Bài 1
Is 50,4-7 ; Pl 2,6-11
Mt 26,14 – 27,66
Chủ đề: TỰ NGUYỆN CHỌN ĐI ĐƯỜNG THẬP GIÁ THEO Ý CHÚA
* Is 50,6c.7c: ĐỨC CHÚA YAVÊ đã mở tai tôi … Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc, phỉ nhổ … Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
* Mt 26,39b: Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Nhưng xin đừng theo Ý con mà xin theo Ý Cha.
Hôm nay Lễ LÁ, bắt đầu Tuần Thánh. Phụng vụ mời các tín hữu chiêm ngắm hai chiều kích của Mầu Nhiệm Vượt Qua, là Thập Giá và Phục Sinh của Đức Giêsu: vinh quang và khổ nạn đan quyện vào nhau, được biểu lộ ra qua hai nghi thức phụng vụ:
1/ KIỆU LÁ: Cử hành ngoài nhà thờ gồm có:
-
Làm phép lá: mở đầu bằng phụng vụ Lời Chúa, chỉ đọc bài đọc Tin Mừng: Matthêu cho năm A; Marcô năm B (năm B có thể thế bằng Gioan); Luca năm C.
-
Và kiệu lá, đoàn rước tiến vào nhà thờ.
Đây là nghi thức ĐẦY Ý NGHĨA khai mạc Tuần Thánh nhằm nhắc nhở, khích lệ dân Chúa rằng ĐIỂM ĐẾN của Tuần Thánh, vốn bị bao phủ bởi bầu khí u buồn, là VINH QUANG PHỤC SINH; còn khổ đau, cái chết chỉ là “CỬA KHẨU” phải bước qua để vào cuộc sống mới.
2/ THÁNH LỄ: Cử hành bên trong Nhà Thờ. Các bài đọc đều hướng về Thập Giá của Đức Giêsu. Bài đọc 1 và 2 dùng chung cho cả chu kỳ 3 năm ABC; Còn Tin Mừng thay đổi: Matthêu năm A, Marcô năm B, Luca năm C.
Bài đọc 1 là bài ca thứ ba nói về Người Tôi Trung trích từ Is,50. Mở đầu, bản văn cho thấy Thiên Chúa đã có một dự tính đối với Người Tôi Trung: Chúa muốn Người Tôi Trung trở nên một môn đệ ngôn sứ, đào tạo Người Tôi Trung để Người Tôi Trung “biết lựa lời nâng đỡ những ai kiệt sức” (c.4).
Trước dự tính của Thiên Chúa đối với mình, Người Tôi Trung đã đáp trả lại bằng thái độ LẮNG NGHE: Không cưỡng lại lệnh Chúa, không rút lui (c.5). Người Tôi Trung đã sẵn sàng đón nhận mọi chống đối, ác ý từ phía những người chống đối: chịu đánh đòn, chịu giật râu, chịu phỉ nhổ (c.6) để hoàn tất sứ mạng Thiên Chúa trao. Người Tôi Trung dám TỰ NGUYỆN đón nhận Ý Chúa như vậy là vì tin tưởng mình được Thiên Chúa hộ phù (c.7).
Như vậy số phận của Người Tôi Trung là kết quả của ba yếu tố đan chéo vào nhau: Ý định của Thiên Chúa – Sự tự nguyện, ý thức đón nhận ý Chúa của Người Tôi Trung – và ác ý từ phía những người chống đối.
Ba yếu tố trên cũng được nhắc lại trong bài đọc 2: thơ Phaolô gởi giáo đoàn Pl 2,6-11. Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa (c.6), nhưng Người đã TỰ NGUYỆN mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân (c.7) “vâng lời’ theo Ý CHA (c.8), chấp nhận phận con người phải chết, mà là một cái chết như tội nhân trên thập tự do Ác Ý của những NGƯỜI CHỐNG ĐỐI gây ra (c.8). Qua cách sống ấy, Đức Giêsu đã “tôn vinh Thiên Chúa Cha” và được Cha siêu tôn “Đức Giêsu là CHÚA”, với quyền CHÚA bao trùm cả hoàn vũ: đất, trời lẫn âm phủ (cc. 9-11) khi nghe tên Giêsu đều sấp mình bái thờ.
Trong bài Thương khó, chúng ta chỉ kể ra vài chi tiết chính:
– Thập Giá là Ý CHA được thấy rõ nét trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong Vườn Cây Dầu, được Matthêu lập lại tới ba lần (26, 39.42.44): “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo Ý Cha” (c.39)
– Tình yêu TỰ NGUYỆN của Đức Giêsu đạt tới đỉnh điểm trong việc Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể. Đức Giêsu đã cử hành trước Mầu Nhiệm Thập Giá hiến tế của Người đồng thời làm biến đổi hẳn ý nghĩa của Thập Giá: – dấu chỉ của hận thù tội lỗi trở thành dấu chỉ của tình yêu tột cùng – cây chết chóc (Thập Giá) trở thành Bàn Tiệc Trường Sinh, thành Chén Cứu Độ.
– Các chi tiết ác ý con người thì nhiều, nhưng chóp đỉnh chính là thái độ khước từ quyết liệt của Dân được biểu lộ qua câu nói liều mạng, dám đem cả vận mạng dân tộc mọi thời của họ ra, để đổi lại việc giết cho kì được Đức Giêsu: “máu của hắn cứ đổ xuống đầu CHÚNG TÔI VÀ CON CHÁU CHÚNG TÔI” (27, 25).
Tuy nhiên ác ý ấy đã được Ý CHA, TÌNH YÊU CỦA ĐỨC GIÊSU, qua bí tích Thánh Thể đã biến thành NGUỒN ƠN CỨU ĐỘ CHO MUÔN NGƯỜI”: “Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (26, 28).
Ác ý của kẻ dữ vẫn còn đó, nhưng Tình Yêu và quyền năng của Ba Ngôi Thiên Chúa đã vô hiệu hoá mọi nọc độc Tử Thần, biến Thập Giá thành lộ trình dẫn tới Phục Sinh. Phần còn lại đối với tín hữu là có dám tìm, rồi tự nguyện đồng hành với Đức Giêsu Phục Sinh trên đường Thập Giá của Người?
Trong niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy can đảm bước vào lộ trình Thập Giá yêu thương của TUẦN THÁNH.
Bài 2
Dân chúng reo hò vang dậy: Hoan hô con vua Đavit! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời (Mt 21, 9)…thiên hạ hỏi nhau: Ông này là ai vậy? Dân chúng trả lời: “Ngôn sứ Giêsu người Nadaret, xứ Galilê đấy” (Mt 21, 11).
…Philatô hỏi: “Thế còn ông Giêsu, cũng gọi là Kitô, ta sẽ làm gì đây?”. Mọi người đồng thanh: “đóng đinh nó vào Thập Giá” (Mt 27, 22).
TUẦN THÁNH
Phụng vụ bước vào Tuần Thánh. Đó là giai đoạn Hội Thánh cử hành những mầu nhiệm cứu độ mà Chúa Kitô đã hoàn tất vào những ngày cuối cùng Người ở trần gian, từ lúc người vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia đến cuộc thương khó hồng phúc và Phục Sinh vinh quang của Người. Cấu trúc phụng vụ Tuần Thánh được sắp xếp như sau:
-
Lễ Lá: gồm hai nghi thức có bầu khí khác biệt nhau:
* Mở đầu là một nghi thức cử hành bên ngoài nhà thờ với một bầu khí vui tươi, phấn khởi:
– Làm phép lá; tiếp đó là công bố Tin Mừng nội dung đầy phấn khích: dân chúng nô nức kéo đến nghênh đón Đức Giêsu vào thành Giêrusalem như là vị vua nhà Đavit vinh thắng khải hoàn về kinh đô, như Đấng Mêsia của Thiên Chúa. Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến.
– Tiếp theo là cuộc kiệu lá long trọng tiến vào nhà thờ.
* Thánh lễ: Được cử hành trong nhà thờ. Bầu khí thay đổi hẳn: các bài đọc đều hướng về Thập Giá của Đức Giêsu.
– Bài đọc một trích từ Is 50, 4-7 là bài ca thứ ba nói về Người Tôi Trung của Thiên Chúa: Chúa muốn đào tạo Người Tôi Trung thành “ngôn sứ – môn đệ” để nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức (Is 50, 4- 5a). Đó là con đường chông gai nhưng Người Tôi Trung đã sẵn lòng đáp trả, tự nguyện đón nhận mọi khổ đau, bất công để thi hành Ý Chúa (50, 5b.7).
– Bài đọc hai: Pl 2, 6- 11 mời các tín hữu suy ngắm và bắt chước đường lối cứu độ và tôn vinh phận người cách lạ lùng của Thiên Chúa: Chúa Cha và Chúa Con đã hiệp nhất, phối hợp nhịp nhàng trong công trình đảm nhận và tôn vinh phận người tội lỗi trong Đức Giêsu Kitô. Dự tính là của Cha; Con tự nguyện đảm nhận trách nhiệm hoàn thành; kết quả là nhân tính Đức Giêsu được tôn vinh là Chúa và toàn thể tạo thành phải suy phục Cha. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
– Tin Mừng là bài Thương Khó của Đức Giêsu theo thánh Matthêu.
-
Trong suốt Tuần Thánh:
Lời Chúa khai thác lại một số hình ảnh của cuộc Thương Khó của Đức Giêsu đã được cử hành trong Lễ Lá; Còn bài đọc một đều trích từ bốn bài ca về Người Tôi Trung của Thiên Chúa.
-
Thứ hai: Bài đọc một là Is 42, 1-7 đây là bài ca thứ nhất nói về Người Tôi Trung. Thiên Chúa giới thiệu dung mạo Người Tôi Trung như một vị ngôn sứ, nhưng lại có một sứ mạng cao trọng hơn các vị khác, vì chính ông là hiện thân của Giao Ước và là ánh sáng (c.6) thực hiện công trình giải phóng và cứu độ (c.7) (CGKPV “Các sách Ngôn Sứ” 1996 trang 145 “g” ). Bài này cho thấy ý định của Thiên Chúa đối với Người Tôi Trung.
Bài đọc Tin Mừng là Ga 12, 1- 11 (song song với bài Thương Khó năm B, đoạn Mc 14, 3- 9): Xức dầu báo trước việc mai táng Đức Giêsu. Hành vi của bà Maria được Đức Giêsu giải thích như thế. Nét tự nguyện, hoàn toàn chủ động của Đức Giêsu đối với Thập Giá nổi bật.
-
Thứ ba: đọc Is 49, 1- 6 là bài ca số hai nói về Người Tôi Trung. Chính Người Tôi Trung nói về ơn gọi của mình. Ý Cha và sự tự nguyện của Con được báo trước. Vài nét sứ mạng của Người Tôi Trung được nhấn mạnh: “ông được tiền định đóng vai trò làm tôi tớ Chúa (cc.1.5), chẳng những để được sai đến với Israel mà còn với các dân ngoại (c.6), rao giảng những điều mới lạ và sâu kín (c.2), đem đến cho họ ánh sáng và ơn cứu độ (c.6). Sẽ có thất bại (cc.4.7), Nhưng Người Tôi Trung vẫn đặt tin tưởng vào Chúa (cc.4.5) và sẽ được thấy ngày chiến thắng (c.7) (Sđd 168 “t”).
Tin Mừng là Ga 13,21- 38 báo trước việc Giuđa phản bội và Phêrô chối thầy. Nhưng cũng xác định đó là Giờ mà Người và Cha được tôn vinh. Nét nổi bật: Ý Cha, sự tự nguyện, chủ động của Đức Giêsu.
– Thứ tư: Is 50, 4- 9c, lấy lại bài đọc một trong Lễ Lá và thêm (cc.8 – 9a). Điểm nhấn mạnh là lòng tín thác, kiên trung của Người Tôi Trung trước những chống đối của địch thù.
Tin Mừng Mt 26,14-25 nói việc Giuđa đi gặp các thượng tế và nộp bán Đức Giêsu. Đức Giêsu báo trước: Người làm chủ mọi tình huống.
-
Thứ năm: Xh 12, 1-8.11-14 lệnh truyền cho dân cử hành Lễ Vượt Qua. Đây là hình ảnh báo trước Tiệc Vượt Qua của Đức Giêsu. Hình ảnh báo trước và tới lúc thì được thực hiện, đó là dấu cho thấy biến cố đó là ý định từ muôn đời của Thiên Chúa, và được hé mở dần qua dòng lịch sử, từng bước chuẩn bị để tới lúc thì mặc khải trọn vẹn cho nhân loại.
Bài đọc 2: 1Cr 11,23-26 thuật lại một truyền thống tông đồ về việc cử hành bí tích Thánh Thể trong các cộng đoàn. Đây là ý muốn thần linh của Đức Giêsu để tưởng nhớ đến Người và để cho hiến tế Thập Giá của Người có được một phương thế hữu hình để hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu (cc.25-26) cho đến tận thế.
Tin Mừng: Ga 13,1-15 thuật lại việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ rồi truyền cho các ông phải rửa chân cho nhau. Ý nghĩa của việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ là gì? Bản văn cho ta câu trả lời:
-
Vì thời điểm Đức Giêsu hoàn tất sứ vụ trần thế đã điểm, Người phải về lại nhà Cha (c.1a), Người cần xác định những ai thuộc về Người (c.8b).
-
Đây là dấu chỉ cùng tột biểu lộ Tình Yêu của Đức Giêsu đối với các môn đệ còn ở lại trần gian (c.1b); và đồng thời dòng lịch sử vẫn còn tiếp diễn, nhân loại vẫn tiếp tục tồn tại … Vậy cần phải có những “cánh tay nối dài” của Đức Giêsu để “rửa chân cho nhau” nghĩa là rửa chân cho những người khác.
-
Và đối với Tin Mừng 4, “rửa chân” là thời điểm mà “ Cha đã giao phó mọi sự trong tay Đức Giêsu (c.3 so Mt 28,18). Với quyền bính ấy, Đức Giêsu “đi trước để dọn chỗ cho mọi người” (Ga 14,2); Còn các môn đệ, tới phiên mình cũng sẽ cúi xuống rửa chân người khác đưa họ vào nhà Cha.
-
Thứ sáu: Bài đọc 1, Is 52,13-53,12 là bài ca thứ tư nói về Người Tôi Trung, đã dùng những khổ đau, bất hạnh của mình để cứu độ người khác, kể cả phải chết. Và Thiên Chúa đã xác nhận giá trị của hy tế mà Người Tôi Trung đã dâng hiến (53,11-12).
Bài đọc 2: Dt 4,14-16;5,7-9, là bài suy niệm về cuộc chiến nội tâm của Đức Giêsu trong vườn Gietsimani để chọn theo Ý Cha (x.Mc 14,36). Nhờ sự vâng phục đó mà Thập Giá của Đức Giêsu trở nên nguồn ơn cứu độ.
Tin Mừng là Bài Thương Khó theo thánh Gioan.
Tóm lại:
Thập Giá với những tiêu cực của Nó là trung tâm của phụng vụ Lời Chúa của Tuần Thánh.
Ý tưởng nổi bật của Thập Giá trong Tuần Thánh chính là sự tự nguyện của Đức Giêsu và ý định từ muôn đời của Cha. Vậy yếu tố đưa đến ơn cứu độ không phải là khía cạnh kinh hoàng đáng sợ của Thập Giá mà là thái độ tự nguyện đón nhận đường lối của Thiên Chúa trong cuộc đời mình của Đức Giêsu. Giống như xưa kia trong sa mạc, yếu tố cứu dân Do Thái khỏi chết khi bị rắn cắn không phải là con rắn đồng mà là Ý ĐỊNH của Thiên Chúa biểu lộ qua lệnh truyền và được Môsê và toàn dân tuân phục trong tin tưởng.
Phụng vụ Tuần Thánh nhắc lại cho ta ý nghĩa thâm sâu của Thập Giá. Nếu Thập Giá chỉ là hậu quả của tội thì nó chỉ là án phạt cho con người mà không bao giờ đưa ta tới cứu độ, Thập Giá khổ đau nằm trong bản chất nhân loại tội lỗi và chỉ đưa tới hủy diệt. May thay nhờ Cha đảm nhận Thập Giá làm của Người và nhờ Con tự nguyện thi hành Ý Cha nên Thập Giá mới mang lấy ý nghĩa tích cực cứu độ. Điều này được Tin Mừng Gioan diễn tả qua Ga 12,23-24.27-28: hạt lúa phải mục nát đi để sinh nhiều bông hạt và giờ Thập Giá là giờ TÔN VINH Cha lẫn Con. Vậy nhờ sự tự nguyện của Đức Giêsu thi hành Ý Cha mà ý nghĩa thật của Thập Giá được tỏ lộ: việc hạt lúa phải mục nát là quy luật của công trình sáng tạo của Thiên Chúa, do đó điểm đến của sự mục nát ấy (tức Thập Giá) là sinh hạt dồi dào chứ không đưa tới hủy diệt. Tuy nhiên do bị quỷ đánh lừa, khống chế và do phạm tội khiến con người cứ bám víu vào cái đang có trước mặt, vì thế khía cạnh “mục nát” làm con người đâm sợ, không chịu “để được gieo xuống” mà cứ khư khư bám vào cái trước mắt là “hạt lúa trơ trọi một mình” để rồi cuối cùng bị mục nát, nhưng là mục nát hủy diệt. Khi tự nguyện đón nhận Thập Giá và sau đó là phục sinh, Đức Giêsu mở ra lại con đường “mục nát để sinh hạt”, Thập Giá đưa tới sự sống mới. Vậy vấn đề là ta có dám bắt chước Đức Giêsu: tự nguyện đón nhận Thập Giá theo Ý Cha hay không?
Như vậy, “Thập Giá” là nơi “Ý Cha và Tình Yêu tự hiến” của Con hội tụ tuôn trào ơn cứu độ cho thế giới. Vì thế Thập Giá mở ra cho vinh quang phục sinh. Thật vậy Tuần Thánh được tiếp nối bằng đêm Vọng Phục Sinh. Đức Giêsu – Đấng đã vinh quang tiến vào Giêrusalem nhưng đã phải trải qua lộ trình Thập Giá – giờ đây chẳng những đã sống lại mà còn được tôn vinh là “Chúa”.
Tuần Thánh là tuần chiến đấu cao độ để đóng đinh tất cả những gì là hư nát của xác phàm tội lỗi vào Thập Giá để thanh luyện nhân tính, hồi phục vinh quang là “hình ảnh của Thiên Chúa” cho nhân loại đập tan ngôi nhà cũ đã mục nát rồi trên nền cũ ấy để Thiên Chúa xây nên một lâu đài theo Ý Chúa.
-
Đêm canh thức Vượt Qua: Theo cấu trúc của Năm Phụng Vụ, là phần khai mở bước vào Mùa Phục Sinh. Nhưng trong cái nhìn liên tục của dòng thời gian thì đây là yếu tố giao thời nối kết Tuần Thánh và Mùa Phục Sinh thành một thể thống nhất (Tam Nhật Vượt Qua là sự kết hợp giữa Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh với ngày thứ nhất của Mùa Phục Sinh), là cầu nối để Đức Giêsu vượt qua từ ngôi mộ tiến vào vinh quang Thần Linh,biểu lộ thần tính.
Như vậy Tuần Thánh khai mạc bằng một nghi thức tôn vinh Đức Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến; Và cuối Tuần Thánh thì ánh sáng sáng chói lòa hơn nữa qua việc xác thân Người sống lại và nhân tính được đi vào cảnh vực thần linh, được tôn vinh là Chúa.
Và nếu thế thì đường Thập Giá, cuộc thương khó mà Đức Giêsu trải qua trong Tuần Thánh, bản chất không là những tiêu cực khổ đau mà là những CHIẾN ĐẤU để thanh lọc, loại bỏ những tì ố, lệch lạc bám dính vào nhân tính do nguyên tổ gây nên, đóng đinh tất cả những thứ đó vào Thập Giá, thanh lọc nhân tính làm lộ rõ bản chất “là hình ảnh Thiên Chúa” nơi phận người, cuối cùng để cho Cha hoàn tất dự tính của Người là nhận nhân loại làm con.
Lễ Lá cũng mang cùng một ý nghĩa như Tuần Thánh. Có thể xem các nghi thức diễn ra trong Lễ Lá là lời mở, giới thiệu bước vào Tuần Thánh: Đức Giêsu chính là Mêsia, là Đấng được Thiên Chúa sai đến (nghi thức làm phép lá); Nhưng quan trọng hơn là BẰNG PHƯƠNG THỨC nào Người biểu lộ căn tính vinh quang đó của Người. Đó là lộ trình Thập Giá.
Lộ trình Thập Giá, chủ yếu không là khổ nhục mà là CHIẾN ĐẤU. Chiến đấu nhận dạng và đóng đinh những cái thối nát của phận người vào Thập Giá và đưa cái tinh túy “là hình ảnh Thiên Chúa” của ơn gọi làm người tới tầm vóc viên mãn là nên con cái Chúa.
LỄ LÁ năm A
Theo những gì suy niệm trên, toàn bộ các biến cố diễn ra trong Tuần Thánh đều được soi sáng bởi 2 “vầng sáng” lớn đầy nét vui tươi:
– Cuộc rước lá nghênh đón Đấng Mêsia của Thiên Chúa, cử hành bên ngoài nhà thờ trong dịp Lễ Lá khai mạc Tuần Thánh.
– Và “đêm canh thức Phục Sinh”.
Giáo Hội cố ý xếp đặt như thế để nhắc nhở các tín hữu rằng họ chỉ có thể khám phá ra được ý nghĩa đích thực và trọn vẹn của Tuần Thánh, lẫn của cả Mùa Chay, dưới sự chiếu soi của hai vầng sáng lớn đó.
Giờ đây chúng ta khai triển, suy niệm vài chi tiết trong phụng vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ Lễ Lá dưới ánh sáng của suy niệm trên. Qua lộ trình nào, Đức Giêsu tỏ lộ Người là Mêsia? Thập Giá!
-
Is 50,4-7
Bài đọc 1 trích phần dẫn của bài ca thứ 3 trong 4 bài nói về Người Tôi Trung Yavê. Đây là một khúc ngoặt quan trọng trong mặc khải. Trước kia, dung mạo của Đấng Mêsia được trình bày bằng những nét vinh quang của một hậu duệ Đavít. Giờ đây, nơi đất lưu đày, niềm hy vọng vào một vị vua thuộc dòng Đavít bị thử thách, chao đảo dữ dội. Đây đối với Chúa, lại là một thời điểm thuận lợi để chỉnh sửa, hoán cải lòng dân hướng về một dung mạo mới, hoàn chỉnh hơn của Đấng Mêsia của Thiên Chúa: Đấng Mêsia đúng là thuộc dòng Đavít, đúng là người của Thiên Chúa, NHƯNG: phương thức Người sẽ sử dụng để hoàn thành sứ mạng không phải là bằng con đường phô trương của một vị đế vương trần thế, mà là con đường khiêm nhu, tự hạ, bằng những giới hạn, đau khổ của thân phận làm người: Bề ngoài xem như là một thất bại nhưng đó lại là con đường Thiên Chúa chọn để đưa Người Tôi Trung và ơn cứu độ nhân loại đạt tới được vinh quang đích thật, vĩnh cửu.
Phần trích đọc trong phụng vụ cho ta thấy tâm sự của Người Tôi Trung:
-
Luôn lắng nghe Thiên Chúa, chăm chú vào lời Người, suy niệm mỗi ngày với mục đích là để Thánh Ý Thiên Chúa được thể hiện: biến Người Tôi Trung nên môn đệ.
-
Không lẩn tránh sứ vụ đã được trao phó là mang đến sự an ủi, trợ lực cho những người bất hạnh đã kiệt sức.
-
Mặc dù thi ân cho bao người, Người Tôi Trung không nhận được chút lòng biết ơn nào, trái lại chỉ chuốc lấy những lăng nhục, xúc phạm và thống khổ. Nhưng Người Tôi Trung luôn tuân phục, đặt tin tưởng vào Thiên Chúa và trơ mặt trước mọi bất công vì tin vào Thiên Chúa.
-
Dự tính của Yavê đối với Người Tôi Trung (Is 50,4-5a)
-
Ban cho Người Tôi Trung ơn gọi làm “ngôn sứ – môn đệ”: “Yavê cho tôi nói năng như một người môn đệ”
-
Mục đích là cho một sứ mạng: “… biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức”
-
Phương thức đào tạo là tập tỉnh thức lắng nghe mỗi ngày: “sáng sáng … để tôi lắng nghe … mở tai tôi”
Dịch sát: “Yavê cho tôi CÁI LƯỠI của người môn đệ …”. Môn đệ là người tự nguyện đáp lại một lời mời đi theo một ông thầy (x.1V 19,19.20), là người tự ý muốn thụ huấn và với chia sẻ những quan điểm của một ông thầy. Nhưng danh từ “môn đệ” hầu như không có trong Cựu Ước; Bởi vì, mặc dù các ngôn sứ và hiền nhân vẫn có một số người đi theo làm môn đệ và họ cũng ghi khắc vào lòng các môn đệ đó các giáo huấn cổ truyền, nhưng không ngôn sứ hoặc hiền nhân nào dám lấy lời giảng của mình thay thế Lời Chúa; Nên lý tưởng không phải là gắn bó với một ông thầy trần gian mà là trở thành môn đệ của chính Thiên Chúa.
Vậy khi Thiên Chúa muốn ban cho Người Tôi Trung “Cái LƯỠI của người môn đệ”, để “biết nghe” là Chúa muốn trao phó lời Người, mặc khải dự tính của Người cho Người Tôi Trung để rồi Người Tôi Trung thông truyền lại cho người khác cách trung thực.
Sứ mạng của Người Tôi Trung: dùng chính lời Thiên Chúa, nói ra dự tính của Thiên Chúa để nâng đỡ những ai kiệt sức, mệt mỏi, chán chường. Ở mức độ đầu tiên, sứ mạng này được áp dụng cho chính ngôn sứ: ông được Thiên Chúa trao cho trách nhiệm nâng đỡ, ủi an nhóm dân lưu đày đang đau khổ, thất vọng. Ông cố gắng làm cho họ hiểu ý nghĩa của những thử thách đang chịu, giúp họ nhận ra được thánh ý Thiên Chúa trong đó và kêu mời họ sám hối, đồng thời hứa ngày giải cứu.
Thiên Chúa đào tạo: để giúp Người Tôi Trung trở nên môn đệ, Thiên Chúa đã đào tạo … trợ giúp rất nhiều: đó là một cuộc đào tạo kiên trì, thường kỳ: “sáng sáng”, để Người Tôi Trung biết mở tai lắng nghe và biện phân ý Chúa. Cách đào tạo này hàm ý Thiên Chúa luôn ở bên Người Tôi Trung và Người Tôi Trung luôn ý thức, sống được sự hiện diện cứu độ ấy nhờ Thiên Chúa kiên trì nhắc nhở “sáng sáng” ý định của Người cho Người Tôi Trung. Hình ảnh này gợi lên hồng ân “Thiên Chúa ở cùng”.
-
Thân phận Người Tôi Trung khi thi hành sứ mạng (Is 50,6)
Số phận Người Tôi Trung làm lộ rõ ác ý từ phía con người, và cũng cho thấy sự tự nguyện của Người Tôi Trung:
-
Tự nguyện: “tôi đã đưa lưng … giơ má … tôi đã không che mặt
-
Ác ý kẻ dữ: “… người ta đánh đòn … giật râu … mắng nhiếc phỉ nhổ.
Việc loan báo sứ điệp thần linh gặp phải sự chống đối của thính giả. Bản văn không đưa ra lý do của sự chống đối, nhưng chỉ mô tả hành vi đầy ác ý của kẻ chống đối đổ xuống con người của Người Tôi Trung khi ông trung tín thi hành sứ vụ Chúa trao:
-
Bị hành hạ, đòn vọt
-
Bị nhổ râu: luật cấm người Do Thái xén râu (Lv 19,27). Cắt râu ai là hành vi sỉ nhục nặng nề (x. 2Sm 10,2-5). “Nhổ râu” là hạ nhục cách dã man vừa làm đau đớn phần xác, vừa hạ nhục.
-
Khạc nhổ đầy mặt là hành vi khinh miệt tột cùng.
Trong cụ thể, sấm ngôn này có lẽ ám chỉ đến một ngôn sứ đã bị dân chống đối dữ dội khi ông trung tín với sứ mạng. Ngôn sứ ấy có thể chính là Isaia đệ nhị; Tuy nhiên các nét đã được mô tả khiến ta nghĩ đến Giêrêmia hơn: x.Gr 11,18-20;15,10;18,18;20,10 …
Vấn đề là ngôn sứ đem tin vui cứu độ đến cho người ta, tại sao lại bị chống đối? Vì niềm vui cứu độ luôn đi đôi với trách nhiệm và hoán cải:
-
Phải nỗ lực vượt thắng những đam mê thấp hèn nơi mình.
-
Phải chiến đấu vươn lên sống đúng theo đường lối Chúa.
-
Phải dứt khoát từ bỏ lối sống thụ hưởng phóng túng đã dẫn tới nô lệ.
-
Thế nhưng, những kẻ nô lệ thì vô ân, lười chiến đấu, thiếu suy xét, chỉ muốn thỏa mãn ngay trước mắt một cách vô trách nhiệm những dục vọng thấp hèn của mình. Chúng ta thử nhớ lại các hậu quả Môsê phải gánh chịu do đám Do Thái nô lệ trở mặt, vô ơn gây ra cho ông: x. Xh 2,14;5,21-22 …
-
Xác tín của Người Tôi Trung: lời đáp trả tự nguyện của một con người tự do (Is 50,5b-7)
-
Can đảm lãnh nhận sứ mạng không trốn tránh: “còn TÔI, TÔI không cưỡng lại, không tháo lui”
-
Nguyên do của lòng can đảm: xác tín “có Yavê là Chúa Thương phù trợ” (nguyên văn là “ Đức Chúa Yavê”)
-
Hoa trái của lòng xác tín trước thực tế phũ phàng: “ VÌ THẾ” … không xấu hổ thẹn thùng trước những tủi nhục, khổ hình phải chịu.
Trong c.6, ta đã thấy sự tự nguyện của Người Tôi Trung khi nội dung những ác ý của kẻ thù được trình bày dưới dạng lời trần tình của Người TôiTrung ở ngôi thứ nhất số ít “TÔI”. Rồi qua c.5b và c.7, Người Tôi Trung đảm nhận hoàn toàn nơi chính bản thân mình Thánh Ý của Thiên Chúa cũng như những phản ứng vô ơn của dân, trong tinh thần tự nguyện vâng phục dự tính của Thiên Chúa đối với mình.
– Đối với Chúa, Người Tôi Trung không tìm cách lẩn tránh trách nhiệm được trao, không so đo kỳ kèo sợ bị thua thiệt: Chấp nhận đường lối an bình, kiên nhẫn của Thiên Chúa thay vì dùng bạo lực…để loan báo ơn cứu độ, để nâng đỡ kẻ nghèo hèn… Vũ khí là LỜI CHÚA. Loan báo Lời trong an bình, kiên nhẫn.
– Đối với thính giả: Chấp nhận những bất công, vô ơn của họ đối với mình trong niềm tin tưởng là Thiên Chúa sẽ hoàn tất tốt đẹp dự tính của Người không để mình phải hổ thẹn. Cách nói “ trơ mặt ra như đá”, phải được hiểu theo nghĩa tích cực, diễn tả sự vững vàng, không nao núng, giữ lập trường, quyết chí đến cùng. Thành ngữ này cho thấy sự chọn lựa dứt khoát, tự do và có ý thức của Người Tôi Trung, quyết tâm làm theo ý Chúa bất chấp tủi nhục, khổ đau vì xác tín “có Yavê phù trợ tôi”. Dám tự nguyện là vì xác tín “ CÓ CHÚA Ở CÙNG TÔI”
-
Tóm kết:
Bài đọc 1 mô tả vài nét đặt thù của Người Tôi Trung. Đây là một nhân vật huyền bí, nhận từ Thiên Chúa ơn gọi làm “ngôn sứ – môn đệ”, để thực thi sứ mạng nâng đỡ an ủi kẻ khốn cùng, bằng con đường an bình kiên nhẫn loan báo Lời Chúa, luôn vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong mọi lúc, biết dùng chính những đau khổ bất hạnh của mình, biết khai thác những ác ý của kẻ chống đối, biến tất cả nên phương thế tuyệt hảo để thực thi dự tính yêu thương của Thiên Chúa. Nét dung mạo này quả là nghịch lý, lạ lùng, khó hiểu so với quan niệm giải cứu, hạnh phúc theo nhãn giới nhân loại. Chỉ đến khi Thập Giá của Đức Giêsu xuất hiện, ta mới chiêm ngắm và dần tiếp cận với thực tại và khám phá dần ý nghĩa của sấm ngôn này bằng chính kinh nghiệm sống (Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta đi con đường của Người Tôi Trung: Vác Thập Giá của mình theo Chúa mỗi ngày) hơn là bằng suy lý. Quả thật, trong đức tin, đọc lại Tin Mừng, ta nhận ra Thập Giá của Đức Giêsu là điểm tới, hội tụ: Vừa là ý của Cha, vừa của sự tự nguyện của Con, vừa của ác ý phàm nhân.
Mặc dù hình dáng bên ngoài thật dữ dằn, nhưng hoa trái của Thập Giá thật tuyệt vời: Danh Thiên Chúa cả sáng; Đức Giêsu được tôn vinh; nhân loại được cứu độ.
-
Pl 2, 6 – 11
-
Ý Cha:
* VÂNG LỜI cho đến nỗi BẰNG LÒNG chịu chết, chết trên Thập Giá (Pl 2, 8).
– Chết : Là án Thiên Chúa đã báo trước cho con người nếu BẤT TUÂN lời Chúa (St 2, 17). Và con người đã thẳng thừng khước từ Thiên Chúa, nên cái chết trở nên như bản chất của tội nhân.
– Chết Thập Giá: Là cái chết khổ nhục cùng cực dành cho các tội nhân thuộc hạng tiện dân thời Đức Giêsu. Như vậy qua cái chết Thập Giá, Đức Giêsu đã đi đến cùng thân phận phàm nhân tội lỗi: Tội đối với Thiên Chúa lẫn tội đối với xã hội (Gl 3,13 so với Đnl 21, 23); Nghĩa là dù vô tội trước Thiên Chúa lẫn thế quyền (Ga 19,6b.12a), Đức Giêsu vì theo ý Cha (Mc 14, 36) đã sẵn sàng đảm nhận nơi bản thân Người toàn bộ những gì cùng khốn nhất của thân phận người tội lỗi để cứu họ.
– “Vâng lời”, “ bằng lòng” diễn tả sự vâng phục trọn vẹn và tự nguyện của Đức Giêsu. Nhưng Người vâng phục AI ? Vì Người vốn là Thiên Chúa (Pl 2,6) và dù làm người (2,7) thì lẽ ra cũng không bị sự chết khống chế vì Người vô tội. Vậy “vâng lời” đây chỉ là một lời đáp: Muốn thực hiện lời hứa của Cha trong St 3,15 để phục hồi nhân loại. Đường lối lạ kỳ này vượt qua mọi tưởng tượng phàm nhân, chỉ có người con trong cung lòng Cha mới có thể nhận ra và “ bằng lòng” đích thân đảm nhận. Vậy đằng sau sự vâng phục của Đức Giêsu là Thánh Ý Cha. Nói cách khác, Thập Giá là công trình của Cha đã được chuẩn bị từ ngay lúc con người sa ngã (St 3,15); Và Con đến để làm Ý Cha (Ga 4, 34; Dt 10,5 – 6 )
*Thiên Chúa đã siêu tôn Người: Pl 2,9 xác nhận thêm vai trò chủ động của Cha. Chính Thiên Chúa ân thưởng cho Đức Giêsu vì Người đã vâng lời Thiên Chúa đến chết Thập Giá. Điều đó hàm ý cái chết của Đức Giêsu đã thể hiện được Thánh Ý Thiên Chúa nên Thiên Chúa mới làm cho cái chết ấy sinh trái tốt đẹp cho toàn bộ công cuộc sáng tạo (Rm 5,19), đến độ toàn thể vũ trụ phải tôn phục Thiên Chúa (Pl 2, 10-11), nghĩa là hoàn tất công trình sáng tạo (xem lại hình ảnh “hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi …”).
Như vậy, hóa ra bài ca này mặc khải cho chúng ta bộ mặt vị trí đích thực của Thập Giá trong chương trình cứu độ của Cha: Thay vì đó là điềm đến của phận người tội lỗi. Thập Giá giờ đây chỉ còn là một giai đoạn phải vượt qua, để rồi bắt đầu từ đấy, Thiên Chúa trực tiếp can thiệp với sự đồng thuận của con người trong Đức Giêsu (không chống đối như Adam) để đưa công trình sáng tạo đến chỗ hoàn tất. Với Thập Giá là sự đồng thuận vâng lời của Đức Giêsu, từ nay nọc độc của Rắn bị vô hiệu hóa, và rồi từng bước một “Ý Cha sẽ được thể hiện”(Mt 6, 10) và Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự (1Cr 15,28). Thật vậy chóp đỉnh của bài Thánh ca này không phải là phục sinh mà là vinh quang Cha được thể hiện ngang qua việc toàn thể vũ hoàn (trời, đất, âm phủ) đều là cúi đầu phủ phục trước cái tên của một con người: Giêsu. Lúc này con người thể hiện trọn vẹn ơn gọi của mình: Hình ảnh của Thiên Chúa.
Vậy sự vâng phục của Đức Giêsu và được tôn vinh cho thấy Thập Giá là Ý Cha.
-
Sự vâng lời tự nguyện của Đức Giêsu.
Trong bài đọc 2: Chúng ta khảo sát vài nét diễn tả tâm tình tự nguyện của Đức Giêsu.
“ Đức Giêsu KiTô bản thân (en morphe) vốn là Thiên Chúa mà tự hủy mình ra không (êkênosên) mang lấy thân (en morphe) tôi đòi, trở nên giống phàm nhân… hạ mình trở nên vâng lời…” (Pl 2, 6 – 8)
Morphe thường được dịch là “thân phận”, “địa vị”, nói lên đặc nét nội tại của một hữu thể; nhưng cũng có nghĩa “hình dạng”, cái biểu lộ ra bên ngoài tương ứng. Tuy nhiên không luôn nhất thiết là như vậy: Ví dụ có một vị vua cải trang thành người thường để dễ bề tiếp cận thực tế, thị sát dân tình. Trong trường hợp này, độc giả khi đọc câu chuyện, được mời gọi phải vượt qua cái “hình dáng”(morphe ở đây là cái dáng vẻ bên ngoài) tầm thường để nhận ra “thân phận” (morphe ở đây là địa vị, đặc nét vương giả của một ông vua) đích thật của hữu thế ấy. Đó là cái ý nghĩa KÉP của từ morphe trong Pl 2,6- 7.
Áp dụng vào Đức Giêsu: Người tự bản chất có thân phận của một vị Thiên Chúa, lẽ ra Người phải xuất hiện dưới một dáng vẻ tương ứng: Uy nghi, quyền năng như Thiên Chúa tựa những lần Thiên Chúa thần hiện trong Cựu Ước như lúc Hiển Dung, Phục Sinh; Thế nhưng Người đã đến với chúng ta bằng cách mặc lấy xác thân hữu hạn, trở nên giống hẳn phàm nhân, được nhận thấy như một con người; Rồi còn hạ mình đến độ trở nên vâng lời cho đến chết, cái chết Thập Giá.
*Sự tự nguyện của Đức Giêsu: Toàn bộ quá trình biến đổi trên (từ morphe Thiên Chúa đến chết Thập Giá) đều là thái độ tự nguyện của Đức Giêsu được bản văn diễn tả qua 3 động từ:
-“Không nghĩ”= oukh hegesatô (aorist của hegêômai) “phải bằng cho được” (harpagmôn) ngang hàng với Thiên Chúa. Hành động này với động tính từ hiện tại “ vốn dĩ là” = huparkhon (huparkho). Nét tự nguyện nằm ở chỗ Đức Giêsu, dù ý thức bản thể vĩnh viễn của mình “vốn dĩ là” Thiên Chúa (ptc pres) có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nơi nào của “ morphe” Thiên Chúa (x. Mt 26, 53) có thể trấn áp địch thủ dễ dàng ( x. Ga 18, 6) , thế nhưng Người đã hoàn toàn tuân Ý Cha để hoàn tất Ý Cha ( Mt 26, 54; Ga 18,11)
-“ Hủy mình ra không”= êkênnosen (aorist của Kênôo) nghĩa đen “đổ hết ra”, “làm ra trống không”. Từ này hàm ý tự mình làm chứ không là một hậu quả nào đó, không là định mệnh.
Cái mà Đức Giêsu “đổ hết ra” là gì? Là cái morphe, nhưng theo nghĩa thứ hai. Vì cái “morphe vốn là Thiên Chúa” thì không thể bỏ, nhưng cái morphe hình dáng biểu lộ ra bên ngoài thì Người không giằng cho bằng Thiên Chúa. Và điều ấy được diễn tả bằng ba động tính từ aorist hàm ý các biến đổi (do 3 động tính từ diễn tả) được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định trong quá khứ:
“Mặc lấy” = labon (đtt a 2.lambano) hình dáng (morphe) của một nô lệ. Cách nói ám chỉ việc Đức Giêsu nhập thể trong thân phận một con dân nô lệ của Rôma c.7a)
“Trở nên” = gênômênôs (đtt. a2.ginomai) giống như những con người (7c)
Hai động tính từ sau cho thấy Đức Giêsu đảm nhận trọn vẹn kiếp người, sống như một con người và được mọi người nhận thấy như một con người bình thường (x.Mc 6, 2-3)
-
“Hạ mình thấp hèn”= êtapêinosen (aorist của tapêinôo)…“trở nên” (x.7b) vâng lời…(c.8).
-
“được nhận thấy”, “sống”= êurethêis ( đtt.a.pass “êurisko”) như một con người.
Đây là chóp đỉnh của sự tự nguyện. Đức Giêsu đảm nhận đến cùng phận người. Và là một phận người tội lỗi: Cái chết là hậu quả của tội bất tuân lệnh Chúa (St 2, 17) Chết thập giá vào thời Đức Giêsu là nhục hình nặng nhất chỉ dành cho nô lệ phản động; Nghĩa là Đức Giêsu làm người trọn vẹn, đến cùng ngược lại với Adam – trong sự tự nguyện vâng phục Ý Cha. Và chính khi sự tuân phục đạt tới chóp đỉnh thì Thiên Chúa can thiệp tôn vinh Người.
Bản văn không nói đến phục sinh: Khi Thập Giá vừa xuất hiện, Thiên Chúa can thiệp trực tiếp siêu tôn Đức Giêsu đưa Người đi thẳng vào vinh quang thần linh. Chi tiết này phù hợp với Maccô 15,39: Chính khi Người vừa tắt thở vinh quang thần linh của Người được Thiên Chúa mặc khải. Từ nay trong nhân loại đã có một con người đích thực sinh từ dòng dõi Ađam đã chính thức bước vào cảnh vực thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa, trở nên thành phần bất khả phân ly của Ngôi Lời Thiên Chúa được tôn vinh là KURIOS.
Vinh quang thần linh đang dọn sẵn cho mỗi người, cho những ai đi trọn phận làm người như Đức Giêsu. Điều mà nguyên tổ muốn “giằng cho được ngang hàng với Thiên Chúa” thì thật ra Thiên Chúa đã muốn ban cho con người và đặt nó ở cuối chặng đường làm người; Chỉ cần đi trọn con đường làm người như Chúa đã dựng nên là sẽ gặp được điều mà tổ tông mơ ước. Tiếc thay tổ tông đã không tin, bất tuân, đã gây ra bao đổ vỡ. Để phục hồi nhân loại, qua thái độ tự nguyện vâng phục ý Cha, đảm nhận mọi hậu quả nơi bản thân mình, đi cho tới cùng phận người, Đức Giêsu khẳng định một lần nữa: chỉ có con đường làm người trong tuân phục ý Thiên Chúa, con người mới đích thực đạt được khát vọng thần linh của mình. Vì đó là ân huệ nhưng không đã được Thiên Chúa đặt sẵn ở cuối con đường làm người.
-
Ác ý của phàm nhân
Trong bài thánh ca Pl 2,6-11, Phaolô muốn lấy sự tự nguyện đi trọn kiếp người của Đức Giêsu để làm gương khiêm nhường cho tín hữu Philipphê, cho nên khía cạnh “ác ý của con người” không được đê cập rõ ràng ở đây.
4.Tóm kết:
Trong bài đọc 2 này, chặng đường mà Đức Giêsu phải vượt qua để biểu lộ căn tính Mêsia và đạt tới vinh quang thần linh mà Cha đã dọn sẵn, đó là con đường “tự hạ” “ hoàn toàn trút bỏ vinh quang” = hủy mình ra không” = kênôo”đảm nhận thân phận làm người đến tận cùng, kể cả cái chết; Và không phải là cái chết oai hùng, vinh dự của bậc chính nhân, nghĩa khí, mà là cái chết tủi nhục của một tội nhân mạt hạng. Người đã đem tất cả lên thập giá. Đối với Thiên Chúa từ nay “nhân loại tội nhân ấy” đã chết.
Chính ở đáy thẳm của phận người ô nhục ấy, Người đã được Cha siêu tôn, nghĩa là Cha xóa hết nợ cho con người.
Và như thế không một tội nhân nào bị loại ra khỏi lòng thương xót, tha thứ, cứu độ của Ngài trên Thập Giá.
Chính ý Cha, sự tự nguyện của Đức Giêsu mới là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại.
Vậy cho dù cuộc đời có tiêu cực đến đâu đi nữa thì người tín hữu phải CHIẾN ĐẤU để nhận ra ý Cha ẩn tàng trong đó mà sẵn sàng “thờ lạy thánh ý Chúa trong mọi sự đối với con”. “Xin theo ý Cha, đừng theo ý con”.
III. Mt 26,14-27,66
Bài đọc quá dài chỉ xin chia sẻ vài suy tư nhỏ, dựa trên những chi tiết chỉ có một mình Matthêu đề cập đến và chỉ khai triển vài ý trong số trên.
1.Ý Cha:
* Lạy Cha nếu được … Nhưng xin đừng theo ý con mà theo ý Cha (Mt 26,39.42.44):
Chỉ có Matthêu lặp lại ba lần lời cầu xin trên của Đức Giêsu. Điều này cho thấy Thập Giá là dự tính từ ngàn đời của Cha. Và đối với Matthêu thì “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (6,10b) là mối bận tâm hàng đầu của Người (xem thêm Ga 4, 34).
* Các hiện tượng xẩy ra lúc Đức Giêsu tắt thở: (Mt 27, 51- 54)
Được trình bày như một cuộc thần hiện:
– Màn trong Đền Thờ xé ra (x. CGKPV “Tân Ước” 164 “x”)
– Bóng tối xuất hiện giữa ban ngày (x.Am 8, 9)
– Động đất, mồ mả bật tung ra và các vong nhân sống lại (x. Is 26,19; Ed 37,12).
Tất cả những chuyện đó không phải là đã được các ngôn sứ loan báo như những dấu hiệu của sự chấm dứt thế giới cũ và của sự khai mở ra cho một thế giới mới đó sao? (x. Sđd 164 y).
Vậy mặc dù xuất hiện ra bề ngoài với một dung mạo độc ác, hung tàn. Thập Giá -trong ý định từ ngàn đời của Thiên Chúa… chính là sự thành tựu ý định yêu thương của Cha đối với thế giới tội lỗi, và ý định đó được tỏ lộ trọn vẹn và hoàn tất là nhờ tình yêu vâng phục trong tự nguyện của Con.
* Ý Cha thể hiện: Dân ngoại nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (Mt 27,54).
Chính nhờ cây Thập Giá, Ý Cha được thể hiện. Thật vậy, ngay khi Đức Giêsu vừa trút linh hồn (27,54) … thì “viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giêsu … nói: Quả thật ông này là Con Thiên Chúa”. Họ bắt đầu bước vào ngưỡng cửa của đức tin. Ý Cha đang dần thể hiện!
2.Ác ý phàm nhân:
Vài nét đặc thù của Matthêu:
* Sự phản bội đưa tới diệt vong: chỉ riêng Matthêu thuật lại lời Giuđa hỏi Đức Giêsu về việc ông bán Thầy “Rapbi, chẳng lẽ con sao? Đức Giê su đáp “chính anh nói đó”. Đối với kẻ phản bội, Đức Giê su không còn là “Kuriê = Chúa” nữa mà chỉ còn là Rapbi = Thầy” (50 câu 22 với 25).
Do đó khi Giuđa tỉnh ngộ nhận ra sai trái của mình thì ông đã không đủ cậy trông để trở lại với “Chúa” mà đã tuyệt vọng chọn giải pháp “trốn chạy” nơi cái CHẾT.
Ngày nào còn xác tín Đức Giêsu là “Chúa” của mình thì sẽ giữ vững được lòng trung tín và cậy trông trước giông tố bão bùng.
* Một chi tiết khác chỉ có Matthêu ghi lại biểu lộ ra ác ý của phàm nhân là thái độ né tránh, lẩn trốn trách nhiệm của Philatô (Mt 27, 24). Qua việc “rửa tay” này, Philatô muốn nói với người Do Thái rằng: Không phải Philatô, mà chỉ một mình người Do Thái phải chịu trách nhiệm về chuyện gì sẽ xảy ra sau đó (Sđd 161 “d”).
* Chóp đỉnh của ác ý:
Và khốn thay, đám đông do bị xúi giục và vì vô ý thức, đã không ngần ngại nhận trách nhiệm, và khốn thay, như thế về mặt pháp lý phải gánh chịu mọi hậu quả do lời mình đã thề thốt. Hậu quả không chỉ đổ trên họ mà còn cả dân tộc “và con cháu chúng tôi” (Mt 27, 25)
Như vậy sự vô tri (dân), sự vô trách nhiệm (Philatô), sự hận thù mù quáng điên cuồng đã hợp lực loại trừ Đức Giêsu. Sự diệt vong đang đứng chờ trước ngỏ.
May thay Thiên Chúa đã đảm nhận mọi hậu quả đó như trách nhiệm, công cuộc của Người nên đã hóa giải được mọi hậu quả và mở ra con đường sống mới cho ai tin vào Chúa.
3.Sự tự nguyện của Đức Giêsu
Chóp đỉnh của tình yêu tự nguyện là việc lập bí tích Thánh Thể. Trong công thức truyền phép rượu, Mt 26, 28 có thêm riêng câu “…máu đổ ra cho muôn người ĐƯỢC THA TỘI”. Như vậy tình yêu tự nguyện của Đức Giêsu đã ban trước linh dược để trị nọc độc hủy diệt của lời dại dột 27, 25. Máu Đức Giêsu sẽ đổ ra, nhưng không để làm bằng chứng kết án mà để tha thứ, “cho muôn người được tha tội”
– Trong bữa Tiệc Ly Đức Giêsu sống trước kì hạn Mầu Nhiệm Thập Giá của người và làm biến đổi hẳn ý nghĩa của Thập Giá: dấu chỉ của hận thù tội lỗi trở thành dấu chỉ của tình yêu cùng tột. Dấu chỉ của sự bội phản lại trở thành biểu tượng của lòng trung tín thứ tha (26, 28 và chú thích y)
– Ác ý của con người được Đức Giêsu biến thành máng chuyển sự sống và tình yêu nuôi dưỡng nhân loại. Cây chết chóc (Thập Giá) lại trở thành nguồn mạch của Bánh Trường Sinh và Chén Cứu Độ. Cái biến cố đau thương nhất thời đã trở nên suối nguồn hạnh phúc vĩnh cửu cho nhân loại qua muôn thế hệ.
– Biến cố làm cho các môn đệ tan tác đã được Đức Giêsu biến thành trung tâm hiệp nhất làm các kẻ tin nên một tấm bánh, một thân thể.
– Như vậy qua việc lập Bí Tích Thánh Thể, Đức Giê su chẳng những làm chủ, điều khiển biến cố theo ý Người mà còn làm chủ, điều khiển cả dòng lịch sử cả vận mạng vũ trụ.
4.Tóm kết:
Tin Mừng mời chúng ta chiêm ngắm thập giá cứu độ của Đức Giêsu. Để hiểu đúng ý nghĩa của Thập Giá trong chương trình cứu độ cần phải nhìn toàn bộ dự tính của Thiên Chúa đã được mạc khải tiệm tiến trong Kinh Thánh, chứ không chỉ xét đoán thoáng qua vài nét cụ thể của một sự kiện lịch sử nhất thời chóng qua dễ có nguy cơ dẫn đến một sự bất công là “quơ đũa cả nắm” khi quy trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu cho mọi thế hệ người Do Thái đáng thương không hề dính bén vào vụ này. Cuối cùng ra tình yêu cứu độ của Thiên Chúa vẫn là sợi chỉ xuyên suốt hướng dẫn cách đọc hiểu các biến cố. Thập Giá của Đức Giêsu đã được dựng lên là để cứu toàn thể vũ trụ trong suốt dòng lịch sử, trong đó có cả Giuđa, Caipha…và những kẻ đã có ác ý với Người. Ơn cứu độ phổ quát này đã được minh họa ngay tức khắc qua sự việc viên sĩ quan Rôma cùng lính canh đã tuyên xưng Đấng chịu đóng đinh là Con Thiên Chúa. Điều mà trước đây người ta khước từ và dựa vào đó mà lên án Đức Giêsu, thì nay đã được công khai nhìn nhận khi Đức Giêsu đã được treo lên. Đó mới lạ điểm tới của Thập Giá.
Vậy Thập Giá không phải là một bại trận trước sự ác, mà là một chiến thắng của tình yêu, của tự do. Chính khi dám để sự ác bộc lộ ra hết “đòn thế” của nó ngay trên chính thân xác Người thì đó chính là lúc Đức Giêsu vô hiệu hóa nọc độc của sự ác tử thần, giải phóng nhân loại khỏi ách Satan.
Đối với những ai tin vào Đức Giêsu, từ nay, khổ đau và sự chết không còn làm cho họ khiếp hãi đến độ tê liệt nữa, nhưng cùng với thập giá của Đức Giêsu, họ đã tận dụng chúng như những phương thế để sống trọn vẹn kiếp người với mọi hệ quả tốt xấu của nó như Đức Giêsu đã sống để rồi sẽ cùng Người tiến vào vinh quang.
Frère Pierre Đình Long FSC