HÃY PHỤC VỤ NHƯ NGƯỜI ĐẦY TỚ VÔ DỤNG.

Thứ Ba Tuần XXXII TN.

Tt 2, 1-8. 11-14; Cl 3, 16a và 17c

Qua trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ tinh thần phục vụ đích thực: “Sau khi chu toàn phận vụ, các con hãy tự nhận mình là những đầy tớ vô dụng”.

Phục vụ nổi bật hơn cả là tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm trước tiên nằm trong trách vụ mà mình được giao phó. Điều gì thuộc về trách nhiệm của mình đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt hy sinh, cho dù sự hy sinh đó xem ra có vẻ quá lớn lao đang khi kết quả của nó quá nhỏ bé và không chắc chắn.

Tuy nhiên chúng ta phải xét tính cách giá trị của nó trước cái nhìn của Chúa chứ không xét theo thành quả trước sự đánh giá của người đời. Cử chỉ người chăn chiên lặn lội đi tìm một con chiên lạc trong tổng số 100 con chứng minh cho chúng ta thấy điều đó. 

Ta luôn ưa thích những thành quả lớn lao và dễ dàng đang khi tinh thần trách nhiệm thì nhiều khi rất khó khăn và thành quả rất âm thầm. Nhưng đó lại là điều biểu hiện tấm lòng nhân hậu mà Chúa ưa thích nhất. Cũng vậy, chúng ta luôn ưa chuộng và chạy theo số đông mà bất chấp những cá nhân nhỏ bé, nhất là những cá nhân sa lạc và làm trì trệ đời sống cộng đoàn. Điều này đi ngược lại với tinh thần trách nhiệm của Chúa Kitô.

Chúa đến cho mọi người nhưng Ngài cũng tha thiết sống cho từng con người, nhất là những người hèn mọn và tội lỗi. Trong tinh thần trách nhiệm chúng ta cần xét theo ý Chúa chứ không phải ý người ta. Vì thế phục vụ trước tiên là phục vụ chính Chúa, Đấng đảm nhiệm mọi ý nghĩa và giá trị của công việc chúng ta làm để đưa nó vào chương trình cứu độ của Ngài.

Trong tinh thần trách nhiệm cũng cần phải luôn biết rằng, mình phục vụ và người khác cũng đang phục vụ. Sự phục vụ trong vai trò của chúng ta không được làm hư hại hay hạ thấp sự phục vụ của người khác. Giá trị của phục vụ không nằm trong công việc lớn nhỏ, trong vai trò hay chức vụ, nhưng nằm trong tâm tình, ý hướng và cách thái của người phục vụ.

Sự phục vụ chân chính trong tinh thần trách nhiệm bao giờ cũng đòi hỏi một sự tế nhị, nhường bước để tạo được hoà khí sinh động, bình đẳng và bổ túc cho nhau trong mọi công việc. Phục vụ mà gây ra bất an, hổn loạn và hư hại cho người khác thì quả là sự phục vụ bất chính.

Khi dạy các môn đệ, cũng như chúng ta như thế, Chúa Giêsu không có ý xem nhẹ chúng ta hay xem nhẹ việc chúng ta làm, nhưng Ngài muốn giúp chúng ta -qua con đường phục vụ vô vị lợi với tất cả tinh thần trách nhiệm và khiêm tốn- sẽ được Thiên Chúa ban dồi dào hồng ân gấp bội.

Đối với Chúa Giêsu, quyền bính là phục vụ và phục vụ là yêu thương. Khi ban điều răn mới, Chúa nói: “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13, 34); và “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” Cuối cùng qua cuộc khổ nạn trên thập giá, Chúa đã thể hiện lời Chúa nói: “Không có tình yêu nào cao quí hơn tình yêu của Người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).

Trước khi khuyên chúng ta phục vụ hết mình và tự nhận mình là tôi tớ vô dụng, Chúa Giêsu -Ngôi Hai Thiên Chúa- đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian trong thân phận con người hèn mọn. Ngài đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống cho con người (Mt 20, 28); Ngài là Thiên Chúa nhưng ở giữa các môn đệ như kẻ hầu bàn (Lc 22, 27); Tuy là Thầy là Chúa, Ngài đã “chỗi dậy, bỏ áo xống đi và cúi xuống rửa chân cho các môn đệ” (Ga 13, 4-5). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philippphe cho biết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang…. Chính vì thế, ngài được Thiên Chúa tôn vinh và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu” (Pl 2, 6-11)

Theo gương Chúa Giêsu, biết bao Kitô hữu đã sống tinh thần phục vụ. Đức Thánh Cha Phaolô VI làm việc miệt mài lo cho Giáo Hội; cuối mỗi văn kiện gửi cho dân Chúa, ngài viết: “Phaolô VI, tôi tớ của các tôi tớ”. Mẹ Têrêsa Calcutta và các chị em trong dòng dong duổi khắp đường phố Ấn Độ để phục vụ những người nghèo hèn khốn khổ nhất. Gương phục vụ của Mẹ Têrêsa được cả thế giới trân trọng và ngưỡng mộ.

Chúng Giêsu muốn chúng ta trở nên khiêm tốn như Ngài đã từng như thế. Ngài không bao giờ khoe khoang chính mình hoặc nhất quyết đòi hỏi cho mình một sự đối xử đặc biệt vì mình là Thiên Chúa. Trái lại, Ngài đã vét rỗng chính mình và mặc lấy thân phận một kẻ nô lệ. Ngài vâng phục Cha của mình trong mọi cách thức. Và bởi vì điều đó, Chúa Giêsu đã được tán dương (Pl 2,6-10).

Chúa Giêsu muốn chúng ta giữ kín tất cả những lời thừa nhận, khen ngợi và chúc mừng mà người ta dành cho chúng ta. Ngài không muốn chúng ta là những người hoặc làm những điều gì đó để huênh hoang. Đây là lý do tại sao Ngài đã khiển trách Giacôbê va Gioan khi họ xin Ngài những chỗ vinh dự trong vương quốc của Ngài (Mc 10,35-40). Đó là lý do tại sao Ngài đã quở trách Phêrô vì đã cho rằng Chúa Giêsu là người quá quan trọng đến nỗi không thể bị đóng đinh (Mt 16,21-23)

Cuối cùng, tất cả chúng ta đều là “những đấy tớ vô dụng” (Lc 17,10). Mỗi hơi thở, chúng ta đều nhận từ Thiên Chúa. Mỗi hành động tốt chúng ta làm là một dấu hiệu của ân sủng Thiên Chúa đang làm việc nơi chúng ta. Nhưng “vô dụng” không hẳn là một điều xấu. Đó chỉ là một sự thừa nhận khiêm tốn rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa, được cứu chuộc, được mời gọi và được trang bị để xây dựng vương quốc của Ngài.

 Ở các giáo xứ, chúng ta cũng nhận thấy nhiều gương phục vụ âm thầm và khiêm tốn. Quý Tu sĩ, Quý Ban Hành Giáo, quý chức các hội đoàn, các anh chị Giáo Lý Viên, ca viên… phục vụ giáo xứ mà không nhận một đồng tiền lương. Có thể họ còn gặp phải nhiều khó khăn, hiểu lầm, trách móc; tuy nhiên, Chúa ban  cho  lòng họ chan chứa niềm vui vì vinh dự được trở nên “đầy tớ”.  Bởi vậy, vô dụng không phải là không làm được việc gì nhưng là làm việc cách cần mẫn mà không kể công lênh.

Ta được mời gọi sống và làm việc như người phục vụ, như người tôi tớ, như người nữ tì khi đi từ sự nhỏ bé, giới hạn, yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, khởi đi từ sự thật của chúng ta, và làm cho đời mình, ơn gọi mình trở thành lời tạ ơn và ca tụng Chúa, Đấng là Nguồn và Cùng Đích của mọi sự. Chính kinh nghiệm sâu đậm được yêu thương và được thương xót, sẽ giúp chúng ta sống tâm tình của người tôi tớ và người nữ tì, như Đức Maria, Mẹ của chúng ta.

Huệ Minh.