Chúa Nhật Tuần I Mùa Chay
-
Đnl 26, 4-10; Rm 10, 8-13; Lc 4, 1-13
Cám dỗ là chuyện xưa như trái đất. Từ khi có con người, đã có cám dỗ. Hẳn ta không thể quên chuyện hai ông bà nguyên tổ sa chước cám dỗ của ma quỷ. Dân Do Thái, khi bị nô lệ dưới ách người Ai cập thì muốn được tự do. Nhưng khi lang thang 40 năm trong sa mạc, phải chịu đói khát, lại bị cám dỗ quay trở lại Ai cập để được no ấm. Nhưng có thể nói, 3 cơn cám dỗ mà Đức Giêsu phải đương đầu hôm nay gồm tóm tất cả mọi thứ cám dỗ mà ta thường gặp.
Qua trình thuật Chúa Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc (Lc 4,1-13) thánh sử Luca muốn cho chúng ta thấy Chúa Giêsu khai mào một cuộc xuất hành mới là giải phóng loài người khỏi ách thống trị của Satan, của sự dữ, của tội lỗi, các chước cám dỗ của chúng, và cái chết như là hậu quả cay đắng cuối cùng của vòng xích oan nghiệp ấy.
Chúa Giêsu đã từng bị cám dỗ, vì Người muốn chia sẻ trọn vẹn kiếp người, Người muốn nên đồng số phận với con người, và Người đã thắng cơn cám dỗ để nêu gương cho con người.
Cám dỗ thứ nhất là cám dỗ về cái đói. Cơn cám dỗ về manna (Xh 16) mà dân Chúa đã bị thử thách trong hoang địa. Đó cũng là thử thách từng ngày của mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta chỉ tìm thỏa mãn những khao khát của thể xác, những nỗi thèm thuồng vật chất đang cào cấu trong ta, thì chúng ta đã thất bại ngay trong cơn cám dỗ đầu tiên. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4). Vâng, con người còn có những giá trị cao quý khác cần phát huy, đừng hạ thấp mình xuống mức độ sơ đẳng nhất của: cơm, áo, gạo, tiền.
Cám dỗ thứ hai là cám dỗ về quyền hành thế gian. Cám dỗ thờ ngẫu tượng, bò vàng (Xh 32,42) của dân Israel nơi hoang địa. Không chỉ hôm nay mà rất nhiều lần trong cuộc đời, Chúa Giêsu đã bị cám dỗ này tấn công. Dân chúng luôn kéo Người vào cơn cám dỗ trở nên một Đấng Cứu Thế mang tính chính trị, một vị vua trần gian đầy quyền lực vinh quang. Nhưng Người đã nhất mực khước từ. Người muốn trở nên “tôi tớ” của Thiên Chúa (Ga 13,1-20). Cơn cám dỗ về quyền hành cũng là cơn cám dỗ của tất cả mọi người. Ai trong chúng ta cũng muốn thống trị kẻ khác, muốn áp đặt ý kiến của mình trên anh em.
Đây cũng là cơn cám dỗ về sự nghi ngờ Thiên Chúa. Vì Người thường hay vắng mặt, nên chúng ta dễ chạy theo những vị thần giả hiệu, chúng có tên là của cải, sắc đẹp, kiến thức, tài năng… Chúa Giêsu nhắc cho chúng ta lời Kinh Thánh: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người” (Lc 4,8).
Cám dỗ thứ ba là cám dỗ đòi kiểm chứng, đòi xem những dấu lạ điềm thiêng (Xh 17), đòi thấy những cú nhẩy đẹp mắt, những pha ngoạn mục: Đó là cơn cám dỗ trên nóc đền thờ Giêrusalem. Cũng chính nơi đây, Đức Giêsu sẽ chịu một cơn thử thách hết sức nặng nề: đó là cơn cám dỗ muốn thoát cái chết: “Nếu có thể được, xin tha cho con khỏi uống chén này” (Lc 22,42). Dường như Chúa Cha “đã bỏ rơi” Người. Cuối cùng thì Chúa Giêsu đã không dùng quyền năng của mình để trốn tránh thân phận con người phải chết. Người đã từ chối nhẩy một cú đẹp mắt, cũng không xuống khỏi thập giá một cách ngoạn mục. Người tin tưởng vào tình yêu của Cha, Người tuyệt đối trung thành và trọn vẹn vâng theo ý Cha.
Ma quỷ có rất nhiều mưu mô xảo kế, khi cám dỗ người nào, chúng vận dụng hết mọi thủ đoạn để hạ gục người đó. Vì thế, khi cám dỗ Chúa Giêsu, ma quỷ đã dùng chính Lời Thiên Chúa để dụ dỗ Người, nhưng Chúa Giêsu không rơi vào bẫy của ma quỷ. Trái lại, Ngài cũng đã dùng Lời của Thiên Chúa để cho ma quỷ phải bẽ mặt và bỏ đi.
Cám dỗ của ma quỷ hiểm độc vì nó tiến từng bước: Từ hạ thấp phẩm giá con người khi khiến con người làm nô lệ cho dục vọng đến cướp mất tự do của con người khi xúi giục con người nô lệ cho ma quỷ. Và sau cùng đi đến chỗ tận cùng là chối bỏ Thiên Chúa, không coi Thiên Chúa là cha. Cám dỗ càng hiểm độc vì ma quỷ đã khéo léo học những âm mưu thâm hiểm trong lớp vỏ nhung lụa, êm ái, hợp lý và đầy quyến rũ của những nhu cầu, quyền lực và uy tín.
Trong suốt sứ vụ của Người, Chúa Giêsu đã khước từ việc ban cho dân chúng những kiểu dấu lạ, ngay cả khi người ta ép buộc Người phải làm như vậy. Những loại dấu lạ này không có ích lợi gì cả, không đòi hỏi điều gì tốt đẹp nhất nơi chúng ta, mà chỉ hạ thập giá trị của lòng tin. Lòng tin không phải là ma thuật. Sự thánh thiện không hệ tại ở việc cố gắng ép buộc Thiên Chúa phải làm theo ý muốn của chúng ta, nhưng là nỗ lực bắt buộc chính bản thân mình phải làm theo thánh ý Thiên Chúa.
Các chước cám dỗ là đòn tấn công trên tất cả những yếu tố cơ bản đối với sứ vụ của Chúa Giêsu. Vâng, Người đến để thiết lập một vương quốc, nhưng không phải là loại vương quốc mà Satan đề nghị. Và Người đã khước từ chước cám dỗ đạt được vương quốc bằng phương tiện trần thế.
Dưới sức nặng và sự lôi kéo của sự dữ, mỗi người chúng ta đều phải trải qua kinh nghiệm của thánh Phaolo: “việc thiện tôi muốn thì tôi lại không làm. Điều ác tôi không muốn nhưng tôi lại làm. Ở khởi đầu mùa chay, khi cho ta chiêm ngắm Chúa Giêsu chiến thắngị ma quỷ cám dỗ, Giáo hội mời gọi chúng ta ý thức về thân phận tội lỗi của mình và sức mạnh của sự dữ luôn rình rập để lôi kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa, đi trong tối tăm của đam mê lầm lạc. Ý thức thân phận yếu hèn để ta luôn biết trông cậy vào ơn Chúa giúp chúng ta vượt qua thử thách của đam mê danh lợi thú. Đồng thời, biết theo gương Chúa, chúng ta hãy tỉnh thức trong từng giờ từng phút, trong từng biến cố buồn vui của cuộc sống, luôn biết chọn lựa giá trị vĩnh cửu hơn là những giá trị mong manh của đời này. Hãy chọn Chúa và thợ phượng Chúa hơn là chọn danh lợi thú và làm nô lệ cho những đam mê thấp hèn.
Chúa Giêsu nêu gương giúp chúng ta có được thái độ vững vàng khi phải chiến đấu với mưu chước ma quỷ. Là những người sống lăn lộn giữa lòng đời, chúng ta thường xuyên phải đối phó với những cám dỗ của ma quỷ. Chúng thường tập trung vào ba lãnh vực: quyền lợi vật chất, tham vọng thống trị và nhu cầu tình cảm. Mưu mô xảo kế của satan thì thiên hình vạn trạng. Xã hội văn minh phát triển thì các cơn cám dỗ của satan phát triển theo. Chúng mặc đủ mọi hình thức, khi thì dịu dàng mời mọc, khi thì đe dọa hung hãn. Chúng thường tạo cho chúng ta cảm giác hợp lý, được phép khi đưa ra những lập luận có vẻ vô hại. Nhất là trong thời đại hôm nay, khi lợi thú cá nhân được đề cao quá mức và nhu cầu hưởng thụ của con người được kích thích đến mức tối đa. Cái bụng, cái đầu và con tim của chúng ta luôn luôn phải đối mặt với những lời rỉ tai hay những cuộc biểu dương ồ ạt của sự dữ.
Chúa Giêsu đã phải chiến đấu với ma qủy, với chính khuynh chiều thân xác của con người. Và Ngài đã thắng, Ngài chấp nhận chương trình Thiên Chúa về con người, Ngài chấp nhận luật lệ tự nhiên Thiên Chúa đã xếp đặt, Ngài không biến đá thành bánh, Ngài tôn trọng tự do của con người, Ngài không thách thức Thiên Chúa và đòi Thiên Chúa làm theo ý riêng mình.
Ngày nay, những cơn cám dỗ của ma quỷ vẫn như những chiếc bẫy giăng ra để trói buộc con người trong vòng nô lệ. Cám dỗ càng ngày càng tinh vi và càng ngọt ngào hơn nên càng hiểm độc hơn. Muốn chống trả được những cơn cám dỗ, ta phải bắt chước Đức Giêsu dùng những vũ khí sắc bén, đó là ăn chay cầu nguyện, thấm nhuần Lời Chúa và luôn sống tâm tình của người con thảo đối với Chúa.
Huệ Minh