Cung Hiến Thánh Đường Thánh Phê-rô và Thánh Đường Thánh Phao-lô

« Cứ yên tâm,
Thầy đây đừng sợ »
(Mt 14, 22-36)

Bài Tin Mừng có cấu trúc song song đối xứng như sau:

A (c. 22-24): Các môn đệ xuống thuyền

– Đức Giê-su một nơi, các môn đệ một nơi.

– Sóng đánh, gió ngược.

B (c. 25-31): Đức Giê-su đến với các môn đệ

– Đức Giê-su đến với các môn đệ,
  trên biển đầy sóng gió

– Ông Phê-rô đến với Đức Giê-su,
  trên biển đầy sóng gió

A’ (c. 32-33): Thầy trò cùng thuyền, gió yên biển lặng

– Thầy trò cùng thuyền.
– Gió lặng.
———————–
– “Ngài là Con Thiên Chúa !”

*  *  *

Trình thật Tin Mừng bắt đầu với hình ảnh con thuyền chỉ có các môn đệ và bị sóng đánh vì gió ngược, và kết thúc với hình ảnh con thuyền có Thầy và có trò, « êm trôi em trôi » trong gió nhẹ.

Sự chuyển biến đầy ý nghĩa này đến từ kinh nghiệm gặp gỡ Đức Giê-su, không phải ở bên ngoài sóng gió, hay ở trên cao tưởng tượng, nhưng ngay ở giữa lòng biển cả, với đôi bàn chân chế ngự sóng dữ. Hình ảnh thật ý nghĩa và sống động, loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Người.

« Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa! » (c. 33)

*  *  *

  1. Đức Giê-su một nơi, các môn đệ một nơi (c. 22-24)

    *Chiêm ngắm Đức Giê-su

Chúng ta hãy nhìn ngắm Đức Giê-su. Sau phép lạ bánh hóa nhiều, « Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước ». Chúng ta có thể tự hỏi tại sao ? Và chính Ngài giải tán đám đông chứ không phải các môn đệ ; bởi vì Đức Giê-su mới là mục tử ; đoàn chiên, là đoàn chiên của Người ; và chính Người nuôi dưỡng đoàn chiên, chứ không phải các môn đệ.

Sau đó, Đức Giê-su núi cầu nguyện một mình suốt đêm. Chúng ta có thể hình dung ra Đức Giê-su đang cầu nguyện, và lắng nghe Ngài cầu nguyện. Về điều này, Tin Mừng theo thánh Gioan kể lại cho chúng ta rất nhiều (x. Ga 14-17). Chúng ta có thể đoán ra rằng, một phần quan trọng của thời gian cầu nguyện mà Đức Giê-su thực hiện là việc « phân định thiêng liêng » : phải bày tỏ căn tính Ki-tô và Con Thiên Chúa của Ngài như thế nào và bằng con đường nào : con đường mà ma quỉ gợi ra trong sa mạc và cũng là con đường mà các môn đệ mong chờ ? Hay con đường mà Chúa Cha muốn từ thủa tạo thiên lập địa và được ghi khắc trong sáng tạo và trong lịch sử cứu độ ? Con đường đáp ứng mọi nhu cầu của con người bằng quyền năng và những phép lạ cả thể, như bánh hóa nhiều ? Hay bằng con đường của hạt lúa mì, con đường trở nên lương thực cho con người (x. St 1, 29), con đường mang lấy mọi bệnh hoạn tật nguyền của loài người, con đường băng qua Biển Đỏ Sự Chết ?

* Chiêm ngắm các môn đệ

Với phép lạ bánh hóa nhiều, chắc chắn đã tạo ra nơi các môn đệ sự gắn bó nào đó : vinh quang của Thầy được tỏ hiện, sự thán phục của đám đông đối với Thầy, nhưng các môn đệ cũng được hưởng nữa, bánh dư tràn, và những mối tương quan với nhiều người được dệt nên qua biến cố đặc biệt này. Nhưng, đã đến lúc phải bỏ lại tất cả, vì Chúa muốn các môn đệ phải « sang bở bên kia ».

Trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, chúng ta vẫn cứ thỉnh thoảng lại phải « sang bờ bên kia » ; và sẽ đến lúc, và lúc đó không thể tránh được, chúng ta phải sang bờ bên kia của sự chết. Những lúc như thế, hành trình « sang bờ bên kia » đều chất chứa những bấp bênh và thách đố, và nhất là phải hi sinh và từ bỏ rất nhiều, như các môn đệ bị Đức Giê-su bắt phải bỏ lại tất cả, xuống thuyền, ra khơi xa, để sang bờ bên kia. Quả vậy, một thử thách rất lớn ở giữa lòng biển cả đang chờ các môn đệ, và chắc chắn đó sẽ là thử thách không bao giờ quên :

  • Các môn đệ ở trên thuyền, thuyền ở giữa Biển Hồ : lúc đó là ban đêm và trên thuyền không có Thầy Giê-su.
  • Một hoàn cảnh như thế đã là một thử thách rồi, vì trong đêm tối và ở giữa biển, nên các môn đệ không còn thấy bở bến, có thể mất hướng đi và bị biển vùi dập và nuốt trửng bất cứ lúc nào. Nhưng, thêm vào đó, con thuyền bị sóng đánh vì gió ngược nữa, khiến các môn đệ phải vất và chèo chống.
  • Vẫn chưa hết thử thách, vì Đức Giê-su biết rõ hoàn cảnh thử thách của các môn đệ, nhưng mãi canh tư Ngài mới đến, nghĩa là mãi đến rạng sáng !

Thử thách của các môn đệ nói về hay làm chúng ta nhớ tới những thử thách riêng của mỗi người chúng ta. Vậy đâu là những thử thách mà chúng ta đang phải đối diện ? Nhưng Lời Chúa trong trình thuật Tin Mừng này còn mời gọi chúng ta phải biết nhận định để nhận ra sự hiện diện của Chúa ngay trong lòng thử thách. 

  1. Đức Giê-su đến với các môn đệ (c. 25-31)

    * Các môn đệ và Đức Giê-su

Chúng ta hãy nhìn ngắm, lắng nghe và quan sát các môn đệ, khi họ thấy Đức Giê-su đi trên mặt nước đến với họ. Các môn đệ của Đức Giê-su, đang bị vùi dập giữa sóng nước mênh mông và dữ dằn trong đêm tối, Ngài không đưa họ ra khỏi thử thách này, nhưng Ngài « vượt qua » biển cả hung tợn và chết chóc để gặp gỡ các môn đệ ngay giữa lòng thử thách. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp loan báo Ngài sẽ đi vào cõi chết để gặp gỡ chúng ta trong thử thách tận cùng là sự chết, để nói với chúng ta rằng : « Thầy đây, đừng sợ, vì Thầy mạnh hơn sự chết ». Nếu chúng ta đang ở trong thử thách, vậy thì đâu là cách thức Đức Giê-su đi đến và hiện diện cùng với chúng ta trong thử thách ?

Cách Ngài đến thật lạ lùng, đến độ các môn đệ tưởng là ma, do đó họ rất hoảng hốt, bởi vì Ngài đi trên mặt biển mà đến với các ông ! Chúng ta hãy cảm thông với các môn đệ : ở giữa biển và trong cảnh « tranh tối tranh sáng », khi không có người lù lù đi tới ! Sau này, các ông cũng sẽ hốt hoảng tưởng là ma, khi Đức Ki-tô từ cõi sống lại, nghĩa là vượt qua biển cả sự chết, tỏ mình ra cho các môn đệ. Và làm sao không hốt hoảng được, khi một người đã được chôn táng cẩn thận rồi, mà này lại « trở về » ! 

Chúng ta hãy lắng nghe lời của Đức Giê-su : « Cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ ». Ở giữa lòng thử thách của biển cả và sau này, trong cơn sầu khổ của cuộc Thương Khó, các môn đệ tự mình không thể nhận ra Đức Ki-tô hằng sống ; nhưng Ngài phải ra dấu cho các môn đệ bằng cách « lên tiếng ». Thật vậy, với bà Maria Ma-đa-lê-na đang khóc bên mộ, Đức Ki-tô đã gọi tên của bà : « Maria » ; với hai môn đệ đang buồn rầu thất vọng trên đường Emmau, Đức Ki-tô phục sinh đã âm thầm đồng hành và giải thích thử thách Thương Khó của Ngài dưới ánh sáng của Sách Thánh ; và với các môn đệ đang ở giữa thử thách của biển cả, Đức Giê-su lên tiếng : « Cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ ».

Và trong mọi thử thách của chúng ta, thử thách của thân phận và của số phận, Đức Ki-tô vẫn luôn lên tiếng, nói với chúng ta : « Thầy đây, đừng sợ », vì Ngài đã trải qua tất cả và đã vượt qua tất cả. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phải ở tận cùng của khó khăn và thử thách, Người mới đến và đến cách lạ lùng để cứu giúp và mở đường cho chúng ta đi ; và sau này, Chúa sẽ cứ để chúng ta chết đi, nghĩa là chúng ta phải đi vào trong bóng đêm của biển cả sự chết ; và chỉ sau đó, Đức Ki-tô Phục Sinh, là Đấng chiến thắng sự chết, mới đến đón chúng ta ở bở bên kia của sự chết.

*Ông Phê-rô và Đức Giê-su

Ngay sau khi Đức Giê-su lên tiếng, ông Phê-rô liền thưa : « Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài. » Lời yêu cầu này của Phê-rô vừa diễn tả sự nghi ngờ, vì ông nói : « Nếu quả là Ngài… », và vừa diễn tả cá tính đặc biệt của ông : nhanh nhẹn, thẳng thắn, can đảm, không sợ hãi và rất gắn bó với Thầy Giê-su. 

« Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm ». Khi sợ hãi, thì tất yếu bị lún chìm ; và lời của Đức Giê-su mặc khải cho biết lí do của sự sợ hãi : « Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi? ». Ngài đưa tay nắm lấy ông, rồi Ngài mới trách. Nếu không sẽ quá muộn ! Như thế, lún chìm là hậu quả tất yếu và tự tại của sự hoài nghị ; ngược lại, khi tin tưởng, chúng ta sẽ vững bước và vượt qua thử thách thân phận, số phận, sự dữ và tội lỗi, bởi vì lòng tin có sức mạnh cứu độ, như Đức Giê-su nói : « lòng tin của con đã cứu con ».

Nhưng, một cách sâu xa hơn, điều ông Phê-rô xin, cũng chính là cách thức mà mỗi người môn đệ được mời gọi đến với Đức Giê-su : như Phê-rô, người môn đệ cũng phải « đi trên mặt nước » để đến với Đức Giê-su. Hình ảnh « đi trên mặt nước » thật là ý nghĩa : chẳng dựa vào gì hết, chỉ dựa vào Lời Chúa thôi, nhưng đầy hiểm nguy sóng gió và có nguy cơ lún chìm. Chúng ta cũng phải « đi trên mặt nước » để đến với Đức Giê-su, chắc chắn chúng ta sẽ sợ hãi, chúng ta la lên : « Chúa ơi, xin cứu con ! », và Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy chúng ta.

  1. « Ngài là Con Thiên Chúa » (c. 32-33)

« Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay ». Như thế, ở đâu có Đức Ki-tô hiện diện, thì ở đó sóng yên gió lặng. Chúng ta hãy khát khao có được kinh nghiệm này : lòng chúng ta được « sóng yên gió lặng », khi chúng ta mở rộng lòng quảng đại đón nhận Đức Ki-tô vào con thuyền cuộc đời hay con thuyền tâm hồn của chúng ta, cho dù chúng ta đang phải sống trong thử thách hay cơn khốn khó. Xin cho chúng ta nghiệm được sức mạnh chiến thắng sự chết và những gì thuộc về sự chết, mỗi khi có Đức Ki-tô Phục Sinh hiện diện.

Lúc nãy các môn đệ tưởng Ngài là « ma », bây giờ họ tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài sẽ bày tò căn tính Con Thiên Chúa của Ngài một cách thực sự và trọn vẹn khi chiến thắng vượt qua Sự Dữ và Sữ Chết trong mầu nhiệm Vượt Qua.

*  *  *

Ở giữa lòng thử thách, Đức Giê-su đến cứu giúp, nhưng các môn đệ lại hốt hoảng ; và theo thánh Mác-cô, lí do là vì : « các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều, lòng trí các ông còn ngu muội » (Mc 6, 52). Lý do được nêu ra ở đây thật là lạ : phép lạ bánh hóa nhiều (x. Mt 14, 13-21), vừa được Đức Giê-su thực hiện có liên quan gì đến thử thách các môn đệ vừa trải qua ?

Câu hỏi này thật đáng cho chúng ta suy gẫm. Thực vậy, nếu các môn đệ và cả chúng ta hôm nay nữa, hiểu và tin vào quyền năng của Chúa, Đấng có thể làm cho chúng ta no đầy trong cơn đói khát, Đấng đã đưa chúng ta từ hư vô vào trong sự sống, Đấng hi sinh chính sự sống của mình vì chúng ta, Đấng vẫn nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày bằng Lời và Mình của Ngài, thì sẽ không hốt hoảng sợ hãi và dễ dàng nhận ra Chúa vượt qua tất cả để đến gặp gỡ chúng ta ngay trong bóng tối của thử thách, của Sự Dữ, của tội lỗi và của chính sự chết, để làm cho chúng ta tín thác và hi vọng và dẫn chúng ta Vượt Qua, như chính Người đã Vượt Qua. Bởi vì, Người là Con Thiên Chúa :

Khi thầy trò đã lên thuyền,
thì gió lặng ngay…
Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa! (c. 32-33)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc