ĐỜI CON QUA NHƯ MÂY BAY

Cha Cát Hạnh có viết: “Như mùa Xuân Tưởng không bao giờ tàn phai, sao lại quá ngắn ngủi trước những gì bất diệt của vĩnh cửu thường hằng. Lạnh lẽo vẫn còn đó. Tối tăm vẫn dày đặc khi mùa Xuân yếu đuối bị nghẽn lỗi về. Mộng ước, như một lời mời gọi sẽ chẳng bao giờ được thực hiện. Xuân Tưởng sẽ không còn nữa… Đời con nay vẫn như là giấc mơ chưa tròn.

Lời Thiêng dâng Chúa từ trong đáy tim âm thầm.
Lời cầu xin Chúa tựa như nén hương lan trầm.
Hồn con bay vút về nơi nhan Chúa nương thân và uống no say tin yêu nồng ấm.
Từ khi con biết Tình Yêu Chúa ban cao vời.
Và từ khi biết đời con Chúa luôn an bài.
Hồn con sẽ mãi cầu xin tha thiết danh Ngài. Cùng Chúa con không lo đường dài
.”

Một hôm, giữa trời đất mênh mang của La Vang. Tôi đã nghe những lời hát ấy vang lên. Giọng cao vút mà thanh khiết của một nữ tu hát solo. Tôi cứ tưởng, một ca khúc nào đó, của Tây phương. Nó lạ lắm. Trong ngần. Thánh thiêng. Không phải từ loài người. Mà từ một nơi chốn nào, rất xa, rất lạ. Từ một trời cao thẳm, không gợn mây. Từ một cõi khác.

 Thì ra là ca khúc của Xuân Tưởng, một cái tên lạ hoắc. Thậm chí, vô danh trong cái rừng người viết thánh ca. Nghe đâu, anh đã làm chủ một gia tài kha khá, dễ đến 200 ca khúc trong quá trình 8 năm (1972-1980). Tôi lần mò đi tìm nhân thân, quê quán cùng nơi chốn Anh ở. Theo một người bạn ghi chép, trong sổ tay. Tên thật của Anh là An Tôn Trần Văn Tường, sinh ngày 12.6.1952 tại Nga Sơn, Thanh Hoá. Nơi đây là một làng nghề trồng cói, dệt chiếu, ở Thanh Hoá, đói quá, như dân gian vẫn nói phải ăn rau má phá đường tàu. Giả như không có cuộc di cư ồ ạt vào Nam 1954 thì Xuân Tưởng, biết đâu, đã là thành viên của nhạc đoàn Tiếng Chuông Nam với Nguyễn Duy Vi, với Chương Thi rồi. Nói thế để thấy rằng “đất lề quê thói” cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp cậu bé họ Trần. Nga Sơn kế bên Cửa Bạng, một giáo xứ làng quê chài lưới, cụ thể là ngày 19.3.1627, đã in dấu bước chân truyền giáo của Đắc Lộ ngay từ buổi đầu ở thế kỷ 17. Lớn lên, cái không gian núi rừng Đà Lạt đã gieo vào tâm hồn nhạy cảm này biết bao biến chuyển. Vào tu tập tại tiểu chủng viện Simon Hoà Đà Lạt (1963-1971) và lần lượt phục vụ tại buôn làng M’lon, Thạnh Mỹ, Đơn Dương (1970-1971); đại chủng viện Minh Hoà, Đà Lạt (1971-1975); Thanh Xuân, Bảo Lộc (1975-1977); Thánh Tâm, Bảo Lộc (1977-1978)… Cuối cùng là một cái kết không rõ ràng, rất vội vàng, mịt mờ… Ngày 19.3.1975 là lần cuối cùng, trên chuyến đi Sài gòn đón đức cha Barthomeo Nguyễn Sơn Lâm về nhận nhiệm sở toà giám mục Đà Lạt. Chuyến đi do thầy Xuân Tưởng lái xe, nửa đường đứt gánh. Vừa tới Định Quán, chúng tôi được lệnh của cảnh sát địa phương phải quay đầu xe trở lại Đà Lạt, vì đường giao thông bị cắt(?). Khi không, chúng tôi nghe có những tiếng súng nổ đì đùng hai bên đường, mà không hẳn là một cuộc giao tranh. Sau đó 2 ngày, cha giám đốc Đại Chủng viện tuyên bố tạm đóng cửa . Các thầy được khuyên nên về với gia đình, cho tới khi có thông báo mới…Chỉ biết, Anh mất tại Sài gòn, xác được chở về Thanh Xuân, để an táng vội vàng tại đất thánh của giáo xứ Thanh Xuân, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Với 29 tuổi đời, Anh chết trẻ, rất trẻ, trong khi tài năng đang chín muồi, ngày 05.4.1981. Là một thầy đại chủng viện, Anh sẽ là một linh mục trẻ tài năng.

Đúng như ca từ báo trước. Người nghe, có thể nghĩ dại là Anh dự báo về ngày mai:

Hồn con bay vút về nơi nhan Chúa nương thân…
Cùng Chúa, con không lo đường dài…
Dâng Chúa trót những ý nghĩ
Dâng Chúa trót xác thân con…

Người yêu nhạc thánh ca Xuân Tưởng biết rằng Anh có nhiều năng khiếu, đàn hát, thể thao, sinh hoạt, cắm trại. Anh sử dụng guitar rất tuyệt. Khi lên đại chủng viện Minh Hoà, anh được cha giám đốc đặc cách trao trách nhiệm lo ban nhạc của chủng viện.

Lời Thiêng
Thung lũng sâu
Ôi, nhiệm mầu
Lời Kinh Chiều
Một Ngày Đời Không Quên
Ta Dìu Nhau
Muôn Đời Yêu Thương
Thánh Thần Thiên Chúa
Xin Ơn Bình An
Tìm Đâu Chân Lý…

Trong một chùm ca khúc ấy, có lẽ, Xuân Tưởng độc thích một mình Lời Thiêng. Nguyên cái tên bài đã là một thí dụ.

Hôm nay, kỷ niêm năm thứ 43 ngày Anh Tường về nhà Cha, sổ tay người bạn ghi rõ ràng. Trong lời tạ từ 28 năm trước khi lễ giỗ thứ 15, cha Cát Hạnh có viết: “Như mùa Xuân Tưởng không bao giờ tàn phai, sao lại quá ngắn ngủi trước những gì bất diệt của vĩnh cửu thường hằng. Lạnh lẽo vẫn còn đó. Tối tăm vẫn dày đặc khi mùa Xuân yếu đuối bị nghẽn lỗi về. Mộng ước, như một lời mời gọi sẽ chẳng bao giờ được thực hiện. Xuân Tưởng sẽ không còn nữa… Đời con nay vẫn như là giấc mơ chưa tròn.”

ĐK. “Bàn tay con dâng lên cao, dâng Chúa trót những ý nghĩ
dâng Chúa trót xác thân con
Tương lai còn dài, Chúa dắt con đi,
 sợ gì những nỗi gian nguy
Đời con qua như mây bay
con tiến bước giữa thế giới
khao khát sẽ mãi không vơi
Cho con một lần thấy Chúa trong con
nghe lời Chúa ru trong hồn
…”

Tình yêu Thiên Chúa dìu con bước đi theo Ngài
Lời Ngài lắng trầm từ suốt năm canh dài
Tình yêu Thiên Chúa làm con quên hết ưu phiền
dù những phong ba, đau thương vụt đến
Đời con nay vẫn là như giấc mơ chưa tròn
Tình Ngài như vẫn còn theo bước con đêm ngày

Một hôm, con bỗng chợt nghe tiếng Chúa kêu mời
để sống trăm năm cho riêng tình Ngài.
.”

Tôi rất dốt về âm nhạc. Hồi mới lớn, cũng tập tành viết lách xập xình đôi chút. Nhưng chẳng đâu ra đâu. Tôi xé nát ra, vứt xuống đất. Coi như vĩnh viễn bỏ hẳn cái tham vọng làm nhạc sĩ. Nhưng tôi yêu Xuân Tưởng, chính xác là yêu nhạc và lời của ca khúc Lời Thiêng. Cái ca khúc, theo tôi nghĩ, nó là định mức cho một tài năng âm nhạc. Hình như đa phần nhạc sĩ thánh ca chỉ có gia tài ca khúc. Rất hiếm, rất ít nhạc sĩ viết hoà âm, hát bè nổi tiếng. Bởi thế, những bài hát lớn, hiểu như là có hoà âm ba, bốn bè rất hiếm. Cũng như Bộ Lễ, chỉ thấy lác đác dăm, mười trường hợp. Từ các cây đa cây đề, như Ngô Duy Linh, Hùng Lân, Tiến Dũng đến Nguyễn Văn Hoà, Hoàng Kim, Kim Long, Thành Tâm, Nguyễn Văn Trinh… Nhưng, viết được một ca khúc như Lời Thiêng, thật khó. Tôi mù tịt về nhạc lý. Chỉ có cái tai nghe và lòng rung cảm. Mỗi lần nghe Lời Thiêng, lòng tôi phơi phới, tiếng hát cứ mãi lên cao, vời vợi, rồi chùng xuống, dịu dàng…

Francis Assisi Lê Đình Bảng