ĐÓN CHÚA VÀO GIA ĐÌNH.

MÙNG HAI TẾT 2018

Nhà nghèo, tạm biệt mẹ tôi rời thành phố. Công việc ổn, mỗi tuần về thăm mẹ một lần. Sau bận, cả tháng mới về thăm mẹ. Rồi lập gia đình, sinh con. Cả năm mới về thăm mẹ dịp Tết. Mười năm trôi đi, tôi bệnh nặng phải về thành phố điều trị. Mắt mẹ mừng mừng, tủi tủi trách: “Mẹ tổ mày, bệnh mới về với mẹ”. Nằm dưỡng bệnh, tôi nhớ thằng cu tí quá chừng, nhớ muốn phát điên. Và chợt nhận ra, từng ngày, từng giờ mẹ đã nhớ thương mình đến già nua, bạc cả mái đầu.

Kính thưa ông bà anh chị em,

Bước chân vào nhà thờ hay đứng trước nấm mồ người thân hôm nay, chúng ta chắc chắn dâng trào cảm xúc yêu mến, biết ơn khi ký ức gợi về bao kỷ niệm yêu thương, bao hy sinh của cha mẹ, người bạn đời đã dành cho ta. Tuy nhiên, cũng có ai đó nhói đau ân hận khi nghĩ lại nhiều lần vô ơn, xúc phạm các ngài và cuộc đời như chưa một lần tỏ bày lòng biết ơn. Ngàn lần cám ơn cha mẹ, cũng vạn lần xin lỗi mẹ cha.

Hôm qua, tôi mời gọi: “Hãy đón Chúa vào tâm hồn!” thì hôm nay, tôi xin mọi người: “Hãy đón Chúa vào gia đình”.

Hơn lúc nào hết, các gia đình đang phải đối diện với nhiều sự dữ, thử thách và đổ vỡ. Chúng ta phải làm gì để giữ vững tình yêu trung tín, vun trồng hạnh phúc, sống trọn ơn gọi hôn nhân là trở nên dấu chỉ tình yêu Chúa cho nhau và cho mọi người? Giải đáp duy nhất là: “Hãy đón Chúa vào gia đình” để Người ở với chúng ta, là Thầy, là Chúa, là sức mạnh cứu độ của gia đình ta.

– Đón Chúa vào nhà là làm gia đình thành CỘNG ĐOÀN CẦU NGUYỆN. Một cộng đoàn tin tưởng nơi Chúa, biết lấy Chúa làm lẽ sống và cùng đích đời mình. Hãy tập cùng nhau đến nhà thờ dự lễ, cùng cầu nguyện chung nơi gia đình, cùng đến lãnh nhận Bí tích Hòa Giải. Tập cầu nguyện với Chúa cách thân mật và liên lỉ suốt ngày bằng cách luôn nhớ Chúa ngự trong tâm hồn. Đặc biệt, hãy dành giờ dạy con cách làm dấu, cách cầu nguyện, lần hạt, cách thánh hóa đời sống, cách sống theo đức tin trước mọi biến cố vui buồn trong đời. Tôi biết có người lớn lên đã nhớ mãi hình ảnh mẹ ghi dấu Thánh giá trên người cho mình mỗi tối trước khi ngủ, hoặc giữ mãi mười kinh kính mừng mỗi ngày như mẹ dạy. Chỉ khi kết hợp với Chúa, chúng ta mới có thể yêu thương, phục vụ, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau để xây nên một gia đình hạnh phúc.  

– Đón Chúa vào nhà là làm gia đình thành CỘNG ĐOÀN ĐỨC TIN. Chúng ta tập hướng mọi biến cố, việc làm về Chúa như thánh Phaolô dạy: “dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31). Đặc biệt trong những lúc thử thách, khổ đau, lúc vợ chồng bất hòa, chúng ta hãy thưa: “Lạy Chúa, trong hoàn cảnh này, Chúa dạy con phải làm gì?” để tìm ra ý Chúa và can đảm làm theo ý Chúa nhờ sức mạnh Chúa ban. Hãy để Chúa dự phần vào cuộc sống chúng ta. Dù phải từ bỏ, hy sinh, cứ bám chặt vào Chúa, đức tin chúng ta sẽ đi tới trưởng thành và gia đình đạt tới bình an. Đừng chỉ mải mê lo cho con học chữ, học võ, học nghề mà quên việc giáo dục đức tin. Dạy con yêu Chúa, yêu người, biết sống theo lương tâm ngay chính, biết lấy nguyên tắc đức tin làm chuẩn mực cho đời sống, đó mới là nền tảng để giúp con sống đời đạo đức. Hạnh phúc không ở tiền bạc. Một người con đạo đức, giàu tấm lòng mới là niềm vui và triều thiên của mẹ cha.

– Đón Chúa vào nhà là làm gia đình thành CỘNG ĐOÀN YÊU THƯƠNG. Chúng ta dám bỏ đi cư xử nhân loại kiểu “ông ăn chả bà ăn nem”; ông tử tế với tôi, tôi tử tế với ông. Sống theo thói đời như vậy chỉ đưa gia đình đến đổ vỡ và khổ đau mà không giải quyết được gì. Trái lại, bất kể hoàn cảnh thế nào, chúng ta vẫn vì Chúa mà tha thứ tất cả, “ăn ở khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2), dám theo gương Chúa mà yêu thương bạn đời và con cái bằng tình yêu quên mình. Tình yêu Chúa cũng là bài học quan trọng nhất chúng ta dạy con cái, để chúng có thể giữ được tình yêu trung tín nơi gia đình ngày mai. Cuối cùng, hãy để cho tình yêu quên mình từ gia đình lan rộng đến tha nhân. Hãy vì Chúa để tha thứ cho người xúc phạm đến ta, đừng mất thời giờ cho sự giận hờn, nói xấu, nhưng sống từng ngày với nụ cười, với lời tử tế, với tình yêu phục vụ, vì biết rằng, “vào lúc xế chiều, Chúa sẽ xét xử chúng ta về tình yêu”. Mọi sự trần gian sẽ qua đi, chỉ có tình yêu mới tồn tại.

Đó là bài học yêu thương chúng ta học từ chính Chúa, một bài học khó khăn vì đi ngược lại với bản tính con người và xu hướng xã hội. Chỉ những ai có một đức tin thật vững mạnh và sự nhẫn nại phi thường mới học được bài học này từ Chúa. 

Một cha xứ kể lại: Một gia đình nọ khi sinh con trai đầu thì bị tâm thần. Sau này có hai người con gái sinh đôi, họ dạy dỗ nên người và lập gia đình tử tế. Nhưng một ngày bà bị tại nạn, chấn thương, nằm liệt và thậm chí chỉ ú ớ. Thế là người chồng hằng ngày phải chăm sóc vợ mình, đặt lên xuống trên xe lăn, cho ăn, cho uống. Nếu bà nói được thì còn chút an ủi, nhưng bà chỉ ú ớ, rất thường chỉ tuôn những giọt lệ vì thương chồng. Con trai ngày ngủ đêm lại la hét, một tay người cha lại ôm con dỗ dành. Ông đã làm như vậy suốt 15 năm qua mà không lời than thở, trọn nghĩa với vợ và trọn tình với con.

Chỉ vào buổi chiều, khi xếp đặt mọi việc yên ổn, ông chạy đến ngồi cuối nhà thờ trên nền gạch, lặng lẽ cúi xuống ôm đầu cầu nguyện để tìm an ủi và sức mạnh nơi Chúa. Một lần cha xứ gặp ông và hỏi:

– Mỗi lần đến nhà thờ, ông cầu nguyện gì với Chúa?

– Con có cầu nguyện gì đâu, con chỉ xin Chúa cho con biết thương nhà con và con của con, vậy thôi! Nhờ Chúa, mà con có thể làm được mọi việc cho vợ, cho con.

Tôi vẫn coi đây là một phép lạ của đức tin. Ông đã dám bỏ ý mình để sống theo ý Chúa, bỏ vẻ đẹp thân xác để đổi lấy vẻ đẹp tâm hồn, bỏ vui thú trần gian để đổi lấy chính Chúa là gia nghiệp cho đời ông.

Đón Chúa vào gia đình là chấp nhận sống tình yêu quên mình đến chết như Chúa. Đó là lý tưởng xem ra quá khó khăn, nhưng đã được nhiều Kitô hữu thực hiện vì có Chúa luôn đồng hành và trợ giúp.

Liệu chúng ta có đủ tin tưởng vào tình yêu, vào quyền năng và sự khôn ngoan khôn vời của Chúa để dám trao trọn cuộc sống chúng ta và gia đình vào tay Chúa mà không chút e dè chăng?