ĐÂY LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA.

Chúa Nhật Tuần II Mùa Thường Niên (Is 49, 3. 5-6; 1 Cr 1, 1-3; Ga 1, 29-34)

          Ta bước vào Chúa nhật Chúa nhật II thường niên A. Ở Chúa nhật này, ta thấy thánh sử Gioan thuật lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ sinh động và đầy ấn tượng mà ông chứng kiến tận mắt giữa thầy mình là Gioan Tẩy Giả với Chúa Giêsu, ông viết: “Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình” (Ga 1, 29).

          “Thấy Chúa Giêsu tiến về mình”, đây là một hành động tương lai, tiếng Hy bá còn diễn tả “ngày mai”. Nhưng tương lai này có sự liên tục với Giao Ước cũ, vì Gioan Tẩy Giả đã không nói về chính mình, lời của ông được rút ra từ Cựu Ước đan vào nhau để làm sáng tỏ các mầu nhiềm.

          Bằng từ “ngày mai”, chúng ta bắt đầu một ngày mới, Năm Phụng vụ mới khai mào. Gioan Tẩy Giả thấy sự huy hoàng rực rỡ của Giao Ước mới tiến lên thì nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.” (Ga 1, 29)

          “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Cơ cấu áp bức bên ngoài chỉ là sự biểu hiện một sức mạnh khác ở nội tâm: cái xấu, ác ở bên trong; trong tôi, trong bạn, trong họ. Tôi ở đây là danh từ dùng ở số ít, không phải là chuyện nhỏ mà phải hiểu là toàn thể! Chúa Giêsu sẽ gánh lấy, và làm biến mất toàn thể tội lỗi của thế gian trong một cuộc chiến đấu đẫm máu, Người sẽ đổ hết máu mình làm vật hiến tế trước những tay đao phủ. Chúa Giêsu, Cứu Chúa của chúng ta! Đấng cất bỏ tội lỗi.

          Ơ đây Thánh Gioan dùng một từ ngữ Hy Lạp có nghĩa kép mà thánh sử thích dùng cả hai: “airein”, vừa có nghĩa “gánh vác, lãnh nhận” vừa có nghĩa “cất đi, lấy đi làm biến mất” Chúa Giêsu không phát triển công cuộc giải phóng bằng cuộc chiến đấu bên ngoài theo kiểu “đội đặc công” trả đũa áp bức bằng bạo lực; nhưng bằng cách lãnh nhận trên chính người, bằng cách chịu đựng trong sự liên đới với mọi người bị áp bức của thế giới.

          Lời giới thiệu của Gioan làm cho người Do Thái nói riêng và cho người Kitô hữu nói chung hiểu rằng:

          Như máu con chiên bôi lên cửa nhà vào đêm Vượt qua cứu dân Israel khỏi chết như thế nào, thì máu thánh Chúa Giêsu đổ ra trên thập giá cũng cứu nhân loại khỏi chết như vậy.

          Như con chiên vô tội gánh lấy tội lỗi của dân Do Thái trong ngày lễ Xá Tội hàng năm như thế nào, thì Chúa Giêsu là Đấng vô tội chịu thương khó cũng gánh lấy tội lỗi nhân loại như vậy.

          Như con chiên hiền hành vô tội bị dẫn đến lò sát sinh mà không hề mở miệng kêu ca như thế nào, thì Chúa Giêsu vô tội cũng vui lòng chịu đóng đinh và chịu chết trên cây thập giá như vậy.

          Như Con Chiên đã bị giết, nhưng đã chiến thắng khải hoàn như thế nào, thì Chúa Đức Giêsu chịu nạn chịu chết cũng Phục sinh sáng láng như vậy.

          Nhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu, ta thấy: Người quả thật là Đấng gánh tội trần gian và xoá tội trần gian.

          Người gánh tội trần gian khi Người nhập vào dòng người tội lỗi đến xin Gioan làm phép rửa. Người xoá tội trần gian khi Người tuyên bố: “Tôi đến không phải để kết tội, nhưng là để cứu độ.”

          Người tín hữu thường được gọi là “Con chiên của Chúa”. Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại ‘chiên’ trong ngày phán xét. Được đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Được vào hưởng vinh quang trong nước Chúa.

          Trước khi lên rước lễ, chúng ta nhắc lại câu nói của Gioan: “Đây Chiên Thiên Chúa”. Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Phải chăng đây chỉ là một hình ảnh thi vị, lãng mạn, nhưng xa lạ với dân Á-đông (con chiên) khiến chúng ta phải nghĩ đến việc tìm một hình ảnh thay thế (hội nhập văn hóa!)? Hay là đây là một hình ảnh đầy ắp những ý nghĩa thuộc Cựu Ước, những ý nghĩa liên quan đến việc cứu độ chúng ta? Có nhận thức rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất, chúng ta mới khiêm tốn thưa, như viên sĩ quan (Mt 8,8): “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…”.

          Ta cũng suy nghĩ về cung cách làm chứng của Gioan. Ông biết tư cách của mình và biết công việc phải chu toàn. Được Thiên Chúa hướng dẫn qua các dấu chỉ, ông đã nêu lên một chứng từ đơn giản và rõ ràng về Chúa Giêsu. Người tín hữu bắt chước vị Tiền Hô, cứ làm chứng trong mức độ hiểu biết lúc này. Qua dòng thời gian, Thiên Chúa sẽ tiếp tục dạy dỗ để người ấy có thể nêu lên một chứng từ rõ nét và sắc bén hơn về Chúa Giêsu.

          Làm chứng cho Chúa có nghĩa là gì nếu không phải là lấy hiền từ đối lại cái ác, lấy tình yêu thay thế sức mạnh, lấy khiêm nhường bù lại kiêu hãnh, lấy phục vụ đối lại cao danh. Là những người môn đệ của Con Chiên có nghĩa là không sống như một “thành trì bị vây hãm”, nhưng như một thành phố đặt trên núi cao, mở ra, đón nhận và liên đới. Nó có nghĩa là không được có thái độ đóng lại, nhưng mang Tin Mừng đến cho tất cả, làm chứng bằng cuộc sống của chúng ta rằng bước theo Chúa Giêsu giúp chúng ta tự do hơn và hoan lạc hơn

          “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh hết mọi tội trần gian”. Ngài bước đi trên con đường khổ giá và làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng hiến mình chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Ngày hôm nay chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta cũng cần phải noi gương thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa để qua đời sống thánh thiện của mình khiến nhiều người nhận biết Chúa.

Huệ Minh