LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

Bài 1

Kh 11,19a; 12,1-6a.10ab; Lc 1,39-56
Chủ đề: Đức Maria trong dự tính cứu độ của Thiên Chúa:
là Mẹ Đấng Thiên sai, là Thân Mẫu Chúa.

* Kh 12,5: Bà sinh được…một người con trai, Người Con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân.

* Lc 1,43: bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa đến với tôi thế này?

Hôm nay 15/8, Giáo Hội Công Giáo long trọng mừng kính lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Các tín hữu Việt Nam còn quen gọi là LỄ MÔNG TRIỆU. “MÔNG TRIỆU” là viết tắt của cụm từ “Thánh Mẫu mông triệu thăng thiên”:

  • “Thánh Mẫu” trong Kitô giáo là từ đặc biệt được dùng để ám chỉ ĐỨC MARIA là Mẹ của Đức Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa, “Con Đấng Tối Cao”, “Con Thiên Chúa” (x.Lc 1,31-35).

  • “Mông” là một dạng trợ động từ, làm cho động từ đi theo sau mang ý nghĩa thụ động. “Mông” có nghĩa là “được”, “chịu”.

  • “Triệu” có nghĩa là “VỜI ĐẾN”, “gọi lại”, thường được cấp trên dùng để ra lệnh, đòi cấp dưới phải đến chầu, đến gặp.

  • “Thăng” là “lên cao”; _ “Thiên” là “trời”, nơi Thiên Chúa ngự.

Vậy “Mông Triệu” là cách nói tắt ám chỉ việc Đức Maria, Mẹ của Đức Giêsu Ngôi Lời nhập thể được Thiên Chúa VỜI đến ban tặng một đặc ân, đó là được lên trời CẢ HỒN LẪN XÁC, hưởng trọn vẹn vinh quang với Chúa NGAY SAU KHI vừa hoàn tất cuộc đời trần thế (x.GLHTCG 966). Đây là một tín điều Công Giáo.

Vậy điểm cốt yếu của tín điều Mông Triệu không nằm ở yếu tố “hồn xác lên trời” mà là ở yếu tố “NGAY SAU KHI Mẹ vừa hoàn tất dòng đời của Mẹ.Thật vậy, hồng ân “hồn xác lên trời” là ơn Chúa ban cho toàn thể nhân loại vào Ngày Tận Thế. Đặc ân của Mẹ là được hưởng trước một cách trọn vẹn, ngay khi lìa thế, hồng ân mà Chúa cũng sẽ ban cho toàn nhân loại vào ngày Đức Giêsu quang lâm.

Các tín điều về Đức Mẹ là những khám phá của Giáo Hội, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần theo đúng ý định của Đức Giêsu nhằm giúp Đàn Chiên Chúa hiểu đầy đủ hơn những gì Đức Giêsu muốn mặc khải (x.Ga 16,12-13). Vì thế chúng ta không tìm thấy trong Kinh Thánh, kể cả trong Tân Ước, những yếu tố đề cập trực tiếp đến mầu nhiệm “Đức Mẹ hồn xác lên trời”. Tuy nhiên các dấu tiên báo cũng đã được Chúa Thánh Thần dọn sẵn trong Kinh Thánh; Và Lời Chúa trong lễ 15/8 hôm nay là một điển hình.

Bài đọc Tin Mừng hôm nay là đoạn tiếp ngay sau đoạn nói về thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ. Maria đã phó thác tất cả cho Thiên Chúa qua lời “xin vâng” và NGAY LÚC ĐÓ, Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể vào cung lòng Maria. Như vậy là ngay khi còn sống trong thân xác, con người của Maria đã là “Hòm Bia của Thiên Chúa” rồi; hồn xác Maria đã hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa cách trọn vẹn rồi. Có thể nói rằng hồng ân “hồn xác lên trời” đã bén rễ vững chắc trong con người của Maria ngay sau lời “xin vâng” của Mẹ. Và tiếng “xin vâng” nền tảng ấy được Mẹ lập lại từng giây phút trong cuộc đời; và hồn xác Mẹ ngày càng thuộc về Chúa; và khi ngày đời của Mẹ chấm dứt thì Chúa thu hoạch thành quả tuyệt vời là cả xác hồn Mẹ về bên Chúa.

Ơn ban cho Mẹ, Mẹ không giữ riêng cho mình: vừa đón nhận “Ngôi Lời nhập thể” vào lòng, Maria đã nhiệt tình mang tin vui “CHÚA ĐÃ ĐẾN” cho “Số Còn Sót của tuyển dân” mà gia đình Dacaria là đại diện. Lời chào của “Đấng cả hồn lẫn xác đã thuộc về Chúa” là một tín hiệu hồng ân giúp thai nhi, chỉ mới sáu tháng tuổi, con của bà Ysave nhận ra CHÚA đến viếng thăm nên nhảy mừng trong dạ mẹ. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, qua dấu chỉ vui mừng của đứa con, Ysave nhận ra Maria là THÂN MẪU CỦA ĐỨC CHÚA TÔI, là NGƯỜI ĐÃ TIN, là NGƯỜI CÓ PHÚC (x.Lc 1,41-45).

Với Đức Maria, Thiên Chúa hoàn tất lời hứa thiên sai với Adam (x.St 3,15), từ nay nhân loại không cần đi tìm về lại Eden nữa, vì thân xác phàm nhân đã trở nên “cung điện”, “ngai tòa” của Thiên Chúa. Nơi nào mà tình yêu, quyền năng Thiên Chúa làm chủ trọn vẹn thì nơi đó là thiên đàng. Hồn xác Maria đã chạm tới thiên đàng khi đáp “xin vâng”.

Trước hồng ân thần linh tuyệt vời ấy, Maria cất lời Magnificar ca khen Thiên Chúa.

Bài đọc một được chọn đọc trong lễ Mông Triệu là đoạn trích từ Sách Khải huyền chương 12, thuật lại thị kiến về một cuộc chiến không cân xứng giữa một bên là một phụ nữ đang mang thai, sắp sinh con, và bên kia là một con Mãng Xà khổng lồ hung dữ có 7 đầu, 10 sừng, chỉ cần một cái quét đuôi của nó là một phần ba tinh tú trên trời phải rơi xuống đất (x.Kh 12,2-4). Mãng Xà đang rình chực nuốt đứa con do người phụ nữ sắp sinh ra. Thế nhưng quyền năng Thiên Chúa đã bảo vệ Bà: Bà sinh con an toàn! Con Bà được Thiên Chúa đưa tới nơi an toàn trong sa mạc. Thị kiến trên có ý nghĩa gì?

Người phụ nữ trong thị kiến được mô tả với những nét đặc biệt: “mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên 12 ngôi sao”. Hình ảnh gợi lại thị kiến của Giuse con Giacob thấy 11 ngôi sao của các anhvà mặt trời, mặt trăng quì lạy cậu (x.St 37,9). Vậy người Phụ Nữ trong Kh 12,1 là biểu tượng của Dân Chúa. Mãng Xà chực nuốt con của Phụ Nữ gợi lại chuyện Pharaô muốn giết tất cả bé trai sơ sinh Do Thái (x.Xh 1,16.22). Nhưng Thiên Chúa đã can thiệp cứu dân và đưa dân đến Đất Hứa là nơi Ngôi Lời sẽ nhập thể. Còn người Phụ Nữ thì “trốn vào sa mạc” gợi lại cuộc sống 40 năm sa mạc của người Do Thái, họ được Chúa dưỡng nuôi, ban Luật biến thành Dân Chúa. Tóm lại những hình ảnh với những ý nghĩa đan chéo vào nhau của thị kiến cho thấy cuộc chiến cam go không ngưng nghỉ giữa Dân Chúa, phải được sinh ra, và quyền lực sự dữ, luôn rình phá hoại tiêu diệt dân Chúa. Cuối cùng dân Chúa vẫn thắng nhờ Thiên Chúa bảo vệ.

Qua thời Tân Ước, thị kiến gợi lại cuộc chiến đấu giữa GIÁO HỘI (Người Phụ Nữ) và đế quốc Rôma (Con Mãng Xà _ Con Thú). Thật vậy, Giáo Hội thời các tông đồ chỉ là lúc khai sinh; Tín hữu chỉ là những nhóm nhỏ, non trẻ vừa mới được sinh ra thì đã bị Mãng Xà Rôma bách hại, tìm tiêu diệt.

Hình ảnh “7 đầu”, “10 sừng” của con Mãng Xà là cách nói biểu tượng ám chỉ đế quốc Rôma (x.Kh 17,3 nốt “k” và 17,10 nốt “r” và “s”). Bằng thể văn khải huyền và dựa vào lịch sử cứu độ, nhất là giai đoạn Xuất Hành, tác giả khích lệ Giáo Hội đang trong cơn bị Roma bách hại hãy trung kiên với Đức Kitô, tin vào ơn giải cứu của Thiên Chúa (x.Kh 12,6a-10). “Người Phụ Nữ” là biểu tượng của Giáo Hội.

Khi được dùng để làm bài đọc một trong lễ MÔNG TRIỆU, hình ảnh “Người Phụ Nữ” được áp dụng cho Đức Maria. Trong cuộc chiến giữa “Người Nữ” và “Con Rắn” trong vườn Eden, phần thắng đã nghiêng về phía Con Rắn; Nhưng Thiên Chúa đã can thiệp hứa ban Đấng Đạp Đầu Rắn (St 3,15). Theo bản Vulgata, Đấng ấy là một người nữ: “ipsa conteret” nghĩa là “bà sẽ đạp đầu ngươi”. Điều đó ứng nghiệm vào Đức Maria.

Thật vậy, lúc Maria đang mang thai sắp sinh con, thì hai ông vua; một hoàng đến Roma, Augustô; và một vua chư hầu là Hêrôđê đã tấn công và truy sát “Người Con” sắp được sinh ra. Nhưng Thiên Chúa đã bảo vệ hai Mẹ Con, đưa họ vào sa mạc, tới nơi tạm an toàn là Ai Cập, để rồi với Đức Giêsu, Giáo Hội đã được sinh ra.

Phần cá nhân Maria, xác hồn Mẹ đã hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa từ lúc đáp “xin vâng”. Do đó, khi mãn phần dương thế, xác hồn Mẹ phải được Chúa đưa về ngự trị trọn vẹn bên Tôn Nhan Chúa.

Việc hồn xác Mẹ lên trời là một bảo chứng chắc chắn củng cố niềm tin xác loài người sẽ sống lại vào Ngày Tận Thế, kết hợp với hồn hưởng trọn vẹn vinh quang Thiên Chúa như Mẹ. Đó là điều Phaolô khẳng định trong bài đọc hai (x.Cr 15,21b-22).

Mừng lễ Mẹ hồn xác lên trời, Giáo Hội đang chiêm ngắm trước vinh quang chung cuộc của chính mình và cũng là vinh quang của từng tín hữu. Xin Thánh Thần Chúa tiếp tục đồng hành, trợ lực tín hữu vững tin vào Lời Chúa như Mẹ đã tin, nhờ đó sẽ được diễm phúc như Mẹ được Chúa hoàn tất nơi bản thân mình điều Chúa đã hứa.

Bài 2

Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em… Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả… như đã hứa cùng cha ông chúng ta. (Lc 1,45.49.55)

Hôm nay Giáo Hội mừng kính long trọng lễ Đức Mẹ Hồn xác lên trời. Lễ này là lời tri ân, tôn vinh, thờ phượng mà Giáo Hội hiệp cùng với Mẹ dâng lên Thiên Chúa vì Chúa đã hoàn tất trọn vẹn công trình cứu độ nơi một con người ngay khi người đó vừa lìa cõi thế, lúc mà dòng lịch sử cứu độ vẫn còn đang tiếp diễn. Thật vậy, hồng ân “hồn xác lên trời” là ơn huệ cánh chung mà Thiên Chúa tặng ban cho toàn thể nhân loại vào lúc “Tiệc Cưới Con Chiên” khai mở (Kh 19,8). Thực ra, điều ấy Thiên Chúa đã khởi sự rồi, khi biến đổi trần gian lưu đày án phạt trở thành ngai tòa Thiên Chúa khi sai Ngôi Lời rời cõi trời nhập vào trần gian để từ lúc đó vĩnh viễn “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” và chỉ cần ai mở lòng tin đón nhận Đấng ấy thì sẽ được Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa (x.Ga 1,9.12; Mt 1,23).

Điều huyền diệu mà lễ mừng nhấn mạnh không nằm ở chi tiết “hồn xác lên trời” mà là ở chi tiết “ngay khi Mẹ vừa hoàn tất dòng đời của Mẹ”, nghĩa là nơi Mẹ, suối nguồn hồng ân “có Thiên Chúa ở cùng” không hề bị gián đoạn một giây phút nào. Điều Thiên Chúa đã hoàn tất trọn vẹn nơi Mẹ ngay khi Mẹ vừa lìa đời, thì cũng sẽ làm cho nhân loại vào lúc Thiên Chúa hoàn tất dòng lịch sử cứu độ (xem bài Chủ đề). Tại sao Thiên Chúa lại đối xử phân biệt, dành nhiều ưu đãi cho Mẹ như thế? Không có vậy đâu! Đó cũng chính là cái nhìn sai lạc về ân sủng mà các tông đồ cũng vướng phải: làm lớn là để ích kỷ, tích lũy cho bản thân; Đức Giêsu điều chỉnh: được Chúa chọn là để phục vụ (x.Mt 20,24.28; Mc 10,41-45). Người được Chúa mời trao ban cho việc giữ gìn kho tàng cứu độ là đón nhận một hồng ân nhưng cũng là cùng Chúa “vác cái ách nhẹ nhàng của Chúa (x.Mt 11,29-30).

Đọc kỹ Sách Sáng Thế, chúng ta thấy rằng hồng ân sống trường sinh thân xác không hư nát là ơn huệ Chúa ban cho toàn thể nhân loại, bằng cớ rõ ràng là Thiên Chúa đã dựng nên “Cây Trường Sinh” ở giữa vườn để bảo đảm cho hồng ân trường sinh không hư nát. Tiếc thay con người đã không muốn đón nhận ơn trường sing từ Thiên Chúa, con người nghe lời xúi dại của Rắn, muốn “tự hữu”, “tự tồn tại” như Thiên Chúa. Và cái thực tế đáng buồn đã xảy ra “bụi đất sẽ trở về lại cùng bụi đất”. Điều bất hạnh đó chỉ xảy ra sau khi hai nguyên tổ ăn trái cấm. Và giả như nếu Thiên Chúa cứ nuôi cơn giận dữ bỏ mặc con người ngã về lại cát bụi thì nhân loại đã diệt vong hết phương cứu độ: bụi đất về lại với đất bụi. May thay, Thiên Chúa không từ bỏ dự tính ban đầu của Người. Chúa hứa (St 3,15), rồi kiên trì ra tay tái tạo, tìm cho ra giữa hậu duệ của người nữ một con người dám phó thác tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, dám tin rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất mọi lời Chúa phán hứa.

Tuy nhiên đường lối của Thiên Chúa vẫn là tôn trọng tự do, không ép buộc con người. Và Chúa muốn từng cá nhân phải đảm nhận vận mạng, trách nhiệm về cuộc đời của mình. Án phạt của cặp đôi tiên khởi để lại di chứng cho đàn con khiến nhiều người bất mãn: tôi có ăn trái cấm đâu mà phải chịu khổ đau và trở về với cát bụi? Thật ra, Trái Cấm chỉ là hình ảnh biểu tượng. Vấn đề là ở chỗ này: con người với tự do và quyền chủ động của mình đã khước từ lời căn dặn của Thiên Chúa đừng ăn trái cấm, không tin vào lời cảnh cáo của Người. Thật vậy, đọc kỹ lại St 3,1-7, chúng ta thấy rằng Con Rắn không hề xúi Người Nữ hái trái cấm mà ăn. Nó chỉ xuyên tạc lời của Thiên Chúa và ra sức “quảng cáo” láo, “tô hồng” cho cây trái cấm khiến con người nghi ngờ tình yêu của Chúa, không tin tưởng vào đường lối hành động của Người. Sau đó chính người nữ đứng ở gốc cây trái cấm, ngắm nhìn quả và rồi lần lượt giác quan, tình cảm, lý trí, ý chí của bà nghiêng dần về lời Con Rắn và tự động hái trái ăn và đưa cả cho chồng đang đứng đó. Ađam cũng thật đáng trách: ông có mặt ở đó mà để cho một mình vợ mình đối thoại với Rắn, không giúp bà biện phân nhận ra điều dối trá trong lời Con Rắn và cuối cùng lại còn đồng lõa với bà, đưa tay đón nhận trái cấm bà trao rồi ăn, mặc dù lệnh cấm là Chúa truyền trực tiếp cho Ađam. Hai ông bà đã không hợp lực với nhau để chiến đấu; Họ thua trận vì không khai thác được sức mạnh cộng đoàn mà Thiên Chúa đã đặt để trong nhân loại khi dựng nên con người theo hình ảnh Chúa, “hình ảnh của CHÚNG TA”; Và Người Nữ khi chiến đấu chỉ dùng tới các năng lực tự nhiên của con người mà quên Thần Khí là hồn sống làm con người trở thành sinh vật (sau này Đức Giêsu chiến đấu trong sa mạc là do Chúa Thánh Thần hướng dẫn). Như vậy mỗi con người đều là tội nhân theo cung cách và đặc nét của mỗi người. Và cứ thế, tội lỗi lan tràn lộ dần ra bộ mặt hung tà, đảo điên của nó là sự chết, ngày càng khốc liệt: Cain giết Abel (St 4,8); Hận thù, bạo lực gia tăng (St 4,23-24); và cái gì phải tới sẽ tới: nguy cơ diệt chủng đe dọa nhân loại: lụt hồng thủy. May thay tình yêu Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi: ngay khi con người vừa phạm tội, Thiên Chúa đã hứa ngay lời tha thứ (St 3,15). Ngay giữa lòng một nhân loại lẽ ra phải trở về lại bụi đất do tội của mình, thì Thiên Chúa đã gieo vào đám đất mục nát ấy một niềm hy vọng, một cây trường sinh mới: đó là Đấng sẽ đạp đầu Rắn. Trong đức tin của Giáo Hội, cái “Đấng ấy” thực ra là một cộng đoàn: “Đấng ấy” có thể áp dụng vào Đức Mẹ (bản Kinh Thánh Vulgata) cũng có thể áp dụng vào Đấng Mêsia, Đức Giêsu (bản LXX) (xem chú thích Kinh Thánh BJ và Cha Thuấn về St 3,15). Ngược lại với Ađam – Eva nghi ngờ tình yêu, đường lối của Thiên Chúa, thì “Hai Đấng này” đã phó thác đến cả mạng sống mình để “xin theo ý Cha” (Lc 22,42), để “xin Chúa cứ làm cho tôi theo lời thiên sứ” (Lc 1,38). Vì luôn luôn ý Chúa được thể hiện trọn vẹn nơi bản thân mình, nên Hai Đấng không thể bị hư nát được, cho dù là chỉ một giây phút. Thật vậy, Đức Giêsu sau những giây phút chia sẻ phận người tới cùng qua cái chết và xuống ngục tổ tông thì Người với quyền năng của một Vị Thiên Chúa đã công khai thăng thiên về Trời; Còn Đức Mẹ là người cộng tác tuyệt hảo, trọn vẹn với Đức Giêsu thì cũng được Thiên Chúa triệu về Trời ngay sau khi hoàn tất vai trò đã được Thiên Chúa giao phó cho ở trần gian (“Mông Triệu” là được VỜI đến, gọi về: xem bài Chủ đề).

Phần nhân loại tội lỗi của chúng ta, việc khước từ Thánh Ý của Thiên Chúa trên cuộc đời mình là không tránh khỏi. Mỗi lần sa ngã như thế là nọc độc của sự hư nát thấm nhập vào phận tội nhân của chúng ta, khiến ta phải trở về lại cũng cát bụi. Thoạt đầu sự hư nát ấy bị coi như là một án phạt của tội. Nhưng trong cái nhìn chung cuộc của Thiên Chúa thì việc xác thân phải hư nát đó chính là cách Thiên Chúa dùng để hóa giải mọi độc chất của sự bất tuân, của sự nghi ngờ ý Chúa ra khỏi phận người giới hạn của chúng ta. Xác phàm tội lỗi phải hư nát đi để trở thành “phân bón, dưỡng chất” cho phận cát bụi của chúng ta để cho “hạt giống Lời Chúa” do Đức Giêsu mang tới được tươi tốt, lớn lên, biến thành “mùa gặt” của sự sống mới vĩnh viễn không còn sợ bị hư nát nữa.

Như vậy hồng ân Chúa đã hoàn tất nơi Mẹ ngay sau khi Mẹ vừa qua đời, cũng sẽ được Thiên Chúa hoàn tất cho toàn nhân loại vào ngày tận thế. Nhưng yếu tố nào nơi Mẹ đã làm Mẹ được hưởng ngay cách trọn vẹn cái hồng ân cánh chung của toàn nhân loại?

Yếu tố đó chính là Ý CHA THỂ HIỆN TRỌN VẸN TRONG TỪNG GIÂY PHÚT suốt cuộc đời của Mẹ.

Với hậu quả của tội, phần chúng ta, chúng ta thường hay phân bì, so đo hơn thiệt từng chút: chúng ta chỉ thường thấy ân huệ mà người khác được hưởng mà không thấy phần trách nhiệm mà Thiên Chúa giao phó cho họ khi ban tặng hồng ân; Còn nhìn phần mình, chỉ thấy toàn gánh nặng mà không nhận ra chút hồng ân nào, giống như dân Do Thái vô ơn luôn trách Chúa, so bì với Môsê và đòi quay về lại Ai Cập). Con người chỉ muốn hưởng quyền lợi mà khước từ trách nhiệm.

Cuộc đời của Đức Giêsu và Đức Mẹ là một cuộc chiến đấu cật lực, không ngơi nghỉ để biện phân đâu là ý Chúa và nhất là sau đó đã dám trao hết mọi sự lại cho Chúa với lời cầu xin khiêm tốn chỉ mong ý Thiên Chúa được thể hiện trọn vẹn nơi mình. Trong phụng vụ, lễ mừng một biến cố, một phần thưởng Thiên Chúa tặng ban cho Mẹ. Phụng vụ nhấn tới “đáp số” chung cuộc của đời Mẹ; Còn Tin Mừng lại lưu tâm tới thái độ đáp trả của Mẹ ngay tại thế này, trước ý định lạ lùng của Thiên Chúa đối với Mẹ: xin Chúa cứ thực hiện nơi tôi điều Chúa muốn.

MỐI CHÂN PHÚC CỦA MẸ MARIA (Lc 1,45)

Niềm vui của phụng vụ trong lễ mừng Mẹ Mông Triệu là một lời khích lệ cho chúng ta: vinh dự mà Mẹ đang được vui hưởng hiện tại cũng là điều mà Thiên Chúa chắc chắn cũng sẽ hoàn tất cho toàn thể nhân loại.

Việc hưởng hồng ân như Mẹ nơi nhân loại bị chậm trễ chủ yếu là vì bản chất của Thiên Chúa là THÁNH tuyệt đối, không một vết tích nào của tội dù nhỏ tới đâu đi nữa có thể hiệp thông, tồn tại được trong Chúa. Con người đã phạm tội, lẽ ra phải diệt vong, nhưng Chúa đã thương làm công việc tưởng chừng là không thể: “tội con đỏ như son, cũng nên trắng như tuyết”. Tội đã thấm vào từng tế bào, cần phải tẩy luyện, giải độc lâu dài, cần phải “lọc máu” sao cho chất độc “nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa” không còn chút dấu vết gì trong nhân tính của từng con người chúng ta. Thiên Chúa không tiếc thời gian làm công việc “lọc máu” ấy là vì ích lợi ơn cứu độ cho nhân loại (x.2Pr 3,8-9).

Chương trình là của Thiên Chúa, nhưng mỗi người có chịu nhận mình đang “ung thư” và chấp nhận phương thức điều trị của Chúa hay không lại là quyền của mỗi cá nhân: mỗi người đang đứng trước “cây trái cấm” của cuộc đời mình.

Bài đọc Tin Mừng của lễ Mông Triệu (đi viếng bà Ysave) và đoạn văn đi trước (Truyền Tin) cho ta thấy Đức Mẹ đã là người chiến thắng.

1/ Trong biến cố truyền tin (Lc 1,38), trong lời đáp chung cuộc, Đức Mẹ đã chọn 2 điều:  * Mẹ là tôi tớ của Chúa nghĩa là chỉ biết Ý Chủ mà thôi.

* Xin Chúa cứ làm nơi tôi như lời sứ thần nói: câu này hàm ý rằng cả cuộc đời của Mẹ, là công trình hoàn toàn của Thiên Chúa.

2/ Và được tiếp tục trong suốt đời Mẹ:

Thật vậy những gì các sách Tin Mừng nói về Mẹ đều chỉ quy về một điểm là Mẹ xin Chúa hoàn tất công trình của Chúa nơi Mẹ:

* Đứng trước các đường lối lạ lùng của Chúa, chưa hiểu được thì thái độ của Mẹ là thinh lặng chờ đợi giờ của Chúa, còn bản thân thì tuân phục tích cực bằng cách gìn giữ mọi sự và suy gẫm trong lòng (x.Lc 2,19.49-51b).

* Khi Đức Giêsu xuất hiện thi hành công khai sứ vụ thiên sai thì Mẹ sẵn sàng trở nên “người môn đệ”. Chấp nhận mối tương quan mới do con của Mẹ thiết đặt (x.Mt 12,48-49 và các đoạn song song).

* Cao điểm sự phó thác của Mẹ trong tương quan với cuộc đời trần thế của Đức Giêsu là cuộc đồng hành khổ nạn theo Người lên tới đỉnh đồi Calvê.

* Chúa thăng thiên, Mẹ vẫn còn sống tại dương thế thêm một khoảng thời gian nữa.

3/ Trong tương quan với Giáo Hội:

Lúc còn đang hấp hối trên Thập Giá, Đức Giêsu phó thác trao một trách nhiệm mới cho Mẹ: “thưa Bà, đây là con Bà”; “Đây là mẹ của anh” (Ga 19,26-27). Đức Giêsu Thập Giá đã thiết lập một gia đình mới: Giáo Hội và nhờ Mẹ đóng vai TỪ MẪU. Chính trong tư cách đó, Mẹ đã cùng với Giáo Hội chờ và đón Chúa Thánh Thần (Lc 1,35a); Quyền năng Thánh Thần đã rợp bóng trên Mẹ (1,35b). Rồi từ một con người được Thánh Thần chiếm hữu trọn vẹn như thế, Đấng Thánh của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã thành hình, lớn lên và được sinh ra (1,35c). Rồi cuối cùng, Mẹ đã cùng các môn đệ đón nhận Chúa Thánh Thần hiện xuống. Phần cuối đời Mẹ sống với người môn đệ Chúa yêu. Và như thế cuốn sách Tin Mừng thứ tư được viết ra, tràn đầy tình yêu, chắc chắn là phần đóng góp lớn lao của Mẹ. 

Như vậy, có thể nói, nhờ sự góp phần của Mẹ mà Lời Thiên Chúa do Ngôi Lời mang đến, tiếp tục vang lên mọi nơi mọi thời bằng ngôn ngữ nhân loại tương ứng. Lời đó tiếp tục dạy dỗ, nuôi sống thế giới và đưa tất cả về Trời Đất Mới.

Cuộc đời Mẹ là một cuộc chiến đấu không ngừng, để nơi từng tế bào nhỏ nhất của Mẹ đều là nơi để ý định Thiên Chúa được thể hiện trọn vẹn.

4/ Mối phúc thật của Mẹ (Lc 1,45)

Khi nghe tiếng Mẹ chào, Ysave được ơn nhận ra ngay Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Thế nhưng dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, bà không ca khen Mẹ có phúc vì được làm Mẹ Thiên Chúa mà bà khen Mẹ có phúc vì ĐÃ TIN rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất nơi Mẹ điều mà Chúa đã hứa. Ơn đặc thù làm Mẹ Thiên Chúa chỉ có một, nhưng phương thức Chúa ban để cả nhân loại đều hưởng trọn hoa trái của ơn đó là TIN, Tin Thiên Chúa sẽ thực hiện điều Người đã hứa. Chúng ta không làm mẹ Đức Giêsu được, nhưng nhờ Mẹ, chúng ta là anh em của Đức Giêsu. Chúng ta có tin rằng Chúa hoàn tất điều đó nơi bản thân chúng ta không? Nếu tin, chắc chắn chúng ta sẽ được hưởng trọn vẹn mọi hồng ân mà hiện giờ Mẹ đang hưởng trọn. Thiên Chúa đang triệu mời chúng ta “hồn xác lên trời” và Thiên Chúa chờ chúng ta TIN để Chúa hoàn tất ơn đó cho chúng ta.

Frère Pierre Đình Long FSC