Linh mục Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR.
Têrêsa sinh 28 tháng 3 năm 1515, qua đời ngày 4 tháng 10 năm 1582, là một nữ tu sĩ Dòng Cát Minh, một nhà thần học nổi tiếng người Tây Ban Nha của Giáo hội Công giáo Rôma, bà gắn cả đời mình với cuộc sống chiêm niệm và tâm nguyện. Năm 1622, bốn mươi năm sau khi qua đời, bà chính thức được Giáo hoàng Grêgôriô XV phong thánh. Năm 1970, bà được Giáo hoàng Phaolô VI nâng lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh.
Là một phự nữ có nhan sắc, nhưng luôn bệnh hoạn, thế nhưng lại có những kinh nghiệm nội tâm vô cùng phong phú đến độ, cùng với thánh Đaminh, Phanxicô và Gioan thánh giá, bà được coi là một trong bốn cột trụ của Hội thánh thời trung cổ. Bà đã viết rất nhiều sách như Con đường đi đến toàn thiện, Lâu đài nội tâm, Quyển sách của những nền tảng.
Ngoài ra, khi nói đến Têrêsa Avila, người ta nghĩ ngay tới một vị thánh có một kinh nghiệm sâu sắc về cầu nguyện, đã chỉ cho người ta bốn bậc bậc cầu nguyện, mỗi bậc đều có những đặc tính, những hiệu quả và các phương pháp cũng như nội dung riêng.
Nói đến Têrêsa, người ta cũng nghĩ ngay tới một con người đã gặp Chúa, không những thế, bà còn có thể giúp người ta phân biệt được, đâu là Chúa, đâu là tưởng tượng của con người và đâu là những vẽ vời của ma quỉ. Bà đã nghe được tiếng Chúa, lại còn có thể giúp người ta phân biệt tiếng Chúa, với tiếng của ta và tiếng của quỉ. Trong đời tu thời bà, có rất nhiều nữ tu bất đắc dĩ, nên thường mắc những bệnh tâm thần, bà cũng đã giúp người ta những phương dược quan trọng để khắc phục căn bệnh ấy. Bà là người bị ma quỉ phá rất nhiều, nhưng bà không hề sợ mà lại còn chỉ cho người ta những phương thế để chiến thắng quỉ ma.
Nhưng có lẽ, một trong những thành tựu quan trọng và cũng là thành quả của một đời chiêm niệm cầu nguyện của bà là công cuộc cải tổ Dòng Kín. Suốt đời, trong lao đao, vất vả, trong cả mồ hôi, nước mắt và máu, bà đã thiết lập được 16 tu viện, sống linh đạo nguyên thủy của Dòng Đức Bà Núi Cát Minh, chỉ sống bằng lạc quyên và lao động chân tay với những giờ kinh nguyện rất nghiêm ngặt.
Qua công cuộc cải tổ Dòng Kín này, bà đã cho thấy đâu là cốt lõi của đời tu, và làm thế nào để trở thành một nữ tu chân chính của Thiên Chúa.
-
CÔNG CUỘC CẢI TỔ DÒNG KÍN
-
Ơn gọi Dòng Cát Minh
Các đan sĩ Cát Minh biệt thế vẫn tự coi mình là những người thừa kế trực tiếp của ngôn sứ Êlia. Họ sống đời nhiệm nhặt nghèo khó, mặc áo vải thô dệt bằng sợi dừa hay chà là. Vào khoảng năm 1200, thánh Alberto, giáo chủ Giêrusalem, ban cho họ một bộ luật và hiến pháp. Đan viện này đã lập được nhiều đan viện khác tại châu Âu cũng với nếp sống khắc khổ ấy cho tới cơn đại dịch năm 1348. Sau cơn đại dịch ấy, số ít oi các đan sĩ sống sót, tự thương hại mình, đã bỏ bê việc giữ luật, viện cớ rằng người đã yếu mà còn sống nhiệm nhặt, khắc khổ sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Vì thế, năm 1482, đức giáo hoàng Eugeniô IV đã cho phép họ giảm nhẹ luật nguyên thủy.
Những cuộc ăn chay thường kéo dài từ lễ suy tôn Thánh Giá đến lễ phục sinh, nay chỉ còn ba ngày mỗi tuần, trừ mùa Vọng và mùa Chay. Trước đây kiêng thịt cả đời, này cũng chỉ còn một tuần ba lần. Vải thô được thay bằng vải mịn, không còn đi chân đất, không còn phải giữ thinh lặng, sống biệt thế nhưng được tự do nói chuyện, tiếp khách, lại còn được phép sống ở ngoài đan viện.
-
Đời tu thời ấy
2.1. Không có động cơ đúng đắn
Thanh niên Tây Ban Nha thời ấy, một phần vì muốn phiêu lưu, một phần vì thích những ảo vọng của Tân Thế Giới, đã bỏ nước ra đi. Bảy người anh của Têrêsa cũng lên đường. Phụ nữ rơi vào tình trạng vô vọng, hoặc tham gia các hội đạo đức, hoặc gia nhập một dòng tu nào đó. Đan viện Nhập Thể nơi Têrêsa đang tu, trở thành giống như nhà trọ cho các phụ nữ độc thân, vì ở đó, mọi người đều có những thứ mình thích, và tùy theo địa vị xã hội hoặc sở thích của mình, mỗi người đều tổ chức cuộc sống sao cho càng thoải mái càng tốt. Têrêsa nhận xét: “Không thể làm được gì tốt khi có trên bốn mươi phụ nữ ở với nhau. Chỉ toàn là hỗn loạn và mất trật tự. Họ gây trở ngại cho nhau”. Vì Têrêsa cũng tự nhủ: làm sao đòi hỏi một lòng sốt sắng bền bỉ của một trăm tám mươi cô gái vốn đã chân trong, chân ngoài, đi tu chỉ vì không ai lấy. Các đan viện trở nên nơi nguy hiểm cho những người không muốn nên trọn lành, đến độ Têrêsa phải thốt lên:
“Ôi, thật là một tai hại khủng khiếp! Tai hại kinh khủng, khi người tu mà lại không giữ đạo! Tuổi trẻ, nhục dục, thúc đẩy họ hướng về thế gian… Nam hay nữ đan sĩ muốn theo Chúa thì phải sợ chính người nhà của mình hơn hết thảy ma quỷ… Nếu các cha mẹ nghe theo lời tôi, thì vì danh dự của mình, nên suy nghĩ trước khi đưa con mình vào đó. Vì ở đó, họ gặp nguy hiểm hơn ngoài đời. Họ nên gả con gái mình dù không môn đăng hộ đối hoặc giữ chúng ở nhà”. Đói nghèo cũng là nguyên nhân gây ra những vô trật tự trong các đan viện. Chỉ vì miếng ăn mà các tu sĩ thường hay về gia đình nhiều tháng hay tá túc tại các gia đình ân nhân giàu có của tu viện. Họ thích ra phòng khách vì vừa được tiếp khách vừa được nhấm nháp tí chút.
2.2. Những mối nguy hiểm trong đan viện
Mối nguy trong các đan viện, nơi người ta không tìm Thiên Chúa, là cha mẹ thì cứ tưởng đó là môi trường lý tưởng để đạt đến ơn cứu độ, nên không còn phải bận tâm nữa. Trong khi đó, vì không có lòng mến, con cái họ có thể lao mình vào trong các dịp tội, nguy hiểm hơn ở thế gian. Ở nhà, nếu sống phóng đãng, họ sẽ bị phát hiện ra ngay. Còn trong tu viện, họ có thể che đậy nếp sống ấy rất lâu. Sống như thế có khi chẳng phải do lỗi của họ, họ chỉ làm theo những gì họ đã thấy người khác làm. Họ muốn xa tránh thế gian để phục vụ Thiên Chúa, muốn giữ mình khỏi những gian nguy của thế gian. Nhưng họ lại đụng phải cả núi những thế gian khác ngay trong đan viện, những khó khăn vô phương giải quyết. Họ không còn sống theo tu luật nữa. Vì đa số đều sống như thế, nên những đan sĩ chân chính hoặc phải hết sức khôn khéo, hoặc luôn bị bách hại.
2.3. Thực tế của đời tu
Têrêsa đã nhận định cách rất chính xác thực tế của đời tu thời ấy: “Chúng ta quyết tâm sống nghèo… nhưng chúng ta lại luôn thu tích và liệu sao để khỏi phải thiếu thốn, không chỉ những nhu cầu cần thiết mà cả những vật dư thừa. Ta cố kết thân với nhiều người để họ cung cấp những thứ này cho ta… Khi đã chiếm hữu làm của riêng rồi, ta coi trọng nó…. Khi đi tu, theo đuổi sự hoàn thiện, ta đã từ bỏ cảm quan tự đại về mình, thế nhưng nếu có ai vừa làm tổn thương danh tự của mình, ta tức khắc quên bẵng đi rằng ta đã dâng chúng cho Chúa… Về hết mọi sự khác ta cũng cư xử như thế”.
Ngoài ra, đan viện còn trở thành nơi ẩn náu của các thiếu nữ nghèo khó bị thế giới ruồng bỏ, hoặc của những người muốn ẩn mình trong đan viện để được sống theo sở thích của mình.
2.4. Công chúa Êbôli
Êbôli là một công chúa tuy chột mắt, nhưng vẫn nổi tiếng vì nhan sắc mặn mà và tính tình kiêu sa, hiếu thắng, chai lì. Vua cha nhận xét: “Nó nghĩ cái gì là muốn cái đó, tự cho mình mọi tự do để đạt được điều mình muốn, nó hay nổi trận lôi đình và thốt ra những lời độc địa chưa từng có nơi một phụ nữ thuộc giai cấp mình”. Triều đình sợ miệng lưỡi cô, còn anh chồng thì không hề dám cãi lệnh. Khi chồng chết, bà bỏ mọi sự, bỏ mười đứa con, lên một chiếc xe ngựa kín mít, bí mật đi theo Têrêsa, lên đường đến Pastrana. Bà không đi một mình mà đi cùng với các tớ nữ của mình. Bà yêu cầu bề trên nhà Pastrana nhận bà và đoàn tùy tùng vào tập viện. Đối với bà ở đây không cần tu luật, không cần hiến pháp, không cần chuông trống. Vâng lời là chuyện xa xỉ. Bà nói chuyện, tiếp khách, ra ngoài bất cứ khi nào bà muốn. Bà đòi người ta phục vụ y như ở cung đình, làm khó dễ bề trên, công khai chế nhạo các vị tuyên úy, các cha giải tội và khách viếng thăm. Bề trên phải nói thẳng với bà: Có được chị là một tài sản lớn đối với đan viện nghèo khó, nhưng chỉ có cung đình mới xứng với chị. Thế là bà la toáng lên rằng đan viện xua đuổi bà và bà xin nhà vua can thiệp. Nhà vua phán: bổn phận của bà là chăm sóc con cái. Bà ra đi với ý định sẽ bách hại đan viên này.
2.5. Têrêsa rất cương quyết đối với những người không có ơn gọi
Một trong những khó khăn Têrêsa gặp phải đó là những ân nhân và những người quyền thế. Bà tuyên bố trong cay đắng: “Nếu không với Thiên Chúa và vì Thiên Chúa, thì sự dựa dẫm nào cũng rắc rối cả!”.
Khi giúp đỡ các đan viện, những người này thường đòi phải nhận các nữ tu theo chọn lựa của họ. Têrêsa không nhượng bộ những người ấy. Có lần đức giám mục Alvaro de Mendoza, yêu cầu Têrêsa không được nhận Dona Casilda de Padilla, vì cô đã trốn người tình lúc mười hai tuổi để vào Dòng Kín, Têrêsa đã trả lời thẳng thắn: “Con nghĩ rằng Đức Maria bảo vệ các nữ tử của mình an toàn hơn đức cha bảo vệ các tín nữ của mình nhiều”. Lần sau, đức giám mục lại xin Têrêsa nhận hai người của mình, bà đã thẳng thắn trả lời: “Nếu đức cha ra lệnh, thì sẽ chẳng còn gì phải bàn, con sẽ vâng lời. Con chỉ xin đức cha suy nghĩ và muốn điều tốt hơn cho nhà mình… Con chỉ muốn nhận những người hoàn hảo. Với thẩm quyền của mình, con sẽ không chấp nhận một ai trong hai người của đức cha. Họ không đủ điều kiện, sao đức cha lại muốn chúng con nhận họ?”. Ít ra họ phải có được những đức tính mà người đàn ông đòi hỏi nơi vợ mình, cộng với lòng nhiệt thành. Têrêsa khẳng định: Một người sục sôi tình yêu Thiên Chúa thì hơn ngàn người nguội lạnh.
Têrêsa không chấp nhận sự tầm thường, không chấp nhận những nữ tu đần độn, những lối đạo đức điên rồ, những vị thánh mặt này nhăn nhó, không tán thành việc cầu nguyện đến kiệt sức.
-
Việc thành lập Dòng Cát Minh thánh Giuse
3.1. Lý do
Têrêsa biết điều quan trọng này là Thiên Chúa luôn muốn con người hạnh phúc. Trong các sách Tin Mừng, Thiên Chúa đã chỉ cho ta nghệ thuật sống hạnh phúc. Do vi phạm luật Thiên Chúa, con người đã chuốc họa vào thân, hệt như người ta có phổi mà không chịu thở vậy. Têrêsa tâm sự: “Thiên Chúa muốn chúng ta tìm kiếm sự thật, ta lại muốn sự dối trá. Thiên Chúa muốn ta tìm kiếm sự vĩnh cửu, ta lại tìm cái chóng qua. Thiên Chúa muốn ta khao khát điều cao siêu, ta lại muốn những điều thấp hèn, Thiên Chúa muốn ta chỉ yêu mến những điều vững chắc, ta lại chỉ yêu mến những thứ bấp bênh ở đời này”. Đó là điều làm Têrêsa đau như bị dao cắt. Bà mong muốn hy sinh tính mạng đến ngàn lần để cứu các linh hồn đang hư mất. Bà không chống lại ai, chỉ muốn cho tình yêu chiếu tỏa vô giới hạn. Bà không xét đoán, không lên án, không trừng phạt, bà yêu thương, chỉ muốn cho đi và tự hiến.
Bà nghĩ tới Dòng Đức Bà Núi Cát Minh trước khi đức giáo hoàng Eugeniô IV giảm nhẹ luật nguyên thủy và vì thế đã biến đan viện Cát Minh vốn là thành trì của việc sám hối và tâm nguyện nay chỉ còn là nhà tĩnh tâm cho những đàn ông không vợ và những phụ nữ không chồng. Dòng Cát Minh được khai sinh, để tiếp nối cuộc đời ngôn sứ Êlia, lắng nghe tiếng Thiên Chúa trong tiếng gió nhẹ, trong thì thầm, thinh lặng. Nói tới đó, chị bỗng nghẹn ngào tự hỏi: “Vậy ở đây, ai nghe được tiếng thì thầm ấy? Cuộc sống đan viện này thật bực bội, vì quá đông người!” Vậy thì tất cả chúng ta có mặt ở đây, chúng ta hãy lên đường, hãy tổ chức cho mình một cuộc sống cô tịch theo kiểu của các ẩn sĩ.
3.2. Những khó khăn trước mắt
Têrêsa đã suy nghĩ khá đầy đủ để hình dung ra những khó khăn trong việc thực hiện. Bà đã trải qua những gian khổ, nên biết thế nào là sự nghiệt ngã của việc dứt bỏ. Bà cũng biết rất rõ rằng khi đã “quyết” thì không một chống đối nào có thể làm lay chuyển quyết định của bà. Tuy thế, cũng có lúc Têrêsa có cảm giác như muốn thoái lui, vì bà chỉ mơ ước một căn nhà nghèo khó, vài chị em quây quần bên nhau, có cùng một tinh thần. Mọi người chỉ lo cầu nguyện, không nhà khách, không cửa lưới, tách hẳn mọi sự ở đời này, con tim tận hiến cho mình Đức Kitô. Viễn cảnh về những khó khăn trong việc thành lập một đan viện sống tu luật nguyên thủy khiến bà phải thốt lên: “Lạy Chúa, con đâu có muốn nhiều như thế!”
Chúa Giêsu soi sáng cho bà biết rằng đan viện cải tổ này sẽ được đặt dưới sự bảo trợ của thánh Giuse. Thánh nhân giữ một cửa, Đức Maria giữ một cửa. Chúa còn soi cho bà biết, thế giới này sẽ ra sao nếu không có các tu sĩ?
3.3. Những bước dò dẫm
Khó khăn đầu tiên của Têrêsa là làm thế nào để chuyển sứ điệp này cho cha Baltasaz Alvarez, bà không nói trực tiếp, những đã vận dụng nghệ thuật viết thư vốn có, thuyết phục con người khó tính này, khiến dẫu có đưa ra các vấn nạn, vẫn khuyên Têrêsa nên thỉnh cầu cha giảm tỉnh. Cha giám tỉnh tỏ ra rất hài lòng, thỏa mãn vì biết rằng mỗi đan viện sẽ không có quá mười ba đan sĩ, nên đã hứa cho phép.
3.4. Những khó khăn ban đầu
3.4.1. Những chống đối
Người ta bắt đầu đàm tiếu. Có người nói: hết thị kiến, chẳng biết thực hư thế nào, bây giờ lại bày trò thiết lập một đan viện để các phụ nữ hèn kém đua đòi với các thánh phụ sa mạc về sự nhiệm nhặt. Người khác cười ngạo mạn, bà ấy điên rồi. Những người khác nữa không biết cách nào để bênh vực Têrêsa. Ai cũng thấy mình có quyền chế nhạo đan viện này.
Tại đan viện Nhập Thể, người ta nói: “Chúng tôi cứ nghĩ là Têrêsa yêu mến chúng tôi. Thế nhưng chẳng những chị ấy không có tình thương đối với ngôi nhà chị đã sống hơn hai mươi năm mà chị còn đi lập một nhà khác. Nếu chị ấy có thể kiếm được tiền, được các nguồn thu nhập, sao chị ấy lại không đưa cho chúng tôi, những người chị em, vốn chẳng có gì ăn cho đỡ đói”. Những người khác thêm vào: Chị ta xúc phạm đến chúng tôi với những yêu sách của chị. Những người thánh thiện đã không bằng lòng với luật giảm nhẹ đó sao? Có người yêu cầu phải giam bà vào ngục tối, người khác còn đem cả Tòa Án Giáo Hội ra đe dọa. Hàng giáo sĩ, các dòng tu khác đều tấn công bà. Trong thời buổi đói nghèo ngày càng tăng này, họ cảm thấy nồi cơm của họ bị đe dọa. Tại nhà thờ Santo Tomas, một linh mục đã công khai công kích Têrêsa trên bục giảng: Các nữ tu ra khỏi đan viện lấy cớ thành lập các dòng mới, thực ra họ chỉ muốn đi tìm tự do. Những lời của vị này thiếu tế nhị đến độ người em của Têrêsa là Juana phải đỏ mặt tía tai, chỉ muốn bỏ ra ngoài.
3.4.2. Cha giám tỉnh rút lại phép
Thấy Têrêsa bị tấn công quá, cha giám tỉnh không cho phép thành lập đan viện nữa. Cha Baltasaz Alvarez truyền cho Têrêsa quên chuyện lập dòng đi, ngài viết: “Một ngày kia, con sẽ thấy tất cả chỉ là mộng mơ hão huyền thôi”. Trong tu viện, Têrêsa bị canh chừng kỹ, ngoài đường phố cũng bị các gián điệp của các dòng khác vây kín.
Tuy vậy, Têrêsa không thể không vâng phục cha giải tội. Được khích lệ, cha Ibanez Dona Guiomar đã lấy danh nghĩa riêng và kín đáo xin Rôma cho thành lập một tu viện theo Luật nguyên thủy của Dòng Cát Minh. Tu viện này sẽ ở dưới quyền của đức giám mục Avila chứ không thuộc quyền cha giám tỉnh như trước.
3.5. Thời cơ đã đến
Tháng Tám năm 1561, em gái Têrêsa và chồng là Juan de Ovalle trở về quê nhà. Mẹ bề trên đan viện không nỡ từ chối việc để cho Têrêsa được đi nghỉ một thời gian giúp em mình ổn định cuộc sống. Tận dụng thời cơ, Têrêsa mua một ngôi nhà nhỏ để em đứng tên. Việc sửa chữa đang bắt đầu cho phù hợp với một đan viện, thì một bức tường bỗng nhiền sập đổ. Mọi người đều hốt hoảng. Có người cho rằng quỉ phá, người khác lại bảo Chúa không muốn có đan viện này. Têrêsa vẫn bình thản, yêu cầu cứ tiến hành công việc.
Đang ở tại nhà của Dona Luisa de la Cerda, để an ủi bà vì chồng qua đời. Vì có cuộc bầu lại bề trên, nhưng cha giám tỉnh cho phép Têrêsa được tự do ở hoặc về. Têrêsa chọn ở lại, nhưng Chúa buộc Têrêsa phải trở về. Têrêsa vừa về đến Avila thì nhận được chiếu chỉ của đức giáo hoàng cho phép thành lập đan viện Cát Minh cải tổ dưới quyền đức giám mục Avila. Mọi sự đã sẵn sàng, chỉ còn một vấn đề nhỏ là làm sao để đức giám mục chấp nhận một đan viện không có thu nhập. Nhưng mọi chuyện đều ổn thỏa, chờ ngày khai mạc.
3.6. Ngày khánh thành đan viện
Ngày 24. 8. 1562, thánh lễ khánh thành tu viện, nghèo như hang Belem, diễn ra trong thầm lặng. Trong thánh lễ này, vị sáng lập trao áo dòng cho bốn thiếu nữ. Tu phục làm bằng vải thô nhớp nhúa. Láng giềng kháo láo nhau rằng đan viện này sẽ sống chay tịnh, đánh tội, cầu nguyện cho mọi người. Và mọi người nhanh chóng loan tin về đan viện.
3.7. Hậu quả của việc thành lập đan viện
Tin về việc thành lập đan viện loan khắp thành phố. Những người tai mắt trong thành phố bực mình. Mọi người đều cho rằng đan viện này là một mối nguy cho Avila. Người ta ném đá, đòi phá tu viện. Trong khi đó tại đan viện Nhập Thể, người ta yêu cầu phải phạt Têrêsa và “những người đồng lõa” thật nặng. Bị cha giám tỉnh gọi về, Têrêsa đành bỏ mặc bốn nữ tu non nớt tại đan viện thánh Giuse. Têrêsa bị gọi đến trước tòa, bị cha giám tỉnh trách mắng nặng lời. Têrêsa xin chịu tất cả mọi hình phạt. Nhưng sau khi nghe Têrêsa trình bày, mọi người đều không tìm được lý do kết án. Cha giám tỉnh còn hứa sẽ cho Têrêsa trở về đan viện thánh Giuse khi tình hình lắng dịu. Đan viện còn bị cả hội đồng hoàng gia xét xử, đòi giải thể, nhưng họ cũng không giải thể được. Trên viên đá nền này mười sáu tu viện nữa sẽ lần lượ mọc lên khi Têrêsa còn sống.
-
ĐỜI TU DƯỚI MẮT TÊRÊSA
Được tự do phụng sự Thiên Chúa, được sống trong cô tịch để có thể nghe được những tiếng thì thầm của tình yêu, Têrêsa hoạch định đường lối cho các chị em mình như sau:
“Mỗi nữ tu Cát Minh phải thay thế những kẻ không yêu mến hay yêu mến quá ít, phải thay thế những kẻ không cầu nguyện hay cầu nguyện lơ là và phải hiến toàn thân để cứu rỗi thế gian và cứu rỗi các linh hồn, phải hiến toàn thân cho Hội thánh, cho các linh mục”. Bà nhấn mạnh, đó chính là ơn gọi, là công việc chính yếu, là niềm ao ước và đối tượng các nữ tu phải khóc lóc, kêu cầu.
Bà phác họa những nét cơ bản của các đan viện của mình: “Đơn sơ, lặng thinh, khinh chê thân xác và các đòi hỏi của thân xác, nhưng vui vẻ như trẻ nhỏ, khiếm tốn nhưng ý thức về sự cao cả của linh hồn, tùng phục nhưng tùng phục Thần Khí, say mê nhưng say mê Đức Kitô, thiếu thốn mọi sự nhưng là các nữ hoàng của thế giới này, bởi lẽ kẻ làm chủ mọi của cải chính là kẻ chẳng chút bận tâm về những của cải ấy”. Không một dự luận, không một người phàm nào có thể ảnh hưởng đến họ, họ đạp thế gian dưới chân, họ được tự do, họ là hoàng hậu và là bà chủ của vương quốc tinh thần.
Các nhân đức quan trọng và cần thiết của tu sĩ là yêu mến nhau, dứt bỏ mọi thụ tạo và nhân đức cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng là khiêm nhường đích thật.
Têrêsa đã theo đuổi mục đích của Hội dòng và sống các nhân đức ấy ra sao?
-
Lòng mến Chúa thiết tha
1.1. Muốn tử vì đạo để được sống đời đời
Ngay từ nhỏ, Têrêsa đã khao khát được chết để được ở với Thiên Chúa. Têrêsa tâm sự: “Khi đọc thấy những hình khổ các thánh phải chịu vì Thiên Chúa, tôi thường nghĩ là họ đã mua mối phúc được hưởng Thiên Chúa bằng giá quá rẻ và tôi khát khao được chết như họ không phải vì ý thức về tình mến Chúa, nhưng là để mau đạt được hạnh phúc thiên đàng. Tôi bàn với anh tôi tìm cách để chúng tôi có thể chết vì đạo. Và chúng tôi đồng ý bỏ nhà đi đến miền đất của người Hồi giáo. Cuộc phiêu lưu bất thành, Têrêsa hướng đến một cuộc sống tu trì.
1.2. Quyết tâm không phạm tội
Cuộc đời của Têrêsa là một chuỗi những ngày tháng quyết tâm không phạm tội, dù chỉ một tội nhẹ. Têrêsa cũng đã cố tránh mọi dịp tội, vì thấy rằng mọi khó khăn trong việc hiến mình cho Thiên Chúa hệ tại ở chỗ bà đã không cắt đứt tận gốc các dịp tội.
1.3. Yêu Chúa là đón nhận mọi sự xảy ra cho mình
Một cơn bệnh lạ xảy ra cho mình, đau đớn đến độ không thể chịu nổi. Ruột bà xem chừng như lửa đốt, sốt liên miên, những cơn co thắt thần kinh đau như xé thịt. Têrêsa vẫn can đảm chấp nhận, bà nói lại những lời của ông Job: “Ta biết đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?” Việc đón nhận ý Thiên Chúa và làm vui lòng Thiên Chúa của Têrêsa đã đi đến mức độ anh hùng. Khi một nhà quí tộc Têrêsa bàn hỏi, đã khẳng định rằng việc cầu nguyện, các cơn ngất trí và những thị kiến của Têrêsa không phải do Thiên Chúa mà do ma quỉ và người này yêu cầu Têrêsa ngưng cầu nguyện. Đau đớn quá mức, nhưng Têrêsa sẵn sàng vâng phục, nếu đó là ý Thiên Chúa.
1.4. Sống trong sự thân tình với Thiên Chúa
Ít ai có được những kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa dành cho mình bằng Têrêsa. Một tình yêu rất cụ thể, Têrêsa cảm nhận như sau: “Chúa che giấu những hành động bất hảo của con và phơi bày ra một vài nhân đức vụn vặt con có được, rồi tô son trét phấn, khuếch đại chúng trước mặt mọi người để người ta luôn nghĩ tốt về con. Vì con có biết bao lầm lỗi, đôi khi rất lộ liễu, thế mà người ta vẫn không tin như vậy… Thời gian con xúc phạm đến Chúa nặng hơn, thì Chúa lại cho con ơn sám hối sâu xa hơn”. Chính vì kinh nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa như thế, nên Têrêsa đã sống rất thân tình với Thiên Chúa. Khi cha Pedro Ibanez nghĩ rằng bà chỉ dành một số thời gian để cầu nguyện thôi, ngoài những thời gian ấy ra, bà nghĩ tới những chuyện khác, bà đã trả lời: khi người ta đã si mê nhau thì không một phút giây nào họ lại không sống trong sự hiện diện của nhau. Têrêsa chỉ sống với Chúa, nói về Chúa, hoạt động cho Chúa và chỉ viết lại những kỳ công của Chúa.
Chính Têrêsa cũng công nhận: với Người, tôi có thể nói năng như một người bạn, mặc dù Người là Chúa. Người không giống như những kẻ ta gặp ở đây, những người chỉ biết áp đặt những quyền hành giả tạo của mình trên người khác.
1.5. Cầu nguyện quan trọng hơn hãm mình
Đối với Têrêsa, cầu nguyện, sống với Chúa, làm vui lòng Chúa, quan trọng hơn việc hãm mình. Bà chỉ cho phép các đan sĩ của mình hãm mình với điều kiện còn đủ sức và còn tỉnh táo để cầu nguyện.
Có lần thánh Gioan thánh giá bị ốm, đã xin cha Antonio de Jesus cho phép dùng bữa sớm hơn một chút. Sau đó ngài hối hận vì đã chiều theo nhu cầu cần thiết của thân xác, nên đã đánh tội tại nhà cơm đến bật máu ra. Chuyện này khiến Têrêsa lo sợ, bà nói: Tôi thiết tha xin các cha đừng dấn thân vào việc sám hối khắt khe như thế. Tôi e rằng ma quỉ sẽ lợi dụng để triệt hạ các cha. Bà vẫn thấy việc hành xác quá đáng này là do ma quỉ. Quỉ làm thế là để hủy diệt sức khỏe của những kẻ làm hại chúng bằng đời sống cầu nguyện, nên cám dỗ họ thực hiện các việc hành xác này để không còn sức cầu nguyện nữa. Têrêsa yêu cầu phải sống cho Thiên Chúa và sống thật khỏe.
Têrêsa còn khuyên các bề trên, cấm những cơn ngất xỉu kéo dài, cấm các nữ tu ăn chay, khi việc ăn chay đó ảnh hưởng xấu tới tâm nguyện, và bắt họ phải có những giờ phút thư giãn. Bà khẳng định, người siêu nhiên nhất là người khiêm tốn nhất chứ không phải là người hãm mình nhất.
Chính đời sống nhiệm hiệp với Chúa, một đời sống thường xuyên ngất trí này đã đẩy Têrêsa đến chỗ khẳng định như thánh Gioan: Ai không yêu thương đồng loại là không yêu mến Thiên Chúa
-
Lòng yêu thương tha nhân
2.1. Nguyên tắc của lòng mến đối với Têrêsa
Têrêsa đã đưa ra một nguyên tắc rất đơn giản về lòng yêu mến dành cho tha nhân: “Hãy yêu thương hết mọi người, nhưng yêu trong Thiên Chúa và nhờ Thiên Chúa”.
Với nguyên tắc này, Têrêsa đã mở lòng ôm ấp cả vũ trụ, yêu thương hết mọi người, mong được hy sinh mạng sống để cứu những người nhỏ bé nhất trong họ. Bà cầu nguyện: lạy Thiên Chúa, điều con xin Chúa có vẻ hơi khó, nhưng rất thật lòng, xin Chúa yêu những người không yêu Chúa, xin mở cửa cho những người không gõ, ban sức khỏe cho những người thích đau yếu và tìm kiếm bệnh hoạn, xin xót thương những người không xót thương bản thân mình. Bà không chống lại ai, không xét đoán, không lên án, chỉ mong cho tình yêu chiếu tỏa.
2.2. Yêu chị em trong nhà
Têrêsa hết mực yêu thương các tập sinh, chăm sóc sức khỏe họ. Bà cho chị Juana chiếc áo choàng mới và giữ cho mình chiếc áo sờn cũ. Bà âm thầm thức khuya vá áo cho các chị em. Bà yêu cầu các bề trên phải dịu dàng và tận tâm chăm sóc các bệnh nhân. Bà đồng cảm với những nỗi cay cực khổ đau, an ủi hết mọi người. Người ta kể lại, có một nữ tu bị một chứng bệnh ghê tởm, ai chăm sóc cũng cảm thấy tởm lợm. Têrêsa tình nguyện chăm sóc chị này. Mùi hôi thối có lần khiến Têrêsa lợm giọng, phải chạy ra ngoài nôn mửa, nhưng sau đó lại vui vẻ quay trở lại.
2.3. Bác ái trong cộng đoàn
Têrêsa nhận thấy những người ghét mình là những người yêu mình nhất. Bà nói: “Hỡi những tâm hồn nhát đảm nhưng thánh thiện kia. Những kẻ gây chiến với tôi cách ác liệt là những kẻ thương mến tôi nhất”
Đối với chị em trong cộng đoàn, Têrêsa đã coi các việc bác ái ngang hàng với tâm nguyện. Giúp đỡ, cảm thông nhau, vui vẻ với các chị em trong các giờ giải trí dù không thích chút nào, săn sóc các chị em đau yếu, phục vụ trong những công việc hèn hạ nhất đã được Têrêsa coi ngang với chiêm niệm và cầu nguyện. Bà nói: Tình yêu Thiên Chúa không thể tách rời khỏi tình yêu anh chị em mình.
2.4. Tình yêu trọn lành
Têrêsa coi tình yêu trọn lành hệ tại ở việc không ngần ngại cảnh báo chị em về những sai lầm của họ. Tình yêu ấy giúp ta tránh nịnh hót và trách mắng, giúp phê phán mà không hờn oán. Têrêsa không ngần ngại xin chị em la rầy mình khi sai lỗi, và luôn đón nhận phê phán cách khiêm tốn. Têrêsa luôn hỏi ý kiến chị em, ai đúng nhất bà theo. Khi do tính bộc trực, nói những lời xúc phạm chị em, bà liền quỳ xuống xin lỗi ngay. Có lần lầm lẫn khi đọc kinh phụng vụ, bà đã sấp mình giữa ca triều. Các chị em thấy thế cũng sụt sùi theo, mà quên mất, không đỡ bà dậy.
Thế nhưng, bà rất nghiêm khắc đối với các chị em gây rối. Bà tuyên bố: “Hãy loại bỏ những kẻ ôn dịch, hãy hết sức chặt bớt cành, nếu chặt rồi mà vẫn chưa tốt thì nhổ cả rễ, nhổ rồi mà vẫn không xong, thì người nào gây rối sẽ không được ra khỏi nhà giam. Thà là như vậy còn hơn là để những chị em khác phải lây nhiễm. Bởi đây là một tai họa lớn”
2.5. Không chấp nhận gian dối
Têrêsa cảm thấy nhức nhối khi người ta không còn nói sự thật. Do thừa kế được đức trung thực của người cha, Têrêsa luôn nói thật, không khi nào nói dối. Cả lúc biết rằng nói thật cha sẽ buồn, Têrêsa vẫn cứ nói. Têrêsa buồn vì trào lưu nói sự thật không còn phổ biến nữa. Cả các vị giảng thuyết cũng cố lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Điều bà ao ước là nói thật để làm vinh danh Thiên Chúa. Theo bà, ai can đảm phụng sự Thiên Chúa trong mọi sự thì chẳng sợ được hay mất danh dự đến độ phải bóp méo hoặc không dám nói sự thật. Dẫu có được cả thế gian bà cũng không nghĩ một đàng nói một nẻo.
2.6. Nền tảng của đời sống cộng đoàn
Để có thể có được một cuộc sống chan hòa trong cộng đoàn, Têrêsa khuyên, cố gắng nhìn vào các nhân đức và những gì tốt lành nơi người khác; luôn đặt trước mắt những tội lỗi nặng nề của mình để chúng ta ra mù tối, không còn thấy những lầm lỗi của người ta. Đây là cách giúp ta đạt được một nhân đức chắc chắn. Ta phải cầu xin Chúa ban cho ơn này.
2.7. Những nết xấu cần tránh trong cộng đoàn
Têrêsa đã coi những thói xấu sau đây là những thói xấu xuất phát từ hỏa ngục. Đó là ngồi lê đôi mách, đùa giỡn dại dột, tự đề cao, tâng bốc, nói hành nói xấu, hay tự ái, dễ nói dối, quá nhạy cảm và cường điệu, thiếu chân thành. Sở dĩ thế là vì Têrêsa không bao giờ nói xấu ai, dù nhỏ nhặt đến đâu. Đó là điều tâm niệm của bà. Nhân đức này mọi người đều thấy, nên những người ở với bà, cũng giữ được như thế, đến độ cả những người phản bội bà nhất vẫn được bà bảo toàn danh dự.
2.8. Yêu thương những con người khốn khổ
Nhận thấy trong xã hội có những bất công, người thì quá giàu, kẻ quá nghèo, Têrêsa bắt đầu hướng về những người nghèo khổ, rách rưới, bẩn thỉu, chấp nhận hôi hám chứ không nhờm tởm để băng bó vết thương cho họ. Bà nói: Tôi thiết nghĩ bây giờ tôi thương người nghèo hơn trước, tôi ao ước cứu giúp họ đến nỗi sẵn sàng hiến cho họ chiếc áo tôi đang mặc. Họ không làm tôi ghê tởm cả khi tôi tới gần hay chạm tới họ. Đó là ơn Chúa ban, vì thực ra tôi thi thố tình yêu Thiên Chúa chứ chẳng phải sự chạnh thương tự nhiên của tôi.
2.9. Một linh mục bị bùa
Trong lúc đi chữa bệnh, Têrêsa gặp một linh mục, đang dính líu với một phụ nữ. Chuyện này khiến ngài mất hết danh dự và đang rơi vào tình trạng cùng quẫn. Têrêsa đã cầu nguyện cho ngài. Sau đó, biết được rằng ngài bị bùa. Dù không tin, nhưng Têrêsa vẫn xin ngài đưa cho mình một ảnh nhỏ đang đeo trên người. Khi Têrêsa vứt ảnh đó đi, vị linh mục này được giải thoát, và kết thúc cuộc đời trong bình an. Bà không hề trách cứ người phụ nữ tội nghiệp đã bỏ bùa vị linh mục đó. Têrêsa còn gặp một linh mục khác, suốt hai năm rưỡi sống trong tội trọng, muốn xưng tội mà không xưng được. Khi xưng tội được rồi, ngài phải chịu những cơn cám dỗ kinh khủng, đau đớn đến độ như thể đã rơi vào hỏa ngục. Têrêsa đã xin Chúa để ma quỉ hành hạ mình thay cho vị linh mục ấy. Chúa cho, Têrêsa đã phải chịu những cực hình dữ dội nhất suốt cả tháng trời. Têrêsa sẵn sàng chịu đựng nhiều hơn thế để linh mục ấy được giải thoát.
2.10. Bị xuống hỏa ngục
Có lần Têrêsa nhận được thị kiến, chị như bị rơi vào hỏa ngục, đau đớn, gò bó, ngồi không được mà nằm cũng không xong. Không gì kinh hoàng bằng những hình khổ ấy. Nhưng cũng từ kinh nghiệm ấy, Têrêsa bắt đầu cảm thương những linh hồn trong hỏa ngục. Bà sẵn sàng chết ngàn lần để giải thoát một trong những linh hồn khốn khổ ấy.
Như thế, đối với Têrêsa yêu mến một mình Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, nhất là các chị em cùng sống với mình bằng những việc nhỏ nhặt nhất chính là cốt lõi của đời sống tu trì. Nhưng để đạt được mục đích ấy, người ta phải bỏ mình và khiêm tốn
-
Bỏ mình
Bỏ mình là một trong những điệp khúc được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất trong các tác phẩm của Têrêsa. Chỉ khi bỏ mình hoàn toàn bà mới tiến xa trên con đường cầu nguyện, nhiệm hiệp.
3.1. Từ bỏ bản thân, thân nhân, bạn bè
Kinh nghiệm cho Têrêsa thấy rằng không từ bỏ bản thân, người ta sẽ không thể nhận được những gì Thiên Chúa muốn ban. “Bởi không thể từ bỏ bản thân hoàn toàn thì không bao giờ Thiên Chúa cho chúng ta trọn vẹn kho tàng quí báu của Ngài”
Khi đã tiến tới bậc cầu nguyện nhiệm hiệp và ngất trí, Têrêsa cảm nghiệm cách sâu xa rằng, thân nhân, bạn bè chính là những kẻ thù của đời sống nội tâm. Họ làm cho bà yếu nhược. Những lời chỉ trích của họ xói mòn bà khiến bà không phải lúc nào cũng chống lại được. Bà khuyên hãy coi chừng danh dự bản thân, tập dứt lìa gia đình và đừng chuyện vãn với thân nhân.
3.2. Từ bỏ danh dự
Têrêsa dịu dàng và có tài đem lại niềm vui cho mọi người, đã thế, chị lại không hề làm mất danh dự của ai, vì thế, chị em trong cộng đoàn gọi chị bằng những lời xu nịnh như “sự sống của tôi, linh hồn của tôi, kho báu của tôi ơi!” Têrêsa xem thường những lời ấy, coi đó chẳng khác gì những lời mách lẻo, những cuộc cãi vã.
Têrêsa không bao giờ đi tìm hư danh. Bà còn căn dặn những người bước vào con đường thánh thiện, hễ thấy hư danh bò vào là phải phản ứng ngay. Bà còn xác tín rằng một người đã phó thác cho Thiên Chúa rồi sẽ không còn bận tâm đến những lời khen, chê của thế gian. Có được ơn gì, họ đều biết rằng đó là do bởi Thiên Chúa. Ai muốn đi vào con đường này thì phải tự nguyện chết đi đối với thế gian, nếu không thế gian sẽ giết chết họ. Thế gian này chẳng có gì tốt cả, chỉ có mỗi cái là nói xấu những kẻ nhân đức.
Vì thế, điều quan trọng là đừng bận tâm về những gì người ta nói xấu về mình mà hãy vui mừng khi bị nói xấu hơn là lúc được nói tốt. Bà coi việc gắn bó với danh dự bản thân như một sợi dây không gì có thể cắt đứt được và là một lực cản khiến những người đã cầu nguyện lâu năm cứ xà xà dưới đất. Việc quan tâm tới danh dự dù nhỏ nhoi đến đâu, thì hậu quả vẫn thật đáng tiếc, hệt như chơi đàn mà nhấn sai một nốt hay lỡ một nhịp. Đức Kitô đã chịu sỉ nhục vì ta đến chết trên thập giá, thì danh dự của ta, nếu có thì cũng phải từ đó mà ra.
3.3. Dạy nữ tu từ bỏ
Trong số các nữ tu bà nhận vào, có một chị đã ngoài bốn mươi tuổi, tên là Ursula. Vì nhận thấy một số hạn chế nơi chị, nên bà muốn thử nghiệm, với ý định, nếu chị này tỏ ra khó bảo sẽ cho về ngay. Bà nói: con đi ngủ đi, con cần ngủ. Rồi bà bắt mạch nói: con bị bệnh nặng rồi. Ursula không tỏ ra khó chịu, đi ngủ đúng như bề trên truyền. Tin tới tai bà, bà vẫn không tin. Đích thân bà lại tới bắt mạch và nói với chị em tìm y sĩ tới để chích máu cho Ursula. Y tá tới chích máu, Ursula vẫn bình thản, không phản ứng gì, Têrêsa rất cảm động, vì bà có cảm tưởng là đã loại bỏ được thứ máu theo ý riêng trong đan viện. Còn Maria Ocampo, khi được lệnh trồng cây mướp hương đã hư thối, vẫn cứ trồng. Bỏ mình nhất là từ bỏ những mối tương quan không gây trở ngại gì, trở thành phương thế rất quan trọng để kết hợp với Thiên Chúa nhưng không dễ đối với Têrêsa.
3.4. Từ bỏ tình thân
Trong số những người thường lui tới với Têrêsa, có một ông quí tộc tên là Francisco de Guzman. Têrêsa rất thích người này vì đã dành cho bà một tình cảm nồng thắm. Ông là người làm Têrêsa lo ra nhất trong các giờ cầu nguyện. Chúa không muốn bà tiếp tục giao tiếp với ông. Nên một hôm bà thấy Chúa Giêsu hiện ra với một thái độ rất nghiêm nghị, Ngài tỏ cho bà biết Ngài không muốn mối quan hệ ấy. Bà hoang mang, nhưng chẳng mấy chốc cho đó là do bà nghĩ ra, không phải Chúa. Một lần khác, khi Têrêsa đang ở phòng khách với người này, thì một con cóc rất to xuất hiện, nhiều người thấy, Têrêsa nghĩ rằng chắc chắn con cóc ấy phải mang một sứ điệp nào đó, nhưng nghĩ thế rồi bà lại quên ngay. Một chị nữ tu, có họ với bà có lần cảnh giác Têrêsa về mối tương quan này, nhưng Têrêsa chỉ đáp lại bằng một cái nhún vai, cho rằng ý kiến vớ vẩn lạc hậu của các bà già. Và một hôm kia, khi bước chân ra nhà nguyện, Têrêsa thấy pho tượng các chị em trong nhà vẫn trưng ra vào các dịp lễ. Tượng Chúa chi chít những vết đòn roi, vừa thấy Têrêsa xúc động mãnh liệt, bà liền quì xuống, khóc lóc thảm thiết và van xin Chúa đừng để cho bà xúc phạm đến Chúa nữa. Và ngay lập tức Chúa nói với bà, từ này Chúa chỉ muốn bà nói chuyện với các thiên thần. Sau này bà viết: “Cho đến lúc ấy, đó là cuộc sống của tôi, còn bây giờ là Chúa sống trong tôi”.
Sau này, Têrêsa vẫn còn một người bạn nữa, bà do dự, không muốn bỏ, vì bà thấy, tình bạn này không có hại gì, vả lại nếu bà dứt bỏ, bà sẽ mang tội vô ơn. Nhưng qua cha linh hướng Baltazaz Alvarez, Thiên Chúa đã đòi bà phải dứt bỏ, và khi bà đã bỏ, bà không còn duy trì tình bạn thắm thiết với ai và cũng không tìm được an ủi hay luyến ái với ai trừ những người bà tin là họ yêu mến Thiên Chúa và nỗ lực phụng sự Ngài.
3.5. Từ bỏ an ủi trong cầu nguyện
Được nhiều an ủi và cũng gặp rất nhiều thử thách, gian nan trong cầu nguyện, nhưng Têrêsa xác tín rằng người cầu nguyện là người luôn tùy thuộc Thiên Chúa, Ngài dẫn ta đi đâu tùy ý Ngài. Ta không thuộc về mình nữa, mà thuộc về Thiên Chúa. Vì vậy, bà khẳng định rằng ai đã bắt đầu cương quyết bước theo con đường tâm nguyện và không quan tâm tới an ủi hay tình cảm sốt sắng, không hứng khởi hơn khi được an ủi, chẳng buồn phiền gì khi Chúa rút các ơn ấy lại, thì người ấy đã đi được phần lớn cuộc hành trình rồi. Bà không tìm gì khác ngoài việc làm vui lòng Thiên Chúa và chấp nhận bị phạt vì đã được hưởng những ngọt ngào trong cầu nguyện.
Khi thánh Gioan Thánh Giá được Têrêsa chọn làm cha giải tội và cũng là tuyên úy của cộng đoàn. Ngài tỏ ra rất nghiêm khắc với mẹ sáng lập. Có lần, Gioan Thánh Giá bắt Têrêsa phủ phục hàng giờ trong nhà nguyện vì đã cảm nghiệm được quá nhiều ngọt ngào trong cầu nguyện. Đó là những “thú vui” mà bà phải xua trừ. Bà cúi xuống, khóc lóc vì những ân huệ Chúa ban và vì những bất trung của mình. Nhưng bà có tìm những ơn ấy đâu. Dù vô tội trong vụ này, bà vẫn sẵn sàng bỏ mình vì lòng mến Thiên Chúa.
3.6. Ích lợi của việc từ bỏ
Sở dĩ bà từ bỏ và còn yêu cầu mọi tu sĩ của bà từ bỏ hết mọi sự như thế, vì bà cho rằng dính bén với cái gì, ta sẽ khổ vì cái đó và sẽ nên như cái đó. Bà viết: “Ôi, thật là một hồng ân lớn lao, khi Chúa cho ta hiểu ta chiếm hữu được nhiều biết chừng nào khi ta chịu đau khổ vì danh Ngài. Nhưng ta chỉ có thể hiểu được điều này khi ta đã từ bỏ hết mọi sự, vì dính bén sự gì, ta sẽ coi trọng sự ấy, mà đã coi trọng nó, tất sẽ đau khổ vì nó và cũng chính vì nó mà ta mất mọi sự. Ai theo đuổi hư không, thì cũng sẽ thành hư không.
Không thể từ bỏ được, nếu không có lòng khiêm nhường, điều mà Têrêsa gọi là nhân đức bao hàm mọi nhân đức
-
Đức khiêm nhường
4.1. Nền tảng của sự trọn lành
Khiêm nhường là nhân đức Têrêsa không ngừng nhắc tới, và coi là một tiêu chuẩn quan trọng đo lường sự thánh thiện.
Marcell Aulair kể lại, một hôm vào ngày Lễ Chúa Ba Ngôi, cha Gioan ngồi trên ghế dựa, Têrêsa ngồi trên ghế băng, bàn về yếu tính Chúa Ba Ngôi, Ocampo đi tìm, thì thấy cả hai đang xuất thần, cha Gioan đang ngất trí, đang được đưa lên đến tận trần nhà. Nhưng cả hai đều khẳng định rằng sự trọn lành không nằm ở đó mà là ở sự khiêm nhường.
4.2. Định nghĩa
Theo Têrêsa, khiêm nhường là nhìn nhận tất cả mọi sự ta có đều do bởi Chúa, nên ta hướng mọi sự tốt lành của ta về Chúa, nếu ta có nói gì thì cũng là nói vì vinh quang Thiên Chúa.
Người khiêm nhường là người nhận ra mọi sự tốt lành nơi họ không phải là của họ nhưng là của Chúa, là người không bối rối khi người khác được khen, nhưng vui mừng vì thấy Thiên Chúa đang tỏ quyền năng của Ngài nơi mọi người, là người không quan tâm tới những lời khen chê của thế gian.
4.3. Hiệu quả của khiêm nhường
Têrêsa coi đức khiêm nhường chính là nền tảng của toàn bộ lâu đài nội tâm. Vì con người càng tự hạ, thì càng được Thiên Chúa nâng lên.
Têrêsa cũng phân biệt khiêm nhường thật với khiêm nhường giả. Người khiêm nhường giả là khi có ai thấy được điều tốt nơi mình, thì liền xin Thiên Chúa tỏ cho họ thấy tội lỗi của mình, để họ thấy mình bất xứng với những ơn mình lãnh nhận. Người khiêm nhường giả còn là người không được soi sáng để làm việc lành nào, coi Thiên Chúa là người chỉ có lửa và gươm. Đó là một thứ khiêm nhường điên dại. Còn nhiêm nhường thật không xuất phát trong náo loạn, không gây bất an cho linh hồn, không đem khô khan và tăm tối nhưng đem đến niềm vui, sự bình an, ngọt ngào và ánh sáng.
4.4. Khiêm tốn là ơn Chúa ban
Têrêsa kể, bà không thông thạo về sách kinh phụng vụ và những chi tiết trong nghi thức bà phải làm. Bà biết các em tập sinh thành thạo chuyện ấy, nhưng bà không dám hỏi vì sợ họ biết cái dốt của mình. Được Chúa mở mắt cho, bà chẳng ngần ngại học hỏi nơi những người trẻ. Điều làm bà kinh ngạc là bà không mất danh dự, cũng chẳng ai khinh bà. Bà hát không hay, và bà cảm thấy nhục nhã khi không hát được hết phần đã được giao. Càng lo, bà càng hát dở. Khi bà không còn lo nữa, bà hát khá hơn.
Như thế càng khiêm nhường, ta càng tiến xa trong mọi lãnh vực.
III. KẾT LUẬN
Như thế, đối với Têrêsa, ơn gọi của các tu sĩ cách riêng các tu sĩ Cát Minh là yêu mến thay cho những kẻ không yêu mến, cầu nguyện thay cho những kẻ không cầu nguyện hay lơ là trong cầu nguyện, và hiến toàn thân cho Hội thánh, cho các linh mục và các linh hồn. Nét chính yếu của đời tu là đơn sơ, lặng thinh, khinh chê thân xác và các đòi hỏi của thân xác, vui vẻ như trẻ nhỏ, khiêm tốn nhưng ý thức về sự cao cả của linh hồn, tùng phục nhưng tùng phục Thần Khí, say mê nhưng say mê Đức Kitô, thiếu thốn mọi sự nhưng là các nữ hoàng của thế giới này, bởi lẽ kẻ làm chủ mọi của cải chính là kẻ chẳng chút bận tâm về những của cải ấy.
Các nhân đức quan trọng và cần thiết của đời tu là yêu mến nhau, dứt bỏ mọi thụ tạo và nhân đức cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng là khiêm nhường đích thật.
Cầu nguyện đối với bà quan trọng hơn những việc hãm mình vì thế bà không cho phép những việc hãm mình nghiệt ngã đến độ không còn sức cầu nguyện. Bã đã yêu thương mọi người đến độ không nói xấu ai, không chấp nhận gian dối. Quan niệm của bà rất rõ, yêu thương là “giúp đỡ cảm thông nhau, vui vẻ với các chị em trong các giờ giải trí dù không thích chút nào, săn sóc các chị em đau yếu, phục vụ trong những công việc hèn hạ nhất”.
Theo bà, đã từ bỏ thì phải từ bỏ hết, vì “nếu ta không từ bỏ hết mọi sự thì Thiên Chúa sẽ không trao phó trọn vẹn kho báu của Ngài cho ta”. Bà dứt bỏ hết mọi thụ tạo nên đã được Thiên Chúa chiếm hữu ngay khi còn sống trên trần gian. Hôm nay, bà vẫn còn là mẫu gương chói ngời cho tất cả những ai muốn thuộc trọn về Chúa trong đời thánh hiến.
Bà quá vĩ đại, bài viết này chắc chắn chỉ đưa ra được vài nét mờ nhạt về một khía cạnh nhỏ của một người đã từng được coi là cột trụ chống đỡ Hội thánh thời trung cổ. Hy vọng sẽ có những nghiên cứu sắc nét hơn về bà để những người sống đời thánh hiến tìm được hạnh phúc trong đời dâng hiến của mình.