong muôn loài muôn vật” (Kn 12,1). Như vậy, dù con người có trốn tránh, xa né Thiên Chúa (x. St 3,8) thì sinh khí bất diệt của Thiên Chúa vẫn còn trong con người. “Vì thế, những ai sa ngã Chúa sửa dạy từ từ, Chúa cảnh báo họ, nhắc cho họ biết họ đã phạm tội gì rồi tạo điều kiện (x. St 3,11 ; St 3,15) để họ bỏ điều ác mà tin vào Thiên Chúa” (Kn 12,1 – 2). Cuối cùng, sự sống được hồi phục, nhân loại sẽ phục sinh (x. Mt 55,32), ai tin vào Đức Giêsu sẽ được hưởng trọn vẹn hồng ân làm con Thiên Chúa (x. Ga 1,12).

Trong bài đọc Tin Mừng hôm nay, tình yêu kiên nhẫn chờ hoán cải, tình yêu tha thứ, tình yêu hồi phục, nâng cao đã trở thành một sự thật cụ thể trong câu chuyện Đức Giêsu gặp gỡ ông trùm thu thuế vụ tên là Dakêu. Một cuộc gặp gỡ ĐỔI ĐỜI !

            Từ một con người bị loại trừ, Dakêu đã được Đức Giêsu giúp chỗi dậy, hồi phục quyền được làm “con cái Abraham” và nhất là được hội nhập vào ơn cứu độ của cộng đoàn thiên sai (19,9). Phần Dakêu, từ kẻ thờ tiền, bóc lột tha nhân, đã hoán cải thành người rộng rãi hồi phục lẽ công bình, biết mở lòng chia sẻ với người nghèo (19,8).

            Ban đầu, Dakêu với nhiều mặc cảm : bản thân lùn ; bị xã hội lẫn tôn giáo Israel loại trừ, coi là tội nhân, là tay sai của ngoại bang, phản quốc ; và nhất là thấy mình bất xứng vì Đức Giêsu là vị ngôn sứ lớn và toàn dân đang kỳ vọng vào Người ; nên Dakêu chỉ dám lén lút leo lên một cây cao trộm nhìn Đức Giêsu từ xa. Nhưng thật bất ngờ : lòng thương xót Chúa đã đi bước trước đến chộp bắt ông ; Đức Giêsu ngước mặt lên nhìn ông gọi ông xuống và ngõ lời muốn đến thăm nhà ông.

            Thế là mọi cản trở trong quá khứ, mọi “xầm xì” trong hiện tại đều được Đức Giêsu tháo cởi. Ông vui mừng đón tiếp Đức Giêsu và cuộc đời đổi thay nhanh chóng, tận căn. Ông tự nguyện hoán cải : đền bù gấp bốn cho những ai ông đã gây thiệt hại ; chia nữa gia tài cho kẻ nghèo. Và Đức Giêsu đã công bố lòng thương xót của Thiên Chúa hồi phục ông : “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này, vì người này cũng là con cháu Abraham”.

“Với sứ mạng “đến để tìm và cứu những gì đã mất” và với quyền năng Phục Sinh, Đức Giêsu vẫn tiếp tục tuôn đổ tình yêu tha thứ của Thiên Chúa cho nhân loại hôm nay. Và Đức Giêsu mong đợi mỗi tín hữu phải là một “Đức Kitô nối dài” để lòng thương xót của Thiên Chúa luôn là một thực tại sống động giữa thế giới còn nhiều so đo, thù hận hôm nay. Mỗi tín hữu hãy là máng chuyển lòng thương xót, tình yêu tha thứ của Chúa cho tha nhân, mỗi ngày trong cuộc sống chúng ta.

Frère Pierre Đình Long FSC