Cuối năm 1965, trên một chuyến bay chở các giám mục Mỹ đi họp công đồng Vatican 2 trở về, có một nữ tiếp viên hàng không rất xinh đẹp. Đức cha Fulton Sheen chăm chú nhìn cô, khiến cô bối rối, mất tự nhiên. Đức cha khen cô đẹp và hỏi cô rằng: “Có bao giờ con đã cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho con sắc đẹp tuyệt vời kia chưa?”
Có bao giờ con nghe nói tới trại phung cùi Di Linh ở Việt Nam chưa?”.
[Có tài liệu còn viết: Đức cha hỏi: con có biết Chúa đã lấy sắc đẹp của bao nhiêu bệnh nhân phung cùi để ban cho con không?]
Sau mấy lần gặp gỡ và trao đổi với đức cha, đầu năm 1966 cô đã xin nghỉ làm tiếp viên hàng không để đến trại Phung Di Linh ở Việt Nam, trở thành nữ tu- nữ tu Louise Bannet-, tình nguyện suốt đời chăm sóc các bệnh nhân phung .
Nhưng Sau 30 tháng 4 năm 1975, xơ bị trục xuất về nước. Một thời gian sau, xơ lại xin đi phục vụ bệnh nhân phung ở Tahiti.
Người đời thường nói đôi mắt là cửa sổ linh hồn.
Phải chăng đôi mắt trìu mến và trái tim yêu thương của đức cha Fulton Sheen đã chuyển đổi hoàn toàn cuộc đời của một nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp.
Tin Mừng Luca 19, 1-10, Chúa Nhật 31 Thường Niên Năm C hôm nay, thuật lại việc Chúa Giêsu vào thành Giê-ri-cô, có đông dân chúng theo Người và cũng có một người tên là Gia kêu muốn xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng vì ông quá lùn, nên ông đã chạy lên phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu. Khi Chúa Giêsu tới chỗ ấy thì Người ngước mắt nhìn lên và nói với ông: Này ông Gia-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông. (Lc19,5).
Phải chăng ánh mắt trìu mến và lời nói yêu thương của Chúa Giêsu đã biến đổi một con người giàu có, nhưng vốn được coi là tội lỗi, trở nên công chính, được ơn cứu độ và trở thành con cháu Áp-ra-ham.
Chúa ngước mắt nhìn lên và âu yếm gọi tên Gia kêu trước. Giữa đám đông ồn ào, hỗn độn đó, Chúa vẫn nhận ra ông, dù ông thấp bé. Chúa gọi chính tên ông giữa rừng người đó. Chúa thực sự quan tâm tới ông.
Chúa yêu thương Giakêu như Người Mục Tử tốt lành đi tìm con chiên lạc; như người cha nhân hậu mong đợi đứa con hoang đàng.
Tình thương của Chúa đã cảm hóa Giakêu và biến đổi cuộc đời ông.
Ông Giakêu là người đứng đầu những người thu thuế. Chắc hẳn ông đã nghe nói nhiều về Chúa Giêsu và dĩ nhiên ông cũng biết việc Chúa Giêsu gọi ông Lê Vi, người thu thuế, đồng nghiệp của ông, tức Matthêu làm tông đồ cho Chúa.
Chắc hẳn ông cũng đã đọc Kinh Thánh, và từ đó ông mong muốn và ao ước được gặp gỡ Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu.
Tuy làm nghề thu thuế và giàu có, nhưng có lẽ tâm hồn ông đã sẵn sàng sám hối, thế nên dịp may đến với ông và ông lập tức trở lại. Tâm hồn ông như một thửa ruộng đã cày bừa cẩn thận, đang mong mưa trời và gieo giống, nên khi hạt giống được gieo xuống, nó đón lấy và hạt giống liền nảy mầm. Ông thú lỗi, ông đền trả và rộng tay ban phát, ngay cả trước khi Chúa Giêsu yêu cầu.
Ông dành nửa gia tài cho người nghèo. Luật Do Thái chỉ buộc đền gấp bốn đối với tội trộm chiên (Xh 21,37). Còn luật Roma phải đền gấp 4 với tội ăn trộm có chứng cứ. Nhưng ông đã buộc mình đền gấp 4 cho tất cả những thiệt thòi mà ông đã gây nên. Một sự hoán cải triệt để.
Giakêu đã không chỉ trở lại với Chúa mà còn trở lại với anh em, với những người ông đã làm thiệt hại.
Ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa chứ không phải do ân đức, công lênh gì của con người. Chúa Giêsu đã đi bước trước, Người đã gọi chính tên Gia kêu, trước khi ông ngỏ lời với Người. Chúa đã đi tìm ông, trước khi ông tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai. Chúa muốn ở lại nhà ông, trước khi ông mời Chúa. Như Chúa khẳng định: Vì con người đến để tìm và cứu những gì đã mất. (Lc19,10).
Người Do Thái thời đó coi người thu thuế là người tội lỗi, là người ô uế, vì họ hợp tác với ngoại bang, với đế quốc để bóc lột đồng bào. Họ lỗi phạm với Thiên Chúa và lề luật, vì tham ô, tham nhũng, gian lận.
Người Do Thái khinh thường và xa lánh người và vật, những gì bị coi là ô uế. Thế nên họ xầm xì với nhau: Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ. (Lc 19,7). Nhưng Thiên Chúa yêu thương và gần gũi hết mọi người, kể cả những người tội lỗi, đau yếu, bệnh tật.
Sách Khôn Ngoan dạy rằng: Chúa xót thương hết mọi người. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải. Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra …(Kn 11,23-24).
Thánh Phaolô còn khẳng định: ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội. (Rm 5,20).
Ông Giakêu được ơn cứu độ, vì ông đã thực lòng mau mắn ăn năn sám hối. Ông là gương mẫu cho những ai muốn lãnh nhận ơn tha thứ.
Đọc Hạnh Các Thánh, chúng ta thấy các ngài gặp được Chúa, nhận ra Chúa và bước theo Chúa nên các ngài đã thay đổi cuộc sống và được cứu độ.
Chúng ta phải biết mở mắt đức tin, nhận ra Chúa trong các biến cố cuộc đời, để bước theo Chúa, thì ta mới được ơn cứu độ.
Lạy chúa, xin mở mắt chúng con, để chúng con nhận ra Chúa và chúng con thực thi ý Chúa mà hoán cải đời mình.