Phần I. Bí Tích Thánh Thể Là Gì?
Chương 3. Thánh Thể Là Lời Cảm Tạ.
+ Câu 23 – Thánh Thể cảm tạ Thiên Chúa về công cuộc sáng tạo thế nào?
Khi mừng Lễ Vượt Qua, trước hết người ta dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ về những kỳ công mà Ngài đã thực hiện trong công cuộc sáng tạo. Đó là nội dung chính của Kinh Ha-len (Tv136)mà Chúa Giê-su đã hát với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly.
Lễ Vượt Qua cũng được mừng vào ngày khởi đầu Mùa Xuân Mới, thời gian tượng trưng cho công cuộc sáng tạo. Trong ngày đó, tức Ngày Xuân Phân, mặt trời chiếu sáng trọn mười hai tiếng, và ban đêm ánh trăng rằm soi tỏa đủ mười hai giờ. Như thế, trọn Ngày Xuân Phân, không có bóng tối. Vì vậy, Ngày Xuân Phân tượng trưng cho Ngày Vĩnh Cửu, tức ngày được ánh sáng chiếu soi bất tận. Do đó, trong Lễ Vượt Qua, người ta cũng tạ ơn Chúa về ánh sáng của ngày bất tận.
Những đề tài này cũng được cô đọng lại trong Thánh Thể. Vì thế:
a- Thánh Thể là lời cảm tạ Thiên Chúa về vũ trụ bao la, với muôn ngàn tinh tú; về trái đất và muôn loài sống trên đó; nhưng nhất là về trời mới đất mới được khởi đầu bằng cuộc Phục Sinh của Chúa Ki-tô.
b- Thánh Thể cũng là lời cảm tạ Thiên Chúa về công cuộc tạo dựng con người đầu tiên từ bùn đất; nhưng nhất là về A-đam Mới, mà cuộc Phục Sinh của Người đã đem lại cho thế gian nguồn vui sung mãn và sự sống vĩnh cửu(Rm 5,12-21)
c- Thánh Thể cũng cảm tạ Thiên Chúa về Mùa Xuân bất tận, mà cánh cửa đời đời được rộng mở nhờ cuộc Phục Sinh của Đức Ki-tô.
+ Câu 24 – Thánh Thể cảm tạ Thiên Chúa về lễ hiến dâng con của Áp-ra-ham thế nào?
Để thử thách lòng tin, tình yêu và sự tuân phục của Áp-ra-ham, Thiên Chúa đã truyền cho ông sát tế con một yêu quí là I-xa-ác, người con duy nhất mà Chúa hứa sẽ làm phát sinh ra một dòng dõi đông đúc như sao trên trời, và như cát dưới biển. Trước cảnh éo le ấy, Áp-ra-ham không ngần ngại, nhưng đã mau mắn tuân hành lệnh truyền của Chúa. Còn I-xa-ác thì sẵn sàng cúi đầu chịu sát tế. Thái độ của Ap-bra-ham và I-xa-ác rất đẹp lòng Thiên Chúa, và Ngài đã đáp lại những cử chỉ cao đẹp ấy bằng cách cho I-sa-ac khỏi chết, tức cho ông tái sinh từ cát bụi.
Trong Lễ Vượt Qua, người ta cảm tạ Thiên Chúa:
a- Về đức tin sâu xa của Áp-ra-ham mà từ đó đã phát sinh ra dân tộc giao ước.
b- Về tình yêu và sự tuân phục tuyệt đối của Ap-ra-ham trong việc hiến dâng con một yêu quí làm lễ hi sinh dâng lên Thiên Chúa.
c- Về cử chỉ dũng cảm của I-xa-ác đã sẵn lòng chấp nhận thánh ý Thiên Chúa.
Tất cả những đề tài cảm tạ trên đây được chứa đựng trong Thánh Thể. Nhưng đặc biệt:
a- Thánh Thể là lời cảm tạ Thiên Chúa là Cha, Đấng “đã không dung tha chính Con Một Ngài”(Rm 8,32), nhưng “vì quá yêu thương trần gian, đến nỗi đã ban Con Một mình cho trần gian”(Ga 3,16).
b- Thánh Thể là lời cảm tạ Thiên Chúa về tình yêu và lòng tuân phục tuyệt đối của Đức Ki-tô, Đấng đã tình nguyện và sẵn lòng chết thay cho mọi người, để “làm hiến lễ, làm hi lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt”(Ep 5,2).