GIÁO PHẬN VỚI CHẤT LÒNG THƯƠNG XÓT
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Đây là lần cuối cùng tôi có dịp gửi đến quý Cha và quý Tu sĩ những chia sẻ hằng tháng trong phần Lời Chủ Chăn. Trong lần chia sẻ này, tôi không muốn nói một điều mới, chỉ xin chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ điều đã trở thành nguồn gợi hứng cho tôi trong việc đề nghị các chương trình mục vụ và đã là sức mạnh thúc đẩy tôi dấn thân trong các hoạt động mục vụ suốt 4 năm trong sứ vụ Giám mục của Giáo phận. Điều đó chính là LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
1. Tâm tình đầu tiên gửi đến Giáo phận
Sau khi được bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Giáo phận Xuân Lộc ngày 07/5/2016, ngày 31/5/2016 tôi đã dâng Thánh Lễ khởi đầu Sứ vụ tại Nhà thờ Chính Tòa để xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho tôi trong Sứ vụ vừa lãnh nhận. Khi sắp xếp chương trình cho Thánh Lễ nói trên, tôi giữ trong lòng một mục đích thầm kín là muốn có cơ hội thích hợp để gửi đến toàn thể Giáo phận một sứ điệp sẽ là nguồn gợi hứng cho các chương trình mục vụ tương lai và mời gọi mọi người dấn thân canh tân đời sống Đức Tin và thắp lên nhiệt huyết tông đồ.
Yếu tố căn bản của sứ điệp tôi đã gửi đến Giáo phận là “Lòng Thương Xót” và tôi đã diễn tả như sau trong phần chia sẻ cuối Thánh Lễ nói trên: “Ước chi Giáo phận Xuân Lộc chúng ta sẽ là nơi mọi người, kể cả anh chị em lương dân và di dân, đều cảm nghiệm được sự ngọt ngào của lòng thương xót và không ai không là chứng nhân của lòng Chúa thương xót. Nhờ đó, người nghèo, người đau khổ, bệnh tật, các cụ già neo đơn, các gia đình tăm tối, những cha mẹ khổ đau vì con cái, sẽ tìm được sự cảm thông và an ủi, những người lỡ lầm vẫn được đón nhận và khích lệ để hối cải và biến đổi. Con cái giáo phận Xuân Lộc, chúng ta hãy cùng nhau hăm hở cộng tác để biến các gia đình, các cộng đoàn giáo xứ của chúng ta thành những cộng đoàn có chất lòng thương xót”. Sau đó, trong Thư Chung ngày 21 tháng 12 năm 2016 gửi Giáo phận dịp lễ Chúa Giáng Sinh, tôi đã lặp lại lòng mong ước trên như sau: “Ước chi trên mảnh đất Giáo phận Xuân Lộc chúng ta, mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận cũng như mọi người thuộc các Tôn giáo bạn hay không thuộc tôn giáo nào, mọi tầng lớp xã hội, tất cả đều ‘có lòng’ với nhau; mỗi người sẽ tùy khả năng và chức vụ của mình mà thi thố lòng thương xót, xây đắp hạnh phúc cho tha nhân để biến mảnh đất Giáo phận Xuân Lộc thành “Thánh địa lòng thương xót”. Nơi đây, mọi người đều được đón nhận và sống an lành như cá bơi lội tung tăng trong dòng nước mát, như bầy chim bay lượn và ca hát líu lo trên bầu trời xanh.”
2. Thấu cảm lòng Chúa thương xót qua cuộc đời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Khi tôi lãnh nhận sứ vụ Giám mục Giáo phận, Năm Thánh ngoại thường “Lòng Thương Xót” do Đức Giáo hoàng Phanxicô quyết định đã diễn ra được 6 tháng. Nhận biết biến cố này như ân huệ thiêng liêng của Chúa Quan Phòng, tôi đã quyết định chọn Lòng Thương Xót như yếu tố nòng cốt để quy hướng tất cả các suy tư, chương trình và hoạt động của sứ vụ Giám mục của tôi. Đối với tôi, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là tinh thần thiết yếu cần thấm nhuần vào con tim và khối óc của mọi người trong Giáo phận, nhất là các Linh mục và Tu sĩ, để nuôi dưỡng đời sống đức tin của mỗi người và rồi trở thành nguồn gợi hứng, chiếu soi và hướng dẫn các công tác mục vụ, vốn rất đa dạng, nhằm đáp ứng nhu cầu của những con người cụ thể trong những hoàn cảnh khác nhau của thế giới ngày nay. Như vậy, Lòng Thương Xót không đơn thuần là một chương trình mục vụ mà còn là “định hướng” và “linh hồn” của tất cả chương trình mục vụ tại giáo phận.
Sau Thánh lễ khởi đầu Sứ vụ, với sự góp ý của quý Cha trong Ban Tư Vấn và quý Cha Quản hạt, tôi đã mời gọi tổ chức Tuần Đại phúc “Lòng Thương Xót” tại các Giáo xứ và Đại Lễ “Lòng Thương Xót” theo cụm các Giáo hạt. Các sinh hoạt đạo đức này đã khơi lên niềm vui Đức Tin trong các Giáo xứ cũng như các Cộng đoàn Dòng tu và vun trồng lòng cậy trông nơi các giáo hữu, nhất là những người đau khổ phần hồn, phần xác và những người đã lâu năm xa lìa Chúa và từ bỏ Giáo Hội.
Giáo Hội hoàn vũ đã kết thúc Năm thánh ngoại thường “Lòng Thương Xót” ngày 24 tháng 11 năm 2016, nhưng Giáo phận Xuân lộc vẫn tiếp tục chương trình “Lòng Thương Xót” cho đến nay. Được ơn Chúa Thánh Thần soi sáng và thúc đẩy, tôi chọn linh đạo Lòng Thương Xót làm định hướng và linh hồn cho mọi chương trình mục vụ giáo phận. Đây không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên, nhưng là một xác tín đã được thành hình qua những năm tháng ở Roma, được chiêm ngắm và cảm nghiệm, từ một góc độ rất gần, những bước chân mục tử của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Trong 26 năm làm chủ chăn Giáo Hội, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết rất nhiều văn kiện để hướng dẫn Giáo Hội sống Đức Tin và làm chứng cho Chúa Kitô trong những hoàn cảnh cụ thể. Tôi đặc biệt chú ý đến thông điệp “Dives in Misericordia” (Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót) là thông điệp thứ hai trong sứ vụ Giáo hoàng của ngài. Danh xưng “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót” sau này được Đức Giáo hoàng Phanxicô diễn tả thành “Danh Ngài là thương xót”. Thông điệp “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót” là một bài suy gẫm thần học – mục vụ rất phong phú về lòng thương xót của Thiên Chúa trong đó có một câu xác quyết đáng được chú ý đặc biệt liên quan đến sứ mệnh giữa những hoàn cảnh của thế giới đầy dẫy bất công ngày nay: “Công bằng mà không có Lòng thương xót thì trở thành độc ác. Lòng thương xót mà không có Công bằng thì trở thành nhu nhược, yếu đuối”.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II được bầu làm Giáo hoàng khi còn rất trẻ, lúc 58 tuổi. Triều đại Giáo hoàng của Ngài kéo dài 26 năm, với rất nhiều sáng kiến mục vụ và giáo huấn phong phú, hợp thời đại. Ngoài ra, ngài đã đi thăm viếng mục vụ hơn một trăm quốc gia để rao giảng Tin Mừng và khơi lên niềm hy vọng trong lòng mọi người; ở khắp nơi, sự hiện diện của ngài luôn lôi cuốn đông đảo đoàn Dân Chúa và cả những anh chị em không thuộc Giáo Hội Công giáo. Các giáo huấn của ngài có tầm ảnh hưởng rộng lớn khắp thế giới và tác động không nhỏ đến cả môi trường xã hội và chính trị. Bằng chứng là dịp lễ an táng ngài, dù Tòa Thánh không có thư mời chính thức gửi đến các chính phủ và tôn giáo, nhưng trong Thánh lễ tại quảng trường Đền thờ Thánh Phêrô, người ta thấy rất đông các vị nguyên thủ quốc gia trên khắp thế giới và các vị đại diện các tôn giáo lớn. Điều này nói lên tầm ảnh hưởng sâu rộng của ngài và của Giáo Hội Công giáo trên thế giới.
Thế mà cũng chính trong thời gian này, khi mà triều đại Giáo hoàng của ngài đang rạng rỡ và khởi sắc, người ta thấy bắt đầu dấy lên khắp nơi những phong trào bạo lực, hận thù, tàn phá, chết chóc làm cho thế giới trở thành nơi bất an và chia rẽ, dân chúng sống trong lo âu, sợ sệt. Ngay cả trong lòng Giáo Hội Công Giáo người ta cũng thấy nhen nhúm những dấu hiệu của sự dữ mà sau này trở thành những cơn bão làm cho Giáo Hội phải điêu đứng. Nhìn thấy sức mạnh của sự dữ dấy lên và lan rộng khắp nơi, cũng như chứng kiến sự yếu đuối của nhiều con cái Giáo Hội, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phải thốt lên một lời, mà đối với tôi, là ánh sáng chiếu soi cho cuộc chiến đấu trong đời sống thiêng liêng và dấn thân mục vụ: “Sức mạnh của sự dữ quá lớn mà con cái loài người lại quá yếu đuối, nên chúng ta chỉ còn trông cậy nơi Lòng Thương Xót của Chúa mà thôi”. Cũng trong thời gian này, tôi đã đọc cuốn “Before the living God” (Trước nhan Thiên Chúa hằng sống) của nữ tu Ruth Burrows, trong đó, tác giả nhận xét về con người: “Người tội lỗi không luôn luôn là những con người ác độc, nhưng là những người yếu đuối, bị sức mạnh của sự dữ lôi cuốn”.
Như thế, sống trong khoảng thời gian dài tại chính trung tâm của Giáo Hội tôi đã trải nghiệm và dường như tôi đã “đụng chạm” đến những nỗi đau quằn quại của thế giới và của Giáo Hội dưới sức mạnh của sự dữ. Đúng là “sức mạnh của sự dữ quá lớn mà con cái loài người lại quá yếu đuối” nên tôi cũng cảm thấy chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa mới là nơi nương náu và là nguồn hy vọng của loài người. Sức mạnh của sự dữ thật khủng khiếp, nhưng sức mạnh quyền năng của lòng Chúa thương xót còn mạnh hơn và đã chiến thắng sức mạnh của sự dữ (x. Rm 5,20-21; Rm 6,6). Chính lòng thương xót của Chúa là sức mạnh nâng dậy nhân loại yếu đuối đang bị sức mạnh của sự dữ nghiền nát và đè bẹp. Đối với tôi, điều này không còn là lý thuyết thần học, nhưng là kinh nghiệm sống, tạo nên trong tôi một xác tín không gì có thể lay chuyển và đã trở thành tâm niệm đời Giám mục của tôi: “Này là Mình Thầy…”. Chúa đã chiến thắng sức mạnh sự dữ bằng tình yêu thương xót qua sự dâng hiến trọn vẹn trên Thập Giá đã được Chúa loan báo trong Nhà Tiệc Ly: “Này là Mình Thầy, các con hãy nhận lấy mà ăn; này là chén máu Thầy, các con hãy nhận lấy mà uống” (Mc 14,22-25).
Người ta thường nói: “Thiên Chúa yêu nhân loại” và thánh Gioan đã định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu – Deus Caritas Est” (1Ga 4,16). Đúng là như vậy, nhưng trong thinh lặng của những giờ chiêm niệm và gẫm suy, tôi nhận thấy là nói “Thiên Chúa yêu nhân loại” thì không đủ và còn quá nhẹ nên phải nói là “Thiên Chúa thương xót nhân loại”. Tình yêu diễn tả như sự quảng đại, cởi mở đón nhận tha nhân và có lòng tốt đối với mọi người, còn lòng thương xót thì mạnh hơn, nói lên tình yêu đối với những người không đáng được yêu, những người không có gì để đáp trả, những người từ khước tình yêu, chống đối và làm khổ mình nhưng vẫn sẵn sàng chấp nhận chịu đau khổ và thiệt thòi để họ được cứu sống. Đó chính là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Con Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu khổ, chịu chết để cứu chuộc nhân loại lầm than tội lỗi: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.” (Lc 5,31-32; x. Mc 2,17).
Khi một người được lòng Chúa thương xót thấm nhuần và chiếu soi thì tâm tình, cách nhìn, cách sống và tất cả cuộc đời sẽ thay đổi:
-
Thường tình, ít ai thực sự nhìn nhận mình tội lỗi và yếu đuối, mặc dù có nói công khai mình là kẻ có tội. Nhờ được lòng Chúa xót thương đụng chạm, chúng ta dám thật lòng nhìn nhận mình là kẻ yếu đuối và tội lỗi, đồng thời cũng cảm nghiệm niềm hạnh phúc vì được Chúa xót thương. Nhờ đó, chúng ta sẽ trở nên những con người khiêm nhường, dịu hiền, an bình, bao dung và sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm và yếu đuối của tha nhân.
-
Lòng Chúa xót thương sẽ thay đổi tất cả tâm tình, cách ứng xử và cách làm mục vụ, nhất là đối với những người khó tính, gây phiền toái và chống đối. Cảm nghiệm về lòng Chúa xót thương dẫn đưa chúng ta vào chiều sâu của con người và của công việc mục vụ để nhận ra được sứ mệnh của Giáo Hội và trong Giáo Hội sứ mệnh của các Linh mục và Tu sĩ luôn luôn là sứ mệnh xót thương và cứu rỗi “nhân loại lầm than, tội lỗi”. Lòng thương xót phải mạnh đủ để giúp chúng ta biết kiên nhẫn, bao dung, tha thứ và khi cần còn biết chấp nhận đau khổ để giải thoát những con người đang bị chi phối và lôi cuốn bởi sức mạnh của sự dữ như ích kỷ, thú vui, đam mê, thù hận, bạo động.
-
Lòng thương xót mở ra cho chúng ta viễn tượng của hy vọng là các gia đình trong Giáo phận chúng ta sẽ trở nên “Mái ấm của lòng Chúa thương xót”, các giáo xứ sẽ là nơi an bình và chính Giáo phận chúng ta sẽ trở thành “Thánh địa lòng thương xót”. Nhờ đó, gia đình, Giáo xứ, Dòng tu và chính Giáo phận sẽ là nơi hạnh phúc, không phải vì tất cả đã hoàn hảo, nhưng vì mọi người đều thấm nhuần và có “chất lòng thương xót” nên biết kiên nhẫn, thông cảm, bao dung và tha thứ cho nhau.
3. Bí quyết để sống lòng thương xót
Tục ngữ nước Ý có câu: “Tra sapere e fare, c’è in mezzo un mare” (Giữa “biết” và “làm”, có một khoảng cách là cả một đại dương”. Người ta có thể nghe nhiều, nói nhiều về lòng Chúa thương xót, nhưng sống theo lòng thương xót lại chẳng được bao nhiêu. Nhu cầu thiết yếu là phải chấp nhận luyện tập để sống theo lời thánh Giacôbê đã căn dặn: “Anh em hãy đem Lời ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.” (Gc 1,22). Dưới đây là hai điểm cần được lưu tâm luyện tập:
a. Thanh thoát khỏi tất cả
Để có thể thực hiện và sống theo lòng thương xót, cần phải luyện tập để lòng được tự do, thanh thoát khỏi tất cả vì “tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,14). Mặc dù cần trân trọng những gì là tốt (x. 1Tx 5,21), nhưng trước tiên phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa (x. Mt 6,33) và sẵn sàng bỏ tất cả để được Chúa Kitô vì có Chúa là có tất cả (x. Pl 3,7-9). Ý tưởng này ai cũng biết, nhưng vấn đề ở đây là biến chữ “biết” thành chữ “sống”.
Thế nên, cần phải luyện tập để sẵn lòng buông bỏ tất cả cho lòng được thanh thoát khỏi tất cả: lợi lộc, danh vọng, tình nghĩa, ngay cả những việc tốt, việc của Chúa. Tôi tớ Chúa, Cố Hồng Y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận, sau nhiều năm hăng say hoạt động tông đồ, khi ngồi tù đã khám phá ra sự thật này và đã truyền lại cho hậu thế những lời tâm huyết trong cuốn “Đường Hy Vọng”: “Con hãy tìm Chúa chứ đừng tìm việc của Chúa”. Thành công cũng tốt, thất bại chẳng sao, được người đời quý mến thì tốt, nhưng bị quên lãng cũng chẳng sao, miễn có Chúa là đủ: “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,8-9).
b. Nối nguồn Giêsu
Nếu chỉ thanh thoát khỏi tất cả thì kết quả chỉ là trống rỗng, lòng không có sức sống. Mục đích của việc luyện tập là làm cho lòng trống rỗng khỏi chính mình và khỏi mọi tạo vật để được đầy tràn Chúa là nguồn sức sống và yêu thương. Trong mùa lễ Chúa Giáng Sinh, nơi nơi người ta làm Hang Đá với những ngôi sao và dây đèn đủ mầu sắc. Ban ngày thì chúng im lìm, nhưng đến tối, khi các ngôi sao và dây đèn được nối vào nguồn điện thì tất cả trở nên sống động, rực rỡ muôn mầu sắc và lung linh làm lan tỏa niềm vui và sức sống.
Cũng vậy, để yêu thương mọi người, cả những người không đáng được yêu thương, chúng ta cần được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa giàu lòng thương xót thì mới biết xót thương nhân loại như chính Chúa. Nhờ đó, kẻ tội lỗi sẽ không còn phải là người cần loại trừ, nhưng là người đang cần được giải thoát và nâng dậy bởi lòng thương xót.
Để kết thúc bài chia sẻ này, tôi mời quý Cha và quý Tu sĩ cùng ngước nhìn lên Đức Mẹ là người Mẹ của Lòng Thương Xót: xin Mẹ dẫn dắt chúng ta đến Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu, suối nguồn của Lòng Thương Xót để xác tín mãnh liệt và cảm nếm sâu thẳm về Lòng Chúa Thương Xót. Nhờ đó, chúng ta biết lấy Lòng Thương Xót mà đối xử với mọi người trong cuộc sống cũng như trong sứ vụ tông đồ của chúng ta.
Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc