Tin Mừng Chúa Nhật XVIII Thường Niên C. (Lc 12, 13-21)
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà nền văn minh phát triển theo xu hướng hưởng thụ, một xã hội mà người ta chạy theo vật chất, bị cuốn hút vào tiền bạc và đánh mất cảm thức về đời sống tâm linh. Vì thế, với nhiều người, họ chỉ lo sao cho cuộc sống trần thế được sung túc, giàu có vật chất, mà quên đi trau dồi và làm giàu cho đời sống tinh thần.
Cũng vậy, trong Tin Mừng hôm nay, một người đã đến cầu cứu Chúa giúp. Chúa đã từ khước làm người phân xử chia gia tài cho anh, và từ đó, Chúa Giêsu đã nhắc nhở “Anh em hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu.” Vậy chúng ta cần phải giữ mình và có thái độ thanh thoát với của cải sở hữu, vì biết rằng của cải trần gian không thể bảo đảm cho ta sự sống vĩnh cửu.
Thế nhưng, trong cuộc sống thực tế, mấy ai dám khẳng định là mình không dính bén và ham tiền bạc? Vấn đề ở đây không phải là do có nhiều của cải, nhưng là khư khư giữ cho riêng mình mà không biết chia sẻ cho những anh chị em đói nghèo cần đến. Cách sử dụng tiền bạc của chúng ta sẽ thay đổi tất cả ý nghĩa cuộc sống của ta. Ai sử dụng của cải cho chính mình “ăn uống vui chơi cho đã…“, đó là người ngốc. Ai biết dùng tiền của làm giàu trước mặt Thiên Chúa “chia sẻ cho tha nhân túng thiếu…”, đó là người khôn ngoan. Công thức này rất cụ thể, nó kết án những kẻ kiêu căng, nô lệ của cải, xem trọng tiền bạc hơn mạng sống anh em.
Những người lo làm giàu vật chất và sống hưởng thụ, họ coi của cải đời này là trường tồn, nhưng không biết rằng vật chất sẽ qua đi. Ngay cả mạng sống của chúng ta cũng không tồn tại, thế nên Thánh Vịnh nói “Dù sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn.” (Tv 48, 13) Tất cả sự giàu sang và vinh quang của chúng ta nơi cõi tạm này chỉ như vẻ đẹp của một buổi hoàng hôn, nó là phù vân, sẽ qua đi chứ không tồn tại mãi. Vì thế, ai bám víu vào vật chất, gắn chặt đời mình vào tiền bạc, chẳng bao giờ nghĩ đến “Chiều tà của cuộc sống“, thì sẽ thật vô phúc khi “người ta đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?“
Dụ ngôn người phú hộ là bài học giúp mỗi người chúng ta biết thức tỉnh, nhìn lại chính mình. Cái nhìn về cuộc đời của ta có mở rộng và vượt lên trên, vượt ra khỏi cõi trần phù vân này, hay chỉ hạn hẹp, xà xà mặt đất với chuyện làm giàu, thu tích của cải? Ta có biết “Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới.”(Cl 3,1-5) hay chỉ chú tâm vào những gì thuộc hạ giới? Lao động, để lo cơm áo cho gia đình, đó là công việc thật tốt của mỗi Kitô hữu và luôn được Thiên Chúa chúc lành. Thế nhưng, thật dễ khi bị đồng tiền lôi cuốn để rồi ta có thể làm mọi cách và bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được thì đồng tiền ấy đã là chủ của ta, điều khiển ta!
Hãy cảnh giác với những phương cách kiếm tiền. Là Kitô hữu, ta không thể tự do hành động, làm việc để có nhiều tiền mà thiếu công bằng, bác ái và tình yêu đối với Chúa, với tha nhân. Có thể ta nghèo nhưng vẫn keo kiệt, tham lam và chưa làm giàu trước mặt Chúa, chứ không chỉ những người giàu có. Nghèo, chỉ đủ ăn đủ mặc mà lòng ta thanh thản, ta biết sẻ chia với người túng thiếu hơn ta với chén cơm xẻ đôi, việc bác ái ấy giá trị trước mặt Thiên Chúa biết bao. Làm giàu trước mặt Chúa không phải ta có nhiều của cải để cho đi, để bố thí nhưng là ta đã cho đi với tất cả tấm chân tình, đong đầy yêu thương.
Đối với Chúa, chúng ta giàu có không phải vì chúng ta chiếm hữu nhiều mà vì chúng ta đã cho đi nhiều. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC Phanxicô đã mời gọi chúng ta tái khám phá lại những mối thương người “Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới mặc,…” Vậy, mỗi người chúng ta cũng hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa qua lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu: “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời…”(Lc, 12,33) Đây là nét đẹp và rất riêng của người Kitô hữu là luôn quảng đại chia sẻ những gì mình có với tha nhân. Càng cho đi, chúng ta càng mang đậm khuôn mặt Chúa Kitô nơi mình.
Của cải không là mục đích đời người Kitô hữu và giá trị cuộc sống cũng không tăng hay giảm nhờ có tiền bạc. Vì thế, chúng ta được thuận lợi trong công việc làm ăn và giàu có, hãy biết tạ ơn Chúa. Hãy nghĩ đến đích điểm cuối cùng của đời ta, biết rằng tất cả sự giàu sang phú quí đều sẽ tàn phai và chỉ có vinh quang Thiên Chúa mới vĩnh cửu, để rồi ta lo cho đời sống tâm linh, lo thu tích của cải vào Nước Trời bằng bác ái chia san cho tất cả những ai đói nghèo. Sự sống của linh hồn mới trường tồn còn mạng sống ta nơi cõi tạm này một ngày sẽ qua đi. Chính vì thế, nghèo cũng đừng lo lắng tủi hổ mà giàu có cũng đừng vênh vang tự đắc như Thánh Vịnh nhắc: “Đừng sợ chi khi có kẻ phát tài, hoặc cửa nhà tăng thêm vẻ phong lưu, vì khi chết nó đâu mang được cả, kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần.” (Tv 48,17-18) Sau đời tạm này, linh hồn ta có được hưởng vinh quang Nước Trời vĩnh cửu với Chúa hay không mới quan trọng.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từ bỏ địa vị vinh quang, chọn sống nghèo để chia sẻ kiếp người với chúng con. Xin dạy chúng con khi biết chuyên chăm lao động để lo miếng cơm manh áo, đồng thời chúng con cũng biết hướng lòng nỗ lực xây dựng Nước Trời bằng bác ái sẻ chia với anh em túng nghèo. Amen.
Dã Quỳ