CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN – năm A

Bài 1

Kn 31,10-13.19-20.30-31
Mt 25, 14-30

Chủ đề: Phần thưởng Chúa dành cho những ai hoàn tất bổn phận Chúa đã trao cho.

* Cn 31,30-31: Người phụ nữ kính sợ ĐỨC CHÚA…Hãy để cho nàng hưởng thành quả do bàn tay nàng làm ra.

* Mt 25,21: Được giao ít mà anh đã trung thành…Hãy vào mà hưởng niềm vui của Chủ anh.

Trách nhiệm và quyền lợi; Ân thưởng và hình phạt; Tin tưởng nhau và nghi kỵ nhau…Đó là những chủ đề được Lời Chúa hôm nay đề cập đến. Các chủ đề ấy đan quyện với nhau trong bài đọc một và Tin Mừng của Lời Chúa hôm nay, Chúa Nhật XXXIII A Mùa Thường Niên.

Cụ thể Lời Chúa XXXIII A mời chúng ta chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ qua việc Chúa tin tưởng, trao phó cho con người công cuộc của Chúa. Chúa muốn con người hoàn tất công trình được trao phó để từng người thực sự trở nên cộng tác viên của Chúa trong kế đồ cứu độ thần linh của Người.

Về phía con người, Lời Chúa mời con người phải có thái độ đáp trả tương ứng. Chính thái độ đáp trả ấy sẽ quyết định vận mạng của từng người. Nhưng điều quan trọng hơn là YẾU TỐ NÀO đã đưa con người đến chỗ có được một chọn lựa thái độ đối với Thiên Chúa? YẾU TỐ đó chính là CÁI NHÌN của chúng ta về Thiên Chúa: tin tưởng hay nghi kỵ.

Vời niềm tin tưởng phó thác, con người sẽ dễ dàng đón nhận công cuộc Chúa trao ban như một hồng ân rồi cố gắng hết mình hoàn tất; Cuối cùng trao tất cả lại cho Chúa cả vốn lẫn lời không một lời kể công tính toán.

Trái lại với tương quan nghi kỵ, coi chủ là người hà khắc, bất công, bóc lột, thì con người sẽ coi công việc Chúa trao là một lao dịch nặng nề rồi tìm cách từ khước. Dĩ nhiên những gì mỗi người làm sẽ để lại dấu ấn đậm nét trên cuộc đời họ.

Trong bài đọc một, sách Châm Ngôn thuật lại tấm gương mẫu mực của một phụ nữ đảm đang: nàng nhận lấy mọi công việc nhà chồng làm của mình, và nàng cảm nhận được hạnh phúc, niềm vui khi chu toàn nhiệm vụ của người vợ.

Nền tảng của mọi ứng xử tuyệt vời đó là vì nàng biết rõ “chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng” (c.11) và quyết tâm “suốt đời đem lại hạnh phúc cho chồng (c.12). Tâm tình ấy được nàng biểu lộ ra qua việc làm cụ thể:

  • LAO ĐỘNG: tự nguyện, vui vẻ, sáng kiến tìm kiếm các phương tiện rồi ra tay làm việc cách chủ động, chuyên cần: “Nàng tìm kiếm len và vải gai rồi vui vẻ ra tay làm việc” (c.13); “Nàng tra tay vào guồng kéo sợi và cầm chắc suốt chỉ trong tay” (c.19). Nhà chồng chắc chắn đầy đủ, an vui, hạnh phúc.
  • BÁC ÁI với NGƯỜI NGHÈO: đây là hành vi kéo phúc lộc thần linh xuống cho nhà chồng (Hc 4,10; Tb 4,7-11; Đnl 15,10b): “Nàng rộng tay giúp người nghèo khổ, cứu kẻ khốn cùng” (c.20).
  • ĐẠO ĐỨC: đối với nàng, duyên dáng, sắc đẹp chỉ là phù vân; Điều nàng chân tâm tìm kiếm là lòng kính sợ ĐỨC CHÚA (c.30).

Phần thưởng dành cho nàng không chỉ là hạnh phúc gia đình: “được hưởng trọn thành quả do tay nàng làm ra”, mà còn được tôn vinh giữa cộng đồng dân Chúa: “được tán dương nơi cổng thành” (c.31).

Chủ đề của Chúa Nhật XXXIII A được Tin Mừng diễn tả qua dụ ngôn của Đức Giêsu: Người chủ kia sắp đi xa, tin tưởng vào các đầy tớ riêng của mình, nên ông đã giao cho từng người trong họ một số vốn lớn tùy theo khả năng của họ. Người ít nhất là MỘT YẾN tương đương với 6000 ngày công, nghĩa là 20 năm lao động.

Phần các đầy tớ, khi nhận vốn, đã có hai thái độ khác nhau:

  • Người nhận năm nén và người nhận hai nén, NGAY LẬP TỨC đã ra sức khai thác số vốn làm ăn; kết quả là lợi được gấp đôi.
  • Riêng người nhận được một nén lại đi đào hố chôn giấu số bạc chủ trao.

Và rồi đến ngày chủ ĐẾN và thanh toán sổ sách, thì hai người tôi tớ đã làm ăn sinh lợi được chủ khen và ân thưởng. Phần thưởng chủ yếu không nằm ở vật chất mà là được CHUNG HƯỞNG NIỀM VUI CỦA CHỦ nghĩa là được cùng số phận, chung hưởng hạnh phúc với chủ.

Còn trường hợp người nhận một nén? Đây là trọng tâm của dụ ngôn: vì lẽ nào mà người đầy tớ này lại chống đối chủ, đem chôn Yến bạc? Anh ta KHÔNG TIN NƠI CHỦ: đối với anh ta, ông chủ là người hà khắc, bóc lột, bất công “gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi”, nên anh đâm SỢ, đi chôn tiền cho chắc ăn. Ngờ đâu đó lại là căn nguyên án phạt cho anh. 

Không tin chủ! Do đó án phạt là bị đuổi khỏi nhan chủ, không được hưởng niềm vui hạnh phúc của chủ.

Lời Chúa hôm nay muốn ta hãy tin tưởng vào Chúa, nhiệt tình hoàn tất công việc Chúa trao với tấm lòng biết ơn, hầu được cùng Chúa chung hưởng niềm vui và hạnh phúc Chúa đã dọn sẵn cho đầy tớ tín trung tài giỏi.

Bài 2

“Có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ RIÊNG của mình đến mà giao phó của  cải mình cho họ…Rồi ông ra đi. Lập tức người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán…còn người lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của Chủ” (Mt 25,14-18).

Trích đoạn Tim Mừng hôm nay là đoạn tiếp theo ngay sau đoạn Tin Mừng tuần trước. Đây là dụ ngôn thứ tư trong bài giảng cánh chung, khai triển thêm chủ đề thế nào là CANH THỨC. Bài đọc Tin Mừng các Chúa Nhật trước chỉ mới qui chiếu về các sự kiện, nghĩa là sự đáp trả hờ hững, thiếu quan tâm của nhân loại trong tương quan với tính bất ngờ và chớp nhoáng của Quang Lâm. Thiếu canh thức nghĩa là thiếu đề phòng, chuẩn bị không đầy đủ, do đó không kịp trở tay khi Quang Lâm thình lình ập tới. Yếu tố chính quyết định số phận mỗi người là thái độ của mình trong tương quan với công việc được ủy thác, cụ thể là không hoàn tất được trách nhiệm, bổn phận đã lãnh nhận, được biểu lộ qua cuộc sống thường nhật trong khi chờ Quang Lâm đến:

  • Sự thiếu sẵn sàng, thiếu tổ chức, sự sơ hở trong việc canh phòng. Đó là điều được dụ ngôn một đề cập đến (x.Mt 24,42-44).
  • Sự lạm dụng quyền bính, không làm tròn nhiệm vụ chủ trao (24,49-50)
  • Sự ỷ lại, không chuẩn bị đúng mức dầu đèn (25,1-12)
  • Đến dụ ngôn thứ tư hôm nay, yếu tố quyết định vận mạng chuyển từ những thiếu sót bổn phận trong việc làm, trong trách vụ sang mối tương quan giữa người tôi tớ với Chủ. Yếu tố xét phạt tội nhân không dựa trên những thiếu sót trong bổn phận mà dựa trên chính tư tưởng anh ta có về người chủ của mình. Đối với tên “đầy tớ tồi tệ biếng nhác” đó, ông chủ là một người hà khắc, là một chủ nô chuyên bóc lột người nghèo, “gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi”. Chủ là một người đáng sợ. Chính vì cái nhìn lệch lạc về Chủ như thế, nên đối với hắn, ân huệ Chủ thương trao (yến vàng làm vốn) lại bị hắn xem là gánh nặng, công cụ bóc lột. Do đó hắn phản kháng lại bằng thái độ không cộng tác: đem chôn yến vàng rồi chờ Chủ về để TRẢ LẠI.

Như vậy, suốt thời gian Chủ vắng mặt, hắn “ngồi chơi xơi nước”, ăn bám vào tài sản của Chủ: nhà cửa, cơm ăn, tất cả mọi nhu cầu hắn hưởng dùng hằng ngày đều là của Chủ. Vô ơn là thế!

  • Còn trong dụ ngôn năm (25,31-46), yếu tố quyết định vận mạng chung cục của mỗi người qui chiếu về mối tương quan với tha nhân, nhất là những người nghèo là những người được Con Người đồng hóa Người với họ. Chúng ta sẽ khai triển chủ đề này tuần tới.

Tuần này chú trọng đến mối tương quan đối với Chủ: CANH THỨC chính là tôn trọng, biết ơn Chủ, đưa tới hành vi cụ thể là hết lòng làm lợi những yến vàng đã được Chủ trao ban.

  • “Có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ RIÊNG CỦA MÌNH đến mà giao phó của cải mình cho họ”: Xin nhắc lại rằng “bài giảng về thời cánh chung” được Đức Giêsu nói riêng cho Nhóm Mười Hai: “các môn đệ đến gặp RIÊNG Người và hỏi…” (x.Mt 24,3). Vậy “người sắp đi xa” ám chỉ Đức Giêsu; “đi xa” là Thăng Thiên; “đầy tớ RIÊNG” là các tông đồ.

Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu biết mình sắp đi xa và Người đã yêu thương các môn đệ đến cùng (x.Ga 13,1) nên trước khi từ biệt đoàn môn đệ thân yêu Người đã trao cho họ những “yến” bạc: luật yêu nhau như Thầy (x.Ga 13,34); việc phục vụ truyền giáo “rửa chân cho nhau” như Thầy làm cho anh em (x.Ga 13,14-15); trao ban bí tích Thánh Thể và bí tích Truyền Chức (x.Mt 26,26-28; Lc 22,19); Tinh thần phục vụ (x. Lc 22,24-27).

Những gì Chúa trao cho các tông đồ, được mở rộng ra cho tất cả mọi người và từng người cách thích hợp: “ông trao cho người này năm yến…hai yến…một yến, tùy khả năng RIÊNG mỗi người” (x.Mt 25,15). Chúng ta không bận tâm đến các “yến bạc” đó cụ thể ám chỉ điều chi; chỉ cần biết đó là những hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban cho từng người; còn điều ta suy tư đó là thái độ đáp trả của mỗi người trước hồng ân bao la đó.

  • Đáp trả của các môn đệ ( 25,16-18).
    Tin Mừng trình bày hai lối đáp trả trái ngược nhau:
  • “Lập tức”: nghĩa là ngay tức khắc khi vừa nhận lệnh xong là các môn đệ tận dụng ngay trọn vẹn thời gian Chủ vắng mặt, không để uổng phí giây phút nào. Cách nói “lập tức” làm nổi bật sự hòa hợp mau chóng, cao độ giữa Chủ và tớ, giữa ý Chủ và hành vi của các “đầy tớ RIÊNG” của Chủ. Đó là hành vi tích cực của người đã nhận được năm yến và của người đã nhận được hai yến.
  • Tiếc thay có một người cũng ngay lập tức bộc lộ ngay tâm tình chống đối Chủ_chắc là đã chất chứa, ấm ức từ lâu_biểu lộ qua thái độ tiêu cực: “đào lỗ chôn giấu số bạc của Chủ”, chờ sẽ trả lại cho Chủ.

Như vậy, qua dụ ngôn này, “CANH THỨC” trước tiên là một tương quan nội tâm, là sự tuân phục, hòa hợp cuộc sống, tư tưởng, hành động của mình với lệnh truyền, với lòng tin tưởng của Chủ đối với mình. “Canh thức” là nhận ra được, trong “yến bạc” chủ trao, tình yêu và lòng tin tưởng của Chủ đối với mình và mau chóng đáp lại bằng lòng biết ơn rồi ngay tức khắc ra tay hành động hết lòng thực thi ý Chủ trong từng giây phút của cuộc đời này.

  • Chủ ĐẾN và thanh toán sổ sách:

Nhắc lại: Matthêu cố ý dùng từ “Chủ ĐẾN” chứ không “Chủ trở về”: rõ ràng ám chỉ thời điểm cánh chung, ngày Quang Lâm.

  • Tường trình và phần thưởng danh cho hai đầy tớ “tài giỏi và trung thành”.

Phần nói về hai đầy tớ tốt được trình bày làm hai phần giống hệt nhau theo một công thức gồm ba phần:

  • Người lãnh năm (hai) yến trình bày kết quả việc làm của mình: cả hai đều đạt kết quả tối đa, gấp đôi (câu 20 và 22).
  • Chủ khen ngợi là “đầy tớ trung thành và tài giỏi”, kèm theo lời hứa trao phó công việc lớn lao hơn (câu 21ab và 23ab).
  • Phần thường: “hãy vào hưởng niềm vui của Chủ anh” (câu 21c và 23c).

Chủ khen ngợi và hứa trao cho công việc lớn lao hơn có nghĩa là Chủ cho đi vào trong tương quan thân tình hơn, trở thành người đáng tin cậy hơn trong mắt Chủ. Vậy CANH THỨC là đi vào mối tương quan thân tình với Chúa mỗi ngày một hơn, cụ thể là làm cho những hồng ân Chúa đã phó trao cho mình ngày càng sinh hoa kết trái.

Còn phần thưởng Chủ ban không phải là một lợi lộc vật chất nào, mà chính là được hưởng niềm vui của chính Chủ.

  • Tường trình và án phạt dành cho tên đầy tớ “tồi tệ và biếng nhác”:
  • Cội nguồn của hành vi chôn yến bạc của tên đầy tớ tồi tệ và biếng nhác chính là cái nhìn sai lệch về ông Chủ. Đối với hắn, Chủ là một kẻ bóc lột, hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi nên hắn sợ và không muốn giữ mối liên hệ, dính bén hoặc nghĩ gì đến Chủ. Tâm tình đó được biểu lộ qua việc đem chôn yến bạc. Hắn đơn phương cắt đứt mọi tương quan với Chủ ngay trong hiện tại, lúc Chủ “đi xa”. Đối với hắn không cần “canh thức” vì hắn sống như không có Chủ.
  • Phản ứng của Chủ (câu 26-28).

Tên đầy tớ xấu này hoàn toàn sai lầm. Chủ không cần đến tiền lời lẫn vốn do các đầy tớ nộp lại. Làm được bao nhiêu, Chủ cho hết bấy nhiêu và còn cho thêm nữa (x.25, 21.23.28). Những gì Chủ sai làm chỉ là cái cớ Chủ tạo ra để huấn luyện và ân thưởng cho các đầy tớ trung thành.

Đối với tên đầy tớ chôn bạc này Chủ gán tội danh “tồi tệ và biếng nhác”. Chủ không biện minh cho bản thân mình về lời cáo tội của hắn; Chủ chỉ ra cho hắn thấy cái sai lầm trong hành vi “chôn bạc” của hắn, và Chủ dùng chính lời nói của hắn để luận tội hắn:
Nếu anh đã biết rằng tôi hà khắc, bóc lột, thu nơi không gieo…Vậy mà tôi đã gieo nơi anh một yến bạc. Vậy anh lấy gì để thỏa đáp được tính hà khắc, bóc lột của tôi khi anh chôn yến bạc tôi đã trao cho anh? Vậy chính lời anh nói sẽ là án phạt cho anh.

  • Án phạt:

Lấy lại yến bạc (c.28a): thực ra Chủ nhận lại yến bạc mà tên đầy tớ xấu hoàn trả (c.25b); Rồi trao cho người khác, người biết làm sinh lợi. Ơn Chúa không bao giờ là vô ích đối với nhân loại (x.Is 55,10-11), chỉ có khoảng đất nào khước từ ân huệ Chúa thì chỉ nơi đó mà thôi mới không sinh hoa lợi (x.Mt 13,4-7).

Chung cuộc đương nhiên là án phạt. Tuy nhiên đó không phải là nhục hình, lửa thiêu, bạo lực…Nhưng án phạt được trình bày như là một mối tương quan qui chiếu về Thiên Chúa, về ông Chủ ngược lại với “phần thưởng” của người lành. Người lành thì VÀO HƯỞNG NIỀM VUI CỦA CHỦ. Còn án phạt kẻ ác là QUĂNG RA NGOÀI, ở trong tối tăm, KHÓC LÓC NGHIẾN RĂNG.

Trong suốt thời gian Chủ tạm vắng mặt, tên đầy tớ xấu đã sống biệt lập không chút tương quan thân tình nào với Chủ: nhà cửa, cơm nước, tiện nghi hằng ngày hắn thụ hưởng là của Chủ, thế nhưng hắn vẫn coi Chủ là “hà khắc” bóc lột và cắt đứt mọi tương quan với Chủ qua việc đào chôn yến bạc Chủ trao. Giờ đây trước mặt Chủ hắn biểu lộ quyết liệt sự đoạn tuyệt ấy bằng thái độ xấc xược trả lại yến bạc: “của ông đây, ông cầm lấy!” (c.25b). Tôi không cần ân huệ của ông!

Và như thế, án phạt chỉ là việc Chủ thực hiện cho hắn điều mà từ bao lâu nay hắn đã sống, nhưng lần này là VĨNH VIỄN: “quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài – ở đó sẽ thỏa mãn ước nguyện không bao giờ gặp được Chủ nữa – và hắn sẽ nghiệm ra rằng: đó là nơi khóc lóc, nghiến răng.

Vậy “CANH THỨC” là luôn tỉnh táo đối với chính bản thân mình để đón nhận, duy trì, phát triển mối tương quan, tình nối kết với Thiên Chúa. “Canh thức” là trước mọi tình huống dù tốt dù xấu, thì tôi vẫn phải hướng về Chúa: Chúa muốn gì cho con qua biến cố này?. Và đón nhận tất cả trong tâm tình tri ân: “thưa ông Chủ, ông đã giao cho tôi và tôi đã làm lời”.

Chính trong tâm tình tri ân đó, các đầy tớ tốt sẽ thật sự hưởng được NIỀM VUI gặp lại Chủ và được Chủ mời VÀO HƯỞNG NIỀM VUI của CHỦ.

“Canh thức” là ngay trong hiện tại sống niềm khát khao, niềm vui mong được gặp Chủ bằng nổ lực thực thi ân huệ, “yến bạc” chủ trao trong cuộc sống mỗi ngày.

Frère Piere Đình Long FSC