Giỗ 2 Năm Dì Maria Như Nguyệt.

+ Ngày 01.5.2017. Giỗ 2 năm Dì Maria Vũ thị Như Nguyệt                           (hưởng dương 40t)  Xin cầu cho Linh hồn Maria.

DÌ NGUYỆT

    Em chào đời vào một đêm giữa tháng năm năm 1975. Khuôn mặt bầu bĩnh, miệng chúm chím, mẹ gọi em tên Nguyệt. Giữa tháng năm, tháng hoa kính Đức Mẹ nên bố đặt tên em Maria Vũ thị Như Nguyệt. Thói thường, bà con lối xóm khi hỏi thăm về một trẻ sơ sinh, người ta lộ vẻ vui mừng: “Ồ, con trai!” Nhưng lần này gia đình hân hoan: “Ồ, con gái!” Bà mẹ mừng ra mặt. Từ nay nhà có nếp có tẻ. Trước em, mẹ đã sanh 5 anh trai.(Sau Nguyệt còn 3 em trai nữa.)

    Giữa cơn lốc thời cuộc, tại vùng kinh tế mới, gia đình vất vả với miếng cơm manh áo. Nhưng bố mẹ và các anh vẫn cố gắng cho Nguyệt học hết cấp một ở làng, cấp hai, ba ở huyện. May mắn, Nguyệt đậu ĐH Nông Lâm Thủ Đức. Để tiện việc học, Nguyệt trọ ở Giáo xứ Khiết Tâm.

    Bận rộn với bài vở nhưng Nguyệt đều đặn tham dự Thánh lễ ban chiều. Giáo xứ do các cha Dòng Thánh Thể phụ trách. Lúc đó cha Nguyễn Đạt Tam làm cha xứ, ngài đặc biệt chú trọng dạy giáo lý, Kinh thánh và sinh hoạt với giới thiếu nhi.

    Một chiều nọ, cô sinh viên trẻ viết cho cha xứ KT: “Cha ơi, sao cha chăm sóc thiếu nhi kỹ thế mà bỏ rơi giới trẻ chúng con. Đi học sinh viên chúng con chỉ toàn nghe người ta nói đến cạnh tranh, năng suất, lợi nhuận, thành danh, làm giàu…chẳng bao giờ chúng con được ai dạy quên mình, hy sinh, tha thứ, phục vụ, yêu thương, chia sẻ…chẳng bao giờ hết…!”(Trích bài giảng của Cha Tam lễ an táng Dì Nguyệt.)

    Từ đó, các cha quan tâm hơn đến giới trẻ. Nguyệt cộng tác chặt chẽ với các cha trong sinh hoạt này. Cũng từ đó ơn gọi làm Tu sĩ nảy mầm trong cô sinh viên trẻ. Được cha Tam hướng dẫn, Nguyệt xin gia nhập Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể ở Tam Hiệp. Cha phải chở Nguyệt về tận nhà ở Long Thành xin phép bố mẹ Nguyệt.

    Biết được ý nguyện này của Nguyệt, cả gia đình đều phản đối, nhất là người cha già ở quê: “có mỗi  một đứa con gái…tao lấy đâu ra cháu ngoại?”

    Nhưng trước sự quyết tâm của Nguyệt và với lời cầu nguyện của nhiều người, cuối cùng gia đình đã cảm thông. Ngày Nguyệt khấn dòng, người cha già rưng rưng giọt lệ: “Lạy Chúa, Chúa đã mạnh hơn con, Chúa đã chiến thắng con. Con xin dâng con gái con cho Chúa.”

    Học nông lâm, nhưng Dì Nguyệt lại rất có hoa tay. Hầu như mọi công trình nghệ thuật trong cộng đoàn, từ phiến đá, cây cảnh trong khuôn viên đến bức tường, các tấm phù điêu đều do tay Dì thực hiện ( trong thời gian Dì bắt đầu lâm bệnh). Sau khi Dì lìa trần, các công trình nghệ thuật kia như luôn còn nhắc nhở mọi người về một nữ tu âm thầm, ít nói và hay mỉm cười.

    Nhìn chỗ nào cũng thấy hình ảnh và bóng dáng Dì. Sau Thánh lễ an táng của Dì, cha Đặc trách về phòng, ngài mở cửa nhìn ra khuôn viên nhỏ trước phòng, ngài nói: ngài giật mình như thấy chị Nguyệt đang hiện diện đâu đây.

    Trước khi chết khoảng 2 tuần, Dì còn mời Dì ca trưởng của cộng đoàn đến bên giường bệnh để cùng chọn bài hát cho Thánh lễ an táng. Dì còn chọn cả hình cho di ảnh ngày an táng.

    Dì Nguyệt…Dì đã cầm đèn cháy sáng trong tay để ra đón Chàng Rể – đón Chúa Kitô.

Xin muôn đời tạ ơn Chúa.

( Trích Nội San HT của Dòng NTTT)