ĐẶC SỦNG – LINH ĐẠO – SỨ VỤ
ĐẶC SỦNG (đoàn sủng)
1) Đặc sủng là gì ? Đặc sủng là Ơn ban đặc biệt của Chúa Thánh Thần nhằm phục vụ lợi ích cho cộng đoàn, xây dựng Giáo hội, thân thể Chúa Kitô.( I Cr 12,4-12 ; I Cr 14,12)
Phân biệt: Ơn thánh được ban cho mọi người nhằm thánh hóa bản thân.
2) Đặc sủng của Đấng sáng lập
+ Đặc sủng của Đấng sáng lập khơi nguồn và đặt nền móng cho việc thành lập một Hội Dòng.
+ Đặc sủng của Đấng sáng lập xác định bản chất, tinh thần, mục đích của Hội Dòng làm nên căn tính của Hội Dòng đó.
+ Đặc sủng của Đấng sáng lập biểu lộ kinh nghiệm về Thiên Chúa, được truyền lại cho các môn đệ để sống, gìn giữ, đào sâu và không ngừng phát triển trong sự hài hòa với Thân Thể Chúa Kitô là Giáo Hội.
3) Đặc sủng của Dòng (Đời Sống Thánh Hiến)
Mỗi Dòng, nhờ Đấng sáng lập đã khởi xướng lên một ơn gọi đặc biệt, một ân huệ do Chúa Thánh Thần khơi dậy ( LG 45, PC 1,2) và được Hàng Giáo Phẩm công nhận ( MR 11).
Sự khác biệt:
Đặc sủng Đấng sáng lập (nguyên thủy): đó là những cảm nghiệm cá nhân về Thiên Chúa, mà chúng ta không thể đúc khuôn như ngài được.
Đặc sủng của Dòng: tiếp bước theo tinh thần của Đấng sáng lập để lại cho chúng ta.
Vì thế, Đặc sủng Dòng hẹp hơn cảm nghiệm của Đấng sáng lập (cảm nghiệm cá nhân không truyền lại được) vừa rộng hơn đặc sủng Đấng sáng lập, vì nó được bồi đắp theo dòng thời gian và thích ứng với những đòi hỏi của thời đại (Huấn thị về HL 1990- số 67).
Đặc sủng của Dòng được coi như “gia sản” phải được bảo vệ (VC 48b). Mặt khác, Tông huấn Vita Consecrata còn thêm “trung thành trong sáng tạo” vừa trung thành với ý định nguyên thủy của Đấng sáng lập vừa thích nghi vào hoàn cảnh mới. Nếu trung thành quá sẽ bảo thủ, cố hữu. Nếu sáng tạo quá sẽ mất gốc, lạc đường. Sự đổi mới đời sống tu trì không bao giờ được làm một lần cho tất cả.
Đặc sủng bao gồm hai khía cạnh: linh đạo và sứ vụ.
II – LINH ĐẠO (các định nghĩa khác nhau nhằm giúp hiểu từ Linh đạo)
+ Linh đạo là con đường nên thánh riêng của mỗi Dòng, một lối sống bước theo Chúa Kitô mà Vị sáng lập đã vạch ra cho các môn đệ.
+ Linh đạo là con đường nên thánh, áp dụng Tin mừng vào đời sống kitô hữu : vừa trên bình diện tri thức (hiểu biết), vừa trên bình diện tu đức (thực hành), vừa trên bình diện huyền nhiệm (kết hợp). (Cha Phaolo Hỷ,sss)
+ Linh đạo là gì? Toàn bộ những kiến thức chi phối mọi ý niệm của ta về Thiên Chúa, về các giá trị và về con người, nhờ đó ta có thể nhận ra ý nghĩa của thế giới, của cuộc sống, của các biến cố và của bản ngã con người. (Sr. Catherine Marie Caron,sss – Linh đạo Phòng Tiệc Ly)
III- SỨ VỤ
Đấng sáng lập nhận được đặc sủng để mở ra một hướng đi mới, thể hiên cách sống theo lời khuyên phúc âm đồng thời đáp ứng những nhu cầu nào đó của Giáo Hội .
+ Kết luận: mỗi Hội Dòng giống như một cây: gốc rễ của nó là Đặc sủng, thân cây là Linh đạo và hoa trái của nó là hoạt động tông đồ hay sứ mệnh truyền giáo.
Linh đạo và hoạt động tông đồ của mỗi Hội Dòng được định hình, nuôi dưỡng và phát triển nhờ Đặc sủng của Đấng sáng lập. Mỗi Hội Dòng cần phải trung thành với đặc tính của mình, nghĩa là phải trung thành với Linh đạo và Sứ vụ riêng biệt mà Đấng sáng lập đã truyền lại cho họ.
***
DÒNG NỮ TỲ THÁNH THỂ
BƯỚC THEO LINH ĐẠO EMA
I – ĐẶC SỦNG CỦA ĐẤNG SÁNG LẬP (Thánh Phêrô Guilianô Ema)
+ Ơn huệ lớn nhất đời tôi đó là lòng tin sống động vào Bí Tích Thánh Thể từ thời niên thiếu ( Tĩnh tâm St. Maurice 27-2.5.1868)
+ Thánh Thể Thể luôn ngự trị hồn tôi (( Đại tĩnh tâm Roma, 1.2.1865)
+ Thánh Thể tâm điểm, cùng đích đời tôi ( Đại tĩnh tâm Roma, 5.3.1865 )
+ Tất cả phải phát xuất từ Thánh Thể và qui hướng về Thánh Thể…quy luật, hoạt động, phương thế, mọi sự đều trong Bánh Thánh (Thư Ema 27.9.1857)
+ Cha Eymard trả lời với Đức Tổng Paris: “Chúng con tôn thờ nhưng chúng con còn giúp cho người khác biết tôn thờ nữa, như lo cho người lỡ thời được rước lễ lần đầu tại Paris. Chúng con muốn mang lửa Thánh Thể đến bốn phương trời của nước Pháp này”.
Vậy, Đặc sủng của cha Ema : « Thánh Thể là trung tâm cuộc đời và sứ vụ của ngài »
Từ đó, chúng ta nhận ra Đặc sủng của Dòng: Thánh Thể là trung tâm cuộc đời và sứ vụ của chúng tôi ( Ls. 1, 9 và 25).
II- LINH ĐẠO
Thánh Phêrô Giulianô Ema, Đấng sáng lập Dòng đã cảm nhận và xác tín rằng: Bí Tích Thánh Thể có quyền năng lớn lao để canh tân Giáo Hội và xã hội, là linh dược chữa lành, phải đưa người tín hữu đến với Bí Tích Thánh Thể.
Bước theo ơn gọi Thánh Thể, chị Nữ Tỳ Thánh Thể lấy Thánh Thể là trung tâm : sống tình yêu dâng hiến, phục vụ và loan báo về Thánh Thể.
(quy hướng đời mình về Chúa Kitô trong mọi chiều kích của mầu nhiệm Thánh Thể và toàn hiến cho Tình yêu và Vinh Quang Người. ( Ls.1)
1) Căn tính: làm nên nét đặc thù của Dòng.
– Thuộc luật dòng giáo hoàng, được phê chuẩn ngày 21.07.1871, thời ĐGH Piô IX
– Lấy Thánh Thể là trung tâm của cuộc đời và sứ mệnh
– Hòa hợp chiêm niệm với tình yêu tông đồ
– Các nhà của chúng tôi phải trở thành Trung tâm Thánh Thể.
2) Mục đích của Dòng:
+ Làm cho cuộc sống của mỗi người trở thành Thánh Thể (Ls 2,3)
+ Sống ơn gọi Thánh Thể mời gọi chúng tôi khám phá hơn mãi lòng tin vào tình yêu Chúa Giêsu, tình yêu đã thúc bách Người trao ban tận cùng trong Thánh Thể. Chúng tôi đáp lại tình yêu ấy bằng sự hiến dâng chính con người chúng tôi, cả hữu thể lẫn cuộc đời. ( 53 và LĐ Ema tập 7 : Mục tiêu của các NTTT; Thánh Thể, mục tiêu của các NTTT)
3) Tên gọi : Nữ tỳ Thánh Thể – chính Cha Ema đặt tên này cho chị em theo gợi hứng từ tâm tình của Mẹ Maria : Này tôi là nữ tỳ Chúa. (LĐ Ema tập 7)
4) Tinh thần: thúc đẩy bởi tình yêu hiến mình đến tận cùng của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. (Linh đạo Ema tập 2)
5) Châm ngôn:
Tất cả phải phát xuất từ Thánh Thể và cho Thánh Thể.
(LĐ Ema 7 :Tất cả để phục vụ Chúa Giêsu trong Thánh Thể )
III- SỨ VỤ (Nguyên tắc hướng dẫn các hoạt động tông đồ)
+ Hòa hợp chiêm niệm vói tình yêu tông đồ
+ Những hoạt động của chúng tôi luôn được gợi hứng từ Thánh Thể và qui chiếu về Thánh Thể. (Ls 1). Lấy Thánh thể là trung tâm.
Sứ mệnh tông đồ bằng cầu nguyện
Đối với chị em nữ tỳ, hoạt động tông đồ đứng hàng đầu là chầu Thánh Thể trước Mình Thánh Chúa đặt trọng thể. (1/8/1860, linh đạo Tập 4)
Cử hành phụng vụ, Phụng vụ giờ kinh và chầu Thánh Thể, đó là những yếu tố chính của sứ mệnh tông đồ bằng cầu nguyện. (29; 30, 1;37,1). Lời cầu nguyện nhân danh và hợp với Giáo hội (Ls.29, Linh Đạo tập 4: Phụng vụ). Lời cầu nguyện ôm tròn thế giới.
Việc tông đồ
Hiệp Hội Thánh Thể là sứ vụ tông đồ đặc trưng của Dòng (Ls.37,2) : giúp người giáo dân đến với Thánh Thể, yêu mến và làm tông đồ Thánh Thể ở giữa đời.
Giúp người giáo dân hiểu biết về giáo lý Thánh Thể: ưu tiên giúp các em xưng tội rước lễ lần đầu, tân tòng, người lỡ thời không được học giáo lý như các cháu khiếm thính và chậm phát triển trí tuệ.
Phục vụ Bàn Thánh, làm bánh lễ, may áo lễ, đón tiếp khách tĩnh tâm…
Việc tông đồ mở rộng
Nhằm chú tâm đến nhu cầu và đòi hỏi của Giáo hội địa phương, chúng tôi đáp lại tùy theo khả năng và sứ mệnh chúng tôi. (Ls 38), Thánh Thể là dấn thân cho người nghèo (GLGHCG số1397)
Trường Mầm non
+ Như Đức Maria, Người Nữ Thánh Thể, Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu và giới thiệu Chúa Giêsu cho nhân loại. Chị nữ tỳ thánh thể cũng phải giới thiệu và hình thành Chúa Giêsu nơi các em nhỏ mà chị chăm sóc nơi các lớp mẫu giáo.
Các cháu chậm phát triển và khiếm thính
+ Như Thánh Thể, tình yêu trao ban đến tận cùng cho nhân loại. Chúng tôi chọn phục vụ người nghèo, đặc biệt các em khiếm khuyết, người dân tộc để diễn tả tình yêu mà chúng tôi kín múc từ Thánh Thể chia sẻ cho người khác.
***
BẢN TÓM TẮT VỀ ĐẶC SỦNG – LINH ĐẠO – SỨ VỤ
DÒNG NỮ TỲ THÁNH THỂ
Đặc sủng: Thánh Thể là trung tâm cuộc đời và sứ vụ của chúng tôi ( Ls. 1, 9 và 25).
Linh đạo : Bước theo ơn gọi Thánh Thể, chị Nữ Tỳ Thánh Thể lấy Thánh Thể là trung tâm : sống tình yêu dâng hiến, phục vụ và loan báo về Thánh Thể.
Sứ vụ : Hòa hợp chiêm niệm với tình yêu tông đồ.
+ Sứ mệnh tông đồ bằng cầu nguyện.
+ Việc tông đồ.
Căn tính: Làm nên nét đặc thù của Dòng.
– Thuộc luật dòng giáo hoàng, được phê chuẩn ngày 21.07.1871, thời ĐGH Piô IX
– Lấy Thánh Thể là trung tâm của cuộc đời và sứ mệnh
– Hòa hợp chiêm niệm với tình yêu tông đồ.
– Các nhà của chúng tôi phải trở thành Trung tâm Thánh Thể.
Tinh thần: Thúc đẩy bởi tình yêu hiến mình đến tận cùng của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. (Linh đạo Ema tập 2)
Châm ngôn: Tất cả phải phát xuất từ Thánh Thể và cho Thánh Thể.