CÓ TRỌNG LƯỢNG NGANG VỚI THẬP GIÁ
“Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thiên Chúa, Đấng xót thương và nhân ái nhưng cũng là Đấng công thẳng, đòi con người công thẳng; và công thẳng của Thiên Chúa chính là xót thương. Đó có thể là chủ đề của phụng vụ Lời Chúa hôm nay.
Bài đọc Cựu Ước cho thấy, dù yêu thương Israel hơn tất cả các dân, Thiên Chúa vẫn không chịu nổi sự bất trung của dân, Người đã công thẳng trị tội họ. Chỉ trong bài đọc Êzêkiel hôm nay, Người gọi họ đến bốn lần là “dòng giống phản loạn” khi dân làm điều trái mắt Người. Người truyền cho Êzêkiel khoét tường, mang bị đi giữa ban ngày để nói cho dân rằng, nếu cứ cố chấp và không thay đổi cách sống, dân sẽ phải đi lưu đày. Và quả Người đã để cho điều đó xảy ra.
Tân Ước cho thấy hình ảnh một Thiên Chúa thương xót và nhân ái nơi con người Chúa Giêsu; thế nhưng, đó vẫn là một Thiên Chúa công thẳng đòi con người phải công thẳng khi xót thương và nhân ái với đồng loại. Trong Tin Mừng hôm nay, Phêrô háo hức đến hỏi Chúa Giêsu, “Thưa Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?”. Ngài trả lời, “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”. Con số bảy của người Do Thái muốn nói rằng, phải tha hết, tha mãi; đặt lên bàn cân, bảy mươi lần bảy có trọng lượng ngang với thập giá, biểu tượng lòng thương xót và thứ tha của Thiên Chúa.
Tiếp đến, Chúa Giêsu kể cho họ dụ ngôn kẻ mắc nợ được tha cả vạn nén bạc đang tâm không tha cho người bạn mắc y một phần muôn số nợ đó; và nhà vua kết luận, “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?”. Hẳn không ai trong chúng ta muốn cho mình những lời công thẳng ấy. Vì sau đó, chúng ta sẽ bị tra tấn cho đến khi trả hết nợ nần do tội lỗi mình. Chúa Giêsu vô cùng khát khao tránh được một cuộc đối đầu kinh khủng như vậy với mỗi người chúng ta; Ngài không muốn bắt bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm về sự xấu xa của tội lỗi mình. Tuy nhiên, thật hiểm nghèo khi chúng ta không hội đủ điều kiện duy nhất để hưởng nhận lòng thương xót Chúa, đó là cố chấp, không công thẳng, khi không thương xót và tha thứ cho anh em mình.
Chúng ta không được coi nhẹ điều này, cũng đừng chủ quan khi nghĩ rằng, Thiên Chúa tốt lành để rồi muốn sống sao thì sống. Đây là lý do để Chúa Giêsu kể ra dụ ngôn hôm nay; Ngài từng nói đến ngày chung thẩm, ngày mà thợ gặt thu lúa vào kho, rơm rạ đem đốt, và ở chỗ khác, “Hỡi phường gian ác, tránh cho khuất mắt Ta, Ta không biết các ngươi là ai”. Tại sao Chúa Giêsu lại quyết liệt đòi buộc chúng ta phải công thẳng như thế? Bởi vì bạn không thể nhận được những gì bạn không sẵn sàng cho đi. Nếu muốn được thương xót, bạn phải cho đi lòng thương xót; muốn được tha thứ, bạn phải biết thứ tha, và đó là công bằng, công thẳng. Nếu bạn không sợ Thiên Chúa phán xét và lên án nghiêm khắc, thì hãy cứ tiếp tục phán xét và kết án gay gắt người anh em mình đi. Thiên Chúa sẽ trả lại cho ai nấy những gì xứng với việc họ làm.
Theo Jack Canfield, tác giả cuốn Người Nam Châm, “Luật hấp dẫn là một quy luật quyền năng trong vũ trụ. Ngay lúc này, luật hấp dẫn đang vận hành trong cuộc sống bạn. Có thể hiểu đơn giản, bạn sẽ hấp dẫn tất cả những gì bạn tập trung. Hướng niềm tin và dồn công sức vào điều tích cực, bạn sẽ thu hút được thêm nhiều điều tích cực; ngược lại, chỉ nghĩ đến những thứ tiêu cực, cuộc sống bạn sẽ trở nên tiêu cực. Để hạnh phúc, mỗi người hãy học tha thứ, học quên. Bởi lẽ trong cuộc sống này có những thứ cần nhặt lên và bỏ xuống đúng lúc. Nếu cứ bị giày vò mãi bởi những sai lỗi của người khác, chúng ta sẽ bị loại ra ngoài vòng tròn hạnh phúc”.
Anh Chị em,
Tập trung vào Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nên giống Ngài. Học thương xót và thứ tha như Ngài, chúng ta sẽ biết xót thương, tha thứ và nhất là, sẽ tránh được sự công thẳng của Thiên Chúa.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con nợ Chúa quá nhiều, Con Chúa đã trả thay con. Xin cho con biết xót thương và tha thứ cho anh em con như Chúa đã thương xoá nợ của con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)