Nhớ ngày họp mặt. Gởi diễn đàn đôi cảm xúc.
TÔI ĐI DỰ HỘI NGỘ THÁNH GIA THĂNG TIẾN LẦN II
Đúng 7g30 sáng ngày 2 tháng 3 năm 2017 tôi có mặt tại phi trường Tân sân Nhất, không dám trễ một phút, theo lời dặn: có mặt trước giờ bay 120 phút(giờ bay là (9g30). Tôi sợ lỡ chuyến bay như lần hội ngộ thứ nhất năm 2010. Lần đó chúng tôi bay chuyến chiều 6g. Tôi đi từ Biên Hòa, Đồng Nai lúc 3g chiều, đến phi trường lúc 6g , phi cơ vừa cất cánh . Biên Hòa cách Saigon khoảng 40km, đi mất 3 giờ, vừa kẹt xe vừa trời mưa. Tôi đi xe buýt, xe buýt kẹt, đổi xe ôm, xe ôm ngập mưa, đổi taxi , taxi kẹt, lại đổi xe ôm, cũng không kịp. Cha Bùi Đức Vượng bay một mình. Đêm đó tôi ra bến xe Miền Đông, đón xe, sáng hôm sau đến nơi, vừa kịp họp mặt.
Làm thủ tục xong, lên phòng đợi, tôi đi từng hàng ghế, điểm mặt từng hành khách xem có ai có dáng Phú Bổn không.Tôi thấm thía lời của một nhà thơ nào đó:
Không cái lâu nào bằng cái lâu kẻ đợi chờ,
Không cái lạnh nào bằng cái lạnh kẻ bơ vơ.
Lúc này tôi vừa đợi chờ vừa bơ vơ. May quá, đang xớ rớ trước cổng số 3, tôi thấy một ông già tóc bạc phơ, dẫu khuôn mặt vẫn hồng hào. A, cha Nguyên. Phải, thày Nguyên đang hàn huyên giữa 2 học trò cũ cùng tên Huệ.Tôi nhận ra cha và cả 2 trò. Kathy Huệ vẫn khuôn mặt tròn và nụ cười thuở nào. Tôi biết còn một nhân vật nữa cũng bay trong chuyến này.Với tôi, đây là một“người… quen không chân dung”. Chúng tôi chưa một lần hạnh ngộ, dù chúng tôi đã gặp nhau trên Face Book, dẫu có nickname, dẫu có cả chân dung. Nhưng thế giới Face, ai biết được. Và tôi đã gặp được cô- cô Lê thị Hai, bóng hồng duy nhất trong lịch sử ban giảng huấn của Thăng Tiến. Hiếm chắc phải quí. Và như thế là khoảnh khắc chờ đợi của tôi như ngắn lại.
Chúng tôi đã hạ cánh xuống phi trường Pleiku sau 50 phút bay.Cô tiếp viên hàng không xinh đẹp thông báo : bây giờ là 11g10. Nhiệt độ bên ngoài là 17o C. Tôi hiểu được tâm trạng của anh lính chiến ngày nào trong bản nhạc “Còn một chút gì để nhớ để quên”: “Anh khách lạ, đi lên đi xuống , may mà có em , đời còn dễ thương”. Tôi dõi mắt nhìn quanh xem có thấy “em Pleiku má đỏ môi hồng “ nào không. Nhưng xe của ban tổ chức Hội ngộ đã vội đón chúng tôi về Phú Bổn. Chưa thấy em nào, nhưng chúng tôi đã cảm được “ ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”. Vì 17o C với người miền xuôi chúng tôi đã là tiết trời xe lạnh rồi.
Đến Mỹ Thạch ( Chư Sê?) cha Nguyên đề nghị ăn trưa. Chúng tôi vào nhà hàng Cheo Reo. A, đồng hương đây rồi.( Cheo Reo là tên cũ của Phú Bổn)Tôi như đã ngửi thấy mùi Phú Bổn, mặc dầu còn 50 km nữa mới tới nhà. Cha Nguyên đãi bữa cơm đồng quê thật ngon. Có dưa chua, mắm xào, cá ruội kho nước dừa, canh gà lá giang, cả dồi trường nữa.
Đến cổng nhà thờ Phú Bổn, tôi nghe như có luồng điện chạy dọc xương sống. Tim tôi đập loạn xạ như lần đầu cầm tay người yêu. Mà đây rồi, người yêu của tôi đây rồi. Phú Bổn của tôi đây rồi. Đi trên đường Trần Hưng Đạo, tôi tưởng như thấy lại bao dấu chân mình ngày xưa. Vẫn con đường chính phố thị đó, lúc xưa ngày 2 buổi chúng tôi đi đi về về giữa nhà thờ và trường Thăng Tiến. Tôi nghe như đường phố reo vui chào mừng chúng tôi.
Đến cổng trường ngày xưa, giờ là nhà thi đấu của huyện Ayunpa. Ngôi trường cũ và thư viện đã bị xóa sổ. Dãy nhà Ký túc xá vẫn còn giữ lại. Tôi đứng lặng trước cổng , lòng quặn đau, không cầm nổi nước mắt. Tôi hiểu được phần nào 2 chữ “đoạn trường”.
Thày trò gặp nhau, mừng mừng, tủi tủi. Sau những cái bắt tay và ôm ghì nồng ấm, các em thường hỏi: Thày nhớ em không?
– Nhớ chứ. Nhớ quá ấy chứ.
– Thày nhớ tên em không?
Câu hỏi thứ hai này thực sự làm tôi bối rối. Gần nửa thế kỷ rồi. Ngày đó em còn tắm tiên sau sân trường, giờ em đã lên nội, lên ngoại. Bao thăng trầm, đổi thay, làm sao tôi nhớ được tên em. Tôi phải xuống nước:
-Thông cảm đi, thày U 70 rồi. Nhắc tuồng chút được không?
Khi các em xưng tên ra … thì tôi nhớ ra ngay: Các nàng tiên cá hồi đó đây mà.
Ngoài các bạn ở Ayunpa, còn rất nhiều các bạn từ Sài Gòn, từ Đà Nẵng, Qui Nhơn, Ban mê Thuật, Pleiku, Kontum… Có những bạn từ nửa vòng trái đất như Kathy Huệ, Luật, Lành, Danh Sơn…Danh Sơn, học sinh cá biệt lớp 9 năm 1975, sau bao thăng trầm cuộc sống, rất thành công nơi xứ người. Như cô Lự- phu nhân của thày Liễn. Sau hơn 7 giờ bay từ Australia, xuống Saigon, ra thẳng bến xe Miền Đông để kịp xe về Phú Bổn đúng ngay giờ họp mặt. Rất nhiều bạn, trong nước cũng như hải ngoại không thể về được, đã nói lên sự tiếc nuối vô vàn. Tình cảm dạt dào. Nhiệt tình dâng cao. Face book nóng lên vì Hội ngộ Thánh Gia – Thăng Tiến.
Đa số các bạn đều nói lên lòng biết ơn các xơ, các cha, các thày, cô, dẫu học 3,4 năm hay 1,2 năm. Các bạn kể lại những kỷ niệm êm đẹp ngày ấy.
Ôi vui sướng là thời gian cắp sách
Ôi vui tươi là lúc hãy còn thơ
Đời đẹp đẽ như trong giấc mơ
Và thắm đậm như một mùa xuân mới…
Tôi tự hỏi tại sao Thăng Tiến thăng tiến? Thực ra các giáo sư chúng tôi (ngày đó dạy trung học được gọi là giáo sư) cũng không trổi vượt gì lắm về bằng cấp, về sư phạm, về kinh nghiệm. Nhưng có lẽ chúng tôi khác các giáo sư khác ở điểm hầu như tất cả chúng tôi còn rất trẻ, đầy nhiệt huyết. Chúng tôi không lo cơm áo gạo tiền. Chúng tôi không có gia đình riêng, nên có thể nói tất cả thời giờ, tất cả con tim, tất cả tâm huyết chúng tôi dành cho các em. Tình yêu chúng tôi dành cho các em là vô vị lợi, là “cho không biếu không”; L’amour c’est pour rien. Chúng tôi cũng không làm việc vì thành tích. Tất cả chỉ là phục vụ. Chúng tôi ở ngay trong khuôn viên trường. Bất kỳ lúc nào các em cần chúng tôi giúp đỡ, chúng tôi đều có mặt và sẵn sàng. Chúng tôi luôn đồng hành với các em. Như thày Ngô còn ngủ tại ký túc xá với các em sắc tộc. Mỗi sáng cùng dọn vệ sinh với các em. Có những ngày còn phải móc cầu tiêu: nào là đá, nào là que. Việc dùng lá, dùng que, đất cục, đá cục để đi vệ sinh là chuyện thường ngày ở buôn làng, dùng giấy chưa quen.
Các xơ bên trường Thánh Gia cũng vậy. Mục đích chính là phục vụ. Lý do tài chánh, kinh tế chỉ là phụ.
Rất nhiều các bạn kể lại những lần bị đòn, bị phạt. Có lớp bị thày Nguyên đánh đòn cả lớp. Có bạn còn kể lại thày Thanh đánh học trò, rồi vội vào văn phòng. Các em tò mò xem thày làm gì. Kìa, thày đang lén lau nước mắt. Soeur Goretty lúc nào cũng cười tươi như hoa, nhưng nhiều bạn vẫn chưa quên được những thước kẻ của soeur. Tiền nhân dạy rằng: Yêu con cho roi cho vọt…Người Anh cũng nói: Spare the rod, spoil the child.
Đúng thế, chúng tôi hay các xơ có đánh học trò cũng là vì thương, chứ không phài là đòn thù. Có bạn còn kể lại là nhờ cha Viên kiểm tra bài liên tục, không thuộc là bị đòn, mà giờ này em còn thuộc hầu như tất cả các động từ bất qui tắc tiếng Anh.
Hơn 200 bạn về dự. Buổi họp mặt được tiếp nối bằng bữa ăn thân mật và giao lưu.
Hầu như mọi người đều muốn níu kéo thời gian lại, chẳng ai muốn ra về.Giao lưu đến hơn 9g đêm lại kéo nhau đi họp mặt lớp. Có nhóm vui chơi thâu đêm. Trân trọng từng giây phút bên nhau. Dốc hết tâm sự, bù lại những tháng ngày xa nhau
Sáng hôm sau, 4 tháng Ba còn hẹn nhau tại Suối Đá II. Thỏa sức đùa giỡn, thoả sức tâm tình. Còn có cả nước mắt nữa: Danh Sơn đó, đại ca, giang hồ khét tiếng từ Malaysia đến Mỹ, mà giờ đây khóc ròng như ngày xưa còn bé. Suối đá, thác nước, rừng cây như cũng chia sẻ tâm trạng hân hoan của ngày Hội ngộ.
Nhưng thời gian như vô tình. Chẳng chịu ngừng trôi và chúng tôi lại phải rời nhau.
Ngập ngừng hỏi nhau : Liệu có lần sau không?
Cám ơn trời. Cám ơn đời. Cám ơn người. Cám ơn nhau. Cám ơn Ban tổ chức.
Nguyễn đức Lân