|
“Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.”(St 12,1-2). Những lời này mở ra một sứ mạng mới cho tổ phụ Áp-ra-ham. Sứ mạng ấy chính làxây dựng một gia đình: dân tộc Ít-ra-en.
Trong sứ điệp nhân ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi năm nay (2022) mang chủ đề “Được kêu gọi để xây dựng gia đình nhân loại”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô bày tỏ mong muốn của ngài là tất cả chúng ta hãy suy gẫm về ý nghĩa rộng hơn của từ “ơn gọi” trong bối cảnh Giáo hội hiệp hành, để nhận thấy được kế đồ kỳ diệu của một vị Thiên Chúa hằng yêu thương và khơi gợi lên niềm khao khát dấn thân nơi con người.
Nhân dịp Chúa Nhật Chúa Chiên lành, cầu nguyện cho ơn thiên triệu, chúng ta cùng nhau suy gẫm về ơn gọi, đặc biệt hơn là suy gẫm về lời mời gọi của ĐTC: “Được kêu gọi để xây dựng gia đình nhân loại”.
Người ta được gọi để thực hiện một sứ mạng. Sách Thánh ghi lại những lần Đức Chúa chọn gọi các ngôn sứ, và trao cho các ngài sứ mạng loan báo ơn cứu độ. Isaia chú tâm lắng nghe và nhận thấy lời Đức Chúa phán với mình: “Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.” (Is 49,6). Còn Giê-rê-mi-a, tuy thấy mình còn quá trẻ và không biết ăn nói, nhưng vẫn được chọn gọi: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” (Gr 1,5),… Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma, vị Tông đồ Thánh Thể, đã thốt lên: “Chúa đã gọi tôi phụng sự Thánh Thể Người cho dù tôi bất xứng.”
Người đã chọn tôi để làm việc cho Hội dòng của Người, dù tôi có kém cỏi và sức khỏe của tôi thì quá yếu ớt.
Người đã dẫn dắt tôi từ sự chết và qua sự chết, để tiến đến sự sống của Hội dòng.
Mọi sự xem ra là không thể, thì lại đã xảy ra một cách dễ dàng vào thời điểm thuận tiện của Thiên Chúa. (Cuộc tĩnh tâm ở Xanh Mô-ris, ngày thứ hai, suy niệm 3).
Quả thực, như triết gia Peter Kreef đã nói: “Bạn chẳng bao giờ biết được Chúa sẽ làm gì với bạn!”, chúng ta thấy mọi chuyện đều có thể xảy ra nếu đó là điều nằm trong kế đồ của Thiên Chúa. Mẹ Maria đã cảm nghiệm rất rõ điều này trong chính cuộc đời Mẹ: “Đối với Chúa, không gì là không thể”. Cô thôn nữ Maria trở nên Mẹ Thiên Chúa, vì Ngài đã nhìn thấy nơi người thôn nữ này một ơn gọi. Cũng thế, các vị ngôn sứ thời Cựu Ước và bao con người khác cũng cảm nhận được như thế. Ơn gọi và sứ mạng Chúa trao tuy không dễ dàng đón nhận ngay lập tứcnếu không được Thần Khí thúc đẩy và được lòng mến dẫn đường, song tự bản chất ơn gọi ấy rất đẹp. Chính thánh Ê-ma đã cảm nhận:
Ơn gọi của tôi thật đẹp, đẹp nhất vì nó kết hợp và gắn chặt tôi mãi mãi vào việc phục vụ con người đáng tôn thờ của Chúa Giê-su Ki-tô, trong bí tích thần linh của Người. Đó là ơn gọi chuyên biệt, vì tôi có quyền đến thẳng với con người Chúa Giê-su mà không qua trung gian, không cần ai cầu bầu. Ơn gọi của tôi tuyệt vời vì tôi chia sẻ công tác của thiên thần trong việc phục vụ Chúa Giê-su, và nếu tôi dám nói cũng là công tác của Mẹ Maria. (Giảng cho các chị nữ tỳ, Tuyển tập huấn luyện theo linh đạo Ê-ma, Tập 1, trang 25)
Ơn gọi của thánh Ê-ma là ơn gọi phụng sự Thánh Thể. Và thánh nhân chẳng thể nào biết được điều mà Chúa Thánh Thể đã thực hiện nơi con người hèn kém của ngài. Thánh Ê-ma chỉ nghiệm thấy mình là tôi tớ của Thánh Thể, là khí cụ để Thiên Chúa xây dựng vinh quang Thánh Thể giữa trần gian. Cha Ê-ma nhận được một ơn gọi, và ơn gọi đó chính là làm cho Thánh Thể được hiển trị, hay nói cách khác: để vinh quang Thánh Thể trị đến (Adveniat Regnum Tuum Eucharisticum). Suy nghĩ cách sâu xa, ta thấy cha thánh được Chúa Thánh Thể kêu gọi xây dựng một gia đình nhỏ, gia đình ấy không gì khác hơn là những Hội dòng do cha sáng lập.
“Được mời gọi để xây dựng gia đình nhân loại”, trong lời kêu gọi ấy, tất cả được kêu gọi trở thành nhân vật chính trong sứ mạng của Giáo hội, như sứ điệp cầu nguyện cho ơn gọi 2022 đã chỉ rõ. Làm vai chính chứ không phải vai phụ. ĐTC Phan-xi-cô quảng diễn thế này: Thật vậy, “nhờ Bí tích Rửa tội đã lãnh nhận, mọi thành phần Dân Chúa đã trở thành môn đệ truyền giáo (Mt 28,19). Mỗi người đã được rửa tội, bất kể chức vụ của mình trong Giáo hội và mức độ giáo dục đức tin của mình, đều là một chủ thể tích cực của công cuộc loan báo Tin Mừng” (Tông huấn Evangelii gaudium, 120). Chúng ta phải đề phòng tâm lý tách biệt giữa linh mục và giáo dân, coi linh mục là nhân vật chính và giáo dân là người thi hành, đồng thời cùng nhau thực hiện sứ mạng Kitô hữu với tư cách là Đoàn Dân Chúa duy nhất, giáo dân và mục tử cùng nhau. Toàn thể Giáo hội là một cộng đoàn loan báo Tin Mừng. (x. Sứ điệp)
Ơn gọi là thế, không có chuyện phân biệt cao thấp, sang hèn, quan trọng hay ít quan trọng, nhưng ơn gọi nhắm một mục đích: xây dựng gia đình nhân loại. Những người sống bậc gia đình được trao nhiệm vụ gầy dựng và củng cố gia đình nhân loại từ chính hạt nhân là gia đình nhỏ bé của mình. Điều quan trọng là người ta ý thức được điều đó. Về phần những người sống đời thánh hiến, họ được tháp nhập vào sứ vụ của Đức Ki-tô, để cùng với anh chị em mình, xây dựng gia đình nhân loại qua đời sống chứng tá phục vụ. Từ ngữ “ơn gọi” không nên hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ dùng để chỉ những ai theo Chúa trên con đường dâng hiến cụ thể. Tất cả chúng ta đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng của Đức Kitô là quy tụ nhân loại đã phân tán và hòa giải nhân loại với Thiên Chúa. Mỗi người, ngay cả trước khi gặp gỡ Chúa Kitô và đón nhận đức tin Kitô, đều nhận được ơn gọi căn bản là: mỗi người trong chúng ta là một thụ tạo được Thiên Chúa mong muốn và yêu thương; mỗi người chúng ta đều có một vị trí riêng và đặc biệt trong ý muốn của Thiên Chúa. Tại mỗi thời điểm của cuộc đời, chúng ta được mời gọi nuôi dưỡng tia sáng thiêng liêng này, hiện diện trong trái tim của mỗi người nam và người nữ, và do đó góp phần vào sự phát triển của một nhân loại được truyền cảm hứng bởi tình yêu và sự chấp nhận lẫn nhau. Chúng ta được kêu gọi trở thành những người bảo vệ lẫn nhau, xây dựng mối dây hòa hợp và chia sẻ, chữa lành vết thương của tạo vật để vẻ đẹp của nó không bị phá hủy. Nói cách khác, chúng ta được mời gọi trở thành một gia đình duy nhất trong ngôi nhà chung kỳ diệu của thụ tạo, trong sự hài hòa đa dạng của các yếu tố.
Đại dịch Covid-19 dạy cho nhân loại bài học vô cùng giá trị, bài học về gia đình. Tất cả là anh chị em (thông điệp Fratelli Tutti của ĐTC Phan-xi-cô). Cùng nhau vượt qua thử thách, cùng nhau sống sót. Mỗi phần tử trong toàn thể nhân loại đều đóng một vai trò cụ thể, mỗi phần tử đều mang một sứ mạng hay ơn gọi riêng, để bổ túc cho nhau và làm cho tính toàn thể ấy trở nên tròn đầy. Mỗi chòm sao trên bầu trời đều phát ra một ánh sáng riêng, và tất cả ánh sáng ấy làm nên bức tranh tuyệt đẹp mô tả bầu trời đêm rực rỡ ánh sao. Thật kỳ diệu. Đó là công trình của Thiên Chúa chúng ta. Chúng ta được sinh ra từ tình yêu của gia đình, tình yêu ấy bắt nguồn từ chính Ba Ngôi Thiên Chúa, hình ảnh của một gia đình. Ơn cứu độ chúng ta nhận được cũng bắt nguồn từ chính Đấng Ki-tô, được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh một gia đình: Thánh gia thất. Thế nên, suy cho cùng, tự thân, mỗi chúng ta đều mang căn tính gia đình, nghĩa là những hữu thể có tương quan. Hay có người nghĩa định nghĩa: con người mang tính xã hội. Vì mang tính xã hội, nên mỗi người đều được kêu gọi góp phần vun đắp cho cái xã hội (tập thể) ấy mỗi ngày một tốt hơn.
Sẽ không thể nào thực hiện được lời kêu gọi của ĐTC nếu cứ triển khai ở phạm vi vĩ mô, nhưng tốt hơn hết, hãy thu hẹp phạm vi, và thực hiện ngay ở cấp độ vi mô. Vì khi mọi cấp độ vi mô đều tốt thì đương nhiên cái vĩ mô sẽ trở nên tốt thôi. Trong vai trò của những người sống đời thánh hiến, mỗi chúng ta hãy suy nghĩ và cùng nhau tìm ra lối đi để thực hiện lý tưởng này. Mỗi chúng ta được đặt để vào trong một gia đình, một tập thể, một nhóm, chẳng hạn: là tu sĩ Thánh Thể, là nữ tu Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể, là thành viên của tu hội Phụng sự Chúa Ki-tô, là hội viên của Hiệp hội Thánh Thể; và mỗi người được trao một sứ mạng và trọng trách riêng để làm cho gia đình ấy thêm vững chắc và đầy sức sống.
Trong sứ điệp của Tổng Tu Nghị lần 35 của Dòng Thánh Thể, ý tưởng về “gia đình” là ý tưởng ghi dấu ấn mạnh mẽ trên Tổng Tu Nghị, các tham dự viên nhận ra mình là thành phần của một gia đình duy nhất, được cha thánh Ê-ma thiết lập, bao gồm tu sĩ nam nữ, tu hội đời và hiệp hội giáo dân.
Gia đình Ê-ma được sinh ra từ chính kinh nghiệm sống Thánh Thể phong phú của cha Ê-ma, trong đó chúng ta hít thở và chia sẻ ân sủng của sự hiệp thông này. Hôm nay, ơn gọi của các phần tử của gia đình ấy kêu mời chúng ta đón nhận và diễn tả “Quà tặng tự hiến” trong ba chiều kích cụ thể trong đời sống của mình: tình huynh đệ, việc cầu nguyện và phục vụ. Đây là ba khía cạnh của Linh đạo Thánh Thể canh tân.
Áp dụng sứ điệp của ĐTC nhân ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi năm nay, các phần tử trong gia đình Ê-ma được kêu gọi sống “Quà tặng tự hiến” trong cộng đoàn huynh đệ.
Trong một thế giới cổ võ cho chủ nghĩa cá nhân, nơi mà mọi người muốn mình trở nên thần tượng được hàng triệu người dõi theo trên mạng xã hội và được đám đông ca ngợi trên màn ảnh và các kênh truyền hình thời trang, thì chúng ta lại chân nhận chứng tá ngôn sứ được diễn tả qua lối sống giản đơn và huynh đệ. (Sứ điệp Tổng Tu Nghị lần 35)
Chứng tá sống động của ơn gọi Thánh Thể chính là chứng tá về đời sống cộng đoàn. Cộng đoàn được xây dựng vững chắc trên nền tảng của sự thông hiệp và lối sống giản đơn. Mỗi thành viên của cộng đoàn ý thức mình có một tầm ảnh hưởng đến cả cộng đoàn. Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, một thành viên trong cộng đoàn bị tai tiếng thì cả cộng đoàn chắc chắn không tránh khỏi điều tai tiếng đó. Mỗi thành viên đều góp chút công sức vào sức sống chung của cộng đoàn. Làm sao để mỗi thành viên không rơi vào ý nghĩ: mình chỉ là công nhân hạng hai, nên việc gì phải nai lưng mà cống hiến. Sai lầm trong nhận định sẽ dẫn đến sai lầm trong hành động.
Gia đình (cộng đoàn) được nuôi dưỡng nhờ việc cầu nguyện.
Việc cầu nguyện “nối kết chặt chẽ chúng ta vào tính năng động của việc cử hành, đào sâu sự hiệp nhất với Đức Ki-tô qua việc Hiệp Lễ, nuôi dưỡng các mầu nhiệm về đời sống của Đức Ki-tô trong sự hòa điệu với Năm phụng vụ. (Sứ điệp Tổng Tu Nghị lần 35)
Chiều kích cầu nguyện không thể thiếu trong việc xây dựng cộng đoàn. Đó là sức sống chính và là hơi thở cho chính cộng đoàn. Cá cần nước, con người cần dưỡng khí, thì đời sống đức tin cần chìm đắm trong bầu khí cầu nguyện. Cộng đoàn (gia đình) tu cần hiện thực hóa và bén rễ sâu việc cầu nguyện này (nhất là cầu nguyện trước Thánh Thể) vào chính đời sống mìnhnhư Luật Sống 31 của Dòng Thánh Thể dạy: “Việc đặt Mình Thánh Chúa mời gọi chúng ta nhìn nhận và tôn thờ Sự Hiện Diện của Đức Ki-tô, trong của lễ thân mình Người bị nộp vì chúng ta, và máu Người đổ ra vì Giao Ước Mới. Như thế, việc đặt Mình Thánh giúp chúng ta thông hiệp với Đức Ki-tô, Đấng ban chính mình cho chúng ta, như Bánh ban sự sống, như lương thực chia sẻ cho cộng đoàn những người anh em.”
Sau cùng, xây dựng cộng đoàn (gia đình) tu qua phục vụ
Trong một thế giới đang truyền rao quyền lực, sở hữu và sự thỏa mãn như là một thứ luật sống, thế giới mà chúng ta có nguy cơ xa vào cám dỗ của chủ nghĩa giáo sĩ, chúng ta được mời gọi sống đời sống tu sĩ Thánh Thể cách đơn sơ và tình huynh đệ trở nên luật sống. Tự nguyện vâng phục, đối thoại và tương trợ lẫn nhau làm cho các cộng đoàn chúng ta trở nên nơi chốn của tình huynh đệ, nơi tất cả chúng ta cộng tác với nhau tìm kiếm xây dựng Nước Chúa. (Sứ điệp Tổng Tu Nghị lần 35).
Hình ảnh Đức Ki-tô, vị Mục Tử Nhân Lành luôn là kiểu mẫu cho những cá nhân và cộng đoàn muốn theo bước Người. Mục Tử Nhân Lành Giê-su đi vào gia đình nhân loại, sống vai trò của một đầy tớ khi cúi xuống rửa chân cho những thụ tạo thấp hèn. Đó chính là chứng tá đích thực cho một đời sống phục vụ. Cha mẹ chu toàn bổn phận của mình đối với con cái: sinh thành và dưỡng dục; con cái tìm cách báo đáp công ơn của đấng sinh thành. Đó là cung cách phục vụ. Mọi thành viên trong gia đình phục vụ lẫn nhau, nên gia đình đầy ắp niềm vui. Mỗi phần tử trong cộng đoàn tu được kêu gọi xây dựng gia đình mình theo mẫu gương của Mục Tử Giê-su: Ai nấy đều muốn đóng góp tài mọn sức hèn của mình để phục vụ theo định hướng chung, thì chắc chắn sự đố kỵ và ganh tương không còn chỗ đứng, sự phân biệt đối xử và chủ nghĩa giáo sĩ sẽ giảm bớt cường độ, thay vào đó sự tương trợ và tinh thần hiệp thông sẽ được nhân rộng.
Như thế, ơn gọi của mỗi chúng ta suy cho cùng không chỉ là đi theo bậc sống này hay bậc sống nọ, mà chính là cùng nhau xây dựng gia đình nhân loại.
Để kết thúc, xin mượn lời của ĐTC Phan-xi-cô trong sứ điệp ngày thế giới cầu cho ơn gọi năm 2022 để nhắc nhở bản thân, cũng như kêu gọi mọi người ý thức về chính ơn gọi của mình.
Là Kitô hữu, chúng ta không chỉ được kêu gọi riêng biệt, nhưng chúng ta được kêu gọi cùng nhau. Chúng ta giống như những mảnh ghép của một bức tranh khảm, mỗi mảnh có một vẻ đẹp, nhưng chỉ khi được ghép lại với nhau, chúng mới tạo thành một bức tranh. Mỗi người chúng ta tỏa sáng như một ngôi sao trong cung lòng Thiên Chúa và trên bầu trời của vũ trụ, nhưng chúng ta được kêu gọi để tạo ra những chòm sao định hướng và soi sáng con đường của nhân loại, bắt đầu từ môi trường chúng ta đang sống. Đây là mầu nhiệm của Giáo hội: trong sự tươi vui của những khác biệt, Giáo hội là dấu chỉ và khí cụ của điều mà toàn thể nhân loại được mời gọi đến. Vì điều này, Giáo hội phải ngày càng trở nên hiệp hành hơn: có khả năng bước đi cùng nhau trong sự hài hòa của sự đa dạng, trong đó tất cả mọi người đều có đóng góp của riêng mình để thực hiện và có thể tham gia một cách tích cực.
…
Mỗi ơn gọi trong Giáo hội, và theo nghĩa rộng hơn trong xã hội, đều góp phần vào một mục tiêu chung: làm vang lên nơi những người nam nữ sự hài hòa của nhiều ân sủng khác nhau mà chỉ có Chúa Thánh Thần làm được. Các linh mục, nam nữ thánh hiến, giáo dân bước đi và làm việc cùng nhau để làm chứng rằng một đại gia đình nhân loại hiệp nhất trong tình yêu không phải là viễn tượng không tưởng, mà là chính mục đích mà Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta.
Chúa Nhật IV Phục Sinh, 2022
Lễ Chúa Chiên Lành
+ Cát Bụi, sss
|
|