KỶ NIỆM HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ FATIMA

        Cũng những ngày này, cách đây hơn 40 năm. Có một cô bé khoảng 15, 16 tuổi dẫn theo một cậu bé đi khấn Đức Mẹ Fatima.
      Hai chị em đi từ rất sớm, lên đến nơi khoảng 8g, Thánh lễ chưa bắt đầu nhưng đã rất đông người… vừa đi, vừa chen lấn lên được gần gian Cung Thánh hai chị em lấy làm hả hê vì tới gần được Đức Mẹ. Cô chị mặc quần trắng, và chiếc áo dài xanh lơ bằng tơ gấm ngắn cũn lên tới đầu gối – kiểu “mốt” đang thịnh hành lúc đó, tay cầm chiếc ví màu hồng nhạt, chiếc mũ gấp cùng màu với áo dài, chân đi đôi sabo cao 1 tấc. Nhìn khá đỏm dáng. Cậu bé giản dị trong chiếc áo sơ mi trắng và chiếc quần soọc xanh, tay cũng cầm theo chiếc mũ lưỡi trai màu xanh. Chân đi đôi bata màu trắng.
      Sau khi tham dự Thánh lễ, cô bé dẫn em lên trước tượng Đức mẹ, khấn xin Đức Mẹ cho con chọn bậc sống… đi tu hay lập gia đình. Nhưng con thích đi tu hơn.
Cậu em chăm chú nhìn chị cầu nguyện xong thì khều tay chị nói nhỏ:
      – Mẹ bảo Hai làm dáng, điệu đà không đi tu được. Người tu phải ăn mặc đơn sơ không màu mè cơ.
Cô bé lắc mình tránh tay cậu em, xì xào đáp lại:
     – Mày biết gì. Bao giờ Hai đi tu Hai sẽ bỏ, không điệu nữa.
Thằng bé xùy một tiếng
      – Xời, Hai mà đi tu cái cù loi –
      – Mày nghĩ sao mà nói Hai không đi tu được.
      – Suỵt, chỗ này không phải chỗ cãi nhau – Có tiếng người nhắc khẽ

Cô chị chắp tay thành kính nhìn lên Đức Mẹ thì thầm khấn… Cậu bé lúc này tò mò nhìn chung quanh. Nó kéo tay áo chị nó hỏi:
      – Cái xe kia để làm gì vậy?
      – Hai đang cầu nguyện, chút xíu xong Hai nói cho nghe
      – Chút xíu Hai quên mất tiêu còn gì mà nói.
      – Im đi, Hai nhớ mà…

Trên đường về.
Hai chị em cô bé ra ga Bình Triệu đi xe lửa về Biên Hòa, nhưng mới tới ga Dĩ An cô bé đã lôi em xuống.
       – Chưa tới mà Hai.
Cô bé quả quyết ra vẻ người lớn
      – Tới rồi, mày đừng trứng khôn hơn rận.
Xuống khỏi xe lửa hai chị em theo đoàn người ra khỏi ga.
      – Ơ, xuống lộn ga rồi
Hai chị em tất tả chạy vào ga để hỏi.
Khi được trả lời ga tới mới là ga Biên Hòa. Cô chị thất vọng, chỗ này lạ hoắc biết đón xe ở đâu mà về nhà.
Hai chị em quyết định đi theo đường ray xe lửa để về Chợ Đồn.

Đi được một quảng, cậu bé em lên tiếng
      – Hai cầu xin gì mà lâu thế?
     – Hai cầu xin cho bố đừng chơi với ông Bảy, vì ông Bảy uống rượu say bét nhè. Cầu cho Mẹ đừng chơi với bà Dinh, vì bà nói nhà mình cho con gái đi học làm gì, có làm vương làm tướng gì đâu. Cầu cho chị em mình thông minh, học giỏi. Ông bà nội lên thiên đàng. Ông bà ngoại sống lâu. Dì Tư càng ngày càng giàu, Cậu Năm bán xăng đắt hàng, Dì Sáu dọn nhà ra Cấp (Vũng Tàu), mai mốt ra đó khỏi thuê Hotel. Dì Út thì có em bé. Bác Hai đừng bán xe lam, để lâu lâu chở chúng mình lên Ông bà ngoại. Bác Tư cứ làm Xã trưởng, Chú sáu đếm tiền mỏi tay. Anh Ánh đừng nghịch phá, chơi dại… Ôi Hai có nhiều thứ để xin lắm… Còn mày cầu xin gì?
       – Em cầu cho nhà mình đừng giàu.
     – Sao mày ngu vậy? Rồi có tiền đâu cho nhà mình ăn, tiền đâu cho tụi mình đi học.
     – Nhưng em đâu có xin cho nhà mình nghèo. Hai thấy nhà bác Tư mình không. Nhà bác ấy giàu nhưng bác ấy phải đi làm suốt ngày. Mấy anh mấy chị con bác ấy, nhà giầu nhưng cũng có đi học đâu.
      – Tại mấy anh mấy chị ấy không thích học.
      – Nhưng nhà giàu có nhiều heo thì phải chăn heo, có nhiều ruộng thì phải làm ruộng, có nhiều ao thì phải nuôi cá nên mấy anh chị không đi học được.
      – Ừ hén! Mày nói có lý. Mỗi ngày nhà chị Nguyệt cho mấy chục con heo ăn, rồi cho cá ăn, cho lươn ăn… Nhà chị Nam thì ngày nào cũng phải đi làm cỏ ruộng, hết ruộng đầu nhà thờ thì lại ruộng ngoài vườn dừa… Chỉ nhà mình là không phải làm. Vậy Hai cũng cũng xin Đức Mẹ cho nhà mình đừng giàu.

Im lặng được một hồi. Cậu bé chỉ xuống đường ray hỏi
      – Đố Hai cái này tiếng Pháp gọi là gì?
      – les Rails
      – Còn cái này. Cậu bé chỉ thanh tà vẹt
     – La Traverse. Tới Hai – cô bé chỉ vào bụi cây hoa tím ven đường hỏi – đây là hoa gì?
     – Dễ ợt, hoa mái.
     – Sai, hoa sim – Có bài thơ Hoa sim tím đó là hoa này nè!
     – Mấy đứa bạn em gọi là hoa mái.
     – Thôi cứ cho là mày đúng đi. Còn cây này là cây gì?
     – Cây cỏ hôi.
     – Sai, cây hoa cứt lợn
     – Trời ơi, em nói gì Hai cũng nói sai. Khi Hai nói, em đâu nói Hai sai đâu.
     – Tại Hai nói đúng
     – Chưa chắc à! Hồi nảy Hai kêu xuống ga sai đó
     – À, à… ừ, thì Hai lộn
     – Lộn cũng là sai.
     – Mệt mày quá đi, không thèm nói nữa.
Đi một khoảng xa
    – Hai đi đôi này đau chân quá!
    – Hai đưa em xách cho.
    – Thôi mày, ai lại con trai xách dép cho con gái.
    – Xùy! Hai mà là con gái.
    – Vậy mày nghĩ Hai là con gì?
    – Con trai
    – Tao ký mày lủng sọ à nha!
    – Thì em nghe mấy người ở xóm kêu Hai nghịch như con trai
    – Đó là hồi trước nha mày, bây giờ Hai lớn rồi nghe chưa
   – Em chưa nói hết. Người ta nói hồi trước Hai nghịch hơn con trai, cũng gậy gộc, bắn nhau, mới đó bây giờ thành thiếu nữ rồi.
    – …
    – Đưa dép em xách cho
    – Thôi, Hai xách được
    – Gần tới chưa Hai
    – Gần tới rồi khoảng 500 mét là tới
    – Xạo, Hai đi bao giờ mà nói chắc như vậy.
    – Thì ga này cách Ga kia 3km. Mà mình đi cũng khoảng gần 3 cây số rồi
    – Ai nói với Hai là ga này cách ga kia 3 km?
    – Hai nói chứ ai
…..

Mới đó mà đã gần 50 năm.
Mừng kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.
Cộng đoàn Nhà Chính Bình Đa cho chị em đi Hành Hương, “Hai” của năm nào cũng có trong đoàn Hành Hương nhưng bây giờ Hai không còn là cô bé điệu đà của ngày xưa mà đã là 1 chị nữ tu sắp bước vào tuổi “tri thiên mệnh”.
Lời cầu năm đó của cô bé. Đức Mẹ đã nhận lời chuyển cầu lên Chúa.
Nhân dịp Hành Huơng này. Cô bé năm nào cũng là chị nữ tu năm nay có dịp Tạ ơn Chúa, Tri ân mẹ. Và lại tiếp tục nhờ lời Mẹ chuyển cầu xin Chúa cho chị luôn tin yêu trong mọi giây phút hiện tại. Và mỗi giây phút được sống là một giây phút tạ ơn Chúa và làm công việc bổn phận nhỏ bé của mình cách chu toàn để Thánh Thể Chúa được tôn vinh và yêu mến

Kỷ niệm nào cũng đáng trân trọng, dù nó chẳng là gì đối với người khác nhưng nó vẫn gần gũi thân thương với chính mình.

Kỷ niệm Hành Hương Đức Mẹ Fatima.   

Mai Ba                           

.