FATHER GREG NGƯỜI ANH EM TÔI
Không phải tôi ‘thấy người sang, bắt quàng làm họ’, cũng không phải Fr Greg lớp CVK 62 mà tôi vơ vào làm classmate, cũng không phải vì anh đài thọ chúng tôi ăn ngủ, đi dạo phố, đi nhà hàng, và còn lì xì tiền đi shopping mà tôi ‘bốc thơm’ anh.
Nhưng chúng tôi thực sự hãnh diện về anh, một người con của Kontum hào hùng. Anh thực sự tự tin và bản lãnh, đức tính căn bản của người lãnh đạo,’qui sait faire et sait faire faire’.
Nhóm chúng tôi gồm 7 người: RP Tâm, RP Bảy, Thi, Kiêm, Lân, Lan, Hiền. Ngày thứ sáu 27.4.2012 lúc 11g giờ VN(=12g Sing) chúng tôi đáp xuống phi trường Changi. Khi chúng tôi còn đang ngơ ngác như những con nai tơ, thì anh đã gởi một giáo dân- anh Michael –đến đón chúng tôi. Trước đó Hiền đã gọi cho anh, nhưng không được, RP Tâm phải đổi 10 cent để gọi ĐT công cộng cho anh. Lý do anh ra trễ là vì anh theo giờ của chuyến bay hôm qua 26.4 gồm Võ, cha Minh(em Võ), bok Quyền, bok Khôi và Hòa. Chuyến bay hôm nay sớm hơn nửa giờ.Và rồi 2 xe chở chúng tôi về giáo xứ của anh .
Đó là giáo xứ OLPS( Our Lady of Perpetual Succour), Việt nam gọi là giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu Giúp, nhưng có yă lại gọi là Đức Mẹ Hằng Cấp Cứu. Giáo xứ có khoảng 8.000 giáo dân, 2 Lm; anh là Gregoire Văn Giảng, chánh xứ ; cha phó là một Linh mục Pháp cũng thuộc MEP: cha Bruno Saint Girons (Không biết phong thánh khi nào). Ngoài ra còn có 1 thày sáu vĩnh viễn: Clement Chen.
Chiều thứ bẩy có 2 thánh lể. Chúa nhật: 5 thánh lễ.
Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là bộ óc đa hệ của anh.Tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ, (dân trường Tây mà). Khi giúp xứ tại Võ Định, Kontum, với cha Tĩnh, anh nói tiếng Bahnar và Sedang như người bản làng. Ngoài tiếng Anh trong lễ ngày thường, Chúa nhật anh còn phải dâng lễ bằng tiếng Trung hoa, tiếng quan thoại ; Hàng tháng, Chúa nhật thứ ba có lễ bằng tiếng Malay, Chúa nhật thứ tư có lể bằng tiếng Tagalog (dành cho người Philippines, khoảng 100.000 người làm việc tại Sing).
Chúng tôi đi dự lễ lúc 7g30 để nghe anh dâng lễ và giảng thuyết bằng tiếng quan thoại. Cũng hùng hồn và mạnh bạo như khi anh dâng lễ và giảng thuyết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt. Khuôn mặt nghiêm nghị, nước da bánh mật, cử chỉ cứng rắn khiến nhiều anh em liên tưởng đến Bao Thanh Thiên. Lễ tiếng Anh thì cuối lời nguyện anh thường nhấn mạnh và đọc chậm’..for ever and ever. Có anh em nói đàn ông ở dây thật hiền lành, ngày nào cha Giảng cũng nói ‘ế vợ, anh ế vợ’mà các ông vẫn vui vẻ thưa Amen.
Nói về việc học tiếng quan thoại của anh.
Dân số Singapore là 4.5 triệu. 75% dân số là người Hoa, thế nên ngôn ngữ được sử dụng sau tiếng Anh là tiếng quan thoại rồi mới đến tiếng Malay và tiếng Tamil.
Singapore là một giáo phận duy nhất. Một TGM duy nhất và hơn 100 linh mục. Tỉ lệ tín hữu công giáo là gần 20%.
Khi Đức TGM Nicolas Chia, GM Singapore, cần 1 Lm dâng lễ bằng tiếng quan thoại tại Gx OLPS, ngài đã kiếm không ra. Anh xin Đức TGM để đi học tiếng Quan thoại. Ngài đã ngần ngại. Ngài nói chính ngài là người Sing ngài còn chưa rành tiếng Quan thoại. Cuối cùng anh xin đi học một năm bên đại học, và điều làm TGM vui vẻ chấp thuận là học phí của anh do MEP tài trợ. Còn tiếng Tagalog và tiếng Malay thì anh tự học với giáo dân. Chưa nghe anh dâng lễ và giảng bằng 2 ngôn ngữ này, nhưng tôi tin với năng khiếu ngoại ngữ của anh, anh cũng không kém phần lợi khẩu.
Ngày Chúa Nhật 29.4.2012, Gx phải đón tiếp 2 TGM vào 2 thời điểm khác nhau với 2 mục đích khác nhau.
10g30, Đức TGM Leopoldo Girelli, sứ thần tòa thánh đến dâng lễ, có lẽ để công bố kết quả quyên góp cho KMF. Đại diên bên KMF có Monseigneur Thắng từ Roma bay sang (4g30 chiều thứ bẩy 28.4 tới Sing) và RP Tâm .
Giáo xứ đã có truyền thống quyên góp cho nhiều GP ở Trung Quốc, ở Sri Lanca…nên đức sứ thần đã gợi ý: ‘ Why not for VN ?’ thế là chiến dịch đã được tiến hành và hôm nay là ngày công bố kết quả. Lòng quảng đại của giáo dân thật đáng khâm phục. Đức Sứ Thần còn khích lệ giáo dân hãy gởi tiền cho Việt Nam và Việt Nam sẽ gởi Lm như father Greg đến Singapore. Giáo dân vỗ tay rầm rầm cả nhà thờ.
Nghe đến đây, tự nhiên tôi thấy mũi mình phình ra.
Sau thánh lễ, anh còn mời sứ thần, đại diện KFM tại giáo xứ và chúng tôi dự một bữa agape tại Tanah Merah country club. Khung cảnh thật hữu tình, dưới kia là sân golf, suối nước, đồi cỏ, rừng cây…Cả đời Ba lúa tôi chưa hề dám mơ đến.
Ăn xong, anh lại vội vã về giáo xứ để đón tiêp Đức TGM Nicolas đến ban BT Thêm sức cho khoảng 140 người.
thức đón tiếp đức sứ thần và Đức TGM rất đơn giản. Ở VN, đăc biệt là các giáo phận Bắc hay như GP Xuân Lộc là phải có cờ quạt, có nơi có lọng, có biểu ngữ, băng rôn, vòng hoa, lẵng hoa có các ban kèn, ban trống. Các đoàn thể đồng phục, cravaté, xếp hàng nghiêm chỉnh hàng giờ trước khi giám mục đến.
Ở đây, phía trên cửa canteen của giáo xứ chỉ có một tấm giấy bìa lớn ghi‘ Welcome your excellency archbishop Leopoldo Girelli’ ; Buổi chiều, bảng giấy được lật mặt sau, đổi là ‘ Welcome your grace archbishop Nicolas Chia’.
Trong canteen giáo xứ, mọi người cứ tự nhiên ăn uống, không thấy ai đứng lên, cả khi TGM đến.
Thánh lễ Thêm sức kéo dài gần 2 tiếng, mặc dầu anh cũng ban Bí tích cùng với TGM. Quả là mệt mỏi. May mà tôi thấy luôn có thày sáu bên anh.
Điều tôi muốn nói về khả năng ‘sait faire faire’ của anh là từ ngày thứ năm, thứ sáu, thứ bẩy, anh phải tiếp đón chúng tôi, phải dẫn chúng tôi đi thăm quan, đi dạo chơi, đi mua sắm, đi ăn uống, có nghĩa là anh không có thời giờ trực tiếp điều hành công việc tại giáo xứ để chuẩn bị 2 lễ lớn. Nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy. Thật tuyệt vời.
Thánh lễ Thêm sức vừa kết thúc, 5g chiều anh em lại kéo nhau sang xứ SVDP (Saint Vincent De Paul) nơi RP Đích đang làm phó xứ, cách xứ OLPS khoảng 20 km.
Chánh xứ là RP Michael, người gốc Ấn. Trước khi được giới thiệu, tôi tưởng là thánh Martin de Porres tái giáng. Giáo xứ có khoảng 5000 giáo dân, đa số là người gốc Ấn.
Thánh lễ chiều nay do Đ.Ô chủ tế, cùng đồng tế có các RP Francis Tâm, Greg Giảng, John Đích, Jos Bẩy, Paul Minh, Vincent Quyền, Peter Khôi.
Cha sở phát biểu là giáo xứ chưa bao giờ được đón tiếp nhiều LM Việt nam như vậy. RP Tâm giảng về good shepherd sau khi đã giới thiệu về Kontum và KMF để sau lễ anh em gởi tờ bướm về KMF đồng thời kiếm chút donation.
Sau lễ lại magna caena nữa, cũng có rượu ngon, thịt béo.
9g anh em lại lên xe về OLPS.
Deo gratias. Cám ơn RP Greg Giảng và John Đích.
Tình CVK muôn năm.
BA LÚA’S SING DU
Tôi không nói về sự sạch sẽ của Singapore. Thừa quá rồi.
Tôi thực sự ấn tượng về trật tự của dân Tân Gia Ba này.
Họ trật tự từ thành phố, xa lộ, vườn cây, đến trong nhà, cả giáo xứ, nhà thờ, nhà xứ. Đường phố 4-5 làn xe, xe cộ tấp nập, chạy vù vù 80- 90 km, không hề kẹt xe. Đường ai nấy đi, không chen lấn, tranh giành. Bốn ngày chúng tôi ở trên đất Sing không thấy một tai nạn giao thông nào. Rất ít zebra crosssing. Khách bộ hành muốn qua đường phải đi đường hầm mà qua. Cũng có cầu trên cao cho người đi bộ, nhưng hình như chỉ có ở bên ngoài thành phố. Rất ít xe 2 bánh, thỉnh thoảng mới thấy một chiếc môtô.
Đường phố không có hành khất, không có người bán vé số, không có trẻ bán báo hay đánh giầy. Chúng tôi gặp một ông già cầm một ít khăn giấy đi bán rong. Theo cha Giảng, đó là những người thực sự khó khăn, nhưng luật Singapore không cho đi ăn xin, nên họ kiếm sống bằng cách đi bán những hàng lặt vặt. Chúng tôi cũng không thấy một bóng công an, một bảng quảng cáo, một băng rôn, một slogan nào trên đường. Xe qua Orchard road, một con đường chính vào trung tâm, trong giờ cao điểm phải đóng lệ phí. Nhưng xe vẫn chạy ào ào, cổng có máy trừ tiền tự động, không phải dừng lại mua vé, không mất giờ đóng tiền mặt, không có nhân viên thâu vé, khẩu trang bịt kín mặt như tại nước mình, mà tiền chắc chắn vào ngân quỹ nhà nước, không sợ vào túi ai. Xe đậu tại các hầm giữ xe cũng vậy, tất cả có bảng chỉ dẫn và đóng lệ phí tự động.
Thỉnh thoảng mới thấy người hút thuốc ngoài đường, nơi được phép hút thuốc. Có những gạt tàn lớn, đựng đầy cát, ngay bên vệ đường.Trong các trung tâm thương mại, có phòng hút thuốc riêng. Nghe đâu du khách chỉ được phép mang theo dưới 20 điếu (chưa đủ 1 gói), còn chewing gum thì tuyệt đối không được ăn hay mang theo. Nhưng có những kẻ điếc không sợ súng như anh Thi, cứ tự nhiên mang theo 5 gói hay như cha già Bẩy vui vẻ nhai chewing gum. May mà vì khuôn mặt nai tơ, đường ta ta cứ đi, nên qua cửa khẩu, mới không bị nhân viên an ninh gọi lại kiểm soát hay phạt tiền.
Khuôn viên nhà thờ rất trật tự: chỗ đậu xe được chia rõ ràng. Có các thừa tác viên của Gx, đeo giây chéo như thày sáu, điều phối xe cẩn thận và mọi người răm rắp tuân theo. Các bảng thông tin của gx còn ghi rõ những địa diểm và giờ có thể đậu xe để giáo dân có thể gởi xe và tham dự phụng vụ.
Trật tự còn rõ nét trong thánh lễ: Khi chủ tế đọc lời nguyện đầu lễ xong, tôi thấy giáo dân vẫn đứng yên.Thì ra họ chờ chủ tế ngồi trước, rồi giáo dân mới ngồi. Đầu lễ, các Thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa hay đọc sách thánh cùng với lễ sinh rước chủ tế ra bàn thờ. Một điều hơi lạ là có cả các Thừa tác viên Thánh Thể giáo dân là phụ nữ. Ở vùng tôi ở, thừa tác viên nam còn hiếm, nói chi đến thừa tác viên nữ.
Adoration room (phòng chầu Thánh Thể) được bày trí yên tĩnh, trang nghiêm, có thời khóa biểu, ai tiện giờ nào đăng ký chầu giờ ấy.
Columbarium (phòng chờ Phục Sinh, phòng để tro cốt) sáng sủa thoáng mát, nhưng không được đốt nhang, nến. Không được chưng hoa tươi, nhưng được chưng hoa giả.
Ở tầng dưới nhà thờ, góc nào cũng có toilet, sạch sẽ, thơm tho, thoáng mát nên giáo dân không kê tường và tránh được bệnh ‘đái đường’mà dân mình thường mắc phải. Chiều ngày đầu tiên, Ba Lúa tôi vừa bước vào toilet, chưa kịp tìm công tắc điện, thì mọi bóng điện đã bật sáng trưng, quạt quay vù vù. Bụng bảo dạ: Chắc dân này lịch sự có thừa, nên bố trí người đứng khuất chỗ nào đó, thấy mình vào là bật đèn, bật quạt. Tôi ngó quanh ngó quẩn, không thấy nhân viên nào. Đến khi xong việc, mình vốn lịch sự, lại nghe cha quản lý nhà MEP nhắc nhở : ‘Ra khỏi phòng phải tắt điện’ nên thấy công tắc nào cũng bấm, nhưng điện cũng chẳng tắt mà quạt cũng chẳng dừng. Đành chịu tiếng là thiếu văn hóa (không biết tắt điện khi ra khỏi phòng), ngó trước, ngó sau, không ai ngó mình, đành chuồn êm. Ngó lại, thấy đèn và quạt tự tắt.
Chiều thứ sáu 27 tháng tư, sau khi ăn trưa tại nhà xứ, chúng tôi được đi thăm quan khu mua sắm Marina Bay Sands.
Không biết Bác vĩ đại mức nào. Nhưng nay thì tôi đã có khái niệm thế nào là vĩ đại. Với Ba Lúa tôi, ở các xứ đạo, to lớn nhất là nhà thờ, đồ sộ nhất là nhà thờ, thế mà ở đây, khu mua sắm này phải to bằng mấy chục nhà thờ gộp lại. Nó đã cao 50-60 tầng (146m) laị còn chui sâu xuống biển 3-4 tầng. Có 3 khách sạn 5 sao, tổng cộng 2600 phòng. Khu complex này do Las Vegas Sands ở Las Vegas USA đầu tư, 8 tỷ đô la Mỹ. Chúng tôi vào cả Casino; Khu ‘Bác thằng Bần‘ này gồm 500 bàn và 1600 slot machines. Du khách trình passport, vào miễn phí, nhưng dân Sing vào thì phải nộp 100 đô Sing.
Chúng tôi thăm gian hàng Louis Vuitton, thuộc công ty của Hiền. Cửa hàng được bố trí như một con tàu nằm giữa biển, chúng tôi vào cửa hàng bằng một cây cầu. Cha con Hiền ở ngoài không vào. Thế rồi chúng tôi xuống tầng hầm đi sang lại Marina Bay. Tội nghiệp, cha con Hiền cứ ngồi ngoài cổng chờ chúng tôi hơn nửa giờ, vì mãi không thấy chúng tôi ra, đâu biết chúng tôi đã xuống tầng hầm dưới nước qua bên kia thăm quan.
Sáng thứ bẩy 28 tháng tư chúng tôi thăm quan Orchard road và khu mua sắm Takashimaya, rồi sáng thứ hai 30 tháng tư thăm quan và mua sắm ở Mustapha Centre. Nói là mua sắm cho nó oai, vì cha Giảng đã lì xì mỗi em 100 đô Sing. Nhưng Ba Lúa tôi đi xem là chính (ở đây hàng hóa thật đa dạng và phong phú), xem thôi, chẳng dám rờ, rờ sợ bỏng tay.Vì ở đây hình như cái gì cũng mắc hơn ở VN 10 lần. Đức ông Giuse cũng nhận định: Đi siêu thị mới thấy nhiều cái thừa thãi, không cần thiết cho cuộc sống, nhất là cuộc sống của mình.
Trưa thứ hai, chúng tôi được thưởng thức món ăn Nhật tại nhà hàng Sushi cùng với chị Xuyến-một phụ nữ Việt nam ở Sing hơn 30 năm, quen với cha Giảng-. Nhà hàng mở cửa 11g30. Chúng tôi đến lúc 11g25, chờ đủ 5 phút mới được vào. Vậy mà mình cứ tưởng ‘khách hàng là thượng đế’.
Hai giờ chiều, chúng tôi ra phi trường, chuẩn bị bay về Việt nam. Ra tiễn chúng tôi có cha Giảng, cha Đích và chị Xuyến. Có cả vợ chồng Michael. Anh chị này thật tuyệt vời. Chúng tôi phong cho anh là Near future deacon. Hẹn khi nào anh được phong chức sẽ sang dự. Cùng với cha Giảng, anh chở chúng tôi đi đây đi đó. Còn chị vợ thì tham gia đại diện KMF.
Chuyến Sing du coi như kết thúc.
Ngoài niềm vui được gặp 2 anh em đang đấm chuông tại xứ Sư tử này, tôi còn 2 niềm vui khác.
Thứ nhất là được gặp lại đức ông Giuse Hoàng Minh Thắng sau 42 năm xa cách. Năm 1971, lớp CVK 62 chúng tôi đang học terminale, thì lớp CVK 60 gồm thày Thắng, thày Tố, thày Lương, thày Thái, sau năm giúp tại TCV Kontum, đang học tại ĐH Đà Lạt. Cuối năm, thủ tục giấy tờ xong, các anh đi Rô ma du học. Từ khi các anh xa quê đến nay, chúng tôi mới gặp lại. Điều tôi ngạc nhiên là sau gần nửa thế kỷ xa cách, dẫu cho nét thời gian có hằn trên khuôn mặt, trên mái đầu chúng tôi, Đức ông vẫn nhận ra và gọi tên từng đứa trúng phóc: Kiêm, Thi, Lân, Lan, Võ, Hiền…
Đức cha Seitz kỳ vọng rất nhiều vào lớp CVK 60 này, ngài gởi đi Rô ma cả nửa lớp, nhưng chỉ có mình Đức ông Thắng làm LM.
Tôi nhớ khi còn ở Đà lạt, có lần ĐC Seitz ghé Chủng viện, ngài nhắn nhủ chủng sinh: Chúng con hãy ăn cho nhiều, chơi cho khỏe, học cho giỏi. Khoan nói đến đời sống LM, vì cha biết đa số chúng con sẽ không làm LM đâu. Hãy là những tín hữu tốt. Không biết các anh Lương,Thái, Tố có nhớ lời khuyên này không mà sao thực hiện đúng thế. Các anh đã là bác sĩ, nhà ngoại giao… đẹp đời, đẹp đạo.
Niềm vui thứ hai là chúng tôi được đức ông trực tiếp mở và chỉ dẫn cho mở Chakra, Thiên khí năng, chữa bệnh. Tất cả các em trong đoàn đã được bàn tay nóng ấm của ngài mở Chakra cho. Chính chúng tôi cũng áp dụng và đặt tay cho nhau. Cụ thễ là đặt tay cho Thi và cho cha Minh( em Võ), đến độ Bài tây bên kia đại dương phải la lên: cả bầy đánh một, chẳng chột cũng què. Chúng tôi áp dụng liền. Tôi về nhà áp dụng trị bệnh ngay cho bà xã, đang bị đau bắp chân, hình như là giãn tĩnh mạch. Chẳng biết trị bệnh hiệu quả tới đâu, nhưng tôi thấy bà vui vì ‘bố nó đi một ngày đàng, học một sàng khôn’ và vì sự quan tâm của bố nó. Nhưng bảo đảm là mở đúng chakra mà đức ông đã hướng dẫn. Xin ai đó đừng nghĩ rằng tôi không thuộc bài mà mở chakra nào khác ngoài 12 chakra đã học. Oan cho tôi đấy. Mà nếu tôi có mở thì không phải là bài của đức ông( đừng đổ oan cho ngài), mà là học trò khéo vận dụng.
Viết lại vài cảm nghĩ để anh em khắp nơi có thể ‘thông công’chuyến Sing du với chúng tôi và cũng là để ‘còn chút gì để nhớ để thương’.
Nguyễn Đức Lân