LỄ HIỆN XUỐNG

“Bình an cho anh em! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em…Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,21-22)

Với biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống,Thiên Chúa Ba Ngôi đã hoàn tất công cuộc yêu thương ban tặng chính mình Người cho tạo vật ngang qua ba giai đoạn được thể hiện từng bước một trong dòng lịch sử:

  • Cha sáng tạo vũ trụ, nhất là tạo dựng con người theo hình ảnh Chúa.

  • Con cứu chuộc, hồi phục và nâng cao con người lên hàng con cái Chúa, thông phần thiên tính, được đồng thừa tự với Đức Kitô.

  • Chúa Thánh Thần thánh hóa và làm cho công trình mà Ba Ngôi đã hoàn tất nơi Đức Giêsu được thành sự trọn vẹn cho toàn thể nhân loại, ngang qua sứ mạng của Giáo Hội được Đấng Phục Sinh trao ban.

Ba Ngôi và Giáo Hội đang cùng nhau hoàn tất giai đoạn chung cuộc cho toàn thể nhân loại. Đấng Phục Sinh trước khi về trời đã chỉ đạo chiến lược hành động cho Giáo Hội:

  • Sứ mạng: làm cho muôn dân trở thành môn đệ.

  • Phương thức thực hiện: làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi.

  • Giáo dục đức tin: hướng dẫn sống, giúp đáp trả như là môn đệ bằng cách dạy cho họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho anh em (x.Mt 28,16-20: Tin Mừng lễ Thăng Thiên A).

Và Đấng Phục Sinh đã tin tưởng trao phó mọi sự cho đoàn môn đệ, dù giữa các ông vẫn “có mấy ông còn hoài nghi”. Để giúp đoàn môn đệ chu toàn được sứ mạng, vượt thắng được những giới hạn của kiếp làm người, Đấng Phục Sinh đã hứa ở mãi với môn đệ (x.Ga 14,3) ban bình an cho họ (Ga 14,27), hứa trao ban Thánh Thần (x.Ga 14,26), và như vậy là cả Ba Ngôi đến cư ngụ trong môn đệ (x.Ga 14,23), nhờ vậy họ được thông quyền thần linh tha tội của Thiên Chúa (x.Mc 2,7; Mt 16,19; 18,18). Những gì Đức Giêsu hứa cho môn đệ lúc sinh tiền, giờ đây trong tư cách là ĐẤNG PHỤC SINH hoàn tất cho họ. Đó là nội dung chính của trích đoạn Tin Mừng hôm nay. Giáo Hội đã chọn đoạn văn này, Ga 20,19-23, làm bài đọc Tin Mừng cho lễ Hiện Xuống. Đó cũng là phần đầu của Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh. Hôm nay chúng ta suy niệm lại đoạn Tin Mừng này dưới ánh sáng của mầu nhiệm Hiện Xuống.

  1. Tình trạng ban đầu của đoàn môn đệ: hoảng loạn, khiếp sợ, nhưng vẫn còn hiệp nhất với nhau, tụ họp lại với nhau trong Nhà Tiệc Ly, nơi mà Đức Giêsu đã thể hiện việc dâng hiến tự nguyện của Người cho Cha và cho nhân loại qua những gì Người làm trong Thứ Năm Thánh: Rửa chân môn đệ; ban luật yêu thương; truyền môn đệ rửa chân cho nhau (Ga 13); hứa ban Thánh Thần (Ga 14,26; 16,7…); cầu xin Cha cho môn đệ – nhóm Mười Hai lẫn môn đệ mọi thời – hiệp nhất (Ga 17,11b.20-21); Và theo Nhất Lãm, Người còn lập phép Thánh Thể.

Tuy nhiên “hồn sống” nơi họ chưa có: Họ vẫn còn nhát đảm “đóng cửa kín mít vì sợ người Do Thái”. Họ như đám xương khô trong Ed 37, cần phải có “Con Người” được lệnh Thiên Chúa, tuyên sấm truyền Thần Khí nhập vào để biến đám xương khô thành một đạo binh hùng mạnh. Điều đã được loan báo trong Sách Edêkien, nay Đấng Phục Sinh thi hành trên đoàn môn đệ.

Con Nguời (tức Đức Giêsu) trong Tin Mừng hôm nay đã hiện đến gắn kết các môn đệ (đang bất động như đám xương khô) lại cách chặt chẽ hơn, kết hiệp họ lại với nhau thành cộng đoàn tông đồ để Người sai đi. Người trang bị cho các ông các yếu tố nền tảng, cần thiết để các ông tiếp tục sứ vụ Người hiệu quả.

Rồi sau đó, với biến cố Hiện Xuống, “Hồn Sống” được Đấng Phục Sinh trước đó “thổi vào”, nay công khai xuất hiện, tác sinh đoàn môn đệ; Và ngay tức khắc tràn đầy sinh khí, họ mở tung cửa ra loan báo Tin Mừng, làm chứng cho Đấng Phục Sinh, bất chấp mọi cản trở. Niềm vui của họ là thấy Đức Kitô được loan báo (x.Pl 1,18)

Lời Chúa hôm nay phản chiếu lại hai nhịp của việc thông ban Thánh Thần cho đoàn môn đệ.:

  • Trong Tin Mừng, Đấng Phục Sinh thổi hơi ban Thánh Thần là nhịp một.

  • Trong bài đọc một, Chúa Thánh Thần hiện xuống trên đoàn môn đệ và công khai biểu lộ quyền năng cho thế giới qua các ông là nhịp hai

    2. Đấng Phục Sinh chuẩn bị, đổi mới đoàn môn đệ dọn đường cho Chúa Thánh Thần đến:

    2.1 Ban bình an: Việc đầu tiên của Đấng Phục Sinh là giải thoát tâm trí của đoàn môn đệ khỏi tâm trạng hoảng loạn, sợ hãi, người không cất đi các khó khăn, nhưng ban cho các ông BÌNH AN. Không có bình an của Chúa thì dù đã gặp Đấng Phục Sinh rồi thì môn đệ vẫn cứ bị giam cầm trong con người cũ, như hai môn đệ Emmau, Phêrô và các bạn ở Giêrusalem tưởng Người là ma (x.Lc 24,37), như Nhóm Mười môn đệ trong Gioan vẫn “đóng cửa kín  vì sợ người Do Thái. Chính vì thế, Tin Mừng Gioan phải lập lại ba lần “bình an cho anh em”” (x.Ga 20,19.20.26). Chính với sự bình an đó đoàn môn đệ mới nhận ra ý nghĩa của Phục Sinh: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28) và nghiệm được chân phúc không thấy mà tin (20,29).

    2.2. Chứng kiến tận mắt: Sau lời ban bình an thứ nhất, Đấng Phục Sinh cho Nhóm Mười (vắng Tôma) “xem tay và cạnh sườn” Người. Điều đó đối với các ông là cần thiết vì Đấng Phục Sinh chọn họ làm CHỨNG NHÂN NỀN cho việc Người sống lại. Phải chứng kiến tận mắt thì chứng từ của các ông mới có giá trị NỀN vững chắc để cho các thế hệ tương lai dựa vào đó mà lưu truyền chứng từ tông truyền. Điều đó đã tạo nên một thay đổi tích cực nơi các ông: về tâm lý: VUI MỪNG, và về tương giao với Đấng Phục Sinh: Người không còn là vị Thầy đầy giới hạn nữa mà là CHÚA: “các môn đệ vui mừng vì được thấy CHÚA”.

Sau đó, Đấng Phục Sinh lập lại lời chúc ban bình an để củng cố các ông trong niềm vui và mối tương giao mới đó với Đấng Phục Sinh. Và khi tâm trí đoàn môn đệ tạm ổn, Đấng Phục Sinh mới đưa các ông đi sâu hơn vào tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi: trao sứ mạng, ban Thánh Thần và quyền xét xử.

  • Ban sứ mạng: Lịch sử cứu độ vừa được Đấng Phục Sinh lật sang một trang mới. Sứ mạng mà Chúa Cha đã trao cho Người giờ được nối tiếp nơi đoàn môn đệ vừa được “bình an của Người” củng cố. Giai đoạn Ngôi Lời nhập thể làm người đã hoàn tất và kết quả tuyệt vời là NHÂN TÍNH của Người đã được tôn vinh là CHÚA, hòa nhập vào trong vinh quang của Ba Ngôi. Bây giờ Chúa Cha đưa dự tính của Cha vào giai đoạn tiếp theo.

Kết thúc của giai đoạn này sẽ là nhân tính trong từng người của nhân loại sẽ được thông phần thiên tính, đồng thừa tự với Đức Kitô (x.Rm 8,17). Để đạt tới chóp đỉnh tuyệt vời đó, nhân loại mà các tông đồ là bước khởi đầu phải làm thành của mình lộ trình mà Đức Kitô đã trải qua trong thân phận làm người: Thầy và trò cùng chung một sứ mạng phát xuất từ Cha.

  • “Thổi hơi” ban Thánh Thần: việc nâng phận phàm nhân lên “đồng thừa tự với Đức Kitô”, dám gọi Thiên Chúa là Cha, đi vào tương quan Cha – Con với Thiên Chúa là công cuộc của Thánh Thần (x.Rm 8, 14-16). Đấng Phục Sinh với quyền năng của một vị Thiên Chúa đã thực hiện công trình “sáng tạo mới”: THỔI HƠI vào đoàn môn đệ, biến đổi đám người tê liệt vì sợ trở nên đạo hùng binh (so với St 2,7 và Ed 37,9-10). Chính Thánh Thần là quyền năng và tình yêu thần linh sẽ giúp đoàn môn đệ hoàn tất được sứ mạng của Cha do Đấng Phục Sinh trao phó. Với việc “thổi hơi” này của Đấng Phục Sinh, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đã hiến tặng tất cả hữu thể thần linh vĩnh cửu của mình cho nhân loại. Đây là bước chuẩn bị tuyệt vời cho việc nhân loại được thông phần thiên tính và làm con Thiên Chúa.

  • Ban quyền tài phán: tức quyền phân định và xét xử. Đấng Phục Sinh thông ban cho Nhóm tông đồ quyền của chính Thiên Chúa: quyền tha tội (x.Mc 2,7). Đó là hoa trái của hồng ân Thánh Thần: chính Thánh Thần qua các thừa tác viên làm cho các bí tích được thành sự.

Như vậy, chính Đấng Phục Sinh với quyền CHÚA của mình đã trang bị cho đoàn môn đệ của mình những yếu tố cần thiết giúp họ tiếp nối sứ vụ của Người cách hiệu quả. Hồng ân chóp đỉnh là Thánh Thần. Từ nay Ba Ngôi Thiên Chúa đồng hành cách tỏ tường với nhân loại, từng bước một đáp trả cho họ cái khát vọng muốn là Chúa (Adam Eva đã ăn trái cấm) và cuối cùng cho họ thông phần Thiên Tính với Ba Ngôi, đưa vũ trụ vào trong lòng Ba Ngôi nhờ Đức Giêsu.

Frère Pierre Đình Long FSC