

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã qua đời vào Thứ Hai Phục sinh, ngày 21 tháng 4 năm 2025, ở tuổi 88 tại tư dinh của ngài tại Casa Santa Marta của Vatican.
Vào lúc 9:45 sáng, Đức Hồng y Kevin Farrell, Nhiếp chính của Giáo hội Công giáo Roma, đã thông báo về cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ Casa Santa Marta với những lời sau:
“Anh chị em thân mến, với nỗi buồn sâu sắc, tôi phải thông báo về cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vào lúc 7:35 sáng nay, Đức Giám mục của Rome, Phanxicô, đã trở về nhà Cha. Toàn bộ cuộc đời của ngài đã cống hiến cho việc phục vụ Chúa và Giáo hội của Ngài. Ngài đã dạy chúng ta sống các giá trị của Phúc âm với lòng trung thành, lòng can đảm và tình yêu thương phổ quát, đặc biệt là đối với những người nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất. Với lòng biết ơn sâu sắc đối với tấm gương của ngài như một môn đệ chân chính của Chúa Giêsu, chúng ta phó thác linh hồn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho tình yêu thương vô hạn của Thiên Chúa Ba Ngôi.”
Đức Giáo Hoàng đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Agostino Gemelli vào thứ Sáu, ngày 14 tháng 2 năm 2025, sau khi bị viêm phế quản trong nhiều ngày.
Tình hình lâm sàng của Đức Giáo Hoàng Phanxico trở nên tồi tệ hơn và các bác sĩ đã chẩn đoán ngài bị viêm phổi hai bên vào thứ Ba, ngày 18 tháng 2.
Sau 38 ngày nằm viện, Đức Giáo Hoàng quá cố đã trở về dinh thự Vatican của mình tại Casa Santa Marta để tiếp tục quá trình hồi phục.
Vào năm 1957, khi mới ngoài 20 tuổi, Jorge Mario Bergoglio đã trải qua ca phẫu thuật tại quê nhà Argentina để cắt bỏ một phần phổi bị ảnh hưởng bởi một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng.
Khi về già, Đức Giáo Hoàng thường xuyên bị các cơn bệnh về đường hô hấp, thậm chí đã hủy chuyến thăm đã lên kế hoạch tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập vào tháng 11 năm 2023 do bị cúm và viêm phổi.
Vào tháng 4 năm 2024, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phê duyệt một phiên bản cập nhật của sách phụng vụ về nghi thức thánh lễ an táng của Đức Giáo Hoàng, việc hướng dẫn Thánh lễ an táng vẫn chưa được công bố.
Xuất bản lần hai của Ordo Exsequiarum Romani Pontificis giới thiệu một số yếu tố mới, bao gồm cách xử lý hài cốt của Đức Giáo Hoàng sau khi qua đời.
Việc xác nhận cái chết của ngài được diễn ra trong nhà nguyện, thay vì trong căn phòng nơi ngài qua đời, và thi thể của ngài được đặt ngay vào quan tài.
Theo Đức Tổng Giám mục Diego Ravelli, Chưởng Lễ Nghi Tông đồ, Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu nghi lễ an táng đơn giản và tập trung vào việc biểu lộ niềm tin của Giáo hội vào thân xác Phục sinh của Chúa Kitô.
Đức Tổng Giám mục Ravelli cho biết: “Nghi lễ đổi mới này” “nhằm nhấn mạnh hơn nữa rằng tang lễ của Đức Giáo hoàng Roma là tang lễ của một mục tử và môn đệ của Chúa Kitô chứ không phải của một người có quyền lực của thế giới này”.
Theo Vatican News do Devin Watkins
TIỂU SỬ ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
Trong ngày lễ Kính thánh Giuse, ngày 19 tháng 03 năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành thánh lễ để khai mạc triều đại Giáo hoàng. Ngài là vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công Giáo và là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ tân thế giới, và cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng tên.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô tên thật là Jorge Mario Bergoglio sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936, tại Buenos Aires, nước Argentina, trong một gia đình di dân người Ý có năm người con. Cha của ngài, một công nhân đường sắt, là Maria Jose Bergoglio, mẹ ngài là Regina Maria Sivori, một người nội trợ. Từ năm 20 tuổi, sau cuộc giải phẫu vì bị nhiễm trùng đường hô hấp, ngài chỉ còn một lá phổi. Tuy đã nhận bằng thạc sĩ hóa học, ngài đã quyết định không gắn bó với chuyên môn này mà muốn trở thành một linh mục.
Sau khi học tại chủng viện Villa Devoto, ngài vào nhà tập Dòng Tên ở Cordoba ngày 11 tháng Ba năm 1958 và khấn lần đầu trong Dòng hai năm sau – ngày 12 tháng Ba năm 1960.
Sau khi chịu chức, theo chương trình huấn luyện của Dòng, cha Bergoglio đã làm nhà Tập năm ba tại Tây Ban Nha từ năm 1970 đến 1971 trước khi khấn trọng ngày 22 tháng 4 năm 1973.
Với danh tiếng về tài lãnh đạo của mình, linh mục trẻ Bergoglio được Cha Bề Trên Cả Dòng tên đặt làm giám tỉnh khi mới 36 tuổi.
Năm 1980, cha Bergoglio đã trở thành Viện trưởng của chủng viện San Miguel, nơi cha đã được đào tạo.
Ngày 27 tháng 6 năm 1992, cha Bergoglio được bổ nhiệm làm tổng giám mục phó giáo phận Buenos Aires với quyền kế vị, hiệu tòa Auca.
Vào ngày 28 tháng 2 năm 1998, ngài thay Đức Hồng Y Quarracino vào ngày 28 tháng 2 năm 1998 trong chức vụ Tổng Giám Mục Buenos Aires. Trong cương vị tổng giám mục, ngài còn làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Argentina. Ngoài ra ngài còn là thành viên của Liên Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh và đồng thời cũng là Đấng Bản Quyền cho người Công Giáo Đông Phương ở Argentina. Trong Thượng HĐGM thế giới kỳ 10 hồi tháng 10 năm 2001, ngài được bổ nhiệm làm Tổng tường trình viên.
Trong một công nghị diễn ra ngày 21 tháng 02 năm 2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y cho ngài với Hiệu Tòa là nhà thờ Robert Bellarmino và được bổ nhiệm vào một số vị trí trong Giáo Triều Rôma như Thánh Bộ Giáo sĩ, Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Thánh Bộ Đời Sống Tận Hiến và các Tu Hội Tông Đồ. Ngài cũng là một thành viên của Ủy ban châu Mỹ La tinh và Hội đồng gia đình.
Đức Hồng Y Bergoglio nổi tiếng về sự khiêm tốn, mạnh mẽ bảo vệ các học thuyết Giáo Hội và dấn thân cho công bằng xã hội.

Khi làm TGM giáo phận Buenos Aires, ngài nổi tiếng là người gần gũi với dân chúng. Người ta vẫn thường thấy hình ảnh một vị Giám mục đi lại bằng xe bus giữa những con chiên của mình. Ngài thường viếng thăm người nghèo khổ và đặc biệt là những người bệnh tật. Dù là Hồng y, Ngài sống trong một căn nhà nhỏ, chứ không phải tại nơi cư trú nguy nga của giám mục, và tự nấu ăn. Đối với nhiều người dân Buenos Aires, ngài thường được gọi bằng danh hiệu đơn sơ là “Cha Jorge”. Trong tư cách là Tổng Giám Mục, ngài đã nhắn nhủ với các giám mục rằng: “Đức Giê-su dạy chúng ta một cách khác: hãy ra đi và làm chứng, hãy ra đi và gần gũi với anh chị em của chúng ta, hãy ra đi và chia sẻ… Hãy trở thành lời trong thân thể cũng như trong tinh thần”. Không chỉ khuyên nhủ bằng lời, chính ngài đã hành động và đã nêu gương cho các anh em linh mục của ngài. Thật vậy, sau khi nhận mũ áo hồng y, vào thứ năm Tuần thánh 2001, ĐHY Jorge Mario Bergoglio đã hôn và rửa chân cho 12 người bị nhiễm HIV.
Trong tư cách là mục tử, ngài mạnh mẽ bảo vệ các học thuyết của Giáo hội đặc biệt là các vấn đề luân lý và bảo vệ sự sống. Ngài đã nhiều lần công khai lên án nạn hôn nhân đồng tính, tình trạng phá thai và ngừa thai nhân tạo. Hồi năm 2010, khi Argentina trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên ban hành luật công nhận hôn nhân đồng phái, ĐHY khuyến khích các linh mục toàn quốc kêu gọi các tín hữu Công Giáo chống lại luật này vì nó làm thương tổn ý nghĩa đời sống gia đình cách trầm trọng. Trước đó năm 2006, ngài cũng phê bình dự luật cho phá thai.

Đức Hồng Y Bergoglio cũng rất quan tâm đến việc đối thoại giữa các tôn giáo. Khi còn là tổng giám mục, ngài quan tâm đến vấn đề đối thoại với Do thái giáo.
Đức Hồng Y Bergoglio được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, trong ngày thứ hai của Mật nghị năm 2013. Ngài là vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công Giáo. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đến từ tân thế giới, đầu tiên xuất thân từ dòng Tên, và là vị Giáo Hoàng đầu tiên lấy danh hiệu là Phanxicô.
Sưu Tầm