CHÚA NHẬT XXXI A THƯỜNG NIÊN

Bài 1

Ml 1,14-2.2b.8-10; Mt 23,1-12

Chủ đề: Cảnh cáo người của Chúa về những sai phạm họ mắc phải, đặc biệt liên quan đến sứ vụ được Chúa trao phó.

* Ml 2,8: các người đã đi trệch đường lối Ta, và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường luật dạy.

* Mt 23,2: những gì các kinh sư và Pharisêu làm, anh em đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.

          Lời Chúa của Chúa Nhật XXXI A là những lời cảnh cáo Thiên Chúa dành cho hàng lãnh đạo Do thái giáo về những sai trái mà họ vi phạm trong những trách vụ mà Chúa đã trao cho họ. Và những sai trái của họ kéo theo sự suy thoái đạo đức của toàn thể dân Chúa. Chắc chắn án phạt của họ sẽ giáng xuống họ. Tuy nhiên điều mà Lời Chúa muốn nhấn mạnh hôm nay là BÀI HỌC NÀO được rút ra cho CHÚNG TA từ các gương tiêu cực đó.

          Theo thói đời, ai cũng muốn có địa vị, được tôn kính, được trọng vọng; Và lắm khi còn tìm đủ mọi cách để có được những thứ đó. Tuy nhiên họ quên mất điều này – ngay cả trong cuộc sống bình thường của xã hội – là quyền bính phải đi đôi với trách nhiệm: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,48). Hơn nữa, trong Nước Trời, đối với những ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu thì mọi sự được Thiên Chúa trao ban là để phục vụ, chứ không để thống trị tha nhân và tìm tư lợi (x.Mt 20,26-28).

          Tiếc thay các thủ lãnh dân Chúa được các bài đọc hôm nay đề cập đến, đặc biệt trong Tin Mừng, đã có những thái độ ngược lại hẳn với đường lối, chỉ thị của Chúa, họ đã lạm dụng quyền bính để vi phạm Giao Ước, lách luật, lừa dân chúng, tích lũy lợi lộc cho mình. Bài học được Lời Chúa rút ra cho các tín hữu từ gương xấu của hàng thủ lãnh là: hãy nghe lời giảng dạy của họ, vì họ ngự trên tòa Môsê, nhưng đừng bắt chước việc làm của họ vì họ nói mà không làm.

          Trong bài đọc một, ngôn sứ Malaki đã nặng lời trách cứ hàng tư tế Lêvi của dân Chúa về bổn phận tế tự mà họ phải cử hành nghiêm túc để tôn vinh Chúa. Thay vì phải tôn vinh Chúa qua việc tế tự thì họ đã làm bàn thờ ra ô uế, đã khinh rẻ Danh Chúa khi họ dâng lên cho Chúa lễ tế là những con vật mù, què, bệnh tật…(Ml 1,8), thậm chí còn dám dâng lên Chúa lễ vật là “những thứ đã ăn cướp” (Ml 1,13), dâng trên bàn thờ Chúa những thức ăn đã ô uế (Ml 1,7). Ấy vậy mà các tư tế vẫn ngoan cố không chịu nhận những sai trái của mình, họ đôi co với Chúa: “Chúng con khinh thường danh Chúa ở chỗ nào?” (Ml 1,6), “chúng con đã làm cho Chúa ra ô uế ở chỗ nào?” (Ml 1,7b). Ngôn sứ Malaki được lệnh Chúa đã nhân danh uy quyền Thiên Chúa tối cao là “ĐỨC VUA CAO CẢ”, là “YAVÊ CÁC ĐẠO BINH” để nặng lời cảnh cáo các tư tế: Nếu không hoán cải tôn vinh Danh Chúa thì tai họa sẽ ụp xuống trên họ. Chính những hồng ân, phúc lành mà Thiên Chúa ban cho riêng tư tế sẽ trở thành tai họa, án phạt cho họ. Lời ngăm đe của Malaki gợi nhắc lại tội lỗi hai đứa con của tư tế Hêli trong thời các thủ lãnh 1Sm 2,12-17 và hậu quả khốc hại: Hòm Bia là vinh quang của dân Chúa, của Lêvi lại bị kẻ thù Philitinh chiếm mất.

          Vậy hãy lo hoán cải về lại với bổn phận đã được Chúa trao ban.

          Trong Tin Mừng, Đức Giêsu trước khi mở lời trách các kinh sư, Pharisêu, thì Người đã cảnh báo đoàn tín hữu phải sáng suốt biện phân đen trắng cho rõ ràng: “các kinh sư và các Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm hãy giữ; Còn các việc họ làm thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm”. Tiếp ngay sau đó, Đức Giêsu kể ra một số lỗi phạm của các kinh sư, Pharisêu:

  • Tội khoe khoang, giả hình: đeo Hộp kinh thật lớn,, may tua áo thật dài.

  • Tội háo danh thích địa vị: ham chỗ nhất, thích được gọi là Rabbi…

  • Tội ham thống trị kẻ khác: chất gánh nặng trên vai kẻ khác…

Tuy nhiên, kể tội không phải là điều Đức Giêsu nhắm tới. Điều Người nhắm tới là bài học cho đoàn môn đệ. Từ các gương xấu của kinh sư, Pharisêu, Đức Giêsu cảnh báo những kẻ tin vào Người coi chừng kẻo rơi vào thái độ vênh vang tự cho mình hoặc tự phong cho nhau là Cha, là thầy kẻ khác. Điều Đức Giêsu muốn và bài đọc một cũng nói đến một phần là tất cả tín hữu phải là anh em con một CHA, là môn đệ của cùng một THẦY duy nhất. Tất cả là anh em.

Chính trong tương quan con của một CHA, môn đệ của một THẦY, kẻ tin mới có hi vọng tránh được những lỗi phạm mà Lời Chúa hôm nay trách các thủ lãnh. Hãy làm mọi sự trong tâm tình của người con hiếu thảo của CHA, của người môn đệ trung tín của Đức Kitô.

Bài 2

Ml 1, 14b-2,2b.8-10
Mt 23, 1-12

Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. Vậy tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những gì họ làm thì chớ làm theo (Mt 23,2-3)…Họ ưa ngồi chỗ danh dự…chiếm hàng ghế đầu…(c.6)…Trong anh em, người làm lớn hơn cả phải làm người phục vụ anh em (c.11).

          Lời Chúa tuần này tiếp tục chủ đề tuần trước đề cập đến các mối tương quan giữa các thành phần dân Chúa trong việc tuân phục và thi hành luật của Chúa. Từ đó, Thiên Chúa xuất hiện dưới dung mạo một vị thẩm phán nghiêm khắc với những lời trách mắng nặng nề dành cho những ai vi phạm luật. Tuần trước, bài đọc 1 là những lời răn đe cảnh cáo những kẻ giàu sang phải biết thương yêu, chia sẻ với những hạng bần hàn, nếu không thì Thiên Chúa sẽ can thiệp trừng trị đích đáng. Tuy nhiên, kết thúc những lời ngăm đe đó lại là một mạc khải rằng Chúa là tình yêu: Chúa làm vậy là vì Chúa nhân từ. Phải hiểu thế nào đây?

          Thật ra những lời ngăm đe bọn giàu sang thất đức cũng như lời an ủi, đỡ nâng những người thua thiệt, bần hàn, tất cả đều là cách thức phù hợp được Thiên Chúa sử dụng để CHỈNH SỬA mọi thành phần dân Chúa hầu từng bước thu ngắn lại dần khoảng cách giữa giàu và nghèo để mọi thành phần dân Chúa đều được sống xứng đáng hơn với phẩm giá là dân của Chúa. Và khi Chúa đã cư xử như thế, dù là cho hạng sang giàu hay nghèo hèn thì đều phát xuất từ tình yêu muốn hồi phục phẩm giá của mọi thành phần dân Chúa: kẻ giàu bỏ dần lối sống kiêu căng, vô cảm, thất đức; Và người nghèo có cơ hội được nâng cao, dần thoát khỏi cảnh bần hàn, mất nhân phẩm.

          Chúa nhật 31A tiếp tục mạc khải dung mạo tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ qua việc kiên trì, công minh sửa dạy dân Chúa. Đối tượng được Chúa nhật 31A đặc biệt nhấn mạnh là hàng thủ lãnh của dân trong tương quan đến các bổn phận mà họ phải có đối với Thiên Chúa và với dân trong khía cạnh thi hành Luật.

Nhìn dưới một góc cạnh khác, đặt trọng tâm vào cách đáp trả, ứng xử của con người thì Chúa nhật 31A đề cập đến mối liên hệ hỗ tương giữa “trách nhiệm” và “quyền bính”. Quyền bính được trao ban là để phục vụ Thiên Chúa và vì lợi ích tha nhân, cộng đoàn theo đúng đường lối Chúa.

Có quyền thì phải có bổn phận và phải chịu trách nhiệm, trả lẽ trước Thiên Chúa và tha nhân. Việc lạm dụng quyền bính để làm điều sai trái, chắc chắn sẽ lãnh nhận hậu quả tương xứng. Một khi có được quyền bính trong tay, nếu không cẩn thận, sẽ dễ rơi vào cơn cám dỗ tìm hưởng thụ cá nhân thay vì phục vụ tha nhân, mưu ích cho cộng đoàn. Thiên Chúa sẽ đòi lại công lý khi “giờ của Chúa” đến.

Nội dung bài đọc 1 và Tin Mừng hôm nay gồm những lời trách cứ nặng nề dành cho các thủ lãnh tôn giáo vì những bất trung, lệnh lạc, lạm dụng của họ trong cương vị lãnh đạo hướng dẫn cộng đoàn. Và sai trái thì đương nhiên là có hậu quả kèm theo tương xứng với tội phạm. Tuy vậy cả hai bài đều kết bằng một mặc khải nói về tương quan phụ tử giữa Thiên Chúa và tín hữu: Chúa là Cha của kẻ tin.

Từ những điều trên, các môn đệ của Đức Giêsu có thể rút ra cho mình sứ điệp: mỗi người hãy lo chu toàn phận vụ của mình đúng theo chức bậc và nhận ra đúng vị trí của mình trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: đừng để ai gọi mình và mình cũng đừng gọi ai trên trái đất này là Cha, là thầy; tất cả đều là anh em (Tin Mừng), là con một cha (b1).

Trong bài đọc 1, Ma-la-khi trách các tư tế đã đi trệch đường khi họ dâng những con vật hư xấu làm lễ tế cho Chúa. Việc làm đó của họ đã khiến nhiều người lảo đảo trên đường giữ Luật Chúa. Hậu quả đương nhiên là án phạt: Chúa sẽ hạ nhục họ trước mặt dân. Bản văn phụng vụ kết ở câu 10: qua lời ngôn sứ trách họ, bản văn mặc khải Thiên Chúa là cha của dân.

Tin Mừng là lời Đức Giêsu cảnh báo dân chúng liên quan đến các kinh sư biệt phái: hãy nghe lời giảng dạy của họ vì họ ngự trên toà Môsê, nhưng đừng bắt chước việc làm của họ vì họ xấu xa; nói mà không làm. Từ đó Đức Giêsu cảnh báo các tính hữu Kitô coi chừng kẻo rơi vào thái độ vênh vang tự cho mình, hoặc phong cho nhau là cha, là thầy kẻ khác. Phải xác tín: tất cả là anh em con cùng một Cha, môn đệ cùng một Thầy duy nhất.

BÀI ĐỌC I: Ml 1, 14b – 2, 2b. 8-10

Sách Ma – la – khi mở đầu bằng lời trần tình của Yavê bày tỏ tình yêu của Người đối với Israel nhằm vực dậy lòng tin của dân vào lời hứa cứu độ bởi vì trước mắt, dân hồi hương vẫn còn nhiều điều đáng thất vọng (xem. CGKPV, Ml 1, 2-5 và nốt “c” và “l”). Đồng thời ngôn sứ cũng phân tích nguyên nhân sâu xa của các bất hạnh là vì tội của tư tế và của dân:

  • Hạch tội các tư tế (1,6-2,9)

  • Tội phạm luật tế tự: dâng lên Thiên Chúa những con vật tàn tật làm lễ tế (1,6-14)

  • Lời cảnh báo kèm lời ngăm đe án phạt (2.1-4)

  • Tội lơ là bất trung trong sứ mạng được giao phó: lẽ ra các tư tế phải làm các điều tốt (2,5-7); thế nhưng họ đã không làm như vậy, họ lại đi lệch đường khiến nhiều người phải chao đảo trên đường giữ Luật Chúa vì gương xấu của họ. Do đó Chúa sẽ hạ nhục họ trước mặt toàn dân (2,8-9)

  • Hạch tội dân về hai tội (2,10-16)

  • Cưới vợ ngoại bang (10-12) – và rẫy vợ (13-16)

Đây là một đơn vị văn chương độc lập với đơn vị trên nói về hôn nhân dưới dạng những câu chất vấn, rồi kể tội. Thế nhưng bản văn phụng vụ đã cắt câu 10 ra khỏi văn mạch của nó và ráp nó vào cuối phần trách các tư tế. Vậy trong văn mạch của bản văn phụng vụ, c.10 đã trở thành lời ngôn sứ trách các tư tế.

Bài 1 là phần trích lời cảnh báo các tư tế và lời ngăm đe án phạt kèm c.10 của phần hạch tội dân.

CẤU TRÚC Ml 1,14b – 2,2b.8-10 và SUY NIỆM

  1. Thiên Chúa tỏ lộ uy DANH (Ml 1,14b)

  • Yavê đạo binh tự giới thiệu danh tước của mình

            “Chính ta là Đức Vua cao cả”

  • Uy quyền Người bao trùm hoàn vũ chứ không chỉ là vua Israel

       “Danh Ta được kính sợ giữa CHƯ DÂN”

   Bản văn mở đầu bằng công thức tự mặc khải vừa diễn tả sự siêu việt của Thiên Chúa, quyền tối thượng của Người trên vũ trụ, và sáng kiến tuyệt đối của Người: “Chính Ta là Đức Vua cao cả”. Thật vậy dân Chúa ngợi khen Người với danh tước này với những ý nghĩa đã nói trên (Tv 47, 3.8; 93,1; 95,3; 96,10; 97,1). Chẳng những thế Israel còn phải có sứ mạng công bố “Yavê là Vua” cả cho toàn chư dân (Tv 96,10)

      “Yavê các đạo binh”: gọi như thế trước tiên là vì Yavê là tổng chỉ huy đạo binh Israel dân Người (Xh 12,41), là chiến sĩ đem lại chiến thắng cho dân (Xh 13,4.5.21; 1Sm 17,45; 2Sm 5,10). Và khi Yavê chiến thắng kẻ thù của dân thì hàm nghĩa là quyền lực tà thần bị khuất phục; từ đó danh “Yavê các đạo binh” mang một ý nghĩa mới: Yavê thật là Thiên Chúa các cơ binh, nghĩa là Thiên Chúa của mọi quyền năng trong vũ trụ, của các đạo binh tinh tú (St 2,1; Is 40,26; Tv 147,4) và của các đạo binh Thiên Thần (Tv 103,20; 148,2); Người sẽ can thiệp để giải cứu con người, vậy Yavê là Thiên Chúa duy nhất an bài mọi quyền năng vũ trụ.

       Chính với uy danh, uy quyền ấy mà Yavê răn đen các tư tế.

  1. Lời ngăm đen nhắm vào hàng tư tế Ml (2, 1-2b.8-9)

(Phần này có cấu trúc của một tam đoạn luận)

  • Lời cảnh báo ngăm đe theo tinh thần Đnl (1-2b)

  • nếu không nghe, không lưu tâm tôn vinh danh Chúa

  • sẽ bị mắc họa: Chúa biến phúc lành thành tai họa

  • Hạch tội: (8)

  • Các ngươi đã đi trệch đường

  • Làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy

  • Đã hủy giao ước với Lêvi.

  • Hậu quả: (9)

  • Án phạt: Chúa sẽ hạ nhục các tư tế trước mặt toàn dân: “Làm ra đáng khinh, làm ra hèn mạt”.

  • Lý do : vì tư tế không tuân giữ đường lối Chúa; không công tâm: nể vì khi áp dụng Luật.

      “Lưu tâm tôn vinh danh Chúa” nghĩa là phải sống đúng ơn gọi của mình để qua cuộc sống của mình Thiên Chúa được kính sợ như trường hợp của PinKhát trong Ds 25, 10-13; đừng làm Chúa ô danh như hai con của Hêli trong 1Sm 2, 12-17. Kết quả là PinKhát được Chúa tôn vinh; còn hai con của Hêli thì bị tử trận và tệ hại hơn nữa Hòm Bia vốn là biểu thị vinh quang của Yavê, là phúc lành cho dân cũng bị đánh mất: quả thật phúc lành đã thành tai họa (1Sm 4, 1b-11), (lưu ý: hai con của Hêli cũng có một người tên PinKhát, còn người kia là Khópni).

      Hạch tội: ở chương 1, tội được đề cập đến là dâng lễ vật bất xứng cho Thiên Chúa, gợi lại gương mù của hai con của Hêli. Qua chương hai, tội được nhắm đến liên quan đến chức năng giáo huấn của các tư tế: lẽ ra tư tế phải dạy lời công chính giúp dân cải tà quy chính; tư tế phải là “Thần sứ” của Thiên Chúa (x. cc 6-7: ăn khớp với chi tiết trong Tin Mừng: biệt phái ngồi trên tòa Môsê, phải nghe lời họ). Thế nhưng các tư tế đã đi trệch đường: lời dạy, cuộc sống của họ đã biến Luật ban sự sống của Yavê thành dịp tội cho dân, làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy, họ không theo đường lối Chúa, không công tâm áp dụng Luật.

      Hậu quả: các tư tế đã hủy bỏ giao ước chúc lành mà Thiên Chúa đã ban cho tổ phụ họ (Ds 25,12). Do đó án phạt là điều không tránh khỏi. Hình phạt cũng được gợi hứng từ án phạt Thiên Chúa tuyên trên hai con của Hêli: “Cả hai sẽ chết trong một ngày, Chúa sẽ cho xuất hiện một tư tế trung kiên để phục vụ Chúa, sẽ hành động theo lòng Chúa và ý muốn của Chúa” (1Sm 2,34-36). Nghĩa là chức tư tế được dâng lễ vật cho Thiên Chúa sẽ bị cất đi khỏi họ, và được trao cho một người khác. Trong quá  khứ, người được giao trọng trách đó là Samuel; trong tương lai và cho tới muôn đời đó là Đức Giêsu.

  1. Trong tiếc nuối, ngôn sứ than trách các tư tế (Ml 2,10)

* Chất vấn: Tất cả chẳng phải đều có Thiên Chúa là Cha, là tạo hóa sao?

* Than trách: Vậy tại sao phản bội nhau mà vi phạm giao ước?

      Thật ra câu 10 thuộc một văn mạch khác: Lời ngôn sứ trách DÂN về hai tội. Đó là cưới dân ngoại bang (cc. 10-12); và rẫy vợ (13-16). Riêng câu 10, tội danh được nhấn mạnh là bội phản dẫn tới vi phạm giao ước: Đó là bội phản nhau, bội phản cộng đồng; rồi sau đó khai triển thêm là bội phản Yavê (cc. 11 và 26), bội phản vợ (14.15).

      Tuy nhiên khi tách câu 10 ra khỏi văn mạch của nó và gắn nó vào văn mạch của đoạn trên là lời trách các tư tế, chắc là bản văn phụng vụ muốn biến câu 10 thành một lời trách móc các tư tế. Xin chọn hiểu theo cách của phụng vụ.

      Đổi cung giọng: “Chúng ta” thay vì “các ngươi”. Ngôn sứ (đặt mình liên kết với dân; và theo phụng vụ với các “tư tế”) mời gọi đối tượng nhớ lại nền tảng của Giao Ước, nhớ lại điều đã liên kết dân, tư tế, ngôn sứ…lại với nhau: đó chính là Thiên Chúa, Người vừa là Tạo Hóa, vừa- nhất là- là Cha. Chính tình Cha của Thiên Chúa xác định những mối liên hệ đã hiệp nhất Yavê với dân Người trong khung cảnh giao ước. Vậy tại sao lại vi phạm giao ước? Đó là bội phản! Lời trách hàm ý mời trở về với giao ước và sống tình con thảo với Thiên Chúa.

  1. Tóm kết:

      Trong tư cách là Vua Vũ Hoàn, uy danh được muôn dân kính sợ, YAVÊ đã lên tiếng cảnh cáo các tư tế hãy lưu tâm tôn vinh danh Chúa qua việc nghe lệnh Chúa mà thực thi cho tốt các bổn phận tư tế của mình: đó là các bổn phận về tế tự, giảng dạy và điều khiển hướng dẫn dân Chúa sống theo luật giao ước (thời lưu đày và hậu lưu đày chính các tư tế lãnh đạo dân); Nếu không thì án phạt của Thiên Chúa là điều không thể tránh khỏi. Chính những phúc lành Chúa trao ban khi giao cho sứ vụ sẽ trở thành tai họa cho kẻ bất trung.

          Phần thứ hai của sứ điệp (c.10) là lời ngôn sứ – trong tư cách là người ở trong hàng ngũ được Chúa chọn – nhắc nhở các tư tế hãy nhớ lại nền tảng của giao ước là tình cha của Thiên Chúa để rồi sống hài hoà tốt đẹp với nhau, với mọi người và hiếu thảo với Chúa, trong mọi lành vực của cuộc sống.

Những gì cảnh cáo các tư tế cũng là một cảnh cáo nghiêm khắc cho chúng ta: là Kitô hữu, là thừa tác viên được Chúa chọn, mỗi người hãy nghiêm túc thực thi chức vụ được trao phó cho mình, trong tư cách là con của Chúa.

TIN MỪNG: Mt 23, 1-12

Đức Giêsu tiếp tục sứ vụ tại Giêrusalem. Đây là vài hoạt động công khai cuối cùng của Người (ch 23). Sau đó là Đức Giêsu rút lui dạy riêng cho các môn đệ: bài giảng về thời cánh chung (ch 24.25). Kết thúc là Thương Khó và Phục Sinh (26-28).

Từ Mt 21, 1-11, Đức Giêsu đã vào Giêrusalem như vị Vua- Mêsia hồi trào để chỉnh đốn lại kỷ cương của Thủ đô cách toàn diện: từ Đền thờ đến Dân Chúa, lẫn các thủ lãnh. Trong phụng vụ Lời Chúa, từ Chúa Nhật 26A đến 30A, các bài đọc Tin Mừng đã trình bày cho chúng ta những nỗ lực đổi mới đó của Đức Giêsu nhắm vào các đối tượng là các thủ lãnh. Hôm nay đối tượng canh tân được Người nhắm tới là ĐÁM ĐÔNG (tức là thành phần bình thường, đại đa số của Dân cũ) và cá MÔN ĐỆ (thành phần tiên khởi của Dân mới đang bắt đầu được Đức Giêsu quy tụ lại (x. Mt 23,1).

Đức Giêsu muốn truyền đạt đến mọi người, đám đông cũng như môn đệ có được một tinh thần, một quan điểm, một lối sống theo đường hướng mới mẻ mà Người mang tới. Điều chính được Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh là thái độ phải có của người môn đệ của Chúa đối với nhau và đối với mọi người trong tương quan với các giá trị nhân bản, xã hội: quyền bính, danh vọng và tinh thần phục vụ.

Tất cả mọi người phải được hướng dẫn bằng một chuẩn mực đức tin được nối kết bằng một mối dây tương quan thần linh: tất cả anh em là môn đệ của cùng một Thầy, là con của cùng một Cha, là đoàn dân duy nhất của vị Thủ Lãnh duy nhất là Đức Kitô.

Đoạn văn chúng ta đang suy niệm gồm hai phần đối xứng nhau:

– Phần 1: từ câu 2 đến câu 7, Đức Giêsu lấy cung cách ứng xử hằng ngày của các kinh sư và Pharisêu để làm bài học dạy dỗ môn đệ. Chủ từ chính trong phần này là “Họ” tức các kinh sư, pharisêu.

– Phần 2: từ câu 8 đến 12, Đức Giêsu dạy trực tiếp các môn đệ cung cách ứng xử với nhau và với mọi người qua một loạt những lệnh “ĐỪNG”. Chủ từ chính là “ANH EM”.

CẤU TRÚC Mt 23, 1-12 và SUY NIỆM

  1. Lời cuối cho dân: tương quan phải có đối với kinh sư biệt phái (Mt 23, 1-7)

    • Trong tương quan với điều họ dạy (2-3a)

  • Hãy làm, giữ những điều họ nói (3a)

  • Vì họ ngồi trên tòa Môsê mà giảng dạy (2)

    • Trong tương quan với lối sống của họ (3b)

  • Đừng làm theo việc họ làm

  • Vì họ nói mà không làm

    • Vạch mặt biệt phái

  • Giả hình, bịp bợm: “họ bó những gánh nặng, họ lại không buồn động ngón tay vào (4)

  • Khoe khoang “… đeo hộp kinh… mang tua áo…” (c.5)

  • Háo danh: “ưa ngồi chỗ nhất… ngồi ghế đầu… được chào hỏi… được gọi là rabbi” (c.6,7)

“Ngồi trên tòa Môsê”: Vào thời Đức Giêsu, biệt phái vẫn xem Môsê là vị tôn sư mẫu mực và họ hãnh diện được làm môn đệ của ông (x.Ga 9,28). “Ngồi trên tòa Môsê ám chỉ chức vụ giảng sư, người được thừa kế trong việc thực thi một huấn quyền tôn giáo chính thức trong Israel. Cách nói diễn tả sự kế thừa liên tục trong vai trò chức vụ của Môsê. Vậy những ai ngồi trên tòa Môsê là những người có nhiệm vụ bảo vệ và hiện tại hóa Luật Môsê.

“Hãy làm, giữ điều họ nói”: qua lời này Đức Giêsu dạy tín hữu cần biết biện phân phải trái cho minh bạch: đừng viện cớ các biệt phái có những sai lầm, tiêu cực để rồi quên đi bổn phận phải sống Luật Thiên Chúa trong hiện tại, bỏ ngoài tai lời dạy dỗ của huấn quyền Do Thái mà kinh sư, biệt phái là người kế thừa chính thức. Tín hữu phải trung thành giữ Luật, vì Luật đến từ Thiên Chúa, còn những kẻ có quyền lạm dụng Luật thì hãy trao cho Thiên Chúa xét xử.

“Họ bó những gánh nặng… còn họ, không MUỐN động ngón tay vào”: Mười Lời của Thiên Chúa ở Sinai đã bị biến hóa thành 613 điều khoản cào bằng như nhau và tùy trường hợp còn có thêm những giải thích, ứng dụng, thích nghi. Đúng là những gánh nặng. Và nặng hơn nữa nếu áp dụng sát mặt chữ: kẻ dốt không thông Luật bị ép buộc è vai gánh; còn kẻ thông Luật sẽ bị cơn cám dỗ tìm cách lách Luật. Vì vậy, điều Đức Giêsu khiển trách ở đây không phải là việc giữ Luật (dù tỉ mỉ, nghiêm khắc), nhưng là tính giả hình của biệt phái: họ “BÓ” nghĩa là bày ra rồi buộc kẻ khác giữ, còn họ “KHÔNG MUỐN” nghĩa là cố ý không tuân giữ, những qua mặt kẻ khác bằng những lối lách Luật tinh vi (x.Mt 15, 1-8 và nhất là 23, 13-36): Với những gánh nặng mà họ chất lên vai kẻ khác, còn chính họ lại không đụng tay vào, điều ấy làm dân “lảo đảo trên đường Luật dạy” (bài 1). Họ chính là những thủ lãnh xấu từng bị các ngôn sứ bao đời trách mắng và nay chính Đức Giêsu lột mặt nạ.

Chữ GÁNH gợi lên hình ảnh một tên nô lệ bị đè bẹp dưới sức nặng của một đồ vật mà người ta đã BÓ CỘT kỹ trên vai y, nhưng lại không giúp y vác lấy, KHÔNG MUỐN ĐỘNG NGÓN TAY VÀO vừa là không thực thi, vừa ám chỉ không nâng đỡ giúp kẻ khác khi họ quỵ ngã, dù chỉ là động vào bằng chỉ MỘT NGÓN TAY. Đó là điều Chúa trách.

KHOE KHOANG: “Hộp Kinh”, “tua áo” là những phương thế giúp dân Chúa nhớ Lời Chúa và thi hành, đã bị họ lợi dụng biến thành dụng cụ để khoa khoang, còn nội dung Lời Chúa thì họ đã “không muốn động ngón tay vào”. Căn cứ vào Xh 13, 9-16; 11,18.

HỘP KINH là những hộp nhỏ xíu trong đó người ta đựng những lời trọng yếu của Luật, rồi cột vào tay và trán để nhớ.

TUA ÁO, theo Ds 15,18 là một băng vải màu đỏ được đính thêm vào gấu áo để nhắc người Do Thái ý thức mình thuộc về cộng đoàn linh thánh của dân Chúa, đồng thời nhắc họ nhớ tới mệnh lệnh Chúa và thi hành. Khi “mở rộng hộp kinh, mang dài tua áo”, các biệt phái đã đánh mất cái hồn của lệnh truyền là nhắc giữ Luật Chúa, để chỉ giữ lại cái hình thức nhằm khoe khoang lừa bịp thiên hạ, biến một lệnh đầy sức sống của Thiên Chúa thành một tập tục vô hồn và nặng nề do con người bịa ra.

Chỗ nhất trong Hội đường là những chỗ ngồi quay lưng lại với tráp Lề Luật và quay mặt về phía dân chúng: những vị trí dành cho các chủ tọa một buổi họp cộng đồng. Cùng với các thái độ “ưa cỗ nhất”, “thích được bái chào ở công trường”, “thích được gọi là rabbi”, việc “ngồi chỗ nhất” nói lên tính háo danh, tự cho mình là có thế giá hơn kẻ khác về mặt tôn giáo, Luật, để rồi tự tung tự tác “bó” những gánh nặng đặt trên vai người ta, còn mình thì không đụng ngón tay vào.

  1. Bài học cho đoàn môn đệ (Mt 23, 8-12):

2.1 Điều phải tránh: 3 lệnh “ĐỪNG”: (8-10)

  • Đừng để ai gọi mình là rabbi

Lý do: Vì chỉ có một Thầy, còn tất cả là anh em (8)

  • Đừng gọi ai dưới đất là cha

Lý do: Anh em chỉ có một Cha trên trời (9)

  • Đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo

Lý do: Anh em chỉ có một vị chỉ đạo là Đấng Ki-tô (10)

2.2 Điều phải làm: Tinh thần phục vụ (11)

  • Người làm lớn hơn cả phải là người phục vụ: chuẩn mực cộng đoàn thiên sai.

2.3 Kết quả mang tính cánh chung của phục vụ (12)

  • “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống…”

Đối xứng là với 3 thái độ kiêu căng của biệt phái (x. 1.3) là 3 lệnh truyền dạy đoàn môn đệ phải sống đơn sơ, đúng vị trí tương quan của mình đối với Thiên Chúa và mọi người. Các danh xưng “Cha”, “Thầy”, “người chỉ đạo” không ám chỉ các tương quan nhân loại gia đình, xã hội, cơ cấu phẩm trật. Những thể chế này, Thiên Chúa đã trao cho con người làm chủ chúng, Người sẽ không tùy tiện can thiệp sửa đổi. Nhưng cách nói “đừng để ai gọi mình” trong ngôn ngữ Sêmít, tương đương với động từ “LÀ”, hàm ý tự xưng, tự phong. Vậy đừng khao khát tự phong mình là “Thầy” , là “người chỉ đạo” nghĩa là muốn điều khiển, thống trị kẻ khác, lấy mình làm chuẩn mực đạo lý cho kẻ khác. Còn “đừng gọi là cha” hàm ý không ai ở thế này là cội nguồn, là Đấng sáng lập, khai sinh ra cộng đoàn mình. Những lời ấy được kèm theo lý do “vì anh em chỉ có MỘT Thầy, Cha, người chỉ đạo” là Thiên Chúa, là Đấng Kitô. Vậy qua 3 “đừng”, Đức Giêsu dạy môn đệ đừng tiếm quyền, tước hiệu của Thiên Chúa, đừng đòi lấy mình làm chuẩn mực, cội nguồn. Hãy sống đúng cương vị: tất cả là anh em, con cùng một Cha, môn đệ của Thầy Giêsu, được Thầy làm người chỉ đạo. ( Chú giải PA Chúa Nhật A MTN trang 365)

        Trong cộng đoàn thiên sai, chuẩn mực để đánh giá là tinh thần phục vụ. Người được trao quyền bính là để phục vụ, quên mình vì lợi ích của tha nhân.

          Chính trong chuẩn mực phụng vụ này mà những kẻ tự đưa mình lên – tức những kẻ chỉ tìm tư lợi – sẽ bị hạ nhục: còn những ai hạ mình xuống – hàm ý để phục vụ anh em – sẽ được nâng lên. Tuy nhiên tình trạng này chỉ hoàn tất vào ngày cánh chung.

  1. TÓM KẾT  :

      Sứ điệp Tin Mừng hôm nay nhắm thẳng vào các môn đệ. Trong phần đầu của đoạn Tin Mừng, ta có cảm giác đối tượng là các biệt phái, nhưng thực ra Đức Giêsu đang ngỏ lời cùng các môn đệ (c.1): Những gì Người trách các biệt phái chính là những điều Người muốn môn đệ phải tránh. Chung quy là họ nói mà không làm: còn những gì họ làm đều là giả hình, khoe khoang, mưu lợi cho bản thân họ, chứ không làm vì tinh thần Luật. Từ đó Đức Giêsu khuyến cáo các môn đệ đừng bắt chước lối sống của họ, nhưng phải nghe lời họ dạy để giữ tinh thần Luật. Rồi Đức Giêsu cảnh cáo tín hữu đừng đi vào vết xe cũ của biệt phái qua 3 lời khuyên với ý chính là đừng tiếm đoạt vị trí của Thiên Chúa qua việc tự phong cho mình những danh tước vốn là của Thiên Chúa trong tương quan với dân Người  : “Cha”, “Thầy”, “người chỉ đạo”. Tất cả hãy sống với nhau như anh em, con một Cha, đệ tử một Thầy.

Kiến thức bổ sung  (x.Sdd trang 364):

“Rabbi”: hạn từ Hy Bá Rab (lớn), vào thời Chúa Giêsu, có nghĩa là “chúa”; người ta thường thêm một tiếp vị ngữ của ngôi thứ nhất: Rabbi (“chúa tôi”). Với thói quen, tiếp vị ngữ này dần dần mất ý nghĩa. Hình như vào hậu bán thế kỷ I, lúc Mattheu biên soạn Tin Mừng của ông, tiếng “rabbi” này được dùng để chỉ một chức vụ (tương đương với chức “tiến sĩ”) và, trong nghĩa đó, dùng để gọi các thầy dạy tôn giáo và các chuyên viên lừng danh nhất về Luật.

Frère Pierre Đình Long FSC