Lễ Tro…

Bản văn này diễn tả rõ linh đạo Mùa Chay, cũng như những điểm nhấn của nó vào thời cha Eymard. Bắt đầu với nghi thức xức tro, bản văn này triển khai thành một bài suy niệm về ba điểm:

– Tro gợi nhắc chúng ta về nơi xuất xứ của mình: về cát bụi, và do đó chúng ta được mời gọi sống khiêm tốn.

– Nghi thức này, ban đầu được dành cho các tội nhân công khai, nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân, do vậy chúng ta nên tỏ lòng ăn năn và hoán cải.

– Tro nhắc cho chúng ta biết chúng ta sẽ trở về với cát bụi, do đó tro nhắc chúng ta về cái chết chắc chắn xảy đến, về những việc mà hết thảy chúng ta phải chuẩn bị.

Để đi vào tinh thần của Giáo hội và lòng đạo đức của anh chị em, không gì tốt hơn bằng việc giải thích ý nghĩa của ngày lễ tro. Tro nói rõ lên ba sự thật: sự khiêm hạ nơi nguồn gốc của chúng ta, cần phải hoán cải, cái chết cận kề.

Sự khiêm hạ nơi nguồn gốc của chúng ta

Trước hết: Giáo hội khai mạc Mùa Chay thánh bằng việc xức tro lên đầu, với lời nhắc nhở: Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro [x. St 3,19]

Đó chính là cội nguồn của chúng ta, đó chính là thành phần làm nên bản tính nhân loại của chúng ta. Vì thế, Chúa Thánh Thần có nhiều lý do để phán rằng: Làm sao tro bụi lại dám kiêu căng? [Hc 10,9] Không có gì trong tro cả: không quyền sở hữu, không khả năng, không tiềm năng: vì thế, không có giá trị nội tại nào nơi con người cả, không có gì cả; thật là hư vô trống rỗng, một chút tro bụi đã trở thành con người nhờ quyền năng Thiên Chúa. Vậy nên, nếu con người là hư vô trống rỗng, nếu con người có bất kỳ phẩm chất hay công trạng nào, thì tất cả đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và thuộc về Ngài.

Nếu con người làm được những việc lớn lao, thì vinh quang phát xuất từ ân sủng Chúa, là Đấng giúp con người hành động và đạt được thành công.

Tro bị chà đạp, nhưng chúng không phàn nàn, chúng sẽ sai khi làm như thế, vì đó là nơi ở bẩm sinh dành cho chúng, đó cũng là nơi ở của chúng ta, vì chúng ta chỉ là một chút cát bụi mà thôi; và đó là chỗ dành cho chúng ta để đưa ra một lý do chính xác hơn, bởi lẽ tội lỗi đã thâm nhập vào trong chúng ta. Ngày nào đó chúng ta sẽ bị mọi người giẫm lên, nhưng chẳng có bất kỳ công phúc nào. […]

Tro được Giáo hội làm phép, để chúng có thể trở nên những dấu hiệu và kênh chuyển thông ân sủng. Ân sủng gì vậy? Thưa, ơn hoán cải, là chân lý thứ hai mà tro muốn nói tới.

Cần phải hoán cải

Giáo hội xức tro vào đầu Mùa Chay nhằm nhắc chúng ta rằng vì là những tội nhân, chúng ta phải cố gắng hoán cải. […]

Vào thời kỳ sám hối tập thể của các tội nhân, Giáo hội, trong ngày đầu tiên của Mùa Chay, sẽ đưa họ đến cửa cung thánh, và tại đó, Giáo hội tuyên bố họ là những hối nhân qua việc xức tro và đề ra cho họ việc thực hành sám hối, sau đó mời họ về, vì họ cảm thấy bất xứng khi tham dự cùng cộng đoàn; họ không còn vào nhà thờ nữa cho tới khi kết thúc việc sám hối của mình. Họ vẫn đứng ở bên ngoài cửa, cầu nguyện ở đó, và van xin sự trợ giúp của anh chị em giáo dân. Giáo hội, theo sự khôn ngoan của mình, đã bảo toàn việc thực hành kỷ luật này chỉ trong ngày lễ Tro, nhưng lại khuyên phải có lòng khiêm nhường và ăn năn thống hối.

Thế nhưng, vì sao phải là việc sám hối tập thể bề ngoài như vậy? Phải chăng chúng ta không thể sám hối cách hiệu quả bằng những bộ áo quần bình thường, và thậm chí là những trang phục đắt tiền? Vâng, đúng thế, vì chúng ta có thể nhìn vào vài vị đại thánh- các thánh nam và nữ- đã ăn năn sám hối giữa cảnh sa hoa, với những áo choàng lộng lẫy và kim cương hột soàn. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận là những biểu hiện bên ngoài của việc sám hối thì rất hữu ích, nó thôi thúc những tâm tình bên trong. Người phàm cần có một dấu chỉ hữu hình. Hãy để ý đến lời chứng của việc này trong các huấn thị về sám hối. Anh chị em có thể tưởng tượng xem là điểm nhắm của những thói quen thô kệch và đáng khinh bỉ trong những huấn thị này có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ dường nào: chúng luôn là một huấn dụ mời gọi sám hối. Và chẳng phải là Giáo hội đã làm điều tương tự như thế sao? Hãy để ý đến cách Giáo hội khoác lên mình phẩm phục có màu sắc u sầu: chúng ta chỉ nghe những bài thánh ca buồn trong đền thánh, và chỉ có những tiếng thở than cùng những lời nguyện xin thống hối và lòng thương xót. Và một ý tưởng khác về sự công chính: chúng ta phạm đủ thứ tội do thân xác của mình gây nên. Tội hão huyền và tội lỗi đam mê dục vọng; chỉ có công lý mới giúp người phạm tội đền tội mà thôi.

Nào chúng ta hãy mau đền mọi tội lỗi của mình ở trần gian này, vì thời gian sám hối rất vắn vỏi, cái chết có thể đang đứng ngoài cửa, và đây là sự thật thứ ba mà tro muốn tuyên bố với chúng ta.

Cận kề với cái chết

Chúng là những dấu chỉ tưởng nhớ đến cái chết. “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro”. Đó là điều xảy đến với chúng ta, một chút bụi khô cằn, không tên tuổi, không nét độc đáo nào, không chút thanh danh, và không tình yêu. Ôi chao! Bởi vậy, chúng ta không được tôn sùng thân xác này, nhưng dùng thân xác như một lễ vật đền tội.

Tro là dấu chỉ sự chết. Khi muốn đốn một cái cây, chúng ta đánh dấu cái cây đó; nó không còn được chăm bón nữa, chúng ta không còn đếm quả của nó nữa. Sự chết cũng nhắc chúng ta về sự trường cửu; bởi vậy,  chúng ta không còn sống cho thế gian này nữa, nơi mà có lẽ chúng ta sẽ không còn ở nữa, vì ôi chao! Ai biết điều này có phải là mục tiêu sau cùng, lời tiên báo sau cùng về sự chết của chúng ta không? Có lẽ là như thế.

Vì vậy, chúng ta hãy sẵn sàng bỏ lại, chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng, thì bấy giờ chúng ta mới luôn bình tĩnh và thanh thản. Khác với người mắc phải lỗi lầm, người phạm tội, người lo sợ ông chủ và vị thẩm phán của mình tới. Ai đang làm việc bổn phận của mình, người ấy sẽ khao khát và chờ mong ông chủ của mình đến trong niềm tin cậy. […]

Hãy sống mùa sám hối này như thể đây là dịp cuối cùng của mình vậy, như thể anh chị em cùng chết với Đức Giê-su Ki-tô, và cùng sống lại với Người trong vinh quang muôn đời.

Ngày 28 tháng 2 năm 1849
Thứ tư sau Chúa Nhật thứ I Mùa Chay (PT 131,1-3)