Bài 1
Kn 6, 12-16; Mt 25, 1-13
Chủ đề: Hãy tìm kiếm Thiên Chúa và chuẩn bị sẵn sàng để kịp nghênh đón Người khi Người đến. Đó là sự khôn ngoan đích thực.
* Kn 6,12b: ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan thì Đức Khôn Ngoan cho gặp
* Mt 25,4.6: các cô khôn vừa mang đèn, vừa mang chai dầu theo. Nửa đêm có tiếng hô to: “Chú Rể kia rồi, ra đón đi!”.
Nhìn về mặt từ ngữ, ta dễ dàng nhận ra rằng Lời Chúa của Chúa Nhật XXXII A, đặc biệt trong bài đọc một, nói trực tiếp đến chủ đề KHÔN NGOAN. Tuy nhiên, thế nào là khôn ngoan?, thì đây là một vấn đề phức tạp: Với xã hội đảo điên, lừa dối như xã hội hôm nay thì lắm phen kẻ ranh ma, bọn tráo trở, trân tráo, giỏi lọc lừa kẻ khác, thì lại được nhiều người khen là khôn (?).
Trong đời sống thường nhật, có một số không ít bậc cha mẹ dạy con nói dối, lọc lừa để được việc trước mắt cho bản thân, bè nhóm của mình bất chấp công bình, đạo lý. Đứa con nào chân chất cứ nói sự thật sẽ bị mắng là “đồ ngu”, “khờ”; Đứa nào ranh mãnh dối trá lại được khen là “khôn lanh”.
Trong vài phút suy tư, chúng ta chỉ giới hạn tầm nhìn vào những gì được Lời Chúa ghi trong hai bài đọc: một và Tin Mừng.
Bài đọc một trình bày đức khôn ngoan không là một đức tính nhân bản mà con người có thể có được nhờ khổ công tập luyện; Ở đây KHÔN NGOAN được trình bày như một NGÔI VỊ: ĐỨC KHÔN NGOAN (với chữ ĐỨC là ám chỉ một ĐẤNG hàm ý là một ngôi vị (Từ điển Công Giáo “Đức Khôn Ngoan”); Và Đức Khôn Ngoan cũng được trình bày như một chủ thể sống động có tương quan giữa hai chiều, liên chủ thể với con người: luôn ở tư thế sẵn sàng để đáp trả lại những nguyện vọng, khát khao của con người: “Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai khao khát Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết” (câu 12-13).
Táo bạo hơn nữa, câu 12 dám nói bản chất của Đức Khôn Ngoan là ÁNH SÁNG và là ÁNH SÁNG VĨNH CỬU: “Đức Khôn Ngoan sáng chói và không hề tàn tạ”. Mà trong Kinh Thánh, “Ánh Sáng Vĩnh Cửu” được đồng hóa với chính Thiên Chúa (Kb 3,4; Is 60,1.19b.20b; 1Ga 1,5). Tuy nhiên với quan niệm độc thần thời Cựu Ước, người ta chưa dám đồng hóa Đức Khôn Ngoan với chính Thiên Chúa mà chỉ dám nói “Đức Khôn Ngoan phản chiếu Ánh Sáng Vĩnh Cửu” (Kn 7,26); Mạnh mẽ hơn nữa Cn 8,22-31 trình bày Đức Khôn Ngoan hiện diện cùng với Thiên Chúa trước khi vũ trụ được tạo thành và là cộng tác viên của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo vũ trụ.
Bài đọc một còn cho thấy rằng không chỉ đáp trả lại những khát vọng của con người, Đức Khôn Ngoan còn đi bước trước đến đón chờ, gặp gỡ con người trên mọi nẻo đường nhân sinh: Đức Khôn Ngoan “ngồi ngay trước cửa nhà” những ai tìm kiếm nên họ không phải vất vả, lo âu tìm gặp Đức Khôn Ngoan; “Đức Khôn Ngoan rảo quanh tìm kiếm trên các nẻo đường họ đi” nên họ chỉ vừa suy nghĩ tới là gặp ngay được Đức Khôn Ngoan.
Tất cả những trình bày trên là để chuẩn bị cho mặc khải trọn vẹn trong Tân Ước: Đức Giêsu chính là Đức Khôn Ngoan đích thực của Thiên Chúa (1Cr 1,24-30; Cl 2,3). Thật vậy, với mầu nhiệm phục sinh, Đức Giêsu hiện diện giúp ta mọi ngày cho đến tận thế trong tư cách là Thiên Chúa, sẵn sàng gặp gỡ, đáp trả mọi khát vọng cứu độ của chúng ta.
Tin Mừng là một trong loạt các dụ ngôn được Đức Giêsu dùng minh họa cho các môn đệ ý thức thế nào là tỉnh thức hầu luôn ở trong tình trạng chủ động cho dù ngày Quang Lâm có đến bất ngờ. Tin Mừng XXXII A thuật lại dụ ngôn mười trinh nữ đi đón chàng rể vào ban đêm. Tất cả đều chuẩn bị dầu đèn đầy đủ. Tuy nhiên có năm cô lại cẩn thận mang thêm chai dầu dự phòng và được Tin Mừng gọi là năm cô KHÔN. Nếu chàng rể đến đúng giờ, thì chắc là năm cô này có thể bị coi là vô duyên, rỗi hơi. Thế nhưng chàng rể đến muộn. Mười cô đều ngủ. Đèn vẫn cháy sáng. Và rồi khi chàng rể đến, các cô tỉnh giấc, ĐÈN TẮT, HẾT DẦU. Năm cô khôn, dầu có sẵn tiếp tục đón chàng rể; năm cô dại bị loại ra ngoài.
Như vậy KHÔN là biết chuẩn bị từ xa, không có lối sống đối phó, đợi “nước tới chân mới nhảy”. Nét phân biệt KHÔN/DẠI là bình dầu dự phòng; Bình dầu này phải được chuẩn bị từ xa, trước khi đi đón chàng rể. Cuộc sống mỗi ngày của chúng ta trong hiện tại chính là thời điểm ta tích lũy bình dầu dự phòng. Nếu ta sống được như thế thì dù chàng rể đến lúc nào thì ta cũng đã ở trong tư thế sẵn sàng để thắp sáng ngọn đèn của mình với dầu của mình và cung nghinh chàng rể.
Bài 2
Kn 6,12- 16
Mt 25, 1-15
Nước Trời sẽ giống như chuyện mười cô trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể (Mt 25, 1b)…Năm cô dại mang đèn mà không mang dầu theo; Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo (c 3-4)…Nửa đêm…thì chú rể đến, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới (c 10).
Lời Chúa hôm nay mời tín hữu suy niệm về chủ đề Đức Khôn Ngoan. Khôn Ngoan là ân huệ thần linh được Thiên Chúa thông ban cho nhân loại ngay khi tạo dựng nên loài người, Adam. Đó là ơn biện phân phải trái, biết chọn lựa để gìn giữ mình luôn ở trong tình trạng ân sủng Chúa đã được Thiên Chúa trao ban: ơn tinh tuyền, được Chúa dựng nên hoàn toàn trong sạch là “hình ảnh Thiên Chúa” (St 1); ơn được thông hiệp vào sự sống thần linh, chung hưởng hạnh phúc với Chúa trong Vườn Địa Đàng (St 2). Ơn thiêng đó được Sách Sáng Thế diễn tả bằng một LỆNH TRUYỀN THẦN LINH phận định rõ ràng rạch giới giữa Thiên Chúa và thọ tạo mà con người không thể vượt qua, bằng không sẽ phải chịu những hậu quả đáng tiếc: “…trái của cây cho biết điều thiện ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn thì chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,17).
Vậy theo Kinh Thánh, khôn Ngoan là ơn ban cho con người một tâm hồn có khả năng phân biệt điều thiện với điều ác (1V 3,9). Sự khôn Ngoan thật đến từ Thiên Chúa. Nó bắt nguồn trong Lời của Thiên Chúa và trong Lề Luật. sự kính sợ Thiên Chúa là nguyên lý và sự đăng quang của Nó (Cn 9,10; Hc 1, 14-18; 19,20). Đó là một trong 7 ơn Chúa Thánh Thần; Nó giúp con người có khả năng hưởng nếm được những thực tại của Thiên Chúa và phán đoán cách cư xử của con người và phán đoán tất cả mọi thực tại của cuộc sống từ một nhận thức về Thiên Chúa không thuần tuý trí tuệ mà thực nghiệm và thâm sâu, có căn bản là lòng kính sợ Yavê (x. Is 11,2-3) (x. “từ điển đức tin Kitô giáo” Pháp- Việt. “Sage”= “khôn ngoan”).
Vậy ơn khôn Ngoan không là một năng lực hiểu biết thuần lý mà là một ân huệ thần linh tác động lên toàn bộ con người giúp con người biện phân nhận ra được ý Chúa trong mọi tình huống của cuộc sống mình, rồi nhất quyết tuân hành, thực thi cho kỳ được. Tiếc thay, con người đã làm biến chất ơn đó khi sa ngã nghe theo lời Con Rắn, không tuân theo lệnh Chúa, muốn tự mình làm chuẩn mực cho sự khôn ngoan theo ý riêng mình, không cần Thiên Chúa. Hậu quả là con người đã bẽ mặt, đưa tới xấu hổ sợ hãi lẩn tránh Thiên Chúa. Thái độ dại dột ấy kéo theo mọi đổ vỡ trong mọi mối tương giao giữa con người với nhau và với các tạo vật khác. Con người ngày càng đắm chìm trong mê muội, trong khôn ngoan ảo tưởng, phù du do trí khôn đã sa đoạ tưởng tượng ra. Và lầm tưởng rằng các ảo ảnh đó là hạnh phúc. Điều đó có nguy cơ đưa con người đến chỗ diệt vong. Kinh Thánh đã cho thấy thực tại đáng sợ ấy: “Con người chỉ toan tính những việc xấu xa” (St 6, 5) và suýt bị tiêu diệt tận căn.
May thay tình yêu, quyền năng, sự sống của Thiên Chúa vượt trên mọi mưu mô, hận thù của ma quỷ, vượt hơn sự dại khờ, phá hoại do tội con người gây ra, nên tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đã có kế hoạch hồi phục nhân loại và công cuộc tạo thành của Chúa mà chóp đỉnh là ban lại cho con người ơn khôn ngoan; và còn hơn thế nữa, khôn ngoan không chỉ là nhân đức mà còn là một ngôi vị thần linh đến trần gian mời gọi, đồng hành, chở che, dẫn đưa con người và công cuộc tạo thành đến cùng đích Thiên Chúa mong muốn. Đức Khôn Ngoan ấy chính là Thần Khí của Thiên Chúa (Kn 9, 17). “Vì thế đón tiếp sự khôn ngoan và vâng phục Thần Khí, cả hai chỉ là một” (ĐNTHTK “Khôn ngoan” III,3). Mặc khải về Đức Khôn Ngoan tiến đến chóp đỉnh khi Đức Khôn Ngoan trở nên một con người cư ngụ giữa chúng ta: Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Người là sự khôn ngoan đích thực của Thiên Chúa (1Cr 1, 24.30). Sự Khôn Ngoan này thật là một ngôi vị Thần Linh đến với con người trên mặt đất, trong thân phận một con người giống chúng ta mọi đàng. Chính Người là Ngôi Lời đã ở bên Thiên Chúa từ nguyên thuỷ và đã cộng tác với Thiên Chúa trong việc sáng tạo vũ trụ (Cn 8, 22-26; Ga 1, 1-10) (x. CGKPV “các sách Giáo Huấn” trang 399 nốt “u”).
Mặc khải đó đã giúp đưa con người về lại cội nguồn thần linh của Đức Khôn Ngoan và nhờ đó ý thức được rằng con đường nào, phương thức nào con người phải theo để có được Đức Khôn Ngoan đích thực, cũng như để hưởng được hạnh phúc thật và bền vững do Đức Khôn Ngoan mang lại.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, cả hai bài đọc đều đề cập tới vấn đề khôn ngoan: cội nguồn thần linh của đức Khôn Ngoan, tương quan giữa con người và Đức Khôn Ngoan (ĐKN); thế nào là người khôn ngoan trong tương quan với ơn cứu độ.
Bài đọc một nhân cách hóa, trình bày Đức Khôn Ngoan như một ngôi vị và nhấn mạnh đến tương quan hai chiều giữa Đức Khôn Ngoan và con người: Ai mến chuộng, tìm kiếm, khao khát Đức Khôn Ngoan thì sẽ được cho gặp; Phần mình để giúp con người có thể dễ dàng gặp gỡ được Đức Khôn Ngoan, Đức Khôn Ngoan cũng đi bước trước tạo mọi điều kiện thuận lợi như: đi bước trước tỏ mình, “ngồi ngay trước cửa nhà”…chỉ cần mở cửa là có thể gặp gỡ Đức Khôn Ngoan. Hoa trái của sự gặp gỡ này là kẻ tìm kiếm sẽ được “sự minh mẫn toàn hảo”, “sẽ mau trút được mọi lo âu” và nhất là được Đức Khôn Ngoan ở cùng mỗi khi kẻ ấy suy tưởng.
Trong Tin Mừng, Đức Khôn Ngoan hiện thân nơi chàng rể; Còn phía con người được biểu tượng nơi mười cô trinh nữ, gồm năm cô khôn ngoan và năm cô dại. Chỉ có các cô khôn mới gặp được chàng rể. Bản văn nhấn mạnh hơn khía cạnh thế nào là Khôn Ngoan. Năm cô Khôn Ngoan được mô tả là những người tỉnh thức, nghĩa là dầu đèn chuẩn bị sẵn sàng lại thêm bình dầu dự phòng nữa. Do đó khi sự cố bất ngờ xảy ra, chàng rể đến muộn, các cô vẫn đèn sáng trong tay đủ đầu ra đón chàng. Vậy Khôn Ngoan là chuẩn bị, dự phòng sao cho khi càng rể đến bất kỳ lúc nào, ta đều ở trong tình trạng sẵn sàng đèn chóng thắp sáng ra nghênh đón. Hoa trái của thái độ khôn ngoan ấy là được gặp chàng rể, được vào dự tiệc cưới chung cuộc.
BÀI ĐỌC 1: Kn 6, 12-16
Sách khôn Ngoan được chia làm ba phần (theo CGKPV)
-
Chương 1-5 trình bày vai trò Đức Khôn Ngoan trong vận mệnh của con người và so sánh số phận của những người công chính với những kẻ vô đạo, ở đời này và sau khi chết.
Mặc khải đó đã giúp đưa con người về lại cội nguồn thần linh của Đức Khôn Ngoan và nhờ đó ý thức được rằng con đường nào, phương thức nào con người phải theo để có được Đức Khôn Ngoan đích thực cũng như hưởng được hạnh phúc thật và bền vững do Đức Khôn Ngoan mang lại.
-
Chương 6-9 trình bày nguồn gôc và bản chất Đức Khôn Ngoan, cũng như cách để chiếm hữu Đức Khôn Ngoan
-
Salomon khuyên các bậc vua chúa phải tìm kiếm Khôn Ngoan (6, 1-11)
-
Tương quan giữa Đức Khôn Ngoan và con người: Đức Khôn Ngoan tỏ mình và cho ai tìm được gặp (6, 12-16)
-
Tiếp tục khuyên các lãnh đạo chư dân hãy học hỏi, yêu mến Đức Khôn Ngoan để được trị vì lâu dài (6, 17-21)
-
Tiếp tục ngỏ lời cùng các lãnh đạo là sắp mô tả Đức Khôn Ngoan (6, 22-25. Sẽ mô tả trong 7, 22-30)
-
Tán dương Đức Khôn Ngoan (7, 1-21)
-
Mô tả các đặc tính của Đức Khôn Ngoan (7, 22-30)
-
Mô tả các kho tàng phong phú của Đức Khôn Ngoan (ch.8)
-
Lời cầu xin tha thiết mong được Đức Khôn Ngoan (ch.9)
-
Chương 10-19: tán dương hoạt động của Đức Khôn Ngoan và của Thiên Chúa trong dòng lịch sử Israel
Bài đọc 1 trích từ chương 6 nói về tương quan giữa Đức Khôn Ngoan và con người (cc.12-16) trong văn mạch là Salomon khuyên các lãnh đạo hãy tìm kiếm sự khôn ngoan.
CẤU TRÚC Kn 6, 12-16 và SUY NIỆM
-
Đức Khôn Ngoan: bản chất và mối tương quan với con người (Kn 6, 12-13)
-
Gán cho Đức Khôn Ngoan hai thuộc tính của Thiên Chúa: ánh sáng và không tàn tạ
-
Trong tương quan với con người: Đức Khôn Ngoan đáp trả mọi ước vọng chính đáng của con người:
-
Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng
-
Ai tìm kiếm thì Đức Khôn Ngoan cho gặp
– Đức Khôn Ngoan đi bước trước tỏ mình cho những ai khao khát
Ở đây, bản chất Đức Khôn Ngoan được trình bày như “Ánh Sáng” và “Vĩnh Viễn Tồn Tại”. Trong Kinh Thánh, Ánh Sáng Vĩnh Cửu được đồng hóa với chính Thiên Chúa (Kn 7,26; Kb 3,4); Ánh Sáng đó chiếu soi trên dân (Is 60,1), vĩnh viễn hiện hữu đồng hành với dân (Is 60,19-20) soi đường, hướng dẫn dân (Tv 18,29; Is 2,5). Rồi đến Tân Ước, 1 Ga 1,5 sẽ nói rõ Thiên Chúa là ánh sáng.
Tuy nhiên với mạc khải độc thần của Cựu Ước, người ta chưa dám đồng hóa Đức Khôn Ngoan với chính Thiên Chúa, mà chỉ dám nói: “Đức Khôn Ngoan phản chiếu Ánh Sáng Vĩnh Cửu…”(Kn 7,26); Đức Khôn Ngoan là tạo vật đầu tay của Thiên Chúa (Cn 8,22-24 so với St 1,3: tạo vật đầu tay của Thiên Chúa là Ánh Sáng); Đức Khôn Ngoan là cộng tác viên thông phần sáng tạo với Thiên Chúa (Kn 7,12.22; 8,4-6; Cn 8,30), Thiên Chúa đã dùng Đức Khôn Ngoan mà cấu tạo con người (Kn 9,2); Đức Khôn Ngoan là cầu nối giữa Thiên Chúa với con người: vừa ở bên Thiên Chúa, vừa ở bên con người (Cn 8,30-31). Tất cả là để chuẩn bị cho mạc khải trong Tân Ước: Đức Khôn Ngoan đích thực chính là Đức Giêsu, Ngôi Lời của thiên Chúa, là Ánh Sáng.
Phần tương quan với con người, Đức Khôn Ngoan được trình bày như là ngôi vị luôn ở tư thế sẵn sàng để đáp trả lại những nguyện vọng, khát khao của con người. Chẳng những thế, Đức Khôn Ngoan còn đi bước trước đển tỏ mình ra cho những ai tìm kiếm, khát khao Đức Khôn Ngoan (13). Phần con người phải mến chuộng, tìm kiếm, khát khao Đức Khôn Ngoan. Tương quan 2 chiều này giúp ta nhận ra được tương quan giữa Thiên Chúa với con người: “Hãy tìm kiếm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người khi Người ở bên” (Is 55,6). Đây là bước dọn đường cho mạc khải Tân Ước: Đức Giêsu chính là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,24.30; Cl 2,3). Người vừa là Thiên Chúa thật, vừa là con người thật.
-
Hoa trái cho ai có tương quan tốt với Đức Khôn Ngoan (Kn 6,14-16)
Tương quan |
Hoa trái |
Lý do |
– Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan (14a) |
Thì không phải nhọc nhằn vất vả (14b) |
Vì Đức Khôn Ngoan đã ngồi chờ ngay trước cửa nhà (14c) |
– Để tâm suy niệm về Đức Khôn Ngoan (15a) |
Là đạt được sự minh mẫn toàn hảo (15b) |
Vì Đức Khôn Ngoan luôn đồng hành với những ai xứng đáng trên mọi |
– Ai vì Đức Khôn Ngoan mà thứuc khuya dậy sớm (15c) |
Sẽ mau trút được mọi lo âu (15d) |
Nẻo đường của họ trong mọi suy tư của họ (16) |
“Tìm từ sáng sớm”: cách nói cổ điển hàm ý tìm kiếm cách vồn vã, nồng nhiệt. Đức Khôn Ngoan biết trước ý định tìm kiếm của con người nên đã ngồi sẵn trước cửa để đón chờ. Ngay khi con người chưa kịp mở cửa để lên đường thì Đức Khôn Ngoan đã đón chờ trước cổng. Chữ tìm kiếm hàm ý phải nỗ lực, vất vả. Thế nhưng trong tương quan với Đức Khôn Ngoan thì sự nhọc nhằn vất vả của việc tìm kiếm không còn nữa, vì chỉ mới mở cửa ra thì Đức Khôn Ngoan đã ngồi trước ngõ. Vấn đề là chúng ta có nồng nhiệt (“tìm từ sáng sớm”) đi tìm hay không, nghĩa là ta có thật sự khát khao, muốn gặp Đức Khôn Ngoan hay không?
“Ngồi chờ ngay trước cửa” cách nói gợi lên sáng kiến thần linh: Đức Khôn Ngoan đi bước trước tạo điều kiện thuận lợi để kẻ kiếm tìm được dễ dàng đạt được mục đích.
“Khôn ngoan minh mẫn” (1V 3,12) và “khôn ngoan hiểu biết” (2Sb 1,12a) là ơn Thiên Chúa ban cho Salomon khi ông biết đặt tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa, chỉ xin khi được Thiên Chúa hỏi và phản xạ xin ngay như vậy hàm ý Salomon đã phải suy niệm, khát khao, kiếm tìm lâu rồi. Một lần nữa bản văn đã chuẩn bị cho mặc khải về thuộc tính thần linh của Đức Khôn Ngoan trong Tân Ước.
“Thức khuya dậy sớm” gợi lên những tân toan kiếp người kèm theo những bấp bênh của nó, chỉ những ai tin vào Chúa, phó thác cho Người thì mới được an vui, bình ổn: “Cho dù có thức khuya dậy sớm: khó nhọc làm ăn cũng hoài công. Còn kẻ được Chúa thương dù yên giấc: Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng” (Tv 127,2). Nhưng nếu ta “thức khuya dậy sớm” vì Đức Khôn Ngoan thì được hoa trái là khỏi mọi âu lo.
“Trút được mọi lo âu” gợi Tv 55,23 “trút mọi lo âu vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho”; Và “hỡi những ai khó nhọc gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28-29). Vậy hoa trái của Đức Khôn Ngoan là hoa trái mà con người sẽ đạt được nơi Thiên Chúa.
Câu 16 cho thấy nguyên do của những ân lộc mà những ai nhiệt tình đi tìm Đức Khôn Ngoan được ân hưởng. Vì Đức Khôn Ngoan luôn ở thế chủ động tất bật “rảo quanh” đi tìm những ai xứng đáng để đưa họ về với mình và qua đó đưa họ về cùng Thiên Chúa (c. 19). Vậy Đức Khôn Ngoan có một sứ mạng là rảo tìm đưa nhân loại về cùng Thiên Chúa. Đây là sứ mạng của Đức Giêsu. Cách thức rảo tìm là Đức Khôn Ngoan “niềm nở xuất hiện trên mọi nẻo đường” của những ai tìm kiếm; và còn hơn thế nữa Đức Khôn Ngoan thâm nhập vào tận tâm trí con người để chỉ cần họ suy tưởng thôi thì Đức Khôn Ngoan cũng đã có mặt với họ. Vậy Đức Khôn Ngoan hiện diện mọi nơi, thâm nhập vào cả trí lòng là nơi thâm sâu nhất của phận người để đáp trả niềm khát khao của nhân loại. Đức Khôn Ngoan được trình bày như Thiên Chúa. Tuy nhiên phải đợi đến Tân Ước, mặc khải mới rõ ràng.
-
TÓM KẾT:
Theo dòng lịch sử mặc khải, Đức Khôn Ngoan dầu được khám phá như một nhân vị, và hơn nữa Đức Khôn Ngoan còn được thông phần một số phẩm tính của chính Thiên Chúa: sáng láng, vĩnh cửu, hiện diện mọi lúc mọi nơi, ngay cả trong nơi đáy thẳm sâu của lòng trí con người. Trong tương quan với con người, Đức Khôn Ngoan được trình bày như là nguồn gốc mọi thiện hảo, phúc lộc của con người: Đức Khôn Ngoan săn đón, tạo điều kiện thuận lợi để con người gặp được mình rồi qua đó gặp Thiên Chúa. Đó là phúc lộc của nhân loại, sứ mạng của khôn ngoan. Vậy sứ điệp cho ta là: hãy tìm Đức Khôn Ngoan, mến chuộng, khát khao Đức Khôn Ngoan để hưởng được những hồng ân Thiên Chúa muốn ban cho ta qua Đức Khôn Ngoan. Những đặc tính thần linh gán cho Đức Khôn Ngoan là hình ảnh báo trước Đức Giêsu là Đức Khôn Ngoan đích thực của Thiên Chúa.
TIN MỪNG Mt 25, 1-13
Đức Giêsu đã vào Giêrusalem, Người canh tân cho Do Thái giáo qua các hành vi thanh tẩy Đền Thờ, rủa cây vả và nhất là qua các cuộc tranh luận trong các chương 21-23. Đến chương 24-25 Đức Giêsu rút lui dạy riêng các môn đệ. Đây là bài giảng thứ 5, bài giảng cuối cùng của Mattheu nói về thời cánh chung:
-
Khởi đầu là lời loan báo của Đức Giêsu là Giêrusalem sẽ sụp đổ, từ đó Mattheu chuyển qua câu hỏi của các môn đệ về Quang Lâm và ngày tận thế (24, 1-3).
-
Đức Giêsu không trả lời. Người lái vấn đề qua hướng khác: cảnh cáo các môn đệ đừng để bị đánh lừa; loan báo những khó khăn mà môn đệ phải làm chứng cho Đức Giêsu (24, 4-14).
-
Tiếp đó bằng thể văn khải huyền, Mattheu loan báo những điềm xảy ra trước ngày quang lâm: những biến cố kinh khủng chưa từng có (24, 15-22); sự xuất hiện của các ngôn sứ giả, Kitô giả (24, 22-25), đừng tin họ (24, 26-28). Điều chắc chắn là thế giới này sẽ qua đi và quang lâm là chắc chắn có (24, 29-31) rồi Đức Giêsu đưa ra một dụ ngôn minh họa chắc chắn có quang lâm, tuy nhiên ngày giờ quang lâm là bí mật của Cha (24, 32-36). Vậy điều phải làm trong hiện tại là TỈNH THỨC, vì quang lâm là biến cố bất ngờ (24, 37-42).
-
Nhưng thế nào là tỉnh thức? Đức Giêsu kể một số dụ ngôn minh họa những khía cạnh khác nhau của tỉnh thức: chủ nhà canh tên trộm ban đêm: phải thức và tổ chức canh phòng không lơi lỏng (24, 43-44); đầy tớ trung tín: tỉnh thức là làm tròn bổn phận được trao phó cách tận tụy (24, 45-51); mười trinh nữ: luôn ở tư thế sẵn sàng dầu đèn chuẩn bị đầy đủ (25, 1-13); những yến bạc: làm lời những gì Chúa trao (25, 14-30); cuối cùng là cuộc phán xét chung: tỉnh thức là nhận ra Đức Giêsu trong mọi người, nhất là những người bất hạnh và tiếp đón họ (25, 31-46)
Tin Mừng thuộc về nhóm dụ ngôn minh họa thế nào là tỉnh thức: dụ ngôn mười trinh nữ. Tỉnh thứ là luôn ở trong tư thế sẵn sàng. Trong tương quan với bài đọc 1 thì ý tưởng “KHÔN NGOAN” cần được lưu ý: người khôn ngoan là người luôn tỉnh thức đón chờ Chúa đến, để dù Người đến bất kỳ lức nào, ta luôn sẵn sàng.
CẤU TRÚC MATTHEU 25, 1-13 VÀ SUY NIỆM
-
Giới thiệu tổng quát về dụ ngôn (Mattheu 25, 1-4)
-
Thời điểm: bấy giờ
-
Chủ đề: về Nước Trời: “Nước TRời sẽ giống như…”
-
Hình ảnh biểu tượng: mười trinh nữ cầm đèn CỦA MÌNH ra đón chàng Rể.
-
Thành phần: 5 cô dại: chỉ mang theo đèn dầu đầy đủ thắp sáng.
Năm cô khôn: dầu đèn đầy đủ thắp sáng kèm bình dầu dự phòng.
“Bấy giờ”: là một thời điểm trong quá khứ hoặc tương lai có liên quan đến biến cố mà người ta muốn đề cập tới. Trong tương quan với biến cố Quang Lâm, chữ “bấy giờ” ở đây hướng về tương lai. Lúc Đức Giêsu quang lâm, mọi việc diễn ra tương tự như những gì bài dụ ngôn sắp đề cập đến.
Chủ đề Nước Trời: Nước Trời không phải là mười cô trinh nữ; nhưng Nước Trời GIỐNG NHƯ, TƯƠNG TỰ CÂU CHUYỆN ...đây là một so sánh. Điều cần lưu ý là mối tương quan giữa các tình tiết trong dụ ngôn.
“Cầm đèn CỦA CHÍNH MÌNH”: chi tiết đáng chú ý: bản văn nhấn mạnh đến đại từ chỉ ngôi (pron. Pers.) “CỦA CHÍNH MÌNH”. Đây không phải là loại đèn “đồng phục” được ban tổ chức phát đại trà cho những ai tham dự để làm cho nghi thức lễ được đồng nhất, long trọng. Bản văn nhấn mạnh đây là đèn của cá nhân của mỗi người, và như vậy cũng hàm ý dầu mang theo cũng mang đặc tính là CỦA CHÍNH MÌNH. Mỗi người sẽ ra trình diện Chúa với con người độc đáo của mình không pha trộn, vay mượn, không giả hình, đối phó.
Nét phân biệt dại/ khôn: đó là bình dầu dự phòng. Cả Mười cô, đèn đều đầy dầu và thắp sáng. Nếu không có chuyện xảy ra bất ngờ là chàng Rể đến chậm thì không ai phân biệt được kẻ dại / khôn. Trước thời điểm Quang Lâm (phần cá nhân: trước khi chết) thì nét dại / khôn của mỗi người chưa rõ nét: đây là lời cảnh báo ta phải dự phòng.
-
Các tình tiết của dụ ngôn và những mối tương quan (Mt 25, 5-12)
-
Tình huống bất ngờ: Điểm cốt lõi của dụ ngôn (5-6)
-
-
Chàng Rể đến chậm (5a)
-
Hệ quả: cả mười cô đều ngủ thiếp, quên bẵng luôn chuyện dầu đèn (5b)
-
Đột ngột chàng Rể đến (6)
-
Thời điểm: nửa đêm
-
Bất ngờ quá mức: chàng Rể đã đứng ngay cửa: tiếng hô đầy bất ngờ: nửa đêm, nhắm vào Mười cô: “Đây là chàng Rể, hãy ra gặp(chàng)”
“Chàng Rể đến chậm” là do một tập tục rước dâu ở Palestin: cuộc rước bị chậm là do cuộc mặc cả vào phút chót về các điều kiện trong khế ước hôn nhân, và về các sính lễ phải nộp cho nhà gái (x. CGKPV Tân Ước trang 149h).
Cả Mười cô đều ngủ: vậy tỉnh thức ở đây không phải là thức trắng đêm không ngủ, mà là phải chuẩn bị TỪ TRƯỚC mọi việc cho sẵn sàng, chờ tới lúc đi rước dâu mới chuẩn bị thì không kịp đâu. Và một khi đã chuẩn bị trước thì ngay trong lúc chờ rước dâu có ngủ cũng chẳng sao. Chàng Rể không trách.
Đến bất ngờ: bất ngờ về thời gian: nửa đêm, hàm ý quá khuya không ai nghĩ tới, mọi phỏng đoán đều ra vô ích, sức chờ có hạn tất cả lăn ra ngủ; và nhất là bất ngờ VỀ CÁCH ĐẾN: thông thường, khi chàng Rể đến là có tiếng đàn ca của đám rước báo hiệu. Người ta nghe tiếng đám rước đến từ xa và chàng Rể dần tiến lại chẳng có gì là phải bất ngờ cả. Ở đây trong lúc các cô ngủ mê mệt thì một tiếng kêu đột ngột phát ra: “Đây là chàng Rể, ra gặp chàng”, hàm ý chàng Rể đã tới và đứng ngay ở cửa rồi, không còn là tiếng kêu báo tin để chuẩn bị mà là tiếng hối thúc mau ra nhập đoàn đi rước. Nét bất thường này là chìa khoá để hiểu dụ ngôn. Thật vậy, nét bất thường là lời cảnh báo mà Mattheu muốn gửi đến các tín hữu: đừng vì Đức Giêsu chậm đến mà lơ là việc chuẩn bị. Sở dĩ Đức Giêsu (chàng Rể) chậm đến là vì lợi ích của cô dâu không nói đến trong dụ ngôn, nhưng hiểu ngầm là dân Chúa, nhân loại; Vì thế các môn đệ (Mười cô) phải biết lợi dụng thời gian chàng Rể chưa đến mà lo chuẩn bị mọi sự sẵn sàng đi để rồi dù cho phải ngủ vì chờ mệt, dù chàng Rể tới bất ngờ thì mọi sự cũng đã sẵn sàng. Dụ ngôn nói về Nước Trời thời điểm cánh chung, nhưng sứ điệp là do tín hữu trong hiện tại: ngay từ bây giờ hãy chuẩn bị dầu đèn đầy dủ, dự phòng tốt.
-
Phản ứng của các cô (Mt 25,7-9)
-
Mười cô đồng loạt thức dậy, sửa soạn đèn
-
phát hiện trễ tràng của năm cô dại: dầu hết, đèn tắt.
-
đối phó: xin chút dầu của năm cô khôn
-
phản ứng các cô khôn: khước từ – lý do: dầu chỉ đủ cho cá nhân họ – đề nghị ra cửa hàng mua.
5 cô khôn ích kỷ? Không giải thích luân lý ở đây. Trong cuộc phán xét cuối đời (cá nhân) và cánh chung (tất cả nhân loại), mỗi người đích thân trả lẽ về cuộc sống của mình, không ai nhờ vả ai được. Vào thời điểm đó không còn vấn đề chia sẻ đối phó nữa.
2.3 Ý nghĩa của Quang Lâm trong tương quan với các cô (tín hữu) (Mt 25, 10-12)
-
Niềm vui cho 5 cô khôn: “theo chàng rể vào dự tiệc cưới”
-
Khắc nghiệt đối với 5 cô dại:
-Đang lúc đi mua dầu, chàng rể tới: mọi sự đã trễ.
-Cửa đóng lại, mọi van xin đều vô ích
-Lời đáp tuyệt tình: Amen, tôi không biết các cô.
Điểm dụ ngôn nhấn mạnh là số phận khắc nghiệt của các cô dại. Cao điểm là lời nói tuyệt tình của chàng Rể. Trong thực tế của cuộc sống, không chàng Rể nào trong ngày vui nhất đời của mình lại có một cử chỉ tuyệt tình như thế trước một lỗi lầm thực ra chẳng đáng chi của các bạn thân phù Rể, nhất là phần lỗi là do mình đến trễ. Thế nhưng chính nét kỳ cục này kèm them vài chi tiết trong bản văn (các cô thưa “Lạy Chúa…” Chàng Rể lại đáp “Amen…”) giúp ta nhận ra ý nghĩa của dụ ngôn: chính Đức Giêsu Kitô uy nghi công bố lời phán xét tối hậu. Án quyết có thể xem ra khắc nghiệt, nhưng đó chẳng qua chỉ phê chuẩn sự chọn lựa hữu trách của con người và rút ra các hậu quả của việc chọn lựa đó mà thôi. Dụ ngôn là dấu chỉ của cuộc phán xét không do Thiên Chúa thi hành trước tiên, nhưng do con người thực hiện trong bản thân bằng thái độ sống của mình: Các kẻ khờ dại tự loại bỏ chính mình. Tỷ lệ hư mất là 5/10. Đây quả là một lời cảnh cáo khẩn cấp.
-
Bài học cho các môn đệ (Mt 25,13)
-
Hãy canh thức vì không biết ngày nào giờ nào.
Đối với các môn đệ thời gian chờ Đức Giêsu quang lâm vẫn là thời gian sống đạo tích cực, quyết liệt để chuẩn bị dầu đèn. Việc cần làm không phải là biết ngày giờ mà luôn ở tư thế sẵn sàng vui tươi nghênh đón Chúa bất kỳ lúc nào người đến. Đó mới là sứ điệp chính của “Bài giảng về thời cánh chung”.
-
TÓM KẾT: