Lc 9, 11-17
Trường sinh là mơ ước của con người mọi thời, mọi nơi. Thực thế, ai cũng muốn sống mãi. Người ta chúc nhau trường thọ. Chúc cho nhau bách niên giai lão. Chúc cho trăm tuổi, bạc đầu râu. Người ta mong sống thất thập cổ lai hy, và mấy ai vượt ngưỡng 100.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bẩy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi.(Tv 90,10).
Muốn sống mãi, các vua chúa, các lãnh tụ thường tìm các bài thuốc trường sinh bất lão, thường cho đắp tượng, xây tượng đài, lăng mộ hay vẽ chân dung. Ngày nay người ta chụp hình, liên kết di ảnh hay viết gia phả. Nhưng con cháu nhớ được mấy đời tiền nhân?
Các thánh nhân sống mãi bằng gương sáng, bằng cuộc sống đạo đức, thánh thiện. Các chính trị gia, các nhà khoa học sống mãi bằng những thành quả xã hội và khoa học. Các nghệ sĩ, các văn nhân thi sĩ thì sống mãi bằng các tác phẩm nghệ thuật, văn chương, thi ca.
Nhưng rồi tất cả cũng sẽ đi dần vào quên lãng.
Chắc chắn chưa có ai dám nói như Chúa Giê su: Này đây thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. (Mt 28,20).Thật thế, Chúa Giê su sống mãi trong Giáo Hội. Ở đâu có Kitô hữu thì ở đó có Chúa Kitô hiện diện và Ngài còn sống mãi trong cộng đoàn đó. Nơi nào có hai, ba người họp mặt vì danh Thầy ở đó có Thầy hiện diện.
Đây là Mình Thầy:
* Để sống mãi với các môn đệ và với Giáo Hội, trước khi về với Chúa Cha, Chúa Giê su đã lập bí tích Thánh Thể. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giê su nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.(Mt 26,26). Rất nhiều lần Chúa Giê su nhấn mạnh phải ăn thịt và uống máu Ngài, mới có sự sống đời đời.
Đây là một màu nhiệm trọng đại, nhưng lại là một màu nhiệm vượt trí loài người, nên Thiên Chúa đã chuẩn bị từ rất xa, cho dân được ăn Manna, được ăn bánh bởi trời khi còn trong sa mạc.(Xh 16,15). Sang thời Tân Ước, khi Chúa Giêsu đi rao giảng, đã nhiều lần Ngài hóa bánh ra nhiều để nuôi dân (Lc 9, 16-17), để chuẩn bị tâm lý dân Chúa, khi Ngài lập phép Thánh Thể.
Ngày nay nói đến ăn thịt và uống máu, mọi người đều ghê sợ. Nhưng mỗi người chúng ta, chín tháng mười ngày trong bụng mẹ, chúng ta cũng phải ăn thịt và uống máu mẹ mình, mới phát triển, mới sống. Sinh ra rồi, phải bú sữa mẹ. Một cách nào đó, chính là ăn thịt và uống máu mẹ. Nên lời Chúa Giê su nói có thể hiểu được và chấp nhận được. Nhưng nhiều người lại nói: Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?(Ga 7,60).
Đây là Máu Thầy:
*Một bệnh nhân hay một nạn nhân bị mất máu thì cần có người hiến máu, cần được tiếp máu. Mất máu, hết máu là chết. Máu cứu sống, máu đem lại sự sống, máu nuôi sống. Đêm trước khi xuất hành khỏi Ai Cập, người Do Thái phải giết chiên, lấy máu bôi lên cửa. Thiên thần Chúa trừng phạt người Ai Cập, nhưng nhà của người Do Thái, có máu bôi trên cửa, thì được cứu thoát. Người Do Thái được thoát chết là nhờ máu con chiên. Chúa Giê su trở thành Chiên Vượt qua khi Ngài hiến máu mình cho mọi người được sống.
*Trong bữa tiệc ly, Chúa Giê su nói với các môn đệ: Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. (Mc 14,24). Nếu như trong cựu ước, Môsê đã ký giao ước giữa dân Do Thái với Thiên Chúa trên núi Si nai bằng máu bò (Xh 24,5-8) thì nay, trong tân ước, Chiên Thiên Chúa lấy chính máu mình để ký giao ước giữa Thiên Chúa và con người.
Để thề nguyền sống chết với nhau, nhiều cuộc kết nghĩa huynh đệ có tục lệ uống máu ăn thề. Những người kết nghĩa sẽ cùng nhỏ chút máu vào ly rượu rồi cùng uống. Uống máu Chúa Giê su, chúng ta cũng đi vào giao ước với Ngài. Chúng ta cùng kết nghĩa huynh đệ, cùng sống, cùng chết với Ngài.
*Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước , đổ ra cho muôn người được tha tội. (Mt 26,27-28). Trong cựu ước, người ta giết con vật làm của lễ dâng lên Thiên Chúa, thày tư tế lấy máu con vật vảy lên tội nhân để ban ơn tha tội.(Lv 4, 16-18). Trong Tân ước, Chiên Thiên Chúa đổ máu ra để chuộc tội nhân loại.
Giáo Hội Chúa Kitô thật là hạnh phúc:
Chúa ở cùng Giáo Hội mọi ngày cho đến tận thế.
Chúa cứu chuộc, tha thứ và luôn nuôi dưỡng bằng Mình Máu Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra ân phúc này để luôn tìm đến Thánh Thể Chúa.
Nguyễn Đức Lân