LỄ ĐỨC MẸ LÀ MẸ THIÊN CHÚA.

 Lc 2,16-21.   

       Ngày đầu năm dương lịch, một tuần sau lễ Chúa Giêsu giáng sinh, Giáo hội long trọng mừng kính Đức Mẹ với tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa. Giáo hội cử hành lễ này để mời gọi con cái mình tỏ lòng kính trọng và biết ơn Đức Maria, đồng thời tuyên xưng Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, vì nhờ Mẹ, Đấng Cứu Thế đã được sinh ra cho chúng ta.

      Trước trào lưu chỉ nhận Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu về phương diện nhân tính, Công Đồng Chung Êphêsô (431) đã được triệu tập để làm sáng tỏ cũng như khẳng định và tuyên bố tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”. Công đồng tuyên tín: “Giây phút long trọng nhất trong đời Đức Mẹ là giây phút Ngôi Hai xuống thai trong lòng Mẹ. Từ giây phút ấy, Đức Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa”.

      Thực ra, sau khi thưa Xin Vâng với sứ thần, rồi đi thăm chị Elizabeth, Đức Maria đã được xưng tụng là Mẹ Thiên Chúa: Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? ( Lc 1,43) 

       Là Mẹ Thiên Chúa, nhưng Đức Maria còn là mẫu gương chiêm ngắm và vâng phục: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,19).

       Thực thế, suốt cuộc đời Mẹ, Mẹ luôn chiêm ngắm và vâng theo ý Thiên Chúa. 

       Khi thưa Xin Vâng ngày thiên sứ truyền tin, khi sinh con nơi hang bò lừa đêm khuya lạnh giá, khi dâng con trong đền thánh, khi tìm con lạc trong đền thờ, khi theo con rao giảng Nước Trời đây đó, khi nhìn con chết treo trên thập hình nhục nhã … Nếu Mẹ không lắng nghe tiếng Chúa, thì làm sao Mẹ có thể vượt qua được những thử thách này. Trong mọi sự, Mẹ luôn lắng nghe để ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng.

       Từ bao thế kỷ qua, mọi nơi mọi lúc, Giáo Hội và con cái đều không ngớt xưng tụng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa: Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội,  khi nay và trong giờ lâm tử.

        Ngày đầu năm mới, Giáo hội còn cử hành lễ Đức Maria Nữ Vương Hòa bình! Chúng ta hãy mượn lời sách Dân Số để cầu chúc cho nhau: “Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” ( Ds 6,26).

       Tháng 12/1967, đức thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã công bố sứ điệp thiết lập Ngày Thế giới Hoà bình. Và Ngày Thế Giới Hòa Bình đầu tiên đã được cử hành vào ngày 1 tháng 1 năm 1968. Từ đó, mỗi năm ngày này được cử hành với một chủ đề khác nhau.      

          Sứ điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình lần thứ 56, ngày 1 tháng 1 năm 2023 năm nay của Đức Thánh Cha Phanxicô là:

                                        Không ai có thể được cứu một mình.
     Bắt đầu lại từ Covid-19 để cùng nhau vạch ra những con đường hòa bình.

         Đức Thánh Cha nói:… Chúng ta có thể nói rằng bài học lớn nhất mà chúng ta học được từ Covid-19 là nhận thức rằng tất cả chúng ta đều cần nhau, rằng kho báu lớn nhất của chúng ta, nhưng cũng mỏng manh nhất của chúng ta, là tình huynh đệ của con người, được thiết lập trên nền tảng chúng ta là các anh chị em, con cái của Chúa, và không ai có thể tự cứu mình. Do đó, điều khẩn cấp là phải cùng nhau tìm kiếm và cổ võ các giá trị phổ quát có thể hướng dẫn sự phát triển của tình huynh đệ nhân loại này. Chúng ta cũng học được rằng sự tin tưởng mà chúng ta đặt vào sự tiến bộ, công nghệ và hiệu quả của sự toàn cầu hóa không chỉ quá mức, mà còn biến thành sự sùng bái cá nhân và ngẫu tượng, làm tổn hại đến chính lời hứa về công bằng, sự hòa hợp và hòa bình mà chúng ta đã hết sức tìm kiếm. Trong thế giới phát triển nhanh chóng của chúng ta, các vấn đề phổ biến về bất bình đẳng, bất công, nghèo đói và phân biệt đối xử tiếp tục gây ra tình trạng bất ổn và xung đột, đồng thời tạo ra bạo lực và thậm chí là chiến tranh.

   …Mặt khác, Covid-19 cũng có những tác động tích cực: khiêm nhường lại, suy nghĩ lại về một thái độ tiêu dùng và một ý thức mới về tình liên đới, điều khiến chúng ta nhạy cảm hơn với nỗi đau khổ của người khác và nhu cầu của họ. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến những nỗ lực, mà trong một số trường hợp thực sự là anh hùng, được thực hiện bởi tất cả những người đã làm việc không mệt mỏi để giúp mọi người có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng một cách tốt nhất có thể.

     …Từ kinh nghiệm này xuất phát một nhận thức mạnh mẽ mời gọi tất cả, các dân tộc và các quốc gia, đặt lại ở vị trí trung tâm từ ngữ “cùng nhau”. Bởi vì chính cùng với nhau, trong tình huynh đệ và liên đới, chúng ta xây dựng hòa bình, đảm bảo công lý và thoát khỏi những thảm họa lớn nhất.

            Nếu trong gia đình cũng như ngoài xã hội, mọi người đều biết lắng nghe tiếng Chúa và lắng nghe nhau như Mẹ Maria, cùng nhau sống bác ái yêu thương, thì mãi mãi chúng ta là con Thiên Chúa, là con của Mẹ và  chắc chắn Hòa bình sẽ viên mãn trên trần gian.

       Lạy chúa, xin dạy chúng con biết nhận Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, cũng là Mẹ chúng con. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ luôn biết lắng nghe và vâng theo ý Chúa, để chúng con mãi là con Chúa, là con Mẹ và được hưởng hòa bình viên mãn.

 Nguyễn Đức Lân