CHÚA NHẬT XXXIII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bài 1

Đn 12,1-3; Mc 13,24-32

Chủ đề: Báo trước về ngày quang lâm:
Thiên Chúa đến giải cứu những ai thuộc về Người. 

* Đn 12,1b: Thời đó, Micae sẽ đứng lên… dân Chúa sẽ thoát nạn… tất cả những ai được ghi tên trong cuốn sách của Thiên Chúa.

* Mc 13,26: Bấy giờ, thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến… và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn.

Chúng ta bước vào Chúa Nhật XXXIII B. Năm phụng vụ sắp chấm dứt. Chúa Nhật này hướng chúng ta về Ngày Cánh Chung. Vào thời điểm này, Thiên Chúa sẽ can thiệp quyết liệt và dứt khoát để hoàn tất công trình yêu thương sáng tạo và cứu độ của Người. Lúc đó mọi việc mỗi người làm tại thế sẽ được phơi bày tỏ tường; Và số phận chung cuộc của mỗi người trong tương quan với Thiên Chúa sẽ được quyết định tùy theo những gì mỗi người đã sống lúc sinh tiền. Theo đức tin Công Giáo, đây là thời điểm Thiên Chúa cho thân xác phàm nhân sống lại, hòa hợp với linh hồn để toàn bộ nhân tính của từng người sẽ đi vào cuộc sống vĩnh cửu. Nói cách khác đó là thời điểm Thiên Chúa PHÁN XÉT công khai, chung cuộc cho toàn thể tạo thành; Vấn đề THIÊN ĐÀNG, HỎA NGỤC sẽ hiển lộ tỏ tường, và từng người phải biểu lộ sự chọn lựa DỨT KHOÁT của mình, một sự chọn lựa vĩnh viễn, không chỉnh sửa được nữa. Người lành sẽ hân hoan đi vào trong vinh quang của Thiên Chúa, kẻ dữ phải xấu hổ, sợ hãi lẩn tránh Thiên Nhan. Đó là ngày hạnh phúc viên mãn cho người lành nhưng lại là ngày khốn cùng kiếp kiếp cho kẻ ác.

Thế nhưng khi nói đến “cánh chung” “tận thế”, phần lớn các tín hữu đều mang tâm trạng lo âu, sợ hãi. Người ta chỉ nhìn thấy khía cạnh HỦY DIỆT mà quên mất khía cạnh PHÚC VINH VĨNH CỬU mà Thiên Chúa mang đến cho công cuộc Tạo Dựng, Cứu Chuộc của Người: từ nay ai trung thành sẽ thông phần trọn vẹn phúc vinh thần linh mà Thiên Chúa thông ban.

Điều Thiên Chúa hủy diệt là thế giới tội lỗi, là những yếu tố dối trá xuyên tạc ý định yêu thương của Thiên Chúa, đánh lừa con người gây xáo trộn trật tự TỐT LÀNH mà Thiên Chúa đã đặt để trong công trình sáng tạo. Từ nay, nhân loại và toàn thể tạo thành sống an bình trong Eden mới nơi Tình Yêu Thiên Chúa vĩnh viễn ngự trị. Tuy nhiên phần cá nhân: mỗi người vẫn còn nguyên vẹn sự tự do mà Thiên Chúa đã ban: trước “ván bài đã lật tẩy”, mỗi cá nhân với tất cả tự do hoàn toàn vẫn có quyền chọn lựa theo hay từ chối ý Chúa cho cá nhân mình, RIÊNG CHO CÁ NHÂN MÌNH mà thôi. Và lần này là sự chọn lựa dứt khoát.

Vậy tận thế là ngày mừng vui, ngày mà người chính trực sẽ “đứng thẳng lên và ngẩng cao đầu” (x.Lc 21,28) vì biết mình được cứu độ. Còn kẻ cứng lòng thì sao? Lời Chúa của Chúa Nhật XXXIII B sẽ cho thấy tính LƯỠNG DIỆN của ngày Tận Thế.

Bài đọc 1 trích từ sách Đn nói về “Thời đó”. Đây là lời khẳng định sớm nhất về sự sống lại cá nhân (CGKPV “các sách ngôn sứ” 641 t). Đó là thời cùng tận, thời Thiên Chúa can thiệp dứt khoát để đưa công trình sáng tạo, cứu độ của Người đến chỗ hoàn tất. Cách nói “thời đó” không ám chỉ một ngày giờ nhất định; Nhưng theo những gì Thiên Chúa đã hành dộng trong dòng lịch sử như cứu dân khỏi Ai Cập, can thiệp giúp dân hồi hương, tái thiết Đền Thờ… thì “thời đó” ám chỉ tính cách CHẮC CHẮN có của những gì Thiên Chúa đã hứa. “Thời đó” là thời như thế nào? Tính lưỡng diện của “thời đó” trong bài đọc 1 khá rõ:

1/ Nét tiêu cực, đáng sợ chỉ được đề cập đến trong hai ý: đó là “thời ngặt nghèo chưa từng có” (12,1b); đó là thời “để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (12,2c) nhưng chỉ dành cho kẻ gian ác thôi. Còn đối với Dân Chúa thì

2/ Đó là thời “Micaen, Đấng che chở dân Chúa, sẽ đứng lên” (12,1a), nghĩa là ơn cứu độ đến từ trời và là thời dân Chúa sẽ thoát nạn (12,1c), thời mà cá nhân con người sẽ được phục sinh để hưởng phúc trường sinh (12,2a), là thời các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ (12,3)

Là dân Chúa ta hãy sống khía cạnh tích cực của “Thời đó”.

Với cách nói đầy nét ẩn dụ của thể văn Khải huyền, Tin Mừng hôm nay cũng trình bày cho chúng ta vài nét có liên quan đến vấn đề Quang Lâm:

1/ Chắc chắn sẽ có ngày Quang Lâm: các cách nói “mặt trời sẽ ra tối tăm”, “mặt trăng không còn chiếu sáng”, “các ngôi sao từ trời sa xuống” … hàm ý rằng những quyền lực tưởng chừng là vững bền mãi mãi thì rồi cũng sẽ phải qua đi. Ngoài ra các tinh tú còn là biểu tượng của các tà thần dân ngoại tôn thờ; Tất cả quyền lực giả trá ấy sẽ bị hủy diệt vào ngày Quang Lâm. Thế giới này sẽ qua đi nhường chỗ cho TRỜI ĐẤT Mới.

2/ Tuy nhiên đó lại là NGÀY VUI MỪNG cho những ai tin thờ Thiên Chúa, bởi vì Con Người quang lâm để tụ họp họ lại đưa họ vào trong vinh quang thần linh của Người (13,27).

3/ Tin Mừng chỉ xác nhận “CÓ QUANG LÂM” còn thời điểm, cách thức thì không hề nói đến. Đó là bí mật của Chúa Cha.

Tóm lại, giữa cảnh bát nháo của trần gian, các tín hữu được mời gọi can đảm kiên trung với đức tin vào Đức Giêsu. Niềm xác tín có ngày Quang Lâm – Đức Giêsu ngự đến tóm thu mọi sự dâng về Cha hoàn tất công trình sáng tạo – cứu độ (x.1Cr 15,24-28) – luôn là động lực giúp tín hữu sống tốt đức itn của mình trong hiện tại.

Bài 2

Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang đến trong đám mây (c.26)… và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn (c.27b)… Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu (c.31).

Chúng ta đang tiến dần đến những ngày cuối của niên lịch phụng vụ. Trọng tâm của Lời Chúa trong những ngày này là: “Ngày Cánh Chung”. Đó là thời điểm Thiên Chúa sẽ can thiệp cách dứt khoát để đưa công trình sáng tạo và cứu độ của Người đến chỗ hoàn tất.

Theo đức tin Kitô giáo, dòng thời gian lịch sử vũ trụ được biểu tượng bằng một “ĐOẠN THẲNG có định hướng”: Khởi đầu là công trình Sáng Tạo của Thiên Chúa và kết thúc là “Ngày Tận Thế”. Đức tin cũng xác quyết rằng: mọi sự Thiên Chúa dựng nên, khởi đầu đều là tốt đẹp, và Thiên Chúa hài lòng vì công trình ấy và “Ngày Tận Thế” là ngày Thiên Chúa đưa công trình sáng tạo tới chỗ hoàn thiện. Thế nhưng con người đã sa ngã, xa lìa Thiên Chúa là nguồn sống, nguồn hạnh phúc, nguồn sáng nên đã làm cho dòng lịch sử nên tối tăm, bất hạnh, xáo trộn. Và tầm nhìn của nhân loại vì đã khước từ được soi dẫn bởi tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, rồi thay vào đó bằng tầm nhìn của thù hận, ganh tỵ, bạo lực, … – nên việc gặp gỡ Chúa trở thành đáng sợ, con người trốn tránh Thiên Chúa và “Ngày Tận Thế” trong tâm trí của tội nhân trở thành “ngày phán xét”, ngày kết tội.

Nhưng Thiên Chúa là Đấng Công Chính tuyệt đối, Người vẫn trung tín với dự tính sáng tạo ban đầu của Người. Bội phản, tội lỗi của con người có thể làm cho “đoạn thẳng lịch sử” bị chùng xuống, bị cong queo, uốn éo, xáo trộn… nhưng mạch sống của Thiên Chúa vẫn lưu chuyển trong đó, dòng lịch sử cứu độ không bao giờ bị cắt đứt, ý định yêu thương quan phòng hồi phục của Thiên Chúa vẫn luôn là “Vectơ định hướng” cho dòng thời gian. Do đó “Ngày Tận Thế” vẫn là ngày mà Tình Yêu Quan Phòng của Thiên Chúa đưa nhân loại vào “Trời mới Đất mới”, vẫn là ngày hoàn tất ơn cứu độ. Hãy đọc kỹ lời trong Sách Khải Huyền: “Sẽ không còn lời nguyền rủa nào nữa… Các tôi tớ Chúa sẽ thờ phượng Chúa… sẽ không còn đêm tối nữa…” (Kh 22,3-5). Vậy đó là ngày Thiên Chúa thống trị. Một khi Thiên Chúa công khai biểu lộ uy quyền thì những gì chống đối Thiên Chúa như bóng tối, sự chết, tội lỗi, bất an, xáo trộn, … sẽ không tồn tại được nữa. Vậy những cái sẽ bị tiêu diệt là những yếu tố (thực ra là Thiên Chúa không tạo dựng chúng, nhưng chúng xuất hiện là do con người làm xáo trộn trật tự ổn định của công trình sáng tạo mà ra, đến lúc Chúa can thiệp ổn định lại trật tự thì sự loạn lạc phải tan biến thôi) gây ra bất hạnh, náo loạn cho vũ trụ, cho con người; Chứ công trình sáng tạo, những gì Chúa tạo ra vẫn còn nguyên và được hồi phục. Thế lực chống đối Thiên Chúa vẫn còn đó nhưng bộ mặt gian dối của chúng bị phơi bày, chúng không quyến rũ, lừa dối, hại được ai nữa. Chúng chỉ tự nhốt mình trong sự cứng lòng của chúng mà thôi.

Như vậy lịch sử nhân loại được khai mở trong sáng tươi và hạnh phúc (Vườn Địa Đàng) và kết thúc trong tươi sáng, phúc vinh (Trời mới Đất mới). Và cuộc sống nhân loại đang trải qua trong dòng lịch sử với những sướng khổ, tối sáng, thăng trầm, tốt xấu… đan chen vào nhau đang diễn ra giữa hai cực tươi sáng, hạnh phúc trên. Và thực sự, con người chỉ khám phá được ý nghĩa cuộc sống hiện tại, và cuộc đời hiện tại đáng sống là nhờ ánh sáng của hai cực của công trình yêu thương của Thiên Chúa.

Và cuối cùng Tình Yêu Thiên Chúa sẽ thắng lòng chai cứng của con người và Trời mới Đất mới sẽ xuất hiện. Đó là Ngày Tận Thế. Vậy Ngày Tận Thế là ngày hội lớn của toàn thể nhân loại, ngày mà quyền năng Thiên Chúa thống trị, ngày mà Tình Yêu Thiên Chúa hiệp nhất muôn loài.

Tuy nhiên phần con người, mỗi người đều là “hình ảnh của Thiên Chúa”, mỗi người là một ngôi vị độc đáo không ai thay thế được, cũng phải đảm nhận vận mạng mình, đích thân nói lên tiếng nói chung cuộc của đời mình trước dự tính của Thiên Chúa. Cuộc đời trần thế của mỗi người chính là lời đáp trả đó: giữa bao hỗn độn, tăm tối của cuộc đời, người của Chúa vẫn nhận ra được ánh quang từ “hai nguồn sáng” mở đầu và hoàn tất công trình Thiên Chúa và trung tín đi theo hướng đã được Thiên Chúa chỉ dẫn.

Lời Chúa hôm nay loan báo ngày cánh chung chắc chắn sẽ tới, ý nghĩa của ngày đó và cũng hàm chứa lời mời gọi mỗi người hiện tại hãy sống sao để cho khi ngày ấy tới tất cả sẽ vui mừng được Chúa tập họp, xếp vào hàng ngũ những người được Thiên Chúa tuyển chọn.

BÀI ĐỌC 1: Đn 12,1-3

Bài đọc 1 trích từ sách ngôn sứ Đaniel. Sách gồm 14 chương và được viết bằng ba thứ ngôn ngữ khác nhau:

  • Tiếng Do Thái gồm 1,1 – 2,4a và các chương 8 – 12 

  • Tiếng Aram: được tách làm 2 phần 2,4b – 3,23 và 3,24 – 7,28 chen vào giữa 2 phần trên là một đoạn bằng tiếng hi lạp.

  • Tiếng hi lạp: phần chen giữa 2 khối tiếng Aram nói trên, được đánh số thứ tự là 3,24* – 90*; và hai chương 13 và 14.

Sách được viết vào khoảng thế kỷ II TCN, vào thời kỳ người Do Thái bị bách hại về tôn giáo bởi vua Antiôkhô Epiphane IV để củng cố nâng đỡ đức tin của dân trong cảnh khốn cùng. Nhưng để tránh tai mắt của chính quyền đương thời nên Sách Đaniel mượn một khung cảnh lịch sử giả là bối cảnh của thế kỷ VI TCN thời các vua Babylon. Sách ủng hộ cuộc thánh chiến của nhà Macabê chống lại các bạo chúa bách hại đạo. Nội dung sách gồm 3 phần:

1/ 1,1 – 6,29: gồm sáu câu chuyện về ông Đaniel và ba người bạn Do Thái tại triều đình Babylon dưới thời các vua được sách Đaniel gọi tên là Nabucodonosor, Balthasar, Darius (2 vua sau thật sự không có tên trong danh sách các vua Babylon).

2/ 7,1 – 12,13 nói về các thị kiến:

  • Giấc mộng của Đaniel về bốn con thú, về Đấng Lão Thành và về Con Người (7,1-28)

  • Thị kiến “cừu đực và dê đực (8,1-27); và lời tiên tri về “70 tuần” thử thách mà dân Chúa phải trải qua (9,1-17)

  • Thị kiến lớn về ngày cánh chung, báo trước Thiên Chúa sẽ can thiệp và ngày tàn của bạo chúa (10,1 – 12,3)

3/ Hai chương 13 và 14 là phần phụ trương gồm một số câu chuyện riêng rẽ: – Chuyện bà Suzana (chương 13). – Chuyện Đaniel chống lại các mê tín, mưu đồ lừa đảo của các tư tế dân ngoại và Thiên Chúa đã bảo vệ Đaniel. Hai chương này chủ yếu cho thấy Thiên Chúa bảo vệ những ai ngay chính sống theo đường lối Chúa.

Bài đọc 1 trích từ phần cuối của “thị kiến lớn”, liên quan tới thời cánh chung. Đoạn văn xác tín rằng chắc chắn Chúa sẽ can thiệp: đó là thời kỳ khắc nghiệt cho kẻ gian ác, nhưng lại là thời hồng ân cho kẻ sống ngay lành.

1/ Thiên Chúa loan báo cho Đaniel việc can thiệp giải cứu (c.1)

* “Thời đó”: thời điểm Chúa can thiệp giải cứu chỉ nói là “Thời đó”. Đó là thời cùng tận, thời Thiên Chúa can thiệp dứt điểm để hoàn tất lịch sử cứu độ. “Thời đó” không ám chỉ một ngày giờ nhất định (thời điểm đó là bí mật của Thiên Chúa Cha) nhưng là một giai đoạn được mở đầu với công cuộc nhập thể của Đức Giêsu và kết thúc vào Ngày Tận Thế, ngày Người quang lâm.

*Tác nhân Thiên Chúa dùng để thực hiện việc giải cứu

Đọc lại lịch sử cứu độ, ta thấy mỗi lần Chúa ra tay cứu dân khỏi một bạo quyền trần thế thì Người đều sử dụng một nhân vật trung gian thích hợp để làm công việc đó: Thời Xuất Hành, Chúa dùng Môsê; Thời thống nhất sơn hà, Chúa dùng Đavit; Thời Hồi hương, Chúa dùng Giôsuê Thượng Tế và Dơrupvaven; và giờ đây:

Đối tượng được Chúa cứu không chỉ là dân người mà còn là “mọi kẻ gặp thấy ghi danh trong cuốn Sách của Thiên Chúa”, cách nói hàm ý rằng số người được cứu là tất cả nhân loại chứ không chỉ riêng là người Do Thái. Và bạo chúa, kẻ thống trị lần này không phải là một thế lực giới hạn nào đó của trần thế mà là “Tử Thần”: mọi người đã chết đều sẽ sống lại (c.2), tất cả mọi người được giải thoát khỏi dòng thời gian đi vào vĩnh cửu (tức Trời Đất Mới mà sau này Sách Khải Huyền sẽ nói tới) “muôn đời muôn kiếp” (c.3)

Vì thế tác nhân Thiên Chúa dùng lần chung cuộc này để đưa vũ trụ, tạo thành vào vĩnh cửu là một nhân vật thiên giới không bị khống chế bởi thời gian, không gian. Nhân vật đó, Đaniel được Thiên Chúa mặc khải cho là Micae (c.1)

Vào thế kỷ II TCN, việc học hỏi về các thiên thần phát triển mạnh trong Do Thái giáo. Văn chương khải huyền gán cho mỗi quốc gia một thiên thần bảo hộ, được gọi là “ông hoàng” (prince) (x.Đn 10,13-20b). Nghiên cứu thuần lý trong Do Thái giáo về các thiên thần, người ta thấy có từ ba đến bảy “ông hoàng” hạng nhất, về sau các vị này được gọi là tổng lãnh thiên thần. Trong Kinh Thánh xuất hiện ba vị là:

  • Raphaen = “Thiên Chúa chữa lành (Tb 3,17; 12,15)

  • Gabrien = “Anh hùng của Thiên Chúa” (Đn 8,16; 9,21)

  • Micaen = “Ai được như Chúa”. Chính vị này được trao cho nhiệm vụ coi sóc cộng đoàn dân Chúa (Đn 10,13-21; 12,1). Tên của các thiên thần không phải là tên gọi do bản tính nhưng là do chức vụ (ĐN TH TK “Thiên Thần”; DEB, “Archange”) Bổn phận các thiên thần là phục vụ ơn cứu độ của con người theo Ý Chúa.

*Tính lưỡng diện của “Thời đó

Là “Thời ngặt nghèo” cho kẻ ác: “Thời ngặt nghèo” ám chỉ thời gian xảy ra một tai họa trầm trọng. Cơn khủng hoảng đạt tới cực điểm là chính vào lúc sắp diễn ra cuộc giải thoát. Về lịch sử, các tai họa đó có thể ám chỉ những xáo trộn về mặt chính trị nổi lên dữ dội tại Palestin sau cái chết của vua Antiôkhô IV và dưới thời ông Gionathan (x.Mcb 9,27) (CGKPV “các sách Ngôn Sứ” 640 s)

Nhưng là thời vui mừng cho Dân Chúa: Tiêu chuẩn để chọn lựa được đưa ra ở đây để được làm dân Chúa không dựa trên huyết thống, nhưng dựa trên lòng trung tín của họ đối với Thiên Chúa và “được ghi tên vào trong cuốn sách của Người” (x.Is 4,2-3 và nốt n Sđd trang 41) 

2/ Nét đặc thù mới mẻ của thời được giải thoát (c.2)

*Xác loài người sẽ sống lại: “trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ chỗi dậy”. “Những”, “nhiều” ám chỉ số đông, tập thể chưa chủ ý nhắm vào tình trạng cá nhân của ai.

*Nhưng số phận của mỗi người thì lại khác nhau:người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời”.

“Người thì”, “kẻ thì” ám chỉ từng cá nhân với những nét riêng biệt của từng người.

Câu 2 này là lời khẳng định sớm nhất về sự sống lại cá nhân được Kinh Thánh nói tới. “Phúc trường sinh” được dịch sát là “sự sống đời đời”, từ ngữ này được xuất hiện đầu tiên ở đây (CGKPV Sđd 641 “t”). Trong suốt dòng lịch sử, cho dù dân Chúa có vô ơn, phản loạn đến đâu, Chúa có nổi giận phạt nặng đến đâu thì cuối cùng Người cũng ra tay cứu dân. Nhưng dân Chúa (nhân loại, Giáo Hội) vẫn cứ sa đi ngã lại… Phải tiêu diệt tên “đầu sỏ”. Khi “Thời đó” đến, Thiên Chúa can thiệp quyết liệt, tiêu diệt kẻ thù cuối cùng là Tử Thần và giải thoát nhân loại… (TOB 1713 “a”).

Tuy nhiên niềm tin xác thể từng cá nhân sẽ sống lại được hé mở từ từ:

  • Thoạt đầu người Do Thái tin rằng kẻ chết dù công chính hay gian ác đều bị giam vào Shéol = “Âm phủ” (x. Từ điển Công Giáo) (G 30,23; Ed 31,14-18). Đã vào đó rồi thì không bao giờ ra khỏi được (G 7,9; Tv 49,15), chỉ có Thiên Chúa mới giải thoát vong nhân khỏi đó được (1Sm 2,6; Am 9,2; Tv 9,14; 49,16). Đó là nơi không có ánh sáng (G 10,21-22), trong đó không ai ca tụng Chúa (Is 38,18; Tv 6,6; 88, 11-30)

  • Giai đoạn tiếp sau, tầm nhìn tiến bộ hơn một chút: dù còn ở chung trong Shéol, nhưng tình trạng của người lành và kẻ ác thực ra khác nhau: kẻ gian ác phải ở dưới đáy vực sâu âm phủ, bị giam cầm chờ ngày lãnh án phạt (Is 24,21-22), còn dân Chúa dù vẫn còn trong Âm Phủ nhưng để CHỜ được Thiên Chúa đưa ra khỏi đó vào thời Chúa can thiệp (Ed 37,1-14: ở đây nhấn mạnh hơn khía cạnh tập thể của cuộc phục hồi: hồi sinh dân Israel khỏi lưu đày).

  • Giai đoạn tiếp theo mặc khải được nâng cao hơn một nấc nữa: người ta khám phá rằng người công chính sẽ được hồi sinh vì Chúa không để người công chính hư nát trong phần mộ, bị giam cầm vĩnh viễn trong Âm Phủ (Tv 16,9-10; Tv 49,16 …). Người công chính sẽ được “thức giấc” chiêm ngưỡng Thánh Nhan (Tv 17,15)

  • Đến thời Macabê, nội dung mặc khải được bổ sung: tất cả mọi cá nhân trong dân Chúa đều được sống lại nhưng kèm theo sự phán quyết công minh cho từng cá nhân (Đn 12,2); Còn dân ngoại tàn ác thì không được sống lại (2 Mcb 7,14).

  • Chỉ đến thời Tân Ước, sự phục sinh cho mọi ngườ và cho từng cá nhân mới được mặc khải đầy đủ; kèm theo mặc khải về sự phán xét dựa trên những gì cá nhân đã làm khi còn sống ở trần gian 

3/ Số phận tốt đẹp của người lành (c.3)

Những người sống lành thánh được gọi là hiền sĩ. Vào “Thời đó”, số phận của họ “sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ”, “sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao”. Đó là cách nói để diễn tả sự sống vĩnh cửu! Vì so với cuộc sống chỉ một trăm năm của con người thì sự tồn tại của “bầu trời”, “tinh tú” quả là vô tận. Rồi trong công trình Sáng Tạo, “ánh sáng” và “bầu trời” là hai thọ tạo hữu hình đầu tiên Thiên Chúa dựng nên (St 1,3-7). Và khi Thiên Chúa hoàn tất dòng lịch sử cứu độ thì “Ánh sáng” là Thiên Chúa sẽ hiển trị khắp nơi (Kh 22,5).

Vậy phần thưởng của người lành là được trở nên giống Thiên Chúa, sáng láng muôn đời, hoàn tất ơn gọi “con người là hình ảnh Thiên Chúa”.

“Hiền sĩ” là ai? Là “những ai làm cho người người nên công chính” Thực ra chẳng ai là công chính trước Thiên Chúa; con người được nên công chúng là nhờ ơn Chúa ban (Rm 3,20; 5,18b-19). Đức công chính là thuộc tính của Thiên Chúa (x.Is 5,16; G 14,17b) và Thiên Chúa sẽ can thiệp quyết liệt, dứt khoát để làm cho sự công chính của Người thống trị trên toàn thể mọi loài vào thời Người định (Is 46,13): Chính Thiên Chúa Đấng Công Chính làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu nên công chính (Rm 5,25b-26). Thiên Chúa vừa là Đấng Công Chính vừa là Đấng làm cho người khác nên công chính.

Vậy khi “làm cho người người nên công chính” là “hiền sĩ” đang dần trở nên giống Chúa, để Thiên Chúa hoàn thiện dần nơi bản thân mình “hình ảnh của Thiên Chúa”.

Như vậy ngay trong thời Cựu Ước, dân Chúa cũng đã được hé cho thấy rằng “Thời đó”, “Ngày Tận Thế” là ngày mừng vui, hạnh phúc. Ngày mà Thiên Chúa, Đấng Công Chính, hoàn tất sự công chính của Người nơi các tạo vật, làm cho mọi thọ tạo lộ rõ hết bản chất thật nơi mình rồi đón nhận hồng ân chung cuộc đúng theo những gì mà từng người lúc sinh tiền đã tỏ hiện.

TIN MỪNG: Mc 13,24-32

Hoạt động công khai của Đức Giêsu chấm dứt ở chương 12. Chương 13 nói về chủ đề Cánh Chung và hai chương 14 và 15 là cuộc thương khó và Thập Giá của Đức Giêsu. Tin Mừng hôm nay trích từ chương 13, đề cập đến biến cố Quang Lâm của Con Người. Lời Chúa không nói đến ngày giờ, điềm báo của biến cố mà chỉ cảnh báo chắc chắn là có ngày Quang Lâm và nhắc nhở điều phải làm trong hiện tại là “phải tỉnh thức sẵn sàng”, phải luôn ở trong tư thế chuẩn bị, phải canh thức (13,33-37).

Một chi tiết khác mà Lời Chúa muốn nhắc nhở là phải hiểu cho đúng ý nghĩa của Quang Lâm. Đó là lúc Con Người đến biểu lộ quyền năng và vinh quang của Người. Để làm gì? Tin Mừng cho luôn câu đáp: “để tập họp những kẻ được Người tuyển chọn…” (13,27). Đó là ngày vui, ngày hội lớn, ngày sum họp và cũng có thể ví von một chút, đó là “Ngày Tết vĩnh cửu” của tất cả những ai đã tin vào Đức Giêsu. Tin Mừng hôm nay mời chúng ta, trong khi chờ Quang Lâm hãy kiên vững trong đức tin là có Quang Lâm và tươi vui trong đức trông cậy rằng đó là ngày sum họp toàn thể tạo thành “từ đầu mặt đất cho tới cuối chân trời” (13,27) nhờ Con Người sai các thiên thần quy tụ (13,27a).

1/ Ý nghĩa của Ngày Quang Lâm (13,24-27)

*Trong “những ngày ấy …: (Am 8,11; 9,13; Gr 49,2; 50,4…) cũng có lúc dừng ở số ít “ngày ấy” (Ge 4,18; Is 17,7; 19,16.23.24…) là thuật ngữ Kinh Thánh dùng để nói lên sự can thiệp trọng đại của Thiên Chúa vào lịch sử để phán xét thế gian và cứu rỗi những người tin tưởng (ĐN TH TK “Ngày của Chúa”). Áp dụng vào lịch sử nhân loại, đó là ngày Thiên Chúa hoàn tất ý định cứu độ của Người; Riêng trong bài đọc Tin Mừng hôm nay việc hoàn tất đó được diễn đạt ra qua ba hình ảnh:

*Đó là ngày quyền lực của thế gian bị hủy diệt: “…mặt trời sẽ ra tối tăm… các quyền lực trên trời sẽ bị lung lay” (13,24b-25). Đó là lối ngôn ngữ truyền thống thường được dùng để loan báo rằng Thiên Chúa sẽ can thiệp cách đặc biệt vào lịch sử, khuất phục các quyền lực sự dữ (Is 13,10; 31,4; Ed 32,7; Ge 2,10; 3,4; Am 5,18.20; 8,9; Xp 1,15…)

Thật vậy, nên biết rằng các dân tộc cổ đại đông phương thường thờ lạy các tinh tú, ngoại trừ Israel. Đối với họ các tinh tú là những vị thần điều khiển vũ trụ. Do đó cách nói “mặt trời, mặt trăng ra tối tăm, không còn chiếu sáng, các tinh tú bị sa xuống…” hàm nghĩa là tuyên xưng sự chiến thắng của Yavê, Thiên Chúa duy nhất, trên các ngẫu tượng ngoại giáo. Thế giới cũ kỹ phải biến đi, nhường chỗ cho “Trời mới Đất mới” (J. Hervieux “Tin Mừng Marcô”. Chú giải mục vụ – trang 295).

*Đó là ngày Con Người quang lâm biểu lộ uy quyền (13,26):

– “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy”: biến cố Quang Lâm được tỏ lộ công khai cho mọi người đều thấy. Do đó mọi lời đồn thổi về sự bí mật, về mặc khải riêng tư bí huyền cho cá nhân này, nhóm nọ đều không đến từ Thiên Chúa.

– “Con Người”: theo nghĩa bình thường là một phần tử thuộc nhân loại, một con người. Rồi ngôn sứ Đaniel trong một thị kiến đã thấy một nhân vật như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến, vị này được trao cho quyền thống trị, vương quyền vĩnh cửu, trên muôn người, mọi dân tộc, mọi quốc gia, mọi ngôn ngữ (Đn 7,13-14). Cách diễn tả đó hàm ý Người nhận được một quyền bính thần linh bao trùm toàn thể vũ trụ và trải trên toàn bộ dòng thời gian.

Lúc đi rao giảng Đức Giêsu thường tự xưng là Con Người với quyền năng vượt hơn cả luật (Mc 3,27-28), có được cả quyền tha tội như Thiên Chúa (Mc 2,10).

Vậy “Con Người” ám chỉ Đức Giêsu Kitô Đấng vừa mang nhân tính và thần tính được các ngôn sứ tiên báo (Từ điển Công Giáo – “Con Người”).

– “Con Người đến trong đám mây” hàm ý đây là lần can thiệp của chính Thiên Chúa, Người đến để hoàn tất lời Cựu Ước loan báo về “Ngày của Đức Chúa” bằng cách cho con người Giêsu xuất hiện trong vinh quang của một vị Thiên Chúa đến thực hiện quyền thẩm phán tối hậu trên toàn thể tạo thành. Đây là giây phút các tín hữu tiên khởi hằng mong đợi vì tin Chúa sẽ đến cứu họ, nên đó là ngày vui.

– Thật vậy, chính trong tư cách là Vị Thẩm Phán Tối Cao, chung cuộc, Con Người đến để “thâu họp lại những kẻ Người đã tuyển chọn”. Bản văn Marcô trình bày đó như là mục đích của Quang Lâm. Như trong Cựu Ước, kẻ được chọn là Israel được Thiên Chúa tập họp lại (Đnl 30,3-4; Is 27,12; 43,5-7), thì ở đây, chính các Kitô hữu thấy mình được tụ họp từ muôn nơi để đi vào sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, Chúa của họ, chính là Con Người, Đấng đã từng hứa với họ “Ta ở đâu các ngươi cũng ở đó…” (Ga 14,3).

Tóm lại những ai thuộc về Đức Giêsu, tin nhận Người là Cứu Chúa thì Quang Lâm là ngày mừng vui hy vọng đáng cậy trông. Quang Lâm vừa là một động lực giúp họ sống tốt ở đời này, giúp họ vượt qua bao thử thách, vừa là một điểm đến của niềm trông cậy của họ. Nhưng LÚC NÀO Chúa đến?

2/ Xác tín của tín hữu về Ngày Quang Lâm (13,28-32)

*Các tín hữu TIN chắc rằng có Quang Lâm dựa trên lời Đức Giêsu:

– Ngang qua hình ảnh minh họa về “cây vả” (13,28-29): dấu chỉ về Quang Lâm đã được Chúa đặt để trong thiên nhiên để nhắc nhở con người: khi nhìn thấy cây vả đâm chồi nẩy lộc thì mọi người đều biết chắc rằng mùa hè sắp tới. Và theo tầm nhìn của nhiệm cục cứu độ, mặc khải tiệm tiến thì ngay từ trong Cựu Ước, các hình ảnh mùa hè và mùa gặt đã được liên kết với lời loan báo về sự tận cùng, sự phán xét và sự giải thoát chung cuộc (Ge 4,17; Am 8,1; Is 28,4; Gr 8,20…). Do đó khi thấy các hiện tượng được loan báo trong các câu 24-25 thì các tín hữu được nhắc nhở rằng chắc chắn có Quang Lâm; cuộc đời này thế giới này sẽ qua đi, vậy hãy sống sao cho phù hợp để khi Quang Lâm đến thì đó là NGÀY VUI cho mình. Bản văn không hề khẳng định về thời điểm, điềm báo cụ thể của Quang Lâm. Những hiện thượng được mô tả chỉ muốn nói rằng thế giới hiện tại này đang mục nát dần, không thể tồn tại mãi trong tình trạng bất toàn, thoái hóa như vậy được, Nó phải qua đi. Và Quang Lâm chính là thời điểm Thiên Chúa can thiệp mạnh chung cuộc giúp dọn dẹp đi những gì hư hoại tích lũy từ bao đời mà nhân loại chưa chịu thanh lý hay chưa thanh lý xong, để thay vào bằng Trời mới Đất mới.

Tóm lại 13,28-29 chỉ mang đến một sứ điệp: chắc chắn có Quang Lâm.

– Điều quan trọng đối với tín hữu trong hiện tại đang khi “chờ có ngôi nhà mới” là phải dọn dẹp “ngôi nhà cũ” xem cái gì quá mục nát thì phải dọn ngay trong hiện tại chứ không ỷ lại chờ Chúa đến dọn dẹp giùm một cú dứt điểm trong ngày quang lâm; Đồng thời phải chuẩn bị mua sẵn vật liệu xây dựng, lo chạy “giấy tờ” để khi thời điểm tới là “xây ngay” và Chúa sẽ sai thiên sứ đến giúp hoàn tất. Đừng chần chừ, ỷ lại kẻo khi Chúa sai thợ (thiên thần) đến tập họp, khởi công mà ta chưa chuẩn bị gì thì khốn.

– “Trời đất này rồi sẽ qua đi, nhưng…” đây là lời của Đức Giêsu khẳng định thêm rằng chắc chắn có Quang Lâm.

*Thời điểm, điềm báo: đó là điều con người mong đợi, nhưng Đức Giêsu đã nói thẳng: “không ai biết được điều đó ngay cả các thiên sứ trên trời, hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (13,32). Trong thân phận làm người như chúng ta, Đức Giêsu cũng đã chấp nhận mọi giới hạn của phận làm con người, tạm giấu ẩn những đặc nét thần linh vì ích lợi cho nhân loại (x.2Cr 8,9; Pl 2,6-7). Và nét độc đáo của Tin Mừng Marcô là khi Đức Giêsu chia sẻ triệt để phận làm con người theo ý Cha (không “ăn trái cấm”: biểu lộ không đúng lúc uy quyền thần linh) lúc ấy thần tính của Người được tỏ lộ (Mc 15,39).

Đây là bài học lớn cho chúng ta, nhắc lại cho chúng ta ý định nguyên thủy của Thiên Chúa: trong thân phận thụ tạo (nhân tính của Đức Giêsu là một thụ tạo giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi), chúng ta đừng đòi tự sức chiếm đoạt những tri thức dành riêng cho Thiên Chúa (x.St 2,17 luôn là một cám dỗ, một “trái cấm” cho trí tuệ nhân loại). Hãy kiên trì chờ ngày Thiên Chúa thông ban đúng thời đúng lúc (Chúa không ích kỷ, dành độc quyền đâu vì “tất cả những gì của Cha đều là của con: Lc 15,31). Và Chúa đã ban tất cả cho chúng ta trong Đức Giêsu (Ga 15,15) nhờ Chúa Thánh Thần (Ga 16,12-15). Đức Giêsu đã đến ở cùng chúng ta, Người đã hủy diệt sự mục nát nới nhân tính chúng ta nhờ phục sinh và Người đã đi trước chỉ là để dọn chỗ cho chúng ta, rồi sẽ quang lâm để đem chúng ta đến ở với Người luôn mãi: Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy” (Ga 14,1-3).

Frère Pierre Đình Long FSC