02/09 X Thứ Hai Tuần XXII Thường Niên. Ngày Quốc Khánh. Cầu cho Tổ Quốc được bình an thịnh vượng. (1Tx 4,13-18; Lc 4,16-30.)
Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo về sự chống đối và bách hại mà Chúa Giêsu sẽ trải qua. Sau một thời gian rao giảng và làm nhiều phép lạ, danh tiếng Ngài được nhiều người biết đến. Thế nhưng, khi trở về quê hương, Ngài chỉ nhận được sự hững hờ và khinh rẻ của người đồng hương mà thôi.
Quả thế, như Chúa Giêsu đã trích dẫn câu tục ngữ quen thuộc: “Không tiên tri nào được đón tiếp nơi quê hương của mình”, đó là định luật tâm lý mà chính Ngài cũng không thoát khỏi. Nhưng quê hương đối với Chúa Giêsu không chỉ là ngôi làng Nazareth nhỏ bé, mà sẽ là toàn cõi Palestina. Ngài đã đến nơi nhà Ngài mà người nhà của Ngài đã không đón tiếp Ngài. Cái chết trên Thập giá là tuyệt đỉnh sứ mệnh ngôn sứ của Chúa Giêsu, là lời nói cuối cùng của Ngài như một vị ngôn sứ.
Chúa Giêsu đã đến tuổi trưởng thành và Ngài đã được ông trưởng hội đường trao nhiệm vụ đọc sách cho Ngài trong ngày hôm ấy. Đó là sách ngôn sứ Isaia. Ngài không chọn lựa nhưng mở ra và bắt gặp một đoạn nói về việc khởi đầu cho công cuộc rao giảng của Ngài. Hiện tượng này không thể xem là ngẫu nhiên, nhưng có lẽ Thiên Chúa đã sắp xếp khi giới thiệu Con Ngài vào trần gian trong sứ vụ Đấng Mêsia: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi” (c. 18) ý nói về hoạt động của Chúa Giêsu là do Chúa Cha xức dầu và do Thánh Thần hướng dẫn.
Và ta thấy đây chính là hoạt động của cả Ba Ngôi trong công trình cứu độ. Công việc của Chúa Giêsu là : “đem Tin Mừng cho người nghèo, loan báo cho kẻ giam cầm biết họ được phóng thích, ban cho người mù được thấy ánh sáng, kẻ bị áp bức được tha bổng, tự do, công bố năm hồng ân của Chúa” (18-19).
Với vỏn vẹn trong 2 câu, Thánh sử Luca đã mượn lời ngôn sứ Isaia để nói về thân phận và sứ vụ của Chúa Giêsu. Ngài đến đem bình an, sự tự do và hạnh phúc cho những người nghèo khổ. Ngài chính là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi. Ngài cởi bỏ xiềng xích, tháo gỡ gông cùm cho những người tù tội, nô lệ. Ngài công bố năm hồng ân của Chúa mà đối với người Do Thái phải 50 năm mới được hưởng một lần. Trong năm hồng ân, mọi của cải mất mát sẽ trở về, ruộng đồng được nghỉ ngơi. Đó là năm ân xá cho toàn thể dân chúng (Lc 25, 10-13). Chúa Giêsu đến, Ngài công bố năm hống ân sẽ được thực hiện, phúc lành Thiên Chúa sẽ ban dư tràn trên dân, trên những ai biết mở lòng ra đón nhận.
Chúa Giêsu giới thiệu mình chính là Đấng Mêsia, Đấng đến từ Thiên Chúa mang phúc lành cho toàn dân và hôm nay ơn cứu độ đã đến. Mọi người đều tán thành những lời ấy (c.22). Họ tỏ ra hiểu được sứ điệp của lời Người vừa đọc và như sẵn sàng chuẩn bị đón chào con người của Ngài, là người vừa thốt ra lời hay ý đẹp.
Đến đây, chúng ta tưởng rằng việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu đã thành công ngay bước khởi đầu, ngay ngày “ra quân”, thế mà họ lại xầm xì “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”. Một câu hỏi như muốn lột trần Chúa Giêsu bằng con mắt tự nhiên ghen tỵ của họ. Họ thức tỉnh chính họ rằng: con người bằng xương bằng thịt đang đứng trước họ chỉ là con người bình thường trong một gia đình lao động mà họ biết rất rõ veà thân thế và sự nghiệp. Chúa Giêsu đã đọc được điều đó trong lòng họ, trong thái độ của họ nên Ngài vạch trần tỏ tường ghen tỵ ấy bằng một lời khẳng định : “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (c. 24). “Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga, 11).
Thực tế trong cuộc sống chúng ta hay có cái nhìn hay còn gọi là “bệnh thành kiến” về con người. Thành kiến là căn bệnh chung của nhiều người, có khi trở thành kinh niên bất trị. Thành kiến cũng có khi là một tâm trạng thiên lệch rất tai hại, là một sự yên trí, phán đoán, nhất là những tư tưởng suy đoán không hay cho người khác. thích mới lạ, nhiều lý luận ngược chiều cho là hay, dựa theo dư luận số đông của mọi người. Nên trong Kinh Thánh Cựu Ước cho biết lý do: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được”(Gr 17, 9).
Khi người ấy quen quá, gần quá, thân cận quá, thì chúng ta không nhận cái tài năng của họ, hoặc khi có một vĩ nhân về quê hương, chúng ta lại có cái nhìn tò mò, soi mói tìm hiểu, hơn là kính nể khi họ về quê hương hay xứ sở của mình, nếu người đó có tài nhưng gia đình nghèo thì coi rẻ rúng, cũng như Chúa Giêsu khi trở về quê nhà cũng bị dân làng nhìn theo kiểu “Ông không không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria , anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Gioxép, Simon và Giuđa sao? Bởi đâu ông được như thế?” (Mt 13, 55-56). Cũng vậy, Chúa hiểu rõ tâm lý của họ, nên bảo họ “Ngôn sứ có rẻ rúng thì cũng chính là ở quê hương mình và trong gia đình mình thôi” (Mt 13, 58).
Lời giảng của Chúa Giêsu bước đầu đã được dân làng thán phục. Họ có vẻ hãnh diện vì một người trong làng được lừng lẫy tiếng tăm. Nhưng Chúa Giêsu không muốn mình bị chi phối bởi dân làng.Ngài không muốn bị buộc phải dành chút ưu tiên nào cho Nadarét (c. 23). Chúa Giêsu còn nhìn xa hơn đến sứ vụ nơi dân ngoại (cc. 25-27).Ngài nhắc đến hai vị ngôn sứ trong Cựu Ước là Êlia và Êlisa. Hai vị này đã giúp bà góa ở Xiđôn và tướng Naaman ở Xyri. Dân Nadarét phẫn nộ và định giết Chúa Giêsu khi Ngài nói rằngThiên Chúa chỉ sai hai ngôn sứ trên đến với dân ngoại mà thôi.
Không thể làm ngôn sứ mà không trải qua bách hại, khổ đau thử thách. Ðó là số phận chung của các ngôn sứ từ Cựu Ước qua Tân Ước. Những kẻ không được sai đi, tự lấy danh mình mà nói, đó là những tiên tri giả; còn các ngôn sứ thật ý thức mình được Chúa sai đi và chỉ nói những gì Ngài muốn, một sứ mệnh như thế thường tạo ra nơi vị ngôn sứ một cuộc chiến nội tâm mãnh liệt. Môsê và Êlia trải qua khủng hoảng và ngay cả thất vọng khi phải trung thành với Lời Chúa; Giêrêmia đã nhiều lần ca thán và có lúc chỉ muốn đào thoát. Ðau khổ nhất cho các ngôn sứ là thấy lời nói của mình không được lắng nghe.
Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ mỗi người Kitô hữu chấp nhận là những bước chân ra đi làm ngôn sứ để sống lời Chúa, loan báo Tin Mừng đến cho mọi người, dù mọi người không chấp nhận chân lý và sự thật, ngay cả Chúa Giêsu cũng đóng vai trò ngôn sứ bởi từ Chúa Cha mà đến, nhưng cũng cùng chung một số phận như bao ngôn sứ. Đồng thời chúng ta tham dự vào vai trò ngôn sứ của Chúa Giêsu ngay trong Ta hãy cảm thông với mọi người bằng sự thương yêu chân thành. Hãy thành thật nhìn lại chính mình vì đa số mỗi người chúng ta thường mắc phải “bệnh thành kiến”.
Huệ Minh