Hợp nhất chỉ có thể đạt được bằng ơn thánh của Thiên Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô

 Theo VarticanNews, trong buổi yết kiến hàng tuần vào Thứ Tư, 20 tháng Giêng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhở các Kitô hữu rằng hợp nhất chỉ có thể đạt được bằng ơn thánh của Thiên Chúa, chứ không phải bằng ý lực của riêng ta.
Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha, phát trực tuyến từ Thư viện Tông Tòa, dựa theo Bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Trong bài giáo lý này, chúng ta sẽ suy gẫm về lời cầu nguyện cho sự hợp nhất Kitô giáo. Thực thế, tuần lễ từ ngày 18 đến ngày 25 tháng Giêng được dành riêng cho việc này: cầu xin Thiên Chúa ban cho hồng phúc hợp nhất để vượt qua tai tiếng chia rẽ giữa các tín hữu của Chúa Giêsu. Sau Bữa Tiệc Ly, Người đã cầu nguyện cho các tín hữu của Người, “để tất cả chúng nên một” (Ga 17:21). Đây là lời cầu nguyện của Người trước cuộc Khổ nạn, chúng ta có thể gọi đó là chúc thư tinh thần của Người. Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý điều này: Chúa không ra lệnh các môn đồ của Người phải hợp nhất. Không, Người đã cầu nguyện. Người cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng ta, để chúng ta nên một. Điều này có nghĩa là chúng ta không thể đạt được sự hợp nhất bằng chính sức mình. Trên hết, sự hợp nhất là một hồng phúc, nó là một ơn thánh cần được cầu xin qua lời cầu nguyện.

Mỗi người trong chúng ta đều cần nó. Thực thế, chúng ta biết chúng ta không có khả năng duy trì sự hợp nhất ngay trong chính chúng ta. Ngay cả Thánh tông đồ Phaolô cũng cảm thấy mâu thuẫn đau đớn trong bản thân: muốn điều thiện nhưng lại nghiêng về điều ác (xem Rm 7:19). Nhờ thế, ngài đã nắm được gốc rễ của rất nhiều chia rẽ bao quanh chúng ta – giữa người ta, trong gia đình, trong xã hội, giữa các quốc gia và thậm chí giữa các tín hữu – và bên trong chúng ta. Công đồng Vaticanô II đã tuyên bố, “sự mất cân bằng mà thế giới đang lao khổ được liên kết với sự mất cân bằng căn bản hơn vốn bắt nguồn từ trái tim con người. Vì nơi con người, nhiều yếu tố đang vật lộn với nhau. […] Do đó, họ phải chịu đựng nhiều chia rẽ nội bộ, và từ những chia rẽ này phát sinh ra nhiều bất hòa lớn lao trong xã hội” (Gaudium et spes, 10).

Vì vậy, giải pháp cho các chia rẽ này là không nên chống lại một ai, bởi vì sự bất hòa sẽ phát sinh ra nhiều bất hòa hơn. Phương thuốc thực sự bắt đầu bằng cách cầu xin Thiên Chúa ban hòa bình, hòa giải, hợp nhất.

Và điều này có giá trị, trước hết, đối với các Kitô hữu. Sự hợp nhất chỉ có thể đạt được như một kết quả của việc cầu nguyện. Các nỗ lực ngoại giao và đối thoại học thuật là những điều không đủ. Những điều này đã được thực hiện, nhưng chúng vẫn chưa đủ. Chúa Giêsu biết điều này và đã mở đường cho chúng ta bằng cách cầu nguyện. Như vậy, lời cầu nguyện cho hợp nhất của chúng ta là tham dự khiêm tốn nhưng đầy tin tưởng vào lời cầu nguyện của Chúa, Đấng đã hứa rằng bất cứ lời cầu nguyện nào nhân danh Người sẽ được Chúa Cha lắng nghe (xem Ga 15: 7). Tại thời điểm này, chúng ta có thể tự hỏi: “Tôi có cầu nguyện cho sự hợp nhất không?” Đó là ý muốn của Chúa Giêsu, nhưng nếu chúng ta kiểm tra các ý định được chúng ta cầu nguyện cho, có lẽ chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta đã cầu nguyện rất ít, có lẽ không bao giờ, cho sự hợp nhất Kitô giáo. Ấy thế nhưng, đức tin của thế giới phụ thuộc vào nó; thật vậy, Chúa đã cầu xin cho chúng ta nên một “để thế gian tin” (Ga 17:21). Thế giới sẽ không tin vì chúng ta thuyết phục được họ bằng những lý lẽ xác đáng, nhưng nếu chúng ta làm chứng cho tình yêu vốn hợp nhất chúng ta, vốn kéo chúng ta lại gần nhau, thì đúng: thế giới sẽ tin.

Trong thời gian khó khăn nghiêm trọng hiện nay, lời cầu nguyện này càng cần thiết hơn để sự hợp nhất thắng thế các cuộc xung đột. Điều cấp thiết là chúng ta phải để qua một bên các sở thích để cổ vũ ích chung, và vì vậy gương tốt của chúng ta là điều căn bản: điều chủ yếu là các Kitô hữu theo đuổi con đường hướng tới sự hợp nhất hữu hình hoàn toàn. Trong những thập niên qua, nhờ ơn Thiên Chúa, đã có nhiều bước tiến tới nhưng chúng ta vẫn cần phải kiên trì trong yêu thương và cầu nguyện, không thiếu tin tưởng hay mệt mỏi. Đó là con đường mà Chúa Thánh Thần đã làm phát sinh trong Giáo hội, trong các Kitô hữu và trong chúng ta, không quay đầu khỏi con đường này. Mãi mãi tiếp tục tiến bước.

Cầu nguyện có nghĩa là đấu tranh cho sự hợp nhất. Vâng, hãy chiến đấu, vì kẻ thù của chúng ta, là ma quỷ, là kẻ gây chia rẽ, như chính từ ngữ đã nói. Chúa Giêsu xin Chúa Thánh Thần ban ơn hợp nhất, tạo nên sự hợp nhất. Ma quỷ luôn chia rẽ. Nó luôn luôn chia rẽ vì chia rẽ rất thuận tiện đối với nó. Nó cổ vũ cho sự chia rẽ ở mọi nơi và bằng mọi cách, trong khi Chúa Thánh Thần luôn kết hợp trong hợp nhất. Nói chung, ma quỷ không cám dỗ chúng ta bằng thần học cao siêu, nhưng bằng sự yếu đuối của anh chị em chúng ta. Nó rất tinh ranh: nó phóng đại các sai lầm và khuyết điểm của người khác, gieo rắc mối bất hòa, kích động chỉ trích và tạo bè phái. Thiên Chúa hành động cách khác: chúng ta có thế nào, Người đón nhận chúng ta như thế, Người yêu chúng ta rất nhiều, nhưng chúng ta như thế nào, Người yêu chúng ta như vậy, và chúng ta ra sao, Người đón nhận chúng ta như thế; Người đón nhận những người khác nhau trong chúng ta, Người đón nhận người tội lỗi, và Người luôn thúc đẩy chúng ta tiến tới sự hợp nhất. Chúng ta có thể tự đánh giá bản thân và tự hỏi mình xem tại những nơi chúng ta đang sống, chúng ta nuôi dưỡng xung đột hay đấu tranh cho việc gia tăng sự hợp nhất bằng các công cụ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: cầu nguyện và tình yêu. Thay vào đó, điều thúc đẩy xung đột là những câu chuyện ngồi lê đôi mách, luôn nói sau lưng mọi người. Ngồi lê đôi mách là vũ khí tiện dụng nhất mà ma quỷ có để chia rẽ cộng đồng Kitô giáo, chia rẽ các gia đình, chia rẽ bạn bè, chia rẽ luôn luôn. Chúa Thánh Thần luôn linh hứng sự hợp nhất.

Chủ đề của Tuần Cầu Nguyện này đặc biệt nói về tình yêu: “Hãy ở trong tình yêu của Thầy và anh em sẽ sinh nhiều hoa trái” (x. Ga 15: 5-9). Gốc rễ của hiệp thông và yêu thương là Chúa Kitô, Đấng làm cho chúng ta vượt qua các định kiến của mình để luôn nhìn ra nơi người khác một người anh chị em để luôn được yêu thương. Sau đó, chúng ta sẽ khám phá ra rằng các Kitô hữu của các tuyên tín khác – với các truyền thống, và lịch sử của họ – là hồng phúc của Thiên Chúa, họ là hồng phúc hiện diện trong lãnh thổ các cộng đồng giáo phận và giáo xứ của chúng ta. Chúng ta hãy bắt đầu cầu nguyện cho họ và khi có thể, với họ. Nhờ đó, chúng ta sẽ học được cách yêu thương và đánh giá cao họ. Công đồng nhắc nhở chúng ta rằng cầu nguyện là linh hồn của mọi phong trào đại kết (xem Unitatis redintegratio, 8). Vì vậy, xin cho việc cầu nguyện trở thành khởi điểm giúp Chúa Giêsu biến ước mơ của Người thành sự thực: để tất cả chúng nên một. Cảm ơn anh chị em.

Vũ Văn An             
 
 
Nguồn: Vietcatholic