Parvulus natus est nobis
“Một Hài Nhi đã sinh ra cho ta”.
Lễ Giáng Sinh là ngày lễ đáng yêu. Ta hằng chúc nhau được vui mừng. Tình yêu của ta lại đem cho ngày lễ một nếp sống mới, và Bí tích Thánh Thể là tiếp tục lễ Giáng sinh. Bê-lem và Nhà Tạm nối kết nhau, không thể phân ly, cả hai bổ túc cho nhau. Ta hãy nghiên cứu những tương quan giữa hai bên.
I
Bí Tích Thánh Thể được “gieo” tại Bê-lem. Bí Tích Thánh Thể là gì, nếu không là “lúa miến của các vị được tuyển” và là “bánh hằng sống”? Bây giờ lúa miến được gieo. Lúa phải rơi xuống lớp đất và mọc lên, rồi nảy hạt, rồi chín, được gặt; và đất phải được làm kỹ trước, mới có bánh mì ngon.
Khi sinh ra trong máng rơm chuồng bò, Ngôi Lời đã chuẩn bị Bí tích Thánh Thể, mà Ngài coi là điều bổ túc các mầu nhiệm khác của Ngài. Ngài đến để kết hiệp với con người. Suốt đời, Ngài muốn cùng con người lập nên sự kết hiệp bằng ân sủng, bằng gương lành, bằng công nghiệp; nhưng chỉ trong Bí tích Thánh Thể, Ngài mới hoàn tất sự kết hiệp hoàn hảo nhất, mà con người ở trần gian này có thể. Nếu ta muốn hiểu kế hoạch của Chúa, ta không được để mất cái nhìn vào ý tưởng của Thiên Chúa, nhìn vào ý định của Chúa chúng ta đã có trong trí, là kết hiệp bằng ân sủng, qua những mầu nhiệm sự sống sự chết của Ngài; sự kết hiệp theo thể lý và cá nhân, qua Bí tích Thánh Thể. Cả hai sự kết hiệp là để chuẩn bị sự hoàn tất kết hiệp trong vinh quang.
Y như người đi đường xa, không bao giờ bỏ mất cái nhìn vào mục đích cuộc hành trình, và luôn luôn đưa từng bước hướng về đích, thì suốt đời, Chúa chúng ta vẫn bí mật chuẩn bị Bí tích Thánh Thể, và mang tới gần thêm.
Lúa miến bởi trời đây, cũng đúng là lúa miến gieo tại Bê-lem_có nghĩa là ngôi nhà Bánh Miến_ Hãy xem hạt miến trong rơm. Được vò đạp vỏ trấu, được giã nát. Rơm này tượng trưng nhân tính khó nghèo. Tự nó, rơm trấu vẫn khô khẳng. Nhưng Chúa Giê-su sẽ nâng lên địa vị nơi chính Ngài, sẽ phục hồi nó vào sự sống và sẽ làm cho nó sinh kết quả. Nisi granum frumenti cadens in terram…” Nếu hạt lúa mì không rơi xuống đất…”
Hạt lúa thần linh này được gieo. Nước mắt của Chúa Giê-su là sương sa làm cho hạt lúa mọc lên thành bông miến đẹp. Bê-lem được xây trên đồi, hướng về Giê-ru-sa-lem. Khi bông lúa miến chín vàng, nó sẽ dựa vào đồi Can-vê, ở đó nó sẽ bị nghiền nát và sẽ đưa vào lửa đau khổ, để nên bánh hằng sống.
Các vua chúa sẽ đến ăn bánh ấy và thấy bánh mĩ vị: Praebebit delicias regibus: “Bánh ấy sẽ mang lại thanh lịch cho các vua”. Bánh ấy hợp cho hôn lễ vương giả của Con Chiên: Currunt Magi ad regales nuptias. “Các Vị khôn ngoan chạy đến… dự bữa tiệc hôn lễ của Vua”. Các vị khôn ngoan trong bữa tối này đại diện các linh hồn vương giả và được bình tĩnh, hiện nay đang ăn Bánh bí tích.
Những quan hệ giữa việc Chúa Giáng Sinh tại Bê-lem và Thánh Thể về mặt Bí tích, cũng có giữa việc Chúa Cứu Thế giáng sinh và Bí tích Thánh Thể được coi là Hy lễ.
Thật là Con Chiên đã sinh ra tại Bê-lem. Chúa Giê-su sinh ra, như con chiên trong chuồng, và cũng như con chiên, chỉ biết có Mẹ của mình. Ngài đã hiến dâng mình thay hy lễ; tiếng than thứ nhất của Ngài là: itostiam et oblationem noluisti: corpus autom aptasti mihi: Hy lễ và và lễ vật của Lề Luật, Cha chẳng muốn: Cha đã nắn thân xác cho con: Này con xin đến”. Chúa Giê-su cần thân xác để được hiến tế: Ngài dâng thân xác cho Cha Ngài. Con chiên này lớn lên bên Mẹ: bốn mươi ngày, Mẹ sẽ biết bí mật việc hiến tế ấy. Mẹ sẽ nuôi Con bằng sữa trinh nguyên và sẽ giữ gìn hoàn hảo Con cho đến ngày hy sinh. Đặc điểm của hy tế này tỏ rõ nơi Chúa chúng ta, đến nỗi khi thánh Gioan Tẩy Giả thấy Ngài, trong những ngày ban đầu đời công khai, đã không dùng danh xưng khác cho Ngài, mà dùng danh xưng “Chiên Thiên Chúa”: Ecce Agnus Dei, ecce qui tollit peccata mundi. Đây Chiên Thiên Chúa, Đây Đấng xóa tội trần gian”.
Hy lễ bắt đầu tại Bê-lem, được hoàn tất trên bàn thờ Thánh Lễ. Ôi! cảm động biết bao, lễ Nửa Đêm trong thế giới theo Ki-tô giáo! Ta đã mừng lễ từ lâu trước và hằng vui được thấy lễ đến nơi này nơi kia nữa. Điều mang lại cho lễ Giáng Sinh nét duyên dáng, và chan hòa niềm vui của dàn chuông khánh và say mê vào trái tim ta, là điều gì, nếu không phải là trên bàn thờ, Chúa Giê-su thực sự lại giáng sinh, mặc dù là trong tình trạng khác? Dàn chuông của ta và những chúc tụng của ta chẳng hướng thẳng tới bản thân Ngài sao? Đối tượng của việc cử hành lễ Giáng Sinh, như của lòng yêu mến của ta, đang hiện diện. Ta thực sự đi Bê-lem và gặp ở đấy, không phải là một kỷ niệm, cũng chẳng phải một bức tranh, mà là chính Hài Nhi thần linh vậy.
Hãy xem Thánh Thể đã bắt đầu như thế nào tại Bê-lem. Bấy giờ Ngài là Emmanuel: là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Ngài đã đến ở giữa dân Ngài. Trong ngày Giáng Sinh thứ nhất ấy, Ngài bắt đầu sống giữa chúng ta; Bí tích Thánh Thể lưu lại mãi sự hiện diện của Ngài. Tại Bê-lem, Ngôi Lời làm người; trong Bí tích Thánh Thể, Ngôi Lời nên Bánh để cho ta được “thịt của Ngài”, mà không khơi lên một chút ghê sợ nào trong ta.
Tại Bê-lem, Ngài cũng bắt đầu thực thi các nhân đức của tình trạng Bí tích của Ngài.
Ngài ghi dấu thiên tính Ngài để làm cho con người thân quen với Thiên Chúa. Ngài che khuất vinh quang thần linh của Ngài như bước thứ nhất, để rồi che khuất nhân tính của Ngài. Ngài cột lại quyền năng mình trong nỗi yếu ớt của tấm thân một hài nhi; sau này Ngài sẽ cột quyền năng dưới “các hình bánh và rượu thánh”. Ngài vẫn khó nghèo; Ngài tước bỏ mọi sở hữu. Ngài là Đấng Tạo Hóa và là Chủ Tể muôn loài. Chuồng bò cũng chẳng là của riêng Ngài, mà lòng bác ái để Ngài được dùng thôi. Ngài sống với Mẹ nhờ vào của tặng từ các mục đồng và các của dâng từ các Đạo sĩ; về sau, trong Bí tích Thánh Thể, Ngài cũng xin người ta để có chỗ trú ẩn, có chất liệu làm Bí tích, có y phục cho linh mục, và khăn trải cho bàn thờ. Bởi thế cho nên Bê-lem tiên báo Bí tích Thánh Thể.
Ta cũng thấy ở đây khởi đầu phụng tự Bí tích Tạ ơn dưới dạng khởi đầu, là việc tôn thờ, việc chầu Thánh Thể.
Đức Mẹ Maria và thánh Giuse là những người trước tiên thờ lạy Ngôi Lời Nhập Thể. Hai Vị tin vững vàng: niềm tin của Hai Vị là nhân đức: “Beata, quoe eredidisti: Phúc cho bà, vì bà đã tin”. Hai Vị thờ Chúa bằng nhân đức tin.
Các mục đồng và các Đạo sĩ cùng thờ lạy Chúa, hiệp cùng Đức Maria và thánh Giuse.
Đức Mẹ hoàn toàn hiến thân phục vụ Con. Đức Mẹ hoàn toàn chú trọng vào phục vụ, đón trước ước vọng nhỏ nhất của Ngài để thỏa mãn những ước vọng ấy. Các mục đồng dâng những quà đơn giản đơn sơ, còn các Đạo sĩ dâng những lễ vật châu báu. Các vị đều tôn kính Ngài bằng các của dâng biếu.
Bí tích Thánh Thể cũng là nơi xum họp dành cho mọi người đủ giai cấp; Bí tích Thánh Thể là trung tâm thế giới Công giáo. Bí tích Thánh Thể là đối tượng của phụng tự thờ kính gấp hai: thờ kính bên trong bằng tin kính và mến yêu; thờ kính bên ngoài qua những của dâng châu báu, các nhà thờ, các ngai tòa mà Thánh Thể được đặt lên để ta kính chầu.
II
Việc Chúa chúng ta sinh ra, gợi lên một ý tưởng khác cho tôi. Các thiên thần loan báo Chúa Cứu Thế ra đời cho các mục đồng biết, qua những lời này: “Hôm nay, Chúa Cứu Thế đã sinh ra cho các ngươi: Natus est vobis hodie Salvator”. Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. Công việc của A-dong gần như được bỏ qua, và được thay thế bằng công việc Thiên Chúa tái tạo. Có hai A-dong: mỗi vị đều là cha của một dân tộc lớn: A-dong thứ nhất, “bởi đất, thuộc về đất” (de terra terrenus), là cha của thế giới suy thoái, còn A-dong thứ hai, “bởi trời, thuộc về trời” (de coelo coelestis) là Cha của thế giới tái sinh. A-dong thứ hai đã đến để tái thiết những gì A-dong thứ nhất đã phá hủy. Hãy ghi nhận rằng việc phục hồi này chỉ được tiến triển ở dưới thế này, qua Bí tích Thánh Thể.
Điểm chính yếu về lỗi của A-dong tổ tông, cũng như lý lẽ chính của chước ma quỷ cám dỗ, gồm trong những lời này: “Các ngươi sẽ là các thần”, và trong cảm thức kiêu căng, những lời ấy kích thích nơi A-dong tổ tông.
“Các ngươi sẽ trở nên giống như Thiên Chúa!” Than ôi! hai ông bà đã trở nên giống như thú vật! Còn Chúa chúng ta đến không những để tiếp tục “lời hứa” của Satan và lặp lại những lời ấy cho ta biết và để hoàn thành những lời ấy. Satan bị mắc bẫy của nó. Phải, chúng ta sẽ trở nên như Thiên Chúa bằng ăn Thịt và uống Máu của Chúa.
“Các ngươi sẽ không chết”. Trong Hiệp Lễ, chúng ta nhận được bảo chứng chắc chắn: sự bất tử. “Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi, sẽ có sự sống đời đời”. Chúng ta mất sự sống theo thời gian. Nhưng nó không là sự sống xứng danh; nó chỉ là dừng chân trên đường đi tới sự sống thật.
“Các ngươi sẽ nên giống như Thiên Chúa”. Được kết hôn vào một gia đình giai cấp thượng lưu trong xã hội, thay đổi cảnh sống; được lấy vị làm vua, người thứ dân trở nên hoàng hậu, Chúa chúng ta chia sẻ thiên tính Ngài với ta bằng thông hiệp Ngài với ta. Chúng ta trở nên Thịt và Máu của Ngài. Ta nhận được điều gì đó của vương quyền thần linh và thiên quốc của Đấng Tạo Hóa. Bản tính con người được kết hiệp thân mật với Bản tính Thần Linh, qua Ngôi Hai; như thế, việc Hiệp lễ nâng cao chúng ta lên kết hiệp cùng Thiên Chúa và làm cho chúng ta nên kẻ thông phần bản tính Ngài. Một thức ăn kém hoàn hảo được biến thành ta, nhưng chúng ta được biến hình vào Chúa chúng ta; Ngài hấp thụ chúng ta. Chúng ta nên “chi thể” Thiên Chúa. Và trên trời, vinh quang của ta sẽ tỷ lệ với việc ta biến hình vào Chúa Giê-su Ki-tô, qua việc năng thông phần Thân mình đáng tôn thờ của Ngài.
“Các ngươi sẽ biết mọi sự”. Mọi sự đó là xấu, vâng; mọi sự tốt, thì vô phương. Ta có thể học được khoa thần linh về điều thiện ở đâu, nếu không phải trong Hiệp Lễ? Hãy lắng nghe điều Chúa nói với các Tông đồ sau khi đã cho các ông hiệp lễ: “Bây giờ Thầy không gọi các con là tôi tớ…mà gọi là bạn hữu vì mọi sự, bất kỳ điều gì Thây đã nghe từ Cha Thầy, Thầy đã cho các con biết”. Việc biết được thông ban cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, bởi chính Thiên Chúa, Ngài định Ngài là Bậc Thầy đích thân đặc biệt dạy ta. Et erunt omnes dicibiles Dei: “Và mọi người sẽ là những kẻ được giáo huấn của Thiên Chúa”. Ngài không còn sai các ngôn sứ đến với ta; chính Ngài là Thầy dạy ta. “Các người sẽ biết mọi sự” vì chính Ngài là Thượng Trí tự hữu vô biên.
Đó là lẽ tại sao Bí tích Thánh Thể hoàn tất việc phục hồi, được bắt đầu nơi Hang Đá. Cho nên hãy vui mừng trong ngày tươi đẹp ấy, khi Mặt trời Thánh Thể mọc lên. Đừng bao giờ để lòng tri ân của anh em tách rời Hang đá khỏi bàn thờ, Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa- Làm Người đã thành tấm Bánh hằng sống trong Bí tích Thánh Thể.
(Trích từ bút tích của cha thánh Ê-ma trong cuốn “The Real Presence” (SỰ HIỆN DIỆN THỰC)