LỄ GIỖ CHA TÔ MA NGUYỄN VĂN THƯỢNG

Cha Tôma Nguyễn Văn Thượng
  Chết chưa phải là hết. Sau lễ an táng người thân, người Việt Nam còn tổ chức nhiều lễ giỗ khác nhau cho người đã lìa trần. Người Công giáo cũng còn nhiều nghi lễ khác nữa. Hôm nay ngày 28 tháng 04 năm 2022, lúc 8 giờ sáng, ba dì dòng Nữ Tỳ Thánh Thể và tôi, chúng tôi khởi hành từ Tam Hiệp, Hố Nai để đi dự lễ giỗ cha Tôma Nguyễn Văn Thượng.  Chúng tôi được nhắn tin là đến nhà thờ Lạc An. Tôi biết chắc không có nhà thờ Lạc An.  Lạc An chỉ là tên đơn vị hành chính. Hình như là một xã thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé. Trước kia, từ Hố Nai sang Lạc An người ta phải đi đò ngang, ngày nay, có cầu nên việc đi lại rất thuận tiện. Nhưng sông Đồng Nai lại là ranh giới của hai tỉnh, bên kia sông là tỉnh Sông Bé. Tôi biết Lạc An cũng có nhiều giáo xứ miền Bắc di cư như bên Hố Nai, Tam Hiệp, Gia Kiệm, giáo phận Xuân Lộc hay như Buôn Hồ, Đắk Min, giáo phận Ban Mê Thuột, nhưng không có nhà thờ Lạc An. Qua khỏi cầu, chúng tôi phải gọi điện thoại để xác minh thông tin. Chúng tôi được một người dân cho biết lễ giỗ của cha Thượng được cử hành tại giáo xứ Mỹ Vân. Nhà thờ giáo xứ này năm 2013 chúng tôi cũng đã đến dự lễ an táng bà cố cha Thượng. Năm đó thày Nguyễn Anh Võ, thay mặt CVK, cũng từ Sài Gòn lặn lội  về đây dự lễ.
      Xe chúng tôi đến nhà thờ Mỹ Vân lúc 8:50. Theo chương trình 9 giờ là thánh lễ, vậy mà sao nhà thờ yên ắng, vắng lặng không một bóng người. Hỏi thăm một vài giáo dân ở gần đó, mới biết là  thánh lễ sẽ được tổ chức tại giáo họ Lê Xá, thuộc giáo xứ Mỹ Vân. Chúng tôi đành đi trở lại  khoảng 200 m để tìm về giáo họ Lê Xá.
       Chúng tôi được hướng dẫn đi vào nhà của thân nhân cha Thượng. Tại đây đã có nhiều linh mục, tu sĩ cũng như thân nhân và bà con giáo dân. Tất cả đang chuẩn bị để lên nhà thờ Lê Xá dâng lễ.
       Đôi nét tiểu sử cha Tôma Nguyễn Văn Thượng:
Cậu Nguyễn Văn Thượng  sinh ngày 15 tháng 4 năm 1946, tại Hưng Yên (BV).
1955-1958: Học tiểu học tại Lạc An, Bình Dương.
1958-1963: Học tiểu chủng viện Thái Bình tại Phan Rang.
1963-1966: Học tiểu chủng viện Piô XII của giáo phận Hà Nội tại Sài Gòn.
Sau năm 1954 các giáo phận di cư miền Bắc vào miền Nam vẫn giữ cơ cấu và tổ chức riêng. Mãi đến năm 1968 tất cả các chủng viện di cư miền Bắc mới ngưng hoạt động. Các chủng sinh tốt nghiệp các tiểu chủng viện này phải gia nhập một trong các giáo phận miền Nam.
Chú Thượng đã nhập Giáo phận Kon Tum và đức cha Paul Seitz, giám mục Kontum, đã gửi thầy  lên Đà Lạt, học triết học.
1966-1975: Thầy Thượng học tại giáo hoàng học viện Piô X,  Đà Lạt.
Ngày 19 tháng 12 năm 1974 thầy lãnh thừa tác vụ linh mục.
      Tháng tư năm 1975 miền Nam Việt Nam trải qua một trang sử mới. Từ năm 1975 đến 1980 cha Thượng ở lại giáo hoàng học  viện Piô X để cùng với các cha dòng Đa Minh, chi Lyon, tiếp tục duy trì hoạt động của giáo hoàng học viện, sau khi các cha giáo sư Dòng Tên ngoại quốc bị trục xuất khỏi Việt Nam.
      Sau năm 1980, giáo hoàng học viện bị trưng thu, cha về lại Giáo phận Kon Tum và làm việc cho đến năm 2022. Đảm nhiệm các chức vụ phó xứ, chánh xứ, kiêm nhiệm nhiều giáo xứ tại Pleiku.Trong 42 năm phục vụ tại giáo phận Kon Tum có 12 năm, từ 2006 đến 2018, làm giám đốc chủng viện Kon Tum. Giáo Xứ Hoàng Yên, Pleiku là giáo xứ cuối cùng cha  làm việc và dưỡng bệnh.
     Cha Tôma Nguyễn Văn Thượng từ trần ngày 10 tháng 3 năm 2022, sau 76 năm hiện diện nơi trần thế và 48 năm thi hành chức vụ linh mục.
      Hôm nay  là lễ giỗ lần thứ hai, lễ giỗ 50 ngày. Trước đây 10 ngày, hôm 18 tháng 04 năm 2022 các linh mục ở Pleiku đã tổ chức lễ giỗ 40 ngày tại giáo xứ Hoàng Yên, Pleiku. Sao lạ vậy? Người đời thường tổ chức lễ 3 ngày, 49 ngày và 100 ngày. Sao lễ giỗ cha Thượng lại được tổ chức 40 ngày và 50 ngày?
       Cha Đaminh Đinh Quang Vinh, quản hạt giáo hạt Pleiku, cũng là người từng công tác mục vụ sát bên cha Thượng, cho biết, trong bài chia sẻ Tin Mừng hôm nay: cha Thượng là người rất thích những con số trong Kinh Thánh. Mừng kỷ niệm 40 ngày cha về với Chúa là lấy theo con số 40 năm trong sa mạc của dân Do Thái.  Cũng là số 40 ngày Chúa Giê su ăn chay cầu nguyện trong sa mạc trước khi đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Số 50 ngày là lễ Ngũ Tuần, 50 ngày sau khi Chúa Phục Sinh, Chúa đã ban Thánh Thần xuống cho Giáo Hội.
       Hôm lễ giỗ 40 ngày tại giáo xứ Hoàng Yên, Pleiku, nơi cha Thượng đang làm mục vụ khi còn sống, đã có ba giám mục, Đức Cha Aloisio Nguyễn Hùng Vị, đức cha Phêrô Trần Thanh Chung, đức cha Micae Hoàng Đức Oanh,( dù yếu mệt, cũng hiện diện) và khoảng 30 Linh mục cùng nhiều tu sĩ và giáo dân kinh, thượng.
ĐC Micae dự lễ giỗ 40 ngày. Chúa lau khô dòng lệ
Bố chống gậy vái nhang trước di ảnh con
Cha Bênêđictô Nguyễn Văn Bình, nghĩa tử cha Tôma Thượng (bên phải)
Lễ giỗ 50 ngày hôm nay có khoảng 20 Linh mục, đông đảo các tu sĩ, thân nhân và giáo dân.
Tôi thấy có các cha dòng Chúa Cứu Thế, dòng Đa Minh từ Sài Gòn, từ Pleiku, có các cha từ giáo phận Kon Tum, cũng có những cha đồng hương từ Nha Trang và cả các cha thân quen từ giáo phận Xuân Lộc và giáo phận Phú Cường. Cũng có những đại diện giáo dân kinh và Jơ rai từ Kon Tum và rất nhiều nữ tu các dòng.
Chủ tế thánh lễ hôm nay là cha Vinh sơn Phạm Trung Thành, nguyên Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế.  Sát bên chủ tế, bên phải là cha Đaminh Đinh Quang Vinh, quản hạt giáo hạt Pleiku, cũng là cha giảng lễ hôm nay. Bên trái là cha Phao lô Trần Quốc Bảo, phụ tá giám đốc chủng viện Kon Tum.
Thánh lễ rất trang nghiêm và sốt sắng. Cuối lễ cha Bênêđictô Nguyễn Văn Bình, đại diện linh tông và huyết tộc, cám ơn quý cha, quý tu sĩ, quý thân nhân và cộng đoàn. Sau đó chúng tôi về nhà thân nhân cha Thượng cùng dùng bữa Agape.
    Nguyện Thiên Chúa nhân từ sớm đón nhận người tôi trung của Chúa vào nước Người.
 Nguyễn Đức Lân