Suy niệm Tin mừng Mt 28,16-20
Em bé 1 hoặc 2 tuổi, đang bâp bẹ tập nói là đã được các bà ngoại, bà mẹ đạo đức, ý thức, dạy làm dấu Thánh giá. Người công giáo làm dấu Thánh giá nhiều lần trong ngày: khi thức dậy, lúc đọc kinh, trước mỗi bữa ăn, khi đi ngủ… Nhiều người còn làm dấu trước khi uống thuốc.
Giáo hội công giáo luôn làm dấu Thánh giá trước mọi cử hành phụng vụ hoặc các bí tích, trước các buổi cầu nguyện. Ngày trước các trường học công giáo còn luôn làm dấu và đọc kinh trước giờ học. Sau năm 1975, nhiều giáo viên miền Bắc, vào các lớp của các em sắc tộc trên Tây nguyên, lấy làm lạ tại sao các em không chịu ngồi xuống để bắt đầu giờ học. Các em nói là chưa làm dấu đọc kinh. Về sau các giáo viên phải chấp thuận cho các em làm dấu và đọc kinh, các em mới chịu ngồi xuống học.
Người ta đeo ảnh tượng, đặc biệt là đeo Thánh giá, để tôn kính, để biểu lộ niềm tin, dẫu có khi còn là để trang sức. (Đức cha Nguyễn văn Khảm kể có lần ngài thấy một cô đeo đôi tòng teng hình Thánh giá. Tội nghiệp Chúa Giê su suốt ngày phải đong đưa.)
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Mỗi lần chúng ta làm dấu Thánh Giá là chúng ta kính nhớ một mầu nhiệm trọng đại, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.Có thể nói chúng ta kính nhớ Ba Ngôi Thiên Chúa mọi lúc mọi nơi.
Nói mầu nhiệm là nói điều bí hiểm, điều khó hiểu, điều phải chấp nhận. Cuộc sống quanh ta cũng có bao nhiêu điều bí hiểm, ta không hiểu mà vẫn phải chấp nhận. Chẳng hạn: gió. Gió muốn thổi đâu thì thổi. Ta không thấy gió. Nhưng ta phải tin là có gió. Lửa. Lửa từ đâu đến? Tắt rồi lửa đi đâu? Sao một khối lửa mênh mông có thể tiềm ẩn trong một hộp quẹt nhỏ xíu, một que diêm cỏn con? Quanh ta có biết bao âm thanh du dương, trầm bổng, biết bao hình ảnh muôn mầu, muôn sắc. Ta chỉ nghe được, khi có điện thoại, khi có radio; thấy được, khi có smart phone, có Wifi, có TV.Và còn biết bao điều bí hiểm kỳ diệu khác.
Chỉ khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, mạc khải cho nhân loại về Thiên Chúa Ba Ngôi, nhân loại mới biết. Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho.( Mt 11,27).
Chúa Giê su cũng mạc khải rằng Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật. (Ga 4,24)
Bao nhiêu người cố công tìm hiểu. Nhưng mầu nhiệm này vượt xa tầm hiểu biết của con người. Câu chuyện của thánh Augustinô sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn vấn đề này.
Augustinô khao khát tìm kiếm chân lý. Một hôm, đang đi dọc theo bờ biển, ngài muốn khám phá những bí ẩn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thì tình cờ Ngài gặp một cậu bé đang ngồi chơi trên cát. Nó dùng một mảnh sò để đào một lỗ nhỏ trên cát, rồi dùng vỏ sò ấy múc nước biển đổ vào cái hố. Nó cứ đổ nước vào cái lỗ mà chẳng bao giờ đầy. Ngạc nhiên về cử chỉ của đứa bé, Ngài đến hỏi đứa bé đang làm gì vậy, đứa bé trả lời không chút do dự. Thưa ông, cháu đang dùng vỏ sò này để tát cho cạn nước biển đại dương. Augustino lắc đầu bảo nó: Cháu không thể làm được chuyện đó đâu.Đứa bé ngước lên và mỉm cười nói: Cháu múc cạn nước đại dương để đổ đầy cái lỗ này còn dễ hơn chú hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Augustinô chợt hiểu được một chân lý rằng: “Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được”. (Trích Hạnh Các Thánh).
Giáo sư Phan Như Ngọc sinh ra và lớn lên trong nền tảng giáo dục Duy vật. Sau khi tốt nghiệp, ông làm giáo sư, dạy vật lý 13 năm tại trường đại học tổng hợp Hà nội. Ông hăng hái quảng bá chủ nghĩa duy vật. Năm 1989, nhân một chuyến đi công tác nước ngoài, ông đã xin ở lại Đức. Dịp này ông được ơn trở lại Kitô giáo. Ông viết lại:
Như thế, chủ nghĩa duy vật đương nhiên chối bỏ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, vì không ai có thể sờ đụng hoặc cảm nhận được Ngài nhờ các giác quan của mình. Bấy giờ tôi cảm thấy chủ nghĩa duy vật là đúng. Ai tin có Chúa, tôi đều cho là duy tâm, là mê tín dị đoan cả.
Khi tìm hiểu giáo lý Kitô giáo, ông chia sẻ:
Một trong những khái niệm khó nhất là khái niệm Đức Chúa Trời ba ngôi một thể. Đức Chúa Trời biểu hiện dưới ba hình thức khác nhau: Đức Cha, Đức Con (Chúa Giê-xu) và Đức Thánh Linh. Ba Ngôi vừa riêng biệt, vừa là một, nghĩa là chỉ có một Đức Chúa Trời.
Cảm tạ Chúa đã đào tạo tôi thành một người nghiên cứu vật lý, nên điều này đối với tôi lại rất dễ chấp nhận khi so sánh với nước. Nước cũng có ba trạng thái là rắn, lỏng và hơi. Ba trạng thái vật chất ấy đều có cùng bản chất là H2O. Có thể nói ba là một, một nhưng là ba. Ở đâu có một là có cả ba trạng thái. Điều thật khó hiểu đã trở thành quá rõ ràng, mặc dù đây chỉ là một sự so sánh rất khập khiễng, một sự minh họa rất đại khái mà thôi.
(Trích Phan Như Ngọc: Niềm hạnh phúc tuyệt vời)
Những người đề cao thực nghiệm thì khó chấp nhận mầu nhiêm. Lúc này ta mới thấy lời Chúa Giê su nói với Tô ma thật là ý nghĩa: Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin. (Ga 20,29).
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Cho chúng con biết lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì.( Lời ca Tantum ergo).
Nguyễn Đức Lân