Chút tâm tình trước Thánh Thể

“Mọi thụ tạo đều cần lương thực để sống, đó là lý do vì sao Thiên Chúa dựng nên cây cối và thực vật. Đây là một bàn tiệc để muông thú đến lấy thức ăn phù hợp với chúng. Thế nhưng, linh hồn cũng phải được dưỡng nuôi. Vậy, lương thực dưỡng nuôi linh hồn từ đâu mà có? Khi Thiên Chúa muốn ban lương thực cho linh hồn chúng ta để có sức tiến bước trong cuộc lữ hành dương thế, Ngài đã lục lọi trong trời đất vạn vật, mà chẳng thấy điều gì là xứng hợp. Thế nên, Ngài đã cậy nhờ vào chính bản thân mình và quyết định hiến ban chính mình Ngài.  

Lương thực nuôi sống linh hồn chính là Mình và Máu Chúa! Quả là lương thực mỹ vị! Linh hồn chỉ có thể được Chúa dưỡng nuôi mà thôi! Không ai ngoài Chúa có thể đáp ứng được điều đó. Duy mình Chúa mới có thể làm thỏa mãn cơn đói khát của linh hồn. Linh hồn tuyệt đối cần Thiên Chúa. Suốt cả tuần, người ta tích góp, tiêu sài, mua bán; song tất cả chỉ vì thân xác mà thôi. Vậy, mỗi tuần một lần, hãy sắp xếp mọi thứ để chuẩn bị yến tiệc cho linh hồn bất tử nhé: Ôi bữa tiệc thơm ngon! Ôi Bánh Thiên đình! Quả là một đặc ân! để có thể dưỡng nuôi linh hồn con người và nuôi dưỡng bằng chính Thiên Chúa”[1].

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, những lời của cha sở họ Ars_ Gioan Maria Vianney, vị bảo trợ của các linh mục, nhắc nhớ chúng con ý thức về giá trị của tặng phẩm thần linh mà hằng ngày Chúa ban tặng chúng con.

Xin cho tâm hồn chai cứng và tâm trí u mê của chúng con thực sự được chữa lành nhờ linh dược thần linh này. Xin khơi gợi lên nơi con người yếu đuối mỏng giòn của chúng con một niềm khát khao, để biết chạy đến lãnh nhận tặng phẩm thần linh ấy. Và xin mở mắt đức tin, để chúng con có thể chân nhận sự hiện diện ẩn tàng của Đấng Phục Sinh nơi Nhiệm tích Cực Thánh.

Ôi! Nhiệm tích Thần Linh. Ôi! Nhiệm tích Cực Thánh. Chúa đáng mọi lời tán dương và ca tụng muôn đời. Amen.        

MANNA THỜI HIỆN ĐẠI

Hành trình về đất hứa là một cuộc hành trình dài và đầy gian khổ. Trong cuộc hành trình ấy, dân được tuyển chọn phải đối diện với những vấn đề rất hiện sinh, liên quan đến việc sinh tồn: đói, khát, giao tranh với kẻ thù,… những nhu cầu hiện sinh ấy khiến cho dân chúng rơi vào tình cảnh chán chường, thất vọng và rồi đi đến chỗ nghi ngờ. Họ bắt đầu than trách: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê.” (Xh 16,3). Lại là một lời càm ràm ta thán trước nhu cầu vật chất của kiếp người. Làm ma no bên xứ người còn sung sướng bội phần hơn làm ma đói trong hành trình tiến về Ca-na-an. Thiên Chúa đã làm gì? Phải chăng lại là một án phạt như khi Ngài khiến rắn độc ra hại dân (Ds 21,4-9). Thưa không. Thiên Chúa đã phán cùng Mô-sê: “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn.” (Xh

16,4). Và dân đã được nuôi dưỡng bằng chính manna do Thiên Chúa tặng ban. Sáng sớm, khi thức dậy, họ thấy có những thứ gì trăng trắng nằm trên cỏ, nên bèn hỏi nhau: Manhu (nghĩa là cái gì thế?). Mô-sê trả lời: Đây là lương thực mà Đức Chúa ban cho anh em. Ai muốn ăn bao nhiêu tùy thích. “Con cái Ít-ra-en đã ăn man-na suốt bốn mươi năm, cho đến khi họ tới đất định cư; họ đã ăn man-na cho đến khi tới ranh giới đất Ca-na-an” (Xh 16,35).

Tình cảnh của dân chúng thời Cựu Ước, dường như một lần nữa, lại được tái hiện nơi đám dân thời Đức Giê-su. Sau khi được ăn no nê qua phép lạ hóa năm chiếc bánh và hai con cá, dân chúng đến tìm gặp Đấng Mê-si-a, với ước mong có thêm nhiều bánh để ăn. Đáp lại, Đấng Mê-si-a chỉ cho họ nhận ra rằng: “Bánh vật chất chỉ thỏa mãn cơn đói tức thời mà thôi, rồi sau đó đói lại hoàn đói”. Ngài mời gọi họ ra công tìm kiếm của ăn trường tồn.

Của ăn ấy chính là Thân Mình Ngài: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, sẽ có sự sống đời đời. Và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. Vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” (Ga 6, 53-55).

Không còn là Manhu hay manna thời xưa nữa, nhưng là manna thời hiện đại. Manna ấy chính là phương dược thần linh nuôi dưỡng thế gian và chúng nhân.

Làm sao để có được manna hiện đại ấy? Thưa, manna ấy tự bản chất là một tặng ân từ Đấng Hằng Sống. Không cần mua nhưng chỉ cần đến lãnh nhận mà thôi. Tuy nhiên, để đến lãnh nhận, người ta cũng cần cộng tác chút ít. Đức Giê-su đã nói: “Hãy ra công làm việc”. Làm việc ở đây không hiểu theo nghĩa “bỏ sức lao động ra” để có tiền mua gạo nấu cơm, nhưng “làm” ở đây muốn nói đến thái độ tin nhận và cộng tác với tặng phẩm thần linh của Đấng Hằng Sống.

Sau biến cố tại cổng thành Đa-mát, thánh Phao-lô, từ một con người nhiệt thành bắt bớ đạo Chúa, đã trở thành một tông đồ nhiệt thành loan báo ơn cứu độ được thực hiện trong Đức Ki-tô.

Phao-lô thưa với Chúa: “Ngài là ai?” Và “tôi phải làm gì?”. Đức Giê-su đã gửi Khanania đến cho Phao-lô, để giúp ông biết phải làm gì? Điều Chúa muốn Phao-lô làm là chịu phép rửa và sinh lại trong Thần Khí. Phao-lô đã được tắm gội và được ăn thứ manna hiện đại ấy do Đức Ki-tô ban tặng. Vì được ăn thứ manna hiện đại ấy nên ngài đã mạnh dạn tuyên bố: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống, nhưng là chính Đức Ki-tô sống trong tôi.” (Gl 2,20)

Con người hiện đại cũng nạp vào mình biết bao của ăn bổ dưỡng. Họ sẵn sàng đầu tư tiền của để có được những thực phẩm bảo đảm chế độ dinh dưỡng, có chất lượng và hiệu quả ngăn ngừa bệnh tật. Song những thực phẩm ấy cũng chỉ giải đáp cho bài toán sức khỏe thể lý. Còn cái đói thiêng liêng thì xem ra đành chịu. Con người là tổng thể của xác và hồn (nói theo triết học Hy Lạp), còn theo thánh Phao-lô: con người là tổng thể của tâm hồn, thân xác, và thần trí2. Không chỉ xác đói, mà tâm hồn cũng đói và thần trí cũng thế. Thỏa mãn cơn đói thể lý thì mới chỉ đáp ứng được một phần ba trong cái tổng thể ấy. Cần một thứ lương thực có thể xoa dịu mọi cơn đói tổng thể của con người?

Chân phước Carlo Acutis, một vị thánh của thời hiện đại, đã minh chứng cho người thời nay về sức mạnh và giá trị của lương thực có khả năng thỏa mãn cái đói tổng thể của nhân loại. Lương thực ấy chính là Đấng Phục Sinh hiện diện nơi Thánh Thể.

Thánh Thể là lương thực thần linh nuôi dưỡng xác hồn người lãnh nhận, và còn là bảo chứng cho niềm hy vọng về sự sống mai hậu. Vị chân phước nói: “Thánh Thể chính là đường cao tốc dẫn tới thiên đàng”. Để tới đích, con người cần phải đi. Mà trên đường đi, con người cần có sức. Để có sức, con người cần được ăn, nhưng phải ăn thực phẩm có chất lượng cơ, phải là hàng chính hãng, chứ không phải hàng giả theo lời quảng cáo bóng bẩy. Đức Giê-su giới thiệu về manna hiện đại này chính là “Thánh Thể”, là Thân Mình Chúa và là chính Chúa.

Lạy Chúa Giê-su, con cảm thấy cơn đói khát vẫn ẩn sâu trong tâm hồn con. Khát mong mãi thứ manna hiện đại, ước mong mãi để có được manna ấy và thực sự sống nhờ manna ấy. Nỗi khát mong ấy cũng giống như nỗi khát mong mà Vịnh gia đã diễn tả: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?

Châu lệ là cơm bánh đêm ngày, khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi: “Này Thiên Chúa ngươi đâu?” Tôi thả hồn miên man tưởng nhớ thuở tiến về lều thánh cao sang đến tận nhà Thiên Chúa, cùng muôn tiếng reo mừng tán tạ, giữa sóng người trẩy hội tưng bừng. Hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn, xót xa phận mình mãi làm chi? Hãy cậy trông Thiên Chúa, tôi còn tán tụng Người, Người là Đấng cứu độ, là Thiên Chúa của tôi”. (Tv 42, 2-6)

Cát Bụi, SSS

[1] https://coriolaracatholicparish.com.au/st-john-vianney-on-theeucharist
2 1Tx 5,23.