CÔ ĐƠN Ư ? NHÌN THẬP TỰ BẠN NHÉ !

 

          Cô đơn là cái chi chi ! Cô đơn là cảm giác không thể gọi thành tên, cứ mênh mang như một cảnh vực trong lòng người.

          Cô đơn là những lúc chỉ có mình ta với ta, buồn không có ai tâm sự, vui không có ai sẻ chia,…. Cô đơn là khi con người chỉ biết sống cho bản thân….
Là khi chúng ta tự tách mình ra khỏi gia đình, bạn bè và xã hội….. Cô đơn thì sẽ không có niềm vui và tiếng cười, cô đơn là buồn….. Người cô đơn là những con người chỉ sống vì mình, hoặc vì một thứ gì đó vô nghĩa mà không biết sống vì bất kỳ ai khác, không quan tâm đến bất cứ ai…Người cô đơn là những người mang tâm hồn lặng lẽ…Có những người hàng ngày luôn tỏ ra vui vẻ. Nhưng biết đâu sâu thẳm trong những tâm hồn ấy lại chất chứa nỗi cô đơn….

          Và có người gọi “Cô đơn là cho đi mà không có người nhận, là muốn nhận mà chẳng có ai cho. Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ đợi chẳng bao giờ đến. Như hai bờ sông nhìn nhau mà vẫn nghìn trùng cách xa bởi dòng sông, nên cô đơn là gần nhau mà vẫn cách biệt. Không phải cách biệt của không gian mà là cách biệt của cõi lòng”.

          Bi đát hơn nữa, cô đơn có thể đưa tới sợ hãi và tuyệt vọng. Kinh nghiệm đau thương này có thể xẩy ra cho con người trong mọi thời đại, nhất là thế giới hôm nay, một thế giới văn minh có đầy đủ mọi phương tiện để hưởng thụ, có thể lấp đầy mọi khoảng trống của không gian và thời gian, nhưng lại thiếu một điều cần nhất để có thể lấp đầy tâm hồn con người : đó là một trái tim biết cảm thương, một tấm lòng biết trắc ẩn, một tâm hồn biết mở rộng và dám ra khỏi mình để gặp gỡ, chia sẻ, đối thoại và trao ban những gì mình có thể, để đem lại niềm vui và phấn khởi cho nhau trong cuộc đời.

          Trong thân phận làm người, có lẽ Chúa Giêsu nếm cảm được những cảm xúc cô đơn như con người vậy.

          Chúa Giêsu cũng đã gánh chịu nỗi cô đơn thống thiết vì sự vô tâm và lòng dạ hiểm ác của con người chúng ta.

          Trong hành trình Thương Khó., ta thấy Chúa Giêsu chạm phải nỗi cô đơn kinh hoàng. Nỗi cô đơn ấy đã dâng cao trong nhiều giờ phút cuối đời Ngài khi bị treo lơ lửng giữa trời và đất, làm trò cười cho những người xung quanh. 

          Từ trên Thánh giá ngước nhìn trời cao
          môi khô rã rời bơ vơ Chúa hỏi “sao nỡ đành bỏ con?”
          Từ trên cao ấy Chúa nhìn xung quanh, tình đời bạc đen
          tình người hờn ghen Chúa gục đầu đơn côi.

          Đau lắm ! Đắng lắm ! Mới hôm qua cùng chấm chung một chén cơ mà ! Mới hôm kia mới làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cơ mà !  Mới hôm kìa chữa cho khỏi phong hủi cơ mà ! Ấy vậy mà những kẻ thụ ơn quay lưng tất cả và tất cả. Sao người đời lại mau quên ơn và phụ ơn người ban ơn cho mình như thế  ? Sao tình người bạc như vôi như thế ?

          Kèm theo lối hành xử của đám người bạc bẽo như vôi, Chúa Giêsu lại còn cảm thấy như bị chính Chúa Cha bỏ rơi. Ngài đã đi đến tận cùng sự cô đơn của con người.

          Nếu như ta đặt tâm trạng của ta vào tâm trạng của Chúa trên đỉnh đồi Canvê ta sẽ “thấm đòn” tình người như thế nào ? Và, cũng chả cần bị treo trên thập giá, chỉ nhìn lại những giây phút khủng hoảng trong cuộc đời, khi bị người đời khinh dễ, ta dư cảm nhận những người mà vẫn gọi ta là chí cốt, là tình cốt nhục, là linh tông huyết tộc như thế nào ?

          Ai đã hơn một lần rơi vào cảnh cô đơn sẽ dễ cảm nhận hơn người chưa bị. Mà chắc là người có ai thoát khỏi cảnh cô đơn đâu.

          Trong những lần những lúc bị người đời chà đạp, bị hàng xóm chửi chê, bị chính anh em chấm cùng chén hất đổ ta lại càng cảm thấu sự cô đơn và đau khổ. Những khoảnh khắc ấy, có thể nói đau khổ nhưng cũng làm cho ta trưởng thành và lớn lên trong ân nghĩa của Chúa. Bạn bè ta bỏ ta chứ Chúa không bao giờ bỏ ta.

          Và rồi trong giờ phút cô đơn tột cùng trên thập giá, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta chân lý tối hậu của Kitô giáo. Chân lý đó là “Thiên Chúa là Tình Yêu.” Qua thái độ tin phục và tín thác, Chúa Giêsu đã tỏ bày cho chúng ta thấy rằng : Chỉ trong Thiên Chúa Tình Yêu, con người mới tìm gặp được bản thân và thắng vượt được sự cô đơn.

          Như Chúa Giêsu, khi ta cô đơn, ta cũng hãy vâng phục và tín thác tất cả mọi sự trong tình yêu của Chúa. Có như vậy, ta sẽ bình an như Thầy Chí Thánh của ta.

          Và vì thế, bạn còn ai là bạn tâm giao, là người chí cốt hãy cố mà giữ lấy nhé ! Đừng bao giờ đạp đổ nhưng ai đang đồng hành với mình, đang yêu thương mình và hy sinh cho mình. Ít là để chung chia những mặn đắng của cuộc đời và cũng là cùng bạn “lê bước” lên đỉnh đồi Canvê để chịu đóng đinh như Thầy Chí Thánh.

          Đời này ngắn và vắn lắm nên rồi hãy yêu nhau người ơi ! Đừng loại trừ nhau và đừng đạp đổ nhau người nhé !

Huệ Minh