ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CỬ HÀNH THÁNH LỄ ĐẦU TIÊN TẠI THÁI LAN.

Chiều thứ Năm 21/11, sau cuộc gặp gỡ riêng với Quốc vương Rama X của Thái Lan, Đức Thánh Cha Phanxicô đã di chuyển bằng xe hơi đến Sân vận động Quốc gia Supachalasai ở quận Pathum Wan của thủ đô Bangkok, cách hoàng cung 4 cây số, để cử hành Thánh lễ.

Trước Thánh lễ

Sân vận động này có sức chứa gần 20 ngàn người, nhưng đã có đến 40 ngàn tín hữu hiện diện trong Thánh lễ. Bên cạnh đó, khoảng 20 ngàn tín hữu phải tham dự Thánh lễ tại sân vận động bên cạnh

Đông đảo tín hữu đứng hai bên đường gần sân vận động chào đón Đức Thánh Cha khi xe chở ngài đi ngang qua.

Đến sân vận động lúc khoảng 5:30 chiều, Đức Thánh Cha dùng xe mui trần đi vòng quanh sân vận động chào các tín hữu ở sân vận động bên canh, sau đó ngài tiến vào sân vận động chính giữa tiếng reo vui của đoàn con cái.

Lúc 6 giờ chiều, Đức Thánh Cha bắt đầu cử hành Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Maria dâng mình vào đền thờ.

Phái đoàn Việt Nam

Đồng tế với Đức Thánh Cha trong Thánh lễ có hai Hồng y và các Giám mục Thái và một số Hồng y và Giám mục thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu, trong đó có 9 giám mục Việt Nam, các linh mục Thái Lan và các nước lân cận.

Trong số hàng chục ngàn tín hữu hiện diện tại sân vận động Supachalasai, cũng như khu vực xung quanh, có khoảng 10 ngàn tín hữu Việt Nam, gồm những người đang sinh sống tại Thái Lan và những người đi tự do hay theo tour du lịch từ Việt Nam sang tham dự Thánh lễ.

Có thể nói đây là một cơ hội tuyệt vời để các tín hữu Việt Nam được một lần thỏa lòng mong ước, được nhìn thấy và gần gũi với Đức Thánh Cha. Niềm vui này có lẽ cũng khơi dậy một mong ước thầm kín, một hy vọng rằng một ngày không xa, chúng ta có thể đón tiếp một Giáo hoàng ngay chính trên mảnh đất Việt Nam thân yêu.

Thánh Lễ

Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Anh, với các bài sách Thánh được công bố bằng tiếng Thái và kinh nguyện Thánh Thể được cử hành bằng tiếng Latinh. Bài đọc thứ nhất được trích từ sách ngôn sứ Dacaria: Hãy vui lên hỡi nữ tử Sion, vì này đây Ta đang đến. Đáp ca là lời kinh Magnificat Mẹ Maria ngợi khen Thiên Chúa: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu thuật lại sự kiện Mẹ Maria và các anh em của Chúa Giêsu đến tìm Người. Chúa Giêsu đã đặt câu hỏi, “ai là mẹ tôi và ai là anh em tôi?”.

Bài giảng

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc rằng rao giảng Tin Mừng là đi tìm kiếm những thành viên của gia đình Thiên Chúa mà chúng ta chưa biết, là mở các cánh cửa để sống và chia sẻ vòng tay ôm thương xót và chữa lành của Chúa Cha, Đấng làm cho chúng ta trở thành một gia đình.

Tin Mừng là một lời mời gọi và một quyền lợi được ban nhưng không

“Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?”, một câu hỏi mà có lẽ câu trả lời quá hiển nhiên và chắc chắn đối với những người đang nghe Chúa Giêsu, tuy thế nó lại buộc họ phải suy nghĩ. Và câu trả lời của Chúa Giêsu khác với câu trả lời của họ: “Phàm ai làm theo ý Cha của tôi ở trên trời, người đó là anh chị em, và là mẹ tôi.” Đức Thánh Cha nhận định: “Bằng cách này, Chúa không chỉ đảo ngược những định lý tôn giáo và luật lệ vào thời đó, nhưng cả những tuyên bố thái quá của những người nghĩ rằng họ có thể đòi Chúa dành cho họ quyền ưu tiên. Tin Mừng là một lời mời gọi và một quyền lợi được ban nhưng không cho tất cả những ai muốn nghe.”

Những câu hỏi Tin Mừng giúp canh tân cuộc sống chúng ta

Đức Thánh Cha nói rằng trong Tin Mừng có nhiều câu hỏi và những câu hỏi đó “đòi chúng ta mở tấm lòng và tâm trí mình ra để gặp gỡ một điều mới mẻ, đẹp hơn chúng ta có thể tưởng tượng rất nhiều. Những câu hỏi của vị Tôn sư luôn luôn muốn canh tân cuộc sống của chúng ta và của các cộng đoàn chúng ta với niềm vui không thể so sánh được”.

Các nhà truyền giáo tiên khởi lên đường tìm những người mẹ người anh em trong gia đình Thiên Chúa

Đó là trường hợp của các nhà truyền giáo tiên khởi tại Thái Lan. Họ đã nghe Lời Chúa và đáp lại lời mời của Lời Chúa, họ nhận ra mình thuộc về một gia đình vượt trên các mối liên hệ máu mủ, văn hóa, chủng tộc, vùng miền. Với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Cha nói, “họ lên đường tìm kiếm những người thuộc gia đình này nhưng họ chưa quen biết”. Và để có thể làm điều này, họ cần mở tâm lòng, vượt qua những chia rẽ để khám phá ra “nhiều người mẹ và các anh chị em Thái” vẫn còn vắng mặt tại các bàn tiệc ngày Chúa Nhật của họ. Kế hoạch của Thiên Chúa không chỉ giới hạn nơi một số ít được tuyển chọn hay một nền văn hóa cụ thể.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc rằng kỷ niệm 350 năm thành lập hạt Đại diện Tông tòa Xiêm La (1669-2019) không phải là một sự hồi tưởng quá khứ nhưng là lửa hy vọng giúp chúng ta có thể đáp lời với cùng sự quyết tâm, sức mạnh và lòng tín thác của các nhà truyền giáo.

Không sợ đồng bàn với người tội lỗi

Chúng ta trở thành các môn đệ truyền giáo khi chúng ta chọn là thành phần sống động trong gia đình của Chúa bằng cách chia sẻ với người khác như Chúa đã làm: “Người đã ngồi cùng bàn với người tội lỗi để bảo đảm với họ rằng họ cũng có chỗ tại bàn tiệc của Chúa Cha và trong thế giới này; Người đụng chạm đến những người bị xem là nhơ bẩn và bằng cách để cho họ chạm đến mình, Người giúp họ nhận ra sự gần gũi của Thiên Chúa và hiểu rằng họ được chúc phúc”.

Đừng ngăn cản những người rốt cùng cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa

Đức Thánh Cha nhắc đến các trẻ em trai gái và các phụ nữ, những người là nạn nhân của nạn mãi dâm và buôn người, bị sỉ nhục trong nhân phẩm đích thực nhất của họ; những người trẻ, nô lệ của nạn nghiện ngập ma túy và thiếu ý nghĩa; những người di dân, bị mất nhà cửa và gia đình, và rất nhiều người khác giống như họ, có thể cảm thấy bị lãng quên, bị bỏ rơi, đơn độc, “không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi từ tình bạn với Chúa Giêsu, không có cộng đoàn đức tin đón nhận họ, không có ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống; những tội nhân bị bóc lột và những người hành khất bị phớt lờ. Ngài nhắc rằng họ thuộc về gia đinh của Thiên Chúa và mời gọi Giáo hội đừng lãng quên họ; hãy để cho họ được cảm nghiệm sự dịu dàng đầy lòng thương xót của tình yêu Thiên Chúa.

Tiếp tục theo gương các nhà truyền giáo đầu tiên

Cuối cùng Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu Thái Lan hãy tiếp tục theo gương các nhà truyền giáo đầu tiên “để vui tươi gặp gỡ, khám phá và nhận ra gương mặt của những người mẹ người cha, các anh chị em, những người mà Chúa muốn trao tặng cho chúng ta và những người còn vắng mặt tại bàn tiệc Chúa Nhật của chúng ta.”

Đức Hồng y tổng giám mục Bangkok cám ơn Đức Thánh Cha

Cuối Thánh lễ, Đức Hồng y Francis Xavier Kriengsak Kovithavanij, tổng giám mục Bangkok, chủ tịch Hội đồng giám mục Thái Lan, đại diện Giáo hội Công giáo Thái Lan cám ơn Đức Thánh Cha. Đức Hồng y cảm tạ tình yêu thương xót của Chúa dành cho Giáo hội Thái Lan trong 350 năm đón nhận Tin Mừng. Giáo hội Thái cam kết trở thành các môn đệ truyền giáo, loan báo nền văn mình tình yêu của Chúa Kitô cho các anh chị em Thái trong xã hội nơi họ sinh sống.

Trước khi rời sân vận động, Đức Thánh Cha chào giám đốc và phó giám đốc sân vận động quốc gia. Sau đó Đức Thánh Cha lên xe về Tòa Sứ thần cách đó 5,5 cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm.

Hồng Thuỷ

(VaticanNews 21.11.2019)